watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít-Chương 2 - tác giả Đặng Phùng Quân Đặng Phùng Quân

Đặng Phùng Quân

Chương 2

Tác giả: Đặng Phùng Quân

Chủ nghĩa cộng sản trong mấy thập niên trở lại đây không những suy sụp về mặt thực tiễn, còn chứng thực khủng hoảng về mặt lý luận.
Tuy phong trào nghiên cứu chủ nghĩa Mác phát triển, song chủ nghĩa Mác "chính thống" - với những danh xưng khác nhau như chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội khoa học (từ ngữ này nguyên ủy đề xuất từ Proudhon) đã trên đà suy thoái, thông qua những hiện tượng:
- Tính "khoa học" trong chủ nghĩa Mác xây dựng trên một số tiền đề: nhìn nhận lịch sử xã hội là một lịch sử những đấu tranh giai cấp, nhìn nhận tri thức và thực tiễn con người là một thể thống nhất, ngõ hầu những phương tiện lý luận và thực tiễn nhằm đạt tới cứu cánh đồng nhất với chính cứu cánh (cho nên sự thành công của một phong trào xã hội đặc thù chứng thực "chân lý" một cách khoa học), nhìn nhận cơ sở của một khoa học lịch sử đã thành tựu, nhìn nhận lịch sử xã hội diễn ra theo quá trình "hình thành xã hội" như Marx dự kiến. Thực ra, tính "khoa học" chỉ phản ánh xu hướng chung "tôn thờ khoa học" của thời đại Marx và Engels.
- Mối quan hệ khăng khít và duy nhất của chủ nghĩa Mác với sự thể hiện qua lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Lênin và Stalin. Điều đó chỉ ra chủ nghĩa cộng sản trong giai đoạn nắm quyền bính đã thể hiện chủ nghĩa Mác như một hệ tư tưởng độc đoán.
- Trong thực tiễn xã hội cộng sản, chủ nghĩa Mác thông qua Đảng và Nhà nước cộng sản không còn là một lý luận nhằm giải thích hay biến đổi thế giới - chủ nghĩa Mác không chỉ biến dạng thành một khoa kinh điển giáo điều, còn là một khoa diễn tập những khẩu hiệu, chiêu bài trong mục tiêu chính trị.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ngày nay chỉ ra về mặt thực tế những biến chuyển phức tạp của phong trào công nhân thế giới. Sự tan rã của hầu hết các nước trong khối "xã hội chủ nghĩa" đã dẫn đến "một khúc quanh lịch sử" chứng thực hai trào lưu diễn ra trong phong trào công nhân thế giới, như người cộng sản nhìn nhận là "trào lưu cộng sản" và "trào lưu dân chủ xã hội" có thể đánh dấu từ thời điểm thành lập Quốc Tế Cộng sản Ba vào năm 1919:
- Sự chuyển hướng theo "chủ nghĩa xã hội dân chủ.”
- Cách tân xã hội thông qua con đường "xã hội chủ nghĩa không cộng sản.”
Trong quá trình lịch sử vào những thời điểm khủng hoảng, người cộng sản đặt lại vấn đề "bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin như một chủ nghĩa xã hội khoa học," chỉ ra những khái niệm và tổ chức khác nhau của phong trào dân chủ xã hội quốc tế nhằm phân biệt những quan niệm của đảng xã hội hữu khuynh, đảng dân chủ xã hội, đảng quốc tế xã hội chủ nghĩa, đảng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Về mặt lịch sử phong trào công nhân thế giới, người cộng sản đặt lại vấn đề nghiên cứu sự giải thể cộng sản Quốc tế Ba vào năm 1943 (do mục tiêu của cuộc đấu tranh chống phát-xít và hình thức tổ chức quốc tế cộng sản không còn đáp ứng yêu cầu vận động thời đại) với sự hình thành lớn mạnh của Quốc tế Xã hội sau thế chiến thứ hai (những lực lượng Quốc Tế Xã Hội bành trướng và thắng thế trong những cuộc bầu cử tại Pháp, Đức v. v... ) với hội nghị đầu tiên tại Frankfurt vào năm 1951. Khi nhìn nhận thực thể của phong trào Quốc tế Xã hội phân biệt với phong trào Quốc tế Cộng sản là trở lại cuộc tranh luận từ đầu thế kỷ của những xu hướng lý luận phân hóa, khởi nguồn từ chủ nghĩa Mác.
Điểm phân biệt chủ yếu của Quốc Tế Xã hội với Quốc tế Cộng sản ở chỗ những người dân chủ xã hội loại bỏ những khái niệm nguyên tắc của "chủ nghĩa xã hội khoa học" (nghĩa là chủ nghĩa Mác-Lênin) về quan niệm đấu tranh giai cấp, vai trò chuyên chính vô sản, và đề cao nền dân chủ đại nghị, hệ thống chính trị đa đảng và chủ nghĩa đa nguyên tư tưởng.
Khởi điểm của thế kỷ XX đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của lực lượng công nhân, so với thời kỳ Marx và Engels đưa ra Tuyên ngôn của đảng Cộng sản (1848).
Chủ nghĩa Mác trở thành một lý luận chủ đạo của những phong trào công nhân.
Sự phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác trong giai đoạn này biểu hiện những mặt khác biệt:
a. Lý luận gắn liền với thực tiễn chỉ đạo phong trào công nhân nhằm đạt tới mục tiêu thực hiện Cách mạng, giành quyền lực đã gây phân hóa giữa những người Mácxít. Những tranh luận phê phán, chỉ trích giữa những người Mácxít với nhau còn dữ dội hơn đối lập với kẻ thù.
b. Sự tiến triển của xu hướng dân chủ, sự phát triển những đảng và công đoàn đã làm tinh thần cách mạng suy thoái và chủ nghĩa Mác đã xoay chiều hướng từ những xã hội công nghiệp phương tây xâm nhập những xứ nông nghiệp phương đông.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã đưa đảng CS bônsêvích lên nắm chính quyền và lý luận của Lênin trở thành chủ đạo của phong trào cộng sản thế giới.
Vấn đề đặt ra là đọc Lênin như thế nào? Có phải chủ nghĩa Lênin là sự phát triển duy nhất của chủ nghĩa Mác hiện đại? Hay chủ nghĩa Lênin là hiện thân của một chủ nghĩa Mác đặc thù (như H. Marcuse gọi là chủ nghĩa Mác Xô viết)?
Những biến đổi giá trị tư tưởng trong thời đại quá độ từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 đánh dấu một hiện tượng đặc sắc của thời đại: mối quan hệ giữa triết học và phi triết học. Bản chất của mối quan hệ này chi phối toàn diện tư tưởng của con người hiện đại.
Vấn đề của chủ nghĩa Mác là: Nhà triết học từ trước đến nay chỉ đi giải thích thế giới trong khi thực sự phải biến đổi nó. Có phải Marx đã đoạn tuyệt với con người triết học thời trẻ để trở thành một nhà lý luận hành động cách mạng?
Có phải Lênin cũng đứng trên vị thế phi triết học - hay là một nhà tư tưởng đưa ra một thực tiễn mới về triết học (như Louis Althusser quan niệm)?
Cũng như Marx, những di cảo của Lênin để lại nhiều tranh luận. Tập Bút ký triết học của Lênin trong những năm 1914 - 15 (in trong Leninski Sbornik, 1929) đã đặt lại quan hệ giữa chủ nghĩa Mác và Hegel, giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật - những ý tưởng khác biệt với những luận điểm trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908). Những ý tưởng cơ bản về nhận thức luận và phép biện chứng dẫn đến một cơ sở triết học mới cho những bài viết sau 1915 của Lênin về triết học, chính trị, kinh tế và sách lược tổ chức mà cơ bản tập trung quanh vấn đề biện chứng (biện chứng của lịch sử cách mạng, vấn đề tự quyết dân tộc và cách mạng thế giới), khẳng định một nhận thức về Hegel (những tác phẩm của Hegel có tính duy tâm nhất lại ít duy tâm nhất và mang nhiều tính duy vật nhất).
Trong lịch sử triết học, Lênin không được chú ý nhưng trong khối cộng sản, Lênin được coi là một nhà tư tưởng lớn. Nghịch lý này biểu hiện về mặt thực tại lịch sử, sự xung đột giữ chủ nghĩa Lênin và chủ nghĩa Mác Tây Âu, mặt khác sự độc quyền của một tư tưởng trở thành ý thức hệ. Ngay sau thời đại Stalin, người cộng sản vẫn bảo thủ quan niệm "chủ nghĩa Lênin không phải là một lý giải của chủ nghĩa Mác" mà là "sự phát triển của chủ nghĩa Mác ở giai đoạn Lênin.” Vấn đề này mang một ý nghĩa triết lý đặc biệt, chỉ ra "khoảng cách giữa chân lý và ý thức" (Merleau -Ponty).
Vấn đề ý thức như một phản ánh mà lịch sử là bản chất thứ hai (tính khách quan - trong phép biện chứng duy vật đã biến thực tại xã hội thành một bản chất thứ hai) biểu hiện tác động qua lại giữa những phạm trù của triết học và kinh tế trong chủ nghĩa Mác theo Lukács (Der junge Hegel), có thể nói nó cũng biểu hiện tác động qua lại giữa những phạm trù của triết học và chính trị trong chủ nghĩa Lênin.
Đứng trên quan điểm nhận thức triết học, Lênin không đi giải quyết những vấn đề triết lý, vì theo ông, mọi vấn đề triết học cơ bản đã được Marx và Engels giải quyết rồi. Vấn đề triết học trong chủ nghĩa Lênin gắn liền với vấn đề chính trị qua hai giai đoạn:
a. Thời kỳ ông viết Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908) với tiểu đề: Những bình luận phê phán về một triết học phản động. Tác phẩm này được hình thành sau sự thất bại của Cách mạng Nga 1905, sự phân hóa trong nội bộ đảng về chủ trương tham dự hay tẩy chay Nghị viện Duma kỳ ba, và những thảo luận về triết học của chủ nghĩa Mác do nhóm bônsêvích Bogdanov, Bazarov, Lunacharsky... đề xuất.
b. Thời kỳ ông viết Bút ký triết học (trong khoảng 1914 -15) gồm những ghi chú khi đọc bộ Lôgic và những Bài giảng về triết học lịch sử của Hegel và những tiểu luận (được in ra) Lênin viết về chủ nghĩa Mác. Thời kỳ này đánh dấu sự khủng hoảng của Quốc Tế Cộng sản Hai mở đầu Thế chiến thứ nhất (người cộng sản gọi là chiến tranh đế quốc).
Mục tiêu của Lênin trong thời kỳ thứ nhất khi đề cập đến mặt thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng (chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học Mác) nhằm chỉ ra tính đảng trong triết học, gắn liền với cương lĩnh chính trị và ý tưởng về một đảng cách mạng trên con đường giành quyền lực. Những cơ sở lý luận của Lênin đã được nêu ra trong những tác phẩm chính trị như Làm gì? (Chto delat?) và Hai sách lược của Đảng dân chủ Xã hội trong Cách mạng dân chủ.
Một nguyên tắc cơ bản mà Lênin đề ra như một mẫu mực về ý thức cách mạng của hoạt động cách mạng là không thể có phong trào cách mạng nếu không có một lý luận cách mạng.
Nguyên tắc này nhằm chỉ ra sự kiện là giai cấp công nhân để tự nó bộc phát không thể đạt tới ý thức về sự đối lập cơ bản giữa giai cấp của nó với hệ thống xã hội hiện hữu - như Lênin khẳng định:
"Chúng ta đã phát biểu không thể có ý thức dân chủ xã hội trong giới công nhân. Ý thức ấy chỉ có thể du nhập từ ngoài vào. Lịch sử của mọi nước chỉ ra rằng giai cấp công nhân để tự nó, chỉ có khả năng phát triển ý thức công liên, nghĩa là niềm tin vào sự tất yếu tổ chức công đoàn tranh đấu với giới chủ nhân, bắt buộc chính quyền phải thông qua đạo luật lao động cần thiết. ... Tuy nhiên, lý luận về chủ nghĩa xã hội phát sinh từ những lý luận kinh tế, lịch sử và triết lý được phát triển bởi những đại biểu có học của những giai cấp hữu sản, bởi những người trí thức. Đứng về mặt cương vị xã hội, ngay chính những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại, Marx và Engels, cũng thuộc về giới trí thức.”
Trên nguyên tắc này, một ý thức xã hội chủ nghĩa chỉ có thể đến từ một cơ sở có lãnh đạo tổ chức, trang bị bằng một lý luận. Khởi từ đó, Lênin đã đưa ra khái niêm nhất định về một đảng tiền phong của giai cấp công nhân:
"Tổ chức của những người cách mạng trên hết phải dựa vào những người coi hoạt động cách mạng là chuyên nghiệp. Đứng trên quan điểm của đặc tính chung giữa những thành viên của một tổ chức như vậy, mọi phân biệt giữa công nhân và trí thức phải được xóa bỏ.”
Và ông chỉ rõ một nguyên tắc về tính đảng (partiinost):
"Một khi không có vấn đề về một hệ tư tưởng độc lập do chính quần chúng lao động tạo nên trong quá trình vận động của họ, chỉ có một chọn lựa duy nhất - một là hệ tư tưởng tư sản, hai là hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Không có con đường ở giữa - vì nhân loại không có tạo ra một hệ tư tưởng thứ ba, và trong một xã hội bị xâu xé bởi những đối kháng giai cấp thì không thể nào có hệ tư tưởng phi giai cấp hay đứng bên trên giai cấp được.”
Nguyên tắc tính đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lý luận của chủ nghĩa Lênin. Một nhận thức về xã hội, theo Lênin, từ bản chất đã mang tính giai cấp và tính đảng trong một xã hội vẫn còn tồn tại giai cấp. Ngay từ một trong những tác phẩm đầu của ông Nội dung kinh tế của "những người bạn dân" và phê phán nó trong quyển sách của Struve 1895, Lênin đã khẳng định:
"Có thể nói chủ nghĩa duy vật bao gồm tính đảng và thừa nhận trực tiếp, công khai về một quan điểm của một nhóm xã hội nhất định trong mọi đánh giá những biến cố xảy ra.”
Quyển sách Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩ kinh nghiệm phê phán được viết ra trong thời gian Lênin nghiên cứu vài tháng ở British Museum vào tháng 5 năm 1908, trực tiếp công kích lý luận của Bogdanov và những người khác trong phong trào Dân chủ Xã hội. Mục tiêu của Lênin không phải để giải quyết đơn giản những vấn đề lý luận mà nhằm một thực tiễn chính trị triệt để đả phá những người đồng chí đi ngược với quan điểm cách mạng của ông. Lênin bộc lộ phản ứng rõ rệt khi viết:"Chắc chắn là những người mácxít bình thường chúng ta không được đào tạo về triết học, song tại sao người ta lại mạ lỵ chúng ta bằng mớ lý luận trình bày trước mắt chúng ta như triết học của chủ nghĩa Mác.”
Lênin cũng khẳng định quan điểm về tính đảng khi viện dẫn: "Marx và Engels là những người mang tính đảng trong triết học từ đầu đến cuối, có thể phát hiện ra những sai lạc đối với chủ nghĩa duy vật và sự đầu hàng trước chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa tín ngưỡng của mọi trào lưu cận đại.”
Theo ông, "triết học cận đại cũng mang tính đảng như triết học hai ngàn năm về trước.” Điều đó có nghĩa là từ thời cổ đại đến nay, triết học phân chia làm hai chiến tuyến rõ rệt: chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật. Không có con đường nào khác. Lênin viết tiếp: "Khi đi theo con đường của lý luận Mác, chúng ta tiến gần đến chân lý khách quan... song nếu đi theo bất kỳ con đường nào khác, chúng ta chẳng đi tới đâu ngoại trừ sự lầm lạc và dối trá.”
Lênin đã viện dẫn J. Dietzgen: "Bây giờ để có thể theo con đường chân lý, không bị lầm lạc với những điều tầm xào của triết học và tôn giáo, thiết yếu cần phải nghiên cứu con đường sai lạc nhất trong những con đường sai lạc (der Holzweg der Holzwege), đó là triết học.” Điều này có ý nghĩa gì? Triết học là công cụ của đấu tranh giai cấp. Cho nên Lênin cũng dẫn một ý tưởng khác của Dietzgen: "Triết học không phải là khoa học, nhưng là một phương tiện phòng vệ chống lại khuynh hướng Dân chủ xã hội.” Và chính Lênin đi tới nhận định: "Những kẻ không có tính đảng trong triết học thì cũng xuẩn động như trong chính trị.”
Thế nên, về mặt chính trị, Lênin khẳng định quyết liệt chỉ có một chọn lựa giữa hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, không có hệ tư tưởng thứ ba. Nói theo ngôn ngữ triết học, chỉ có nhất nguyên, không có đa nguyên. Triết học trong chủ nghĩa Lênin về cơ bản là chính trị. Có thể nói chính trị là một thực tiễn của triết học và triết học đó là chủ nghĩa duy vật
Lênin đưa ra một định nghĩa về bản chất của chủ nghĩa duy vật, phù hợp với quan niệm của Engels trong những tác phẩm Chống Duhring và Phép biện chứng của tự nhiên:
"Chủ nghĩa duy vật hoàn toàn nhất trí với khoa học tự nhiên là vật chất có trước và ý thức, tư duy, cảm xúc có sau.”
Khởi từ một quan niệm như vậy, Lênin cũng xác định:
"Vật chất là một phạm trù triết học xác định thực tại khách quan mà con người có thể nhận biết nhờ những cảm giác của mình, thực tại ấy được ghi nhận, chụp lại và phản ánh qua những cảm giác của chúng ta, trong khi nó hiện hữu độc lập với những cảm giác này.”
Lý luận cơ bản trong triết học duy vật của Lênin là thuyết phản ánh: "Sự vật tồn tại ở ngoài chúng ta. Tri giác và tư tưởng của chúng ta là những hình ảnh của sự vật. Chứng thực những hình ảnh này, phân biệt những hình ảnh đúng và sai chỉ có thể thông qua thực tiễn.”
Quan niệm vật chất và lý luận phản ánh của Lênin mang một ý nghĩa quan trọng về mặt phương pháp luận vì nó chỉ ra: thực tiển là cơ sở, nguồn gốc và tiêu chuẩn cho chân lý của nhận thức nơi con người. Nếu thế giới hiện hữu tuân theo những quy luật khách quan và con người có thể nhận thức được những quy luật này, học hỏi cách sử dụng chúng một cách có ý thức trong công cuộc chiến đấu để đạt tới mục tiêu thì không có nhiệm vụ nào con người không thể thực hiện.
Một quan niệm như vậy biểu hiện phong cách lạc quan về lịch sử, ít ra là về mặt thực tiễn nó dẫn khởi hoạt động tiến tới mục tiêu theo đuổi. Quan niệm lạc quan lịch sử đó tạo cho quần chúng lao động và giai cấp công nhân niềm tin tưởng tất thắng cuối cùng cho lý tưởng giải phóng giai cấp và sát cánh nhau trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù về mặt ý thức hệ.
Mặt khác, nó biểu hiện sự lạc quan về quá trình tiến bộ vì: "Một khi chúng ta nhận thức được những quy luật của tự nhiên, chúng ta làm chủ được tự nhiên. Làm chủ tự nhiên biểu hiện trong thực tiễn của con người là một thành quả của sự phản ánh một cách khách quan đứng đắn trong óc con người về hiện tượng và những quá trình của tự nhiên.”
Lý luận về vật chất và phản ánh xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa Mác, theo Lênin với đặc tính rõ rệt của nó là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ngay từ lời tựa lần xuất bản thứ nhất quyển Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Lênin xác định: Marx và Engels đã nhiều lần mệnh danh quan điểm triết học của các ông là chủ nghĩa duy vật biện chứng. (Trong lời tựa lần thứ hai, Lênin lại chỉ ra một lần nữa là quyển sách ông viết ra nhằm "sử dụng như một phương tiện làm quen với triết học của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật biện chứng.” Trong sáu chương sách đã viết ra, ba chương đầu đối chiếu nhận thức luận của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán với chủ nghĩa duy vật biện chứng và chương 6 đối chiếu chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán với chủ nghĩa duy vật lịch sử). Sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và biện chứng trong triết học Mác được phân tích và triển khai qua lý luận duy vật biện chứng về phản ánh và những phạm trù cơ bản trong nhận thức luận của chủ nghĩa Mác chỉ ra mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác và Hegel. Ngay từ tác phẩm Làm gì?, Lênin đã lập lại quan điểm của Engels là: "Không có triết học Đức dẫn khởi, đặc biệt là triết học Hegel, chủ nghĩa xã hội khoa học Đức không bao giờ có thể thành hình.”
Trong tiểu luận trình bày chủ nghĩa Mác (1914), Lênin đã viết: "Marx và Engels đã coi phép biện chứng của Hegel là sự thành tựu vĩ đại nhất của triết học cổ điển Đức.” Trong Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, Lênin xác định: Marx đã làm phong phú triết học với sự thành tựu của triết học cổ điển Đức, đặc biệt là hệ thống Hegel dẫn đến chủ nghĩa duy vật của Feuerbach. Sự thành tựu cơ bản là phép biện chứng, nghĩa là "học thuyết và sự phát triển trong hình thái toàn diện, sâu sắc và dễ hiểu nhất, học thuyết về sự tương đối của nhận thức nơi con người đã cung cấp cho chúng ta với một phản ảnh về vật chất phát triển vô hạn.”
Khi xác định bản chất của triết học Mác, Lênin muốn chỉ ra một điều là Marx đã phát triển quan niệm duy vật biện chứng về thế giới đến một quan niệm về xã hội với chủ nghĩa duy vật lịch sử là mặt chủ yếu và là bộ phận cốt cán của quan niệm duy vật biện chứng, Lênin viết:
"Triết học Mác là một chủ nghĩa duy vật triết lý hoàn bị đã cung cấp cho nhân loại, đặc biệt là giai cấp công nhân với những công cụ đầy quyền năng về nhận thức.”
Quan niệm này giúp cho chủ nghĩa Mác khám phá "ngay trong xã hội vây quanh chúng ta, những lực lượng – có thể từ vị trí xã hội của chúng - phải cấu tạo quyền lực có khả năng xóa bỏ cái cũ và xây dựng cái mới" (Ba nguồn gốc và bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác).
Điều đó biểu hiện về mặt thực tiễn chính trị, khả năng của chủ nghĩa Mác như một vũ khí lý luận của giai cấp vô sản, xóa bỏ sự nô lệ tinh thần mà giai cấp vô sản đã phải chịu đựng dưới hình thức người bóc lột người.
Thái độ xác tín của Lênin được khẳng định rõ ràng về một chủ nghĩa Mác chiến đấu. Nhưng có một chuyển biến tư tưởng trong sự tiến triển nhận thức của Lênin - cơ sở cấu thành nhận thức đó là phép biện chứng của Hegel trong khi Lênin bắt đầu "khám phá" Hegel.
Tập Bút ký triết học đánh dấu thời kỳ thứ hai, có thể nói trong khi đọc và nghiên cứu Hegel, những suy nghĩ từ thời điểm này mang những phát triển quan trọng xây dựng lên một lý luận cách mạng mác-xít với những tác phẩm sau đó như Nhà nước và Cách mạng; Chủ nghĩa đế quốc; giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản, Cách Mạng Vô Sản và Tên Phản Bội Kautsky v. v...
Tại sao lại đặt vấn đề về mối quan hệ giữa Hegel và Lênin? Thật ra, tư tưởng của Hegel đã du nhập nước Nga vào khoảng 1835. Những nhà tư tưởng tiền phong của chủ nghĩa xã hội dân chủ Nga đã coi Hegel như người thổi luồng gió mới cách mạng trong tư tưởng đương thời. Herzen nhiệt liệt ca ngợi nhà tư tưởng Ba lan Cieszkowski với tác phẩm Prolegoma zur Historiosophie đã dẫn dắt ông đi vào con đường tìm hiểu Hegel. Theo Cieszkowski, Hegel đã chỉ ra cho nhân loại tự ý thức được rằng sự nhận thức những quy luật chi phối sự phát triển của lịch sử. Triết lý về lịch sử trở thành một hiện thực khách quan, hữu hiệu về chân lý của nhận thức. Trong tự nhận thức chỉ ra sự thống nhất giữa thực tiễn và hành động:
"Con đường tương lai của triết học nói chung là phải trở thành triết học thực tiễn, hay đúng hơn triết học về thực tiễn, mà hiệu quả cụ thể nhất đối với những quan hệ về đời sống và xã hội là sự phát triển chân lý trong hoạt động cụ thể.” Herzen đã đón nhận tư tưởng này và gọi phép biện chứng của Hegel là "khoa đại số học của cách mạng.”
Khi viết quyển Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908) để tranh luận với nhóm Bogdanov, Lênin chỉ đọc Hegel qua Marx và Engels. Từ bài tiểu luận viết ra nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Herzen (1912), Lênin ca ngợi Herzen đã đi thẳng tới "chủ nghĩa duy vật biện chứng," đã lãnh hội được phép biện chứng của Hegel. Lênin cũng nhấn mạnh: "Khi tưởng niệm Herzen, giai cấp vô sản học hỏi được từ nơi ông sự đánh giá cao vai trò quan trọng của lý luận cách mạng.”
Như đã nói ở trên, Lênin quan niệm vấn đề biện chứng là một nhân tố tất yếu trong sự nghiệp cách mạng.
Trong khoảng thời gian 1913 -1914, Lênin đã viết một loạt bài khai triển những cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng sắp tới qua nhiều khía cạnh khác nhau và đề ra những giải pháp về mặt triết học cũng như về mặt chiến lược và sách lược nhằm sửa soạn thực hiện cuộc cách mạng này. Cơ sở của cương lĩnh cách mạng đã được phác họa trong Bút ký triết học qua ba mặt của vấn đề duy vật biện chứng:
a. Bản chất của biện chứng là một lý luận của sự phát triển thế giới vật chất, trong những hình thức khái quát nhất.
b. Sự thống nhất giữa biện chứng, lý luận nhận thức và lôgíc trong chủ nghĩa Mác.
c. Ý nghĩa của biện chứng duy vật là cơ sở lý luận cho mọi hoạt động thực tiễn của quần chúng.
Khi mô tả bản chất của phép biện chứng duy vật, Lênin đã khái quát thành một nguyên lý: "Phép biện chứng có thể được định nghĩa như một học thuyết về sự thống nhất những mặt đối lập.”
Những phạm trù cơ bản đối lập gồm ba nhóm:
1. Phép biện chứng khách quan về tự vận động nội tại của vật chất;
2. Phép biện chứng về tác động qua lại giữa những sự vật và hiện tượng;
3. Phép biện chứng chủ quan, nghĩa là quá trình trong đó thế giới vật chất được phản ánh trong ý thức của con người.
Lênin đã phát biểu quy luật về sự nhẩy vọt biện chứng khi xác định: "Cái gì phân biệt quá độ biện chứng với quá độ phi biện chứng? Sự nhẩy vọt. Sự mâu thuẫn. Sự gián đoạn cái tăng dần. Thống nhất giữa hữu và vô hữu.” (trong Bàn về Vấn Đề Biện Chứng). Quy luật đó được xác định như một quy luật về sự thống nhất và đấu tranh giữa những mặt đối lập. Về mặt chính trị, nó biểu hiện sự tồn tại của cái cũ bên cạnh cái mới trong mối quan hệ qua lại nhất định, cho nên trong bài viết Bàn về khẩu hiệu hô hào liên hợp các nước châu Âu (1915), Lênin đã đi đến nhận định về khả năng của chủ nghĩa xã hội thắng lợi trước hết trong một nước, sách lược chung của chủ nghĩa xã hội thế giới trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, về một chính sách thi đua kinh tế hòa bình giữa hai hệ thống tư bản và xã hội chủ nghĩa, cũng như sự chung sống hoà bình giữa những nước khác nhau về chế độ chính trị, xã hội.
Ở một chỗ khác, ông định nghĩa gọn hơn: "Phép biện chứng là lý luận nhận thức (của Hegel) và chủ nghĩa Mác.”
Khi đọc Hegel, Lenin đã khẳng định:
"Không thể nắm vững hoàn toàn tác phẩm Tư bản của Marx, đặc biệt là chương thứ nhất nếu người ta không nghiên cứu và hiểu thấu toàn bộ tác phẩm Khoa Luận Lý Học (Wissenschaft der Logik) của Hegel. Thực thế, không một người mác-xít nào từ nửa thế kỷ nay hiểu thấu được Marx.”
Theo Lenin, Marx đã tiếp thu và phát triển mặt cách mạng này của triết học Hegel và áp dụng phương pháp biện chứng của Hegel trong hình thái thuần lý vào khoa kinh tế chính trị. Lenin đã chỉ ra phương pháp biện chứng đó như sau: "Trong Das Kapital, Marx đã sử dụng khoa luận lý, phép biện chứng và nhận thức luận của chủ nghĩa duy vật như một khoa học duy nhất, rút ra mọi điều giá trị từ Hegel và phát triển hơn lên.”
Trong lời bạt của ấn bản tiếng Đức lần thứ hai, Marx đã xác nhận mối quan hệ về mặt phương pháp biện chứng của ông đối với Hegel: "Phương pháp biện chứng của tôi không những khác với phương pháp biện chứng của Hegel mà nó còn đối lập trực tiếp. Đối với tôi lý tưởng không là gì khác hơn thế giới vật chất phản ánh bởi tinh thần của con người và diễn dịch thành những hình thái tư duy. ... Vì thế tôi công khai thú nhận tôi là học trò của nhà tư tưởng vĩ đại này, và hiển nhiên đây đó, trong chương sách luận về giá trị, tôi đã làm dáng với những mô thức diễn tả đặc biệt của Hegel.”
Lenin đã trung thành với nhận thức này khi trình bày học thuyết kinh tế của Marx trên hai vấn đề: giá trị và giá trị thặng dư. Ông dẫn lời Marx: "Mục tiêu tột cùng của công trình này là phơi trần ra quy luật vận động kinh tế của xã hội hiện đại" - vì trong xã hội tư bản, sản xuất ra hàng hóa chiếm ưu thế, do đó Marx khởi sự phân tích từ việc phân tích hàng hóa trong chương thứ nhất.
Cũng trong lời bạt nói trên, Marx giải thích rõ: Trong hình thái hợp lý của nó, phép biện chứng bao gồm cả nhận thức tích cực về những sự vật hiện hữu đồng thời nhận thức cả sự phủ định, sự phá hủy tất yếu những mặt hiện hữu này (In ihrer rationellen Gestalt... (sie) in dem positiven Verstandnis des Bestehenden zugleich auch das Verstandnis seiner Negation, seines notwendigen Untergangs einschliesst).
Trong Bút ký triết học, Lenin mô tả mặt phủ định biện chứng tích cực này - nghĩa là một giai đoạn của mối quan hệ, một giai đọan của sự phát triển - như một nhân tố quan trọng cao cấp của phép biện chứng.
Mặt khác, Lenin dẫn lời Hegel: "Chỉ có một sự việc trong thế giới là tuyệt đối, đó là phương pháp hay khái niệm về quá trình, chính nó tuyệt đối" để chỉ ra ý nghĩa cách mạng trong triết học Hegel: "Niềm tin của Hegel vào lý trí con người và quyền năng của nó. ... Luận cương cơ bản trong triết học Hegel là vũ trụ trải qua một quá trình kiên trì về biến đổi và phát triển.”
Chính Marx cũng nhận định: Cái vĩ đại trong Hiện tượng luận của Hegel và kết quả tột cùng của nó là - biện chứng của phủ định như nguyên tắc chuyển dịch và sản xuất - đơn giản là vì Hegel đã nắm được sự tự phát triển của con người như một quá trình (Das Grosse an der Hegelschen Phanomenologie und ihrem Endresultate - der Dialektik der Negativitat als dem bewegenden und erzeugenden Prinzip - ist also einmal, dass Hegel die Selbsterzeugung des Menschen als einen Prozess fasst).
Từ ngữ quá trình trở thành một từ then chốt trong biện chứng pháp mác-xít. Trong OP Manuskripte, Marx đã so sánh quan điểm duy vật nghèo nàn của Feuerbach với chủ nghĩa duy tâm của Hegel ở chỗ: Chủ nghĩa duy tâm khởi từ hoạt động - Hegel đã nhận ra con người không phải thuần túy là sinh vật, mà tự sản sinh ra trong lịch sử và đời sống xã hội, cũng tự tạo ra mình trong một quá trình.
Căn cứ vào đó, Lenin lý giải mối quan hệ giữa tư tưởng và khách thể theo nhận thức của Hegel là một quá trình trùng hợp:
"Tư tưởng (=con người) không thể tưởng tượng ra chân lý trong hình thái tĩnh chết, trong hình thái một bức tranh trần (hình ảnh) nhợt nhạt, không có sự thúc đẩy, không có động lực, như một thiên tài, như một con số, như tư duy trừu tượng.”
Qua thực tiễn con người chứng nghiệm sự đúng đắn khách quan của những ý tưởng, khái niệm, nhận thức khoa học của con người. Ở đây lý luận phản ánh đã khai triển theo hướng tích cực: Tri thức của con người không chỉ phản ánh thế giới khách quan nhưng còn sáng tạo ra nó... điều đó có nghĩa là thế giới không chỉ thỏa mãn con người mà con người quyết định biến đổi nó bằng hoạt động của con người.
Trong khi đọc Hegel, Lenin đã thu tập được một số nhận thức về Marx tuy không để lại một khoa Luận lý, nhưng đã để lại Luận lý về Tư bản/những tác phẩm có tính duy tâm nhất lại chứa ít chủ nghĩa duy tâm mà chứa chủ nghĩa duy vật nhất/phê phán Plekhanov (người thày duy vật của Lenin) hoàn toàn là con số không về tư tưởng biện chứng.
Những tranh luận hiện đại về tập Bút ký triết học, mối quan hệ giữa Lenin và Hegel diễn ra hai chiều hướng đối nghịch vì nó mang tính cách quyết định về quan điểm triết lý (nói như Irving Fetscher: Hãy nói cho tôi biết bạn xác định mối quan hệ giữa Marx và Hegel như thế nào, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn đã chọn loại chủ nghĩa Mác nào):
Quan điểm của Louis Althusser: Khởi từ "đoạn tuyệt tri thức" trong tiến trình tư tưởng của Marx, Althusser khẳng quyết sự khác biệt giữa Marx và Hegel, nói khác đi, phương pháp biện chứng của Marx khác biệt với phương pháp biện chứng của Hegel. Tuy nhiên, Althusser không thể phủ nhận một điều là sau khi chối bỏ ảnh hưởng của Hegel, Marx vẫn chịu một mối nợ quan trọng với Hegel vì ông là người đầu tiên nhận thức lịch sử như một quá trình không chủ thể.
Trước hết, Althusser chỉ ra một điều trong Lenin và triết học, bài diễn thuyết trước Hội Triết học Pháp vào năm 1968, lý do Lenin đọc Hegel vì Hegel là người quán triệt toàn bộ lịch sử triết học nên đọc Hegel là một phần trong thực tiễn triết lý của Lenin.
Trong tác phẩm tập thể Lire le Capital viết chung với J. Rancière, P. Macherey, E. Balibar và R. Establet, Althusser xác định cách đọc mà ông gọi là hội chứng những tác phẩm của Marx và của chủ nghĩa Mác, nhưng đọc Lenin chỉ khả hữu với điều kiện đề xuất từ những bản văn này vấn đề lý luận mà những bản văn chỉ ra giải đáp tích cực.
Trong một tiểu luận đặt vấn đề Lenin đối với Hegel, Althusser cho rằng Lenin đã đọc Hegel trên quan điểm duy vật biện chứng đó là lý do Lenin đã đọc một cách nhiệt tình chương viết về Ý Tưởng Tuyệt Đối trong bộ lôgic của Hegel vì hai căn cứ (một, chủ thể phải bị phủ định ngay từ khi đặt để, hai, Ý Tưởng Tuyệt Đối đơn giản chỉ là phương pháp tuyệt đối) và Lenin đã đề ra luận điểm: chỉ có một sự việc tuyệt đối trong thế giới, đó là phương pháp hay khái niệm về quá trình, tự nó là tuyệt đối, điều đó có nghĩa là cái tuyệt đối là quá trình không chủ thể, trong thực tại cũng như trong nhận thức khoa học - điều này được phát hiện trong tác phẩm Tư bản của Marx.
Quan điểm của Raya Dunayevskaya và Kevin Anderson: Trong hai tác phẩm Marxism and Freedom và Philosophy and Revolution, Raya Dunayevskaya (viết dưới tên Freddie Forest trong nhóm Johnson-Forest) đã coi Bút ký triết học của Lenin như một trong những tác phẩm Mác-xít quan trọng nhất về mặt triết học cũng như lý luận kinh tế chính trị và tổ chức. Trong tác phẩm nghiên cứu phê phán Lenin, Hegel and Western Marxism, chịu ảnh hưởng của Dunayevskaya, Kevin Anderson đã dành một phần để lược duyệt những thảo luận chung quanh tập Bút ký triết học của Lenin từ những thập niên 20 đến nay, với những tên tuổi như Karl Korsch, Lukács, Ernst Bloch, Lefebvre, Lucio Coletti, Fetscher, Althusser và Dunayevskaya. Tựu chung, hoàn cảnh lịch sử đã không cho phép những người Mác-xít như Lukács hay Korsch thấy tầm quan trọng của tập Bút Ký triết học. Anderson phê phán Althusser đã dẫn sai lạc những đoạn văn của Lenin khi cho rằng Lenin đã chỉ ra sai lầm của Engels và Plekhanov trong việc áp dụng biện chứng của Hegel để giải thích thực tại. Chỉ từ những thập niên 70, Dunayevskaya tiếp tục công trình khai phá luận điểm của Lenin khi chỉ ra chủ nghĩa duy vật và duy tâm bổ xung lẫn nhau và tri thức không chỉ phản ánh thế giới mà còn sáng tạo ra nó, tuy vậy Lenin cũng như những người Mác-xít khác đã quan niệm thực tiễn cao hơn lý luận nên rơi vào chủ nghĩa ý chí. Sự khác biệt giữa những quan điểm Mác-xít trong vấn đề biện chứng là cơ sở trong những tranh luận triết lý sau này.
Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Bạt - Thay lời kết