Chương 2
Tác giả: Dương thu Hương
Một ngôi nhà chênh vênh bên bờ biển là hình ảnh tiêu biểu cho tính phiêu lưu của đời sống. Bởi vì, có thể trong khoảnh khắc, vào giữa giấc mơ ngắn ngủi của con người, một lượn sóng thần sẽ ào tới và cuốn tất cả xuống đáy bùn sâu. Thành đã nghe nhiều ông bà già trong làng kể lại những năm sóng thần xuất hiện, và những năm ấy từ những ngôi đền to lớn tới mái lều cỏ rưởi đã biến đi như phép màu dưới làn nước tàn nhẫn. Không ai chống đỡ được sức mạnh khủng khiếp của tạo hóa. Tất cả những gì người ta gom góp vun vén tạo dựng trong bao nhiêu tháng năm đằng đẵng phút chốc trở thành cát bụi. Cả làng chỉ còn sống sót mươi lăm người, nhờ lúc tai biến đang ở một nơi nào đó. Những kẻ bất hạnh về làng, nhìn cái hố cát trơn trọi trước đó là tất cả đời sống, tất cả hạnh phúc và đớn đau của họ. Họ khóc chừng vài tiếng, thắp vài tuần hương và lại bắt đầu dựng nên những mái cỏ rưởi trên chính cái nền cát tai ương…
- Đời sống thật kì vĩ và phi lý. Tại sao người ta không làm nhà sâu trong đất liền?… Dân chài phải sống nhờ chài lưới. Họ không thể ở quá xa mép nước, nơi những con thuyền trút xuống tôm cá và họ có nhiệm vụ chuyển chúng tới xưởng chế biến nước mắm hoặc thị trường tiêu thụ. Bởi thế, họ phải chấp thuận hiểm nguy. Và giá trị của đời sống được đo bằng chính những hiểm nguy nó phải trả…
Họa sĩ nghĩ. Anh hít một hơi dài làn không khí nồng nặc mùi biển, thấy dễ chịu. Cách nơi anh ngồi chừng dăm bước chân những lưới sóng trắng rập rờn liếm vào bờ cát, khẽ và êm. Chỉ có tiếng sóng dạt dào của thủy triều từ những hõm đá phía xa vẳng lại. Thành ngước nhìn lên vách đá cuối bãi cát, anh thấy sợi dây treo lơ lửng giữa mỏm núi và mặt biển đã nở từng chùm hoa màu nghệ. Dưới nắng chiều, chúng giống như những đốm lửa rực rỡ thắp trên nền lam thẫm ẩm ướt và tối tăm của vách đá, chúng gợi cho ta cảm giác tưng bừng của những hội hè lướt qua như tia chớp trong đời.
- Chú Thành, vào uống rượu thôi.
Ông giá Ớt cất tiếng gọi.
- Vâng.
Thành đáp, nhưng anh còn tiếc cảnh hoàng hôn lộng lẫy bên ngoài. Ông già bước khỏi lên, nhìn họa sĩ:
- Thôi được, để tôi đem đồ ăn ra ngoài này cho chú coi đất coi trời.
Rồi ông quay vào, xách mấy con hùm nướng, chai rượu với hai chiếc ly thủy tinh ra. Họ ngồi lặng lẽ bóc tôm ăn, chốc lát lại nhấp một ngụm rượu. Lúc này, mặt trời xuống thấp hơn, thổi là là trên đại dương làn hơi óng ánh bụi vàng. Từ con thuyền tới những hòn đảo nơi chân mây đều bị vây bọc bởi đám bụi ấy. Bãi cát nghiêng ửng lên như ngàn ngàn vụn thủy tinh bị phản chiếu, những tia vàng nhảy nhót không ngừng. Cả lớp bọt sóng cũng ướt đẫm một sắc vàng tươi thắm và mong manh. Thành bỗng có cảm giác rằng nếu có một kẻ thô lỗ nào đó, cất tiếng nói to là cảnh đẹp tức khắc sẽ tan biến như ảo giác, anh sẽ không còn tìm được nó trong những buổi chiều mai sau. Họa sĩ bỏ ly rượu xuống, đăm đăm nhìn ra khơi. Lúc đó, một con thuyền cập bến. Đám dân chờ đợi ập tới bắc ván, buộc thừng vào cọc và giúp những người trên thuyền chuyển cá xuống bãi. Một thiếu nữ da ngăm ngăm tách khỏi đám đông, xách con cá song đi về phía lều:
- Ai kia nhỉ:
Ông già Ớt cất tiếng hỏi, mắt nheo lại dướn nhìn. Rồi ông à lên một tiếng và tự trả lời:
- Con Huyến.
Họa sĩ quay lại. Đó là một thiếu nữ chừng mười lăm, mười sáu tuổi. Cô ta không phải dân ở đây. Con gái làng chài thường có vóc dáng thấp đậm. Cô gái này mảnh khảnh và mềm mại hơn nhiều. Vả chăng dáng đi của cô từ tốn, uyển chuyển như dáng đi của các cô gái thành phố. Ở đây, quen sục chân vào cát nên ai cũng có dáng đi băm bổ, đầu chúi về phía trước như con thuyền rẽ nước, chống chọi lại sức cản lì lợm của thiên nhiên.
- Cô gái ngày không phải người làng, đúng không bác?
Thành hỏi ông già
- Phải – Ông Ớt gật đầu – Chú giỏi đấy. Nó là cháu ngoại ông Phồn bạn nối khố của tôi. Con bé ở ngoài phố về. Lần nào nó cũng tơi thăm tôi.
Thiếu nữ đã tới chân dốc cát, cô ngước mắt lên nhoẻn miệng cười, Thành thấy tim mình nhói lên vì nụ cười ấy. Nó giống nụ cười người đàn bà trong quá vãng của đời anh đến sửng sốt.
- Ông ơi i i…
Thiếu nữ cất tiếng gọi.
Ông đây.
Ông già đáp lời, giơ tay vẫy cô bé. Chừng dăm phút sau, cô đã tới đứng trước mặt họ, hai má đỏ ửng, mũi lấm tấm mồ hôi:
- Ôi, lâu ngày cháu không leo dốc, mệt ghê.
Thiếu nữ hổn hển nói và nhoẻn miệng cười với Thành thay cho một lời chào:
- Đấy là chú Thành, làm nghề vẽ ngoài Hà Nội.
Ông Ớt giới thiệu. Cô bé đáp:
- Dạ.
Rồi ngồi xuống bên ông già, nói:
- Thuyền cậu Lập vừa về, cháu thấy con song này ngon quá đem lên cho ông. Bây giờ nướng hay là nấu cháo ạ?…
- Nấu cháo con à – Ông già trả lời – không có lá thơm nhưng còn khối ớt và tiêu.
Cô bé chui vào lều, ra phía sau. Thành nghe tiếng lách cách đụng chạm của dao, thớt, xoong nồi. Chỉ mươi phút sau, mùi cá luộc thơm khói cỏ đã bay tới nơi anh ngồi, rồi cô bé bước ra:
- Cháo sôi rồi ông ạ, cháu ủ than cỏ cho chín.
- Ờ, ngồi xuống ăn tôm đi. Ông vừa nướng còn ấm đấy. Chờ cháo chín rồi ta cùng ăn.
Ông cụ nói.
- Không đâu…
Cô bé lắc đầu: Cháu ngồi chơi với ông tẹo nữa thôi. Mợ Lập cháu bảo phải về ăn cơm nhà. Hôm nay có kị mà…
Thành nhìn gương mặt thiếu nữ, anh thấy một đôi mắt đen với những sợi mi thưa, chiếc mũi nhỏ lấm tấm tàn hương, khuôn miệng tròn, môi hơi dày và mọng hệt khuôn mặt người đàn bà đã đi qua đời anh như một kẻ lãng du lang thang bước qua những căn phòng của một lâu đài rồi nhảy vọt qua cửa sổ mà biến mất.
Thiếu nữ thấy anh im lặng nhìn mình thì mỉm cười và nói:
- Chú về quê cháu vẽ biển à?
- Vâng.
Họa sĩ đáp lại. Ông già thoáng đưa mắt nhìn anh.
- Biển quê cháu đẹp không chú?
Cô gái hỏi.
- Đẹp chứ.
Họa sĩ trả lời.
- Thế chú có vẽ người không ạ?
Cô bé hồn nhiên hỏi tiếp.
- Có chứ… Cũng đôi khi…
- Vậy ngày mai chú vẽ cho cháu một bức nhé – Cô bé reo lên. Cô chưa đủ sức phán đoán và suy xét sự đời – Cái Mai bạn cháu cũng được một chú họa sĩ quân đội vẽ cho một bức đẹp ơi là đẹp. Chả là chú ấy về trường cháu chơi.
- Vâng… Nếu sáng mai…
Thành nhếch môi gượng gạo đáp. Cô bé nhanh nhảu đứng lên, phủi những hạt cát bám ở quần và nghiêng đầu cười:
- Sáng mai cháu tới đây. Chú đừng đi đâu đấy nhé…
Cặp mắt đen sáng ngời lên, cô cất tiếng chào ông già, lanh lảnh như tiếng chim lúc rạng đông rồi chạy xuống dốc.
Chờ cho cô bé đi thật xa, ông Ớt bảo Thành:
- Chú có chuyện gì với đám đàn bà, con gái phải không?
Họa sĩ im lặng. Anh ngạc nhiên vì sự tinh nhạy trong tâm hồn người dân chài từ lúc chào đời tới sáu mươi bảy năm sau cũng không rời khỏi cuộc sống của muối, cát và sóng. Ông Ớt uống một ngụm rượu nữa rồi nói:
- Hồi tôi còn trẻ ấy mà… cũng có một đứa con gái thọc dao ngoáy vào ruột tôi. Tôi thù cô ả tới dăm năm sau cũng chưa nguôi… Nhưng đừng giận cá mà chém thớt…
Ông đứng lên, vào trong lều lục đục lúc lâu rồi bưng nồi cháo ra:
- Định chiều nay thổi cơm nếp ăn với tôm khô kho, may lại có nồi cháo. Chú có chịu được qua đêm không?
- Được chứ. Ở nhà, cũng có bữa cháu chỉ ăn một bát phở mà nhịn tới trưa ngày hôm sau.
Họ ăn cháo nóng, với hạt tiêu và ớt hăng xè. Thành lau nước mắt liên tục, nhưng anh cũng đã cảm thấy thứ cháo cá nguyên khúc nấu với gạo hạt có vị ngon riêng biệt mà loại cháo bột cầu kỳ ở thành phố không sánh được. Lúc họ ăn xong, mặt trời đã lặn, gió mạnh và ẩm ướt hơn. Bầu trời tím như cánh bèo trên mặt ao cuối thu và mấy vì sao lấm tấm bạc nổi lên phía trên mép nước đen nhòa nhợt của chân trời. Ông già Ớt mang thứ trà đen địa phương ra đãi Thành. Sau đó, ông vào lều ngủ. Vừa đặt lưng, ông đã ngáy như sấm. Thành nằm sát cửa lều, kéo tấm chăn dù dã chiến che tận cằm tránh sương. Những ngôi sao lần lượt hiện lên trước mắt anh. Trên nền trời đen nhung. Biển đang lên tiếng ầm ì bí ẩn. Côn trùng rỉ ran trong cát, trong các đám cỏ trinh nữ và rau muống biển, Thành chợt thấy trong anh một khoảng trống trơ trụi như hoang mạc, một hố sâu không đáy và cảm giác ấy khiến anh não lòng:
- Mình đã trở thành một kẻ bệnh hoạn. Ngay cả một ông lão chất phác như ông già Ớt cũng nhận thấy sự bệnh hoạn của mình. Phải chăng người đàn bà ấy đã đẩy anh chàng Thành ngày xưa tới gã họa sĩ nằm đây?