Phần X
Tác giả: Dương thu Hương
Trong vòng năm năm nay, chưa bao giờ Trần Phương có một buổi sáng vui vẻ như hôm nay. Ông vừa được gặp vị cán bộ lãnh đạo cao cấp – Chú của bà vợ. Bà đã tô vẽ cho ông khá đủ để vị lãnh đạo có sẵn lượng cảm tình cần thiết trước khi gặp ông. Và ông với sự nhạy cảm đặc biệt đã đánh giá được đối tượng tiếp xúc với mình ngay tức khắc:
“Một ông già thừa đôn hậu nhưng kém sắc sảo. Chinh phục ông cụ không khó khăn gì. Cái hàng rào vây quanh ông ta mới là thứ gai góc đáng sợ. Nhưng nhờ trời, với sự tận tuỵ của Hoa, hàng rào đó đã bị xé rách...”
Lúc ấy, ông thương vợ.
Vị lãnh đạo tiếp ông thân tình. Cũng như nhiều ông già thời thơ bé đã ngâm thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, ông trọng kẻ sĩ và đối với Trần Phương ông muốn thổ lộ những tâm tình sâu kín thường ngày bị dồn nén bởi công việc chính trị nặng nề. Dăm ba bài ngẫu hứng những mẩu chuyện hài hước bên lề cuộc sống, mấy nhận xét hóm hỉnh về một nhân vật trung gian... Tất cả vừa đủ cho ông già vui thú. Trần Phương hiểu rằng bất kì ai, dù giữ cương vị cao đến đâu cũng có nhu cầu thổ lộ tâm tình. Và nhu cầu đó, một khi bị kìm giữ càng lâu, lúc bột phát càng mạnh mẽ... “Hãy gãi cho đúng chỗ ngứa của ông già. Điều quan trọng là phải giữ sự chừng mực: cởi mở nhưng khuôn phép, vui vẻ nhưng thận trọng. Anh hãy nói những gì người ta muốn nghe, anh hãy im lặng vào khoảnh khắc người ta cần sự im lặng. Đó là nghệ thuật đối thoại, những lý thuyết cũ rích nhưng luôn luôn chính xác của con người”.
Trần Phương tự bảo mình. Vị lãnh đạo rót nước mời nhạc sĩ, cười sảng khoái vì nghĩ rằng cuộc chuyện trò này giống những phút giải toả quý báu giữa khoảng thời gian triền miên căng thẳng của ông:
- Cháu thấy cậu Hoan ra sao?
- Dạ, anh ấy có lòng hăng hái lẫn trí khôn của Đôngkisốt.
Trần Phương đáp, đầu cúi thấp xuống. Mái tóc đen như lông quạ che giấu những tia lửa trong đáy mắt ông: Hoan là một thằng ngu dốt, điên khùng, kẻ đã phá hỏng không biết bao nhiêu công trình xây dựng của thành phố. Những gì đã bị huỷ hoại bởi óc độc đoán cộng với sự ngu đốt của y phải rất nhiều năm nữa mới có thể phục hồi lại được. Nhưng Hoan là người trước đây đã có công cõng vị lãnh đạo qua suối, trong một trận càn quy mô của địch. Trần Phương hiểu rằng ông có thể ghi cho mình một bàn thắng nếu giải toả được những khúc mắc sâu kín trong lòng ông già hiền lành và duy cảm. Quả nhiên, vị cán bộ cao cấp thốt lên tiếng nói vui mừng, gần như reo:
- Ồ, đúng rồi, cái anh chàng Tây ban nha đánh nhau với cối xay gió. Cháu nhìn người tinh thật. Chú mất ăn mất ngủ vì cái cậu Hoan này. Bao nhiêu là đơn kiện...
- Vâng, thường thường người ta đánh giá nhau phiến diện nông nổi. Có mấy ai biết nhìn tận gốc rễ của sự việc đâu?
- Quả thật là như thế...
Vị cán bộ lãnh đạo thở dài : - Cần phải nhìn cho được gốc rễ của mọi sự. Trước kia, hồi còn ở chiến khu chú đã biết cậu Hoan này…
Trong đôi mắt già lão của ông hiện lên một nỗi cảm thương thấm thía. Hẳn rằng ông đang nhớ lại cái ngày cậu bộ đội Hoan kia cõng ông qua suối, hoặc nướng sắn cho ông ăn dưới mái nhà sàn… Hẳn rằng hình ảnh cậu lính trẻ ngờ nghệch, bẽn lẽn và trung thành với thủ trưởng còn lại mãi trong tim ông. Trong khi trên cõi đời cậu ta đã trở thành một gã đàn ông xấp xỉ tứ tuần, có ria mép và nắm nhiều quyền binh, khét tiếng vì sự tàn bạo với cấp dưới và vì ngu dốt trong công việc. Trần Phương hiểu điều đó, nhưng ông không dại gì để không đặt thêm cho mình một quả cầu.
- Thôi chú đừng nghĩ ngợi nhiều mà ảnh hưởng tới sức khoẻ. Sự ngu dốt của công chúng không bao giờ có đáy. Nếu số đông luôn luôn sáng suốt thì đã chẳng có tích cả làng kéo ra đình xem nàng Thị Kính chịu roi. Chú còn nhớ chèo Quan âm không ạ ?
- Nhớ, nhớ… Kể ra các cụ cũng thông minh thật. Chứng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết. Lâu nay chú băn khoăn mãi. Hôm nay mới nhẹ cả lòng.
Trần Phương cười, hàm răng trắng ánh lên trẻ trung. Thằng khốn nạn kia nhờ mình mà thoát chết. Nhưng thôi, chẳng nên tính đến sự được mất chung làm gì. Cuộc đời của từng cá nhân là có thật còn sự sinh tồn của đám đông kia chỉ là những con số…
Người nhà đem ra một món chè ướp lạnh. Vị lãnh đạo mời khách cùng ăn. Vừa ăn, ông vừa đọc thơ của Đỗ Phủ mà ông chợt nhớ. Trần Phương đọc tiếp vài bài thơ Đường. Rồi họ cùng bình phẩm bài thơ Hoàng Hạc lâu nổi tiếng. Thỉnh thoảng, bà thím ngồi ở trong phòng ghé mắt nhìn ra vì chưa bao giờ bà thấy chồng cười to và sảng khoái đến như thế… Cuộc trò chuyện kéo dài qúa giờ cơm trưa năm phút. Trần Phương ra về. Thành phố nhìn ông với gương mặt dễ chịu, tươi cười. Dù là những ngõ hẻm chật chội đầy gánh hàng rong, dù là những vỉa hè bị lật xới để sửa lại đưòng cống cũng trở nên đẹp đẽ đối với ông :
"Sự chiến thắng và chiến bại của con người nhiều khi mang yếu tố ngẫu nhiên. Thần may rủi có quyền năng ghê gớm. Người xưa có câu: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, cổ nhân thâm thuý thật"
Ông ghé qua chợ Hàng Da mua mấy bông hoa cho vợ : xét ra, đó chính là người đàn bà yêu thương và tận tuỵ với ta hơn cả… Nhạc sĩ mường tượng tới khuôn mặt bè bè của vợ nhưng không còn khó chịu như ngày thường.
"Một người đàn bà tội nghiệp"
Ông bước lên cầu thang với dự tính tốt đẹp rằng ông sẽ yêu chiều vợ gấp ba lần mọi ngày để bù lại lòng tận tuỵ của bà. Nhưng vừa mở cửa, ông đã thấy bà ngồi ở salông, tóc tai rũ rượi, mũi đỏ tía và hai mắt sưng mọng những nước :
- Anh là đồ dối trá.
Bà hét lên khi ông chưa kịp cất tiếng chào. Từ trước tới nay những cơn ghen tuông cửa bà bao giờ cũng bắt đầu bằng điệp khúc ấy nên ông bình tĩnh đặt bó hoa lên bàn :
- Có chuyện gì vậy ?... Đừng có hét to lên như thế xung quanh họ cười cho.
Những chuyện trăng hoa của ông trước đây khi đến tai bà đều đã thành dĩ vãng. Thủ phạm cao chạy xa bay và chính ông, đôi khi cũng đã quên biến họ. Bởi thế, Trần Phương nghĩ rằng vợ vừa biết tới một người đàn bà nào đó trong số những vệ tinh đã rớt khỏi quỹ đạo của mình. Ông cười, đặt tay lên vai vợ:
- Lại nghe chuyện vớ vẩn nào thế hả em?
Bà Hoa ngước đôi mắt sưng húp nhìn chồng, miệng méo xệch :
- Bà Phượng vừa đến đây.
Trần Phương đứng sững, một nét hốt hoảng lướt qua gương mặt :
"Mình lâm trận rồi đây" – Ông nghĩ. Bà Hoa nhìn chằm chằm vào mặt chồng và đoán được sự sợ hãi của ông. Bà kêu lên :
- Anh không cãi nữa chứ ?
Trần Phương không nhìn vợ, đáp như cái máy :
- Có gì mà chối cãi ?
- Thế nghĩa là anh vô tội phải không ?
Bà vặn lại ông, cố ghìm cơn nức nở chỉ chực trào khỏi họng. Từ sáng tới giờ, bà đã khóc thoả thuê. Khóc trước mặt bà Phượng, người một thời đẹp nghiêng nước nghiêng thành, từng là thù địch trong quá vãng. Khóc khi chỉ còn một mình giữa gian phòng mênh mông, với lũ búp bê bày trong tủ kính, những chai thuốc, lọ thuốc lớn nhỏ, với những túi chườm tối tân và máy xoa bóp điện… tất cả những tiện nghi không thể bù đắp nổi khoảng thiếu vắng của một người đàn bà cô đơn.
Trần Phương nhìn vợ, và lập tức ông nghĩ rằng trong lúc này cần phải cứng rắn với bà: mềm nắn, rắng buông, loại đàn bà nào cũng thế. Ông bước vài bước lại phía bà, nét mặt trở nêm nghiêm khắc và cao ngạo:
- Tôi cấm cô được nói với tôi bằng cái giọng quan toà như thế. Cô đã giở trò ghen tuông bao nhiêu lần rồi, và những lần ấy cô đã thu được gì ngoài sự chê cười của đám đông ?...
Bà biết ông nhắc lại những lần dại dột của bà trong quá khứ. Đúng như vậy, lần nào ông cũng đã rũ sạch quá khứ, chùi nhẵn những dấu vết, lần nào ông cũng là kẻ vô can và bà biến thành trò cười trước sự giễu cợt của ông… Nhưng đã từng sống với ông, bà hiểu ông là một con mãnh hổ. Bà biết rằng ông đã đẩy bà ra khỏi cuộc sống tình ái củ ông vì ông có rất nhiều cuộc đời tình ái khác, vì trong con người ông không còn một góc cỏn con yêu thương dành cho bà, dù chỉ là những nhắc nhở của thời ân ái cũ… Nhưng bà yêu ông, thèm muốn ông, cuồng si vì ông. Và những ý nghĩ tỉnh táo chỉ tới với bà trong những cơn sốc tinh thần.
- Em biết anh là người vô tội.
Sau một lát im lặng, bà nói với giọng trở lại ôn hoà. Lúc này, nỗi đau đớn khiến bà tỉnh táo và khôn ngoan. Bà vừa nhìn thấy một lối đi mới, có khả năng dẫn bà tới đích.
- Xưa nay, đã nhiều lần em nhầm lẫn...
Bà nói thêm.
- Ờ... – ông đáp – Em biết được như thế là tốt. Sang hôm nay tốt trời, anh đã mua hoa cho em và dự định chúng ta cùng ra phố.
Ông mở sợi lạt buộc, chìa cho vợ những bông hoa còn long lanh nước. Bà Hoa đưa tay chấm nước mắt, nói :
- Em cắm hoa đây. Nhưng anh hãy nói cho em biết cô Phương Linh là ai ?
Trần Phương thấy hai thái dương nóng lên. Tên người đàn bà ấy gợi cho ông tình yêu và sự hiểm nguy trong cùng một giây phút. Ông hỏi:
- Ai nói với em điều đó?
- Bà Phượng.
- Bà Phượng là ai, chắc em biết rõ?
- Bà ấy là chuyện quá khứ rồi, nhưng em muốn hỏi anh người đàn bà hôm nay cơ.
- Bà Phượng ghét anh vì anh từ chối tình yêu cảu bà ấy. Đó là một kẻ hám danh. Anh không thể quý trọng những người không tự mình làm nên vinh quang nhưng muốn bám vào lưng một người khác để đạt tới danh vọng.
Sau câu nói ấy, ông muốn nhắc tới chức vụ của bà, chỗ đứng khó kiếm của bà trong xã hội... Giá như mọi lần khác, vợ ông sẽ thoả mãn lòng tự ái và nguôi cơn ghen giận ngay. Nhưng hôm nay, bà tỉnh táo hơn. Bộ mặt to bè của bà không xao xuyến, nó cứng như sành với cái chóp mũi đỏ tía nom thật khó coi. Bà cất tiếng hỏi ông, bình tĩnh và cương quyết:
- Anh đừng nói tới bà Phượng nữa, cô Phương Linh là ai?
Trần Phương nhún vai quay đi:
- Một người đàn bà tầm thường như mọi người đàn bà em đã biết.
- Nghĩa là anh không có tình ý gì với cô ta?
Bà gặng.
- Tất nhiên... như mọi lần em đã thấy.
Ông đáp.
- Nghĩa là anh hoàn toàn không đếm xỉa tới cô Linh, và cô ấy si mê anh một cách đơn phương?
Nhạc sĩ thấy hai tai nóng ran. Nhưng ông lập tức trấn áp cảm giác bằng ánh mắt dữ tợn chiếu thẳng vào mắt vợ:
- Nếu em lấy một người chồng tầm thường khác, em sẽ không có những thắc mắc ngớ ngẩn như vậy. Nhưng đã là vợ anh, em phải coi trọng sự say mê ngưỡng vọng của những người đàn bà khác với chồng mình là một vinh quang.
-Vâng.
Vợ ông gật đầu, mềm dẻo:
- Nhưng em chỉ muốn biết anh có yêu cô Linh không?
Trần Phương quay mặt về phía cửa sổ. Ở đó, một đôi chim sẻ vừa tha rác bay qua. Ông đáp:
- Không bao giờ.
- Nhưng lấy gì chứng tỏ điều ấy?
- Em nên hiểu rằng nếu muốn, anh có thể tìm những người đàn bà đẹp hơn, sang trọng hơn... Cô ta... cô ta chỉ là một nữ giáo viên bình thường.
Cặp chim sẻ bay qua cửa sổ lần nữa. Đôi mắt chúng như những hạt cườm, nhìn ông giễu cợt và khinh thị. Gương mặt xinh đẹp của Linh hiện lên ngoài khung trời với đôi mắt nâu lộng lẫy. Nhưng... “Xin em tha lỗi, đây là chuyện vặt cuộc đời”. Ông thì thầm với cô trong óc não.
Bà Hoa tiếp tục hỏi:
- Cô ta không biết rằng anh coi thường cô ta như thế nào?
Trần Phương đáp:
- Đàn bà không mấy người thông minh như thế.
Ông nhếch môi nở nụ cười khinh mạn, cùng lúc có một tiếng thét vụt lên trong óc não: “Con mụ phù thuỷ kia, cớ sao mi dày vò ta đến thế! Lẽ ra, ta phải ném mi xuống vực sâu từ ngày trên Việt Bắc...” Nhưng ngay lúc ấy, chính ông cũng hiểu rằng ông không đủ tàn ác để giết vợ, cũng không đủ lòng can đảm để từ bỏ bà, cũng không đủ tình yêu và lòng nhân ái để sống với bà cho thành thực...
Bà Hoa nói tiếp:
- Anh hãy đưa em tới gặp cô Phương Linh, để khuyên cô ấy đừng đuổi theo tình yêu đơn phương như thế, để bảo cô ấy đừng thọc tay vào nồi người khác mà xúc cơm.
Vừa nói vừa nhìn chồng, bà thấy mặt ông tái đi:
- Em điên à? Sao lại hành động kỳ quái thế?
- Chẳng có gì kì quái cả - Bà nói với vẻ mềm mỏng hiếm có, trong lòng run lên vì thù hận – Anh đã chẳng nói rằng anh không có lỗi đấy sao?
Trần Phương lắp bắp:
- Nhưng em đừng hành động điên rồ như thế - Ông chưa bao giờ ăn nói lúng túng. Bởi thế, những câu nói lắp bắp của ông lúc đó tố cáo tội lỗi và sự sợ hãi của ông. Bà hiểu rằng chồng mình đang run rẩy vì sợ thanh danh của người đàn bà yêu ông bị xúc phạm. Một khát khao dấy lên trong bà: “Đã thế, ta nhất quyết phải làm cho ra mọi lẽ...”. Bà nói với ông, giọng lạnh tanh:
- Anh phải đưa em tới gặp cô ta.
Trần Phương đưa mắt nhìn chóp mũi đỏ tía của vợ, cố nói cho ôn hoà:
- Em sẽ rất ân hận nếu bắt anh làm điều đó. Cô ta là một trong hàng ngàn cô giáo vô danh ở thành phố này. Em là một người phụ nữ có vị trí cao trong xã hội, dù không là vợ anh, cũng đã rất nhiều người biết tới tên em…
- Không, những thứ ấy không quan trọng. Anh hãy đưa em tới gặp cô ta.
- Đừng làm thế, anh cam đoan với em rằng đó chỉ là một người đàn bà tầm thường. Chúng ta không nên tự bôi nhọ thanh danh mình.
- Không.
Bà đáp với vẻ cứng rắn không ngờ. Xưa nay, bà vốn là người đồng bóng, cạn cợt. Lúc này, bà có vẻ ương ngạnh thấm sâu của một gã đàn ông. Trần Phương bắt đầu run. Ông biết mình sắp rơi vào cơn tuyệt vọng. Cặp mắt không lông mày của bà vợ hiển hiện trước mắt ông như hiển hiện của cái phần đắng cay nhất trong cõi đời. Phía bên kia hình ảnh đó là vườn hoa táo của tỉnh lỵ thời thơ ấu. Có một chàng trai hai mươi tuổi đa tình và khát sống, chàng trai đó chưa uống thoả giấc mơ yêu đương, chàng trai đó gọi tên Phương Linh, say đắm gương mặt thánh thiện và tâm hồn nồng nhiệt của cô, ngưỡng vọng từng ánh mắt nụ cười, từng lời nói bay qua làn môi xinh tươi ấy... Nhạc sĩ nuốt nước bọt khan, đắng ngắt. Vợ ông nói tiếp:
- Anh biết rồi đấy, em xây được, em phá cũng được. Em đã làm tất cả vì anh nhưng em cũng có thẻ tiêu diệt mọi kết quả ấy.
Tủi nhục và uất giận dâng lên, người đàn ông cất tiếng gầm:
- Cô im đi, cô đe dọa ai thế?... Cô cần hiểu rằng tôi tồn tại bởi những giá trị mà loại người như cô không bao giờ có được. Ném tước vị của cô đi, cô chỉ còn là mụ đàn bà đầu óc lộn xộn, tính tình đồng bóng, không kiếm nổi đồng xu mua gạo. Nhưng tôi không còn chức tước, tôi vẫn là nhạc sĩ và hoạ sĩ, người ta phải in tranh của tôi bán, và sử dụng những bản nhạc tôi viết ra...
Ngọn roi của ông mãnh liệt và chính xác. Bà Hoa biết ông đã vượt qua mảnh đất mình cai quản. Sự cứng rắn cùng những toan tính khôn ngoan rơi mất. Bà oà lên khóc, nức nở, tức tưởi như một người đàn bà thôn quê Việt Nam trước cách mạng bị ông chồng vũ phu phang cho một bắp cầy:
- Hu hu hu... Anh tàn nhẫn với em. Cả đời em chỉ biết có mình anh, anh chưa bao giờ thành thực với em cả...
Lúc bà khóc lóc, kể lể, Trần Phương nguôi cơn tức giận, ông đắn đo suy tính lại. Chiếc Moscovic trắng lại lướt qua mảnh sân bát giác, dưới những khóm trúc vàng óng. Đã bao lần, gá lái xe mở rộng cánh cửa cho ông. Thật kinh hoàng khi người ta phải rời bỏ một chiếc ôtô có người mở cửa chờ sẵn để ngồi lên một chiếc xe đạp hay xe máy bình thường. Tiếng ai đó thì thào bên tai: Leo cây đã tới ngày hái quả rồi, sao dại dột thế?... Tim ông nhói lên tựa hồ có cây kim nhọn đâm vào. Ông bước tới bên vợ, vỗ vào lưng bà:
- Thôi... đừng khóc nữa.
- Hu hu hu, em khổ lắm.
- Nín đi, nào ai làm gì mà khổ?
- Không...
- Anh đảm bảo với em là không có chuyện gì đâu.
- Nếu vậy, sao anh không đưa em tới gặp cô ta.
- Người ta cười cho... đừng rồ dại như thế.
- Không, anh phải đưa em tới gặp cô ta.
Bà Hoa liền nói thêm câu nữa, vừa nói vừa phấp phỏng sợ chồng nổi đoá. Nhưng quân xe thí vu vơ lại thắng, Trần Phương thở dài, đôi vai xuôi xuống trong một cử chỉ chán chường. Rồi quay mặt đi, ông đáp:
- Được rồi, nếu em muốn...
*
Nguyên trở lại nhà mình được hai hôm, cô Ngọc Minh tới. Lúc đó đang giờ cơm chiều, Nguyên vừa ăn bánh mì vừa cắm cúi đọc các bản tin tồn ứ từ ba tuần trước. Cô phóng viên gõ cửa ầm ĩ theo thói quen:
- Làm gì thế nhà đạo đức?
Chưa bước vào, cô đã cất tiếng hỏi giễu cợt. Nguyên lẳng lặng bỏ chiếc bánh mì ăn dở xuống bàn:
- Em ngồi xuống đi, anh pha nước trà nhé?
Minh cầm nửa chiếc bánh lên:
- Á à, cũng chơi trò bánh mì thay cơm chăng? Hoá ra anh cũng không chăm chỉ như em tưởng. Ngại nấu cơm một mình rồi à?
- Ừ, cũng ngại...
Ngọc Minh liếc nhìn người đàn ông rất nhanh, che đậy những thăm dò. Nguyên đã súc sạch ấm trà mang ra. Anh đổ chè, chế nước cẩn thận rồi ngồi xuống trước mặt cô:
- Em vừa từ toà soạn về à?
Cô cười cười:
- Chơi thôi, ba phần tư đời em dùng để rong chơi. Ba phần tư cái phần còn lại ấy để ngủ. Còn chút xíu kia để viết mấy bài báo ngớ ngẩn cho các anh.
Nguyên nhìn những vết nhăn nhỏ hằn trên trán cô, dù cô đã đánh phấn khá dày. Lâu nay, không hiểu sao, mỗi lần nhớ tới cô, anh lại hình dung ra ngay những vết nhăn đó.
- Nhìn gì em thế? Tìm các dấu vết để làm bài toán quy phạm đạo đức phải không?
Cô lại cười, ngạo mạn và khiêu khích. Bờ môi tô son đậm cong lên dưới chiếc mũi hếch. Nguyên cười hiền rót nước chè nóng ra hai chiếc cốc thuỷ tinh, bỏ đường và thêm vào lát chanh mỏng.
- Đã giống em pha chè chưa?
- Giống. Điều đó chứng tỏ phong cách sống của em mãnh liệt hơn anh và chế ngự anh.
- Ừ, cứ cho là như thế.
Ngọc Minh cầm khúc bánh mì Nguyên đang ăn dở, cắn ngon lành :
- Em đang đói ghê. Hôm nay có tiền, mình đến Tạ Hiển đi anh.
Nguyên lắc đầu :
- Anh còn một đống tài liệu phải đọc.
Minh cười xì qua kẽ răng :
- Đi với em sợ mang tiếng chứ gì ? Này, dẫu sao anh cũng đã mang tiếng rồi, dù có vớt lại cũng chẳng được. Và cô vợ anh cũng chẳng vì thế mà từ bỏ ông nhạc sĩ danh tiếng kia để quay lại với anh đau.
Nguyên cộm lòng, khó chịu nhưng anh lặng lẽ uống nước chè, không đáp. Minh nói tiếp :
- Hay lúc này là thời điểm anh phải ngồi đọc kinh? Tưởng niệm tới một lý tưởng cao siêu nào đó? Loại người như anh cũng giống lũ con chiên sùng đạo, ngày nào không đọc kinh là sợ bị rút phép thông công ngày ấy.
Nguyên vẫn im lặng uống trà. Cô phóng viên bực tức ngoạm từng miếng bánh lớn, với vẻ dằn dỗi. Khi đã ăn hết, cô kêu :
- Thà không ăn còn hơn, chẳng bõ bèn mà còn thêm đói… Vươn tấm thân nảy nở qua mặt bàn, cô nắm tay anh :
- Thôi, không chọc ghẹo anh nữa. Thay quần áo rồi đi với em. Nghe em nào, mau lên...
Nguyên từ tốn rút tay ra. Anh đáp:
- Minh thông cảm, anh không thể đi được.
Trong giọng nói buồn của anh, ản giấu vẻ nghiêm trang thâm trầm và sâu xa đến nỗi cô không thể đùa cợt được. Cô rụt tay về, ngồi xuống ghế:
- Sao anh khắt khe như vậy?
Anh nhìn vào mắt cô, trả lời:
- Mỗi người sống theo cách thức của mình đã chọn. Sự tiêu diệt hoặc thay đổi nếp sống cũng khó kăhn như người ta phải tự huỷ hoại thân xác để thay thế vào đó một hình hài khác. Anh đã cố gắng nhiều... Nhưng em thấy đấy, khả năng tự đổi thay của anh quá ít.
Cô kêu lên:
- Anh là kẻ nô lệ trung thành của những lề thói cũ. Tại sao anh không thể bỏ cái đống giấy lộn kia vài giờ để rong chơi với em? Cứ cắm cúi ngày nọ qua ngày kia làm gì? Đời ngắn ngủi lắm, khi anh kịp nhận ra thì nó đã hết rồi. Anh không biết điều đó hay sao?
Anh đặt bàn tay trùm lên bàn tay cô:
- Lý thuyết hiện sinh anh đọc nhiều hơn em. Em cảm nhận những điều đó bằng đời sống của em hơn là bằng suy tư, triết lý.
Minh kêu to:
- Em cần quái gì suy tư với triết lý?.. Loại trò ảo thuật đó chẳng nghĩa lý gì với đời sống con người. Con người phải được sống cuộc sống của mình, ấy mới là điều đáng nói.
Nguyên gật đầu:
- Thế cũng tốt, tuỳ em.
Ngọc Minh đứng lên, giơ cánh tay mời gọi:
- Vậy thì anh hãy đứng lên, đi đi nào.
Nguyên vẫn ngồi im, và cười:
- Anh không đi được.
Gương mặt anh dưới ánh đèn, giống như gương mặt của một chàng sinh viên trong học đường buổi tối. Vầng trán cao và sống mũi thanh tú khiến Nguyên có một vẻ đẹp trầm tĩnh, hơi mong manh. Lúc ấy, cô sững sờ nhìn anh, và cô biết khó có thể đùa cợt hoặc bước chân khỏi căn phòng của anh mà ra đi. Cô thả tấm thân phì nhiêu xuống ghế, hỏi anh bằng một giọng yếu ớt:
- Sao lại thế, anh Nguyên?
Nguyên lắc đầu:
- Người đàn bà chỉ có quyền năng với người đàn ông nào yêu họ. Nhưng… xin em thứ lỗi, anh không yêu em - Ngừng một lát, anh nói tiếp:
- Rất có thể em sẽ nói: Lại tình yêu, câu chuyện cổ tích ngu muội của loài người. Làm gì có tình yêu và lòng thuỷ chung, và sự tương hợp giữa hai tâm hồn?... Tất cả chỉ là những ngôn từ giả trá, lừa phỉnh nhân loại… Anh đã thuộc những lời lẽ của em.
- Đúng như vậy.
Cô gật đầu làm bộ ngang tàng, nhưng ánh mắt nhìn lại yếu ớt. Nguyên nhìn phấn son trên mạt cô phơi dưới ánh đèn, xa lạ và buồn thảm. Anh nói tiếp:
- Em vẫn cho rằng cuộc sống chung là bản giao kèo giữa hai người khác giống, sao cho cả hai bên đều toại nguyện. Khi các điều kiện thoả mãn họ không còn tồn tại, bản giao kèo kia sẽ được huỷ bỏ ngay. Nếu theo đúng luật tắc ấy, em có biết rằng anh chung sống được với em bao lâu không?
Cô nhìn anh ngay thật:
- Không, anh nói bao nhiêu lâu?
- Bốn ngày, đúng bốn ngày. Em có nhớ buổi sáng ngày thứ năm, một anh chàng vận động viên bóng rổ đã tới ôm lưng em trước mặt anh không?
Cô phóng viên nhíu mày lại, rồi bật lên tiếng:
- À à… Rồi, nhớ ra rồi. Cậu Quỳnh tồ.
Nguyên tiếp:
- Không người đàn ông nào có lòng tự trọng lại coi chuyện đó là bình thường cả.
Ngọc Minh bĩu môi :
- Lại sở hữu, lại những thứ trò phong kiến sặc sụa mùi…
Nguyên cắt lời cô, nói tiếp. Dường như anh không để ý tới các phản ứng và lời lẽ của Minh :
- Nhưng anh đã tiếp tục chung sống với em vì anh nghĩ rằng chúng ta có thể mài bớt cá nhân mình để hoà nhập vào nhau. Vì anh cảm ơn lòng tận tuỵ của em lúc anh đau ốm. Vì anh biết chắc rằng em là người đàn bà tốt bụng, em không lợi dụng bất kỳ ai trong các mối quan hệ hoặc gần hoặc xa, em không tị hiềm, ganh ghét kẻ này, người khác. Nói cho dễ hiểu, em sống hồn nhiên với bản năng không kiểm soát. Em tự giải phóng cá nhân tới mức gây hiểm nguy cho chính bản thân mình.
Ngọc Minh lắc đầu :
- Chẳng có hiểm nguy nào hết, em bất chấp.
Nguyên từ tốn nói tiếp :
- Sẽ tới lúc em phải lãnh chịu hiểm nguy vì người đàn bà nào cũng muốn bảo toàn hạnh phúc của họ. Giống như những con chim mái che chở cho những quả trứng đang ấp dưới bụng nó. Mà em thì bay lượn hết tổ này tới tổ khác, chơi cái trò đánh cắp những quả trứng mình không tự đẻ ra.
- Thế anh cũng muốn em đắm đuối như những con chim mái kia à ? Suốt đời xù lông ra bảo vệ tổ, xơ xác như nắm giẻ rách, chẳng biết khoảng trời tự do dài rộng bao nhiêu. Em không muốn em trở thành tù binh của một con chim trống nào hết, cho dù đó là vua của loài chim.
Cô gần như hét vào mặt anh những lời nói chuối cùng, nước bọt cô bắn vào má Nguyên, anh lặng lẽ chùi và nói tiếp :
- Anh không cản trở em sống theo cách sống của em. Nhưng anh không thể tiếp tục gắn bó với em nữa. Chúng ta là hai kẻ đứng hai bên bờ vực, và không có cây cầu nào nối hai bờ vực đó lại được.
Cô ngồi im, trân trân nhìn anh. Anh cũng im lặng. Thời gian trôi qua khoảng không gian nặng nề ấy. Rồi anh ngẩng đầu lên:
- Em có uống nước chè nữa để anh pha?
Cô không đáp mà lầm bầm:
- Anh đã ra đi không một lời từ giã. Chơi cái trò ấy xấu thật. Chẳng quân tử chút nào.
- Cũng có thể như vậy là xấu – Nguyên đáp – Nhưng anh đã cảm thấy mình bị sỉ nhục.
- Tại sạo lại là sỉ nhục?
- Một khi anh chung sống với em mà em lại có... Và các mối quan hệ buông tuồng cũ không chấm dứt... Và...
- Anh cổ lỗ quá – cô cướp lời anh với vẻ hùng hồn - Cả một đống xích xiềng phong kiến quấn chặt lấy đầu anh. Thằng lỏi dó dễ thương lắm mà.
Nguyên ngạc nhiên, anh lắp bắp hỏi:
- Thế, cả ông chuyên viên sinh học kia nữa?
Minh gật đầu:
- Ờ, tay ấy thông minh tuyệt diệu. Một khối óc điện tử không sánh kịp, em đã nói với anh rồi mà.
Anh loé lên một ý nghĩ, và không kịp đắn đo, anh vụt nói ra:
- Có nghĩa rằng cùng một lúc?...
- Thì đã sao, nếu không ảnh hưởng gì tới anh?... Tại sao anh cứ bị đóng đinh vào một ý nghĩ xuẩn ngốc như vậy? Trước kia em tưởng anh đóng vai đạo đức giả, nhưng giờ em hiểu rằng anh ngốc thật. Ta có thể yêu nhiều người khác nhau được chứ, bởi lẽ mỗi con người có một vẻ đẹp riêng.
Nguyên ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:
- Tới giờ anh mới thực hiểu em. Giá trước đây vài năm, có ai nói những lời lẽ như em, anh đã bỏ đi chỗ khác. Giờ, anh nghe được, và anh thấy em cũng có lý. Đã tới lúc, chúng ta phải hiểu rằng chân lý được nhìn từ nhiều phía khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Nhưng chắc chắn rằng anh không chung một ý tưởng với em, anh không có nhu cầu cùng một lúc yêu thương vài ba người đàn bà và cùng sống hết mình vì họ.
- Kì quái thật...
Ngọc Minh lẩm bẩm.
- Tại sao lại kì quái?
Anh hỏi.
- Những ý tưởng của anh – Cô đáp lại - Trước đây em ngỡ rằng mọi người đều sắm vai đạo đức giả. Thật sự họ cũng muốn giải phóng khỏi mọi trói buộc và các ước lệ xã hội. Thật sự họ cũng muốn thoả mãn những thèm khát giấu kién sau tấm bình phong mô phạm. Từ giờ trở đi, có lẽ em trừ anh khỏi số người ấy
Nguyên lắc đầu:
- Em nhầm, chẳng có ai sống chon von như cái tổ chim trên mỏm đá hết. Nếu con người không là thành viên của một đám đông, môt lớp thì cũng thuộc một nhóm nào đó có những quan niệm sống và sở thích giống như họ.
Anh ngừng lại, nhìn cô chăm chú mà nói tiếp:
- Trong nghề nghiệp em thông minh, nhưng trong đời sống lại đơn giản. Em cứ nghĩ rằng toàn thế giới này đều suy nghĩ như em, có sở thích như em nhưng không dám sống như em vì hèn nhát và sắm vai đạo đức giả. Đó mới chính là điều kì quái.
Ngọc Minh ngẫm nghĩ và nói:
- Kể ra, em cũng còn ngờ vực những đièu anh nói.
Nguyên đáp:
- Cái đó là quyền của em. Nhưng giá như anh giống em, có sợi dây nào níu kéo anh ở lại căn phòng lạnh lẽo này?... Lý do gì kìm giữ một người đàn ông khoẻ mạnh và tự do...
Anh ngừng lại vì sực nhớ tới cảm giác ghê tởm trong lần cuối cùng gần gũi cố. Cô lúc đó hệt như đứa bé háu đói, mải mê ăn và cõi đời chỉ tồn tại trong miếng bánh đó thôi, ngoài ra thảy đều là sa mạc hoang vu, trơ trọi. Cảm giác ấy không thể nói được, nhưng nó lặn sâu trong ấm ức của con người và quyết định hết thảy. Anh vẫn chăm chú nhìn cô. Hai quầng mắt xanh lơ bôi không đều, bên to bên nhỏ khiến cô na ná một cậu hề. Nguyên bỗng bùi ngùi, anh nói:
- Trong tình yêu, người ta cần sự say mê, nhưng cũng cần cả lòng kính trọng. Trước đây, ai đó bảo anh rằng chỉ cần người đàn bà khâm phục, trọng nể người đàn ông thôi, hạnh phúc sẽ bền vững. Nhưng bây giờ, anh biết rằng điều ấy không chính xác. Hạnh phúc khó hơn. Nó bước trên cây cầu mong manh, cheo leo không tay vịn. Nó phải tự giữ thăng bằng trên cây cầu hiểm nguy đó. Và muốn thế, phải tựa trên những trọng lực cân bằng của cả hai bên...
Ngọc Minh đỏ mặt lên, hẳn cô tức tối và hổ thẹn. Nhưng chỉ một giây sau, cô xì qua kẽ răng:
- Lý luận suông. Loại người như anh không làm được việc gì hơn là nhai đi nhai lại những đống giẻ rách từ hàng chục thế kỷ trước. Đời sống ngoài kia kìa...
Cô giơ tay chỉ về phía cửa sổ trông xuống phố:
- Đời sống là vàng ròng, còn thứ lý luận nào cũng như bắp cải thối.
Sau khi đã ném một lời thô tục, cô khoác chiếc sắc giả da vào vai, đứng lên:
- Thôi nhé, xin chào. Dẫu sao, anh cũng là người tử tế nhất trong đám bồ của em. Tưởng tối nay vào đặc sản hoá ra lại phải ngồi lảm nhảm những điều vô bổ... Rõ thật buồn...
Không chờ anh đáp lời, cô quay đi. Nguyên nghe tiếng bước chân của cô nện xuống các bậc thang ầm ầm. Lòng chợt cuộn lên niềm ân hận, anh bật đứng lên chạy theo cô. Hành lang tối om, hơi gió lùa vào mặt anh lạnh lẽo. Nguyên quay vào, tới ô cửa sổ để nhìn xuống phố, Nguyên đã đạp xe được một đoạn. Chiếc Mifa láng cháng ven bờ hè. Mọi ngày, cô đạp xe ngổ ngáo như đứa bé mười sáu tuổi, tay khuỳnh khuỳnh, đầu hất cao, thỉnh thoảng lại cất tiếng huýt sáo. Lúc này, trên đường phố lạnh và vắng trông cô lẻ lôi. Nguyên đóng cửa. Anh vội vã thay quần áo, đạp xe theo cô.
Khi tới nhà Ngọc Minh, anh thấy cô đã nằm xoài trên giường, mặt úp xuống gối. Quần áo còn nguyên chưa thay, hai tay dang như tay ếch, và cô khóc hu hu như đứa bé bị đòn oan. Nguyên biết Minh có thói quen đi làm về không thèm đóng của đã tuột quần áo ra thay. Lúc này, chưa kịp đóng cửa cô cũng đã oà lên khóc. Thật khó tìm được một người đàn bà tính nết như vậy. Nhưng anh thương cô, cái tính đểnh đoảng vụng dại ấy chẳng có gì đáng trách. Điều quan trọng với anh không phải những khuyết tật được đánh giá bởi con mắt người đời. Anh sẵn lòng tha thứ cho cô hết thảy... Nhưng anh không thể tha thứ được chnhs con người cô. Bên dưới những ý tưởng về tự do, về quyền sống mà cô lặp lại sách vở một cách vô cùng tinh nhạy và thông minh, cô chính thức là một người đàn bà hoang dã. Con người trong trắng và tốt đẹp của thời mông muội xa xưa. Người đàn bà trung thực tới tận cùng, sự trung thực trong vương quốc của bản năng được tháo cởi không điều kiện. Có lẽ, trong quãng thời gian sống với cô, một hình ảnh đã dần dần hình thành và lặn sâu trong những lớp sóng lạnh lẽo của ý thức: hình ảnh người đàn bà trần trụi đứng bên bờ iển, vừa đơn côi vừa mạnh mẽ, vừa nhỏ bé vừa ù lì giữa thiên nhiên hùng vĩ man sơ, nơi muông ngàn lớp ống cô liêu dào dạt xô tới, nơi bà cát chưa in dấu chân của con người...
Cánh cửa bị gió giật đập vào tường ầm ầm. Ngọc Minh vẫn khóc nức nở. Toàn thân cô rung chuyển trong những con nấc dài. Dưới chân giường, trên lớp chiếu cói trải sàn lăn lóc vài chiếc vỏ chai. Một đĩa sứ còn sót vài mụn lạc lép cháy đen. Khắp nơi, những mảy vỏ lạc bay tơi tả... Hồi Nguyên còn sống với Minh,d dã bao lần anh thu dọn những bữa tiệc rượu lớn nhỏ như thế này. Chắc hẳn, khi cuộc vui đã tàn, đám đàn ông tụ họp quanh mâm rượu đã trở về mái nhà của họ, cô mới chợt thấy buồn và nhớ tới anh. Và cô thấy sự mất mát lớn hơn cô đã tưởng. Và bản tính dịu dàng, khoan dung, nhân nại... anh đã khơi mở trong cô niềm khát khao về một cuộc đời êm ấm và chừng mực, cuộc đời cô chưa kịp nhận ra. Trong con người lang bạt của cô vẫn còn chỗ trú ẩn cho một người đàn bà bình thường của đời sóng. Và trái tim đã bị ném vào quên lãng để nhường lại quyền năng cho đời sống nhục thể mộet ngày lạnh giá lại thoi thóp đạp, đòi tra rlại cho nó quyền sở hữu. Không, Nguyên đâu còn thơ dại nữa, anh đã tìm thấy dưới lớp vỏ trơ tráo kiêu căng, ngổ ngáo kia tình yêu của một người đàn bà... Anh thương cô. Nhưng không thể yêu cô. Tình yêu, không thể cố gắng mà có được. Hẳn rằng thời thanh xuân, cô cũng đã trong trắng như mọi người con gái khác, và cái bản năng hoang dại trong máu huyết của cô đã ngủ ngoan như bầy gia súc về chuồng. Nhưng cô đã gặp quá nhiều người đàn ông tinh ranh và ích kỷ. Họ đã khai thác cái cơ thể tràn trề sinh lực của cô và dạy cô rằng đó chính là thiên đường chân thực, rằng tình yêu chỉ là những giả thuyết lừa mị con người, rằng đời sống ngắn ngủi như một xấp giấy bạc, nếu ta không tiêu đi sẽ có ngày nó trở thành giấy lộn, rằng cô là nữ hoàng của tình ái và tự do... Những lời lẽ đó phỉnh nịnh lòng kiêu ngạo của cô và biến đời cô trở thành một quán trọ thú vui đầy tự nguyện... Nhưng giờ đây, đám người ấy đã tan biến như bọt xà phòng. Và cô còn lại một mình, trong căn phòng này, với những cơn nức nở, với những mảnh vỏ lạc bay tơi tả khắp nơi. Cô, người đàn bà tự tin rằng mình đã hoàn toàn được giải phóng, giờ đang mặc kẹt giữa các cạm bẫy của dục vọng, làm gì có thứ tự do ảo vọng ấy? Nó giống như lớp phấn phủ lên những nếp nhăn ở trán và mép cô. Chỉ cần gạt nhẹ, sẽ rơi hết...
Nguyên định vào nhà, an ủi Minh. Nhưng anh biết rằng điều đó chẳng ích gì. Người đàn ông đứng thêm mười lăm phút nữa rồi lên xe về.
Sau đấy vài ngày, Ngọc Minh lại tới tìm anh. Lần này, cô không còn giả bộ kiêu căng, hợm hĩnh. Cô nói thẳng:
- Em yêu anh, em cần phải có con với anh. Một đứa con trai có gương mặt nghiêm nghị và tâm hồn dịu dàng như anh. Chúng ta không cần đăng kí, sẽ tới lúc nhà nước coi mọi đứa trẻ đã sinh hongieacnh vahaang nhora trên đời này có quyền lợi ngang nhau.
Nguyên từ chối. Cô khóc oà lên và trút xuống đầu anh những lời lẽ thô lỗ, gay gắt. Ngày ngày, cô chờ trước cửa toà báo để về cùng đường với anh. Cô may cho anh một lúc năm bộ quần áo hợp mốt, chỉn chu hơn bất cứ người vợ chỉ chu nào. Nguyên vẫn từ chối. Anh là người nguyên tắc. Sự lạnh nhạt của anh giống như bức tường dựng lên trước mặt cô. Đầu tiên, cô hung hăng xông tới, thu hết sức lực đạp cho kì được. Nhưng xi măng quá rắn. Lúc ấy, có một bức tường khác hiện ra ngay trên đường. Với lòng hiếu thắng của một chú ngựa non, cô chuyển mục tiêu sang bức tường cao hơn, đồ sộ hơn để chứng tỏ uy lực của mình...
Hai tháng sau, Nguyên gặp cô đi với một chàng trai cao thước tám, có bộ râu đen nhánh, và đẹp như tài tử điện ảnh. Họ tới Nhà hát Lớn xem trình diễn vở kịch mới. Cô giơ tay chào anh từ xa và hét toáng lên:
- Chào nhà đạo đức. Thế nào, anh vẫn cầu kinh chăm chỉ đấy chứ?
Nguyên mỉm cười, gật đầu chào. Rồi anh tìm ghế của mình.