Phần 10
Tác giả: Dịch giả : Nguyễn Duy Chiếm
LÒNG CỦA NGƯỜI GIÀU
Vợ một lão triệu phú tham gia buổi dạ hội khiêu vũ từ thiện để cứu tế người ăn xin, mãi đến khuya mới ra về.
Khi bà ta ra khỏi cửa và đang muốn bước vào chiếc xe con bóng loáng thì có một ông lão ăn xin ăn mặc rách rưới chìa tay: “Thưa bà, xin bà cho tôi chút tiền, đã một ngày nay tôi chưa được ăn cơm rồi”. “Bọn bay thật không biết thế nào là đủ”. Vợ lão triệu phú oán trách ông lão: “Lẽ nào bọn bay không biết ta đã vì bọn bay mà nhảy suốt đêm?”.
THẬT CHẾT NGƯỜI
Bưu cục tổ chức kiểm tra nhân viên đưa thư, trong đó có một câu hỏi: “Mặt trời cách trái đất bao xa?”.
Một nhân viên tham gia kiểm tra kêu lên: “Ồ, chẳng may mình bị bắt đi theo chuyến này thì thật chết người!”.
ĐỐI TƯỢNG KHÓ TÌM
Anh chàng nọđã ba mươi mấy rồi, gần đây đã định mấy đám, các cô gái đều vừa lòng về anh ta, nhưng mẹ anh ta lại phản đối tất.
Có người bảo với bà mối: “Hãy cứ thử tìm một cô gái có các mặt đều giống mẹ anh ta xem”. Bà mối làm theo.
Quả nhiên bà mẹ gật đầu, nhưng lại gặp phải sự phản đối của cha anh chàng nọ.
ĐẦU HÀNG
Một đoàn nhạc nghiệp dư, để thu hút khách, đã tổ chức một buổi biểu diễn gọi là: “Đại diễn tấu kịch liệt”. Nhạc cụ diễn tấu gồm mấy chiếc piano, hai mươi mấy chiếc kèn lớn, một chiếc còi xe cảnh sát và hai mươi mấy chiếc còi ôtô… Khi cuộc biểu diễn tới cao trào, thính giả nhốn nháo cả lên. Một lúc sau, một vị khán giả ở hàng ghế thứ hai đứng lên giơ cao chiếc ba toong trên có buộc chiếc khăn tay trắng phất tới tấp…
TÙY ANH CHỌN
Một đôi vợ chồng vào quán cơm, thấy trên thực đơn ghi: “Thức ăn tự chọn”, liền hỏi người phục vụ còn thức ăn gì không? Cô phục vụ đáp: “Măng sậy!” Bà vợ nói: “Vậy còn có gì để mà chọn?” “Bà có mua hay không mua?”.
BÍ QUYẾT KHÔNG CHẾT ĐUỐI
Tờ quảng cáo ghi: “Truyền thụ bí quyết không thể chết đuối”, quả thực là có sự hấp dẫn khó tin, rất nhiều người sau khi xem, xúm đông xúm đỏ xin được truyền thụ bí quyết. Người truyền thụ bí quyết ung dung cầm chiếc bút lông và nghiêng mực tàu đến trước mặt mọi người nói: “Phép màu không bao giờ bị chết đuối là phép mà tôi đã nghiên cứu hơn hai mươi năm, hễ học được sẽ có ích lợi suốt đời”. Chẳng ai dám nói một lời, tất cả đều im lặng lắng nghe. “Xin mời mọi người xếp hàng ngay ngắn, rồi cởi quần ngoài ra!” Sau khi nhà truyền thụ dùng bút lông vạch một vạch ngang vào đùi mỗi người, trịnh trọng nói: “Tuyệt đối không được lội xuống nước sâu hơn so với vạch mực ở chân, biết chửa?”.
NHỜ ANH
Chàng trai yêu cô gái, bày tỏ tình yêu tha thiết:
“Vì em, anh nguyện làm bất cứ việc gì”.
Cô gái đưa đôi mắt tuyệt đẹp mỉm cười:
“Thật thế không? Vậy em nhờ anh giới thiệu cho em một thanh niên đẹp trai và thông minh hơn anh”.
ÔNG TÁN GẪU CẢ NGÀY
“Ông tán gẫu cả ngày” ấy đến chỗ nào là chỗ đó sẽ có cuộc tán gẫu đến nửa đêm, thật đáng ghét!” Chị vợ cằn nhằn.
Anh chồng an ủi vợ: “Tôi đã có cách bảo nó về sớm”.
Khi hai vợ chồng đang bàn bạc thì “Ông tán gẫu cả ngày” đến. Vừa thấy ông ta, anh chồng liền nói: “Tối qua gần nhà tôi xảy ra vụ cướp, hai người bị cướp hết đồ trang sức, đến quần áo cũng chẳng còn”.
“Tôi phải về đây”. “Ông tán gẫu cả ngày” quay về. Kế của hai vợ chồng thế là đạt kết quả nên vui mừng khôn xiết, lúc họ đang hoa chân múa tay, thì “Ông tán gẫu cả ngày” đắc ý đến: “Tôi sợ quần áo bị cướp nên chỉ mặc chiếc áo rách và chiếc quần lại đây, tối nay có thể nói chuyện đến sáng cũng không sao cả”.
HAY NHƯ THẾ
Thầy giáo than phiền về xu thế học sinh hút thuốc lá chỉ tăng mà không giảm. Một hôm thầy hỏi cả lớp: “Ai có thể nói được cái hay của việc hút thuốc lá?”. Học sinh tranh nhau trả lời: “Có thể giải sầu”, “có cảm giác thành tiên”, “có cảm giác chín muồi”, “có thể đưa lại linh cảm”, “là nghi lễ giao thiệp trong xã hội”… Thầy giáo nói: “Sai rồi! Tất cả đều không phải. Hút thuốc chỉ có hai điều hay: Một là tăng thêm thuế cho nhà nước, hai là giảm bớt sự tăng dân số ở Đài Loan”.
KHÔNG HỎI LÀM SAO MÀ BIẾT
Trong xe buýt, một người đàn ông ăn mặc bảnh bao và một cháu trai khoảng tám chín tuổi.
“Bố ơi, các thuyền ở trên sông là thuyền gì?”
“Xin lỗi, con yêu, bố không biết”.
Một lúc sau đứa trẻ lại hỏi:
“Cái bia kỷ niệm to kia là gì?”
“Con hỏi vặn bố mãi”
Lại một lúc sau:
“Cái cầu lớn kia! Đấy là cầu gì?”
“Thằng bé này, hỏi khó quá!”
Đứa con nghĩ một lúc, lại hỏi:
“Bố ơi, bố có trách con vì đã hỏi nhiều như thế không?”
“Tất nhiên là không trách con, con yêu! Không hỏi thì làm sao con biết được?”