Chương 6
Tác giả: Dung Saigon
Vân đã dậy trước tôi. Nó hát véo von trong phòng tắm và tiếng nước từ hoa sen chảy ào ào nghe tí tách vui tai. Tôi mở choàng mắt ra, bên cạnh tôi chăn màn bừa bãi. Hằng cũng đã dậy rồi. Tôi bước xuống giường, hơi lạnh thấm vào da thịt tê buốt, tôi mặc vội áo choàng, mở tung cánh cửa sổ nhìn xuống vườn. Mặt trời đã bắt đầu vươn mình từ nơi xạ Nhưng trong vườn, hơi sương vẫn còn đọng lại trên những ngọn lá non lóng lánh như chuỗi hạt nước. Những trận gió buổi sáng thổi phớt qua mặt tôi mang theo cả mùi lá non lẫn mùi ẩm ướt của cây cỏ trong vườn.
Tôi nhìn xuyên qua con dốc nhỏ và thoáng trong hơi sương—Cái chóp cao của ngôi biệt thự Đạt ở đã tỏ dần nhờ ánh nắng từ phương Đông đang bắt đầu len lỏi đến. Tôi lai. nhớ cái hẹn với Đạt. Dù lý trí ngăn tôi đừng đến nhưng một chút tình cảm êm đềm nào đó cùng với thời tiết gợi tình ở Đà Lạt đã xúi tôi cứ đến. Hãy tự tìm cho mình một nương tựa mong manh để nuôi sống lấy niềm vui hiếm có đó—Rồi một ngày mình lại trở về với bổn phận và cuộc sống dài khó khăn để không còn nuối tiếc. Đà Lạt buồn hãy ru tôi vào giấc ngủ mê! Hãy biến tôi thành nàng công chúa đa tình trốn Hoàng cung vào ngủ quên trong rừng để gặp Hoàng Tử trong mộng.
Tôi sẽ ngủ một giấc ngủ dài mê muội làm nàng Công Chúa nhởn nhơ đó. Đừng đánh thức tôi! Xin đừng đánh thức tôi!
Tiếng nước trong phòng tắm đã tắt—Vân cuộn tròn người trong tấm khăn lông chạy ra, trên môi, nụ cười hình như không hề tắt:
- Sáng nay chị có đi đâu không?
Vân hỏi tôi. Tôi không quay lại:
- Có thể có mà cũng có thể không.
- Sáng nay em đi chơi thác với Hằng.
- Có hai đứa thôi hả?
- Thêm mấy bạn của Hằng nữa.
Tôi quay lại, Vân đã thay xong quần áo—Nó mặc áo thun vàng với quần Jean đỏ. Tôi hỏi Vân:
- Mày mặc màu sắc “chửi loan” nhau vậy đó hở?
Vân nói:
- Có gì lạ lùng đâu.
- Tao thấy nhức mắt.
Vân cười:
- Đà Lạt dễ mặc đồ hơn Sàigòn chị thấy không? Chị cần khoác thêm măng tô ra ngoài thì dù màu sắc có khác họ đi chăng nữa cũng vẫn mát lòng như thường.
Tôi hất mặt:
- Mày khéo nói lắm. Có bồ chưa?
Vân nháy mắt:
- A! Hỏi câu đó hơi tò mò ghê.
- Tao là chị, tò mò một tí không được à?
Vân lắc đầu:
- Chị lấy chồng rồi, hết được quyền tò mò.
- Ta chẳng cần.
Tôi nói và đến ngồi trước gương. Sáng nay hình như má tôi đã chớm hồng thì phải. Tôi tìm bút kẻ mặt. Một hàng chì đen kín đáo cho đuôi mắt tôi dài ra thêm—Một lớp son nhạt mầu cho môi tôi trẻ trung—Một lớp phấn mỏng cho da tôi mịn màng. Tôi đã làm đẹp xong chưa đầy mười lăm phút ngắn ngủi nhanh chóng. Vân đứng chống nạnh nơi cửa, nhìn tôi trong gương. Tôi bảo nó:
- Chỉ thiếu một điếu thuốc hững hờ trên môi, mày sẽ giống hệt tên du đãng.
Vân cười rộn ràng. Nó bảo:
- Chị định đi đâu mà trang điểm đẹp thế?
- Xuống phố.
Tôi nói. Vân tò mò:
- Xuống phố một mình à?
- Ừ.
- Sao chị không đến chơi nhà bạn.
- Bạn nào?
- Bạn chiều qua đó.
Tôi gật đầu:
- Ừ! Sẽ đến.
Hằng gọi:
- Vân ơi! Đi chưa, bạn mình đến đó.
Vân quay ngoắt trở ra, nói to:
- Chờ Vân chút xíu.
Vớ nhanh cái kính to trên mặt bàn, Vân nói với tôi:
- Em đi chơi Châu nhé.
Tôi hỏi:
- Vân xin phép cô chưa?
Vân vừa chạy vừa cười:
- Em xin từ chiều hôm qua.
Tôi gật đầu. Chờ Vân đi khỏi tôi đến tủ quần áo. Thay bộ đồ ngắn trên người, tôi mặc Jean tím với Chemise trắng, khoác măng tô, trở xuống nhà tôi xin phép cô đến nhà bạn cô gật đầu.
- Cháu cứ đi.
Tôi đứng nhìn cô, tần ngần một chút. Nhưng rồi tôi lại quay đầu ra cửa và đi thẳng.
Tôi đi bộ nhởn nhơ trên con dốc nhỏ dẫn xuống đồi.
Từ đằng xa, tôi mường tượng thấy Đạt. Tuy vậy, phải đến thật sát ngọn đồi và mất công leo lên lưng chừng ngôi biệt thự tôi mới nhìn rõ Đạt—Chàng mặc áo chemise màu cà- fê sữa quần màu đậm hơn, Đạt đang hút thuốc.
Tôi hỏi Đạt khi đến thật gần bên chàng.
- Anh điểm tâm bằng thuốc lá à?
Đạt nhìn tôi đắm đuối, gật đầu:
- Nếu em không đến.
- Bây giờ em đến rồi.
- Chúng mình đi ăn nhé.
Đạt nói, và không chờ sự đồng ý của tôi, chàng gọi to:
- Dũng ơi, ra ba bảo.
Có tiếng dạ trong veo của Dũng, và, từ trong một bụi cây đầy lá, Dũng lò đầu ra, nó chạy nhanh về phía chúng tôi. Tôi bước tới, nắm nhẹ bàn tay Dũng, cảm động nghẹn cả lời nói:
- Ồ! Dũng chóng lớn quá! Dũng còn nhớ cô Châu không?
Dũng nhìn tôi, một chút e dè trong đôi mắt nai bé bỏng của nó. Dũng gật đầu, lí nhí:
- Thưa cô, nhớ ạ.
Đạt bảo con:
- Dũng chạy vào nói với vú trưa nay ba không ăn cơm nhà nhé.
Dũng dạ nhỏ, nó ngần ngừ hỏi Đạt:
- Ba có cho con đi không?
Đạt phì cười, chàng xoa tóc Dũng.
- Có, vào thật nhanh rồi chạy ra kẻo ba đi mất à.
Dũng chạy vào, chưa đầy năm phút nó đã chạy ra, thở hồng hộc. Tôi giữ tay Dũng, vuốt ngực cho nó. Đạt cười:
- Xong chưa.
- Thưa rồi.
- Chúng mình lên xe.
Dũng bỏ tôi, đến mở cửa xe nhảy lên trước. Nó ngồi băng sau. Tôi ngồi bên cạnh Đạt. Chiếc xe theo đà phóng nhanh xuống dốc đồi. Tôi hỏi Đạt trong gió:
- Chiếc xe ma đây phải không?
Đạt gật đầu, không nói. Tôi bảo Đạt:
- Anh giống như một chàng tuổi trẻ mê tốc độ.
Đạt cười:
- Anh già rồi!
Dũng nhổm người sang ôm cổ Đạt:
- Ba cho con đi bơi thuyền nghe ba.
Đạt quay nhìn tôi:
- Châu thích không?
- Thích gì?
- Bơi thuyền với bé Dũng.
Tôi cười:
- Nếu đó là một trong những cuộc giải trí ở Đà Lạt, em sẵn sàng dự.
- Châu chưa dự bất cứ một cuộc vui nào ở đây hết à?
- Dạ chưa?
- Châu sẽ được dự hết.
Tôi hỏi Đạt:
- Biết có dự hết được không?
- Tại sao? Nếu em thích.
- Tại những bất ngờ mà em không đoán trước được—Đạt lắc đầu:
- Anh sợ những bất ngờ quá rồi. Cứ nghĩ anh là một người lớn, chúng mình sẽ đở thắc mắc hơn.
Chúng tôi ăn sáng ở một quán ăn vắng bên hồ. Chúng tôi bơi thuyền và nô giỡn như trẻ con. Giữa tiếng cười ngây thơ của Dũng—Giữa thời tiếc làm dịu lòng người—Giữa thành phố đa tình quyến rũ này, tôi quên mất cả thời gian lẫn không gian, tôi mê chạy đua leo núi với bé Dũng, tôi lí lắc ăn bánh mì nhồi đùi gà quay to tướng Đạt mua trong tiệm để thay vào bữa cơm trưa. Tôi nằm dài lên cỏ nghe hơi đất ẩm xông lên mũi nồng nàn. Tôi quên thời gian cho đến khi mặt trời xuống—Mặt trời đang lặn ở phí tây, biến thành màu vàng úa chiếu trên các ngọn cây. Tôi tưởng như thời gian vừa ngừng lại.
Đạt rủ tôi về. Chúng tôi vào thủy tạ uống nước. Đạt kêu hai ly trà, cho tôi và Đạt—Cu Dũng uống nước ngọt. Nhìn ly trà bốc khói tôi thấy ấm lòng hơn khi tường tượng đến cái lạnh của đêm vừa ập đến. Nơi chúng tôi ngồi sát mặt hồ, hơi lạnh bốc lên làm se buốt hai bên má tôi và hơi nóng của ly trà đang ủ kín vành môi tôi—Ly trà thật đậm đà, thật ngon ngọt. Vị đắng, vị chua, vị ngọt kích thích đầu lưỡi, tôi hớp thêm một hớp trà nóng, nghe lòng mình tung lên chơi vơi trong nỗi buồn từ đâu vừa ập đến—Một ngày quên phiền muộn cũng đã qua rồi. Bây giờ là đêm tối! Tôi đã tỉnh giấc ban đêm để nghe lòng mình khát khao một bình yên ấm cúng với gia đình. Tôi thôi không muốn làm Công Chúa đa tình đi hoang trong rừng vắng nữa. Ban đêm lý trí gọi tôi trở về. Đà lạt ban ngày lẳng lơ như cô gái đang xuân—Đà Lạt ban đem im lìm hoang vắng như cô gái lỡ thì phiền muộn.
Tôi nhìn Đạt qua khói thuốc. Vẫn như hôm nào, khuôn mặt người đàn ông chìm vào suy tư, khắc khổ. Vẫn như hôm nào, hai ánh mắt giao nhau, tôi chớp nhẹ hàng mi dấu ánh mắt buồn trong bóng tối che khuất của mái hiên nhô ra, đằng sau Thủy Tạ.
Đạt hỏi tôi:
- Châu đang nghĩ gì?
- Nghĩ đến đêm tối và những phiền muộn của Đà Lạt.
- Những phiền muộn của Đà Lạt nếu có chỉ là khi Châu trở về Sàigòn.
- Còn đêm tối?
- Khi chúng mình ra khỏi nơi đây.
- Cho em về nhé!
Tôi bảo Đạt, Đạt nói:
- Cho anh uống hết ly trà đã.
- Trà hết nóng rồi anh ạ.
- Thì mình về.
Tôi cười, dắt tay Dũng cùng Đạt bước ra khỏi quán. Càng về khuya Đà Lạt càng thưa người, càng về khuya Đà Lạt càng giá buốt, thế mà Đạt không có vẻ gì là lạnh—Tôi thì cóng cả đôi tay, chúng tôi đi đến chỗ để xe bằng những bước chân dài thênh thang trên đường vắng. Đạt ghé vào quán mua cho tôi gói đậu phụng rang nóng hổi, cho Dũng một gói, tôi hỏi Đạt:
- Sao không cho anh một gói luôn?
Đạt cười lặng lẽ:
- Anh già rồi.
- Cái già của anh và gói đậu phụng đâu có ăn nhập gì đến nhau nhỉ.
Tôi hỏi Đạt, Đạt lặng thinh không nói. Tôi nhét gói đậu phụng trong túi áo măng tô ủ cho nóng. Chúng tôi (tôi và cu Dũng) tí tách nhai đậu phụng trong khi Đạt bình thản lái xe—Trong đêm tối, chiếc xe trườn mình ung dung qua từng khu phố, từng con đường—Cuối cùng chúng tôi đã về tới đích sau một ngày bỏ quên quá khứ lẫn tương lai. Tôi đã về đến cổng nhà. Trước khi bước xuống. Đạt hỏi tôi:
- Châu còn muốn dự những cuộc vui tiếp nối nữa không?
- Vẫn còn những cuộc vui nữa à anh?
- Những ngày Châu còn ở đây. Đà Lạt lúc nào cũng vẫn còn những cuộc vui cho Châu.
Tôi cười nhẹ, bước xuống xe. Đạt nói.
- Tối mai đi khiêu vũ nhé.
- Em chỉ sợ sẽ phải dẫm lên chân anh mất thôi.
- Đó không phải là một lời từ chối khéo.
- Từ tối nay đến tối mai còn quá dài.
Đạt buồn buồn:
- Anh sẽ chờ.
Tôi vít cổ Dũng hôn lên má nó.
- Ngủ ngon nhé, cục cưng.
Dũng cười ngây ngô, đôi mắt sáng long lanh trong bóng đêm. Tôi quay lưng vào cổng khi Đạt phóng xe xuống dốc. Con dốc buồn như bóng đêm của Đà Lạt.
Chị ra mở cổng cho tôi. Chị Lãng bảo cô Trâm đã đi nghỉ. Chị hỏi tôi có dùng cơm chị dọn. Tôi lắc đầu nói:
- Tôi ăn rồi, ở nhà bạn.
Chị Lãng nói:
- Cô Hằng, cô Vân cũng ăn cơm ở nhà bạn. Rốt cuộc tôi phải ăn một mình.
Tôi cười lặng lẽ. Đi ngang phòng cô Trâm tôi đứng lại, một nửa tôi muốn vào, một nửa tôi muốn lên phòng. Chả biết cô có phiền, có giận tôi không nhỉ? Nghĩ đến nỗi buồn và niềm cô đơn của cô, tôi lại muốn khóc quá. Tôi mím môi đi thẳng lên cầu thang—Ngày mai mình sẽ ở nhà—Ngày mai không ra khỏi nhà một bước, ngày mai mình quanh quẩn bên cộ Tôi thấy yên ổn với quyết định của mình một chút.
Sáng nay Vân với Hằng theo chị Lảng đi chợ—Cứ như hình với bóng, lúc nào hai đứa cũng quấn quýt bên nhau. Tôi ở nhà một mình hết đọc sách rồi lại ra vườn.
Cô Trâm hỏi tôi:
- Bộ Châu nhớ nhà sao không đi chơi đâu vậy?
Tôi nói.
- Cháu muốn về Sàigòn rồi cô ạ.
Cô nhìn tôi ngắm nghía, nói đùa:
- Má cháu đã hồng hào đâu mà đòi về, không sợ Du nó bỏ đi lấy vợ bé à.
Tôi cười:
- Cháu nhớ cu Tí quá. Không lên cân cũng phải về. Du lấy vợ bé kệ Du .Cháu đem con lên đây ở với cô nhé. Cô mắng đùa tôi:
- Thôi đi cô, cô ở với tôi chỉ khổ công tôi dỗ dành lau nước mắt.
Tôi lắc lắc mái tóc, giả vờ dỗi cô có tiếng cười khúc khích và tiếng ríu rít của Hằng với Vân. Tôi bảo:
- Chị Lãng đi chợ về.
Và, chạy ùa ra cổng. Vân khoe tôi:
- Sáng nay em với Hằng làm bánh bột lọc chị Châu ạ.
Tôi hỏi Vân:
- Bánh bột lọc có ngon không?
Vân xuýt xoa:
- Ngon lắm! Tuyệt cú mèo!
Tôi đi theo hai đứa xuống bếp. Vân bắt tay ngay vào công việc bếp núc của nó. Chị Lãng thì lăng xăng nghe Vân nhờ:
- Đun dùm em nồi nước sôi chị Lãng nhé!
- Nhào dùm em thau bột chị Lãng nhé!
- Làm dùm em mớ tôm chị Lãng nhé.
Tôi đứng nghe phát nhức đầu vì những cái dùm, cái nhé của Vân—Hằng nhờ thêm:
- Chị Lãng đứng chờ em nặn bánh xong chị bỏ vào nồi nhé.
Tôi nói:
- Cái gì mà cứ nhé loạn cả lên thế thì làm sao chị “dùm” cho nổi hở khỉ.
Vân cười:
- Thôi, chị Châu tiếp tay.
Tôi lắc đầu:
- Chịu thôi, tao không biết “nhé”
- Chút cấm ăn.
Vân nói. Tôi kéo ghế ngồi cạnh Hằng, nhìn hai đứa xăn tay áo nhào bột. Cuối cùng rồi cũng thành bánh.
Những cái bánh bột lọc nho nhỏ, ở trong có bọc nhân thịt và tôm—Vân phi hành mỡ tưới lên trên. Hằng giã ớt tỏi làm nước mắm. Tôi ngửi mùi hành phi cùng với mùi nước mắm ngon, cơn đói cồn cào. Nước miếng ứa ra chân răng lạnh buốt.
Vân ăn thử một cái, nó khen thật ngon—Hằng ăn thử một cái, Hằng tấm tắc. Ngon vô cùng. Vân ăn đến cái thứ hai, nước mắm rớt lên vạt áo. Tôi cười:
- Áo mày một lát đi chơi với bồ thì… ngon hơn nữa.
Vân vênh mặt lên, nó tỉnh bơ cười:
- Mùi này ngon thật chứ sao. Hiếm lắm à.
Tôi bảo Vân:
- Cho tao ăn thử một cái.
Vân nói:
- Cứ tự nhiên.
- Ăn bằng cách nào.
- Ăn bằng tay.
Tôi lắc đầu:
- Eo ơi, bẩn.
- Bẩn mới ngon.
Vân nói. Tôi bảo Vân:
- Mày bốc đút vào miệng cho tao đi.
Vân cằn nhằn:
- Ông Du chiều chị đến mức thế sao?
Tôi nói:
- Thế mà chiều à?
- Chị hư là phải.
Tôi nhăn mặt:
- Nè, đừng có lên mặt chị hai tao nghe.
Hằng đứng cạnh nut vào miệng tôi miếng bánh. Chưa kịp thấm mắm, chiếc bánh chưa mùi vị. Tôi nhón tay vào đĩa bánh. Vân khuyến khích:
- Ăn bẩn thử xem. Ngon hơn ăn sạch nhiều.
Tôi công nhận ăn bốc, ăn thử ngon hơn ăn đàng hoàng ăn gọn ghẽ nhiều. Chỉ một thoáng sau đó dĩa bánh bột lọc vơi đi một nửa vì những cái ăn thử của ba đứa. Chị Lãng nhăn tụi tôi:
- Mấy cô ăn như vậy một lát làm sao ăn cơm.
Vân cười:
- Em nếm thử mà chị.
Tôi mang dĩa bánh lên bàn ăn. Vân nhìn theo hỏi:
- Chị độc quyền đó hở?
Tôi nói:
- Cất đi kẻo chúng mày nếm hết.
Hằng nói to:
- Em nếm mới cái thứ ba à nghe.
- Nếm “ít” thế còn than gì nữa.
Vân ồn ào hơn:
- Cho Hằng nếm thử vài lần nữa chắc dĩa bánh không còn một cái.
Cô Trâm đi từng bước nhỏ xuống bếp. Nhìn chúng tôi cô hỏi:
- Chuyện gì mà ồn ào thế,
Tôi nói với cô:
- Hằng với Vân làm bánh bột lọc cô à.
Cô cười:
- Thế à!
Vân mách:
- Chị Châu có chồng có con rồi mà y như con nít ấy cô, dành ăn với tụi con hoài.
Hằng nói:
- Chị Châu dành nguyên một dĩa bánh to tướng.
Tôi trợn mắt la Vân:
- Mấy nhỏ này nói gian quá chừng. Cô thấy Vân nó nếm thử một lần mà dĩa bánh vơi nữa kìa cô.
Cô Trâm cười rộn ràng. Cô bảo Vân:
- Thôi, cứ để cho Châu nó làm con nít như Vân nốt những ngày ở Đà Lạt đi, mai mốt về Sàigòn rồi lại bù đầu trong bổn phận.
Tôi nhìn cô Trâm với ánh mắt đầy biết ơn. Phải đấy! Những ngày ở Đà Lạt xin hãy cho tôi làm con gái—Giả vờ xem như tôi là con gái trẻ trung để tôi đỡ lo âu thắc mắc—Để tôi vui chơi bình yên—cho tôi quên chồng, quên con một vài ngày ngắn ngủi. Du đừng buồn em nhé! Cu Tí đừng giận mẹ nhé! Khi trở về em sẽ sống đời sống bên anh làm vợ hiền, khi trở về mẹ sẽ là người mẹ thương yêu con nhất.
Bữa cơm trưa thật ngon. Cô Trâm ngồi chờ tàn mâm cơm mới đứng dậy. Chúng tôi uống trà với cô rồi chen nhau lên phòng. Cô hỏi với từng đứa. - Ngày hôm nay các cháu không đi chơi đâu à?
Vân nói:
- Cháu sợ đi hoài Đà Lạt hết quyến rũ nên để dành đi từ từ đó cô.
Cô Trâm hỏi tôi:
- Còn Châu?
- Cháu có hẹn với bạn tối nay đi khiêu vũ. Nhưng có thể là cháu sẽ không đi.
Cô Trâm cười:
- Cô biết đến tối cháu sẽ đổi ý kiến. Thôi,đi nghĩ nhé.
Vân với Hằng xô nhau lên phòng trước. Tôi đi sau chúng nó, nhìn từng bước chân tí tách của hai đứa, thấy tiếc thời con gái vô chừng.