P1 - Chương 4
Tác giả: Cornelius Ryan
Montgomery, thiếu tế nhị đến mức khó tin, khăng khăng muốn hội kiến riêng với tổng tư lệnh. Ông yêu cầu tham mưu trưởng của Eisenhower, tướng Bedell Smith, không được có mặt trong cuộc hội kiến. Smith rời khỏi căn lều, và trong suốt một giờ liền Eisenhower, lầm lỳ cố kiềm chế, được cấp phó của mình lên lớp về sự cần thiết « của một kế hoạch đúng đắn và chắc chắn ». Montgomery yêu cầu Eisenhower « quyết định nơi tiến hành mũi đột kích quyết định » để « chúng ta có thể sớm chắc chắn có được kết quả quyết định ». Ông không ngớt nhấn mạnh về « một mũi đột kích », cảnh cáo rằng nếu tổng tư lệnh cứ tiếp tục « chiến lược mặt trận rộng với toàn chiến tuyến cùng tiến và tấn công tại tất cả mọi nơi cùng một lúc, bước tiến sẽ không khỏi bị chậm lại ». Nếu điều đó xảy ra, Montgomery cảnh cáo, « quân Đức sẽ có thời gian để hồi phục, và chiến tranh sẽ tiếp tục trong suốt mùa đông và có thể sang tới năm 1945. Nếu chúng ta chia sẻ dự trữ hậu cần, » Montgomery nói, « và tiến lên trên một chiến tuyến rộng, chúng ta sẽ quá yếu ở mọi điểm đến mức chúng ta sẽ không có cơ hội thành công. » Trong đầu ông chỉ có một quyết sách : « dừng cánh phải lại và tấn công bằng cánh trái, hay làm ngược lại ». Sẽ chỉ có thể có một mũi đột kích và cần phải dồn hết sức hỗ trợ cho nó.
Eisenhower nhận thấy đề nghị của Montgomery là một canh bạc khổng lồ. Nó có thể dẫn tới chiến thắng nhanh chóng và quyết định. Ngược lại nó cũng rất có thể kết thúc trong thảm hoạ. Ông không được chuẩn bị để chấp nhận nguy cơ này. Tuy thế ông thấy mình bị mắc kẹt giữa một bên là Montgomery, bên kia là Bradley và Patton, phía nào cũng nghiêng về « mũi đột kích chủ yếu », và ai cũng muốn được trao quyền thực hiện nó.
Về điểm này, Montgomery, nổi tiếng về sự thận trọng chậm rãi của mình, cho dù là người thành công về chiến thuật, vẫn chưa chứng minh được rằng ông có thể khai thác được một tình thế thuận lợi với tốc độ như của Patton ; và trong lúc này, đạo quân của Patton, tiến xa hơn hẳn những người khác, đã vượt sông Seine và đang tiến như vũ bão tới nước Đức. Một cách ngoại giao, Eisenhower giải thích với Montgomery rằng, cho dù ý tưởng về một mũi đột kích có lý đến đâu chăng nữa, ông khó lòng có thể dừng chân Patton lại và đình chỉ bước tiến của đạo quân Mỹ số ba. « Dân chúng Mỹ, » vị tổng tư lệnh nói, « sẽ không bao giờ ủng hộ việc đó, và dư luận giúp thắng các cuộc chiến ». Montgomery không đồng ý. « Các chiến thắng giúp thắng các cuộc chiến », ông nói. « Hãy cho dân chúng chiến thắng và họ sẽ chẳng quan tâm ai là người đem lại chúng ».
Eisenhower không bị thuyết phục. Tuy rằng ông không nói ra lời như vậy vào lúc đó, ông nghĩ rằng tầm nhìn của Montgomery « quá nhỏ hẹp », và rằng viên thống chế « không hiểu tình hình toàn cục ». Eisenhower giải thích cho Montgomery rằng ông muốn Patton tiếp tục tiến về phía đông để tiến hành hội quân với lực lượng Mỹ và Pháp đang từ phía nam đánh lên. Tóm lại, ông đã cho thấy rõ ràng rằng « chiến lược chính diện rộng » của ông sẽ vẫn tiếp tục.
Montgomery xoay cuộc nói chuyện sang chủ đề về một tư lệnh mặt đất. « Cần có ai đó chỉ huy chiến trường trên lục địa cho ngài ». Eisenhower, Montgomery tuyên bố, cần « ngồi ở một vị trí cao hơn để có được một tầm nhìn bao quát về những vấn đề toàn cục, bao gồm tình hình trên bộ, trên biển, trên không, v.v và v.v. » Ông này rút lui từ thái độ ngạo mạn về nhún nhường. Nếu « cần cân nhắc đến thái độ của dư luận Mỹ, » Montgomery tuyên bố, ông sẵn sàng « để Bradley kiểm soát chiến trường và phục vụ dưới quyền ông. »
Eisenhower lập tức bác bỏ đề nghị này. Đặt Bradley lên trên Montgomery sẽ là chuyện không thể chấp nhận được với dư luận Anh cũng như chuyện ngược lại với dư luận Mỹ. Còn về vai trò của bản thân mình ông không thể, vị tổng tư lệnh giải thích, thay đổi kế hoạch để tự mình kiểm soát diễn biến chiến trường. Tuy nhiên, để tìm ra giải pháp cho một số khó khăn trước mắt, ông sẵn sàng thực hiện một số nhượng bộ với Montgomery. Ông cần các cảng ven biển Manche và Ăntwerpt. Chúng có vai trò sống còn với tình hình hậu cần của lực lượng Đồng minh. Vì thế, trong lúc này, ưu tiên sẽ được dành cho mũi đột kích của cụm quân 21 ở phía Bắc. Montgomery có thể sử dụng đạo quân đổ bộ đường không thứ nhất của Đồng minh hiện đóng ở Anh – lúc đó là lực lượng dự trữ duy nhất của SHAEF. Thêm vào đó, ông này sẽ có được sự hỗ trợ của đạo quân Mỹ thứ nhất đang ở bên sườn phải của mình.
Montgomery, theo như đúng lời của tướng Bradley, « đã thắng hiệp thứ nhất », nhưng viên thống chế Anh còn xa mới hài lòng. Ông đoan chắc rằng Eisenhower đã bỏ lỡ « cơ hội lớn ». Patton chia sẻ ý kiến này - với các lý do khác hẳn – khi tin này tới tai ông. Không những Eisenhower đã ưu tiên hậu cần cho Montgomery thay vì đạo quân số 3, mà ông còn bác bỏ luôn đề nghị tấn công vào Saar của Patton. Với Patton, đây là « sai lầm tệ hại nhất của cuộc chiến ».
Trong hai tuần lễ kể từ khi cuộc va chạm giữa các tính cách và triết lý quân sự này diến ra, tình hình đã thay đổi nhiều. Cụm quân 21 của Montgomery lúc naỳ tiến nhanh chẳng kém gì Patton. Tới ngày 5/9, với các đơn vị mũi nhọn đã tiến vào Ăntwerpt, Montgomery càng được thuyết phục hơn bào giờ hết rằng quan điểm một mũi đột kích của ông là đúng. Ông quyết định sẽ buộc tổng tư lệnh phải thay đổi quyết định. Cuộc chiến đã đến bước ngoặt quyết định.
Montgomery tin tưởng rằng quân Đức đã bị đẩy đến bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn.
Viên thống chế không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Gần như ở tất cả các cấp chỉ huy, các sĩ quan tình báo đều nói đến kết thúc đã gần kề của cuộc chiến. Đánh giá lạc quan nhất tới từ Uỷ ban tình báo Đồng minh tại London. Tình hình Đức đã xấu đi đến mức uỷ ban này tin rằng đối phương không còn khả năng hồi phục. Có đầy đủ các bằng chứng, đánh giá của họ viết, rằng « sự kháng cự có tổ chức dưới sự chỉ huy của bộ tư lệnh tối cao Đức khó có thể tiếp diễn quá ngày 1/12/1944, và ... rất có thể sẽ chấm dứt còn sớm hơn. » Tổng hành dinh cũng chia sẻ sự lạc quan này. Vào cuối tháng 8, tổng kết tình báo của SHAEF tuyên bố rằng « các trận đánh trong tháng 8 đã đạt mục tiêu và kẻ địch ở mặt trận phía tây đã tổn thất nặng. Hai tháng rưỡi ác chiến đã đưa kết cục của cuộc chiến ở châu Âu tới gần , gần như trong tầm tay. » Lúc này, một tuần sau đó, họ coi lực lượng Đức « không còn là một lực lượng có tổ chức mà chỉ là những nhóm tàn quân tháo chạy, vô tổ chức và không còn tinh thần chiến đấu, thiếu thốn quân trang và vũ khí ». Ngay cả viên phụ trách tác chiến đầy bảo thủ của Bộ Chiến tranh Anh, thiếu tướng John Kennedy, cũng ghi ngày 6/9 rằng « Nếu chúng ta cứ tiếp tục tiến với tốc độ vừa qua, chúng ta sẽ tới Berlin ngày 28... »
Trong bản hoà tấu của những lời dự đoán lạc quan này dường như chỉ có một giọng nói lạc điệu. Phụ trách tình báo của đạo quân Mỹ số 3, đại tá Oscar W.Koch, tin rằng kẻ thù vẫn còn khả năng tổ chức kháng cự tới cùng và cảnh báo rằng « các đạo quân Đức sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới khi bị tiêu diệt hay bắt giữ. »
Thế nhưng những cảnh báo thận trọng do chính phụ trách tình báo của mình đưa ra chẳng làm bận tâm nhiều viên tư lệnh nóng như lửa của đạo quân thứ ba, trung tướng George S.Patton. Cũng như Montgomery ở phía bắc, Patton ở phía nam lúc này cũng chỉ còn cách sông Rhine có một trăm dặm. Ông cũng tin rằng thời cơ đã tới, như Montgomery đã nói, để « chúng ta thò cổ ra húc một cú duy nhất thật sâu vào lãnh thổ kẻ thù », và kết thúc chiến tranh. Sự khác biệt duy nhất nằm ở nhận định của mỗi người rằng ai sẽ thò cổ ra. Cả hai viên tư lệnh, kiêu hãnh với những chiến thắng và luôn cố dành thêm nhiều ánh hào quang hơn nữa, lúc này kèn cựa nhau để dành lấy cơ hội. Trong sự hiếu thắng của mình, Montgomery đã dồn cả sự đố kỵ vào một mình Patton : một thống chế lục quân Anh quốc có dưới tay cả một cụm quân lúc này đang cố gắng triệt hạ một viên trung tướng Mỹ với chỉ một đạo quân trong tay.
Nhưng trên toàn mặt trận, cơn sốt thành công đã bám lấy các tư lệnh chiến trường. Sau cuộc đột kích ngoạn mục qua Pháp và Bỉ, thêm vào đó là bằng chứng về thất bại toàn diện của Đức trên khắp các mặt trận, mọi người giờ đây đều tin rằng không gì có thể ngăn cản cơn thuỷ triều chiến thắng tiếp tục tràn qua phòng tuyến Siegfried và xa hơn nữa, tới tận trái tim của nước Đức. Tuy thế, muốn làm cho kẻ thù luôn bị động và rối loạn đòi hỏi một sức ép liên tục không giảm nhẹ từ phía Đồng minh. Duy trì sức ép đó đã làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng mà có vẻ chưa mấy người nhận ra. Sự lạc quan quá độ đã đi gần tới chỗ trở thành tự lừa dối mình vì vào lúc này, các đạo quân khổng lồ của Eisenhower, sau cuộc đột kích thần tốc hơn hai trăm dặm kể từ sông Seine, lúc này đang bị kìm chân bởi nhu cầu khổng lồ về hậu cần và tiếp liệu. Sau sáu tuần hành tiến hầu như liên tục mà không vấp phải kháng cự đáng kể, ít người nhận ra sự mất đà đột ngột của cuộc truy kích. Nhưng khi những chiếc xe tăng đầu tiên áp sát cửa ngõ nước Đức và những cứ điểm ngoại vi của bức tường phía tây, tốc độ tấn công bắt đầu chậm lại. Cuộc đột kích của Đồng minh đã chấm dứt, bị ngáng lại bởi chính thành công của nó.
Trở ngại chính làm chậm trễ cuộc tấn công là việc thiếu cảng. Tiếp tế hậu cần không hề thiếu, nhưng chúng bị chất đống lại ở Normandy, và vẫn phải được chuyên chở qua các bãi biển hay qua cảng duy nhất sử dụng được, Cherburg - nằm cách các đơn vị tiền tiêu tới 450 dặm. Đảm bảo hậu cần cho bốn đạo quân lớn đang hành tiến hết tốc độ quả là một cơn ác mộng. Thiếu phương tiện chuyên chở càng làm tình hình tệ thêm. Mạng lưới đường sắt, bị oanh tạc trước cuộc đổ bộ hay bị phá hoại bởi lực lượng kháng chiến Pháp, không thể hồi phục nhanh như yêu cầu. Đường ống dẫn xăng dầu cũng mới chỉ đang được lắp đặt. Kết quả là mọi thứ, từ xăng cho tới khẩu phần ăn đều phải vận chuyển bằng đường bộ, mà xe tải thì thiếu trầm trọng.
Để theo kịp tốc độ truy kích, ngày một xa hơn về phía đông, tất cả các loại phương tiện vận tải đều được huy động. Pháo, súng phòng không, xe tăng dự trữ đã bị đưa khỏi xe chở bỏ lại sau để các xe này có thể dùng chở đồ tiếp tế. Rất nhiều sư đoàn đã bị trưng dụng toàn bộ các đại đội vận tải của mình. Người Anh đã để lại phía tây sông Seine cả một quân đoàn để lực lượng vận tải của họ có thể phục vụ được phần còn lại của quân đội đang tiến như vũ bão. Khó khăn của Montgomery còn trầm trọng hơn khi người ta phát hiện ra rằng 1400 xe tải 3 tấn của Anh không sử dụng được vì hỏng pit tông.
Lúc này, trong một nỗ lực khổng lồ nhằm duy trì cuộc tấn công được liên tục, một vành đai không ngừng nghỉ xe vận tải – « Red Bull Express »- chuyển động về phía đông, giao hàng rồi lại quành về phía tây nhận hàng, một số đoàn xe đã tạo thành một vòng tròn khổng lồ dài chừng sáu đến tám trăm dặm. Nhưng ngay cả khi tất cả xe vận tải có thể huy động được đều đã hối hả di chuyển theo chiều kim đồng hồ, còn các chỉ huy chiến trường đã áp dụng những biện pháp tiết kiệm ngặt nghèo nhất, nhu cầu hậu cần của các đạo quân vẫn không thể được đáp ứng đủ. Bị sử dụng quá cường độ và khả năng, hệ thống hậu cần tạm thời đã gần như bị quá tải.
Bên cạnh khó khăn về vận tải, binh lính cũng đã kiệt sức, trang bị hao mòn hỏng hóc sau cuộc tiến quân thần tốc từ Normandy. Xe tăng, xe half track cũng như mọi phương tiện cơ giới khác đều đã trải qua một quãng đường quá dài mà không được bảo trì chu đáo, giờ đây thi nhau hỏng. Nhưng đáng quan ngại hơn cả là nguy cơ thiếu xăng. Các đạo quân của Eisenhower, cần tới 1 triệu gallon mỗi ngày, chỉ nhận được một phần nhu cầu của mình.
Kết quả thật nghiêm trọng. Tại Bỉ, trong khi quân địch tháo chạy ngay trước mặt họ, cả một quân đoàn của đạo quân Mỹ thứ nhất phải án binh bất động suốt 4 ngày, tất cả xe tăng của họ cạn khô không còn một giọt xăng. Đạo quân Mỹ thứ ba của Patton, tiến xa hơn những người khác đến hơn một trăm dặm, và gặp rất ít kháng cự, bị buộc phải dừng lại 5 ngày bên sông Meuse, vì các đơn vị thiết giáp đã hết nhiên liệu. Patton phát khùng khi ông phát hiện ra rằng ông chỉ nhận được 32000 gallon thay vì 400000 như ông đã yêu cầu do bị cắt giảm cho các ưu tiên khác. Ông lập tức ra lệnh cho viên tư lệnh quân đoàn mũi nhọn của mình : « Vứt hết đồ đạc của các vị càng nhanh càng tốt và tiến lên cho đến khi động cơ đã khô cháy, sau đó xuống xe mà cuốc bộ tiếp, trời đánh thánh vật ! » Với bộ tham mưu của mình, Patton gầm lên rằng ông phải « chiến đấu với hai kẻ thù- bọn Đức và bộ tư lệnh của chúng ta. Tôi có thể xử lý được bọn Đức, nhưng tôi không rõ có thắng được Montgomery và Eisenhower. » Ông đã thử. Tin chắc rằng mình có thể chọc thẳng vào Đức chỉ trong vài ngày, Patton lớn tiếng kêu gọi Bradley và Eisenhower. « Lính của tôi có thể ăn thắt lưng cũng được, » ông bực tức, « nhưng xe tăng của tôi cần có xăng. »
Thất bại thảm hại của quân Đức tại Normandy và sự sụp đổ nhanh chóng một cách hệ thống của chúng sau khi phòng tuyến bị chọc thủng đã gây ra cuộc khủng hoảng về hậu cần. Với giả thiết rằng đối phương sẽ chống giữ và đánh trả theo các con sông, những người hoạch định kế hoạch tấn công lục địa đã dự tính một phương thức tấn công thận trọng hơn. Kế hoạch này dự trù rằng một thời gian ngừng lại để củng cố đội hình và tập trung hậu cần sẽ được thực hiện sau khi các đầu cầu ở Normandy đã được củng cố và các cảng ở biển Manche đã được đánh chiếm. Khu vực tập kết dự định nằm ở phía tây sông Seine theo thời gian biểu của kế hoạch sẽ không thể được đánh chiếm trước ngày 4/9 (90 ngày sau D day). Sự tan rã bất ngờ của kẻ địch cùng cuộc tháo chạy cuống cuồng của chúng về phía đông đã làm thời gian biểu của Đồng minh trở nên vô dụng. Ai có thể dự liệu trước được rằng vào ngày 4/9 xe tăng Đồng minh đã cách xa sông Seine đến hai trăm dặm về phía đông và đã tiến vào Ăntwerpt ? Bộ tham mưu của Eisenhower đã ước tính rằng sẽ cần tới khoảng 11 tháng để tiến tới biên giới Đức tại Aachen. Giờ đây, khi các đơn vị thiết giáp áp sát Đế chế, Đồng minh đã đi trước kế hoạch gần 7 tháng. Việc hệ thống vận tải và hậu cần, được dự bị cho một tốc độ tiến quân chậm hơn nhiều, đã có thể giữ vững được vai trò trong suốt cuộc truy đuổi chóng mặt đó đã gần như là một điều kỳ diệu.
Thế nhưng, bất chấp tình hình hậu cần hết sức khó khăn, không ai muốn thừa nhận rằng các đạo quân sẽ cần phải sớm dừng lại và cuộc truy kích đã chấm dứt.
« Tất cả các cấp chỉ huy từ sư đoàn trở lên, » Eisenhower sau này đã viết, đều « bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng chỉ cần thêm vài tấn quân nhu nữa thôi, anh ta có thể tiếp tục xông lên và thắng cuộc chiến... Mỗi chỉ huy, vì thế, đều lý luận và yêu cầu được ưu tiên hơn những người khác, và quả thực khó có thể phủ nhận được rằng phía trước mặt họ đều là những tình huống hết sức thuận lợi cần được tận dụng triệt để khiến yêu cầu của họ hoàn toàn chính đáng. » Tuy thế, sự lạc quan vẫn ảnh hưởng ngay cả đến vị tổng tư lệnh. Rõ ràng ông tin rằng đà tiến công có thể tiếp tục được duy trì đủ lâu để các đạo quân Đồng minh có thể vượt qua phòng tuyến Siegfried trước khi quân Đức kịp phòng thủ nó, vì ông nhìn thấy những dấu hiệu « tan rã » trên « toàn mặt trận ». Vào ngày 4/9, ông lệnh cho cụm quân số 12 của Bradley đánh chiếm Saar và vùng Frankfurt. Cụm quân số 21 của Montgomery sẽ đánh chiếm vùng Ruhr và Ăntwerp.