watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Một cây cầu quá xa-P 2- Chương 10 - tác giả Cornelius Ryan Cornelius Ryan

Cornelius Ryan

P 2- Chương 10

Tác giả: Cornelius Ryan

Một người khác « hiển nhiên là không thoải mái ». Trung uý phi công Donald Love, 28 tuổi, một phi công trinh sát của RAF, cảm thấy hoàn toàn lạc lõng giữa đám sĩ quan thiết giáp cận vệ. Anh này là một thành viên của đội liên lạc với không quân có nhiệm vụ gọi máy bay phóng pháo Typhoon tới yểm trợ khi cuộc đột kích bắt đầu. Chiếc xe mỏng mảnh của anh (được đặt mật danh là « Cốc rượu vang »), với mui xe bằng vải bạt và mớ phương tiện liên lạc, sẽ phải đi lên hàng đầu ngay gần xe chỉ huy của trung tá Joe Vandeleur. Love cảm thấy bị phơi trần ra và không có phương tiện tự vệ : cả đội liên lạc của RAF đều chỉ có súng ngắn. Trong lúc anh nghe Vandeleur nói về một bức tường lửa di động có thể tiến về phía trước với tốc độ 200 yard một phút" và nghe thấy viên sĩ quan to con người Ireland mô tả chiếc xe trinh sát bé nhỏ của Love như là "một tín hiệu của lực lượng thiết giáp để liên lạc trực tiếp với cac phi công trên trời", Love càng lúc càng thấy lo lắng. "Tôi có linh cảm là tôi sẽ là người chịu trách nhiệm liên lạc với những chiếc Typhoon ở trên đầu chúng tôi". Ý nghĩ chằng lấy gì làm dễ chịu. Love biết rất ít về sử dụng radio, và anh cũng chưa bao giờ làm nhiệm vụ sĩ quan phối hợp tác chiến giữa không quân và lục quân. Thế rồi, thật nhẹ nhõm, anh được biết rằng một chuyên gia trong lĩnh vực này, phi đội trưởng Max Sutherland, sẽ đi cùng anh ngày hôm sau để phụ trách việc liên lạc trong quá trình tiến hành đột kích. Sau đó, Love sẽ phải chịu trách nhiệm. Love bắt đầu tự hỏi liệu đáng ra anh có nên xung phong tình nguyện hay không. Anh đã nhận nhiệm vụ này "bởi vì tôi nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời".
Một thay đổi khác cũng làm viên chỉ huy đơn vị cận vệ Ireland bận tâm. Trong trận đánh chiếm đầu cầu qua kênh đào Escaut, Joe Vandeleur đã mất "một người bạn gần gũi và đáng trân trọng". Chiếc xe thông tin của ông này, với một chiếc loa phóng thanh kếch xù trông giống một cây kèn trompet gắn trên nóc, đã bị đạn trái phá của Đức phá hủy. Suốt trong thời gian huấn luyện tại Anh và trong cuộc tấn công thần tốc từ Normandy, Joe đã dùng chiếc xe này để thông báo với binh lính dưới quyền và ở cuối mỗi bản thông báo, vốn là một người say mê nhạc cổ điển, ông luôn cho phát một hai bản - một sự lựa chọn chẳng phải lúc nào cũng vừa tai đám lính cận vệ. Chiếc xe đã bị nổ tung ra từng mảnh và mảnh những đĩa nhạc cổ điển - kể cả giai điệu ưa thích của Vandeleur - đã bị văng ra tứ tung khắp vùng đồng quê xung quanh. Joe lấy làm phiền lòng về mất mát này; nhưng đám lính cận vệ Ireland của ông thì không. Họ nghĩ, ngay cả khi không phải nghe bản "Praise the Lord and Pass the Ammunition" chốc chốc lại vang ầm lên từ chiếc loa phóng thanh của Joe thì con đường tới Arnhem cũng đã đủ mệt mỏi nặng nề rồi.
Trong khi đó, tại Anh lực lượng nhảy dù và đổ bộ bằng tàu lượn của đạo quân đổ bộ đường không số 1 đã tập hợp ở khu vực tập kết, sẵn sàng đợi lệnh cất cánh. Trong vòng 48 giờ trước đó, sử dụng bản đồ, ảnh không thám và mô hình thu nhỏ, các sĩ quan đã phổ biến đi phổ biến lại kế hoạch tác chiến cho binh lính dưới quyền mình. Công cuộc chuẩn bị thật to lớn và tỉ mỉ. Tại 24 sân bay (8 cho lực lượng Anh, 16 cho lực lượng Mỹ), một lực lượng khổng lồ máy bay chở quân, máy bay kéo và tàu lượn đã được kiểm tra, nạp nhiên liệu và chất đầy trang bị từ xe jeep đến pháo. Ở phía bắc London 90 dặm, sư đoàn 82 "All American" của chuẩn tướng James M.Gavin đã bị cấm trại hoàn toàn trong một cụm sân bay nằm quanh Grantham ở Lincolnshire. Ở đây cũng có một phần sư đoàn Quỷ Đỏ của tướng Roy Urquhart và lữ đoàn dù Ba Lan số 1 của thiếu tướng Stanislaw Sosabowski. Về phía nam gần Newbury, cách London khoảng 80 dặm về phía tây, sư đoàn 101 của thiếu tướng Maxwell D.Taylor cũng đã cấm trại. Cũng trong khu vực này, trải dài tới tận Dorsetshire, là phần còn lại của sư đoàn của Urquhart. Phần lớn các đơn vị của ông này chỉ được đưa tới sân bay vào sáng ngày 17, nhưng tại các địa điểm trú quân nằm gần địa điểm xuất phát, họ cũng đã sẵn sàng. Khắp nơi, vào lúc này lực lượng đổ bộ đường không của chiến dịch Market-Garden đợi thời điểm xuất phát cho cuộc tấn công lịch sử giải phóng Hà Lan từ trên không.
Nhiều người cảm thấy quan tâm đến việc bị cấm trại hơn là nhiệm vụ sắp tới. Tại một sân bay nằm gần làng Ramsbury, những biện pháp an ninh đã khiến hạ sĩ Hansford Vest, thuộc trung đoàn 502 của sư đoàn 101, cảm thấy bực bội. Máy bay và tàu lượn "chen nhau nằm dài hàng dặm khắp trong vùng và ở đâu cũng có quân cảnh". Anh ta nhận thấy sân bay đã bị bao quanh bằng hàng rào dây thép gai với "quân cảnh Anh gác ở ngòai và quân cảnh của chúng tôi gác phía trong". Vest có " cảm giác rằng chúng tôi bị tước hết sự tự do". Binh nhì James Allardyce thuộc trung đoàn 508, ở giữa rừng lều dày đặc của đơn vị mình, cố gắng quên đi hàng rào thép gai và lính gác. Anh này kiểm tra đi kiểm tra lại vũ khí quân trang của mình " cho đến khi chúng gần như mòn đi". Allardyce không thể rũ bỏ được cảm giác rằng "chúng tôi chẳng khác gì những kẻ bị kết án đang chờ bị tống ra pháp trường".
Một số người khác lại chỉ lo lắng về khả năng chiến dịch mới được thực hiện. Đã có quá nhiều chiến dịch trước đó bị đình chỉ khiến một tân binh, binh nhì 19 tuổi Melvin Isenekev, thuộc trung đoàn 506 ( anh này từ Mỹ tới ngày 6/6, đúng hôm sư đòan 101 nhảy dù xuống Normandy), vẫn không tin rằng họ có thể xung trận được ngay cả khi họ đã vào khu tập hợp. Isenekev cảm thấy anh đã luyện tập "lâu dài và vất vả cho nhiệm vụ này và tôi không muốn bị bỏ lại phía sau". Thế nhưng thiếu chút nữa chuyện đó đã xảy ra. Cố tìm cách châm lửa chiếc bếp dầu tự tạo để đun nước, anh ta đã đốt một que diêm rồi ném vào một vỏ thùng dầu. Không thấy gì xảy ra, Isenekev "cúi đầu lại gần nhìn và tất cả nổ tung". Hoàn toàn bị mù tạm thời, anh ta nghĩ ngay, "Thế là hết. Họ sẽ không cho tôi đi". Tuy nhiên chỉ vài phút sau hai mắt anh ta đã hết bỏng và anh này đã có thể nhìn trở lại. Nhưng anh tin chắc rằng mình là nhân vật duy nhất thuộc sư đoàn 101 nhảy dù xuống Hà Lan không có lấy một sợi lông mày nào.
Thượng sĩ nhất Daniel Zapalski, 24 tuổi, thuộc trung đoàn 502 "lo tóat mồ hôi về cú nhảy sắp tới; hy vọng rằng chiếc dù được gấp đúng cách, hy vọng rằng nền đất sẽ mềm; và hy vọng rằng tôi sẽ không mắc vào một cái cây nào đó". Anh háo hức muốn lên đường. Cho dù vẫn chưa hoàn toàn bình phục vết thương chân ở Normandy, Zapalski tin rằng vết thương của anh "không nghiêm trọng đến mức khiến tôi không thể hoàn thành được trách nhiệm của mình". Tư lệnh tiểu đoàn của anh, viên trung tá rất được mến mộ Robert G.Cole, không nghĩ như vậy. Ông này đã không chấp nhận yêu cầu của Zapalski. Không nản chí, Zapalski đã qua mặt Cole và nhận được giấy chứng nhận của bác sĩ quân y trung đoàn xác nhận anh có đủ khả năng chiến đấu.
Đại uý Raymond S.Hall, linh mục tuyên uý của trung đoàn 502, cũng có một khó khăn gần tương tự. Ông này « rất nóng lòng muốn quay trở lại chiến đấu và có mặt bên cạnh người của mình ». Nhưng ông cũng đã bị thương ở Normandy. Lần này các bác sĩ không cho ông nhảy dù nữa. Cuối cùng ông được thông báo ông sẽ đi trên tàu lượn. Vị tuyên uý phát hoảng trước tin này. Là một lính dù kỳ cựu, ông coi tàu lượn là một phương tiện rất không an toàn.
Nỗi sợ bị giết hay không hoàn thành nhiệm vụ cũng ám ảnh nhiều người khác. Đại uý LeGrand Johnson, một đại đội trưởng 22 tuổi, nhớ lại « cú hút chết kinh hoàng » trong cuộc đổ bộ đêm của sư đoàn 101 tại Normandy, đã hoàn toàn « buông xuôi ». Anh này tin chắc rằng lần tới anh ta sẽ không thể sống sót quay trở về. Tuy vậy, viên sĩ quan trẻ « quyết định sẽ đánh một trận ra trò ». Johnson cũng không chắc anh có hứng thú với ý tưởng nhảy dù ban ngày hay không. Có thể nó sẽ làm tăng tổn thất. Mặt khác, lần này « chúng tôi sẽ có thể nhìn thấy kẻ thù ». Để dấu sự bồn chồn của mình, Johnson cá cược với đồng đội xem ai sẽ là người đầu tiên được nếm bia Hà Lan. Một trong những thượng sĩ dưới quyền Johnson, Charles Dohun, gần như « đờ đẫn » vì lo lắng. Anh ta « không biết so sánh vụ nhảy dù ban ngày này với chiến dịch Normandy ra sao, cũng không rõ điều gì sẽ xảy ra. » Chỉ 48 giờ sau, quên hết sự lo lắng của mình, Dohun sẽ anh dũng cứu sống viên đại uý Johnson bi quan.
Thượng sĩ kỹ thuật Marshall Copas, 22 tuổi, có lẽ còn có nhiều lý do hơn để lo lắng. Anh là một trong những « người dò đường » sẽ phải nhảy dù đầu tiên để đánh dầu các bãi đổ quân cho sư đoàn 101. Trong lần đổ bộ ở Normandy, Copas nhớ lại, « chúng tôi có 45 phút trước khi lực lượng chính bắt đầu đổ bộ - lần này chúng tôi chỉ có 20 phút ». Copas và người bạn, thượng sĩ John Rudolph Brandt, 29 tuổi, có chung ý nghĩ : cả hai đều cảm thấy dễ chịu hơn « nếu phía dưới chúng tôi là đạo quân số 3 của tướng Patton chứ không phải là người Anh. Chúng tôi trước đây chưa bao giờ chiến đấu cùng đám Tommy ».
Tại khu vực Grantham, binh nhì John Garzia, một cựu binh với 3 lần nhảy tác chiến cùng sư đoàn 82, cảm thấy choáng váng. Với anh ta, Market Garden « hoàn toàn là trò điên rồ ». Anh này nghĩ « Ike đã chạy sang phe bọn Đức ».
Giờ đây khi chiến dịch Market Garden sắp mở màn, trung tá Louis Mendez, chỉ huy tiểu đoàn thuộc trung đoàn 508 sư đoàn 82, không ngần ngại nói đến một chủ đề đặc biệt. Vẫn còn giữ trong đầu những kỷ niệm cay đắng về kinh nghiệm đổ bộ ban đêm của trung đoàn mình tại Normandy, trung ta Mendez đưa ra một lời cảnh cáo dành cho các phi công sẽ chở tiểu đoàn của mình vào trận ngày hôm sau. « Thưa các vị, » Mendez lạnh lùng nói, « các sĩ quan của tôi đã học thuộc lòng tấm bản đồ Hà lan này cũng nha vị trí các bãi đổ quân, và chúng tôi đã sẵn sàng xung trận. Khi tôi phổ biến kế hoạch cho tiểu đoàn của mình trước trận Normandy, tôi có trong tay tiểu đoàn dù tuyệt nhất đã từng được biết đến. Khi tôi tập hợp họ lại tại Normandy, một nửa đã biến mất. Tôi yêu cầu các vị : thả chúng tôi xuống Hà lan hay âm ty địa ngục nào cũng được, nhưng hãy thả chúng tôi xuống cùng một chỗ ».
Binh nhất John Allen, 24 tuổi, một cựu binh đã ba lần tham chiến và vẫn còn đang trong giai đoạn hồi phục vết thương từ Normandy, tỏ ra triết lý về chiến dịch sắp tới : « Bọn chúng chưa bao giờ bắn trúng tôi trong một cuộc nhảy dù ban đêm, » anh này nghiêm chỉnh nói với đồng đội, « thế thì lần này chúng sẽ có cơ hội nhìn rõ tôi và ngắm bắn một phát ra trò ».Thượng sĩ Russell O’Neal, cũng đã có ba lần tác chiến ban đêm, tin chắc rằng « vận may Ireland của anh ta sắp cạn. » Khi anh ta được biết sư đoàn 82 sẽ phải nhảy dù ban ngày, anh ta đã viết một lá thư không bao giờ gửi đi « Mẹ có thể treo một ngôi sao vàng lên cửa sổ tối nay, mẹ của con. Bọn Đức có cơ hội tuyệt vời để bắn hạ bọn con trước khi bọn con kịp chạm đất ». Để làm cho không khí vui vẻ hơn – cho dù khi làm vậy rất có thể anh ta đã làm mọi sự tệ đi – binh nhì Philip H.Nadler thuộc trung đoàn 504 tung ra vài tin đồn. Tin đồn anh ta tâm đắc nhất là câu chuyện về một trại lính SS lớn của Đức đóng đúng tại một trong những khu đổ quân của sư đoàn 82.
Nadler đã không cảm thấy quá ấn tượng về buổi phổ biến kế hoạch ở trung đội. Một trong những mục tiêu của trung đoàn 504 là cây cầu tại Grave. Tập hợp binh lính quanh mình, viên trung úy phổ biến kế hoạch kéo tấm phủ bàn cát mô hình và nói, « Các vị, đây là đích đến của các vị ». Viên trung uý đưa que chỉ thằng vào mô hình cây cầu chỉ mang một từ duy nhất « Grave » (Ngôi mộ). Nadler là người đầu tiên đưa ra bình luận. « Thưa trung uý, cái này thì chúng tôi biết, » anh ta nói, « nhưng chúng tôi sẽ nhảy xuống nước nào vậy ? »
Thiếu tá Edward Wellems, thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 504, nghĩ rằng tên cây cầu này thật là gở, bất chấp việc viên sĩ quan phổ biến kế hoạch cho đơn vị của ông ta đã đột ngột thay đổi cách phát âm, và gọi cây cầu đó là « gravey bridge ».
(còn tiếp)
Một cây cầu quá xa
Lời mở đầu
P1 - Chương 1
P1 - Chương 2
P1- Chương 3
P1 - Chương 4
P1- Chương 5
P1- Chương 6
P1 - Chương 7
P2 - Chương 1
P2 - Chương 2
P2 - Chương 3
P 2- Chương 4
P 2- Chương 5
P 2- Chương 6
P 2- Chương 7
P 2- Chương 8
P 2- Chương 9
P 2- Chương 10
P 2 - Chương 11
P 2- Chương 12
P 3- Chương 1
P3- Chương 2