watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Phiên khúc Ngày Mưa - tác giả Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Phiên khúc Ngày Mưa

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

MỘT

Sáng nay mưa dầm, ướt hết cả sân trường. Mưa làm đám Cúc dại mà My yêu dấu nhất ngả nghiêng. My tưởng chúng đã bật hết gốc, mà thật thì chúng chỉ nép mình cho qua cơn mưa, rồi sau đó vẫn đứng dậy, vẫn nở những cánh vàng rũ sạch nước mưa. Thương quá! My tưởng chúng yếu đuối mà thật thì chúng dẻo dai vô cùng. Trong khi lũ hoa Móng Tay còn ngơ ngác và bàng hoàng vì mưa, thì Cúc dại đã vươn mình cười những nụ thật rạng rỡ.

My nghĩ đến Danh. Có phải là Danh không, những cây Cúc dại vàng óng kia? Có phải là Danh, đã gục ngã và đã đứng lên, đã tuyệt vọng và đã tin tưởng, đã buồn nản và đã yêu thương? Có phải là Danh, ở một nơi nào không giống ngôi trường My đang học? Ở một nơi nào hàng ngày chỉ thấy sự đau đớn, mất mát? Có phải là Danh, ở một hiện tại phẳng lặng hoài vọng một quá khứ sôi động? Có phải là Danh, một người lớn mang tâm tư của trẻ thơ, một trẻ thơ làm hành động của người lớn? Phải thế không Danh – nụ Cúc dại rạng rỡ kia là nụ cười của Danh, lá Cúc dại xanh non kia là ước mơ của Danh, và thân Cúc dại mềm mại nhưng dẻo dai kia là cuộc đời của Danh?

My yêu đám Cúc dại mọc nghiêng ngả trong sân trường của My. Sân trường của My có trồng thật nhiều hoa. Màu hoa càng sặc sỡ càng tăng thêm vẻ vui tươi cho sân trường mỗi buổi tan học đầy những tà áo mầu. Càng kiêu sa hơn, khi sân trường có những chiếc xe hơi bóng loáng. Nhưng My vẫn chỉ thích đứng ngắm đám Cúc dại của My, mọc không thành hàng và ít được chăm sóc. Đám Cúc dại của My mọc vây quanh bức tượng hai con người – một con người gục mặt buồn thiu và một con người đứng thẳng. Hai con người đứng giữa những vòng kẽm gai. Dưới chân tượng là đám Cúc dại của My. My ngắm chúng hàng giờ không chán. My nghĩ đến Danh. Danh nhé, đừng thèm làm hoa Hướng Dương quá vui vẻ và to lớn. Đừng thèm làm hoa Sứ chỉ thích đứng trên cao nhìn xuống bằng đôi mắt tự mãn. Đừng thèm làm hoa Hồng chỉ xứng đáng giam mình trong chậu kiểng. My cũng không thích lũ hoa Móng Tay chỉ chăm lo màu sắc tươi thắm, đến lúc bị mưa làm dập cánh hoa thì ngẩn ngơ than vãn, và My cũng ghét lũ hoa Phấn ích kỷ chỉ nở về buổi chiều. Hãy làm một cây Cúc dại, sống bất cứ ở đâu và nở bất cứ lúc nào, đứng ngang tàng bất phục nhưng vẫn chịu đựng được những dập vùi. Và đó, hoa Cúc dại, My nghĩ đó là Danh – Danh thân mến, đang ở một nơi không giống như trường học của My.

HAI

Sáng nay mưa dầm. Lúc tan giờ thi, My ra nhìn luống hoa trong sân trường. Ở quanh bệ xi-măng, My thấy nước mưa cuồn cuộn chảy, như một dòng sông nhỏ. Dòng sông chảy thẳng men theo bờ thành thấp, đến chỗ trũng cuối sân trường dòng sông tẽ ra làm hai. Chưa có cảnh nào lặng lẽ như thế đối với My. Cái gì nao nao hiện đến trong lòng My, có phải là nỗi buồn, hay nỗi nhớ? Dòng sông nhỏ bé của My buồn chi lạ! Phải thế không Danh? Và đời người, đời người cũng lặng và buồn như một dòng sông. Dầu có những sinh hoạt đó, những đổi thay đó, nhưng rồi lúc hồi tưởng ta vẫn thấy lặng và buồn. Nhất là đời người khi phải ngưng mọi hoạt động – không phải là chết, mà là ngồi đó đếm những u sầu, tiếc nhớ. Là Danh phải không, dòng sông nhỏ lặng và buồn? Khi mọi người , trong đó có My, đang sống trong cảnh đời khá náo nhiệt, với những sinh hoạt bận rộn, với những âu lo hồi hộp, với bài vở, với bạn bè, thì Danh, ở một nơi không phải là trường của My, có phải đang đếm những khắc của thời gian đi qua lặng lẽ? giống như dòng sông khi đến khúc bằng phẳng. Chưa có lúc nào buồn như thế, phải không Danh? Và ở trong hiện tại bằng phẳng này, hẳn là Danh có nhớ và có nghĩ đến những ngày vùng vẫy. Dòng sông đời Danh ngày xưa đã có lần là ghềnh thác, có lần là trũng xoáy miệt mài. Có phải Danh đang nhớ? Có phải Dang đang bâng khuâng vì đã trải qua một đoạn đời gian nan? Đã có lúc Danh ra đi bỏ trường lớp bỏ bạn bè và gia đình thân mến để làm một cánh chim. Danh làm người lớn. Danh theo những người bạn từ mọi phương tụ về để cùng sống và cùng nếm mùi gian truân. Danh đã đi từ thành phố bình yên này ra tận những nơi mang những địa danh xa lạ. Danh đến một thành phố cổ kính u sầu. Danh đến một vùng quê hoang tàn. Danh sống trên một ngọn đồi. Có phải Danh đã nói với My là đồi mọc đầy sim? Chiều nào Danh cũng đi hái sim. Bạn của Danh cũng đi hái sim. Và hai người bạn cùng yêu màu sim đó, đã bỏ Danh mà đi. Có phải Danh đã nói với My rằng Danh lúc đó chai đá vô cùng. Danh đã không khóc. Thái độ ấy là của một người lớn chăng? My chưa bao giờ sống một đoạn đời giống như Danh, nên My không trách Danh đâu. Danh sống ở đó – đồi sim - và làm công việc cứu bạn bè của Danh. Và đó, trong công việc của Danh, ở vùng hiểm trở đó, trong khúc sông hùng vĩ của đời Danh, từ một định mệnh khắc nghiệt, Danh đã quỵ xuống. Dòng sông đến lúc đó là một ngọn thác. Nước chảy xô vào những mũi đá nhọn, gào thét thật to và rơi từ trên cao, rất cao, xuống một trũng xoáy và âm vang những tiếng hãi hùng.

Có phải là Danh không? Danh chạy trong mưa pháo, Danh dìu đỡ bạn bè. Danh chạy xuống hầm sâu. Pháo nổ dòn trên nắp. Hầm sụp, chôn vùi Danh. Bạn bè lấy xẻng đào hầm, mang Danh lên. Danh đã hôn mê, Danh nào biết có một sự mất mát từ nay sẽ đến nơi Danh. Và đó, đồi Con Trâu – có phải Danh đã nói với My là có một bộ xương trâu trên đồi?- là ngọn đồi nơi Danh đã quỵ té. Dòng sông đã đến khúc oanh liệt của nó. Danh có biết, Danh đã là người lớn – đúng hơn, Danh đã làm công việc của người lớn, một công việc rất lớn không Danh?

Dòng sông của Danh bây giờ đã đến khúc yên lặng. Bây giờ có phải là lúc hồi tưởng? Có gì lặng và buồn hơn khúc sông này chăng? Và My đã, sáng nay, đứng nhìn dòng nước nhỏ bé âm thầm chảy men bờ thành thấp, lẩm cẩm nghĩ đến quãng đời của Danh. Và nó – dòng nước nhỏ - khi đến cuối sân trường đã tẽ ra như những nhánh sông đời.

BA

Sáng nay mưa dầm. My đứng trong hành lang đợi chờ qua cơn mưa. Nghe gió hơi hơi lạnh. Nước mưa tuôn rào rạt trên những lá cây, gợi buồn. My nghĩ đến những người bạn thân yêu ngày cũ, đến Danh, đến những người thầy xa xưa. Có phải Danh đã nói với My rằng Danh luôn luôn nghĩ đến thầy? Và My cũng thế. Có cái gì khó diễn tả xảy đến trong lòng, khi My nhìn thấy một người thầy lái chiếc xe hơi bóng loáng chạy qua. Thế thôi. My nhớ đến những người thầy khắc khổ của My ngày xưa. Có thầy đi chiếc xe mobylette cũ kỹ, có thầy đi chiếc xe đạp. Có lúc thầy ốm, thầy vừa dạy vừa ho. Có lúc thầy vui, thầy giảng bài thật tuỵêt diệu. Danh đã nói với My rằng ngày xưa Danh nghịch lắm. Ở lớp thầy nào cũng lắc đầu vì Danh. Có thầy đã hiểu tính Danh và thương Danh lắm. Thầy Thiều dạy Vạn vật của Danh đã mắng yêu Danh “Láu cá vừa vừa chứ!”. Danh nhắc hoài với My câu nói đó. Phải không Danh? Có những câu nói ghi đậm vào lòng người, mà mỗi khi nghĩ đến là một thân tình khó phai?

Ngày xưa ở những lớp học nhỏ, có đầy những kỷ niệm. My muốn nói cho Danh nghe về kỷ niệm của My ở ngôi trường mà cả My và Danh đều đã học. Lớp học của My rộng thoáng nhờ cửa sổ và gió trời. Bên trên đầu bảng đen là tượng Chúa Giê-su. My không theo đạo, nhưng ngày nào My cũng đứng dậy, thành khẩn đọc lời tâm niệm – Lạy Chúa, xin giúp chúng con chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách chúng con, trau dồi tâm hồn chúng con… - Danh có biết, ở đó có những người thầy thân mến. Thầy Long có đôi mắt hiền dịu vô cùng, thường đứng cạnh bên nhắc My chấm câu. Thầy Ái cũng hiền không kém, My nhớ ngày tất niên, thầy đàn và hát bản Mưa Hồng, và cuối năm học thầy đã viết lưu bút cho My với những lời chân thành làm My phải khóc. Thầy Xung, khi hai lớp dồn vào nhau, đã phải leo lên ghế giảng truyện Kiều khan cả cổ mà lũ học trò đông đảo vẫn rì rào nói chuyện. Và ngôi trường đó, lớp học đó, hai năm sau Danh đã đến ngồi. Danh cũng nhận những kỷ niệm đó giống như My. Danh nhé, chúng ta đã là bạn với nhau từ thuở nào, vì Danh và My, đều cùng học chung các thầy, đều đã đến ngồi một lớp.

Danh đã làm My xúc động biết bao, khi Danh nhắc đến Thầy bằng một giọng thương mến. My thấy Danh rưng rưng mắt, khi My kể chuyện lớp học, tả từng cái bảng, cái cửa sổ, kể từng người thầy. Danh đã làm My xúc động biết bao, khi Danh đòi đến thăm thầy. Nếu My là Thầy, chắc My sẽ khóc, khi biết rằng trong đám học trò mà thầy ra công dạy dỗ, có Danh, đang gánh chịu thật nhiều nỗi thiêt thòi.

BỐN

Sáng nay mưa dầm. Không còn gì buồn hơn. Nhưng cũng không có gì thích hơn. Có phải là mâu thuẫn không? Thật thế, buồn – chứ không phải khổ - làm cho con người giống như cành hoa Cúc dại được tắm mình qua mưa. Ở nơi đó Danh có cảm thấy một nỗi gì vây quanh, giống như My lúc đứng ở sân trường nhìn ra mưa không?

Mùa mưa đến làm gợi nhớ. My ở đây, nhớ về một thứ kỷ niệm dầu đã khá xa nhưng vẫn hoài gần gũi. Có phải không Danh? Có những kỷ niệm mà con người phải dùng hết cả đời để hồi tưởng – một văn sĩ nào đã viết như thế. Và My vẫn luôn luôn hồi tưởng đây. Kỷ niệm đã hơn một năm qua rồi, bắt đầu từ một thời điểm khắc nghiệt của dân tộc. Không phải kỷ niệm của riêng My, mà của tất cả, trong đó có thầy My, bạn My, anh em My, và Danh. Nhưng kỷ niệm đó trói buộc vào cho My. Danh có biết, My đã khóc hoài trong lớp học. My đã lặng người trong giảng đường. My đã theo những chuyến xe không hứa hẹn bình yên để đến với những nỗi nhọc nhằn. My đã gội nắng để chia sớt từng hạt gạo cho người. My đã đến dạy hát cho những bé thơ của một lớp học chạy loạn để đến lúc ra về không nỡ dứt, My lại khóc. Và ở một nơi – một nơi mà Danh đang sống bây giờ, My đã đến, trong một quãng thời gian dài, một năm, để My thấy những cơn mưa tai nghiệt vẫn không ngớt đổ lên đầu người. Và như thế, My sẽ hồi tưởng kỷ niệm ấy, suốt cả cuộc đời My.

Danh có biết, My đã không đi “Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam” sau ngày ngưng bắn như một nhạc sĩ đã viết. Mà My trở lại nơi cũ. Nơi đó, My gặp Danh, đang mang một nỗi thiệt thòi vô cùng. Danh đã khiến My xúc động biết bao, khi Danh hỏi “Phải chị viết quyển này không?”, khi Danh hỏi “Phải chị học thầy C. không?”, và khi Danh cùng kể với My những kỷ niệm ở một mái trường. Phải không Danh, bốn bể rồi cũng là anh em. My đã xem Danh là một người bạn – một người bạn nhỏ, hai năm sau My, Danh đã đến ngồi ở cùng một lớp.

Danh có biết, Danh đã cho My những phút giây xúc động. My đã muốn khóc khi đem đến cho Danh một quyển Tuổi Hoa, một quyển Thằng Bờm, Danh đã giở mục đố vui ra say sưa làm. Một cử chỉ rất bé thơ, rất học trò. Không thể nào nhìn Danh là một người lớn. My biết Danh, khi qua khúc sông đời hùng dũng nhất, giờ đã trở về làm một trẻ thơ, phải thế không Danh?

Danh có biết, chiếc xe lăn để ở cạnh giường Danh, cũng đã làm My xúc động. My muốn viết nhiều về Danh và chiếc xe lăn đó. My nhớ đã có một thời người ta viết về những đứa trẻ tật nguyền, về những người lớn tật nguyền. Đã có một thời người ta viết về những chiếc xe lăn như một thời trang văn nghệ. Nhưng chưa có chiếc xe lăn nào là chiếc xe của Danh. My chưa thấy chiếc xe lăn của Danh trong văn của mọi người. Vì đó không phải là thời trang. Cũng không có quyền đem vào chuyện thời cuộc. Hơn thế nữa, Danh không phải là trẻ thơ, cũng không hẳn là người lớn. Chưa có ai viết về một người lớn mang tâm tư của trẻ thơ, một trẻ thơ làm công việc của người lớn cả. Và Danh, cũng như My, dầu đã qua thời thơ ấu, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình là người lớn. Rồi My sẽ viết về Danh, về chiếc xe lăn của Danh, không phải thời trang văn nghệ, Danh nhé! Chỉ là chiếc xe lăn của Danh mà thôi. Nó chỉ hiện diện trong Danh, trong My. Nó là một cái gì khích động sâu xa vô vàn, trong khoảng thời gian My đã đến, My đã làm một Nightingale trong bài học Anh văn thuở nhỏ. Người ta thấy Nightingale mỗi đêm, với một chiếc đèn dầu trong tay, đi khắp nơi mang nước đến cho những người thương bệnh binh… Và My, muốn làm người ôm đàn đi khắp nơi, hát cho những người bệnh nghe. Danh có biết, đã có lần My ngồi đàn trên chiếc xe lăn của Danh, My đã muốn khóc, khi My cố gắng tưởng tượng một sự mất mát ở chân My, giống như Danh.

Thôi Danh nhé, mưa đã dứt. Cành Cúc dại đã cười rạng rỡ những nụ hoa vàng. My muốn nói với Danh rằng: ở trong khắp cùng của đời sống, niềm tin yêu và hy vọng vẫn là món thuốc qu‎ý giá nhất. My xin tặng Danh món thuốc đó. Muốn bảo Danh gìn giữ Tuổi Thơ quý‎ giá trong tim, muốn Danh cười hoài nụ cười của trẻ thơ. Ở những khúc đời mà người ta thấy nỗi tuyệt vọng tột cùng, là người ta đã thấy yêu thương đời sống vô vàn, phải thế không Danh?

Rồi Danh hãy thực hiện hoài bão của Danh: viết về một loài cỏ, về cuộc đời của Danh. Loài cây thân thảo đó, My muốn Danh viết về loài Cúc dại mọc trong sân trường My, qua cơn mưa vẫn đứng dậy nở những nụ tin yêu. Nhé Danh! Mưa đã dứt….

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

(Bán nguyệt san Tuổi Hoa, số 205)

Các tác phẩm khác của Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Nữ chúa

Lão say

Khung kính vỡ và chiếc nhẫn đồi mồi

Khi Về Dưới Bóng Cây

Lá Thuộc Bài

Chai Dầu Cho Bà Ngoại

Áo đầm trắng Gia Long

Tim Tím Như Hoa Dại

Người khắc bia mộ

Khúc Lan Can Gãy

Đông Hà