watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bên kia bờ ảo vọng-Phần VIII - tác giả Dương thu Hương Dương thu Hương

Dương thu Hương

Phần VIII

Tác giả: Dương thu Hương

Cuộc liên hoan kéo dài tới sáu giờ bốn mươi nhăm phút.
- Áo khoác của cậu đâu ?
Nguyên nhắc.
- Á á…
Trọng há miệng kêu, quay lại lấy áo vét rồi khoác lên đôi vai lực lưỡng. Nguyên hỏi :
- Có cần tôi đưa về không ?
- Không, đừng có coi thường tôi thế.
Trọng kêu lên, xiết chặt cánh tay Nguyên. Họ vừa định ra cửa, một tốp người kéo đến :
- Ngồi lại đã, làm gì mà vội vã thế Nguyên ?
Anh chàng Tú, bạn cùng lớp với anh, giờ công tác ở Hội nhà báo túm vạt áo Nguyên, giằng lại. Nguyên vốn nể bạn, nhất là bạn thân thiết với anh thời sinh viên như Tú.
- Thôi, cho tớ về. Mai có việc cần từ sớm.
Tú trợn mắt :
- Tao mời mà mày từ chối hả?
Nguyên cười :
- Không, không phải… nhưng…
Anh không thể giải thích với Tú rằng anh hoàn toàn không muốn ngồi với cô Ngọc minh, người đàn bà mặc áo giả da viền lông thỏ đang khoác tay Tú kia. Nói công bằng, cô ta cũng là một trong số những phóng viên sắc sảo và những bài báo của cô ta, không nhiều thì ít cũng khiến dư luận quan tam. Tuy nhiên, người đàn bà hiện diện ở cô không làm cho anh thích thú. Chừng đoán được những ý nghĩ của Nguyên, Ngọc Minh há miệng cười sằng sặc, bảo Tú :
- Thôi để cho anh ấy về. Giờ này, anh ấy còn phải tượng niệm tới hình bóng giai nhân.
Cái cười ngạo mạn đầy giễu cợt và báng bổ của Ngọc Minh khiến Nguyên nóng bừng mặt. Vừa hổ thẹn, vừa căm ghét, anh nhìn chằm chặp vào cặp môi son bóng nhẫy của cô mà nói :
- Thưa cô, tôi chưa hân hạnh quen biết cô. Xin cô giữ đúng phép giao tế.
Vẻ mặt lạnh lùng, khắc khổ của Nguyên lúc ấy tái xám. Trọng đừng đờ ra, còn Tú vội dàn hoà :
- Thôi, thôi… mày đừng bực… Cô Minh này buồn cười thật, ai cũng đùa. Phải tuỳ người thôi chứ ?... Nguyên này, cũng ở Hà Nội mà gần năm nay chúng mình mới gặp nhau. Giá không có cuộc liên hoan này chắc ông cũng chẳng thèm đoái hoài tới tôi đâu ?... Ngồi xuống đây. Dù mày có lên cấp đại tướng mày cũng chỉ là thằng bạn nối khố ngày xưa…
Trong mọi lời lẽ cũng như dáng vẻ của Tú, có cái gì đó đằm thắm, mặn nồng như tình phụ tử hay huynh đệ. Chắc Tú đã biết mọi chuyện không hay của Nguyên và cố gắng tìm cách sẻ chia với bạn. Một tay anh vẫn nắm chặt vạt áo Nguyên, tay kia anh vẫy một cô phục vụ để gọi một chai rượu Lúa mới, một đĩa mực nướng và một đĩa bánh batêsô nóng.
Tú ấn Nguyên ngồi xuống ghế bên anh, rồi bảo Trọng : - Ông thích làm chầu nữa thì ngồi với chúng tôi. Nếu sức chiến đấu đã hết, cứ việc khăn gói quả mướp về với vợ.
Trọng đã tỉnh táo hoàn toàn, cười hiền :
- Thôi chào các ông, tôi tút về với vợ.
Và anh ra cửa. Nguyên ngồi đờ đẫn. Cảm giác uất ức còn ám ảnh. Ngọc Minh ngồi sát vào Tú, mặt nhơn nhơn không mảy may xúc động. Tú dọn dẹp đám cốc chén bẩn lại một góc bàn chờ người phục vụ đem đi.
Anh hỏi bạn :
- Mày bị cảm tuần trước nữa phải không ?
Nguyên sửng sốt đáp :
- Phải, nhưng sao cậu biết ?
Tú rút bao thuốc, chìa cho Nguyên :
- Mày là thằng tồi, chỉ biết chúi mũi vào công việc thôi. Tao không giống mày, đời tao lúc nào cũng còn một góc dành cho bè bạn.
Nguyên im lặng.
Tú tiếp :
- Mày biết công việc của tao chưa ?
- Biết.
- Tháng sau, tao đi đấy.
- Ừ.
Nguyên gật đầu. Thực ra, anh chính là người đề nghị và bảo vệ hăng hái nhất cho Tú được đi bổ túc nghiệp vụ phóng viên ở Tiệp trong cuộc họp ban chấp hành Hội nhà báo gần đây. Nhưng anh không muốn Tú biết điều đó.
Tú bảo :
- Tôi chỉ nhờ anh một việc thôi : Khi tôi rời chân khỏi đất này, cứ hai tuần một lần, anh tới thăm thằng cu và bà xã hộ tôi.
- Anh ấy rút kinh nghiệm – cô Ngọc Minh xen vào – Cần phải giữ các bà vợ trước khi mất.
Nói xong, cô lại cất tiếng cười sảng khoái như vừa nghe xong một câu chuyện tiếu lâm vô hại. Nguyên định đứng lên, nhưng anh nghĩ đấy là cách tháo lui của một kẻ bại trận nên anh lại ngồi im, điềm tĩnh rít thuốc đáp :
- Hạnh phúc lớn nhất của người đàn ông là có được một người vợ mà họ muốn giữ gìn.
Anh tưởng những lời lẽ ấy sẽ làm người đàn bà được mệnh danh là Tác ta này hổ thẹn. Nhưng cô ta lại giơ tay chỉ vào mặt anh mà nói :
- Ôi thôi thôi, bỏ mẹ tôi rồi… Sao mà cổ lỗ thế ?... Cổ lỗ thế thì không thể chịu được. Đến tận hôm nay mà anh còn quan niệm như một lão già răng đen, búi tó.
Mắt cô ta sáng rực lên trong quầng màu xanh, vẻ hồn nhiên không chút mặc cảm :
- Anh phải giết cết thằng đàn ông phong kiến trong anh đi. Châu Âu đã trải qua cuộc các mạng giải phóng tình dục gần thế kỉ rồi mà anh còn đắm chìm trong đạo Khổng… Làm sao anh hiểu nổi thế hệ trẻ ? Anh thích ngâm thơ Đoàn Thị Điểm trong khi người ta nhảy theo nhạc Discô… Nguy, nguy thật…
Nguyên im lặng nhìn Ngọc Minh. Tú luôn tay dưới bàn bấm Nguyên ra hiệu cho anh đừng đối thoại nữa. Rồi anh hỏi :
- Minh nhảy giỏi chứ ?
- Giỏi.
Người đàn bà gật đầu. Rồi cô liến thoắng nói tiếp :
- Kia kìa, anh Tú nhìn xem, con bé kia mặc áo in băng ABBA giá năm trăm rưởi đấy. Chỉ tội bộ mặt xấu điên.
Lại lần nữa, giọng nói tự tin của người đàn bà khiến Nguyên sửng sốt. Chắc chắn cô ta phải tin rằng cô có một nhan sắc vô cùng lộng lẫy khi cô hạ lời phê phán thiên hạ. Thực ra, cô bé mặc áo pun in hình băng ABBA kia còn xinh đẹp hơn Ngọc Minh rất nhiều : Một gương mặt vuông vuông, trệt đầy phấn, cái mũi ngắn và hếch, hai đường chì kẻ dài quá khổ, và hàm răng ngắn như bị cà đá phô ra mỗi lúc cô cười… Lúc này, Nguyên không còn khinh ghét người đàn bà ngồi đối diện với mình. Anh chỉ còn tò mò và mong muốn quan sát kĩ nhân vật đã nghe đồn thổi rất nhiều giai thoại. "Âu cũng là một dịp tốt để hiểu thêm đời sống".
Cô phục vụ đã trở lại với chiếc khay lớn đặt chai rượu Lúa mới, đĩa mực xé sẵn với đĩa bánh batêsô nóng ngùn ngụt bốc hơi. Tú bảo :
- Cho tôi ba bánh kem nữa nhé.
Nguyên kêu :
- Dạ dày nào mà chứa được ngần ấy thứ hả Tú ?
Tú gạt đi :
- Kệ, vừa ăn vừa nói chuyện sẽ tiêu ngay thôi. Mấy khi tụi mình được ngồi với nhau ?...
Anh tiếp bánh cho cô nữ phóg viên và Nguyên :
- Bánh phải ăn thật nóng mới ngon.
Dù không đói, Nguyễn cũng thấy bánh ngon. Ngọc Minh ăn còn ngon lành hơn anh. Người đàn bà ăn mê mải, son môi dính hết vào lớp bột vỏ bánh. Nguyên chưa từng tiếp xúc với kiểu đàn bà như cô ta bao giờ, kiểu người luôn sống trọn vẹn với phút giây hiện tại. Họ chỉ nghĩ tới mùi vị thức ăn trong lúc ăn, nghĩ tới tình yêu khi đang yêu, không cần đắn đo vì bất luận điều gì ở phía sau hoặc liên quan tới tới những hành động ấy.
"Đó là mẫu đàn bà sống hết mình, đúng mốt thời đại".
Anh đã nghe bạn bè nói về cô ta như thế. Nguyên biết Ngọc Minh có một đứa con trai lên năm. Chồng cô là một giáo viên mảnh khảnh dạy trong thành phố. Họ đã ly hôn từ khi đứa bé lên hai. "Anh là đàn ông, phải lãnh việc nuôi con. Nó mang họ Nguyễn của anh chứ có mang họ Đào nhà tôi đâu?"
Con cô sống với bố từ dạo đó. Thỉnh thoảng, cô tuyên bố với bạn là :
- Hôm nay ngừng nhảy nhót, tôi nổi cơn nhớ thằng cu, phải về thăm nó đã.
Cô bỏ nửa ngày mua sắm áo quần, giầy dép, bánh kẹo cho con, rồi buổi chiều cô phóng xe tới nhà chồng cũ :
- Con trai của mẹ đâu ? Cục vàng của mẹ đâu, ra với mẹ nào...
Thằng bé gần như ngạt thở trong cơn mưa hôn hít. Vết son in đầy mặt nó. Nhiều bận, son dính lên tóc và ông bố lại phải khổ công lau tóc, gội đầu cho con. Thằng bé sướng mê vì những áo quần, giày dép sang trọng. Mặc dù, nhiều thứ nó không sử dụng được bởi mẹ nó đã nhớ nhầm kích thước. Sau đấy, ông bố trẻ lại mang gửi hàng cho bà chị dâu bán lại. Những bánh dẻo, bánh nướng, bánh gatô ngày thường nó thèm rỏ rãi bây giờ được chén thoả thê hàng tuần chưa hết. Sự chu cấp của mẹ nó không theo quy tắc nào. Khi rủng rỉnh tiền và bị kích thích bởi một hình ảnh cảm thương nào đó của tình mẫu tử, người đàn bà phóng xe về thăm con ngày ngày. Nhưng lúc hết xu trong túi, hoặc nhiều hơn là sa vào những mối tình nồng nhiệt, vài ba tháng cô mới nhớ ra mình đã có một đứa con trai. Bố đứa bé nuôi con rất vất vả vì anh kiếm đồng tiên khó khăn eo hẹp hơn cô. Bởi thế mỗi lần cô về, cả hai bố con đều hốt hoảng xen lẫn mừng vui. Tiếng honda của cô ào ào phóng tới, rồi ào ào phóng đi như cơn mưa dông, không thể chờ đợi, không thể đoán định trước và càng không thể hy vọng...
- Khá thật, bánh khá thật… Ngọc Minh khen sau khi ăn hết bốn chiếc bánh – Tôi ăn bốn, các ông ăn ba, thế là công bằng, vì tôi uống ít rượu hơn.
Cô liếm mép như đứa bé rồi mở ví lấy thỏi son tô lại môi. Những cử chỉ của cô mỗi lúc mỗi kích thích trí tưởng tượng của Nguyên. Anh khôi phục trong trí nhớ những lời đàm tiếu và những giai thoại, đem chúng ra đối chứng với người đàn bà bằng xương bằng thịt đang ngồi trước mặt mình.
- Thôi ăn đi, đừng có nhìn em như nhìn con vượn trong vườn bách thú thế.
Không thèm ngẩng lên, Ngọc Minh bảo Nguyên bằng một giọng rành rẽ. Người đàn ông giật mình, nghĩ: “Con mẹ này là phù thuỷ chăng? Cô ả thọc tay vào trong óc mình”…
Ngọc Minh cất thỏi son vào ví nheo mắt nhìn Nguyên:
- Ăn hết bánh Batêsô đi rồi em rót rượu cho.
“Cứ tự nhiên như vợ nói với chồng”. Nguyên nghĩ thầm. Anh im lặng không đáp. Tú rót thêm rượu vào từng chén:
- Tao rót cho mày... Nguyên ơi, mày còn nhớ buổi liên hoan cuối cùng không?
- Nhớ.
- Hôm ấy thằng Hưng say khướt. Nó khóc như đàn bà. Tụi mình chẳng hiểu vì sao. Mãi sau này tao mới biết rằng nó yêu Thu Thuỷ, nhưng Thu Thuỷ lại yêu thầy Kha. Khi ông Kha đá đít Thuỷ để lấy một bà răng vổ con ông đại sứ ở Inđônêxia, thằng Hưng lại tới. Chúng nó tổ chức đám cưới ngay sau đám cưới của ông Kha hai tuần. Tụi nó có gửi thiếp mời cưới cho mày không?
- Có, nhưng đúng hôm ấy tao phải lên đường đi Nghệ Tĩnh.
- Thôi, thôi… xin các ông…
Ngọc Minh bỗng nhiên xua tay, nói xen vào:
- Các ông lại sắp rỏ nước mắt, nước mũi thương cảm cho quá khứ phải không? Chỉ những lão già thở hắt ra mới nói chuyện ngày xửa, ngày xưa. Trí thức như các ông mà cũng thế thì chán quá…
Cô ta can thiệp vào câu chuyện của họ thật thô lỗ. Nhưng Nguyên ngạc nhiên vì thấy anh không bực mình. Cả Tú cũng vậy, anh nhăn ra cười, lại còn giơ tay véo tai Ngọc Minh, Nguyên biết Tú cũng yêu vợ với một tình yêu say mê và ngưỡng vọng như anh yêu Linh. Chắc chắn Tú không chia sẻ tình yêu đó cho người đàn bà lạ lùng này. Tuy nhiên, Nguyên cũng thừa nhận rằng giá những hành vi và lời lẽ của Ngọc Minh đặt ở một người đàn bà khác, ắt họ sẽ tẩy chay kịch liệt. Khiêm nhường nhất anh cũng sẽ đứng dậy và bỏ đi. Nói cho công băng, Ngọc Minh thông minh và thêm vào đó, cô ta bộc lộ vẻ chân thành hồn nhiên của một đứa bé. Nó có thể chặt đuôi con mèo, bóp chết con chim sẻ, ăn cắp quả ổi chín trong vườn hàng xóm với niềm tin chắc chắn rằng cần phải hành động như thế, rằng hành động như thế cũng đương nhiên như con bò gặm cỏ, như con vịt bơi lội trên ao hồ…
- Nào, nào… Nói chuyện gì khác đi.
Người đàn bà giục. Nguyên nhìn cô, bất giác mỉm cười. Phải chăng vì mấy chén rượu mà anh hoá dễ tính?... Gương mặt người đàn bà lúc này đã quen quen. Cặp lông mày đen dài lê thê và đôi môi tô son bóng nhẫy màu gạch non không còn làm anh gớm ghiếc.
“Có lẽ xưa nay mình quá khắc khổ và nghiệt ngã”.
Anh tự nhủ. Có lẽ, đời sống bây giờ giản đơn và bụi bặm như người đàn bà này. Một con thuyền không cần chèo lái, trôi nổi theo dòng nước. Một cánh buồm nhởn nhơ hết quãng thừi gian tạo hoá cho phép nó tồn tại trên cõi thế gian. Một người đàn bà hoặc một người đàn ông không bị chi phối bởi một quyền năng nào và ràng buộc bởi một mối liên hệ nào… Hãy sống hết mình cái khoảnh khắc anh đang sống. Câu nói đó ở cuốn nào nhỉ?... Một đoạn văn hiện sinh trong vô số những đoạn văn mình đã đọc qua…
- Kìa, anh Nguyên, cạn chén đi chứ? - Ngọc Minh kêu to.
- Cạn chén đi rồi chia tay. Anh Tú hết bốn chén, em ba chén mà anh mới được hai, kém quá.
Cô rót rượu tràn cốc cho Nguyên. Anh lắc đầu. Người đàn bà đưa lưỡi liếm môi nhanh như mèo rồi nói:
- Uống đi. Uống cho say đi… Anh lại suy nghĩ gì thế hả? Lúc nào cũng đóng vai, chán chết.
- Vai nào?
Nguyên hỏi. Anh không hiểu người đàn bà có đôi mắt bôi xanh kia định nói gì, Ngọc Minh cười phá lên:
- Đừng vờ, vai đạo đức giả chứ còn vai gì? Lúc nào anh cũng như quan chánh án ấy. Chán lắm.
Nguyên vỡ lẽ, anh nổi cáu thực sự:
- Co hàm hồ, tôi chưa bao giờ đóng vai cả.
Ngọc Minh bĩu môi:
- Nguỵ biện. Trừ em, toàn bộ người đời đều đóng vai cả. Họ đóng vai cao sang, đứng đắn, nghiêm chỉnh, thành thật. Toàn đồ rởm.
Nguyên đáp:
- Cô chủ quan quá. Cô nghĩ rằng cô tốt lành lắm sao?
Người đàn bà cười hơ hớ chẳng tức giận cũng không chạnh lòng:
- Chẳng tốt với lành gì hết nhưng em dám sống với cách sống của em. Em không cần đóng vai người mẹ tốt, không cần đóng vai người vợ thuỷ chung đứng đắn. Thích ai, em đi với người đó.
Vẻ trâng tráo hồn nhiên của cô ta khiến Nguyên bất lực. Cơn cáu giận của anh xẹp xuống như trái bóng bị xì hơi. Anh chăm chú nhìn cô, đúng như người ta nhìn con chuột túi hoặc con lạc đà Châu Phi trong sở thú, Ngọc Minh nghẹo cổ cười ngặt nghẽo:
- Lạ lắm hay sao?
Nguyên lắc đầu:
- Thật không tưởng tượng được rằng cái nước Việt Nam này mà có một người đàn bà như cô.
Ngọc Minh gật đầu:
- Chính thế, cái hội đàn bà Việt Nam đã khai trừ em lâu rồi. Mà em cũng chẳng thiết ở với họ. Giá có hiệp hội phụ nữ sao Hoả hay sao Kim thì em sẽ xin vào.
Cô cười giòn tan, xé miếng mực nhai. Lần nữa, Nguyên chú ý tới hàm răng đều và ngắn của cô. Tú im lặng uống, anh đã quen tính nết Ngọc Minh. Óc não anh lúc này tràn ngập những lo toan sắp xếp việc gia đình trước khi lên đường đi công tác. Nguyên vẫn ngồi lặng thinh trước chén rượu đầy tràn. Ngọc Minh bảo:
- Đừng sầu muộn quá, anh Nguyên. Đời được mấy tí mà sầu muộn mãi?... Bà Linh nhà anh cướp mất ông bồ cưng của em rồi. Giờ, anh có dám đến với em không?...
Có lẽ, trên gương mặt bất động của Nguyên chợt hiện lên vẻ sợ hãi, kinh hoàng thái quá nên Tú giật mình. Anh bứt khỏi những lo lắng cá nhân và chợt hiểu lời nói của Ngọc Minh:
- Cái cô này – Anh giận dữ quát – Đùa gì cũng phải có giới hạn thôi chứ?
Người đàn bà nhìn gương mặt cứng như đá của Nguyên, cười:
- Ồ, anh yếu thần kinh quá… Em xin lỗi nhé…
Nguyên không đáp. Anh đứng lên, bảo Tú rằng sớm mai anh phải làm việc với đoàn nhà báo của Đảng cộng sản Nhật và bởi thế, phải về nhà bây giờ để xem lại chương trình.
- Chết thật, không ngờ anh lại giận dữ thế. Em đã xin lỗi rồi cơ mà…
Ngọc Minh đứng lên, chìa tay. Nguyên lạnh lùng bắt tay cô ta rồi quay lưng đi. Tú bảo:
- Chờ tao, tao cũng phải về kẻo Loan mong.
Anh chạy vào quầy hàng, ba chân bốn cẳng để thanh toán thật mau rồi quay ra. Ngọc Minh đeo xắc lên vai:
- Nào thì về… Mấy ông này bất lịch sự quá…
Họ là ba người cuối cùng ra khỏi căn phòng. Tú nhìn đồng hồ lẩm bẩm:
- Bỏ xừ, chín giờ mười lăm rồi, có chết tôi không?...
Ở cửa khách sạn, bà già coi xe đạp làu bàu: “Thuê trông xe tới chín giờ mà chín giờ hai mươi phút mới ra”.
Ngọc Minh vội rút trong túi quần tờ giấy bạc năm đồng:
- Đây, đây, biếu bà… đừng kêu ca nữa…
Ba người cùng đạp xe một lối. Nguyên khó chịu nhưng anh không nói gì thêm. Anh thấy lạnh và nhức hai thái dương. Đạp xe chừng vài chục thước nữa, hai ống chân anh bắt đầu run và đầu choáng váng:
“Chết thật, mình cảm rồi. Nguy hiểm quá, phải cố bò về nhà rồi nhờ giáo sư Lê gọi điện thoại tới tổng biên tập báo”
Anh cắn răng, dồn hết nghị lực để chống đỡ cơn choáng váng. Nhưng mỗi lúc, đầu óc anh mỗi quay cuồng. Đèn phố xá bay như bầy đom đóm trên mặt ao mùa xuân. Vài chiếc ô tô nhẵn bóng lướt qua mặt anh, như những con vật kỳ dị thời tiền sử.
- Nguyên.
Tú hét lên khi thấy Nguyên lao thẳng vào mũi chiếc xe Bắc kinh cũ kỹ chạy ngược chiều. Anh kịp thời đẩy mạnh Nguyên vào bờ hè. Nguyên ngã vật xuống:
- Chết thôi.
Tú nhẩy xuống xe, rên rỉ đỡ bạn dậy. Nguyên đã mê man không còn hay biết gì. Ngọc Minh vội gọi xích lô:
- Đưa anh ấy vào nhà em, mau lên…
Nhà cô cách đó vài trăm thước. Tú thoáng lưỡng lự, nhưng anh đành đồng ý vì không còn phương sách nào hơn. Nhà Nguyên còn cách đây ba bốn cây số. Và nhà anh, gấp rưỡi lần quãng đường đó. Ông già đạp xích lô lực lưỡng như võ sĩ. Nhảy xuống xe, ông bế xốc Nguyên lên.
- Bác làm ơn đạp nhanh cho chúng cháu… Khổ quá…
Ngọc Minh nài nỉ, dúi vào tay ông một món tiền công lớn gấp năm món tiền bình thường phải trả. Lúc này, cô chỉ là một người đàn bà tốt bụng, đầy lo âu:
- Anh về đi, mọi việc để em lo cho.
Cô bảo Tú khi Tú vừa dắt chiếc xe của Nguyên vừa đạp tới tận cửa nhà Ngọc Minh. Anh bế bạn vào giường, giao cho người đàn bà chiếc xe đạp và cùng cô xoa dầu, đánh gió cho tới lúc Nguyên nóng người lên, thở đều đặn anh mới quay ra. Ngọc Minh đứng ở ngưỡng cửa bảo anh:
- Cứ yên tâm về. Cái khoản chữa say rượu trúng gió thì em là chúa. Bồ em toàn các cây rượu cả, anh lạ gì?...
Tú lắc đầu, không biết nên cười hay nên khóc. Anh đạp xe đi.

*

Một sáng, Kim Anh đang ngồi trong văn phòng làm việc thì ông già thường trực báo với chị rằng có người muốn gặp. Kim Anh bảo ông đưa khách vào. Lát sau, một người đàn bà trạc ngoại tứ tuần xuất hiện. Bà ta béo núng nính, mạc áo mỏng để khoe tấm áo ren bên trong. Một gương mặt viên mãn của lớp dân đô thị giàu có.
- Báo cáo cô hiệu trưởng, tôi là mẹ cháu Vân Anh, học sinh lớp cô Linh.
Bà tự giới thiệu trước khi ngồi xuống ghế. Trong khi Kim Anh pha nước, bà khe khẽ gõ tay lên bàn, những ngón tay múp míp do đeo nhẫn. Ba chiếc nhẫn mặt đá đồ sộ như những chiến hạm phô trương sự giàu sang:
- Tôi là cửa hàng trưởng cửa hàng rau quả X. Cửa hàng mẫu mực được nhận cờ luân lưu của thành phố đấy. Cô giáo có biết cửa hàng của chúng tôi không ạ?...
Bà tự giới thiệu lần thứ hai. Kim Anh rót nước, đáp ngập ngừng:
- Dạ, dạ…
Chị không muốn làm phật lòng bà khách. Xem chừng bà ta kiêu hãnh về chỗ đứng của mình lắm. Kim Anh mời bà cửa hàng trưởng rau quả uống nước và hỏi:
- Chị có việc gì cần gặp chúng tôi?
- Ấy, có việc khá quan trọng cô hiệu trưởng ạ…
Bà dài giọng nói, và sau khi cạn chén trà, chê khéo rằng thứ trà này kém quá, rằng lúc nào đó rỗi rãi bà sẽ gửi biếu cô hiệu trưởng thứ trà ướp sen hảo hạng nhà bà vẫn dùng… bà kể với Kim Anh ngọn ngành chuyện bà phải tới đây: Bà có đứa em họ ở cùng khu nhà với cô giáo Linh. Cô em này vừa thông báo với bà toàn bộ những chuyện không hay ho xảy ra trong nhà cô chủ nhiệm. Từ chuyện bà Tòng tới nhà Nguyên góp ý và bị Nguyên cự tuyệt. Sau đó, bà Tòng đến các hộ trò chuyện về tấm gương xấu để yêu cầu họ tránh, chuyện buổi tối nào đó bà dẫn tổ hoà giải của khu phố tới nhà Nguyên và đám người ấy chưng hửng vì Linh đã bỏ đi. Nguyên đang lên cơn sốt và anh đã nặng lời rằng anh không cần tới những lời giải thích ngớ ngẩn của họ, rằng anh cũng đang cần yên tĩnh và họ không có chút xíu quyền năng nào với tự do của anh…
- Tình hình gia đình cô giáo Linh phức tạp quá.
Bà trưởng cửa hàng rau tuyên bố:
- Một cô giáo như thế không nên để dạy dỗ trẻ em. Tôi cho rằng các cháu sẽ hư hỏng khi chịu sự giáo dục của một phụ nữ thiếu đứng đắn… Tôi là cán bộ lãnh đạo một cơ sở kinh doanh của Nhà nước. Nhà tôi cũng là một cán bộ cao cấp trong quân đội. Chúng tôi không thể giao phó con cái mình cho những giáo viên tư cách như thế…
Bà ngừng lời, sau khi buông một tiếng thở dài. Những mặt đá tím, đá đỏ trên bàn tay mập ú phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh. Kim Anh nhìn người đàn bà nặng trên sáu mươi kilô ngồi trước mặt mình, cả bộ điệu quan trọng của bà ta, cả những thớ thịt nổi u dưới lần áo mút sơlin mỏng như cánh chuồn, bỗng dưng chị mệt mỏi muốn bỏ tất cả mọi công việc để vùi đầu vào góc buồng tối tăm nào đó mà ngủ. Sau cùng, chị cố gắng đáp:
- Chị yên tâm. Chúng tôi sẽ nghiên cứu tình hình thực tiễn và biện pháp giải quyết.
Bà trưởng cửa hàng lắc đầu:
- Nhất thiết phải giải quyết cô hiệu trưởng ạ. Một nhà trường xã hội chủ nghĩa không thể chấp nhận những giáo viên yếu kém. Bên ngành chúng tôi cũng vậy…
Và bà nói them một tràng nữa về cửa hàng điển hình gương mẫu của bà, về cách đạo tạo những mậu dịch viên trong sạch và cải tạo những người không đủ tư cách… Kim Anh muốn ù tai. Chị nhẫn nại chịu đựng, mắt lơ đãng nhìn đôi tay béo múp đeo đầy nhẫn khoa lên với vẻ điệu đàng của một nụ nạ dòng. Khoảng mười lăm phút sau, bà trưởng cửa hàng rau quả mới chịu rút lui. Kim Anh vào buồng chứa giáo cụ trực quan nằm nghỉ. Ở đó, chị đặt một chiếc giường gấp khung nhôm để nghỉ trưa. Chừng non một giờ sau chị trở dậy, mời Dụng, hiệu phó kiêm bí thư đảng uỷ trường tới. Anh là người hiền lành, khêm nhường, bằng tuổi Kim Anh nhưng trông anh già và tiều tuỵ. Vợ Dụng mắc chứng xơ gan đã chết bốn năm nay. Anh chịu cảnh gà trống nuôi con cho tới bây giờ. Bà mẹ già làm vườn và thổi nấu cho mấy bố con anh, nhưng thu nhập trong nhà vẫn eo hẹp và đám nữ giáo viên trường luôn luôn phải vá hộ Dụng quần áo hoặc đơm lại cho anh những chiếc khuy đứt. Chưa có một người đàn bà nào sẵn lòng gánh vác cảnh sống neo đơn, túng bấn của anh. Và anh, anh chấp nhận cảnh sống ấy với vẻ chịu đựng nhẫn nại.
Kim Anh thuật lại toàn bộ câu chuyện bà trưởng cửa hàng rau vừa nói và yêu cầu của bà ta. Dụng chống tay lên cằm, mặt buồn rượi. Sau hồi lâu im lặng, Kim Anh hỏi:
- Thế nào?...
Dụng thở dài, không đáp.
- Sớm hay muộn rồi cũng có những phụ huynh học sinh phản ứng. Tôi đã đoán trước điều ấy…
Kim Anh ngừng vài giây rồi tiếp:
- Tôi muốn lẩn tránh việc này mà không được. Nhưng giờ đây, chúng ta tính toán ra sao? Nếu không chuyển Linh sang một công việc khác, tiếng tăm sẽ lan ra ầm ĩ. Loại người như bà cửa hàng trưởng này nhan nhản trong xã hội, họ không chịu thua ai. Nếu buộc phải để Linh thôi làm chủ nhiệm và dạy văn, trường sẽ thiệt thòi lớn. Tới ba phần tư những giải văn chúng ta có được là ở đám học sinh của Linh… Phía nào cũng khó khăn cả.
Dụng ngước nhìn Kim Anh:
- Lâu nay tôi băn khoăn chưa tiện hỏi. Chị có hiểu nguyên nhân tan vỡ trong gia đình cô Linh không?
- Tôi có biết qua loa, nhưng không thể hiểu cặn kẽ những gì dẫn tới sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân của ai đó ngoài mình. Anh có tin điều ấy không?
- Có thể là…
Dụng đáp với vẻ đắn đo, nghi ngại. Kim Anh nói tiếp:
- Chúng ta không thể đem kinh nghiệm sống của bản thân mình để áp đặt cho người khác, dù đó là con cái hoặc anh em ruột thịt của mình. Xã hội càng văn minh bao nhiêu, nhân cách con người càng được phát triển hoàn thiện bao nhiêu thì sự khác biệt trong đời sống tâm sinh lý con người càng lớn bấy nhiêu. Bây giờ, không thể dùng quyền lực tổ chức để giải quyết những vấn đề mang tính chất cá nhân. Nếu có, các biện pháp hành chính chỉ giúp cho mầm thù hận đòi phản kháng… Anh cứ tin rằng chúng ta nâng đỡ con người khó khăn hơn đẩy họ xuống hố ngàn lần…
Dụng thở dài:
- Rắc rối quá, nhất định phòng giáo dục sẽ hỏi tới chuyện này, các trường xung quanh họ cũng không để chúng ta yên thân. Cái ông nhạc sĩ Trần Phương ấy nổi tiếng quá, và càng như thế, cô Linh càng bất lợi…
Kim Anh nói:
- Nhưng anh em trong trường không hề đả động tới việc này.
Dụng gật đầu:
- Không ai nỡ ghét bỏ Linh. Trong hoàn cảnh của cô ấy, người khác ắt hẳn đã bị bêu riếu, rỉa móc tới nhức xương lên. Nhưng, Kim Anh ạ, đây không phải chuyện đối nội mà là chuyện đối ngoại. Anh sống cũng có người yêu và kẻ ghét. Một tập thể cũng tựa như một cá nhân thôi. Chúng ta phải che chắn dư luận, vì dẫu sao tôi và chị phải chịu trách nhiệm toàn bộ về tập thể này...
Họ bàn định mãi tới chiều. Hai người quyết định tạm thời giao lớp của Linh chủ nhiệm cho một giáo viên mới và điều Linh xuống làm công tác thủ thư. Kim Anh định tới phiên họp hội đồng giáo viên tuần sau sẽ công bố quyết định đó, nhưng lúc hai người trao đổi với nhau, một cô giáo cùng tổ văn với Linh đã nghe được câu chuyện. Sáng hôm sau, ba bốn giáo viên trẻ tới gặp Dụng và Kim Anh:
- Chúng tôi không muốn thi hành kỷ luật Linh. Từ xưa tới nay chưa ai yêu cầu cô ấy rời bỏ vị trí công tác, điều ấy chứng tỏ không một ai trong chúng ta đánh giá tồi tệ về đồng nghiệp của mình. Tại sao anh chị lại quyết định đột ngột như thế?
- Nhưng đây là yêu cầu của phụ huynh học sinh. Nhà trường cần giữ uy tín chứ?
Dụng và Kim Anh đã trả lời họ như vậy, mặc dù cả hai người cùng thấy trong câu trả lời ấy có cái gì đó không ổn. Nhưng đám giáo viên trẻ càng bất bình hơn. Lý lẽ của họ tuôn ra khiến hai người đâm bối rối:
- Một, hai, ba, bốn thậm chí mười bốn phụ huynh học sinh cũng chưa phải là nguyện vọng của toàn thể. Mà ngay toàn thể phụ huynh học sinh cũng chưa chắc đã là chân lý. Tới ngày nay con người đã quá hiểu rằng chân lý không phải là đám đông... Chúng tôi biết rằng nếu nhìn theo con mắt thông thường, Linh đáng lên án. Nhưng chúng ta không phải là thiên hạ nói chung, chúng ta là những đồng nghiệp gần gũi Linh. Tính cách người phụ nữ ấy đã được xác nhận trong nhiều năm sống và lao động. Nếu chúng ta đã bỏ cho cô ấy một phiếu thuận thì giờ đây, chúng ta hãy cất nhắc trước khi ném xuống một phiếu nghịch. Đám đông có một sức mạnh khủng khiếp. Nhưng ngay trong nó cũng bao hàm cả sự sáng suốt lẫn những thành kiến u tối, cả khả năng biến đổi một cách nhạy bén lẫn những thói quen thủ cựu, những tập tục phản văn minh và nếp tư duy khô cứng, ù lỳ. Tại sao chúng ta không xác quyết được các ý tưởng của chính mình và bảo về nó trước sự xô đẩy của xung quanh?...
Kim Anh và Dụng thở dài, thay vì cho một câu trả lời dứt khoát. Họ thấy đàm người đã lên lớp hết, chỉ còn hai người ngồi lại trong căn phòng rộng rênh của văn phòng. Trạng thái hăng hái tan dần, cả hai người là bắt đầu lo lắng bởi những dị nghị, bởi sự đàm tiếu của các trờng bạn và trong toàn khu nếu như có vài lá thư phản đối hoặc vài lá đơn kiện... Việc thuyên chuyển công tác của Linh vẫn được công bố trong kỳ họp hội đồng nhà trường sau đó. Linh xuống phòng thủ thư của thư viện trường ngay hôm ấy. Cô cố giữ vẻ mặt bình tĩnh để che đậy nỗi tủi nhục. "Người ta có thể hy sinh cả đến tính mạng cho một tình yêu“. Linh tự trấn an. Những đứa trò ngoan của cô xúm tới trước cửa phòng thư viện:
- Cô trở lại lớp, cô ơi... Chúng em lên đề nghị thầy Dụng cô nhé?
- Cô dạy quen rồi, thầy mới cứ lạ lạ là... Thiếu gì người coi thư viện được?... Tại sao cô lại bỏ lớp mà đi?...
Trước mọi câu hỏi, Linh lặng lẽ cười. Những đứa trẻ chỉ nghe phong thanh một chuyện buồn về cô giáo chúng. Đám nam sinh không mấy để ý tới việc đó. Nhóm nữ sinh tinh khôn và sớm từng trải hơn về đời sống tình cảm thì thào với nhau trong các góc vắng vẻ. Niềm cảm mến sâu đậm của chúng với cô chủ nhiệm khiến chúng trở nên kín mồm, kín miệng, thận trọng dự kiến đến cả trường hợp có cơ bị thẩm vấn... Tuy nhiên, ngay cả mối tình cảm của học sinh cũng khiến lòng tự ái của Linh bị tổn thương. Những buổi sáng tiếng cười đùa của chúng vẳng tới kho sách, và tiếng cười ấy làm người đàn bà thấm thía xót xa. Trước đây, cô đắm mình trong lớp sóng âm thanh vui vẻ quen thuộc. Giờ đây, cô chìm trong một không gian vắng lặng và bụi bặm với tiếng mọt nghiến gỗ, tiếng chuột sục sạo xó tối, tiếng gió sột soạt lùa qua tấm vải che mưa treo sát tường và đôi khi, tiếng vỗ cánh bay xè xè của một con gián táo tợn. Rồi đây đó, khi cô đi qua một khoảng sân nào đó lũ trẻ đang nô đùa. Khi tiếng chào thân thiết của một đứa trò cũ cất lên. Khi ánh mắt của chúng vút qua gương mặt cô để che giấu một xót thương già cỗi... Không, cô không muốn tìm sự thương hại ở mọi người. Cảm giác đớn đau như thứ nhưa dính trên má, không sao rửa sạch. Với một người tự trọng, không nỗi dày vò nào lớn hơn là phải nhận món cháo bố thí của lòng thương hại. Thứ tình cảm ấy đẩy ta vào một địa ngục ngột ngạt và tăm tối, nơi ấy vết thương mở hoác miệng ra chảy máu không ngừng, không thể phản kháng vì đó là một con vật lặng câm, không thể tiêu diệt vì nó như đứa bé hiền lanh, không thể chối bỏ vì đó là lòng tốt của nhân loại...
Trong vài lần, Kim Anh xuống thư viện và nhìn thấy trong mắt Linh nỗi đớn đau uất hận không thể bày tỏ. Chị hiểu rằng người bạn nhỏ tuổi của mình đang bị giằng xé dữ dội về mọi phía. Chị muốn khuyên Linh từ bỏ mối tình oan nghiệt kia đi nhưng chị im lặng vì biết điều đó vô ích. Hai người nói với nhau những chuyện vu vơ, gượng gạo. Kết thúc, bao giờ Kim Anh cũng hạ giọng thì thầm:
- Hiểu cho mình, đừng giận mình Linh nhé.
Linh đáp, giọng cao vói lên:
- Không, không... em có nghĩ gì đâu?
Nhưng cả hai người đều biết đó là một lời nói khó khăn, sượng sùng. Kim Anh trở về tổ ấm của chị, bất chợt khoảnh khắc nào đó chị hình dung ra gian buồng xép Linh đang sống, mùi sách và tiếng mọt nghiến gỗ trong đêm.
"Mình là một kẻ hèn nhát chăng? Mình đã không bảo vệ được một con người mà cả tập thể đều tin cậy. Giữa sự sợ hãi những áp lực xung quanh và lòng tin ở chính mình là cả một thử thách về lòng dũng cảm“.
***
Mùa đông đã tới mau lẹ quá. Trên các thân cây, lớp vở khô mốc dần. Gió thổi qua phố phường mang âm điệu vắng xa. Ở các tủ kính của cửa hàng giải khát, không còn những trái xoài miền Nam, những trái chanh tươi ngâm muối, các bình chứa xirô mơ vàng sậm, những trái dứa vàng và những trái dưa hấu xanh đen. Lúc này, mùa cam chưa đến, khách chỉ còn uống cà phê, bột đậu, bột sắn. Bà Phượng thích lui tới những quán cà phê trong thành phố. Đã gần hai chục năm nay người dàn bà có vẻ đẹp nửa hàng xén, nửa kiều kì ấy đã trở thành khách quen của các quán cà phê nổi tiếng. Họ đoán chắc bà sống độc thân vì bà có thể ngồi một mình. Không hút thuốc, nhưng bà có thể ngồi trầm ngâm hàng giờ, hai tay ủ bát nước nóng, mắt lơ đãng lướt trên gượng mặt khách bộ hành. Với dáng vẻ ấy, người ta có thể ngờ rằng bà là một triết gia, một thi sĩ hay một kịch sĩ chìm đắm trong suy tư.
Bà vốn là con gái hàng Đào, khả dĩ xinh đẹp và giàu có, học hành vượt quá bằng tiểu học vài tháng nên yên phận ngồi sau chiếc tủ bán len hoặc hàng mỹ phẩm, ngày ngày chăm sóc cơm canh cho anh chồng công chức và lũ con ngoan. Nhưng vì rỗi rãi, bà ngốn tiểu thuyết lãng mạn quá mức cần thiết cho một cô chưa chồng, bởi vậy và đinh ninh rằng đời bà phải có một tiếng vang nào đó khiến tên tuổi của bà trở thành bất tử như những quận chúa hoặc những tôn nương ghi trong sử sách. Chồng bà vốn là con nhà gia giáo. Ông học nghề công cánh tại Paris từ nhỏ. Yêu nước ông xin về Việt nam sau ngày giải phóng thủ đô, mặc dù ở Pháp ông có một biệt thự sang trọng với món lợi tức năm mươi vạn quan mỗi năm của ông chồng Pháp bà cô ruột tặng. Ông đã mau chóng hoà nhập vào cuộc sống gian nan từ quê nhà. Trung thành với cái mẫu lý tưởng đã hình dung về người bạn đời tương lai, ông tìm kiếm mãi một gương mặt xinh đẹp và hiền thục, đặc biệt Việt Nam, giống như gương mặt cô gái đội khăn mỏ quạ, thắt lưng xanh và mặc váy chùng thâm trong các bản minh hoạ văn xuôi và ca khúc Cô gái Việt. Sau bốn năm tìm kiếm, ông đã gặp bà. Lúc đó, bà là một thiếu nữ mười tám, da trắng như trứng gà bóc, mắt hạt huyền. Sống mũi bà không cao, không thấp nhưng xinh xắn, gương mặt tròn với lúm đồng tiền bên má... Quả là một vẻ đẹp ông ao ước, và chính cái khoảnh khắc sợi dây kiên nhâẫntrong ông đã sờn mòn, nhu cầu yêu đương thúc hối... Ông si mê ngay tức khắc và xin làm đám cưới ngay tức khắc. Cố nhiên, gia đình bà đã ưng thuận với niềm vui sướng và vinh hạnh. Đám cưới cô Phượng hàng Đào lộng lẫy nhất, cao sang nhất Hà Nội trong năm ấy và nó đã trở thành niềm ước ao cho những đêm xuân trằn trọc của các cô gái trẻ... Những ngày qua tháng lại, mọi háo hức đã được thoả mãn nguội dần đi. Những đam mê mới dấy lên. Giấc mơ mệnh phụ phu nhân thúc đẩy trong lòng bà. Chồng bà không dắt bà leo lên nổi những bậc thềm danh vọng. Ông chỉ là một kỹ sư công chánh giỏi nghề và giàu có, nhưng không có một địa vị cao sang. Ông chỉ thoả mãn giấc mơ phù hoa trong bà chứ không bù đắp được lòng khát khao danh tiếng. Ông chỉ đem tới cho bà mọi tiện nghi vật chất với một tấm lòng dịu dàng trìu mến, nhưng không đem tới cho bà những phương tiện thoả mãn cao vọng tinh thần. Bà muốn rằng khi bà bước chân vào nhà hát lớn hoặc các phòng trà, các rạp xinê, mọi người phải ngước nhìn bà tò mò và kính phục, phải thì thào tên tuổi của bà, phải dán ánh mắt khát thèm lên những niềm vinh quang hiển hiện trên gương mặt vương giả của bà và mọi chi tiết trên tấm thân ngọc ngà của bà phải được chiếu rọi trong luồng mắt của công chúng... Đã có bao người đàn bà xấu xí, ngu muội nhưng may mắn vớ được người chồng có chức tước. Họ được theo chồng tới dự các buổi lễ tân tại các sứ quán, các buổi khai mạc triển lãm hoặc hội nghị lớn long trọng, các tối chiêu đãi phim hoặc liên hoan... Bà, xinh đẹp thế, lịch lãm thế, cũng chỉ là một thường dân ngồi sau quầy bán len hoặc giữ chân kế toán, thủ quỹ... Giấc mơ mệnh phụ phu nhân trong bà cựa quậy rồi lớn dần lên, quẫy đạp ầm ầm như cái thai tám tháng đòi sinh nở. Vào khoảnh khắc chín muồi của dục vọng, bà đã gặp Trần Phương...
Trời đất, mùa đông này sao đến mau lẹ thế? Bà Phượng đứng trước gương sớm hôm đó, giật mình vì những nếp nhăn in sâu dưới đuôi mắt. Các nốt in sậm trên màu da cũng rõ nét quá rồi. Chưa bao giờ bà ngắm bộ mặt không son phấn của mỉnh trước gương lâu thế. Một bức tường đổ sập trong bà. Đã lâu nay, bà không chịu nhìn mình khi chưa tô điểm. Sáng sớm, sau khi rửa mặt xong, bà đã vớ hộp son phấn. Tối trời, trước khi đi ngủ bà mới rửa sạch lớp màu hoá trang và thay vào dó lượt kem nuôi da. Luôn luôn, hình ảnh bà trong gương phải xinh đẹp, lộng lẫy. Bà quyết giữ vẻ đẹp cảu mình trước mắt mọi người như kẻ hám danh quyết giữ ghế của y. Bà cũng muốn dùng vẻ đẹp ấy như một thứ vũ khí để chinh phục và trả thù chồng vì mười bảy năm nay ông đã không một lần ngoái lại, không một lần tha thứ cho bà...


Sớm nay, bà chợt thấy cái ảo vọng đó đã tới giờ sụp đổ... Con mụ xa lạ nào đang nhìn bà với đôi mắt lờ đờ, mất hết vẻ tinh anh kia? Hai đường nhăn dài bên khoé mép, ngay cả làn môi cũng chi chít những nếp nhăn mờ. Chẳng bao lâu nữa chúng sẽ nhăn nhúm lại như miệng những mụ phù thuỷ trong tranh vẽ.


"Kinh khủng thật“
Bà thầm nghĩ. Có thể nửa giờ nữa, sau khi dùng nghệ thuật hoá trang cực kỳ tinh xảo, bà sẽ đánh lừa được những người đàn ông đi cách bà hai mươi mét. Nhưng bà sẽ không đánh lừa được chính mình và đấy mới là điều đáng ghê sợ. Bà không còn giữ được lòng tự tin ở nhan sắc của mình, bà đã bị tước metmxao dungechomomất vũ khí tuỳ thân cuối cùng trong đời sống.
- Chào mợ, con đi đây.
Tiếng đứa con út vọng dưới cửa sổ lên. Nó đã ăn sáng xong và tới giờ vào xưởng hoạ. Đứa con trai thứ hai học nội trú trong trường bách khoa, còn cô gái cả làm ở viện khoa học xã hội đã có chồng, nửa tháng mới về thăm bố mẹ một lần. Chồng bà cũng đã ăn sáng trước. Ông tới nhà ai đó để đánh một ván cờ, tìm một cuộc chuyện trò vui thú hoặc gặp người đàn bà nào đó làm ông ấm áp cõi lòng.... Tất cả đều có thể và bà không có quyền trách móc...


Những ngón tay bà đặt hờ hững trên bàn trang điểm cổ bằng gỗ gụ. Học có những thứ đồ gỗ tuỵet hảo từ thời xưa, một loại châu báu đối vứoi những chuyên gia đồ cổ. Nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa chi đối với đời sống thật sự của bà.


Những làn gió tung bụi trên đường phố. Vòm tigôn đã rụng gần hết lá, chỉ còn vài đám hoa phơn phớt hồng đọng giữa mớ dây leo khô xác, khẳng khiu. Xe hơi thỉnh thoảng vụt qua phố nhỏ. Một cặp vợ chồng già thủng thẳng bước bên kia hè. Bà Phượng nhỏm lên nhìn. Họ trạc trên sáu mươi tuổi. Cả hai đều đẹp lão, tóc muối tiêu. Ông già mặc bộ complê màu tro nhạt, bà vợ bận quần sa tanh, áo bông Tàu bọc nhưng the. Họ đi bộ chậm rãi, thong dong. Chốc lát, bà vợ lại ghé tai ông chồng nói đôi điều. Và ông già mỉm cười dưới hàng ria bạc. Lần đầu tiên, bà Phượng chợt thấy rằng hạnh phúc có thể có được ở những cặp vợ chồng già, những con người đã trải qua quãng thời gian dài với nhiều thăng trầm của đời sống, với sự ấm lạnh của trái tim, với gió bão của thời cuộc...
"Quả thật, mình có thể sống tới chín mươi, chí mươi lăm tuổi... Bà nội mình chín mươi tám tuổi mới về chín suối, còn ông cụ thân sinh mình dã gần tám mươi mà còn ăn mỗi bữa bốn bát cơm“...
Bà Phượng lẩm nhẩm, rùng mình. Cái quãng thời gian cuối cùng của người đời thật đáng kinh sợ, bởi lẽ, lúc ấy người ta không còn sức lực cũng như lòng can đảm để chống chọi với những gian nan vật chất cũng như những tủi nhục trong tinh thần. Và lúc đó, mùa đông sẽ dài hơn mùa hè, ngày mưa gió nhiều hơn lúc trời nắng nôi, tạnh ráo.
"Giá mà, giá mà...“
Rất có thể bà sẽ có những tháng năm êm ấm vứoi chồng, nếu không rơi vào cạm bẫy đó...


Cặp vợ chồng già đi mỗi lúc một xa. Bà nhìn hút theo bóng họ. Mười mấy năm sau, tóc bà cũng sẽ bạc trắng phơ như bà lão đó, nhưng bên cạnh bà sẽ không có người đàn ông nào mặc complê màu tro nhạt và thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười để chịu chuyện với bà. Không có một hình hài nào tựa đỡ cho bà trong cuộc đời cằn cỗi giá lạnh suôi đông... Hi vọng gì ở ba đứa con?... Có, chúng đã từng là niềm hy vọng của bà nhiều năm nay. Trong tương lai, chúng cũng sẽ thương yêu cả bố lẫn mẹ như mọi đứa con hiếu thảo. Nhưng chúng sẽ có cuộc đời riêng, với yêu đương và thù ghét, với tất cả những lo toan cần vật lộn và những quan hệ cần lưu tâm. Bà sẽ nằm ở kẽ hở nào của cuộc đời chúng?...
Đĩa hát nhà ai đó vọng lên tiếng hát sầu muộn, thâm trầm:


Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
Để một mai, tôi về làm cát bụi...


Những ngón tay thon thả của bà máy động giữa các thứ đồ nữ trang, các thỏi son, các loại chì tô vẽ và cá núm bông thoa phấn… Bà chợt dấy lên nỗi hối tiếc. Phía sau nỗi hối tiếc mù mờ như sương sa kia là một vực sâu vọng lên tiếng kêu nghẹn ngào thù hận. Mỗi gương mặt đối lừa trồi lên ngọn triều ảo vọng. Đôi mắt đen dưới cặp mi dày, nụ cười và vẻ chán chường kiêu bạc…


Lần đầu tiên, bà Phượng không còn hào hứng khi nghĩ tới cái tiệm cà phê quen thuộc của bà, ở đó, khách bọ hành trộm chiêm ngưỡng dung nhan lộng lẫy của bà trong khoảng không gian mờ tối của gian phòng và khách uống trà ngước nhìn bà như ngước nhìn một con người lỗi lạc của thời đại… Bà Phượng tì sát mặt vào gương, nhìn lại khuôn mặt mình lần nữa, những lỗ chân lông doãng ra lấm tám như những hạt kê tí xíu vì luôn luôn bị trệt lớp phấn dầy. Bà buống tiếng thở dài, thoa kem lên khắp mặt, sau đó tiếp tục các trình tự của việc hóa trang.


Hai mươi phút sau, bà bước khỏi căn phòng trong bộ xống áo đẹp nhất, sang trọng nhất. Bà quyết định tới nhà nhạc sĩ Trần Phương, không phải để lật bới đống tro tàn, tìm lại một đốm lửa của mối tình đã chết, mà để khơi dậy một hoả diệm sơn ghen tuông và thù hận trong lòng bà vợ ông ta.
Bên kia bờ ảo vọng
Phần I
Phần II
Phần III
Phần IV
Phần V
Phần VI
Phần VII
Phần VIII
Phần IX
Phần X
Phần XI
Phần XII