Khung kính vỡ và chiếc nhẫn đồi mồi
Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Lớp học khai giảng với vừa đúng hai mươi học sinh. Võ là đứa thứ hai mươi ghi tên học, và cũng mang số hai mươi trong sổ điểm danh. Hai mươi học sinh, trong đó chỉ có sáu trò là con gái, ngồi khá rộng rãi trong một căn phòng ở tầng lầu một của một ngôi trường vốn đã cũ kỹ và đã lâu rồi vẫn không có một tí gì cải tiến. Hình như năm phút sau khi chuông reo vào học, người giám đốc già có đi lướt ngang cửa lớp nhìn vào và hơi lắc đầu – Võ đoán thế, bởi lúc đó lớp học cũng còn đang xôn xao lắm. Hai mươi cái miệng chỉ cần mở ra vài tiếng cũng đủ làm mất trật tự lớp học.
Thầy giáo mới bắt đầu giảng bài đầu tiên – môn Sử Ký. Đúng ngay môn Võ không thích, lại ngay giờ đầu niên học, nên tâm trí Võ không tài nào theo dõi thầy được. Võ vẫn ngồi trong tư thế ngoan ngoãn lắm, mà trí nhớ thì dẫn đi xa, trở về những ngày hè vừa qua. Võ tha hồ nghĩ đến bãi cát trắng, đến những tảng đá lớn chồng chất lên nhau, nơi Võ tung tăng chạy chơi như một đứa bé. Võ nhớ có lúc anh Bản bảo Võ đứng bên dưới một tảng đá cheo leo, hai tay giơ lên chạm vào tảng đá cơ hồ một lực sĩ nâng cả trái núi, để cho anh Bản chụp hình. Võ nhớ có lúc Võ dầm mình cả buổi dưới nước, lúc trở lên mình mẩy rát bỏng vì nắng. Võ nhớ gió biển mặn và làm cho da mặt Võ chai như đá. Những ngày rong chơi ngoài xứ cát trắng hiện về như in trong óc. Đối với Võ, lần đầu tiên đi biển là một kỷ niệm khó phai. Võ nhớ, và Võ tiếc vì đã không được ở luôn ngoài ấy. Bây giờ ngồi thu mình trong lớp học, Võ không tài nào không hồi tưởng những ngày thoải mái ấy.
Trên kia thầy đang nói về những ngày gian khổ của vị vua kháng chiến Hàm Nghi. Võ nghe tiếng được tiếng mất. Hình như lời giảng của thầy lôi cuốn được cả lớp, ngoại trừ Võ. Võ thấy mặt đứa nào cũng như nghệt ra. Có đứa há cả miệng nghe mà không biết rằng cái hàm dưới đưa xuống làm cho bộ mặt thộn ra trông buồn cười ghê gớm. Võ che miệng định cười, nhưng lại tự trách mình đã lơ đãng không chịu nghe giảng bài. Sáng nay khi Võ sửa soạn đi học, anh Bản đã nhắn nhủ Võ: “Rán học nghen! Tiền học bây giờ đắt lắm đó!”. Anh ấy có cái tật không bỏ được là mỗi câu nói đều có kèm theo chuyện tiền bạc. Nhưng không phải giống như những ông thương gia nói chuyện ăn xài lớn, mà luôn luôn anh Bản gợi cho Võ nghĩ đến sự làm ăn khổ cực, sự tranh sống hàng ngày của anh, sự chắt móp của bà ngoại ở ngoài Huế. Anh Bản mà biết được rằng sáng nay, buổi học đầu tiên, Võ đã không nghe một chữ nào của thầy, mà mải thả hồn đi về những ngày rong chơi, chắc anh sẽ buồn lắm. Và Võ thì không bao giờ muốn làm cho anh thất vọng về mình.
Đứa bạn ngồi cạnh bên Võ bỗng mở nắp bút máy và mở vở ra ở trang đầu. Võ mới hay là thầy bảo cả lớp chép bài. Võ cũng làm theo, thật ngoan ngoãn, nhưng không một ý niệm gì về bài giảng của thầy vừa qua. Trên kia, giọng thầy sang sảng:
* “Nước Pháp lấy binh lực ép triều đình Việt Nam ký hòa ước bảo hộ 1884. Tinh thần bất khuất của dân tộc không chịu được sự cắt xén ức hiếp, vùng nổi dậy gây nên những phong trào tranh đấu mãnh liệt…”
Ồ hay quá! Chưa bao giờ Võ nghe được một câu khích động như vậy. Có lẽ thầy giáo Sử Địa năm nay hay hơn thầy năm ngoái. Võ cúi xuống chép theo lời đọc. Tự nhiên Võ cảm thấy mình có lỗi. Võ lén nhìn thầy. Thầy vẫn bình thản và có vẻ hơi vui vì nghĩ rằng lớp học này ngoan.
**
2
Những tia nắng ló ra sau dãy nhà cao, đến thẳng cửa kính và chiếu ngay chỗ Võ ngồi. Võ đặt tay trái lên bàn, ngắm nghía. Chiếc nhẫn đồi mồi Võ đeo ở ngón trỏ, dưới ánh nắng trông thật đẹp. Anh Bản mua chiếc nhẫn này trong ngày cuối ở Nha Trang. Võ thắc mắc mua để làm gì, anh cười không đáp. Buổi lên xe Võ thấy anh nâng niu mãi chiếc nhẫn. Võ đoán là anh để dành tặng ai – nhất định phải là tay con gái, vì anh Bản đeo chiếc nhẫn không lọt. Nhưng Võ chẳng thấy anh quen với ai là con gái cả. Bạn bè anh, toàn là những anh đồng đội. Võ định im lặng xem anh sẽ tặng ai chiếc nhẫn này, thì bỗng sáng nay, anh Bản rút ra cho Võ. Trong khi Võ còn ngơ ngác, thì anh nói:
* Võ đeo mà chơi. Nhẫn… xấu òm.
Mặt Võ còn chưa hết ngớ, thì anh quay đi, lẩm bẩm:
* Mua về để đeo, mà đeo không vừa, thì để làm chi?
Võ chợt có một ý nghĩ ngộ nghĩnh trong đầu. Đáng lẽ anh Bản phải nói: “Mua về để tặng, mà không có ai để tặng, thì để làm chi?”. Võ thấy anh Bản buồn ra mặt. Võ muốn trêu anh, nhưng thấy hơi tội tội.
Võ cũng nghe theo lời anh, đeo chiếc nhẫn vào, không một ý kiến. Cho đến lúc vào lớp, ngồi soi bàn tay dưới ánh nắng, Võ bỗng thấy mình vô lý. Con trai mà đeo nhẫn, để làm gì? Nhất là nhẫn đồi mồi, người ta chỉ mua để tặng nhau, như một món quà mỗi khi đi biển. Võ bật cười. Đúng là anh Bản xem tay Võ như một nơi… chứa đồ phế thải. Võ nhớ có lần anh Bản kể về những ngày học tập trong quân trường, anh ăn quà vặt bị bắt gặp, thế là phải phạt. Hình phạt rất kỳ khôi: anh phải chạy vòng quanh sân, la lớn: “Miệng tôi không phải cái thùng rác! Miệng tôi không phải cái thùng rác!...”. A, nhất định trưa nay Võ phải trêu anh, rằng “Tay Võ không phải cái thùng rác” mới được.
Hình như lớp học đang xôn xao bàn tán về bài toán Điện bỗng dưng dịu lại. Võ hơi ngạc nhiên. Nhưng rồi Võ cũng ngớ ra nhìn. Một cô bé vừa đi vào lớp. Học sinh mới chăng? Có vài tiếng xuýt xoa ở cuối dãy nam sinh. Tụi con trai láo lếu thật, sắp trêu chọc người ta rồi đây. Nhưng cô bé này không có vẻ gì rụt rè cả. Cô tiến tới bàn thầy giáo và trình sổ điểm danh cùng với một hộp phấn màu. Thầy giáo cám ơn. Cô bé hơi cúi đầu và rồi đi ra khỏi lớp. Mấy tên con trai bỗng dưng huých nhau cười. Thầy đập tay lên bàn hai cái, rầy:
* Làm bài đi! Mấy em chuyện gì cũng cười được.
Một trò ngồi ở bàn đầu nói:
* Thưa thầy, chúng em tưởng… học trò mới.
* Thì có gì đâu mà cười?
Thầy nói thế, nhưng thầy cũng nhận thấy rằng chính thầy cũng lầm như vậy. Một cô bé nhỏ nhắn xinh đẹp giúp việc văn phòng. Một điều ngộ nghĩnh!
Võ thật sự nghệt mặt ra, khi cô bé đi ngang khung cửa kính. Dáng cô bé dễ thương lướt qua làm mất ánh nắng chiếu trên người Võ trong một giây và để lại trong lòng Võ một nỗi gì êm êm. Cô bé đã đi mất rồi. Võ không cười như mấy đứa con trai kia. Mà bỗng nhiên Võ thấy mình ngây ngô lạ. Một cô bé mười ba – Võ đoán thế- tóc thắt bím nơ hồng và mặc áo cũng màu hồng. A, hình như đôi guốc cô bé mang cũng màu hồng nữa. Giá cô bé cũng tên Hồng nhỉ! Võ thấy nao nao trong lòng. Bỗng nhiên Võ như quên đi rằng quanh đây là lớp học, bạn bè đang suy nghĩ để làm bài toán Điện, và thầy đang chờ đợi một trò xung phong lên bảng. Võ chỉ thấy dáng của “Hồng” lượn lờ trước mắt, như một con bướm.
* Em ngồi gần cửa sổ kia, lên bảng!
Võ giật mình, và như cái máy, Võ đứng dậy. Cả lớp quay lại nhìn Võ. Võ vẫn ngoan ngoãn đi lên bảng. Đứng trên bục, Võ không biết phải viết gì. Hình như thầy chưa nhận thấy vẻ lúng túng của Võ. Thầy nói, trong khi vẫn nhìn xuống dưới lớp:
* Em tính xem điện lượng phóng thích trong một giây là bao nhiêu.
Câu nói vô tình của thầy làm Võ chộp lấy như gặp một vị cứu tinh. Võ viết ngay lên bảng:
Cả lớp bỗng cười khúc khích. Thầy quay lại nhìn và nói hơi gắt:
* Em làm cái gì vậy? Chưa gì hết đãvội tính điện lượng phóng thích trong một… trời ơi! Một gì? Trong một “hồng”! Tôi chẳng hiểu gì cả. Em viết cái gì vậy???
Võ giật mình, muốn xóa những chữ của mình đi nhưng không kịp. Tay Võ cứng ngắc. Võ muốn mình biến mất đi trước mặt thầy. Võ biết phía sau lưng có sáu đứa con gái ngồi ở hai bàn đầu. Chúng nó chắc đang che miệng cười… Võ muốn mình tan ra thành nước. Thầy vẫn chưa hết ngạc nhiên. Võ đứng chìm trong tiếng lao xao.
**
3
Hôm nay cô bé mặc áo màu xanh, cột nơ xanh và đi guốc màu xanh. Bây giờ Võ biết cô bé không phải tên “Hồng” nữa, cũng không lẽ tên “Thanh”. Mà là cô bé làm dáng quá mức. Nhưng cái làm dáng đó khiến cho cô bé xinh như một nàng công chúa. Mấy tên con trai nghịch ngợm cũng vẫn xuýt xoa khi cô bé đi vào trình sổ điểm. Chưa bao giờ thấy cô bé nhìn ai, chỉ hơi cúi đầu và làm phận sự. Cô bé thoáng vào và thoáng ra chỉ trong một phút. Và khi đi ra hành lang cô bé có đi ngang qua khung cửa kính có Võ bên trong nhìn ra. Chưa bao giờ nghe cô bé mở miệng nói với ai một lời.
Nhưng bữa nay có một điều mới, lạ, khác hẳn những bữa trước. Không phải là màu xanh của cô bé. Mà là lúc đi ngang khung cửa kính, cô bé có nhìn vào. Hình như cô bé có nhìn Võ nữa, bởi lúc ấy Võ cũng ngóng mắt nhìn ra chờ đợi “ngắm hắn một tí”. Ôi chao! Hai con mắt của cô bé sao mà đen láy và tròn xoe. Võ không biết phải ví như là gì. Hai con mắt như chớp lấy hồn Võ. Võ ngơ ngác. Võ nghệt mặt ra. Nhưng rồi đôi mắt ấy đã theo con người xinh đẹp kia mất hẳn sau khung cửa kính. Võ nén nỗi tiếc rẻ, cúi xuống chép bài. Bỗng Võ nhìn thấy chiếc nhẫn đồi mồi trên tay. Ừ đúng rồi, Võ là con trai đeo nhẫn kỳ lắm! Võ sẽ… Võ sẽ tặng cho cô bé đó. Nhưng Võ chưa quen, làm cách nào để Võ quen? Ngày nào cô bé cũng thoáng vào rồi thoáng ra. Có bao giờ cô bé đặt chân đến cuối lớp, nơi có cậu bé Võ đang ngồi trong góc kẹt, mắt nhìn như dán vào cửa kính và quên cả học bài. Nếu cô bé mà biết như thế hẳn sẽ cảm động lắm? Chắc cô bé sẽ chớp chớp đôi mắt tròn xoe kia và mở lời cám ơn Võ. Võ chờ nghe giọng nói ấy. Người dễ thương thế kia chắc phải có một giọng nói êm như ru và ngọt như kẹo? Võ thầm cám ơn chiếc nhẫn đồi mồi. Nhất định Võ sẽ tặng chiếc nhẫn cho cô bé.
Võ cởi chiếc nhẫn, trịnh trọng gói vào một mảnh giấy trắng. Rồi Võ xé tập lấy một tờ giấy nữa, Võ định viết những lời làm quen. Nhưng Võ viết mãi vẫn chỉ được hai chữ “Ấy mến!” rồi Võ bí luôn. Võ thấy mình bất lịch sự, vì chẳng biết tên người ta mà cứ gọi bừa là “ấy”. Thôi thì chiếc nhẫn đồi mồi làm quen giùm Võ. Võ xé tờ giấy, vò nát và vô tình để rơi dưới đất.
Tan giờ học, Võ ôm cặp chạy nhanh xuống lầu. Võ gặp cô bé đang đứng ở hành lang. Trông cô bé oai như một người giám thị. Võ đến gần, dúi gói giấy có chiếc nhẫn vào tay cô bé., và đỏ bừng cả hai tai, Võ ù té chạy.
**
4
Gần hết giờ Việt văn, cô bé đi lên cùng với người giám thị già. Ông giám thị cầm theo một con roi dài. Cả lớp còn đang ngạc nhiên thì ông giám thị cúi xuống nhìn dưới gầm bàn của các trò gái. Ông gằn giọng:
* Hừ! Mấy trò này xả rác bừa bãi trong lớp quá nhỉ! Xem nào, vỏ cóc, vỏ ổi, hột me, giấy kẹo… quá lắm rồi! Cuối tháng này mỗi trò bị trừ hai điểm hạnh kiểm nhé!
Mấy đứa con gái nhìn nhau sợ sệt. Có đứa cúi xuống nhặt vội rác dưới chân mình. Nhưng ông giám thị đã đưa mắt nhìn sang bọn con trai.
* Còn mấy trò trai cũng vậy. Giấy xếp máy bay, giấy kẹo “sinh-gôm”.., bẩn thỉu quá!
Cô bé bỗng cất tiếng:
* Còn trò ngồi gần cửa kính nữa kìa ông Tổng! Nó vò giấy bỏ đầy dưới bàn.
Võ giật mình nhìn xuống chân: giấy của Võ viết thư “làm quen” cô bé hôm qua. Võ ngượng quá. Ông giám thị nói to:
* Mấy trò phải giữ sạch sẽ và trật tự cho lớp học. Ngày mai mà vẫn còn xả rác thì bị năm roi đấy. Lớp học có hai chục học trò thì phải đàng hoàng hơn người ta chứ!
Chuông reo báo hiệu giờ ra chơi. Ông giám thị rời lớp cùng với thầy giáo. Cô bé còn đứng lại giở sổ điểm ra nhìn. Môi cô bé hơi trề ra. Võ bỗng nghĩ đến con số 01 to tướng của mình hôm lên bảng làm bài toán Điện. Võ nghe mặt nóng bừng. Mấy đứa con gái nhìn nhau, có vẻ bất bình lắm. Chúng nó bàn tán lao xao. Rồi thì một đứa đứng lên, la lớn:
* Nè, trò kia, có phải trò méc ông Tổng là tụi tôi xả rác trong lớp không?
Cô bé ngẩng mặt, nhìn lại. Đôi mắt tròn xoe kia long lên như biểu dương một quyền uy, và cô bé đáp lại:
* Ừa, tui méc đó, có sao không?
Nhỏ kia tức giận ngồi phịch xuống, và cả bọn nhao nhao:
* Đồ lẻo mép. Đồ làm tàng. Là cái quái gì mà hách quá vậy?
Đôi mắt kia càng long lên dữ tợn hơn nữa:
* Là gì à? Là tiểu giám thị ở đây nghe chưa! Đứa nào ở dơ, phá lớp, nghịch ngợm… là tui méc bị đòn.
Ôi! Cái giọng nói mà Võ ao ước được nghe từ đôi môi dễ thương kia, thật chẳng giống như Võ tưởng tượng tí nào cả. Nó chát chúa và đanh thép, nghe rít vào tai Võ làm Võ ngớ ngẩn. Đến lượt bọn con trai nổi giận. Một đứa nói:
* Con gái gì mà dữ quá vậy?
* Ừa! Có sao hông?
Cả lũ con trai phá lên cười. Cô bé vẫn không lộ vẻ nao núng, mà bỗng rút chiếc nhẫn đồi mồi từ ngón tay áp út, giơ lên cao:
* Hôm qua đứa nào đưa cái này đây? Trả lại nè! Coi chừng méc ông Tổng là nhừ đòn đó à nghen!
Dằn một cái lên bàn, cô bé ngoe nguẩy đi ra. Một đứa con trai nghịch ngợm lấy dây thun bắn theo, trúng ngay lưng. Cô bé kêu lên, và quay lại giận dữ. Cả lũ con trai được thể trêu ghẹo cho bõ ghét. Cô bé bây giờ vừa chửi vừa la. Một sợi dây thun nữa tung ra. Cô bé điên tiết cúi xuống nhặt chiếc guốc màu xanh ném ngay vào lớp…
Không trúng ai cả, nhưng chiếc guốc bay thẳng đến tấm kính cửa ngay bên Võ. Võ nghe hàng chục tiếng loảng xoảng bên tai. Khung kính đã vỡ toang. Võ ngồi trơ như tượng đá.
Bây giờ đến một chiến thuật mới: Cô bé khóc to hu hu, và hăm đi méc ông Tổng. Phen này cả lớp phải bị quỳ là cái chắc. Tà áo xanh đi ngang khung cửa kính, nhưng Võ không nhìn theo. Không một ý nghĩ nào hôm qua còn tồn tại trong đầu. Giọng nói của cô bé như còn xoáy mạnh vào tai Võ. Một con người xinh đẹp và một giọng nói không thương được. Điều mà Võ tưởng tượng không giống như sự thật. Sự thật là khung kính bên cạnh Võ đã vỡ. Sự thật là chiếc nhẫn đồi mồi nằm trơ trẽn trên bàn. Võ đến, cầm chiếc nhẫn lên và nghĩ ngay đến anh Bản. Tự nhiên Võ nghe thẹn. Võ còn nhỏ quá mà! Võ mới học qua lớp Đệ Ngũ. Võ chỉ là thằng bé con. Giống như con bé “tiểu giám thị” đó, cũng chỉ là một con bé con mà thôi.
Võ đứng ngượng ngùng giữa lũ bạn nhỏ. Tất cả đều đã biết Võ là đứa tặng chiếc nhẫn đồi mồi cho con bé. Tự nhiên Võ tưởng như mình đang đứng trên một mỏm đá cheo leo. Bên ngoài khung kính vỡ là biển cả. Và Võ ném chiếc nhẫn ra khỏi khung cửa. Võ không nghe một tiếng vang nào hết. Chỉ nghe rõ ràng có tiếng chân người đi ngoài hành lang. Thầy Sử Địa đi vào, theo sau là ông giám thị, và có cả con bé nữa. Võ nghĩ thế nào hôm nay Võ cũng xin trả bài. Võ sẽ trả bài như một tạ lỗi, dù thầy cũng chưa bao giờ hay biết rằng khi trên bảng thầy nói về những ngày vua Hàm Nghi gian nan ở vùng núi rừng Mai Lĩnh, Cam Lộ - thì Võ, bên khung cửa kính, thả hồn theo những ngày rong chơi ở Cầu Đá, Hòn Chồng…
Thầy bước lên bục gỗ. Ông giám thị đi vào, mặt giận dữ. Con roi gờm gờm trên tay ông, ngầm bảo với cả lớp rằng sắp có một hình phạt. Con bé chỉ còn mang một chiếc guốc xanh. Gương mặt của nó không còn một chút gì dễ thương trước mắt Võ nữa cả. Và Võ nhìn bàn tay nó, bàn tay mủm mỉm trắng hồng. Võ nghĩ hôm qua đã có lần nó đeo vào chiếc nhẫn đồi mồi. Võ quay mặt đi. Có một nỗi gì vỡ đôi trong lòng.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh