Hồi 13
Tác giả: Cổ Long
Đỉnh Âm Sơn vẫn lộng gió! Và gió vẫn đi theo triền núi để phủ chụp lấy toàn bộ vạn vật nằm ở phía dưới và xung quanh ngọn Âm Sơn.
Khu mộ địa rộng bạt ngàn ở ngay chân núi đương nhiên cũng bị gió thổi tràn trề tạo cho quang cảnh khu mộ địa ngày càng thêm vẻ hoang lương và có phần ghê rợn.
U… U… U… Gió xuyên qua từng lùm cây dại, lách qua từng ngôi mộ để rồi sau đó biến thành những nhịp thở phập phồng và những tiếng thầm thì của bọn cô hồn dã quỷ. Điều này càng làm cho khu mộ địa thêm vắng lặng dẫu bây giờ đang là buổi chiều tà, đêm hãy còn lâu mới phủ chụp vạn vật.
Thế nhưng, sự ghê rợn của khu mộ địa vẫn chưa phải là hết.
Một bóng nhân ảnh với y phục trắng bỗng chập chờn lúc ẩn lúc hiện giữa khu mộ địa.
Sắc da trắng nhợt, hai mắt lấp loáng tinh quang, phiêu phiêu hốt hốt, chân không chạm đất, bóng nhân ảnh này khó có thể được xem là một con người sống.
Vả lại, nếu là con người sống thì người này xuất hiện giữa khung cảnh này rất dễ khiến cho ai đó nhìn thấy phải tưởng lầm là bóng u linh. Vì chỉ có bóng u linh mới có cách di chuyển như thế này và chỉ có bóng u linh mới ung dung xuất hiện giữa một khung cảnh hoang lương là khu mộ địa.
Tuy nhiên, nếu là bóng u linh thì phương hướng di chuyển của bóng đó có điều lạ thường.
Bóng đó chỉ lướt qua khu mộ địa để đến một mái thảo lư nằm kề với khu mộ địa đó.
Thông thường nhà của bọn cô hồn dã quỷ chính là nấm mộ dã chôn cất thi thể của chúng! Chúng không thể đi đến bất kỳ một mái nhà nào nhất là khi bóng đêm chưa về.
Vậy thì bóng nhân ảnh này chưa chắc đã là bóng u linh.
Đã thế, khi bóng này đến trước mái thảo lư bỗng mở miệng phát thoại. Và âm thanh phát ra chính là âm thanh chỉ có ở con người còn sống. Vì bóng đó gọi vọng vào mái thảo lư kia:
- Mẫu thân! Phục nhi của mẫu thân đã về đây…. mẫu thân!
Có lẽ bóng đó đang trong một tâm trạng nôn nóng nên miệng thì gọi và chân thì bước luôn vào bên trong.
Đến lúc này, khi tiếng bước chân của bóng đó vang lên rõ mồn một, cộng với lời phát thoại ầm vang kia, tất cả minh chứng rằng bóng đó không là bóng u linh.
Và bóng đó không những là con người sống hẳn hoi mà còn là Bạch Bất Phục.
Trải qua một thời gian dài không nhìn thấy ánh dương quang, lại phải luôn đầm mình vào làn nước lãnh thủy, sắc da của Bạch Bất Phục trắng nhợt là lẽ đương nhiên.
Và ngay sau khi ly khai Bích Dạ Cung, nơi mà Bạch Bất Phục phải tìm đến đầu tiên chính là nơi này.
Nỗi nhớ nhung mẫu thân khiến Bạch Bất Phục phải nôn nóng.
Thế nhưng, bóng dáng của mẫu thân không hề hiện diện.
Bạch Bất Phục dễ dàng nhận ra điều này kể từ lúc đặt bước chân đầu tiên vào nơi đã từng là nhà, là mái ấm của y.
Vì mọi vật dụng trong nhà đang được một lớp bụi thời gian phủ lấp. Không những thế, ở bất kỳ xó xỉnh nào cũng có sự hiện diện của lớp tơ giăng nhện bám.
Bạch Bất Phục thoáng chấn động vì việc xảy ra ngoài dự liệu:
- Mẫu thân đã đi đâu ? Hay là….
Không dám nói tiếp những gì còn là trong ý nghĩ, Bạch Bất Phục khẽ chợt động thân hình và biến mất hút về phía sau.
Ở phía sau không có cái mà Bạch Bất Phục muốn tìm, y vội đảo người về bên tả rồi sang phía hữu của mái thảo lư.
Đứng lặng người ở phía trước,Bạch Bất Phục lại lẩm bẩm:
- Không có dấu hiệu nào chứng tỏ mẫu thân đã tạ thế! Việc vắng bóng của mẫu thân chỉ có thể hiểu theo hai cách:
mẫu thân vì thương nhớ đang lặn lội tìm ra! Còn không đôi nam nữ độ nào vì không giàm sát được ta nên trút giận vào mẫu thân?
Sau một lúc ngẫm nghĩ, Bạch Bất Phục vụt kêu lên:
- Dù chân trời góc bể, hài nhi quyết phải tìm được mẫu thân!
Trong chớp mắt, bóng nhân ảnh của Bạch Bất Phục lại mất dạng.
Cuối cùng Bạch Bất Phục đã có được một thân võ học như mong muốn. Đây là điều sẽ khiến cho đôi nam nữ trước kia nếu biết được sẽ phải căm tức. Và đó cũng là cách mà Bạch Bất Phục vừa nghĩ ra.
Bạch Bất Phục sẽ khiến cho đôi nam nữ kia hiện thân và qua đó Bạch Bất Phục sẽ biết được tung tích của mẫu thân.
Trên đường xuôi tây, một vị công tử có dáng dấp phong lưu tao nhã đang thong dong đếm bước.
Trên tay vị công tử đang phe phẩy một chiếc quạt giấy. Và chiếc quạt giấy này cũng mang một màu sắc trùng hợp với bộ nho phục trắng tuyền của vị công tử.
Với sắc diện trắng hồng, toàn bộ vẻ ngoài của vị công tử đâu khác gì cây ngọc trước gió? Và có thể nói:
vị công tử này chính là Phan An tái thế , Tống Ngọc hồi sinh.
Vị công tử vẫn ung dung bước đi, cho dù trời sắp về chiều và trấn thành ở phía trước hãy cõn cách đó ngoài năm dặm.
Điệu bộ ung dung của vị công tử trong chớp mắt liền biến mất. Chàng dừng lại và nghiêng đầu sang một bên.
Chàng chợt mỉm cười và lắc nhẹ đôi vai.
Với hành động này, vị công tử có dáng cách thong dong vụt đổi xác để biến thành trang nam tử hán có thân thủ bất phàm.
Do phát hiện có nhiều tiếng động khả nghi chàng vội thi triển khinh thân pháp và lao đi thần tốc.
Tại một cánh rừng thưa vẫn còn nằm khá xa so với trấn thành, một khu trang viên có phần nào hoang phế liền xuất hiện trong tầm thị tuyến của vị công tử.
Tiếng động khả nghi mà chàng nghe được vẫn đang phát ra từ khu trang viện.
Vẫn bằng khinh thân pháp ảo diệu, chàng tránh xa phía chính diện để tìm cách vòng về phía sau khu trang viên.
Đúng với nhận định của chàng, ở phía sau khu trang viên quả nhiên đang có nhiều nhân vật giang hồ xuất hiện.
Đôi mục quang của chàng bỗng lóe lên những tia nhìn bí ẩn. Chàng căng mắt nhìn vào từng diện mạo của một vòng người gồm hơn hai mươi nhân vật vận y phục đen tuyền.
Giữa vòng người Hắc Y Nhân đó là hai nhân vật đang mang hai nét mặt hoàn toàn mâu thuẫn.
Một người có xấp xỉ lục tuần đang giương giương tự đắc nhìn bọn Hắc Y nhân với cái nhìn vừa thách thức vừa giễu cợt.
Nhân vật cònn lại cũng có niên kỷ tương tự nhưng lại bắn xạ tia nhìn lo sợ vào bọn hắc y nhân.
Vòng vây vẫn khép kín chứng tỏ hai nhân vật cao niên kia đang bị bọn Hắc Y nhân uy hiếp.
“Tại sao cùng bị uy hiếp nhưng một người thì lo sợ còn một người thì không?” Vị công tử nghi ngờ, đưa mắt nhìn theo hướng nhìn của nhân vật có sắc diện lo sợ kia.
Ngay tức khắc đôi mục quang của chàng liền loé lên hai tia hung quang. Bởi diều chàng đang nhìn thấy là điều phi nhân đến không tưởng.
Trong tay của một Hắc Y nhân, một vị nữ lang có niên kỷ độ đôi tám đang bị tên Hắc Y nhân đó giữ chặt.
Không những thế, tên Hắc Y nhân còn dùng đại đao đặt kề vào cổ của vị nữ lang kia.
Sắc diện của nữ lang cũng mang đầy vẻ sợ hãi đâu khác gì sắc diện của nhân vật cao niên kia.
“Sự lo sợ của cả hai dường như cả hai có điều gì đó tương quan?” Vị công tử mới nhìn ra điều này thì tên Hắc Y nhân kia bỗng quát lên:
- Lão thất phu ! Nếu lão không giao lão họ Đồng cho bọn ta, tiểu nha đầu này chắc chắn phải chết !
Ngược lại, nhân vật cao niên có thái độ tự đắc kia ung dung hăm dọa ngược lại:
- Lũ súc sinh bọn ngươi nếu không thả Đồng nha đầu, lão phu lập tức hủy diệt người mà bọn ngươi muốn bắt giữ.
Thu tia nhìn hung quang lại, vị công tử vẫn nhìn toàn cảnh bằng cái nhìn đầy nghi hoặc:
- “Thế là thế nào? Nữ lang kia và lão trượng nọ Ở chung một họ Đồng, chẳng hoá ra bọn Hắc Y Giáo và lão nhân kia cùng dùng tính mạng của cả hai để uy hiếp lẫn nhau ư ? Nếu vậy còn gì là đạo lý ?” Xoay chuyển ý nghĩ thật nhanh vị công tử bỗng ứng tiếng đánh động.
- Cho hỏi ở phía trước có phải chư vị bằng hữu ở Hắc Y Giáo không?
Âm thanh vang lên khá đột ngột khiến cho mọi người đương diện đều phải kinh ngạc lẫn hoang mang. Hoang mang nhất chính là nữ lang và lão trượng họ Đồng.
Tuy nhiên, âm thanh đáp lại là do tên Hắc Y Nhân kia phát ra:
- Là vị bằng hữu nào quang lâm.
Với dáng điệu ung dung vị công tử vừa phe phẩy chiếc quạt giấy vừa tiến đến đương trường.
Vòng Hắc Y nhân vội tách ra tạo một khoảng trống đủ cho mọi người cùng nhìn thấy vị công tử.
Nét mặt vừa tỏ ra căng thẳng của lão nhân tự đắc chợt giãn ra khi nhìn thấy kẻ xuất hiện chỉ là một tên nho sinh công tử, sức trói gà không chặt.
Ngược lại, tên Hắc Y nhân vừa lên tiếng bỗng sa sầm nét mặt, y quát:
- Tên đồ gàn kia, ngươi là ai? Ngươi có mấy thủ cấp mà dám gọi bừa bọn ta là bằng hữu?
Không để tâm đến tiếng quá nạt đầy giận dữ của tân Hắc Y nhân,vị công tử vẫn ung dung tiến qua vòng người.
Nghĩ đến câu nói:
“Không là mãnh long không quá giang!”. Tên Hắc Y nhân nọ rít lên:
- Đứng lại! Các hạ còn bước tới nữa đừng trách bổn Đường chủ xem các hạ là địch nhân!
Thoáng dừng lại, vị công tử chợt vòng tay thủ lễ với chiếc quạt được khép lại nhẹ nhàng:
- Đường chủ bất tất phải khẩn trương. Lời của tai hạ tuy có phần quá đáng nhưng thật sự tại hạ chính là bằng hữu với lệnh Giáo Chủ quý giáo.
Tên Hắc Y nhân lộ vẻ nghi ngờ:
- Các hạ nói đúng không? Sao bổn Đường chủ không hề nghe Dương Giáo Chủ nhắc đến loại bằng hữu như các hạ?
Vị công tử chớp nhẹ đôi mắt như muốn che giấu diều đang nghĩ. Vị công tử nhẹ nhàng hỏi lại:
- Đường chủ dám gọi bằng hữu của lệnh Giáo Chủ là loại này loại nọ ư ? Đường chủ nghĩ sao nếu tại hạ nói lại việc này cho Độc Tâm Thiết Trảo Dương Côn Dương Giáo chủ biết ?
Kẻ dám gọi thẳng tên tục của Giáo chủ chỉ có hai hạng người:
hoặc là bằng hữu thật sự thâm giao hoặc là kẻ thù của Giáo chủ.
Tên Hắc Y nhân tuy biết rõ điều này nhưng y lại không dám mạo phạm.
Y có phần dịu giọng khi tìm cách dò hỏi:
- Chẳng hay tôn danh đại tính của các hạ là gì?
Phạch!
Vị công tử ung dung mở quạt, vừa phe phẩy vị công tử vừa đáp:
- Đường chủ cứ gọi tại hạ là Bạch Y công tử, thế cũng đủ!
Dứt lời, vị công tử lại nhẹ nhàng bước đến.
Tên Hắc Y nhân tuy nhìn thấy cử chỉ của vị công tử này, nhưng do mải lẩm nhẩm lập lại cách gọi của vị công tử kia nên y không thể nào thốt lời ngăn lại:
- Bạch Y công tử ? Danh xưng này nghe rất lạ, bổn Đường Chủ mới lần đầu được nghe.
Y chợt nhận ra vị công tử đang đi đến và đi đến quá gần bèn cao giọng để hỏi:
- Thật sự là thế nào ? Các hạ có đúng là bằng hữu của tệ Giáo Chủ không?
Lúc đó, vị công tử do đang hướng mắt nhìn vào khuôn mặt sợ sệt của nữ lang nên câu hỏi của tên Hắc Y nhân như không lọt vào thính nhĩ của chàng.
Vị công tử hất hàm về phía nữ lang và hỏi tên Hắc Y nhân:
- Đây là địch nhân của Đường Chủ à ? Ồ… Hình như Đường chủ vừa mới hỏi tại hạ điều gì đó thì phải?
Tên Hắc Y nhân tuy gật đầu đáp lại câu hỏi của vị công tử về nữ lang họ Đồng ,nhưng miệng của y thì hỏi:
- Bổn Đường Chủ muốn biết giữa các hạ và tệ Giáo Chủ có phải là….
Tình thế vụt thay đổi khi vị công tử nạt lớn:
- Đã muộn rồi ? Bổn công tử là thù chứ không là bằng hữu của lão Dương Côn!
Tiếng quát nạt của vị công tử làm cho tên Hắc Y nhân bàng hoàng.
Và dù bàng hoàng nhưng phản ứng của y thật xứng đáng với cương vị Đường Chủ Hắc Y Giáo.
Y lôi nữ lang sang một bên và chớp động đại đao với tiếng quát vang dội:
- Muốn chết !
Nhưng tiếng quát của vị công tử còn lớn hơn:
- Buông tay!
Vị công tử khẽ nghiêng đầu, đồng thời xếp nhanh chiếc quạt! Dùng đuôi quạt được xếp chặt như một vũ khí, vị công tử điểm nhanh vào hồ khẩu tay cầm đại đao của tên Hắc Y nhân!
Xoảng!
Thân thủ của vị công tử quá nhanh khiến cho tên nọ phải buông rơi đại đao vì không thể nào nắm giữ được một khi hồ khẩu tay bị tê rần.
Thu tay về, tên Hắc Y nhân tiện đà định quật chưởng vào đầu của nữ lang họ Đồng. Vì y nghĩ rằng sự can thiệp của vị công tử ắt phải dính líu đến vị nữ lang.
Y nghĩ không sai nhưng hành dộng của y lại quá chậm so với ý nghĩ.
Vị công tử xoay người đảo bộ và lập tức bóng nhân ảnh của chàng từ một liền hoá thành ba. Đồng thời cả ba bóng nhân ảnh này cùng quay tít như chiếc quạt.
Có tiếng quát của vị công tử vang lên:
- Ngươi đáng chết!
Bản lĩnh của vị công tử thật cao thâm khó lường! Ba chiếc quạt cùng được vũ lộng, đáng lý ra phải là một thực hai hư! Vì nhân ảnh của chàng thực sự chỉ có một, chỉ có bóng mới là hai chiếc bóng.
Thế nhưng hoặc là ba chiếc bóng đều là người thật, hoặc do vị công tử xuất thủ liên tiếp ba chiêu nên cả ba chiêu đều là thực chiêu.
Một chiếc quạt gõ vào huyệt hiệp cốc trên tả thủ của tên Hắc Y nhân khiến y phải buông thả vị nữ lang.
Một chiếc quạt thứ hai công kích vào kiên tĩnh huyệt trên đầu vai hữu của y, làm cho y phải buông dở nửa chừng chiêu chưởng sát thủ.
Còn chiếc quạt thứ ba thì nhanh tốc xoáy vào mi tâm huyệt của tên Hắc Y nhân và đó chính là điều thức tối hậu của vị công tử.
Ba tiếng động như vang lên cùng một lúc, không tiếng nào trước tiếng nào! Chỉ có tiếng động thứ tư, tiếp đó là tiếng động thứ năm mới phát ra sau, chậm hơn và có kết cục rõ ràng.
Đó là tiếng tia máu phun ra từ Mi tâm huyệt của tên Hắc Y nhân, trước khi y ngã xuống và hồn du địa phủ.
Mọi người đương diện ngay từ đầu vẫn lẳng lặng theo dõi và đến lúc này bọn họ mới có phản ứng.
Bọn giáo đồ Hắc Y Giáo bất đồng gào lên, rống lên:
- Tiểu tử đã giết Tả Đường Chủ!
- Phải báo thù cho Tả Đường Chủ!
- Tiến lên ! Bằm xác tiểu tử ra!
Hai lão nhân ở giữa vòng vây thì mỗi người kêu mỗi phách:
- Tiểu Hoa chạy mau đi ! Đừng lý gì đến nội tổ !
- Hay lắm Tiểu Hoa ! Mau lại đây với ta nào !
Nghe lọt tại từng âm thanh một, vị công tử dùng chiếc quạt giữ nữ lang họ Đồng lại. Chàng nói thật nhỏ, thật nhanh:
- Tiểu muội tử đứng lại đã. Đừng đi vội.
Ngay sau đó chàng đổi giọng quát thật lớn:
- Bọn Hắc Y Giáo đồ nghe đây! Cái chết của Tả Đường Chủ là gương cho bọn ngươi. Bọn ngươi còn loạn động đừng trách bổn công tử hạ thủ bất lưu tình.
Bọn Hắc Y Giáo đồ bị tiếng quát kinh thiên động địa uy hiếp phải rúng động tâm can.
Bọn chúng vừa nín bặt, vị công tử lại quát bảo:
- Khi quay lại Ma Vân Cốc, bọn ngươi nói cho lão Dương Côn biết :
Bạch Y công tử sẽ đến bái phỏng lão! Cút đi!
Càng thêm rúng động bởi thiện bất lai mà lai bất thiện, bọn Hắc Y Giáo đồ thoáng đưa mắt nhìn nhau rồi đồng loạt tháo chạy!
Vị công tử vẫn ngăn vị nữ lang bằng chiếc quạt, cho dù lão nhân đang tự đắc kia vẫn cứ tự đắc:
- Thần uy của công tử thật bất phàm. Không phí công lão phu dùng khổ nhục kế để chi trì với bọn hung đồ Hắc Y Giáo.
Ngay khi lão nhân dứt lời, cả lão trượng kia lẫn nữ lang nọ cùng kêu lên:
- Lão bá bá nói sao ? Hành vi vừa rồi của lão bá bá chỉ là giả vờ thôi sao ?
- Quỷ Y lão huynh nói có thật không? Đây là khổ nhục kế của lão huynh nhằm cứu nguy cho Đồng mỗ à ?
Bật cười đắc ý, lão nhân vừa được lão trượng họ Đồng gọi là Quỷ Y lẹ miệng giải thích:
- Đồng huynh nghĩ thật lạ. Là một y sư, phận sự của mỗ ngoài việc trị bệnh còn phải nghĩ cách chi trì tính mạng cho Đồng huynh là bệnh nhân của mỗ. Do gặp lúc khẩn trương nên mỗ không tiện thương lượng. Làm cho Đồng huynh phải một phen hoảng sợ, đó là lỗi của mỗ. Hà…hà…hà…!
Lời giải thích của Quỷ Y nghe thật xuôi tai, vậy mà đối với vị công tử, tràng cười sau đó của lão lại có vẻ thiếu thành thật.
Chàng còn đang ngẫm nghĩ, chưa kịp có phản ứng, lời của lão Quỷ Y lại vang lên và là nói với chàng:
- Bạch Y công tử có thể cho lão phu biết tánh danh cùng sư thừa không?
Tiếp đó, chàng chưa kịp đáp thì Quỷ Y lại nhanh mồm nhanh miệng gọi nữ lang họ Đồng:
- Tiểu Hoa ! Điệt nữ sao còn chưa đáp tạ ân cứu mạng của ân nhân? Mau đáp tạ đi, rồi lại đây giúp lệnh tổ đi vào nhà!
Thông thường, bất kỳ ai cũng vậy khi đang gặp nguy lại có người lạ mặt ra tay giải nguy, ý đồ của người lạ mặt đó tất sẽ bị kẻ khác nghi ngờ.
Nữ lang họ Đồng không phải là ngoại lệ, nhất là vào lúc này vẫn bị Bạch Y công tử dùng chiếc quạt ngăn đường.
Hiểu được sự nghi kỵ của nàng, Bạch Y công tử vội thu chiếc quạt về và bước tránh sang một bên.
Đến lúc đó nữ lang mới lên tiếng:
- Đa tạ ân cứu mạng của … ân công!
Khó gọi chàng là Bạch Y công tử, vì cách gọi này chỉ dùng cho người quá thân quen hoặc hoàn toàn xa lạ. Đằng này, vị công tử vừa có ân cứu mạng, xem là xa lạ thì không đúng, nhưng có thế là quá thân quen thì không đủ. Sau một thoáng ngập ngừng, nữ lang bèn gọi là ân công.
Mỉm cười thân thiện, vị công tử đáp nhẹ:
- Mong tiểu muội tử đừng để tâm. Bạt đao tương trợ khi gặp bất bằng chỉ là chuyện thường tình thôi mà.
Lần thứ hai được vị công tử hào hoa tuấn tú gọi là tiểu muội tử, nữ lang nọ chợt hây hây đỏ đôi gò má.
Nàng thoăn thoắt tiến đến với lão trượng họ Đồng. Nàng gọi một cách lo lắng:
- Nội tổ! Nơi này cách tổng đàn Hắc Y Giáo không xa. Để hài nhi đưa nội tổ đi nơi khác ẩn thân.
Và khi nữ lang họ đồng vòng tay qua người lão trượng kia để dìu đi vị công tử mới kinh ngạc kêu lên:
- Lão trượng xin chớ trách tiểu bối lắm lời, thương thế của lão trượng….
Lão Quỷ Y chợt cười lạnh:
- Ngươi tự biết là lắm lời, còn hỏi làm gì ? Phải chăng việc ngươi xuất hiện là có ý đồ gian trá ? Hừ !
Chàng không kịp nói lời biện minh sau câu hỏi đầy ác ý của lão Quỷ Y, lã còn nói thêm lời đề quyết:
- Xem ra tâm ý của ngươi cũng không khác gì bọn hung đồ Hắc Y.
Chàng nhếch môi cười nhạt:
- Nếu tiền bối không phải là y sư, lấy việc cứu người làm trọng, vãn bối nhất định không bỏ qua câu nói vừa rồi của tiền bối. Vãn bối chỉ muốn nhắc tiền bối một điều, nếu vãn bối có ác ý, vãn bối không cần vội hiện thân và ra tay. Làm ngư ông đắc lợi vẫn tốt hơn nhiều! Cáo biệt!
Chàng động thân đi ngay, sau khi dứt lời. Nhưng trước đó, chàng vẫn kịp nhìn thấy có hai đôi mắt đang dõi nhìn chàng. Một thì đắc ý còn một kia thì lại có phần nuối tiếc xem lẫn ân hận! Đó là ánh mắt nhìn của lão Quỷ Y và của nữ lang họ Đồng.