Chương 7
Tác giả: Bà Tùng Long
Bà Thưởng tiếp bà Hà Chi tại phòng khách. Vừa nhìn thấy người khách ấy, bà Thưởng đã không có cảm tình vì đôi mắt của bà có một vẻ gì không ngay thẳng, lại nữa bà ta tuy ăn nói điềm đạm, phong cách cao sang nhưng lại không dễ gây cảm tình trong khi chuyện trò.
Bà Thưởng thấy ngay bà Hà Chi nhận Mai Lan làm con nuôi với một mục đích riêng tư, vụ lợi. Bà Hà Chi mở đầu câu chuyện bằng câu:
– Mai Lan là cháu của bà, cháu kêu bằng cô ruột? Tôi lên đây chỉ để xác nhận điều này. Tôi không làm lạ khi gặp bà, cháu nào cô nấy. Bà quý tướng, giàu có ...
Bà Thưởng không để bà Hà Chi nói hết câu, nói ngay:
– Mai Lan đã ba mươi tuổi, quá tuổi trưởng thành rồi, việc gì cháu đã thưa với bà hay đã hứa với bà là quyền của cháu. Dù là cô hay là mẹ, chúng tôi cũng không can thiệp lầm gì. Nhưng có điều lòng mẹ hay tình cô thì lúc nào cũng không khỏi lo lắng cho con hay cháu có thể lầm lẫn trong sự xét đoán hay định đoạt. Tôi chỉ biết khuyên cháu tôi phải cẩn thận và dè dặt. Lại nữa, thật ra chúng tôi không phải không lo nổi cho cháu, mà chỉ vì cháu aos tánh độc lậo, không muốn làm phiền mẹ cha khi sau cháu còn cả một bầy em; khi tôi, cô cháu, đã già.
Bà Hà Chi cũng không có vẻ gì là bằng lòng về những lời của bà Thưởng, và cũng không có cảm tình với bà ta. Bà Thưởng nói tiếp:
– Cháu đã gặp bà, một người có phúc đức, thích làm việc thiện, trong lúc xế chiều, đồng tiền không biết dùng để làm gì nếu không là để giúp đỡ kẻ nghèo đói, bơ vơ, kẻ sống thiếu tình thương, vì thưa bà, có ai chết mà mang theo được của cải đâu? Nếu cháu tôi có thưa thật chuyện rắc rối của gia đình thì bà xem đó là một tấn bi kịch rất dễ xảy ra ở bất cứ xã hội nào, Đông hay Tây gì cũng vậy.
Bà là người từng trải, tôi tin chắc bà không vì sự khờ dại của cháu Mai Lan mà tiết lộ cho người khác biết. Điều này tôi biết thưa với bà là dư, vì Mai Lan cũng không đến nỗi dại, nó biết trao gởi tâm sự cho bà là không sợ bà nói cho ai khác nghe.
Bà Hà Chi hỏi:
– Thế là cháu đã nói hết cho bà nghe rồi phải không? Tôi rất mến cháu. Thấy cảnh cháu, tôi rất thương, thương trước khi biết rõ tất cả dĩ vãng của cháu.
Hai bà nói chuyện có ve lợt nhạt, nhưng cũng không có gì có thể gây ác cảm cho nhau. Rồi bà Hà Chi ra về, lòng không được vui. Bà có cảm giác như việc bà đang sắp đặt rồi sẽ không thành.
Riêng phần bà Thưởng không khỏi lo lắng là tại sao Mai Lan lại khờ dại đem tâm sự thầm kín của mình nói với một người đàn bà như bà Hà Chi. Việc nhận nuôi Mai Lan chắc chắn có một nguyên nhân gì đây. Không biết Mai Lan có khám phá ra trước khi nhận lời không?
Rồi bà Thưởng tự trách mình tại sao không nói cho Mai Lan biết về món tiền gia tài kia khi Mai Lan ra khỏi tu viện, để chi bây giờ mới nói, như vậy là có chậm trễ không?
Bà Thưởng liền viết cho Mai Lan một bức thư nói rõ những điều bà nhận xét về bà Hà Chi, nhưng bà vẫn dè dặt:
“Cô nhận xét như vậy không biết có đúng không, mặc dù từ trước đến nay cảm giác đầu tiên của cô khi tiếp xúc với một người nào không hề sai lầm”.
Bức thư ấy đến cùng một lúc với điều mà Cảnh đã khám phá ra về bà Hà Chi và đã kể Mai Lan nghe trong một lần đi chơi phố. Hai người ngồi trên lầu thượng của một nhà hàng và cùng ăn bánh ngọt, uống nước cam tươi.
– Anh đã biết rõ về bà Hà Chi rồi. Thì ra chỉ là chuyện tranh giành gia tài thôi, em ạ. Nguyên bà Hà Chi khi lấy ông Hà Chi thì đã ba mươi tuổi, mà ông Hà Chi đã có một đời vợ, có một người con trai cũng xấp xỉ tuổi bà ấy. Trước khi ông Hà Chi cưới bà, ông có để một phần gia tài của ông bà để lại, cho người con trai. Rồi bà Hà Chi có thai và sanh con, đứa bé đã chết. Việc này cậu Bá, con ông Hà Chi, không hay biết vì lúc ấy cậu Bá đi làm ăn xa, mãi đâu ngoài Bắc. Rồi ông Hà Chi mất, theo chúc thư thì tất cả gia tài, điền sản của ông sẽ thuộc về con của ông và vợ, nếu bà Hà Chi có con trong thời gian này. Ông Hà Chi làm chúc thư từ khi mới cưới bà. Chúc thư ấy cậu Bá không hay, nên sau này khi bà từ Đà Nẵng dọn vô Sài Gòn rồi dọn về Nha Trang, ở đây không ai biết bà là ai ngoài những công tác xã hội và lòng từ thiện của bà. Bà viết thư cho Bá sau khi ông Hà Chi chết và cho Bá hay là đứa con gái của bà tên Cẩm Hà bị bắt cóc và mấy lúc nay bà đang chờ các thám tử dò tìm ...Bá lúc đầu không quan tâm nhiều đến chuyện tiền của vì trước đó ông Hà Chi đã chia cho chàng phân nửa gia tài trước khi cưới vợ khác. Nhưng nay vì công việc làm ăn thua lỗ, Bá đến gặp bà và cũng có đến văn phòng chưởng khế để xem qua chúc thư. Bá hỏi về đứa em gái tên Cẩm Hà mà bà đã khai trên giấy tờ. Vì cũng chuyện gia tài, quyền lợi mà bà bịa chuyện Cẩm Hà bị bắt cóc lúc lên mười tuổi. Có lẽ vì vậy bà muốn nuôi Mai Lan để rồi đây bắt nàng đổi tên họ thế vào đứa con mà bà tuyên bố đã bị thất lạc? Mưu mô ấy nếu có thành cũng còn phải lắm nhiêu khê và khó khăn, cũng phải lao tâm mệt trí.
Cảnh đem chuyện này nói với Mai Lan khiến Mai Lan sửng sốt. Trước đó, bà Hà Chi có ý nuôi một đứa con của Cảnh, nhưng vợ Cảnh không bằng lòng, lúc ấy bà đã có ý tráo con hay nhận con người khác đóng vai Cẩm Hà. Tính thì bà cứ tính, nhưng chuyện thành hay không lại còn có pháp luật, đâu phải chuyện dễ. Sự thật mấy lâu nay bà đã khôn khéo bán một phần của cải của ông Hà Chi để đổi lại cho bà làm chủ và có chuyển tiền thành nữ trang của riêng bà ...
Cảnh kể xong, nói:
– Chuyện này là chuyện thật, không phải anh bịa đặt đâu. Em không nên nhận lời bà Hà Chi, làm như vậy sau này em không khỏi gặp chuyện phiền phức.
Mai Lan nói:
– Nếu em nhận làm con nuôi của bà thì em cũng có những điều kiện riêng buộc bà phải nghe theo chứ anh.
Nói đến đây Mai Lan toan kể Cảnh nghe về chuyện của mình, nhưng nàng chưa kịp nói thì Cảnh lại kể:
– Trong khi điều tra về chuyện bà Hà Chi, anh tình cờ gặp lại một thằng bạn thân. Lúc nhỏ hai đứa cùng học chùn một trường cho đến bậc trung học. Sau dó anh vào quân ngũ, còn nó thì học ở trường Hành Chánh. Bây giờ nó đang làm ở Sài Gòn, là một cán bộ cao cấp. Gặp nhau hai đứa mừng lắm, nó kể anh biết nó đã xin đổi về Huế. Nó rủ anh về nhà chơi. Gia đình bạn anh có vẻ hạnh phúc, đông con, bà vợ cũng là người đảm đang, mà theo lời bạn anh nói riêng thì trước kia đã có một đời chồng, vốn dòng dõi hoàng tộc.
Nghe đến đây Mai Lan bỗng hồi hộp toan hỏi thì Cảnh đã nói:
– Phương, bạn anh, có vẻ không được vui, xin đổi về Huế vì chuyện lủng củng gia đình sao đó. Anh Phương có hứa khi dọn về Huế rồi, sẽ mời anh ra chơi. Anh Phương có đông con gái lắm, mà cô nào trông cũng đẹp.
Mai Lan lo lắng hỏi:
– Bộ anh có đến nhà bạn anh sao?
– Anh có đến, bạn ở trong một cư xá ở Phú Nhuận.
Nghe đến đây, Mai Lan tái mặt, ngồi không vững nữa. Thấy vậy Cảnh hỏi:
– Em nghe trong người ra sao? Hay là ngồi trên này gió lắm, em không chịu nổi?
– Thôi, chúng ta về nghe anh.
– Thế còn chuyện em hứa với anh.
– Ngày mai em sẽ kể anh nghe về cuộc đời của em, và tuần sau em sẽ lên Đà Lạt.
Cảnh nhìn Mai Lan hết sức ngạc nhiên thấy thái độ kỳ lạ của nàng khi nghe Cảnh nói về ông Phương.
Về đến nhà, Mai Lan ngồi sững sờ cả buổi. Nàng không ngờ mọi chuyện lại xảy ra như vậy. May mà nàng chưa kể Cảnh nghe về chuyện của mình. Âu đây cũng là chuyện hay, còn chuyện bà Hà Chi, Mai Lan không thể nhận lời, nhưng nàng cũng cần gặp để kiểm lại xem Cảnh nói có đúng sự thật không. Còn đối với Sương, nàng chưa kể chuyện riêng tư của mình thì không có gì phải lo nghĩ.
Sương vẫn là người bạn tốt của nàng và tình cảm giữa hai người như vậy cũng đủ rồi.
Mai Lan đến gặp bà Hà Chi. Bà rất vui mừng khi nghe nàng nói:
– Con đến đây để trả lời cho bà biết việc bà đề nghị với con.
– Con đã trả lời với ta rồi, đã nhận lời rồi mà, vì vậy ta đã lên gặp bà Thưởng, cô của con. Cô con không phản đối mà.
Mai Lan nói:
– Thưa bà, con nhận lời làm con nuôi của bà, nhưng con cũng có vài điều kiện trình bày với bà.
– Những điều kiện gì thì con cứ nói.
– Điều thứ nhất, bà có bắt con phải thay đổi họ tên không? Bà có cho con đem Xuân Lan về đây sống với con không?
Bà Hà Chi ngạc nhiên nhìn nàng:
– Con đã là con của ta thì ta phải thay đổi lại họ tên, làm lại khai sanh. Con sẽ là Cẩm Hà, 21 tuổi. Còn vấn đề Xuân Lan, ta sẽ bàn sau. Con là Cẩm Hà, con gái của ta, thì làm sao là mẹ của một đứa gái đã lên mười ba tuổi? Ta có thể xem Xuân Lan như là Cẩm Tú, đứa cháu nuôi đang giúp việc cho ta.
Mai Lan biết Cảnh nói đúng, không phải là sự bịa đặt. Nàng liền thưa với bà Hà Chi.
– Thưa bà, như vậy không được. Dù là con nuôi của bà thì con vẫn là Mai Lan, vì con là con nuôi, đâu phải là con ruột? Con ở đây với bà là để bà tìm thấy một niềm vui trong lúc tuổi già bóng xế, chỉ vậy thôi. Về phần con thì con có một mái gia đinh, nhưng con vẫn đi làm chứ không phải ỷ có bà nuôi mà ăn không ngồi rồi. Đó là điều kiện của con. Lại nữa con xin bà mỗi năm cho con về Đà Lạt một tháng để ở với cô Thưởng con.
Bà Hà Chi không giấu được sự tức giận:
– Cái gì lạ vậy? Tại sao con lại thay đổi ý kiến? Ta đã bảo khi ta làm lại khai sanh cho con thì ta sẽ lo cho con xuất dương du học.
Mai Lan lắc đầu:
– Con không thể đi xa khi ở đây con còn nhiều bổn phận.
– Ta sẽ lo cho Xuân Lan.
– Xuân Lan đã có cô con lo. Bà gặp cô con rồi, chắc bà cũng thấy cô con không phải nghèo túng.
– Con có thể cho ta biết có phải có ai gièm pha chuyện này không?
Lúc ấy không hiểu ai xui khiến mà Mai Lan bỗng nói; – Thưa bà, không ai xúi xử hay gièm pha chuyện này đâu. Sự thật ngoài cô con và bà ra, không ai hay biết việc này. Mẹ con lúc đầu khi nghe bà định xin con làm con, và con đã nhận lời thì mẹ con vì tự ái nên có phản đối và rầy là con, nhưng sao đó nghe cô con phân trần hơn thiệt thì mẹ con không can thiệp nữa. Đây cũng là một chuyện tình cờ thôi bà ạ. Số là ...Mà thôi, thưa bà, con không dám nói. Nói ra, bà lại nghĩ rằng con đã tìm hiểu chuyện gia đình của bà.
Mai Lan ngừng lại nhìn bà Hà Chi rồi nói:
– Bà đừng lo nghĩ gì về sự từ chối này của con. Dù không được làm con nuôi của bà thì con vẫn giữ những cảm tình đẹp đẽ của bà đối với con, và luôn biết ơn sự chiếu cố của bà trước tình cảnh của con. Con chỉ xin bà bỏ qua những gì con đã thưa với bà trước đây.
Bà Hà Chi đắng miệng, không còn biết nói gì. Bà muốn biết ai đã nói gì về chuyện của bà cho Mai Lan biết, nhưng rất dè dặt, bà nói:
– Con không tin ta sao? Thiên hạ họ thấy ta giàu có, sống dư dả, họ bịa đặt, thêu dệt để hạ uy tín của ta thì sao?
– Thưa bà, họ nói mặc họ, con đâu có tin. Nếu con tin thì hôm nay con không đến đây để thưa chuyện với bà. Con vẫn kính nể bà, con sẽ về Đà Lạt nhưng thỉnh thoảng xuống đây, con sẽ đến thăm bà. Tình cảm của con đối với bà vẫn không có gì thay đổi.
Bà Hà Chi nghe vậy, không còn biết nói gì nữa, bà nhìn Mai Lan một lúc lâu, đoạn vui vẻ đứng lên đi lấy bánh và trái cây ra mời Mai Lan. Bà nói:
– Bây giờ con tính sao?
– Con sẽ trở về Đà Lạt. Con không làm ở đây nữa, không còn việc gì dính dán ở đây.
Bà Hà Chi thay hẳn thái độ. Bà không tỏ vẻ tức giận, căm thù, chỉ năn nỉ Mai Lan là nếu có nghe ai gièm pha gì bà thì cũng đừng nói lại cho ai biết, nhất là đừng nói với Sương hay Cảnh. Và cũng đừng nói cho ai biết là bà đã muốn nhận nàng làm con nuôi, muốn đổi họ tên, hạ tuổi nàng xuống ...
Mai Lan nói và nhìn thẳng vào mắt bà:
– Bà hãy tin con, tuy còn nhỏ nhưng con cũng hiểu việc gì cần nói, đáng nói, việc gì phải giữ kín và không cần đem ra phanh phui, nhất là khi đối với bà, con đã kể hết những chuyện riêng tư của con.
– Vậy thì tốt lắm.
Mai Lan đứng lên định ra về. Bà Hà Chi vội vã lấy ở tay bà ra một chiếc nhẫn có chạm hai hạt kim cương, cầm lấy tay Mai Lan toan đeo vào ngón tay giữa của nàng. Mai Lan vội vã rút tay lại.
– Bà cho con làm gì món quà đắt tiền quá vậy? Con làm sao dám nhận.
– Con phải nhận để ta vui. Đây chỉ là một món quà nhỏ, không phải để lo lót sự im lặng của con, mà để đánh dấu sự quen biết của con và ta. Và, đây là một món quà kỷ niệm, con phải nhận, nếu không ta giận lắm đó.
Mai Lan biết bà muốn mua chuộc sự kín miệng của nàng. Nàng do dự nói:
– Thôi thì con xin nhận. Con không nhận bà không yên lòng. Từ nay về sau, nếu bà có việc gì cần đến con thì xin bà cứ cho gọi con. Con sẽ cho bà địa chỉ của con khi con đã tìm được chỗ nhất định.
Mai Lan đi chầm chậm trên đường về nhà Sương, vừa đi vừa suy nghĩ:
– Cảnh đã nói thật. Cảnh nhờ ai mà nói biết rõ về chuyện của bà Hà Chi?
Như vậy biết đâu Cảnh không nhờ người dò hỏi về ta? Khi Cảnh nói về người bạn tên Phương cho ta nghe, có phải do sự tình cờ hay là Cảnh dò ta, xem thử ta có thành thật với chàng không, hay là cố ý che đậy? Như vậy ta không thể nào không nói thật cho Cảnh biết. Cảnh là người tốt, thì khi hay biết chuyện làm trái luân thường đạo lý của ông Phương, chắc chắn Cảnh không khinh khi ta mà lại thương hại ta. Ta đã có ý định không nhận lời cầu hôn của Cảnh thì đây cũng là dịp tốt để ta có thể từ chối mà Cảnh không giận. Còn Sương, ta không cần phải nói thật cho Sương nghe làm gì. Nhưng trước hết ta phải kiểm tra lại Cảnh nói là mẹ ta sắp đổi chỗ ở, có thật như vậy không?
Mai Lan liền gọi điện thoại về nhà. Nàng biết giờ này các em đều đi học và dượng nàng cũng không có ở nhà. Nếu bà Phương cũng đi vắng thì còn có chị bếp. Bên kia đầu dây là tiếng của chị bếp. Mai Lan rất mừng, liền hỏi:
– Mẹ tôi đi vắng sao?
– Thế ai gọi vậy?
– Mai Lan đây, tôi có chuyện cần nói với mẹ tôi.
– Bà đang ở phòng tắm. Cô Mai Lan, có việc gì vậy?
Và không cần Mai Lan trả lời, chị bếp nói một hơi:
– Ông bà sắp đổi về Huế rồi. Ông đã đi Huế để xem nhà, tất nhiên là nhà của nhà nước.Khi đâu đó yên xong, bà và các cô cậu sẽ ra sau. Hiện giờ bà đang thu xếp đồ đạc và cũng có xe về chở đồ ra trước. Tôi sắp thất nghiệp rồi, ông bà không cho tôi đi theo. Tôi buồn lắm.
Mai Lan nghĩ ông Phương không muốn đem chị bếp theo vì chị này biết rõ việc gia đình, ông Phương muốn cho việc nhà từ nay được yên ổn.
Mai Lan định nói:
– Alô! Chị vẫn còn nghe phải không? Thế thì khi mẹ tôi và các em tôi đi rồi, chị cứ lên Đà Lạt, đến nhà cô Thưởng tôi, tôi sẽ cần đến chị. Xuân Lan rất yêu thương chị.
– Trời ơi! Cô Mai Lan cho tôi ở với cô sao? Nhưng bà đâu có để cho ...Bà ra kia rồi, cô nói chuyện với bà đi.
– Alô! Mẹ, con chào mẹ.
– Mai Lan đấy à? Việc gì thế?
– Mẹ sắp đổi ra Huế, vậy về chuyện Xuân Lan thì sao?
– Mẹ đã bàn với Thưởng rồi. Mẹ định gởi thư báo tin cho con biết, nhưng mà con nghe ai nói vậy? Xuân Lan sẽ vào học Counent des Oiseaux như ý nó muốn.
Mai Lan ngừng một lát để suy nghĩ đoạn nói:
– Và trước khi đi, mẹ không cần gặp con và nói sao?
– Ra đến Huế và nhà cửa yên xong, mẹ sẽ vào Đà Lạt.
– Như thế cũng tốt. Nhưng con nghĩ mẹ cũng không cần phải vào Đà Lạt nữa, mọi việc sẽ có con. Từ nay con sẽ lo cho Xuân Lan.
– Thế còn chuyện con và bà Hà Chi? Và chuyện con và người đã yêu con?
– Thưa mẹ, không có chuyện gì đâu. Con đã nghĩ lại rồi. Con không làm con nuôi ai hết, và Xuân Lan là con của con. Từ nay con sẽ yêu thương và lo lắng cho nó. Xin mẹ yên lòng. Con chào mẹ.
Hôm sau, Mai Lan bay về Sài Gòn, nàng không sợ gặp ông Phương vì biết ông này đã ra Huế. Lần đi này giấu kỹ, nàng chỉ đón chị bếp khi chị trên đường ra chợ Phú Nhuận vào giờ giấc mà Mai Lan đã biết. Mai Lan bàn với chị khi bà Phương dọn đi rồi thì chị cứ đến tìm nàng tại nhà Ngọc, bạn cũ của nàng. Chị bếp nghe Mai Lan sắp về thuê nhà ở Sài Gòn và sẽ đem chị về làm quản gia chị mừng lắm. Chị hỏi:
– Bộ cô sắp có gia đình phải không? Thế còn em Xuân Lan?
– Không, tôi chưa có gia đình. Xuân Lan vẫn còn học trên Đà Lạt thêm vài năm nữa. Việc này chị nhớ giữ kỹ nha đừng cho ai biết.
Rồi Mai Lan trở lên Đà Lạt. Nàng nói hết ý định của nàng cho bà Thưởng biết và nói:
– Con phải về Sài Gòn, con đã nhờ bạn con tìm mua hay thuê cho con một căn phố nhỏ, ở Tân Định. Ngọc, bạn con, bảo là có quen với một người định cho thuê căn phố bà ta đang ở để đi xuống miền Tây làm ăn. Chừng một tháng nữa thì mẹ con đi Huế và lúc ấy thì chuyện nhà cửa của con cũng yên xong. Con sẽ bàn với Xuân Lan xem thử nó thích ở đây học hay về Sài Gòn. Nhưng việc này cô đừng cho mẹ con hay vội. Con cũng chưa cho Xuân Lan hay vì con phải về Nha Trang gấp, còn một việc tình cảm cần giải quyết.
– Chuyện ông Cảnh phải không?
– Chính vậy.
– Con nhận lời?
– Con từ chối.
– Cô mừng lắm. Vì con bây giờ đã giàu, con vẫn đẹp. Tìm một tấm chồng, không phải chuyện khó lắm đâu.
Mai Lan như mắc cửi. Nàng lại về Nha Trang và hẹn gặp Cảnh vào ngày hôm sau. Vừa gặp Mai Lan, Cảnh đã kêu lên:
– Em đi đâu biệt tăm biệt tích cả tuần nay, làm anh lo quá. Lo có ai bắt cóc mất em rồi!
Mai Lan cười vui vẻ:
– Thì anh cho thám tử đi tìm, khó gì? Thám tử của anh tài thật đấy. Anh nói chuyện bà Hà Chi trúng phong phóc. Em đã từ chối không làm con bà, bà có vẻ tức tối nhưng sau bà làm lành, và còn cho em chiếc nhẫn này.
Cảnh nói:
– Được lắm. Bây giờ chuyện chúng ta thì sao?
– Anh vẫn còn nuôi ý định muốn cưới em làm vợ sao? Hôn thơ hôn thú của anh nào đã hủy bỏ cuộc, vợ anh vẫn là vợ chánh thức của anh kia mà. Em thế này mà đi làm một thứ gái bao của anh, hay là người vợ không chánh thức của anh sao? Anh đừng quên luật gia đình không cho phép anh đa thê đâu.
Cảnh nhìn sững vào mặt Mai Lan như định nói gì đó mà chàng dằn được.
Nàng hiểu chàng đã nghĩ:
– Thứ con gái hư, dã có một mặt con rồi mà còn làm cao!
Cái nhìn ấy cho Mai Lan thấy là Cảnh đã biết hết về chuyện dở dang của mình. Nàng nói:
– em sắp kể hết cho anh nghe đây. Khi em nghe anh nói về người bạn tên Phương của anh, thì em biết anh đã biết rõ về em. Anh chắc đã cho người điều tra về em. Dù ông Phương chỉ là người bạn do anh dựng nên để thử lòng em có thành thật với anh không, thì hôm nay em cũng phải nói, nói sự thật chua cay, đau xót.
Và thế là Mai Lan kể hết. Khi kể, nàng ngồi bên Cảnh trên một tảng đá bên bờ biển, tay nắm lấy tay Cảnh.
Cảnh nghe xong, nói:
– Em nói đúng. Anh vì muốn biết tại sao em cứ chần chừ chờ không chịu cho anh biết về em, về thuở xuân sắc của em, nên anh đâm nghi. Xin lỗi em là anh đã nghi em là một thiếu nữ không đứng đắn. Nhưng khi anh hay biết chuyện không may của em và người gieo rắc tai họa cho em lại là người bạn của anh, thì anh cảm thấy khó xử vô cùng. Anh không tin em có đủ can đảm để nói tất cả sự thật. Nhưng anh thành thật khen em, em là một thiếu nữ đáng phục.
– Một thiếu phụ thì đúng hơn. Nhưng như anh biết, mọi việc đã như thế.
Người bạn thân của anh lại là dượng ghẻ của em, thì việc của chúng ta lẽ dĩ nhiên không thể nào có một kết cuộc như anh mong muốn. Huống chi em thấy anh nên yêu thương một đứa con gái như em làm gì. Em đã suy nghĩ kỹ. Em cần phải có một thời gian để làm lại tất cả. Mà điều em cần làm nhất là đem lại tình thương yêu cho Xuân Lan. Em phải giải độc tâm hồn đau khổ của nó. Em đã hiểu cuộc đời thơ ấu của em thiếu tình thương trọn vẹn của cha mẹ, sống lo ấu dưới một mái gia đình luôn luôn bị sóng gió là đau đớn như thế nào, thì tại sao em lại ích kỷ chỉ biết tìm cho em một cuộc sống yên vui sau khi rời tu viện? Rời tu viện làm gì nếu không là để lo cho Xuân Lan?
Cảnh nói, giọng đượm buồn:
– Em không biết đó, chứ từ khi biết em là con ghẻ của Phương, bạn anh, anh vô cùng thất vọng. Anh thấy như cuộc đời anh hoàn toàn sụp đổ. Anh không thể nào tính chuyện yêu thương với em mà không có chuyện cưới hỏi đàng hoàng.
Mà cưới hỏi đàng hoàng sao được khi anh đã có vợ, dù vợ anh bây giờ là người bất lực ...Thôi, việc đã vậy, chúng ta cứ xem như anh em. Từ nay em cần gì thì cứ cho anh biết, anh sẵn sàng giúp đỡ em.
Mai Lan nắm tay Cảnh đứng lên và nói:
– Em không biết nói gì để cảm ơn anh. Em không thiếu về mặt tài chánh,vì bên nội của em giàu có. Nhưng rồi đây nếu có việc gì khó xử, em sẽ nhớ đến anh ...Anh là người anh ruột mà đấng thiêng liêng đã cho em. Anh là niềm may mắn của đời em sau những gì ông Phương đã gieo rắc cho em.
Hai người chia tay, cả hai đều ứa nước mắt. Rồi Mai Lan về Đà Lạt sau khi từ giã Sương. Trước quyết định đột ngột của Mai Lan không làm con bà Hà Chi, không nhận tình yêu của Cảnh, Sương không hiểu ra sao cả, nhưng Sương nghĩ Mai Lan làm như vậy là phải. Mai Lan là cành vàng lá ngọc, đâu phải lăn lóc phong sương như nàng.
Trước khi về Sài Gòn, Mai Lan đóng kín cửa phòng lại ngồi viết cho bà Phương một bức thư.
Mẹ thân yêu của con,
Điều trước tiên con thưa với mẹ là con xin mẹ tha thứ cho con về những dại dột mà con đã gây buồn phiền cho mẹ ....Chuyện ngày xưa, cái chuyện đau lòng ấy, đâu phải lỗi của con. Lúc ấy con còn nhỏ dại quá phải không mẹ? Vậy thì người gây ra lỗi là dượng con. Nhưng cũng chính vì việc này mà mẹ lo âu, sợ sệt, che đậy, để gia đình khỏi mang tiếng xấu xa. Rồi cũng vì thế mà mẹ và con có sự xa cách, có lúc con nghĩ mẹ ghét con, và Xuân Lan khi bắt đầu hiểu cũng nghĩ là mẹ ghét bỏ nó ...Việc này đã khiến con mất niềm tin yêu, có những tư tưởng chán nản, thù hận, và đôi khi có những lời nói xúc phạm đến mẹ. Mẹ là mẹ nên mẹ đã tha thứ cho con.
Từ ngày ra khỏi tu viện và tiếp xúc với đời, làm quen với Sương, một cô gái đã sống nhiều, đã thiếu tình thương gia đình, đã tranh đấu để tồn tại, con học ở người con gái bất hạnh này bao nhiêu kinh nghiệm. Rồi con gặp bà Hà Chi, một người đàn bà giàu sang, quý phái, trước mắt thiên hạ là một người thích làm việc thiện, cứu vớt những linh hồn đau khổ, giúp đỡ những thiếu nữ lầm đường lạc lối. Suýt chút nữa con đã lọt vào cái áo tù trưởng giả này nếu không có người mở mắt cho con thấy bên trong cái bề ngoài cao thượng ấy là một sự tính toán khó lường, mà tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm của con có thể bị sụp bẩy.
Rồi con gặp tình yêu ...người đàn ông ấy đã yêu con tha thiết, họ không phải là một thanh niên mới bước chân vào đời, mới biết yêu lần đầu, mà là một người đã yêu, đã si mê, đã có khi bị sắc đẹp lung lạc. Nhưng khi gặp con, người ấy đã yêu con tha thiết, đã quý trọng con, đã tính chuyện xây dựng với con.
Nhưng rồi mối tình này cũng chỉ dừng lại ở đây, vì chàng hiểu rằng tình yêu nếu thật sự cao quý, không thể không trọn vẹn. Chàng đã có vợ, có con, mặc dù vợ đang mắc bệnh không thể tiếp tục sống cho chồng như ngày nào, mà người đàn ông còn trẻ thì cần đến chuyện gói chăn. Nhưng họ còn hôn thú, người đàn bà kia vẫn còn yêu chồng, mà người chồng thì còn có nhiều bổn phận đối với vợ con. Khi biết con xuất thân từ một gia đình nề nếp và con đã được rèn luyện thật kỹ, thật đầy đủ ở tu viện thì chàng không dám đi sâu vào cảm tình với con.
Yêu một người con gái như con, một người con gái đã làm mẹ bất đắt dĩ, một người con gái mà con tim chưa hề rung động, yêu thương, thì phải là một cuộc hôn nhân chính thức chứ đâu phải chuyện qua đường. Vì vậy chàng đành hy sinh tình yêu của mình mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc của con. Chàng không dám sống với con và chấp thuận xem con như một người em gái. Con cũng xin thú thật với mẹ là con cũng đã có nhiều cảm tình với chàng, con biết tình yêu của một người đã từng trải chắc chắn là sâu sắc, vững vàng chứ không phải là bộp chộp hay nông nổi. Nhưng con đâu thể làm vợ một người đàn ông như vậy?
Tình yêu phải đi đến hôn nhân, để rồi dưới mái gia đình yên ấm, những tiếng cười của con cái được hồn nhiên, tương lai của chúng không bị những đám mây mù che phủ như các đứa con sanh ra do những mối tình vá víu và không chánh thức.
Mẹ thân yêu, con bây giờ là đứa con gái biết suy nghĩ sau mới một năm lăn lóc với đời. Con thấy dù không phải do ý muốn của con, nhưng con đã gây cho mẹ nhiều lo lắng, khổ tâm. Con đã vì không dằn được lòng con mà thốt ra với mẹ những lời vô lễ, chỉ trích mà không suy nghĩ kỹ. Ngày nay con đã nhận thấy lỗi lầm ấy và xin mẹ tha thứ cho con. Mẹ vẫn là mẹ của con. Đời đứa con chỉ có một người mẹ. Huống chi người mẹ ấy đã hao tâm nhọc trí vì con, thì con nỡ lòng nào không yêu thương và hiểu mẹ?
Con viết thư này để thưa với mẹ là con sắp dọn về Sài Gòn. Mẹ đã theo dượng mang các em ra Huế thì con không thể ở Nha Trang sau những chuyện tình cảm mà con vừa kể với mẹ. Con xin mẹ cho phép con được nuôi Xuân Lan trên danh nghĩa nó là con của mẹ và dượng, thì luôn luôn nó là con của mẹ và dượng, là em của Liên Hương và của các em khác. Nhưng trên tinh thần, trên thực tế và trên tình cảm, nó là con của con. Một đứa con mà con không hề ao ước nhưng khi nó đã thành hình rồi thì con thấy yêu thương nó kỳ lạ và cũng thấy là con cần phải có bổn phận đối với nó. Con Xuân Lan từ nhỏ đã yêu thương con hơn các anh chị trong gia đình doi một sợ dây thiêng liêng vô hình, nay đã hiểu biết nó là con của con thì tình thương ấy làm sao không sâu đậm tha thiết, vì đó là tình mẫu tử. Con không thể chối bỏ tình mẫu tử thiêng liêng ấy để đi tìm một thứ tình nào khác, thứ tình nào khác thì rồi cũng không thể đẹp đẽ, cao cả bằng lòng mẹ thương con, phải không mẹ? Điều này chắc mẹ hiểu rõ hơn con, con xin mẹ cho con được phép lo cho nó, với thiên hạ thì con là một người chị cả nuôi bớt cho mẹ một đứa em vì gia đình quá đông. Người ta ai mà để ý đến việc này làm gì, mà mẹ cũng như dượng không nên câu chấp.
Con bây giờ giờ giàu rồi, phải không mẹ? Con dư sức lo cho Xuân Lan, không phải chỉ lo cho nó về vật chất mà còn đem đến cho nó một tình thương chân thật, sâu đậm và êm đềm. Lúc nó còn nhỏ, con không có được cái may mắn cúi xuống chiếc nôi xinh xinh của nó để đón lấy những thay đổi kỳ diệu của một đứa con từu lúc lọt lòngđến khi ra khỏi chiếc nôi để tập tễnh bước vào đời, từ cái nhìn của cặp mắt thơ ngây, ngạc nhiên trước vũ trụ, đến những nụ cười xinh đẹp vô tư, rồi đến những tiếng bập bẹ “Ma! Ma!”. Không, con không có diễm phúc ấy, nhưng rồi đây con sẽ có cái vui xây dựng cho nó, thấy nó bước chân vào đời bằng những bước vững vàng, tin tưởng và hãnh diện. Con sẽ cho nó học ở Couvent des Oiseaux, nghĩ hè nó về Sài Gòn sống với con, những ngày nghĩ đó về nhà cô Thưởng. Mẹ và dượng không cần gặp tụi con. Nếu khi nào mẹ cảm thấy nhớ con, hay Xuân Lan, thì mẹ về thăm. Nhưng còn dượng con thì mẹ nói dùm dượng không cần phải lo cho nó. Dượng con nên dồn hết tình thương, tiền bạc để lo cho các em con.
Còn con, con sẽ làm gì, mẹ chắc cũng phân vân muốn biết.
Con sẽ ghi tên đi học ở một phân khoa đại học nào đó. Con cần có một sự nghiệp. Người ta bảo, với người đàn bà, tình yêu và sự gnhiệp không thể đến cìng họ, vì tình yêu và sự nghiệp là những con đường một chiều. Con bây giờ chưa gặp được tình yêu thì con hãy lo tạo cho con một sự nghiệp. Chuyện yêu thương bất đắc dĩ lúc trẻ dại, rồi đến mối tình không có đoạn kết mới ngày nào cho con thấy lúc này con cần một thời gian để yêu thương con, một thời gian để tìm lại sự bình thản, hồn nhiên bằng cách lại cấp sách đến trường.
Khi nào Xuân Lan học xong, rồi có gia đình, lúc ấy con sẽ nghĩ đến hạnh phúc của con, con nghĩ cũng không trễ lắm đâu, phải không mẹ?
Chị Năm, người bếp trung thành với gia đình mình, sẽ về sống với con. Chị sẽ lo cho con và cũng được rãnh tay để học.
Cuối thư, con xin mẹ tha thứ cho một lần nữa về những dại dột mà con đã gây cho mẹ. Con lập lại một lần nữa:
Trên đời này chỉ có tình mẫu tử là cảm hóa được con cái. Vvà chỉ có tình mẫu tử là đem lại sự sanh tồn của loài người.
Con xin ngừng bút và cầu chúc cho mẹ từ nay sống những ngày không sóng gió, và hưởng hạnh phúc xứng đáng giữa tình thương của các con.
Con của mẹ.
Mai Lan
Hết