Chương 3
Tác giả: Đặng Phùng Quân
Triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp là ba nguồn gốc của chủ nghĩa Mác. Điều này phù hợp với tiến trình sinh hoạt của Marx, xuất thân từ môi trường đại học Đức, quá trình hoạt động chính trị tại Pháp và Bỉ, và sau cùng là giai đoạn học hỏi kinh tế chính trị học khi Marx cư ngụ tại Luân Đôn từ năm 1849. Tuy nhiên việc phân chia ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác như Lenin và một số người Mác-xít khác đã làm là: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, chỉ có tính cách tiện lợi về mặt phổ thông tuyên truyền và không có giá trị về mặt học thuyết.
Những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Marx sẽ chỉ ra sự tổng hợp giữa các mặt lý luận. Mặt khác, Marx cũng không giải quyết những vấn đề triết học về vật chất, tinh thần v. v. . . như Engels sau này trong tác phẩm viết dở dang Phép Biện Chứng Của Tự Nhiên hay Lenin trong Chủ Nghĩa Duy Vật và Chủ Nghĩa Kinh Nghiệm Phê Phán. Từ luận án triết học cho đến những bản viết về sau, ông bận tâm với những vấn đề phê phán, ông khẳng định "phê phán trời phải biến thành phê phán trần gian, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp luật, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị," trong những tác phẩm viết chung với Engels như "Hệ tư tưởng Đức" "Gia đình thần thánh," họ đối phó với những vấn đề của nhóm Hegel khuynh tả như Feuerbach, Bruno Bauer, Max Stirner.
Phần lớn quãng đời còn lại của Marx tập trung vào việc hoàn tất tác phẩm Tư Bản như Marx viết trả lời một người bạn: "Trong khi tôi còn khả năng làm việc, tôi phải dành tất cả thời giờ để hoàn tất tác phẩm của tôi, tôi phải hy sinh sức khoẻ, hạnh phúc sống và gia đình của tôi cho điều đó. " Cũng không thể đơn giản phân biệt những vấn đề triết lý với những vấn đề kinh tế chính trị vì khởi từ những tác phẩm thời trẻ, như Phê phán Triết học về Nhà nước, về Quyền của Hegel, Bản thảo Kinh tế Triết học, Marx đã phân tích sâu sắc những vấn đề về lao động, vận động kinh tế Hegel đề ra trong những tác phẩm về Thần học và Triết học quyền bính của Hegel. Marx đã đọc dưới nhãn quan của "triết gia", những tác phẩm của các nhà kinh tế cổ điển như Smith, Ricardo, Mill, Say, Malthus và những nhà xã hội chủ nghĩa Pháp như Pecqueur, Proudhon, Anh như Owen, và Đức như Moses Hess và Weitling. "Phê phán trần gian" như Marx quan niệm đã biến nhập vào "phê phán chính trị kinh tế", Marx cũng mới chỉ phác họa những nét đơn giản về một chủ nghĩa duy vật lịch sử. Vấn đề then chốt trong tư tưởng Marx được soi sáng và phát triển trong thế kỷ này là vấn đề tha hóa.
Lý luận về tha hóa là một trong những nét phân biệt giữa Marx và Engels. Hơn nữa, vấn đề tha hóa còn xác định:
1. Những điểm sinh động tồn tại của tư tưởng Marx ở thời đại này.
2. Tính cách nhân bản của chủ nghĩa Mác so với những giải thích khác về chủ nghĩa cộng sản.
Về điểm thứ nhất, vấn đề tha hóa chỉ ra nhiều viễn tượng: ngay khái niệm về từ ngữ "tha hóa" cũng rất mới mẻ về mặt triết học. Hegel và Marx là những người đã sử dụng từ Entfremdung và Entausserung trong những bản viết quan trọng của họ, nhưng chính những khái niệm này không được chú ý trong thời đại của họ. Phải đợi tới những phát triển lý luận ở thế kỷ 20 này, khái niệm tha hóa mới được coi là ý tưởng then chốt trong triết học của Hegel và Marx. Tại sao vậy ? Có phải những ý tưởng như tha hóa là những ý tưởng hiện đại được khám phá trong triết học của Hegel và Marx? Nói cách khác, tha hóa phải chăng là một dẫn giải hiện đại về chủ nghĩa Hegel và chủ nghĩa Mác?
Quả thật, về mặt lịch sử, một khái niệm tha hóa chỉ đặc biệt được chú ý đến sau thế chiến Hai, mặc dầu Hegel đã sử dụng từ ngữ này nhiều lần trong những tác phẩm thời trẻ, và trong tác phẩm lớn quan trọng của ông là Hiện tượng luận về Tinh thần, Hegel đã dành hơn một trăm trang sách để phân tích vấn đề "Tinh thần bị tha hóa tự tại. " Tuy vậy ngay những học giả chuyên nghiên cứu Hegel như Hermann Glockner trong bộ Hegel-Lexikon (1935-39) cũng như J. Hoffmeister trong Worterbuch der philosophischen Begriffe (1952) đã không liệt kê từ ngữ tha hóa trong những phạm trù triết học Hegel.
Marx đã phân tích vấn đề tha hóa trong Bản Thảo Kinh Tế Triết Học, trong Khởi Thảo Những Nguyên Lý Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học, song những tác phẩm này mới chỉ được phát hiện ở khoảng giữa thế kỷ này. Trong Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản, Marx và Engels coi khái niệm tha hóa của nhân loại là một sản phẩm của những nhà văn Đức (deutschen Literaten) du nhập tư tưởng Pháp, và họ coi khái niệm này là "một điều vô nghĩa về mặt triết lý".
Phải chăng đó là điều mâu thuẫn ngay trong tư tưởng Marx? Hay vì chịu ảnh hưởng Engels, Marx đã từ bỏ quan niệm tha hóa như một hạt nhân lý luận trong tư tưởng của ông?
Như đã nói ở trên, tha hóa trở thành một vấn đề triết học cơ bản hiện đại. Cho nên phải trở lại nguồn gốc của nó. Phần lớn những tác giả nói đến vấn đề này đều nhìn nhận vấn đề tha hóa bị quên lãng từ lâu, chỉ mới được đặt lại lần đầu trong tác phẩm Lịch sử và Ý thức giai cấp của nhà triết học người Hung G. Lukács. Tiểu luận thứ tư trong tác phẩm này đã đưa ra vấn đề Verdinglichung như một khái niệm cơ bản để phân tích vấn đề hàng hóa mà Lukács coi là "biểu hiện trong mọi mặt cuộc sống cho vấn đề then chốt, cơ cấu của xã hội tư bản"(als zentrales, strukturelles Problem der kapitalistischen Gesellschaft in allen ihren Lebensausserungenerscheint) trong học thuyết Mác. Tuy nhiên, Lukács không đưa ra một phân tích định nghĩa về khái niệm này. Một đệ tử của Lukács, nhà triết học Lucien Goldmann đã phát hiện từ ngữ Verdinglichung được nhắc đến hai lần trong một tác phẩm triết học quan trọng khác của thế kỷ này là Sein und Zeit của Heidegger. Có thể nói, điểm gặp gỡ chung của hai trào lưu tư tưởng hiện đại là chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Hiện sinh chính là vấn đề tha hóa, dầu nhìn dưới nhiều góc cạnh khác biệt.
Về điểm thứ hai, ta nên chú trọng đến những thảo luận sau đây:
1. Giới triết học Liên Xô dưới sự chi phối của thời đại Stalin đã chấp nhận quan điểm "tha hóa" của Marx và Engels trong Tuyên ngôn của đảng Cộng sản, coi như một quan điểm thuần túy duy tâm.
2. Khái niệm "tha hóa" gắn liền với một nhãn quan "khoa học" để giải thích chủ nghĩa Mác.
3. Chấp nhận khái niệm "tha hóa" như một quan niệm triết lý xã hội trong lý luận về lao động và xã hội dẫn đến vấn nạn về sự tồn tại của vận động này trong xã hội XHCN. Do đó những tranh luận sôi nổi về vấn đề "hiện tượng tha hóa có còn tồn tại trong những xã hội tiến lên chủ nghĩa CS", cũng như một khái niệm đối lập "giải trừ tha hóa" được đề ra.
Những nghiên cứu về vấn đề tha hóa đều chú trọng đến những tác phẩm thời trẻ của Marx, như nhận định của Erich Thier: "Marx thời trẻ là một khám phá của thời đại chúng ta" (trong Das Menschenbild des Jungen Marx, 1957). Hai quan điểm đối lập chính trong những nghiên cứu vấn đề có xu hướng dẫn giải về mặt tâm lý hoặc về mặt xã hội.
Những tác giả đứng trên quan điểm tâm lý đã khảo sát vấn đề tha hoá của Marx đối chiếu với những lý luận phân tâm học và tâm bệnh học, hoặc đi từ lý luận tha hóa của Marx đến những hệ luận đạo đức. Những tác giả đứng trên quan điểm xã hội đã liên kết vấn đề tha hóa của Marx với những hệ luận xã hội (những lý tưởng xã hội phân biệt với thực tại xã hội).
Tựu trung khởi sự vấn đề có thể từ tha hóa là một khái niệm tâm lý xã hội (cá nhân), hoặc tha hóa là một khái niệm triết lý xã hội (tập thể xã hội).
Những phát triển lý luận về tha hóa có thể dẫn vấn đề đi khá xa, chẳng hạn Kostas Axelos trong Marx, Penseur de la Technique: De l'Aliénation de l'Homme à la Conquête du Monde và Istvan Meszaros trong Marx's Theory of Alienation đưa ra những mặt kinh tế chính trị, bản thể và đạo đức, thẩm mỹ học, coi tha hóa như một ý tưởng then chốt cho mọi vấn đề. Một quan điểm tâm lý như R. C. Tucker có thể đi đến những kết luận cực đoan: "Sự xung đột bên trong của con người bị tha hóa với chính nó, trong trí tưởng Marx trở thành một xung đột xã hội giữa "lao động" và "tư bản," và cái tự ngã chủng loại bị tha hóa trở thành xã hội phân chia giai cấp. Sự tự tha hóa được phóng chiếu thành một hiện tượng xã hội, và một hệ thống tâm lý nguyên ủy của Marx trở thành một hệ thống trưởng thành ngoài mặt có tính xã hội học" (Philosophy and Myth in K. Marx).
Việc đọc ngay chính văn của Marx cũng dẫn tới nhiều suy luận khác biệt, chẳng hạn như R. Schacht cho rằng Marx không phủ nhận triệt để quyền tư hữu trong Bản thảo Kinh tế chính trị. Vấn đề thực ra không phải vậy nếu đọc kỹ bản viết của Marx. Khi khảo sát vấn đề tha hóa với một số lượng chính văn của Marx tất nhiên có nhiều điểm tương trùng và khác biệt giữa các tác giả không những ở chỗ nhìn hạn chế vấn đề, còn cả ý hướng và thành quả đặt trong nội dung học thuyết của chủ nghĩa Mác.
Cho nên phải phân biệt những lưỡng luận sau đây:
1. Tha hóa nhìn dưới góc độ một giai đoạn nhất định của lịch sử (giai đoạn xã hội tư bản chủ nghĩa) hoặc tha hóa trong chiều hướng cơ bản của lịch sử.
2. Tha hóa như một biểu hiện của đời sống thực (cơ sở), hoặc tha hóa như một vận động của tự thức (thượng tầng kiến trúc).
Lưỡng luận thứ nhất chỉ ra: Một, nếu tha hóa chỉ là một hiện tượng nhất định Marx phát hiện ra trong vận động của xã hội tư bản, nó mang những đặc chất riêng của xã hội đó, và dưới những mặt nhất định nào, tha hóa vẫn còn biểu hiện trong xã hội XHCN? Hai, nếu tha hóa được quan niệm như một biểu hiện của bản tính con người, nó chỉ ra một quan niệm về lịch sử nhất định trong học thuyết Mác, đó là chủ nghĩa duy vật lịch sử. Vượt khỏi khó khăn của lưỡng luận này không phải đơn giản. Trong những tranh luận giữa Fetscher và Sitnikov, giữa Adam Schaft và L. Althusser, những phân tích hiện tượng tha hóa trong xã hội XHCN của trường phái Zagreb chứng tỏ hiện tượng tha hóa nhất định trong xã hội TBCN vẫn còn tồn tại trong xã hội XHCN, đồng thời nó lại chỉ ra đặc tính nội tại của tha hóa trong lao động, nghĩa là một mặt của tự nhiên.
Lưỡng luận thứ hai không phải chỉ phân biệt tha hóa kinh tế với những mặt biểu hiện chính trị, xã hội của tha hóa, phân biệt mặt thực tại của tha hóa với mặt tinh thần của tự thức bị tha hóa, nhưng còn chỉ ra tác động giữa lực lượng xã hội với quan hệ xã hội, giữa cá nhân và xã hội, sự hàm hồ giữa những quan hệ kinh tế và những định chế xã hội, mặt lý luận và thực tiễn, khi Marx quan niệm triết học là đầu não của giải phóng con người (der Kopf dieser Emanzipation ist die Philosophie), trong khi giai cấp vô sản là lực lượng thể hiện.
Những lưỡng luận trên đây chỉ ra mối quan hệ giữa tư tưởng Mác ở thời đại của ông và những vấn đề đặt ra sau Marx ở thế kỷ này, sự hiện diện của con người trong xã hội, dưới bất kỳ hình thái xã hội nào, tính cách áp bức của xã hội và tự nhiên có thể bị tiêu hủy v. v. . . . Đặt để vấn đề tha hóa còn hàm ngụ giải pháp vượt lên khỏi tha hóa, cho nên Marx hy vọng: "Chúng ta biết hình thái mới của sản xuất xã hội, để hoàn thiện đời sống, chỉ cần con người mới," như ông viết trong Die Revolution von 1848 und das Proletariat. Làm thế nào để xây dựng con người mới - những người cộng sản hiện đại tưởng đã đặt đúng vấn đề, vì một lẽ đơn giản, thực hiện cách mạng xã hội, giải phóng con người thoát khỏi những áp bức của "người bóc lột người," xây dựng một xã hội mới, "xã hội cộng sản" như niềm mơ ước của người cộng sản, tất nhiên phải có mẫu người mới với phong thái và nhãn quan hoàn toàn mới của chiều hướng lịch sử, chấm dứt thời tiền lịch sử. Nhưng "con người có phải là toàn bộ những quan hệ xã hội?" gắn liền với những điều kiện thực tiễn của xã hội, của đời sống thực, và những mâu thuẫn giữa con người/xã hội, tự nhiên/lịch sử, vật chất/tinh thần. . . . Một nhận thức về con người và những ràng buộc xung đột của cá nhân trong xã hội và tự nhiên, đó là lý do vấn đề tha hóa cần thiết phải được đặt ra.
Trong ngôn ngữ về tha hóa, Marx dùng những từ như Entfremdung, Entausserung, Verausserung. Về mặt ngữ nguyên, từ aussern để chỉ tính biểu hiện, trong khi từ veraussern chỉ tính mại hóa. Ngay trong những bản văn của Kant, người ta đã thấy sự phân biệt này. Kant viết: "Sự chuyển nhượng tài sản từ người này qua người khác là mại hóa"(Die Ubertragung seines Eigentums an einen anderen ist die Verausserung). Trong ý nghĩa đó, người ta có thể giải thích được đoạn văn sau của Marx trong Zur Judenfrage: Die Verausserung ist die Praxis der Entausserung (Mại hóa là thực tiễn của tha hóa). Tha hóa như vậy được phát hiện ngay trên bình diện kinh tế. Mặt khác, khi phân tích lao tác của con người, Marx đã đưa ra một ý niệm tha hóa, sự xa lạ (Entfremdung) đối với con người, xã hội và tự nhiên.
Đối tượng của Marx về tha hóa là con người, không phải chỉ riêng tinh thần như trong triết học Hegel. Marx viết: Biểu hiện của đời sống con người (Lebenausserung) là sự ngoại hướng của đời sống (Lebensentausserung), sự thực hiện nó (Verwirklichung) là sự đánh mất thực tại (Entwirklichung), là một thực tại tha hóa.
Tuy nhiên khởi điểm của vấn đề vẫn bắt nguồn từ ảnh hưởng của tư tưởng Hegel trong thời đại. Chẳng hạn khởi điểm suy tư của Feuerbach từ hình ảnh con người bị tha hóa trong hình ảnh con người tạo ra. Tha hóa tôn giáo là một ý niệm Marx đã thừa hưởng từ học thuyết Feuerbach, khi Feuerbach áp dụng khái niệm tha hóa của Hegel vào sự khách thể hóa của con người (con người đã tự biến thành khách thể, đối tượng của ý thức, và Thượng đế chính là sự phóng chiếu của con người trong vận động khách thể này). Feuerbach đã đưa phạm trù tha hóa từ mặt ý thức áp dụng vào bình diện nhân loại. Marx không giới hạn ý niệm tha hóa trong chiều hướng tự nhiên đó, ông phê phán lý luận tôn giáo của Feuerbach không xiển minh được vị thế của con người trong thế giới, quan niệm về bản chất con người theo Feuerbach chỉ là một trừu tượng cố hữu trong con người cá thể riêng biệt, trong khi bản chất đó là một toàn bộ những quan hệ xã hội. Đó là sự khác biệt giữa chủ nghĩa duy vật cổ điển (như Feuerbach) với chủ nghĩa duy vật của Marx. Một đằng chỉ xét cá nhân trong xã hội "công dân" trong khi con người phải được xét trong xã hội nhân loại, nghĩa là một nhân loại xã hội hóa.
Cho nên Marx đã phát biểu về tôn giáo như sau: Sự lầm than tôn giáo đồng thời là một biểu hiện của sự lầm than thực và là một phản kháng lại sự lầm than thực. Tôn giáo là tiếng thở dài của sinh vật bị áp bức, tình cảm của một thế giới nhẫn tâm, cũng như nó là tinh thần của những điều kiện phi tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân (Das religiose Elend ist in einem der Ausdruck des wirklichen Elendes und in einem die Protestation gegen das wirkliche Elend. Die Religion ist der Seufzer der bedrangten Kreatur, das Gemut einer herzlosen Welt, wie sie der Geist geistloser Zustande ist. Sie ist das Opium des Volks). Điều này chỉ ra một tư tưởng của Marx thường bị xuyên tạc là triệt hủy tôn giáo, thực ra chỉ là một tiền đề xã hội học về vai trò tôn giáo đối với dân chúng sống dưới những điều kiện kinh tế xã hội lầm than. Marx quan niệm phê phán trời phải trở thành phê phán trần gian, phê phán tôn giáo trở thành phê phán pháp luật. Quả thực phê phán tôn giáo là một điều kiện tất yếu dẫn đến việc tìm hiểu sự tha hóa của con người. Marx quan niệm: Nhiệm vụ tức thời của triết học là phát hiện sự tha hóa của con người trong hình thức thế tục, một khi nó đã được phát hiện trong hình thái thiêng liêng của nó (Es ist zunachst die Aufgabe der Philosophie, die im Dienste der Geschichte steht, nach den die Heiligengestalt der menschlichen Selbstentfremdung entlarvt ist, die Selbstentfremdung in ihren unheiligen Gestalten zuentlarven).
Con người trong vận động ngoại hướng theo Marx là một "con người bị mất nhân tính" (entmenschter Mensch), bởi vì hoạt động sản xuất của con người bị chi phối dưới luật lệ của một "trung gian xa lạ" (fremder Mittler), thay vì chính con người là trung gian của con người (statt dass der Mensch selbst der Mittler fur den Menschen sein sollte). Lao động chính là hình thức của một "trung gian tha hóa" (entausserte Vermittlung) bởi vì "đối tượng của lao động là sự khách thể hóa đời sống phát sinh của con người. " Marx so sánh tha hóa tôn giáo với tha hóa lao động:
"Cũng như trong tôn giáo, con người càng tận tụy cho thượng đế, con người càng kém chủ động. Đời sống của con người phục vụ cho khách thể trở thành một lực lượng thù nghịch và xa lạ với chính con người. "
Khách thể đó chính là tư bản, và mặt chủ yếu của tha hóa chính là tha hóa kinh tế. Irving Fetscher nhận xét về lập trường phê phán của Marx: "Phê phán kinh tế chính trị học bao hàm phê phán kinh tế tư bản chủ nghĩa và phê phán thuyết tự thức lý luận tương ứng. " Cho nên tha hóa kinh tế là mặt chủ yếu trong lý luận của Marx, xuyên suốt từ Bản thảo kinh tế triết học qua Tư bản. Khi xét hiện tượng tha hóa của con người trong lĩnh vực kinh tế, Marx đã có những lý do để phê phán Feuerbach cũng như các lý thuyết duy vật trước Marx là chỉ xét sự vật dưới hình thái khách thể, không quan niệm như hoạt động thực tiễn cảm thụ mang tính cách con người, cũng như phê phán quan niệm "lao động" của Hegel chỉ là một lao động trừu tượng tinh thần. Cho nên Marx phát hiện tha hóa xảy ra cụ thể trong xã hội tư bản, ở đó lao động là đời sống chủng loại của con người, nhưng tư bản thuộc về lao động tích lũy được vật chất hóa, biến thành một khách thể độc lập, biến dạng thành tư hữu. Marx xác định: "Sản xuất là sự đặc thù tự nhiên của cá nhân ở trong và thông qua một cơ cấu xã hội nhất định. " Trong khuôn khổ xã hội tư bản chủ nghĩa, đời sống chủng loại đối lập mãnh liệt với đời sống cá nhân. Lao động là bản chất của con người, nhưng tư hữu đã buộc người lao động "biến bản chất của họ thành một phương tiện để bảo đảm sự tồn tại của mình. "
Tha hóa có ý nghĩa: người lao động không nhận biết được tự thân trong quá trình sản xuất bởi vì "đối tượng mà lao động sản xuất ra đối lập với lao động như một sự vật xa lạ. "
Như vậy tha hóa không những chỉ thấy nơi kết quả, nhưng ngay chính trong hành động sản xuất, bởi vì:
- Những phương tiện tồn tại phụ thuộc vào kẻ khác
- Đối tượng khát vọng của con người là sự chiếm hữu không toại nguyện của kẻ khác, sinh hoạt của tôi là một sự vật khác. Nói tóm lại, quyền năng phi nhân đã thống trị quá trình hoạt động của con người. Quá trình tha hóa diễn ra như sau:
1. Người lao động xa lạ với hoạt động của mình
2. Sự vật sản xuất ra bởi lao động trở thành một sự vật xa lạ, một quyền lực độc lập với người sản xuất.
3. Mối quan hệ với thế giới bên ngoài cụ thể trở thành một thế giới xa lạ, thù nghịch.
4. Người lao động xa lạ với thế giới xã hội của họ vì con người xa lạ với tha nhân và cũng trở nên xa lạ với đời sống con người.
Tại sao hiện tượng tha hóa diễn ra như vậy? Marx đưa ra ba nguyên nhân:
- Tư hữu (Privat Eigentum)
- Trao đổi hàng hóa (Austausch)
- Phân công lao động (Teilung der Arbeit)
Trong tập Bản thảo kinh tế triết học 1844, Marx xác định "tư hữu là sản phẩm, là hậu quả tất yếu của lao động bị tha hóa," Marx còn khai triển rộng ra ý nghĩa của tư hữu như một biểu hiện cảm thụ, vật chất của đời sống con người bị tha hóa, bởi vì chỉ trong giai đoạn tột cùng của sự phát triển tư hữu mới phát hiện được bí mật của nó, một mặt là sản phẩm của lao động bị tha hóa, mặt khác là những phương tiện để lao động bị tha hóa, tóm lại tư hữu chính là "sự thực hiện tha hóa này. "
Cũng trong Bản thảo kinh tế Triết học, Marx coi phân công lao động và trao đổi là những biểu hiện tha hóa của hoạt động con người.
Trong Những Nguyên lý Phê phán Kinh tế Chính trị học (1857-58), Marx cũng khẳng định "đối tượng do lao động sản xuất ra, tức là sản phẩm, bây giờ trở thành đối lập với nó như một sự vật xa lạ, như một quyền lực đối lập với người sản xuất.
. . . Người lao động quan hệ với sản phẩm lao động của mình như với một khách thể xa lạ. " Chính vì vậy thế giới con người bị mất dần giá trị so với thế giới sự vật tăng dần giá trị. Lao động chính là để sản xuất ra sự vật mang giá trị sử dụng, giờ đây lại trở thành lao động để tạo ra sản phẩm mang giá trị trao đổi. Marx viết: "Trong thế giới hiện đại, những quan hệ con người rõ ràng chỉ được coi như những biểu hiện thuần túy của những phương thức sản xuất và trao đổi. "
Trong Tư bản Marx gọi hiện tượng vật hóa ấy dưới một từ ngữ đặc biệt tính sùng bái hàng hóa (Fetischcharakter der Ware): "Sự huyền bí của hình thái hàng hóa căn cứ trên điều này - đối với con người, nó phản ánh tính xã hội trong lao động của họ, như tính khách quan của chính những sản vật lao động, như những phẩm tính tự nhiên có tính xã hội của những sự vật này (gesellschaftlichs Naturreigenschaften) và do đó nó phản chiếu những quan hệ xã hội của những sản xuất đối với toàn thể lao động như một quan hệ xã hội giữa những sự vật hiện hữu ở bên ngoài họ" (Das Geheimnisvolle der Warenform besteht also einfach darin, dass sie den Menschen die gesellschaftlichen Charaktere ihrer eignen Arbeit als gegenstaendliche Charaktere der Arbeitsprodukte selbst, als gesellschaftliche Natureigenschaften dieser Dinge zuruckspiegelt, daher auch das gesellschaftliche Verhaeltnis der Produzenten zur Gesamtarbeit als ein ausser ihnen existierendes gesellschaftliches Verhaetnis von Gegenstaenden). Quan hệ sản xuất biến thành quan hệ xã hội giữa hàng hóa. Tính cách phóng thể của lao động – Entausserung - bao hàm khái niệm vật hóa (Verdinglichung) như Lukács sau này quan niệm.
Nhân tố thứ ba trong hiện tượng tha hóa chính là phân công lao động, một bên là nhà tư bản, một bên là công nhân, ở đó Marx đã phân tích một phần lao động chứa trong hàng hóa là lao động được trả công, một phần khác là lao động không được trả công, "chính vì thế khi bán hàng hóa với giá trị của họ, là sự tích tụ của toàn thể lượng lao động để thực hiện món hàng này và nhà tư bản bắt buộc phải bán nó với một số lời. Ông ta bán không những chỉ phần ngang giá, nhưng ông ta còn bán cả những cái ông không mất gì cả, nhưng cái đó mang phần lao động của công nhân. " Trong một chương sách không in ra của tập I Tư bản (1867), Marx chỉ rõ: sự thống trị của nhà tư bản đối với công nhân là "sự thống trị của sự vật đối với con người, của lao động chết đối với lao động sống, của sản vật đối với người sản xuất. " Quá trình đó chính là sự vật hóa diễn ra như sau:
1. Công nhân bị tư bản cố định thống trị vì họ trở thành một vật phụ thuộc vào máy móc.
2. Gia tăng sự thống trị về mặt lượng của tư bản đối với lao động.
3. Lao động chết (tư bản) thống trị lao động sống.
Nếu trong tập Bản thảo kinh tếẾtriết học Marx đã đặt ra những cơ sở đầu tiên phân tích hiện tượng tha hóa về mặt kinh tế, tuy những phân tích này chưa chỉ rõ ra được động lực cưỡng bách sự lao động biến con người công nhân phụ thuộc vào máy móc, trở thành hàng hóa, chính là sự "tích luỹ tư bản," thì những tác phẩm thời trưởng thành từ Những Nguyên lý phê phán Kinh tế chính trị học đến Tư bản, tư tưởng chủ yếu của Marx vẫn là minh chứng sự khác biệt giữa quan điểm kinh tế cổ điển, coi cứu cánh của sản xuất là con người, và quan niệm kinh tế tư bản chủ nghĩa coi cứu cánh của sản xuất là sự giàu có và cứu cánh của con người là sản xuất. Ông chỉ ra đặc tính tàn bạo của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là "người lao động hiện hữu vì quá trình sản xuất chứ không phải quá trình sản xuất vì người lao động. "
Sự tiến triển trong tư tưởng Marx có thể chỉ ra: ở tác phẩm thời trẻ, Marx phân biệt giai cấp chiếm hữu (giàu có) và giai cấp vô sản (nghèo khó), thì ở những tác phẩm thời trưởng thành như Những Nguyên lý và Tư bản, điểm chủ yếu chính là đặc tính vật hóa, phi nhân hóa của lao động trong sản xuất TBCN, ở đó tha hóa có tính tất yếu, bởi vì "phương thức sản xuất này lần đầu tiên tạo ra đồng thời với sự tha hóa tổng quát của cá nhân đối với tự thân cũng như tha nhân, tính phổ quát và toàn diện của những quan hệ và khả năng của con người" (Những Nguyên Lý). Trong Tư bản ông xác định "về mặt lịch sử, mối quan hệ đảo nghịch (Verkehrung) - giữa chủ thể và khách thể, tức là người sản xuất và sản vậtẾxuất hiện như một giai đoạn quá độ tất yếu. " Marx đã phát hiện ra được vị trí của giai cấp vô sản và giai cấp chiếm hữu cùng biểu hiện sự tha hóa của con người, tư tưởng này được trình bày trong tác phẩm thời trẻ: giai cấp chiếm hữu tự bằng lòng ở trong tình trạng tha hóa này bởi vì chính trong tha hóa, giai cấp này tự xác định và nhận biết quyền năng của mình, cũng như có một ảo tưởng về sự hiện hữu làm người của mình, thì ngược lại giai cấp vô sản cảm thấy sự tha hóa trong tình trạng tha hóa này, nhận ra sự bất lực và thực tại của đời sống phi nhân (Thánh gia/Die Heilige Familie) thì ở tác phẩm thời trưởng thành Das Kapital tư tưởng đó vẫn không thay đổi khi ông viết: Trong quá trình tha hoá của lao động con người, công nhân ở vị trí cao hơn nhà tư bản, bởi vì con người tư bản cắm rễ trong quá trình tha hóa này và cảm thấy an tâm tuyệt đối, trong khi giai cấp côngnhân đồng thời cũng là nạn nhân của quá trình này, trước hết cảm thấy phải nổi loạn chống đối và coi đó là một hành vi nô lệ hóa. Cũng trong tác phẩm thời trẻ Deutsche Ideologie Marx còn chỉ ra vai trò của giai cấp vô sản (ông coi giai cấp này là phần tử phá hủy trong khi giai cấp tư hữu là phần tử bảo thủ) là thực hiện cách mạng bởi vì cuộc cách mạng này tất yếu không những vì giai cấp thống trị không thể bị lật đổ bằng con đường nào khác, mà còn vì giai cấp lật đổ nó chỉ có thể thông qua cách mạng mới thành công trong việc thoát khỏi sự trì đọa của mọi thời đại để xây dựng xã hội mới. Qua Tư bản Marx chỉ ra sự phát triển sản xuất xã hội và sáng tạo ra những điều kiện vật chất của sản xuất mới có thể xây dựng được cơ sở thực tế cho một điển hình xã hội cao hơn, trong đó nguyên lý cơ bản là sự phát triển toàn diện và tự do của mỗi cá nhân. Đó chính là chìa khóa của sự giải phóng tha hóa cho con người.
Tóm lại lý luận về tha hóa được trình bày qua những tác phẩm của Marx chỉ ra:
a. Tất cả những mặt khác biệt của tha hóa và giải phóng tha hóa đều tập trung vào mặt chủ yếu là phưong thức hiện hữu xã hội như Marx viết: Tôn giáo, gia đình,nhà nước, luật pháp, đạo đức, khoa học, nghệ thuật v. v. . . chỉ là những phương thức sản xuất đặc thù và đều bị chi phối dưới những luật lệ chung. Sự giải phóng tích cực tư hữu như một đắc thủ đời sống con người, vì thế là sự giải phóng tích cực mọi tha hóa - điều đó muốn nói, con người từ tôn giáo, gia đình, nhà nước v. v. . . trở lại phương thức hiện hữu xã hội, nghĩa là hiện hữu nhân tính của mình. Marx đã chỉ ra mối quan hệ giữa cá thể và xã hội cùng mặt tích cực của con người.
b. Trong giai đoạn thời trẻ, Marx đi tìm phương thức giải phóng tha hóa cho con người khi ông phát hiện ra vai trò lịch sử của giai cấp vô sản trong nhiệm vụ thủ tiêu tư hữu (khái niệm "tất yếu lịch sử" trong tư tưởng Marx hàm ngụ sự tất yếu tiêu hủy/verschwindende Notwendigkeit). Marx cũng phê phán những thuyết cộng sản thô sơ đã phủ nhận nhân cách của con người trong mọi lãnh vực vẫn còn bị ảnh hưởng bởi quyền lực tư hữu, cho nên sự giải phóng (Aufhebung) phải có tính cách triệt hủy tích cực để xây dựng chủ nghĩa cộng sản được quan niệm như "một chủ nghĩa tự nhiên phát triển toàn diện, đó là chủ nghĩa nhân bản, đồng thời chủ nghĩa nhân bản phát triển toàn diện cũng là chủ nghĩa tự nhiên. "
c. Phân tích hiện tượng tha hóa chỉ ra sự phát hiện tính cách bóc lột con người lao động trong xã hội TBCN, đó là lý do Marx đã đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực kinh tế chính trị để tìm ra nguyên ủy của vấn đề: tư bản.
Trong Những Nguyên Lý Marx loan báo: Đây là ảnh hưởng văn minh lớn lao của tư bản. Nó đưa xã hội đến một trình độ mà tất cả những thời đại đi trước chỉ được coi như cục bộ mang những dấu ấn sùng bái tự nhiên.
Trong Tư bản ông xác định: Tư bản là phương thức sản xuất duy nhất ở đó mọi sản phẩm hay ít ra phần lớn sản phẩm mang hình thái hàng hóa . . . và điều đó chỉ xảy ra trong một phương thức sản xuất hoàn toàn đặc biệt.
Mặt khác: Phương thức sản xuất TBCN được coi như tất yếu lịch sử để biến đổi lao động đơn lẻ thành lao động xã hội, nhưng trong tay tư bản, sự xã hội hóa lao động này chỉ gia tăng những lực lượng sản xuất nhằm bóc lột lao động ngõ hầu có nhiều lợi nhuận hơn.
Cho nên lý luận tha hóa đã được nghiên cứu trong một chiều hướng chuyên biệt về phương thức sản xuất TBCN đến nỗi người ta tưởng chừng Marx từ bỏ lý luận tha hóa của con người để đi sâu vào lĩnh vực tất định kinh tế trong lý luận về tư bản.