watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Giấc mơ của một người tỵ nạn-Chương 14 - tác giả Chu Sa Lan Chu Sa Lan

Chu Sa Lan

Chương 14

Tác giả: Chu Sa Lan

02h00

03- 05-19 75

Vịnh Bắc Việt.



Huấn đứng im bên hông tàu gần trước mũi. Gió mát lạnh. Biển đen thăm thẳm. Nước biển sáng một màu kỳ lạ như có lân tinh. Bật quẹt đốt điếu thuốc hít hơi dài người lính biệt động quân khe khẽ thở dài. Từ khi triệt thoái khỏi cao nguyên các liên đoàn 21, 22, 23, 24, 25 được tàu hải quân chở ra An Thới để dưỡng quân. Chưa được bao lâu bốn liên đoàn 11, 12, 14 và 15 thuộc quân khu 1 cũng được di tản ra. Tình cảnh của họ không đến nỗi tệ lắm. Mỗi liên đoàn bị mất một tiểu đoàn. Quần áo rách rưới, dơ bẩn, mặt mũi bơ phờ, hốc hác; các người lính từng một thời oanh liệt nay trông như đám tàn binh mất ngơ ngác và thất tha thất thểu đi tìm bạn bè và cấp chỉ huy. Tuân lệnh của tướng Giai, Huấn và các vị liên đoàn trưởng cũng như tiểu đoàn trưởng an ủi và động viên tinh thần của lính đồng thời cố gắng chỉnh đốn lại hàng ngũ. Mười hai tiểu đoàn của bốn liên đoàn 11, 12, 14 và 15 hợp với mười lăm tiểu đoàn của các liên đoàn 21, 22, 23, 24 và 25 thành ra ba liên đoàn 1, 2 và 4. Dậu, liên đoàn trưởng liên đoàn 21 chỉ huy liên đoàn 1. Huấn lãnh liên đoàn 2 còn liên đoàn 4 được giao cho Biên. Cộng quân số của ba liên đoàn ba vị tân liên đoàn trưởng tự an ủi là ít ra họ cũng có được gần bảy ngàn lính. Quân số tuy đủ nhưng tinh thần của lính lại xuống thấp. Hàng ngày sĩ quan cấp tá, cấp úy, hạ sĩ quan và binh sĩ thâm niên thi nhau làm đủ mọi cách để nâng cao tinh thần chiến đấu kiên cường của lính. Dần dần những người lính từng có một quá khứ chống cộng lẫy lừng này lấy lại tinh thần chiến đấu và sẵn sàng được ném vào trận địa. Rồi ngày chờ đợi cũng tới. 25- 4. Ba liên đoàn âm thầm lên tàu ra bắc.



Chiều ngày 30- 4- 1975 . Huấn họp lính của mình lại báo tin buồn về sự thất thủ Sài Gòn và sự xụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà. Có tiếng nức nở. Có tiếng khóc âm thầm. Có những giọt nước mắt rơi lặng lẻ. Sau đó Huấn mới tiết lộ cho lính của mình nghe về cuộc hành quân Sinh Nam Tử Bắc đồng thời nhấn mạnh với họ là cuộc hành quân quyết tử này sẽ đánh vào Hà Nội bắt đám lãnh tụ cộng sản miền bắc. Chiếm được Hà Nội và bắt sống đám Lê Duẫn, Võ Nguyên Giáp họ sẽ cứu nguy được cho miền nam ngoài ra còn giải phóng cho miền bắc. Viễn tượng cứu miền nam và giải phóng miền bắc khiến cho tinh thần của lính bốc lên cao. Họ đùa với nhau về chuyện ngồi ăn phở ở Hồ Hoàn Kiếm mặc dù có rất nhiều người không hề biết cái hồ đó hình dáng ra sao. Họ tranh nhau về chuyện vào Phủ Chủ Tịt và ngồi lên cái ghế của Hồ Chí Minh. Họ kháo với nhau về cái chuyện nằm ngủ trong nhà của ông ta. Họ bàn với nhau chuyện trói tay Võ Nguyên Giáp. Lính bàn, lính nói đủ thứ chuyện vì không có chuyện gì làm ngoài chuyện ăn với ngủ, lau chùi lại vũ khí và tập họp với điểm danh mỗi buổi sáng.

Ánh đèn mập mờ của chiếc tàu chạy trước hiện ra như vì sao trong bầu trời tối đen. Bốn chiếc tàu của hải quân chở bốn liên đoàn biệt động quân từ ngoài xa lặng lẻ xâm nhập vào hải phận Bắc Việt. Thủy thủ đoàn mặc áo giáp, đội nón sắt ngồi trong các ụ súng đại bác. Mặc dù được hộ tống bởi các chiến hạm nhưng hạm trưởng vẫn ban lịnh nhiệm sở tác chiến cho chắc ăn.

Gió nhè nhẹ. Xa xa về hướng bắc có một vầng sáng hiện lên trên mặt biển đen mờ.

- Đảo Cát Bà đó trung tá...

Huấn quay qua cười với đại úy Tín, sĩ quan thuộc phòng tâm lý chiến của bộ tư lệnh hải quân.

- Nó là hòn đảo lớn nhất của vùng biển Hải Phòng... Trung tá hút thuốc...

Trong bóng đêm mờ mờ Huấn cũng nhận ra Tín đang cầm gói PallMall.

- Em gọi tôi bằng anh đi. Giờ này lon lá của mình dẹp rồi... Ở đâu mà em có PallMall...

Tín cười trong lúc bật chiếc zippo đốt thuốc cho Huấn.

- Bà xã em mua tặng...

Cười im lặng giây lát Huấn mới lên tiếng.

- Mình sẽ đổ bộ lên chỗ nào?

- Vùng An Hải thưa anh... Đây là một bãi biển nằm giữa hai cửa Lạch Tray và Cửa Cấm. Nó có một phi trường tên Cát Bi. Chỉ cần một tiếng đồng hồ là quân ta sẽ có mặt ở Hải Phòng. Lúc đầu tư lệnh của em định đổ lên Đồ Sơn nhưng sau đó ông đổi ý vì từ Đồ Sơn về Hải Phòng khá xa... Tàu đang chạy qua Đồ Sơn. Anh thấy chỗ đèn sáng bên tay trái của mình không. Đó là thị trấn Đồ Sơn...

- Em theo tụi này lên bờ không?

- Dạ không... Đổ bộ xong các chiến hạm sẽ tập trung lại để ngược sông Hồng lên Hà Nội. Tụi em có nhiệm vụ làm phóng viên chiến trường để chụp hình và tường thuật cho các hãng thông tấn quốc tế về cuộc tấn công Hà Nội của quân lực Việt Nam Cộng Hoà...

- Ai có ý kiến này?

- Đây là ý kiến của trung tướng Minh và phó đô đốc

Cang. Song song với cuộc tấn công bằng quân sự ta còn có cuộc tấn công bằng tâm lý chiến. Mỗi cánh quân tấn công vào Hà Nội đều có lính của mình chụp hình đưa cho các phóng viên báo chí của các nước cộng sản hiện đang có mặt ở Hà Nội. Từ đó tin tức sẽ tới tay các hãng thông tấn của các nước tự do như Hoa Kỳ, Anh và Pháp...

- Thủy quân lục chiến sẽ đổ lên ở đâu?

Hít hơi thuốc thật dài Huấn hỏi và Tín trả lời nhanh.

- Họ được đổ bộ xuống cửa biển Diêm Hộ rồi bắt đường 39 đi về tỉnh lỵ Thái Bình và sau đó về Nam Định để tấn kích vào mặt đông nam của Hà Nội...

Tín ngưng nói khi nghe có tiếng còi hụ lên nơi đài chỉ huy. Đưa gói thuốc cho Huấn Tín cười.

- Anh cầm lấy... Tụi em có nhiều lắm... Em phải lên xem có chuyện gì...

Nói xong Tín bước vội lên phòng chỉ huy còn Huấn vẫn đứng yên tại chỗ hút thuốc. Nghe tiếng máy tàu rú lên anh đoán tàu xả hết tốc lực chạy nhanh để đúng giờ hẹn đổ bộ với các cánh quân kia. Xa xa đèn của ghe đánh cá trôi lềnh bềnh trên mặt biển mờ mờ đen.



03h30. Huấn họp với các tiểu đoàn trưởng lần cuối cùng. Sau ngày 30- 4- 75 tướng Giai đã họp với các liên đoàn trưởng rồi sau đó chia lực lượng biệt động quân thành bốn liên đoàn 1, 2, 3, và 4. Vì quân số hao hụt và thiếu cấp chỉ huy cho nên 45 tiểu đoàn được thu nhỏ lại thành 16 tiểu đoàn. Mỗi liên đoàn có 4 tiểu đoàn tác chiến với quân số khoảng từ bảy tới tám trăm người. Đại tá Biết được chỉ huy liên đoàn 3. Huấn lãnh liên đoàn 2. Liên đoàn 1 được giao cho Dậu còn liên đoàn 4 cho Biên.



Lính đứng xếp hàng trong lòng tàu. Bộ chỉ huy của liên đoàn cùng với liên đoàn trưởng đứng đầu. Tất cả đều im lặng chờ đợi. 3 giờ rưởi. Loa phóng thanh báo cáo tàu chỉ còn cách bờ không đầy cây số. Hai chiếc dương vận hạm như hai con cá khổng lồ từ từ đâm thẳng vào bờ. Ào... Sức va chạm khiến mọi người ngã nghiêng rồi mới lấy lại thăng bằng. Tiếng động vang lên. Cánh cửa rơi ầm xuống làm nước văng tung tóe.

- Đi... Đi... Chạy...

Huấn nhảy ào xuống. Nước sâu ngang ngực và lạnh ngắt khiến cho anh rùng mình. Thấy liên đoàn trưởng nhảy trước lính tranh nhau nhảy theo. Chỉ cần nửa tiếng đồng hồ lính của liên đoàn 2 đã lên hết trên bờ.

Vừa đặt chân lên bãi cát ướt tướng Giai họp bốn liên đoàn trưởng.

- Huấn đánh phi trường còn Dậu tìm đường vào trong phố chiếm ga xe lửa. Tôi cần xe lửa để chở liên đoàn 3 và 4 đi Hải Dương... Bây giờ là 05h00. Tôi cho các anh hai tiếng...

Dậu thúc lính của liên đoàn 1 chạy ào. Huấn họp Phát, đại đội trưởng đại đội trinh sát và Thanh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 21.

- Ông Giai muốn mình chiếm phi trường, phá hủy máy bay địch nhưng giữ lấy phi đạo để làm chỗ cho máy bay của mình đáp xuống... Hai em tính sao?

- Mình phải đánh đặc công... Mình phải đột kích phá hoại máy bay trước chứ nếu không nó cất cánh lên là mình mệt với nó...

Quay sang Thanh và Phát Huấn cười nói.

- Hai em dẫn lính đột kích phi trường... Trong đánh ra ngoài anh ập vào...

Thanh và Phát kéo lính đi. Bóng lính áo rằn nhòa mất trong đêm tối. Liên đoàn 2 di chuyển từ từ về hướng phi trường Cát Bi. Giơ tay xem đồng Huấn lẩm bẩm.

- Hai đứa này làm gì mà lâu vậy...

Tiếng súng M16 nổ dồn dập. Tiếng lựu đạn nổ ầm ầm. Lửa bốc cháy sáng rực về hướng phi trường Cát Bi.

- Xung phong...

- Chạy...

Huấn thúc liên đoàn 2 chạy. Tiểu đoàn 22 đi bên trái, 23 đi bên phải còn 24 với bộ chỉ huy liên đoàn và đại đội súng nặng đi chính giữa. Tất cả chạy ào vào phi trường.

- Hoài Nhơn đây Phong Phú... Nghe rõ trả lời...

Hoài Nhơn là danh hiệu truyền tin của Huấn còn Phong Phú là của Phát, đại đội trưởng đại đội trinh sát.

- Hoài Nhơn nghe Phong Phú...

Huấn nghe tiếng Phát cười nói trong ống liên hợp.

- Anh nghe tụi nhỏ đốt pháo mừng anh chưa...

- Anh nghe pháo nổ rồi... Gặp lại em sau...

Đại đội 1 của tiểu đoàn 21 được lịnh ở lại giữ phi trường và các vùng lân cận. Trời tang tảng sáng.

- Hoài Nhơn đây Định Tường nghe rõ trả lời...

Định Tường là danh hiệu của Dậu. Huấn bốc máy. Anh nghe bên kia là tiếng súng nổ ầm ầm cùng với tiếng người nói chuyện lao xao giọng bắc nam đủ thứ.

- Tôi và lính đang ngồi ăn phở tái ở ga xe lửa Hải Phòng nằm cạnh đường Lê Lợi. ...

Huấn hỏi nhanh.

- Định Tường có đụng tụi nó không?

- Đụng nặng... Nhưng mấy thằng bộ đội cắc ké này không đủ cho lính tôi xơi tái. Lính của thằng 12 đang đái vào tòa nhà gọi là Công An Hải Phòng. Thằng 11, 14 và 15 đang dọn dẹp rác khắp nơi trong thành phố. Chừng nào Hoài Nhơn mới tới để mình đi du lịch Hà Nội...

Huấn cười lớn.

- Hoài Nhơn sẽ bắt tay Định Tường đúng 07h00... Nghe rõ trả lời...

- Định Tường nghe 5/5...

Nghe tiếng súng nổ không biết chuyện gì dân chúng túa ra đường. Trông thấy đoàn quân rằn ri họ xì xầm. Có người bạo dạn hỏi.

- Các anh là ai?

- Lính miền nam... Lính Cộng Hòa

Dân túa ra đường càng lúc càng nhiều.

- Phố Hải Phòng còn xa không quý vị?

- Chừng cây số... Các anh là lính miền nam thật ư?

Lính cười toe tét.

- Thật chứ... Tụi này sẽ đánh dô Hà Nội...

Dân la rầm trời, ới nhau suốt cả phố.

- Lính miền nam bà con ơi... Họ đánh vào Hà Nội cơ...

- Tụi này cần xe để vào phố. Ga xe lửa ở đâu bà con chỉ dùm...

- Đúng là lính miền nam rồi... Mấy ông muốn xe gì... Ô tô hay tàu hỏa...

- Xe gì cũng được... Xe đò... Xe lôi... Ô tô... Tàu hỏa gì cũng được. Tụi này cần tàu hỏa để chở lính đi Hà Nội...

Dân cười ngất vì cái giọng miền nam của lính.

- Trại lính đàng kia có nhiều xe lắm...

- Bà con chỉ đường được không...

Hai thanh niên tình nguyện đi theo lính để chỉ đường. Huấn và bộ chỉ huy liên đoàn chạy theo sau lính của tiểu đoàn 24. Con đường dọc bờ sông Lạch Tray vắng không bóng người. Gần tới ngã ba cách cây cầu chừng năm trăm thước hai thanh niên dừng lại để thở.

- Mấy anh thấy cây cầu đó không. Trại lính ở cạnh chân cầu. Lính đông lắm...

- Còn đường nào tới trại lính nữa không?

- Còn... Theo ngã rẽ này mấy anh sẽ tới phía sau lưng trại lính.

Huấn nói với Biên, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 22 và Trà, tiểu đoàn trưởng 23.

- Chờ cho anh đánh mặt tiền để dụ tụi nó xong Biên ập vào phía sau lưng còn Trà thọc ngang hông...

Biên và Trà dẫn tiểu đoàn chạy theo ngã rẽ. Huấn thúc lính của tiểu đoàn 24 tràn tới. Súng trong trại lính nổ ròn. Chết cũng mặc. Bị thương cũng mặc. Lính tràn tới như không sợ bị trúng đạn.

- Biệt động quân sát...

Súng mở auto, dàn hàng ngang lính ào tới như cơn gió. Đại liên nổ dồn dập khiến cho toán đi đầu hơi khựng lại rồi nằm rạp xuống đất. Huấn giơ tay xem đồng hồ. 5 giờ rưởi sáng. Một tiếng rưởi đồng hồ mà anh vẫn chưa vào được thành phố Hải Phòng. Chưa kịp bảo lính liên lạc với Biên anh chợt nghe súng nổ

rền từ hướng bắc. Bóng áo rằn chạy thấp thoáng.

- Xung phong...

Huấn và lính tràn tới. Súng M16 nổ rền. Đạn M60 réo thành âm thanh kinh dị. Lựu đạn, M79 nổ khắp nơi. Bị ba mặt đánh vào lính trong căn cứ tan hàng. Lớp bị bắn chết còn bao nhiêu buông súng.

- Xe... Mấy em kiếm xe...

Huấn hối lính. Lát sau lính báo cáo có gần bốn mươi xe nhà binh và năm chiếc jeep. 7 giờ sáng. Đoàn công voa được dẫn đầu bởi một chiếc jeep có giăng lá cờ vàng ba sọc đỏ chạy trên đường Lê Lợi của thành phố Hải Phòng. Dân chúng đứng dài hai bên đường nhìn đoàn xe cắm lá cờ vàng ba sọc đỏ.

- Lính miền nam... Mấy ổng ra đây giải phóng... Họ đi đánh Hà Nội...



Dân xì xầm. Tuy nét mặt có vẻ vui mừng nhưng họ im lặng nhìn. Dường như họ còn sợ sệt và không tin đoàn quân mặc áo rằn có vẽ hình đầu con cọp lại là lính từ miền nam xa xôi ra tới đây để đánh nhau với cộng sản.

- Giai Nhân bây giờ đang ở đâu?

Huấn hỏi Vân, liên đoàn phó.

- Ổng dẫn liên đoàn 4 lên xe lửa đi Hải Dương trong lúc ông Biết dẫn liên đoàn 3 lên Kẻ Sặt và Như Quỳnh. Tôi cũng nghe ổng nói là thủy quân lục chiến đã lội vào tỉnh lỵ Thái Bình rồi...

Đưa gói PallMall của Tín đã cho mình Huấn mời mọi người. Gói thuốc được chiếu cố kỹ không còn một điếu.

- Họ đi nhanh không kém chi mình...

Đăng, sĩ quan hành quân của liên đoàn cười nhẹ.

- Cũng như mình họ có bản đồ của không quân Mỹ chụp... Ông Khang ở bộ tổng tham mưu lấy đưa cho họ. Cũng nhờ những bản đồ này mà mình mới biết đường. Mình được cái lợi là có xe lửa từ Hải Phòng đi Hà Nội mỗi ngày...

Huấn cười gật gù.

- Cho thằng Thanh ở lại giữ phi trường Cát Bi với Hải Phòng còn mình với Biên, Trà và Định họp với ông Dậu đi Hà Nội...

- Chừng nào mình đi anh Năm?

- Đi liền bây giờ...

12h00. Đoàn xe lửa từ từ rời Hải Phòng. Ngồi trong toa xe Đăng nói với Huấn.

- Tôi đã liên lạc với Giai Nhân... Ổng đã tới Hải Dương hồi 10 giờ. Phần ông Biết cũng sẽ tới Kẻ Sặt khoảng 11 giờ. Ổng phải gấp rút tới Kẻ Sặt để cho lính nghỉ rồi xế chiều theo đường 38 tới Bắc Ninh. Liên đoàn 3 được lệnh đóng chốt ở Bắc Ninh không cho các sư đoàn đồn trú ở Lạng Sơn về tiếp viện Hà Nội đồng thời đánh chiếm phi trường Gia Lâm...

Huấn và Vân im lặng nghe người sĩ quan hành quân báo cáo tình hình.

- Anh đoán Hà Nội đã biết tin chưa?

Vân hỏi và Huấn trả lời không do dự.

- Tôi nghĩ đám Lê Duẫn biết tin rồi. Tuy nhiên thế trận đã dàn xong nên chúng cũng khó mà xoay chuyển. Ba mặt bắc, đông và nam của Hà Nội đã bị ta khóa cứng. Còn mặt tây thời sư đoàn dù sẽ nhảy xuống Sơn Tây để từ đó đánh vào Hà Nội trong lúc biệt kích dù nhảy xuống ngay trong lòng thành phố...

- Dân ở đâu mà đông quá vậy?

Huấn lên tiếng khi thấy dân chúng tụ tập dài theo hai bên đường chào mừng lính miền nam ra giải phóng miền bắc. Trẻ con hò la chạy theo xe của lính để xin kẹo bánh. Nhìn trẻ con ăn mặc rách rưới còn người lớn ăn mặc lam lũ Vân thở dài.

- Ra đây mình mới thấy dân miền bắc nghèo quá. Dân chúng không có ai mặc áo màu hết. Ở đâu cũng thấy đồng phục... Ở đâu cũng thấy màu đen, màu nâu... Trông thật buồn thảm và ảm đạm. Cộng sản đã biến miền bắc thành một vùng đất buồn như có tang...

Huấn và Đăng im lặng nhìn hai hàng dân chúng đứng đón mừng họ. Hàng trăm ngàn lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới trong bầu trời mùa xuân man mát gió của thành phố Hải Phòng.
Giấc mơ của một người tỵ nạn
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương kết