watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít-Chương 4 - tác giả Đặng Phùng Quân Đặng Phùng Quân

Đặng Phùng Quân

Chương 4

Tác giả: Đặng Phùng Quân

Tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Mác vẫn là bộ Tư bản . Marx đã giành phần lớn cuộc đời cho việc nghiên cứu và hoàn tất tác phẩm này. Quả thật nếu chủ nghĩa Mác không có cơ sở của Tư bản , nó đã bị rơi vào quên lãng như nhiều học thuyết xã hội khác. Việc nghiên cứu kinh tế chính trị xuyên suốt những tác phẩm của Marx qua ba giai đoạn (từ Bản thảo Kinh tế và Triết học 1844 , Sự nghèo nàn của Triết học (1847), Những nguyên lý phê phán kinh tế chính trị học (1857/58), đến ba quyển Tư bản (1867/1885/1894)) cho thấy: phải chăng Marx như một triết gia đã chọn lĩnh vực kinh tế làm mặt chủ yếu (thông thường triết gia đều chọn một đối tượng chủ đạo trong học thuyết của mình) cho nên có người quan niệm Marx đã đưa ra những phân tích hiện tượng luận, hoặc hiện sinh về Kinh tế học, mặt khác có người cho rằng Marx đã đi vào con đường nghiên cứu kinh tế với tư cách một nhà kinh tế học thuần túy (những phân tích giá trị, trao đổi, bóc lột, giá trị thặng dư và lợi nhuận thuần tuý được xét về mặt kinh tế, không chứa đựng suy luận triết lý).



Những mặt đối lập này chỉ ra việc đọc Marx có những nghịch lý không thể hòa giải. Về điểm thứ nhất, Marx với những nghiên cứu kinh tế chính trị vẫn còn chịu ảnh hưởng Hegel (kể cả những vấn đề kinh tế trong học thuyết Hegel), phân biệt với những nhà kinh tế cổ điển Anh, song nhận định về Marx như vậy phải chăng mâu thuẫn với chính lập trường của Marx đã đề ra trong Luận cương Feuerbach 11 (là đoạn tuyệt với một viễn tượng triết học chỉ đi giải thích thế giới, thay vì biến đổi nó). Mặt khác quan niệm Marx với những nghiên cứu thuần tuý kinh tế là xác định Marx đã dứt khoát với triết học để chọn lựa thuyết tất định kinh tế cũng mâu thuẫn với một Marx ngay trong đầu bài Tựa quyển I Tư bản (1867) đã viết "tác phẩm này là một công trình tiếp nối tác phẩm Góp phần phê phán kinh tế chính trị học xuất bản năm 1859" và cuối cùng ông khẳng định "hoan nghênh mọi ý kiến xây dựng trên tinh thần phê phán khoa học". Trên bình diện phê phán, Marx muốn chỉ ra sự sai lầm của những nhà kinh tế cổ điển khi quan niệm những quy luật kinh tế tư bản chủ nghĩa có giá trị phổ quát, trong khi thực ra mỗi chế độ kinh tế có những quy luật kinh tế riêng của nó. Cũng trong bài Tựa này ông còn xác định những cá nhân như nhà tư bản hay địa chủ chỉ là "những nhân cách hoá của những phạm trù kinh tế, thể hiện những quan hệ và lợi ích giai cấp đặc thù".


Vấn đề đọc lại những tác phẩm kinh tế của Marx như bộ Tư bản với Louis Althusser và những người cộng sự (thường được coi là xu hướng cấu trúc luận trong những tác phẩm tập thể Lire le Capital của L. Althusser, J. Rancière, P. Macherey, E. Balibar, R. Establet, 1965) hay với Harry Cleaver trong Reading Capital politically, 1979, Antonio Negri và những bài giảng về tác phẩm Grundrisse Marx oltre Marx , 1978 đã chỉ ra những tranh luận theo nhiều chiều hướng khác biệt từ khi xuất hiện bộ Tư bản .


Harry Cleaver trong sách dẫn trên đã phân tích ba chiều hướng khác biệt mà ông gọi là cách đọc bộ Tư bản về mặt kinh tế chính trị, triết học và chính trị:
1. Đọc Tư bản về mặt kinh tế chính trị đã có một truyền thống lâu đời. Engels và những môn đệ đã giải thích Tư bản như một phân tích khoa học và xác thực nhất về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những quan hệ trao đổi, phân phối dựa trên sự phân định cơ sở (kinh tế) với thượng tầng kiến trúc (luật pháp, chính trị). Những tranh luận của Bernstein, Rosa Luxemburg, Rudolf Hilferding, Bukharin, Fritz Sternberg chung quanh lý luận về sự khủng hoảng tư bản và sự hình thành chủ nghĩa đế quốc chỉ quan tâm về sự tích luỹ và phát triển của chủ nghĩa tư bản, độc lập với sự đóng góp sáng tạo của giai cấp công nhân. Những lý thuyết gia này chỉ nhìn thấy mặt phát triển vô chính phủ cũng như bản chất bóc lột của tư bản và không thấy trong tác phẩm Tư bản của Marx một lý luận về chính trị. Cleaver nhận định việc nghiên cứu Tư bản không còn được quan tâm đến sau Cách mạng 1917 ở Liên Xô vì chủ nghĩa Lênin tập trung vào việc củng cố quyền lực Đảng, và mục tiêu ý thức hệ của người cộng sản này tránh né đề cập đến mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những đồng dạng của hai hệ thống về tính cách đàn áp của nhà nước và đấu tranh của giai cấp công nhân. Những lãnh tụ cộng sản còn biến việc giải thích Marx thành một vũ khí chống lại giai cấp công nhân.
Một xu hướng Cleaver mệnh danh là "chủ nghĩa Keynes cộng sản" ở Liên Xô và các nước Cộng sản Đông Âu cũng như một số nhà kinh tế mác-xít phương tây như Kalecki, Joan Robinson, Paul Sweezy và Paul Baran đã đưa lý luận phát triển kinh tế của Keynes với những phương thức "tích luỹ tư bản", tăng lương như một động lực thúc đẩy kinh tế ứng dụng vào việc điều hành quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, thậm chí còn có người loại bỏ lý luận lao động về giá trị của Marx.
2. Truyền thống đọc Marx như một triết gia cũng lâu đời như coi Marx là một nhà kinh tế học, nhất là trào lưu làm sống lại việc nghiên cứu Marx vào những thập niên 60 và 70. Một xu hướng "chính thống" của những người Macxít cộng sản dựa trên "chủ nghĩa duy vật biện chứng" cũng bắt nguồn từ Engels với nhóm cấu trúc luận Althusser đã "đọc bộ Tư bản" theo chiều hướng lý giải câu nói của Marx trong bài Tựa lần xuất bản thứ hai là "biện chứng của Hegel đứng bằng đầu" và "phải đảo ngược lại nếu người ta muốn khám phá hạt nhân hợp lý trong cái vỏ huyền bí như thể biện chứng Hegel là một phương pháp (hạt nhân hợp lý) cần phải tách bỏ cái vỏ huyền bí (tức chủ nghĩa duy tâm Hegel) để áp dụng vào khuôn khổ của chủ nghĩa duy vật hình thành ra "chủ nghĩa duy vật biện chứng". Cleaver chỉ ra sự sai lầm của Engels và những môn đệ là đã tách rời biện chứng khỏi tư bản trong lý luận của Marx như vậy đã chối bỏ khả năng của giai cấp công nhân trong việc phá huỷ chủ nghĩa duy tâm tư bản. Một xu hướng khác của chủ nghĩa Mác phương tây với trường phái Frankfurt cũng chỉ dẫn đến phê phán hệ tư tưởng và coi nhẹ sự trưởng thành và phát triển quyền lực của giai cấp công nhân .
3. Chiều hướng đọc Tư bản về mặt chính trị khởi từ nhận thức về những hạn chế của hai khuynh hướng trên, nhằm đưa ra một phân tích chiến lược về mô thức phát triển quyền lực của giai cấp công nhân theo H. Cleaver là "cơ sở có khả năng nhất để trả lời câu hỏi làm thế nào quyền lực này có thể gia tăng". Một phân tích như vậy đòi hỏi khởi sự đánh giá về những đấu tranh thực sự của giai cấp công nhân: nội dung những cuộc đấu tranh, làm thế nào có thể phát triển và đi về đâu. H. Cleaver dẫn ra khuynh hướng Johnson-Forest, nhóm mácxít tập trung quanh tạp chí Socialisme ou Barbarie (1944-1965) và nhóm tả phái mới ở Ý với những tổ chức như Potere Operaio, Il Manifesto và Lotta Continua, những nhà lý luận như Panzieri, Montaldi, Bologna, Tronti và A. Negri. Những tư tưởng mới này nhằm chỉ ra vai trò tự trị của cuộc đấu tranh công nhân trong lòng tư bản, nhấn mạnh đến sự đối lập giữa tư bản sử dụng giai cấp công nhân như một lực lượng lao động thuần tuý và sự đấu tranh công nhân tự khẳng định như một giai cấp tự tại độc lập, phá vỡ hệ thống tự tái sản xuất của tư bản. Chiều hướng này chú trọng đến lý luận về khủng hoảng của Marx, chỉ ra sự khủng hoảng tư bản chỉ có thể giải thích thông qua những quan hệ tiềm lực giai cấp, một bên sự đấu tranh của giai cấp công nhân áp đặt sự khủng hoảng trên tư bản, mặt khác tư bản nỗ lực biến cuộc khủng hoảng thành vũ khí chống lại giai cấp công nhân để tái lập quyền thống trị.


H. Cleaver dẫn lời Marx để chỉ ra không những Marx quan niệm tư bản là một quan hệ xã hội về những giai cấp, ông còn minh thị trên bình diện giai cấp, những quan hệ kinh tế thực sự là những quan hệ chính trị:
"Mọi vận động trong đó giai cấp công nhân xuất hiện như một giai cấp chống lại những giai cấp thống trị và mưu toan kiềm chế chúng bằng áp lực từ bên ngoài là một vận động chính trị. Chẳng hạn nỗ lực trong một công nghiệp đặc biệt nhằm áp lực tư bản đình công đòi hỏi thâu ngắn ngày làm việc là một vận động thuần tuý kinh tế. Song vận động nhằm đưa ra luật đòi hỏi làm việc tám giờ một ngày là một vận động chính trị. Và theo đường lối này, ngoài những vận động kinh tế riêng biệt của công nhân còn có một vận động chính trị, có thể coi như một vận động giai cấp với mục tiêu hoàn tất những lợi ích trong một hình thái chung, trong một hình thức có sức mạnh xã hội thúc bách chung"(Thư cho Bolte ngày 23/11/1871).
Tóm lại đọc Tư bản có tính cách chính trị chỉ ra hai giai đoạn:
a. Mỗi phạm trù và quan hệ tương ứng với bản chất của đấu tranh giai cấp.
b. Những phương thức chiến lược chính trị của giai cấp công nhân.
H. Cleaver cho rằng mục tiêu nguyên thuỷ của Marx khi viết bộ Tư bản là nhằm tạo ra một vũ khí trao vào tay giai cấp công nhân, cho nên ông đã đưa ra một phân tích tỉ mỉ về những động lực cơ bản của cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân với tư bản.
Chiều hướng đọc Tư bản về mặt chính trị còn là một phản ứng chống lại chủ nghĩa Lênin, như lời Tựa của báo cáo State Capitalism and World Revolution trong Đại hội Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa năm 1950:
"Những kết luận chính trị của phê phán kinh tế này có thể tóm lược vào việc phủ nhận toàn diện lý luận và thực tiễn của lý luận về Đảng tiền phong của Lênin trong thời đại chúng ta".
Không phải chỉ riêng nhóm mácxít Ý và H. Cleaver, cả nhóm cấu trúc luận mácxít của Althusser cũng nhấn mạnh đến tính cách chính trị trong việc nghiên cứu lý luận Tư bản. Điều này chỉ ra rằng :
- Tư bản là một tác phẩm kinh tế chính trị học có giá trị hạn chế về mặt kinh tế, không còn thích hợp với sự phát triển của xã hội và khoa kinh tế học.
- Tư bản là một vũ khí tư tưởng trong cuộc đấu tranh của người cộng sản, có tác dụng về mặt chính trị vì tính cách hệ thống hóa phân tích và phê phán chủ nghĩa tư bản và xã hội tư bản chủ nghĩa.
Hai luận điểm vừa nêu có thể bênh vực giá trị và sự tồn tại của Tư bản vì một lý giải kinh tế về lịch sử (ở chủ nghĩa Mác gắn liền với chủ nghĩa duy vật lịch sử) không hẳn là một lý luận kinh tế. Nhóm cấu trúc luận Althusser cũng đồng ý với điều này khi quan niệm Tư bản mở ra một con đường mới triệt để trong "bản chất sai biệt về đối tượng của nó" (nature différentielle de son objet). Họ quan niệm: Marx đã đưa ra một lý luận kinh tế mới/một đoạn tuyệt tri thức với những tác phẩm thời trẻ cũng như những lý luận kinh tế cổ điển – lý luận kinh tế mới xây dựng trên cơ sở nào?


Phép biện chứng như Marx xác định "một phương pháp về mặt bản chất có tính cách phê phán và cách mạng" (Bạt Das Kapital lần xuất bản thứ hai,1873).


Những phạm trù kinh tế có tính đối lập hai mặt: một lý luận lao động về giá trị (Arbeitswertlehre) chia ra giá trị sử dụng và giá trị trao đổi; tư bản cố định và tư bản lưu động; thời gian lao động gồm thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư; lao động cụ thể và lao động trừu tượng.


Một viễn quan mácxít về toàn bộ xã hội dưới dạng một quá trình gồm những quan hệ, ở đây là những quan hệ sản xuất trên cơ sở kinh tế như một khán trường không có chủ thể (những quan hệ sản xuất ở đây không phải là những quan hệ nhân tính).
Tuy hai xu hướng dẫn trên nhấn mạnh đến tính chính trị trong lý luận kinh tế của Marx song có khác biệt ở chỗ một đằng nhấn mạnh đến tác nhân chính trị là vận động của giai cấp công nhân, một đằng đề ra những cấu trúc tất định trong một toàn bộ phức hợp; một đằng chỉ ra sự liên tục giữa những tác phẩm kinh tế thời trẻ gắn liền với toàn bộ Tư bản , một đằng khởi từ viễn quan lịch sử, ở đó kinh tế là một quá trình những quan hệ phi chủ thể.


Bộ Tư bản gồm ba quyển: quyển I nghiên cứu quá trình sản xuất tư bản (xuất bản năm 1867), quyển II bàn về lưu thông tư bản (Engels xuất bản năm 1885) và quyển III lý luận về tiến hóa của chế độ tư bản chủ nghĩa (Engels xuất bản năm 1894). Quả thật Marx đã tập trung phần đời còn lại của ông để nghiên cứu một vấn đề: cơ chế vận động của chủ nghĩa tư bản trong mấy ngàn trang sách, với tiểu đề phê phán khoa kinh tế chính trị học , cho nên tác phẩm của ông chứa đựng vô số những trích dẫn từ những tác phẩm kinh tế chính trị học khác trong chiều hướng phê phán. Phương pháp như Marx đã chỉ ra là phương pháp biện chứng , trang bị một vũ khí nhận thức luận mới mẻ để khai phá vấn đề tư bản.
Tính biện chứng của bộ Tư bản có thể biểu hiện qua:
Phân biệt bản chất với hiện tượng : đối tượng kinh tế xét về mặt động, biến đổi và hoạt động kinh tế của con người không phải dựa trên tiền lương nhưng chủ yếu là lao động.
Tính đối lập giữa toàn thể và cục bộ : trong quyển II đã chỉ ra vận động của tư bản xã hội gồm toàn bộ nhửng vận động của các bộ phận, cho nên phải nhìn ra mỗi thành phần riêng biệt quan hệ của toàn thể như lợi nhuận của nhà tư bản tỷ lệ với phần đóng góp của toàn bộ tư bản xã hội, không phải chỉ dựa trên cấu trúc cơ hữu của tư bản trong chuyên ngành sản xuất của ông ta.


Tính đối lập giữa cụ thể và trừu tượng : Marx xác định "cái cụ thể là cụ thể vì nó là kết tụ của nhiều tất định, nghĩa là sự thống nhất những mặt khác biệt", khi phát hiện ra tính hai mặt của lao động - "cái bản lề mà khoa kinh tế chính trị học xoay quanh" - chỉ có thể nghiên cứu mặt lao động trừu tượng trong quá trình sản xuất tư bản để xác định được tại sao có thể trao đổi hàng hoá ngang giá.


Quan hệ giữa ý thức và quá trình lịch sử : khác với Hegel quan niệm lý tưởng là thế giới vật chất được phản ánh trong tinh thần con người diễn đạt thành những hình thái của tư tưởng, lý luận tư bản của Marx phản ánh những lợi ích của giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện từ sự quan sát hoàn cảnh biến đổi của công nhân. Phép biện chứng là ý thức của công nhân khi biết được thân phận của mình đối lập với xã hội tư sản, đã nhận thức ra toàn thể chức năng của xã hội này và toàn bộ lịch sử quá khứ như một quá trình của sự nổi dậy và giải quyết những mâu thuẫn.


Những quy luật kinh tế Marx phát hiện được giả định như "quy luật tự nhiên" của lịch sử nghĩa là "không thể tránh được". Do đó khác với những nhà kinh tế cổ điển, Marx đã chỉ ra sự biến đổi của vận động kinh tế tư bản chủ nghĩa tự nơi quy luật huỷ thể của huỷ thể để dẫn đến một nền kinh tế cao hơn: kinh tế xã hội chủ nghĩa.


Khác với những nhà kinh tế cổ điển, Marx phát hiện ra bản chất của sự bóc lột trong vận động kinh tế tư bản chủ nghĩa xây dựng trên cơ sở lý luận giá trị. Tuy nhiên, Marx vẫn kế thừa lý luận kinh tế của Ricardo về giá trị khi chú trọng đến tính hai mặt của lao động và hai hình thá6i của giá trị. Có sự khác biệt trong những khái niệm của Ricardo và Marx: Ricardo phân biệt tư bản nhất định và tư bản lưu thông, biểu hiện lượng thời gian trong quá trình sản xuất trong khi Marx phân biệt tư bản cố định (nguyên liệu, máy móc) với tư bản lưu động (tiền lương) biểu hiện rõ rệt sự đối lập giữa nhà tư bản với người lao động và Marx gọi tỷ số của tư bản cố định với tư bản lao động (c/v) là cấu trúc cơ hữu của tư bản. Quan niệm cơ bản Marx nhấn mạnh đến là người lao động không bán lao động, nhưng bán sức lao động (Arbeitskraft); điểm khác biệt nữa với Ricardo ở chỗ lao động không phải chỉ là mức đo lường giá trị, còn là nguồn gốc của giá trị (sự phân biệt này quan trọng ở chỗ khi quan niệm mọi vật trong kinh tế tư bản chủ nghĩa đều là hàng hóa, thậm chí sức lao động mang tính cách giá trị trao đổi cũng là hàng hóa, điều đó còn có nghĩa, người lao động không là gì khác hơn một hàng hóa trong quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa: "Điều biểu thị cho thời đại tư bản chủ nghĩa là sức lao động đòi hỏi người lao động cũng mang hình thái một hàng hóa"). Điều này chỉ ra một cách rõ ràng:
- Marx sử dụng một khái niệm trừu tượng là sức lao động để giải thích vận động trao đổi hàng hóa trong lưu thông tư bản chủ nghĩa: vận động trao đổi không thể dựa trên giá trị sử dụng của mỗi vật, mà dựa trên giá trị trao đổi (vì mọi hàng hóa có một phẩm tính: sản vật của lao động và lao động này là lao động trừu tượng); giá trị trao đổi của một hàng hóa xác định bằng số lượng lao động xã hội cần thiết để sản xuất.
- Khác với những chế độ sản xuất trước như chế độ sở hữu nô lệ hay phong kiến, trong chế độ tư bản chủ nghĩa, người lao động làm việc được trả lương nên ngoài mặt (hiện tượng) có tự do, bán sức lao động cho người sở hữu tư liệu sản xuất, song thật sự (từ bản chất) ngoài phần giá trị trả cho người lao động để tồn tại, có một phần giá trị không được trả, Marx gọi là giá trị thặng dư (Mehrwert).
Như vậy, một sản vật bao gồm ba yếu tố; tư bản cố định, tư bản lưu động và giá trị thặng dư (c, v và m).
Marx gọi tỷ suất thặng dư:

giá trị thặng dư giá trị thặng dư
m/v = ------------------ = --------------------
tư bản lưu động giá trị sức lao động
lao động thặng dư phần không được trả lương
= -------------------- = ----------------------
lao động cần thiết phần trả cho người lao động

Những tỷ lệ này biểu hiện cùng một quan hệ dưới những hình thái khác nhau. Tỷ suất trên còn được gọi là tỷ suất bóc lột "biểu hiện chính xác mức độ bóc lột sức lao động bởi tư bản hay bóc lột người lao động bởi nhà tư bản" (Das Kapital, Bd I). Marx phát hiện tỷ suất này là 100 %:
Tỷ suất giá trị thặng dư hay tỷ suất bóc lột này được tính bằng giờ lao động sang tính toán bằng tiền qua thí dụ:

6 giờ lao động thặng dư
m/v = --------------------------
6 giờ lao động cần thiết
giá trị thặng dư là 3 shillings
= -----------------------------------
tư bản lưu động là 3 shillings
= 100%
Marx đưa ra công thức về khối lượng giá trị thặng dư:
M = (m/v) x V
trong đó m : giá trị thặng dư tính theo lao động cá nhân
v : sức lao động cá nhân
V : tổng thể tư bản lưu động
còn được tính theo công thức:
M = p x (a'/a x n)
trong đó p : sức lao động trung bình
a' : lao động thặng dư
a : lao động cần thiết
n : số lượng lao động sử dụng


Marx khẳng định trong sản xuất tư bản chủ nghĩa "sản xuất ra giá trị thặng dư hay tạo ra lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất này" (Produktion von Mehrwert oder Plusmacherei ist das absolute Gesetz dieser Produktionsweise).
Tỷ suất lợi nhuận được tính bằng tỷ số của giá trị thặng dư với toàn thể tư bản sử dụng:
r = m/(c + v).
Khi phát hiện ra quan hệ bóc lột và lợi nhuận trong quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, Marx phải giả định :
- Hàng hóa trao đổi theo giá trị lao động
- Tỷ số c/v phải bằng nhau trong mọi khu vực sản xuất.
Marx hiểu rằng trên thực tế, hàng hóa có thể bán theo giá cả không tương ứng với giá trị của nó, song ông lý luận giá trị thặng dư cũng như việc chuyển hóa từ tiền qua tư bản không tùy thuộc vào việc hàng hóa bán trên hay dưới giá trị của chúng:
"Việc chuyển hóa từ tiền qua tư bản phải được giải thích trên cơ sở những quy luật điều hòa sự trao đổi hàng hóa, theo một cách nào đó mà khởi điểm là sự trao đổi ngang giá".
Trong lý luận lao động về giá trị của Marx, phát hiện ra lợi nhuận phải dựa trên cơ sở lao động là bản chất của giá trị. Có quan niệm như vậy, Marx mới chỉ ra được mối quan hệ giữa lao động và tư bản, giữa công nhân và nhà tư bản, mối quan hệ chủ yếu trong sản xuất và lưu thông TBCN là mối quan hệ bóc lột, trong đó lợi nhuận không phải xuất phát từ giá cả tự nhiên, nhưng bắt nguồn từ sự bóc lột lao động. Tuy nhiên những tiền đề nêu trên cho thấy Marx chỉ có thể giải thích vận động sản xuất TBCN trên bình diện lý luận .
Phát hiện thứ ba trong lý luận kinh tế của Marx là tích lũy tư bản. sản xuất tư bản chủ nghĩa theo Marx gồm có ba nhân tố:
1. tách biệt tư bản với lao động
2. nhà tư bản nắm độc quyền tư liệu sản xuất
3. phân công lao động chia xã hội thành hai giai cấp rõ rệt:
một bên là tư bản sở hữu tư liệu sản xuất, một bên là giai cấp công nhân ngày càng đông đảo, bán sức lao động, đó là giai cấp vô sản.
Giai cấp tư bản không phải là những con người tư bản đơn lẻ, nhà tư bản chỉ là tư bản được nhân cách hóa, linh hồn của ông ta là linh hồn tư bản. Song tư bản chỉ có một động lực sống đơn giản: đó là khuynh hướng tạo ra giá trị và thặng dư, làm thế nào để với nhân tố cố định (tư liệu sản xuất), nó thu hút được số lượng giá trị thặng dư lớn nhất. Marx ví Tư bản - một thứ lao động chết, như con đỉa chỉ sống nhờ hút lao động sống và nó càng sống dai khi nó hút được nhiều lao động.
Biểu hiện này là cơ sở của lý luận tích lũy tư bản: nhà tư bản chính là tác nhân của sự tích lũy tư bản. Marx gọi tích lũy nguyên thủy của vận động kinh tế TBCN là lịch sử của tội nguyên tông kinh tế, bởi vì nhà tư bản chỉ tuân theo một nguyên động lực là tích lũy vì tích lũy, sản xuất vì sản xuất , khai thác bóc lột sức lao động của giai cấp vô sản. Ông mô tả hiện tượng đó như sau: "Từ tội nguyên tông này đánh dấu sự nghèo khổ của đại đa số quần chúng, bất chấp lao động của họ, chẳng còn gì ngoài việc bán sức lao động của mình và sự giàu có của một thiểu số gia tăng, mặc dầu từ lâu những kẻ này không còn lao động nữa".
Marx vẽ lên hai hình ảnh: một bên, vô sản chỉ là một bộ máy sản xuất giá trị thặng dư và một bên, nhà tư bản chỉ là một bộ máy để tư bản hoá giá trị thặng dư này.
Marx cũng chỉ ra mối quan hệ giữa lý luận về giá trị thặng dư và tích lũy tư bản: "Mọi phương pháp dùng để sản xuất giá trị thặng dư đồng thời cũng là những phương pháp tích lũy" và "mọi sự mở rộng tích lũy lại trở thành phương tiện cho sự phát triển những phương pháp này. Do đó tương ứng với tư bản tích lũy, số phận của người lao động dầu được trả lương cao hay thấp cũng trở nên tệ hơn. "
Mục tiêu nghiên cứu tư bản của Marx không giống như những nhà kinh tế học đi trước là chỉ nghiên cứu thuần túy vận động của tư bản, áp dụng lý luận về giá trị vào việc tìm hiểu sự phân phối sản xuất quốc dân - Marx đưa lý luận này đến chỗ phát hiện ra bản chất của sự bóc lột trong một xã hội dự trên chiếm hữu tư nhân, tương ứng với quan điểm duy vật lịch sử của ông. Das Kapital góp phần cấu thành lý luận về lịch sử Ế nói như Althusser, Marx phát hiện ra "một khoa học về lịch sử".
Có thể nói phát hiện thứ tư trong lý luận về tư bản của Marx là quy luật về sự bần cùng gia tăng, nó gắn liền với sự xuất hiện một đạo quân trừ bị công nghiệp trong xã hội, nghĩa là những người lao động thất nghiệp, sự tiêu diệt dần mòn những giai cấp giữa, nhưng đồng thời cũng dẫn đến những khủng hoảng của chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa. Marx viết: "Rốt cuộc tầng lớp cùng khổ của giai cấp công nhân và đạo quân trừ bị công nghiệp càng lớn thì hiện tượng bần cùng chính thức càng tăng. Đó là quy luật chung tuyệt đối của tích lũy tư bản" (Je grosser endlich die Lazarusschichte der Arbeiterklasse und die industrielle Reservearmee, desto grosser der offizielle Pauperismus. Dies ist das absolute, allgemeine Gesetz der kapitalistischen Akkumulation).
Tuy nhiên, lý luận về sự bần cùng không có tính cực đoan tuyệt đối như một số người mácxít ở thế kỷ hai mươi này khẳng định. Nếu trong những tác phẩm thời trẻ như Lohnarbeit und Kapital (1849) hay Manifesto (1848), Marx quan niệm sự cùng khổ tới chỗ tuyệt đối, tiền lương của công nhân được ấn định sao theo một nguyên tắc ban phát cho họ mức sống tối thiểu thì ở trong những tác phẩm về sau, tư tưởng của ông có phần ôn hòa hơn, như trong Grundrisse (1857/58), giá trị lao động phần nào được xác định bởi những nhân tố văn hoá, đời sống công nhân có những nhu cầu gia tăng, và đến Das Kapital , Marx không chủ trương lý luận cùng khổ tuyệt đối mà phân tích những yếu tố:
- toàn thể lương công nhân biến đổi theo tỷ lệ nghịch với sản lượng toàn dân.
- lợi tức trung bình của công nhân thường trực biến giảm so với lợi tức của tư bản trung bình.
- công nhân kiếm được một lợi tức giảm so với nhu cầu gia tăng.
Marx còn phát hiện một quy luật khác là quy luật tỷsuất lợi nhuận giảm xuống mang tính mâu thuẫn nội tại phổ biến của sản xuất tư bản chủ nghĩa, kéo theo sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản vì khoa học kỹ thuật tiến bộ, tổng thể tư bản cố định tăng, lao động thiết yếu để sản xuất cùng một số lượng sản phẩm giảm xuống, do đó tỷ số của tư bản lưu động đối với tư bản cố định cũng giảm kéo theo sự giảm tỷ suất lợi nhuận trung bình xuống.
Tỷ suất lợi nhuận giảm là một trở ngại thường xuyên cho sự phát triển lực lượng lao động sản xuất. Đó là một trong những nhân tố xác định sự mâu thuẫn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Những mâu thuẫn này được biểu hiện:
1. người lao động vừa là người mua hàng hóa (trên thị trường) đồng thời lại là người bán sức lao động để sản xuất ra hàng hóa (với mức lương tối thiểu, so với biến thiên của thị trường);
2. trong chế độ tư bản chủ nghĩa có những thời kỳ sản xuất thặng dư: việc bán hàng hóa, thực hiện tư bản hàng hóa và giá trị thặng dư bị hạn chế không những bởi yêu cầu tiêu thụ của xã hội nói chung nhưng còn do những yêu cầu tiêu thụ của một xã hội trong đó đại đa số luôn luôn nghèo khổ và phải chịu mức nghèo khổ như vậy.
Trong quyển II bộ Tư bản , Marx ghi nhận: những cuộc khủng hoảng xảy ra ngay cả sau những thời kỳ phồn thịnh tương đối và tiền lương được tăng vì có sự mâu thuẫn giữa trình độ khoa học kỹ thuật và những điều kiện xã hội của tiến bộ kỹ thuật, giữa lực lượng sản xuất và hệ thống hoạt động của những lực lượng này. Thật vậy, ngay từ quyển I, Marx đã khẳng định: "Việc tập trung những tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động sau cùng đi tới chỗ chúng không thể phù hợp với lớp vỏ tư bản chủ nghĩa. Lớp vỏ này sẽ vỡ tung ra. Chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đã rung hồi chuông báo tử. Những kẻ chiếm hữu bị chiếm đoạt". Marx còn chỉ ra trong quyển III hiện tượng của sản xuất càng mang tính cách xã hội hóa, chiếm hữu tư nhân những thành quả lao động cũng trở nên lỗi thời: mâu thuẫn giữa những lực lượng sản xuất nói chung trong đó một bên, tư bản phát triển với một bên, quyền năng của những cá nhân tư bản trở thành không thể hòa giải được nữa, nó mang mầm mống giải quyết hoàn cảnh dưới dạng biến đổi những điều kiện sản xuất thành những điều kiện xã hội chung và toàn diện.
Làm thế nào để vượt khỏi những mâu thuẫn này? Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những giai đoạn khủng hoảng dư thừa định kỳ, cho nên nó mang sẵn tính sản xuất vô chính phủ, với mục đích duy nhất là tăng giá trị trao đổi, nghĩa là chiếm hữu giá trị thặng dư được nhiều.
Trong quyển III này, Marx nhận xét: "Tư liệu – phát triển vô điều kiện của những lực lượng sản xuất của xã hội - thường xuyên đối nghịch với mục tiêu giới hạn, sự tự phát
triển (Selbstverwertung) của tư bản hiện có". Điều này giải thích:
- Mối quan hệ của lực lượng cấu thành khái niệm tư bản là trở ngại thực sự của sản xuất tư bản chủ nghĩa.
- Lý luận tỷ suất lợi nhuận giảm xuống.
Trong tất cả những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản, mâu thuẫn cơ bản là sự đối nghịch giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã được đề ra trong Góp phần phê phán kinh tế chính trị học (Zur Kritik der politischen Oekonomie ,1859) thường được dẫn đến nhiều nhất, biểu hiện quan điểm duy vật lịch sử của Marx:
"Trong sản xuất xã hội của đời sống con người đi vào những quan hệ sản xuất nhất định, thiết yếu, độc lập với ý chí của họ, những quan hệ sản xuất tương ứng với một giai đoạn phát triển nhất định của những lực lượng sản xuất vật chất. Tổng thể những quan hệ sản xuất này tạo thành cấu trúc kinh tế của xã hội - nền tảng thực trên đó nảy sinh ra kiến trúc thượng tầng chính trị và pháp lý cũng như những hình thái đặc thù của ý thức xã hội. Phương thức sản xuất trong đời sống vật chất xác định những quá trình đời sống xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức con người quyết định sự hiện hữu của mình mà ngược lại, sự hiện hữu xã hội quyết định ý thức con người. Ở một giai đoạn phát triển nhất định, những lực lượng sản xuất vật chất trong xã hội đi đến chỗ mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có - hay diễn tả về mặt pháp lý - đó là mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu chúng đã hoạt động trước đó. Từ những hình thái phát triển những lực lượng sản xuất những quan hệ này trở thành những xiềng xích của chúng. Đó là khởi sự của thời đại cách mạng xã hội. " (In der gesellschaftlichen Produktion ihres Lebens gehen die Menschen bestimmte, notwendige, von ihrem Willen unabhangige Verhaltnisse ein, Produktionsverhaltnisse, die einer bestimmten Entwicklungsstufe ihrer materiellen Produktivkrafte entsprechen. Die Gesamtheit dieser Produktionsverhaltnisse bildet die oekonomische Struktur der Gesellschaft, die reale Basis, worauf sich ein juristischer und politischer Ueberbau erhebt, und welcher bestimmte gesellschaftliche Bewusstseinsformen entsprechen. Die Produktionsweise des materiellen Lebens bedingt den sozialen, politischen und geistigen Lebensprozess uberhaupt. Es ist nicht das Bewusstsein der Menschen, das ihr Sein, sondern umgekehrt ihr gesellschaftliches Sein, das ihr Bewusstsein bestimmt. Auf einer gewissen Stufe ihrer Entwicklung geraten die materiellen Produktivkrafte der Gesellschaft in Widerspruch mit den vorhandenen Produktionsverhaltnissen oder, was nur ein juristischer Ausdruck dafur ist, mit den Eigentumsverhaltnissen, innerhalb deren sie sich bisher bewegt hatten. Aus Entwicklungsformen der Produktivkrafte schlagen diese Verhaltnisse in Fesseln derselben um. Es tritt dann eine Epoche sozialer Revolution ein. )
Tại sao lại dẫn đến cách mạng? Lý luận về đảo nghịch (Verkehrung) trong Tư bản đã dẫn nơi chương 3 chỉ ra quá trình khách thể hóa biểu hiện:
a. Về mặt lao động, là quá trình mất quyền sở hữu.
b. Về mặt tư bản, là quá trình chiếm đoạt lao động tha hoá.
Quan hệ đảo nghịch này là một tất yếu lịch sử, một tất yếu cho sự phát triển những lực lượng sản xuất chỉ xuất phát từ một quan điểm lịch sử đặc thù tự khởi điểm, hay cơ sở, nhưng không hẳn là một tất yếu tuyệt đối của sản xuất.
Trong Những nguyên lý (Grundrisse) Marx ghi nhận đến cường điệu không dựa trên tình trạng khách thể hoá, nhưng ở tình trạng bị tha hoá, mất sở hữu, bị mại hoá (Der Ton wird gelegt nicht auf das Vergegenstandlichtsein, sondern das Emfremdet-Entaussert-Verausserertsein).
Nó chỉ ra sản phẩm của lao động là sở hữu tha hoá, và giá trị cấu tạo thành quyền lực tha hoá, đối lập với lao động sống - có nghĩa là sự đối lập giữa lao động và tư bản. Cho nên quy luật về những khủng hoảng không phải chỉ dẫn đến sự suy sụp của chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa, còn phải gắn liền với quy luật đấu tranh giai cấp. Có như vậy, chúng ta mới hiểu tại sao Marx khoác cho giai cấp vô sản một sứ mạng lịch sử. Cái khác biệt và lớn lao của bộ Tư bản so với những tác phẩm kinh tế cổ điển như J. Schumpeter nhận xét là Marx đã đề ra mục tiêu vĩ đại: phá hủy nền kinh tế cũng như xã hội tư bản chủ nghĩa, đồng thời đề nghị một mô hình tổ chức xã hội mới.
Trước khi qua vấn đề ý thức hệ của chủ nghĩa Mác, chúng ta hãy xét đến một số nhận định sơ khởi:
Lý luận tha hóa liên kết với lý luận tư bản trong toàn bộ tư tưởng của chủ nghĩa Mác. Chỉ có điều này mới giải thích được sứ mạng lịch sử của giai cấp vô sản như Marx quan niệm trong cuộc đấu tranh giai cấp.
Toàn bộ lý luận về tư bản của Marx như hai mặt đối lập của giá trị lao động, giá trị thặng dư, quy luật về sự bần cùng gia tăng và quy luật tỷ suất lợi nhuận giảm xuống dựa trên cơ sở lý luận giá trị để chỉ ra mối quan hệ xã hội tư bản/vô sản.
Phần lớn những phê phán chủ nghĩa Mác đều tập trung vào vấn đề: khả năng của giá trị thặng dư.
Một bên, phái bênh vực Marx cho rằng sự phát hiện giá trị thặng dư chỉ ra tính cách bóc lột của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, khởi từ viễn quan kinh tế đó,vận động của giai cấp công nhân là một tất yếu lịch sử.
Tuy nhiên, phái này cũng chỉ ra những mâu thuẫn chung quanh giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Chẳng hạn như Antonio Negri khi phân tích Những nguyên lý (Grundrisse ) đã phủ nhận giai đoạn quá độ, bởi vì chủ nghĩa xã hội không thể khả hữu. Ông viết:
"Chủ nghĩa Mác trong Những nguyên lý quả thật là sự tương phản của chủ nghĩa xã hội: khi chủ nghĩa xã hội ca ngợi sự tương đẳng và công lý của những quan hệ xã hội (xây dựng trên quy luật giá trị) thì chủ nghĩa Mác cũng đã chỉ ra quy luật giá trị và chủ nghĩa xã hội gắn bó với nhau. "
Song không thể quan niệm giá trị mà không có sự bóc lột. Trong Những Nguyên Lý , Marx đã ý thức việc tích lũy tư bản của chủ nghĩa xã hội cũng không khác tích lũy tư bản chủ nghĩa cho nên "nếu một số nhà xã hội chủ trương chúng ta cần tư bản nhưng không cần những nhà tư bản là một điều sai lầm".
A. Negri quan niệm chủ nghĩa cộng sản như vậy đồng thời vừa là sự triệt hủy quy luật giá trị, triệt hủy chính giá trị, triệt hủy những luận điểm khác nhau của chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa cộng sản là sự triệt hủy bóc lột và giải phóng lao động sống. Liệu viễn tượng một chủ nghĩa cộng sản như vậy có thể khả hữu?
Một bên, phái đả kích lý luận lao động về giá trị của Marx nêu ra những sai lầm của Marx như:
- Lý luận giá trị không giải thích được hoạt động của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, vì giá trị không phải là một đơn vị đo lường, nghĩa là không thể định giá hàng hóa bằng đơn vị của thời gian lao động cần thiết.
- Lý luận lao động chỉ ra được tính phi nhân hóa của sự vật trong một hệ thống kinh tế (quan niệm mọi sự vật đều có thể bán) gắn liền với lý luận tha hóa. Tuy nhiên sự phát triển và phân phối của cải xã hội không có quan hệ với lý luận coi lao động là nguồn gốc duy nhất của giá trị.
Trong Tư bản Marx xác định lợi nhuận, địa tô, tiền lời đều là giá trị thặng dư. Trong Những Nguyên lý Marx cũng viết:"lợi nhuận không là gì hơn hình thức khác của giá trị thặng dư, một hình thức được khai triển hơn trong ý nghĩa của tư bản".
Song giá trị thặng dư chỉ là một khái niệm lý luận, không đi vào thực tiễn. Nếu đem so sánh hai khu vực nông nghiệp và công nghiệp, chẳng hạn ngành trồng bắp với ngành lọc dầu, áp dụng vào cấu trúc cơ hữu của tư bản, ta thấy nông nghiệp phải dùng một số lượng lớn lao động so với nguyên liệu, máy móc và dụng cụ, trong khi công nghiệp sử dụng lượng lao động rất ít so với tư bản cố định. Như vậy tỷ suất lợi nhuận sẽ rất nhỏ trong ngành lọc dầu và rất lớn trong nông nghiệp, nhà tư bản ắt phải đầu tư vào ngành trồng bắp để rút ra được một số lượng giá trị lao động thặng dư hơn. Song trên thực tế, nhà tư bản không quan tâm đến cái gọi là giá trị lao động thặng dư, ông chỉ quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận dựa trên vận động tư bản xuất nhập, mà tác nhân là giá cả hàng hóa.
Trong Tư bản Marx giả định: tổng số lợi nhuận trong mọi khu vực sản xuất phải bằng toàn thể giá trị thặng dư và tổng số giá cả sản xuất của toàn thể sản vật xã hội phải bằng tổng số giá trị của nó. Những tiền đề này không có ý nghĩa vì một đằng, giá trị thặng dư được tính bằng đơn vị giờ lao động còn lợi nhuận tính bằng tiền; Marx đã không giải quyết được vấn nạn cơ bản trong kinh tế học cổ điển về giá cả tự nhiên.
Lý luận về lao động của Marx cũng không giải thích hợp lý được những vấn nạn về lượng sức lao động vì không nhận ra sự khác biệt giữa công nhân có tay nghề với công nhân không có tay nghề, thế nào là một lao động sản xuất vì có nhiều hình thái lao động, sản xuất ra của cải vật chất hay không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất,lao động sinh ra tư bản và lao động sáng tạo ra những giá trị của những loại không tùy thuộc vào điều kiện xã hội.
Một vấn nạn khác là Marx có đi đến chủ nghĩa tất định kinh tế?
Trong Góp phần phê phán kinh tế chính trị học có một đoạn đã dẫn ở trên:
"Tổng thể những quan hệ sản xuất này tạo thành cấu trúc kinh tế của xã hội Ế nền tảng thực trên đó nảy sinh ra kiến trúc thượng tầng chính trị và pháp lý cũng như những hình thái nhất định của ý thức xã hội. Phương thức sản xuất trong đời sống vật chất xác định (bedingt) những quá trình đời sống xã hội, chính trị và tri thức nói chung (uberhaupt). "
Ý nghĩa của từ ngữ bedingt phải được hiểu theo thời đại Marx, mặt khác trong căn nguyên của nó chứa đựng ý nghĩa sự vật, nó xác định mối quan hệ với lý luận tha hóa của sự vật.
Trong Misère de la philosophie, Marx viết ra để tranh luận với Proudhon vào năm 1847 có đoạn:"Khi đắc thủ những lực lượng sản xuất mới, con người thay đổi phương thức sản xuất và trong khi thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi đường lối kiếm sống, họ thay đổi toàn bộ quan hệ xã hội. Chiếc máy xay bằng tay đem lại xã hội với lãnh chúa phong kiến, chiếc máy xay bằng hơi nước đem lại xã hội với tư bản công nghiệp" (En acquérant de nouvelles forces productives, les hommes changent leur mode de production, et en changeant le mode de production, la manière de gagner leur vie, ils changent tous leurs rapports sociaux. Le moulin à bras vous donnera la société avec le suzerain, le moulin à vapeur, la société avec le capitalisme industriel). Điều này xác định khi cho một phương thức sản xuất nhất định sẽ có một kiến trúc thượng tầng nhất định về những quan hệ xã hội, đó là ý nghĩa của chủ nghĩa kinh tế kinh tế.
Tuy nhiên, vai trò nhân tố kinh tế cũng được xác định như trong thư của Engels gửi Joseph Bloch (21 tháng 9 năm 1890): Theo quan niệm duy vật lịch sử, yếu tố quyết định tột cùng trong lịch sử là sản xuất và tái sản xuất của đời sống thực. Cả Marx lẫn tôi đều không xác quyết gì khác ngoài điều này. Vì thế nếu có ai bóp méo điều này bằng cách nói nhân tố kinh tế là nhân tố xác định duy nhất, người đó đã biến đổi mệnh đề này thành một câu nói vô nghĩa, trừu tượng, vô lý. Hoàn cảnh kinh tế là cơ sở, song những thành phần khác nhau của kiến trúc thượng tầng - những hình thái chính trị của đấu tranh giai cấp và những hậu quả tai hại của nó, những hiến chế rút ra từ giai cấp thắng lợi sau cuộc chiến thành công v. v. . những hình thái pháp chế, và ngay cả những phản ánh của mọi cuộc đấu tranh thực sự trong tinh thần của những người tham gia, những lý luận chính trị, pháp luật, triết lý, những quan điểm tôn giáo và những phát triển về sau thành những hệ thống giáo điều - cũng gây ảnh hưởng trong cuộc đấu tranh lịch sử và trong nhiều trường hợp xác định hình thái của chúng một cách đặc biệt. . . Chúng ta làm ra lịch sử, song trước hết, dưới những điều kiện và giả thiết nhất định, trong đó những điều kiện, giả thiết kinh tế có tính cách quyết định tối hậu.
Trong những tranh luận hiện đại, như Alvin Gouldner (The Two Marxisms , 1980) với Norman Levine (The Tragic Deception: Marx contra Engels , 1975) chỉ ra sự phân biệt chủ nghĩa tất định riêng phần với chủ nghĩa tất định phổ quát.
Xét trên quan điểm tất định riêng phần, Marx phát hiện những quy luật sắt của kinh tế tư bản chủ nghĩa, điều đó có nghĩa là một xã hội nào tiến lên kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng phải kinh qua những khủng hoảng của phương thức sản xuất này, bao gồm những bóc lột, tất yếu dẫn đến cách mạng.
Xét trên quan điểm tất định phổ quát, Marx phát hiện những quy luật của chủ nghĩa duy vật lịch sử xã hội loài người nói chung. Trong đoạn dẫn trên từ Misère de la philosophie , Marx đã đưa ra nhân tố kinh tế - kỹ thuật xác định sự tiến hóa của những mô hình xã hội.
Trong thư tín liên hệ đến cách mạng của nước Nga, Marx đã phải giải đáp những vấn đề về đường lối tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa (có cần thông qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa?). Marx loại bỏ ý tưởng chủ nghĩa tư bản bắt buộc phải xuất hiện ở mọi nơi , song ông cũng quan niệm khi chủ nghĩa tư bản phát triển thì vận động xã hội không thể ra khỏi những quy luật sắt của nó. Trong một lời tựa cho Tuyên ngôn Cộng sản , Marx viết: Nếu cuộc cách mạng Nga trở thành tín hiệu cho cuộc cách mạng công nhân ở phương tây thì cuộc cách mạng này có thể hỗ trợ cho cuộc cách mạng kia, và hình thái hiện tại của sở hữu đất đai ở nước Nga có thể là khởi điểm cho aự phát triển cộng sản (dann kann das heutige russische Gemeineigentum zum Ausgangspunk einer kommunistichen Entwicklung dienen). Điều đó được coi như một tiền đề để cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có khả năng ở một nước nông nghiệp, không thông qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa để làm cách mạng xã hội. Chính ở điểm này, một số học giả cho rằng Marx khác Engels về chủ trương tất định thuyết, tuy nhiên xét trên toàn bộ, Marx cũng không đưa ra một dự kiến nào về hình thái thực hiện cách mạng ngoài ý kiến vào cuối đời để trả lời câu hỏi của Vera Sassoutlich về nước Nga.
Nếu Engels trong thư gửi Bloch dẫn trên nhìn nhận là ông và Marx đã gây ra một định kiến cho những người theo họ qua quan niệm nhân tố kinh tế như một nhân tố duy nhất quyết định, điều đó vẫn không ngăn được cả một thế hệ những người mác xít kế tiếp trong Đệ Nhị Quốc Tế đặt tất cả trọng tâm vào việc nghiên cứu kinh tế. Những tác phẩm chính của Kautsky (Lý luận kinh tế của Marx , 1887), Rosa Luxemburg (Tích lũy tư bản , 1912), R. Hilferding (Tư bản tài chính , 1910), Lenin (Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, 1899) chỉ ra một điều: những người mác xít ở giai đoạn này đi theo con đường tất định kinh tế mà họ coi là cơ sở của chủ nghĩa Mác khoa học. Tuy nhiên, những công trình đóng góp này vào học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác cũng vẫn giới hạn ở bình diện phê phán chủ nghĩa tư bản như Marx đã thực hiện, không đưa ra được những nguyên tắc xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa khi cách mạng xã hội thành công.
Những mâu thuẫn giữa tính tất định và lịch sử đã khiến những dự kiến trong bộ Tư bản của Marx không còn giá trị về mặt khoa học. Chiều hướng đọc Das Kapital về mặt chính trị nhấn mạnh đến vai trò của giai cấp công nhân và đấu tranh giai cấp nhằm chỉ ra sự tồn tại của lý luận tư bản nơi Marx là một lý luận kinh tế chính trị. Luận điểm này có thể giải thích khả năng của "cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể xảy ra ở một nước", khả năng của cách mạng ở những nước công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, luận điểm này phải xây dựng trên cơ sở lý luận giá trị và điều đó diễn ra trong vòng luẩn quẩn không thể giải quyết. Những vấn đề mới đặt ra trong vận động kinh tế-xã hội (cách mạng không xảy đến ở những nước tư bản công nghiệp tiên tiến, xã hội hóa tư liệu sản xuất không xóa bỏ được quan hệ chủ/tớ và guồng máy bàn giấy, biến đổi ý thức hệ của các giai tầng lao động v. v..) là những điều Marx không thấy, cũng như không thấy khả năng tiến hóa của xã hội vượt khỏi những dự kiến ban đầu của Marx.
Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Bạt - Thay lời kết