Chương 4
Tác giả: Bà Tùng Long
Tối hôm ấy, Xuân Lan ngồi ở phòng khách để thuê trong khi bà Phương và các con ở trên lầu. Lúc ấy đã gần mười giờ, chị bếp dọn dẹp và ủi áo quần xong, đi lên ngồi bên Xuân Lan và hỏi:
– Em chưa đi ngủ sao? Khuya rồi.
Xuân Lan nói:
– Em phải làm cho xong cái áo này.
– Việc gì phải gấp như vậy, để mai làm không được sao?
– Em lên lầu thì cũng không ngủ được. Em nghĩ đến ngày rời khỏi mái nhà này, xa chị, em buồn ghê đi ...
Chị bếp thở dài thì Xuân Lan nói:
– Bây giờ nghĩ lại, em thấy chỉ có chị là thật tình thương em ... Thì ra chị đã biết chuyện của em, chị yêu em hay chị thương hại em hả chị?
– Chị yêu em thật đấy chứ ...
Xuân Lan ngồi dựa đầu lên thành ghế và ngước mặt nhìn lên trần nhà, nói:
– Em ao ước một căn nhà ấm cúng, trong đó có chị Mai Lan, em và chị ....Không biết làm sao có được cảnh ấy hở chị? Em ngồi học bài, chị Mai Lan đọc báo, chị ủi quần áo hay may vá ...Lúc ấy em sẽ gọi chị bằng vú, chị có chịu không? Chị Mai Lan đọc báo, tức đóng vai người cha, còn vú là mẹ ....
Chị bếp cảm động nói:
– Em làm chị vú sung sướng quá. Chị thương chị Mai Lan lắm, mấy hôm nay chị đang tình yêu cho chị Mai Lan. Rồi đây ra đời không biết Mai Lan sẽ làm nghề gì để có tiền lo cho em?
– Chị đừng lo, chị Mai Lan đan giỏi, thêu khéo, may cũng lành nghề, và còn làm được cô giáo hay y tá.
– Nghề may đan thì kiếm được đâu nhiều tiền.
– Sao lại không? Mở một tiệm may không làm giàu được hay sao? Chị ấy biết đánh máy, làm thư ký không được sao chị?
– Cũng được, nhưng con gái mà đẹp như chị Mai Lan, đi làm thư ký phiền lắm. Dạo này chị Mai Lan đẹp quá, em có thấy vậy không?
– Chị Mai Lan đẹp quá, chị nhỉ? Người ta nói đẹp thì dễ tìm việc làm, sao chị nói làm thư ký phiền lắm?
Bỗng Xuân Lan cau mày:
– Chị Mai Lan đẹp như vậy, có thể có chồng khác và có chồng giàu sang không chị?
– Cũng có thể lắm.
– Nhưng em không thích vậy. Em muốn chị ấy ở vậy để lo cho em.
– Làm sao được? Đã trở về với đời, ra khỏi nhà tu thì phải làm lại tất cả.
– Vậy thì khó quá ...Em không muốn ở với người thứ ba, dù người ấy là người thân của chị Mai Lan ...Người thứ ba như mẹ em đó, cũng chưa hẳn là người xa lạ, không bà con ruột thịt, vậy mà thật đáng buồn.
Chị bếp lắc đầu:
– Em nghĩ đến chuyện ấy làm gì?
– Em nghĩ suốt đời em ...Rồi đây chị sẽ thấy, em sẽ trở nên xấu xa, đê hèn, lúc nào cũng nghĩ chuyện trả thù.
Chị bếp vội vàng nói; – Em đừng nói nhảm ...Bà là mẹ, là bà ngoại của em.
– Em chỉ cần tình thương chứ không cần những danh từ ngày lớn ấy ...
Chị bếp nhìn Xuân Lan, thấy đôi mắt của Xuân Lan sáng quắc thì không khỏi lo lắng:
– Em còn nhỏ lắm, hãy dẹp bỏ chuyện thù oán lại, rồi đây em sẽ hiểu nổi khổ tâm của bà.
– Bà ấy khổ tâm nỗi gì? Bà ấy có bao giờ lo nghĩ gì đâu, cũng không thương chồng, thương con, suốt ngày chỉ biết đánh bạc. Đi thì thôi, về tới nhà la lối om sòm. Ăn bạc thì thiên hạ cũng biết vì cái lối quà bánh không tiếc tiền, mà thua bạc thì đầu trên xóm dưới cũng biết hết ...Cái nhà này, không phải em nói nịnh chị đâu, nếu không có chị thì đã tan hoang rồi, tụi này tha hồ mà khổ. Trọng Nghĩa, Trọng Tài có đánh bi đánh đáo ngoài nắng đến phát cảm thì bà cũng không biết mà ...
Chị bếp vuốt tóc Xuân Lan:
– Em đừng nói vậy mà có tội ...
Ngày hôm sau, Xuân Lan bị Liên Hương mắng nhiếc thế nào mà Xuân Lan la lên:
– Đừng ăn hiếp tôi, tôi không còn ở đây bao lâu nữa đâu!
Liên Hương nói; – Tao sẽ nói mẹ không cho mày ra khỏi nhà này.
Xuân Lan nói:
– Nếu bắt tôi ở đây thì khổ ai cho biết.
– Mày làm gì ai được chứ?
– Tôi sẽ đi nói ầm lên rồi ai xấu cho biết.
– Nói ầm lên việc gì?
– Việc nhà này. Rồi xem chị có lấy chồng được không? Ai thèm cưới một cô gái xuất thân ở một gia đình đồi bại như vậy?
Liên Hương ôm mặt khóc và gào lên:
– Đó, mẹ thấy không? Nó định giết con đây này. Nó định hại đời con ...Ai làm nên tội để bây giờ con phải chịu? Anh Phát mà hay biết việc nàu thì còn gì là con hả mẹ?
Bà Phương dậm chân kêu trời:
– Con này mày ác đến thế sao?
Và không dằn được sự tức giận, bà lấy cây chổi lông gà quất vào người Xuân Lan, vừa quất vừa la:
– Mày giết tao phải không?
Xuân Lan trân người chịu đòn. Chị bếp chạy lên can thì nó nói:
– Cứ để bà ấy giết tôi, chị đừng can, rồi đây ở tù chi biết.
Hàng xóm đổ qua xem, bà Phương phân bua khéo:
– Con cái gì mà khó dạy quá.
Có người hỏi:
– Sao cháu bướng bỉnh như thế? Hãy xin lỗi mẹ cháu đi.
Xuân Lan nạt lớn:
– Can gì đến mấy người mà chen vào việc gia đình này? Tôi việc gì phải xin lỗi? Các bà biết gì mà bảo là tôi có lỗi? Người ta định giết tôi để khỏi xấu hổ đấy.
Một bà nói:
– Con cái gì mà hỗn như vậy, có giết chết cũng đáng.
Chị bếp đi ra đóng cửa lại, trong khi bà Phương kêu trời:
– Trời ơi, kiểu này thì tôi chết mất.
Xuân Lan nói:
– Bà chưa chết đâu mà sợ.
Bà Phương rít lên và quất chổi lông gà lia lịa:
– Tao chết sống với mày.
Chị bếp nhào vô can và hứng mấy chổi lông gà rát cả thịt.
Vừa lúc ấy ông Phương về, thấy cảnh đó, ông bỏ đi không nói một lời. Bà Phương chạy theo, nhào tới chụp ông, nhưng ông đã đi mất. Bà Phương ngã phịch xuống chiếc ghế dựa và nói:
– Tôi làm sao sống được trong cảnh này hả trời?
Liên Hương thương mẹ, chạy lại lấy quạt phất cho mẹ. Bà Phương ngồi yên một lát, chỉ tay vào mặt Liên Hương và nói:
– Đầu đuôi cũng tại mày. Tao đã năn nỉ tụi bây thiếu điều gãy lưỡi, hãy để cho nó ở đây vài năm nữa ...Tụi bây cũng kiếm chuyện ...
Liên Hương nói:
– Đâu phải lỗi tại con ...Mẹ không thương con.
Bà Phương la lên:
– Bây giờ tao không thèm thương đứa nào hết. Mặc kệ tụi bây với nhau. Tao cũng đi khỏi nhà này. Tao không chết đói đâu.
Mai Hương, Ngọc Hương xúm lại năn nỉ mẹ, Liên Hương khóc lóc kể:
– Đó, các em thấy không, chị đâu có làm gì nên lỗi.
Bà Phương không thể đi được, ngồi lại ôm mặt khóc. Mãi đến chiều tối ông Phương mới về và ông bảo Xuân Lan xếp đồ đạc đi ngay với ông.
Bà Phương hỏi:
– Ít ra ông cũng phải cho tôi biết ông định dẫn nó đi đâu chứ?
Ông Phương nói:
– Nếu tôi không đem nó ra khỏi nơi này thì bà giết nó chết rồi bà ở tù thì sao?
– Ông có biết đầu đuôi câu chuyện ra sao không? Nó hỗn lắm, chịu không nổi.
– Tôi không cần biết. Tôi vừa về đến là đã thấy bà đánh nó như mưa. Tôi dẫn nó đem gởi ở nhà người ta ...
– Không được. Nó là con tôi.
Xuân Lan cười lạt:
– Thưa bà, bây giờ bà mới nói câu tình nghĩa ấy thì hơi trễ đấy.
Mai Hương xấn lại:
– Thưa ba, con Xuân Lan nói hỗn quá, ba đã nghe nó nói chưa? Mẹ thì nóng mà nó cứ chọ tức mẹ hoài.
Bà Phương than:
– Tôi đau tim, ông cũng biết chứ.
Ông Phương nói với các con:
– Ba đưa Xuân Lan lên Đà Lạt học, rồi đây ba sẽ tổ chức lại cái nền nếp ở gia đình này. Ba hứa với các con. Ba tin là các con hiểu ba và không phiền trách ba.
Nói xong ông Phương đi.
Xuân Lan đi Đà Lạt được một tuần thì Mai Lan đã được phép ra khỏi nhà tu để về sống với gia đình. Mai Lan dọn đồ đạc về nhà ông bà Phương rồi đi ngay, không để cho ông Phương gặp mặt. Mai Lan nói với mẹ; – Con thằng ở đây đâu ...Con chỉ gởi đồ đạc để lên Đà Lạt thăm Xuân Lan, xem thử nó ăn ở và học hành như thế nào ...
Bà Phương nói:
– Con phải tìm chỗ ở và việc làm.
– Con không ở Sài Gòn và cũng không làm phiền mẹ về vấn đề tiền bạc. Con sẽ đi làm, mấy bà phước đã giới thiệu cho con vào làm ở các cơ quan từ thiện rồi ...
– Thế con định ở đâu?
– hoặc ở Đà Lạt, hoặc ở Nha Trang. Ở Đà Lạt con thấy không tiện, vì mẹ sẽ không yên lòng ...
Bà Phương nhìn Mai Lan không nói gì thì Mai Lan nói tiếp:
– Vì thế nào dượng cũng lên thăm Xuân Lan ...Con không muốn gặp dượng nữa. Chuyện lỡ lầm của đời con đã làm con ăn năn bao năm nay rồi ...Con rất ân hận là lúc ấy con quá nhỏ nên gây cho mẹ một chuyện đau khổ như vậy, bây giờ thì con không dại nữa ...Xin mẹ yên lòng.
– Mẹ có thể tin ở lời hứa của con không?
– Mẹ có thể tin được. Bao nhiêu năm ở trong tu viện, con đã suy nghĩ và sám hối không phải ít.
– Nhưng còn dượng con?
– Mẹ làm sao giữ dượng con được thì làm. Con không để cho ông ấy gặp ...Rủi sau này trên đường đời con và ông ta gặp lại nhau thì cũng chỉ như người dưng mà thôi ...Ông ấy cũng phải nghĩ đến luân thường đạo lý, đến tương lai các em, chúng nó đã lớn rồi, chúng nó biết chuyện đã qua rồi, ông ấy mà còn phạm lỗi một lần nữa thì nguy lắm, các em con có thể buông xuôi, đi vào con đường trụy lạc thì danh giá nhà này còn đâu nữa. Dù sao thì dượng cũng phải nghĩ đến điều này. Ông ấy là một công chức cao cấp.. Bà Phương nói:
– Mẹ có thể tin con, nhưng không thể tin ở lời hứa của ông ấy. Ông ấy yếu đuối lắm ...
Bà Phương nhìn Mai Lan, không khỏi ngạc nhiên thấy Mai Lan vẫn trẻ và đẹp như khi mới sanh bé Xuân Lan, có phần đẹp hơn là khác. Bà nghĩ:
– Nếu ông ấy thấy con bé thì khó lòng kềm chế được sự thèm muốn.
Bà còn lạ gì tính tình của chồng. Từ khi xảy ra chuyện Mai Lan bỏ đi tu, ông Phương thường đi chơi với bạn bè và suốt mười năm nay ông đã có ít lắm là ba cô nhân tình, cô nào cũng trẻ và đẹp. Bà Phương phải khôn khéo lắm mới làm ông không bỏ bê gia đình. Trong số ba cô nhân tình này, có cô Lucie Châu là người đáng lo ngại nhất. Con thuyền gia đình lúc ây sắp bị đắm rồi, vì ông Phương mê Lucie đến nỗi không về nhà, không đưa tiền lương mỗi tháng để bà nuôi con. Ông Phương đưa Lucie đi Vũng Tàu, đi Long Hải và đi Nha Trang mỗi tuần. Về việc này ai cũng biết, nhưng bà Phương cố tình giấu không cho các con biết.
Bà Phương phải về Huế để cầu cứu với ông bà nội của đám con mới làm cho ông Phương bỏ Lucie. Nhưng sự thật cũng nhờ Lucie đã chán ông Phương vì ông không có nhiều tiền như các ông nhân tình ngoại quốc, nên mới buông tha ông ta ...
Mấy lúc nay có người cho bà Phương biết ông Phương rất si mê cô thư ký mới chuyển đến. Cô này người Cần Thơ, đẹp tuyệt trần. Ông Phương đang trên đường chiếm đoạt tình cảm của Mỹ Lệ, cô thư ký mới, thì xảy ra chuyện rắc rối ở gia đình, nên ông phải dẹp lại đó để dàn xếp việc nhà. Ông đã đưa Mỹ Lệ đi Huế cùng thời gian mà ông bỏ nhà ra đi, viện lẽ bà Phương đã làm nổ trái bom tội lỗi của ông. Khi ông trở về, Mỹ Lệ bỗng xin nghỉ dài hạn và nghe đâu đã về quê sống với cha mẹ ..... Hay biết việc này, nhưng bà Phương đâu còn lòng dạ nào để ghen nữa, bà đang lo cho Mai Lan. Mai Lan mà trở về thì thật là một mối đe dọa tày trời. Mai Lan mới đáng sợ, chứ còn Mỹ Lện hay Lucie Châu, dù ông Phương có si mê thì chuyện ấy cũng không đến nỗi mang tai tiếng nhiều.
Mai Lan thấy mẹ cúi đầu suy nghĩ thì biết mẹ đang phân vân và không thể tin vào sự giác ngộ của ông Phương. Mai Lan nói:
– Bây giờ con xin phép mẹ để đi tìm việc làm. Một tuần nữa con trở lại lấy đồ đạc, cũng có lẽ con không về, con sẽ nhờ người đến chở, hay mẹ bảo chị bếp chở đến cho con, khi con đã có chỗ ở và báo tin cho chị ấy hay.
Bà Phương nói:
– Con phải cẩn thận vì đời đầy cạm bẫy. Mười năm ở nhà tu, con không biết gì về đời đâu.
Mai Lan nói:
– Xin mẹ đừng lo nghĩ gì về con.
Mai Lan ra đi và bà Phương nghe trong người nhẹ nhõm.
Khi Mai Lan đi rồi, chị bếp có vẻ ái náy, nói với bà Phương:
– Thấy cô Mai Lan, tôi ái ngại quá. Dạo này cô đẹp ghê, cái đẹp quý phái, lộng lẫy khác thường. Còn chán vạn người phải mê cô ta như mê bà, lúc ông trước vừa mất. Bà còn nhớ cái dạo người ta ca tụng nhan sắc của cô Tuyết Hoa không?
Bà Phương thở dài:
– Chị nhắc đến chuyện ấy làm gì? Nó thuộc về dĩ vãng rồi ...
– Nhưng bây giờ Mai Lan đang đi vào con đường ấy, vì vậy tôi lo cho Mai Lan quá. Mười năm bị kềm hãm trong nhà tu, bây giờ tiếp xúc với đời, Mai Lan có thể buông xuôi.
Bà Phương hổ thẹn là mình làm mẹ sao lại không nghĩ đến chuyện ấy mà chỉ muốn Mai Lan ra khỏi nhà, không cho ông Phương về gặp. Bà nói với chị bếp:
– Trong cảnh tôi, chị nghĩ tôi phải làm sao bây giờ? Một bên là Mai Lan, một bên là các con tôi sau này. Trên cán cân, lẽ dĩ nhiên mấy con tôi với ông Phương phải nặng hơn ...chúng nó đang có một tương lai sáng lạn trước mắt.
Liên Hương sắp có chồng, đã có người để ý rồi, nếu bên nhà trai hay biết việc này thì nguy quá.
Chị bếp trách khéo:
– Bà biết vậy tại sao bà đối xử rất tệ với Xuân Lan và kêu Mai Lan ra khỏi nhà tu?
– Chị nói gì lạ vậy? Tôi kêu Mai Lan ra khỏi nhà tu bao giờ?
– Thì cũng tại bà, cô ấy mới cởi áo dì phước. Bà không kêu thì cũng chẳng khác gì đã kêu. Nếu bà yêu thương Xuân Lan như các em khác, thì làm gì có chuyện con hoang, con ruột? Rồi thì tức giận, bà đã nói toạc ra hết. Một khi bà đã nói toạc ra thì Xuân Lan không thể ở đây và Mai Lan phải ra khỏi nhà tu để lo cho con chứ.
Bà Phương thở dài:
– Thì cũng tại tôi nóng tánh ...Tánh tôi như vậy, kềm chế không kịp. Từ trước đến giờ hỏng bao nhiêu việc rồi, tôi biết, nhưng tánh nào tật ấy, làm sao bây giờ?
Ông Phương đưa Xuân Lan lên Đà Lạt đến ngay nhà bà Thưởng. Ông trình bày sơ qua cho bà biết về chuyện rắc rối ở gia đình, gởi gắm Xuân Lan cho bà, hứa mỗi tháng sẽ gởi tiền lên đóng tiền trường, tiền ký túc xá. Ông cũng cho bà biết là Mai Lan đã ra khỏi tu viện và ông không muốn gặp Mai Lan, để chuộc lại lỗi lầm ngày trước.
Bà Thưởng mỗi khi Xuân Lan là nói:
– Cháu giống cha cháu lắm. Mấy chị cháu, vậy mà không giống, vì tụi nó giống mẹ.
Xuân Lan thường nhận được thư của Mai Lan, cách xưng hô vẫn không thay đổi, “chị chị, em em” như ngày trước. Như cái thuở Xuân Lan chưa biết Mai Lan là mẹ của mình.
Trong một bức thư gởi cho Xuân Lan, Mai Lan viết:
“Chị chưa thể lên Đà Lạt được, chị hiện đang làm ở Nha Trang. Chị không dám đem em về sống với chị vì trên pháp luật, em là con của mẹ ....Lại nữa, mẹ vì chuyện của em mà đau khổ nhiều, mẹ hiện bị bệnh nặng, mẹ nhớ em và thương em ...”.
Khi Xuân Lan đọc đoạn thư ấy, cô bé giận dõi nói:
– Chị Mai Lan hứa cái gì cũng không giữ đúng lời, chán thật. Thì ra người ta đem ta lên bỏ trên này, chỉ có ba là tình yêu mà thôi ...
Một hôm Xuân Lan đi học rồi không thấy về. Bà Thưởng hốt hoảng chạy đi tìm khắp nơi, không thấy Xuân Lan đâu cả.
Hôm sau, người ta báo tin cho bà biết Xuân Lan bị tai nạn giao thông và được đưa vào bệnh viện Đà Lạt. Bà liền đến nơi thì thấy Xuân Lan nằm mê man, xương ống chân bị gãy và được băng bột. Xuân Lan bị thương, mất máu nhiều nên được truyền máu.
Bà Thưởng liền đánh điện cho ông Phương biết, đồng thời cũng báo tin cho Mai Lan hay.
Ông Phương được tin vội vã lên với Ngọc Hương. Còn bà Phương không lên được vì bà cũng đang nằm bệnh viện bởi chứng đau tim.
Lúc ông Phương lên thì Xuân Lan đã tỉnh, nó rên la và khóc kể thảm thiết.
Ông Phương xin phép được chở Xuân Lan về Sài Gòn, vì vậy khi Mai Lan lên thì Xuân Lan không còn ở đó nữa. Bà Thưởng trách Mai Lan:
– Cháu làm gì mà mấy tháng nay không lên thăm con bé. Nó thương cháu lắm, ngày nào cũng nhắc tên cháu. Nó ao ước một ngày nào đó cháu đem nó về sống chung và cháu đi làm nuôi nó ...
Mai Lan bùi ngùi:
– Mẹ cháu cấm không cho cháu lên đây.
– Vì lẽ gì?
– Vì sợ cháu và ông Phương gặp nhau. Gần đây mẹ cháu tự nhiên bị chứng đau tim.
– Đâu phải tự nhiên. Bao nhiêu chuyện dồn dập, cháu không thương mẹ cháu sao?
– Mẹ cháu đâu có yêu thương cháu. Bà ấy đi lấy chồng, bỏ cháu bơ vơ. Khi cần đứa coi em, bà mới đem cháu về và đẩy cháu vào con đường tội lỗi. Rồi xem cháu như một kẻ tình địch, bà đẩy cháu vào nhà tu. Bây giờ vì tương lai phải Xuân Lan, cháu trở về cuộc đời bụi bặm thì mẹ cháu sợ cháu và ông Phương sẽ gặp nhau nếu cháu nuôi Xuân Lan, vì vậy mẹ cháu buộc không được nuôi Xuân Lan. Mẹ cháu hăm dọa cháu đủ điều, nào sẽ đưa ra ánh sáng chuyện loạn luân của ông Phương, nào Xuân Lan bây giờ là con của mẹ cháu trên pháp luật, cháu không được quyền nhìn nhận nó để làm nhục gia đình ông Phương, làm hại danh dự mấy cô em gái sắp lấy chồng. Mẹ cháu nói nếu không nghe lời sẽ bắt cóc Xuân Lan và đem giam giữ một chỗ nào đó.
– Mẹ cháu tàn nhẫn đến vậy sao?
– Mẹ cháu không đau tim đâu, làm bộ để giữ ông Phương đấy. Khi cháu có ý định ra khỏi nhà tu là cháu nghĩ đến Xuân Lan, nó là con của cháu, cháu phải có bổn phận lo cho nó. Nhưng bây giờ cháu đã bỏ ý định nuôi Xuân Lan.
– Cô hiểu rồi. Đời nhiều quyến rũ đã thay đổi tâm tư cháu. Xuân Lan chỉ là một chướng ngạ vật cho đời cháu mà thôi, phải vậy không?
Mai Lan làm thinh thì bà Thưởng thở dài:
– Tội nghiệp con bé. Mẹ cháu đã đầu độc cuộc đời nó, bây giờ đến phiên cháu.
– Cháu biết làm gì hơn?
Bà Thưởng nhìn chiếc áo pull và cái quần jean bó sát người của Mai Lan và nói:
– Cháu không biết làm gì à? Ít ra mỗi tuần cháu cũng phải viết cho Xuân Lan bức thư để an ủi nó.
Mai Lan tâm sự; – Nhà tu buồn tẻ quá, tuy rộng rãi nhưng không nuốt nổi tâm sự của cháu.
Trở về với đời, cháu thấy đời đẹp quá. Cháu cần phải sống để hưởng thụ những cái đẹp của đời.
Mai Lan nói nhiều lắm và bà Thưởng ngồi nghe không khỏi lấy làm lạ tại sao Mai Lan dám nói những lời lẽ như thế. Nhưng Mai Lan nói tiếp:
– Sanh Xuân Lan, cháu mới mười bảy tuổi, còn nhỏ lắm. Mẹ cháu đã lừa dối mọi người, lừa gạt cả cháu, nói cháu là một thiếu nữ trinh trắng, có tâm nguyện muốn hiến dâng cuộc đời cháu cho Chúa, và cháu đã bắt đầu học đạo ngay lúc áy ...Không, cháu không muốn lừa dối ai hết, không thể lừa dối đấng tối cao, cháu phải trở về cuộc sống.
Bà Thưởng tức giận:
– Vậy thì cháu hãy biến mất luôn trong cuộc đời của Xuân Lan, đừng để con bé hy vọng hão huyền ở tình yêu của cháu.
– Cô khỏi bảo ...Cháu sẽ biến luôn để con bé hết hy vọng và trở về với mẹ cháu. Cháu sẽ viết cho nó một bức thư và nói vì lẽ gì cháu không thể lo cho nó.
Mai Lan đã viết bức thư ấy và Xuân Lan khi đọc xong, làm thinh không nói gì. Nhưng từ hôm ấy Xuân Lan như người câm, ít khi mở miệng chuyện trò với bất cứ ai. Nét mặt của nó lúc nào cũng đăm đăm, xa vắng, đôi mắt sâu thêm và đen lay láy. Xuân Lan nằm ở bệnh viện đến ba tháng, khi cái chân đi đứng được như thường, ông Phương đến đưa Xuân Lan lên Đà Lạt dưỡng bệnh thêm một thời gian nữa. Mỗi tuần ông đều lên thăm và mãi đến khi Xuân Lan đi học lại, bà Phương mới lên. Bà cho bà Thưởng biết bà vừa nhận được thư của Mai Lan và bà không khỏi ngao ngán. Bà nói:
– Bây giờ Mai Lan giao con bé cho tôi.
Bà Thưởng ngạc nhiên hỏi:
– Chứ từ hồi nào đến giờ, Mai Lan có chăm nom, săn sóc cho nó đâu?
– Mai Lan nói về vật chất thì không, nhưng về phần hồn thì lúc nào Mai Lan cũng nghĩ đến Xuân Lan, đến đứa con tội lỗi. Bây giờ ra khỏi tu viện, Mai Lan thú nhận thật ra lúc ấy nghĩ đến đứa con chỉ để có cớ ra khỏi nhà tu, và Mai Lan ngày không muốn bị ai ràng buộc nữa cả.
Bà Phương đưa bức thư Mai Lan viết cho mình cho bà Thưởng đọc. Bà này đọc từng câu, từng chữ.
“Mẹ yêu thương của con, Xin mẹ tha thứ cho đứa con tội lỗi này và dành cho nó một chút tình mẫu tử để nó có thể hãnh diện đi trên con đường đời đầy chông gai này. Tình thương của mẹ cũng sẽ cho nó đủ can đảm nhìn mọi người và quên đi chuỗi ngày u buồn đen tối nhất của con.
Mẹ thương, bây giờ con sẽ làm lại tất cả, con chưa bao giờ thấy ham sống và đời đẹp như lúc này. Thì ta mười năm nay con đã tự gia cầm hay bị giam cầm mà nào có biết gì.
Với tuổi chưa đầy ba mươi, thời kỳ đẹp nhất của đời người, đầy nhựa sống, con không thể dồn ép con như một góa phụ mới chết chồng, con cảm thấy khao khát yêu thương, và mẹ có thông cảm cho con vì lẽ gì không? Con không có cha, có mẹ lại như không, một bầy em mà như không có, một đứa con không dám nhìn nhận. Tất cả tình thương không có, không còn, thì bảo sao con không khao khát được yêu thương hở mẹ Mẹ đừng lo ngại cho con giờ đây như chiếc thuyền khao khát bể rộng, sông dài và chưa đương đầu với sóng ngày gió lớn. Không sao đâu mẹ, lần lần con sẽ rút kinh nghiệm trong lối sống, đời sẽ dạy con và con sẽ khôn lanh tàn ác, lạnh lùng để khỏi bị đời đè bẹp.
Con sẽ đi làm đủ sức tự lo cho con, và mẹ nên yên lòng về hai điểm sau đây:
– Con không bao giờ cho cha Xuân Lan gặp con nữa.
– Con không bao giờ đem Xuân Lan về nuôi. Con sẽ tìm cách để nó dần dần quên và dành hết tình thương cho mẹ.
Con cũng xin mẹ đừng lo nghĩ gì cho con về vật chất cũng như tinh thần. Mẹ dồn hết tình cảm cho các em con và tạo cho chúng một cuộc sống thật bình thản, không còn sóng gió.
Mẹ thấy đó, mấy tuần nay con không về Sài Gòn, cũng không lên Đà Lạt thăm Xuân Lan. Con bé sẽ thất vọng và sẽ oán hờn con. Con cầu mong cho nó ghét bỏ con để về sống với mẹ, hay ở Đà Lạt với cô Thưởng và tình yêu việc học hành.
Thật là một tai nạn bất ngờ. Xuân Lan nếu bị tàn tật thì có lẽ Trời phạt con hay phạt mẹ, chứ con bé thì tội tình gì?
Hiện giờ có người đang thương yêu con và muốn xây dựng với con. Người này có địa vị, giàu có và hơi lớn tuổi. Lớn tuổi lẽ dĩ nhiên là có gia đình. Con đang do dự, luỡng lự về lẽ ấy. Nhưng ở tình cảnh con, con có thể hy vọng một cái gì đẹp đẽ hơn không mẹ? Một người đàn ông còn tân, có thể yêu thương một đứa con gái nạ dòng không? Và con phải nói với họ như thế nào về chuyện dĩ vãng của con?
Một bà nọ thấy con đẹp và hiền lành, lại muốn nhận con làm con nuôi. Bà gó chồng, không con, và giàu có lắm. Con thường đến chơi với bà nhưng bà không biết gì về con, cứ tưởng con ở viện mồ coi và không có người thân thích.
Có lẽ rồi đây con sẽ nhận bà ấy làm mẹ để có nơi nương tựa ...Mẹ tha thứ cho con nếu con phải nhìn nhận một người đàn bà xa lạ làm mẹ.
Con cũng biết làm như thế là chạm vào lòng tự ái của mẹ, gây tủi buồn cho mẹ, nhưng đời con đã quá thiếu tình thương, con biết nói sao bây giờ?
Mẹ rãnh lên Đà Lạt thăm Xuân Lan. Mẹ không đau nặng lắm đâu mà chỉ tại mẹ quá lo nghĩ, thành ra tưởng mình đau tim, vì lúc nào tim mẹ cũng phập phồng hồi hộp. Mẹ cố gắng lấy lại tình thương của Xuân Lan và cho nó một niềm tin, mẹ nên khuyên các em con, Ngọc Hương, Thiên Hương, Mai Hương nên yêu thương Xuân Lan, đừng thù oán nó vì không phải nó là thủ phạm. Nó chỉ là nạn nhân mà thôi.
Mẹ thương, con thật đắc tội với mẹ là từ khi ra đời cho đến bây giờ, con chưa làm được cái gì để mẹ hãnh diện, vui mừng, mà chỉ gây cho mẹ bao nhiêu phiền muộn. Từ nay mẹ tin ở con, con không làm mẹ buồn nữa đâu và có lẽ con sẽ đi khỏi cuộc sống tình cảm của mẹ ....Xin mẹ thương con và tha tội cho con.
Xin mẹ thương Xuân Lan và xây dựng, dạy dỗ cho nó.
Con bất hiếu của mẹ.
MAI LAN”.
Bà Thưởng đọc đi đọc lại bức thư hai ba lần và thở dài:
– Mai Lan viết thật táo bạo ...Dám nghĩ, dám viết và không sợ gì cả.
Bà Phương nói:
– Tôi có thể tin ở nó không?
– Tin là nó không bao giờ gặp lại ông Phương nữa phải không?
Bà Phương gật đầu. Bà Thưởng nói; – Chứ gặp để làm gì? Nó thù ghét ông Phương lắm mà, nhưng việc này con tùy ở bà.
– Tại sao tùy ở tôi?
– Tùy ở cách đối xử với Xuân Lan. Nếu bà bạc đãi Xuân Lan thì Mai Lan sẽ về và mọi chuyện sẽ thay đổi.
Bà Phương cắn môi, suy nghĩ, đoạn nói:
– Tôi rất thương Xuân Lan, nhưng đôi khi vết thương lòng như lở lói lại, tôi điên cuồng vì đau khổ nên đã nói lên những lời bậy bạ có hại cho gia đình. Đến khi ăn năn thì đã muộn.
Bà Thưởng nói:
– Vậy thì từ nay bà nên cẩn thận. Bà vào thăm con bé đi.
Bà Phương vào thăm Xuân Lan, hỏi gì con bé cũng chỉ gật đầu hay lắc đầu, chứ không chịu nói.
Bà Phương nói với bà Thưởng; – Con bé oán ghét tôi lắm.
– Bà hãy bền chí nhẫn nại. Mỗi ngày vào thăm nó một lần, mang quà, thức ăn vào cho nó. Trẻ con dễ dụ dỗ lắm. Nó sẽ thương yêu và trìu mến bà, vì bây giờ nó còn ai để thương yêu và trìu mến nữa?
Bà Phương nói:
– Tôi còn ở đây một tuần ...Tôi cũng ráng làm theo lời bà dặn.
Ngày nào bà Phương vào, Xuân Lan cũng nhìn bà với đôi mắt đen lay láy mà không nói gì. Bà Phương hỏi:
– Con giận mẹ sao?
Xuân Lan lắc đầu.
– Tại sao con không nói gì với mẹ cả?
Xuân Lan thở dài. Bà Phương liền nói:
– Mẹ lên đây để săn sóc cho con, và khi con lành rồi thì mẹ đưa con về Sài Gòn. Con chịu không?
Xuân Lan lắc đầu.
– Con không nhớ mấy chị và mấy em sao?
Xuân Lan rơm rớm nước mắt, bà Phương thấy vậy liền nói:
– Chuyện cãi cọ như thế, gia đình đông con nào mà không khỏi có, nhưng giận hờn rồi thì thôi, chứ ai lại ghim vào lòng như con vậy. Mấy chị con cứ đòi lên thăm con.
Xuân Lan khóc, bà Phương vuốt tóc nó và nói; – con đang học ở Gia Long.
Xuân Lan tủi lòng, khóc lớn, bà Phương nói:
– Con về Sài Gòn, nếu con không chịu ở nhà thì mẹ gởi con vào ký túc xá.
Con ở đây, cô Thưởng thương con nhưng trên này buồn lắm, không có ai bên con để chuyện trò với con.
Mỗi ngày bà Phương mỗi thuyết phục Xuân Lan. Đến ngày thứ bảy thì con bé đã xiêu lòng, nó nói:
– Con về nhà mấy chị không thương con. Lại nữa, con sẽ làm cho cha mẹ không hòa thuận. Thôi, thà để con ở đây. Nhưng mẹ thương con là được rồi.
Còn chị Mai Lan? Tại sao chị ấy không lên đây để thăm con? Chi Mai Lan đã lừa gạt con!
– Chị Mai Lan đã lừa gạt con? Tại sao con lại nói như vậy?
– Chị ấy bảo sẽ ra khỏi nhà tu, đi làm, thuê nhà và đem con về sống chung với chị. Nhưng rồi mọi việc không phải như vậy.
Bà Phương nói:
– Mai Lan chỉ lấy chuyện lôi thôi ở nhà mình để làm cái cớ xin ra khỏi nhà tu. Bây giờ con biết không, chị Mai Lan sắp có chồng, sắp có mẹ nuôi và Mai Lan sẽ về sống với những người ấy.
Xuân Lan bặm môi và nhìn bà Phương, nửa tin nửa ngờ.
– Mẹ không nói sai đâu. Đây, con hãy đọc một đoạn thư của Mai Lan.
Bà Phương xếp bức thư lại, chỉ chừa một đoạn và đưa Xuân Lan đọc ...Xuân Lan đọc xong, nói; – Thôi, mặc chị ấy. Mẹ cứ để chị ấy đi tìm lẽ sống. Mẹ đã làm khổ chị ấy nhiều rồi.
– Trong cảnh mẹ, mẹ làm sao? Nhưng mẹ cầu Trời Phật cho Mai Lan từ nay gặp nhiều may mắn. Mẹ sẽ viết thư cho nó, khuyên nó khoan lấy chồng.
Xuân Lan nói:
– Mẹ nói chị ấy không nghe đâu.