Chương 1
Tác giả: Dương thu Hương
Khoảng ba giờ chiều, cơn lốc bất thần ập tới. Các đám lá úa lẫn bụi cát xoáy tròn trong khuôn viên. Cây cối bò rạp dưới làn gió chà xát từ mọi xó xỉnh, những mảy lá me vàng lấm tấm… tất thảy đều bị cuốn lên, bay tơi bời trong khoảng không.
- Chuyển tất cả vào hành lang. Chú ý những chiếc giá gỗ, gãy một chiếc là toi hai ngàn bạc đấy…
Họa sĩ Thành hét to. Miệng anh đầy cát ngay tức khắc. Thành ho, quỳ xuống thu dọn thuốc màu và những cây bút vẽ tung tóe trên cát sỏi. Đám sinh viên mỹ thuật, học trò anh đang hối hả tháo gỡ các tấm panô, khiêng vào hành lang nhà bảo tàng. Họ nhận trang trí cho một cuộc hội nghị quan trọng về công tác truyền thống sẽ khai mạc sau ngày quốc khánh. Khắp khuôn viên, người ta đã treo từng dãy cờ đuôi nheo ngũ sắc lẫn những tràng hoa giấy rắc bụi trang kim. Dọc các hành lang, những ngọn đèn lồng lụa đỏ vừa được lấy trong kho ra quét bụi, tô điểm lại, đung đưa một cách mãn nguyện. Trước bậc tam cấp chừng mười thước một mô hình lớn dựng dở dang, chắc chắn chỉ vài giờ nữa sẽ hoàn tất… Vậy mà cơn lốc lại ào tới, mọi việc trở nên khó khăn.
- Thời tiết quái quỷ…
Thành càu nhàu, rút mùi soa lau tóc. Những hạt mưa giáo đầu thấm ướt tóc anh. Giờ này, gió đã giảm bớt cơn cuồng nộ, những cột bụi tan biến dưới lớp nước trắng. Mưa thực sự. Mưa thu xa vắng và lạnh. Họa sĩ ngồi xuống chiếc ghế dài kê àp tường hành lang, ngắm bầu trời mờ đục trên khuôn viên… Bất chợt, anh cảm thấy thoáng một ánh mắt nào đó lướt qua mình, giống gợn gió may rất nhẹ, rất mau gần như ảo giác nhưng vẫn cảm nhận được. Thành quay lại, và anh thấy người đàn bà đó. Chị còn nhìn anh thêm một giây nữa, thản nhiên và điềm tĩnh như nhìn chiếc lá rụng ngoài cửa sổ. Rồi, chị cúi xuống trang sách đang đọc.
Thành ngạc nhiên, chưa ai nhìn anh với ánh mắt dửng dưng như thế. Anh là một người đàn ông đẹp theo khuôn mẫu lý tưởng của thời đại, một vẻ đẹp nhuốm chút ít dãi dầu, chút ít khinh mạn và sự từng trải về tâm hồn được đặt trong một thể chất dẻo dai. Xưa nay, Thành vẫn quen nhìn đàn bà với vẻ dửng dưng đúng như người đàn bà đã nhìn anh. Anh vẫn quen thấy đám thiếu nữ và thiếu phụ si mê, ngưỡng mộ mình. Họa sĩ châm thuốc, ngoảnh mặt ra ngoài khuôn viên làm bộ ngắm nghía cảnh trời. Nhưng con mắt thật của anh lại hướng về người đàn bà ngồi cách anh chừng mươi bước chân, đang cúi đầu xuống cuốn sách.
- Jađich của Von- te… Cô ta có vẻ là người ham đọc. Dung nhan không có gì đặc biệt, một vẻ xinh xắn bình thường nhưng bền vững. Vầng trán sáng, đôi mày đều đặn không dày không thưa, khuôn miệng…
Thành thầm đánh giá thiếu phụ theo thói quen nghề nghiệp. Chị đã hoàn toàn chú tâm vào trang sách. Tự nhiên anh nóng má, lòng tự ái bị xúc phạm. Anh thấy ghét người đàn bà ấy. Anh rít thuốc, chiếu ánh mắt vào chị một cách khiêu khích.Nhưng chị không mảy may để ý tới anh. Ngón tay út xinh xẻo máy động trên mép giấy, mấy ngọn tóc mai gợn sóng bên tai, hai tràng mày khẽ nhíu lại trên tinh mũi và vẻ mặt chị chứng tỏ toàn bộ trí não chị đang rượt đuổi những ý tưởng, những cảnh trí mà chị khám phá được giữa các dòng chữ. Chị trạc ba mươi tuổi, có thể hơn hoặc kém chút ít. Một thân thể gọn gàng tươi mát. Một tấm sơ mi cắt rất khéo màu da trời với một chiếc quần Jean nhung xám nhạt. Chiếc túi lưới đặt trên ghế, nhìn rõ những cuống sách lẫn với sổ tay và một mảnh len đang đan dở bên trong. Mọi thứ khiến người ta hình dung tới một cuộc sống chỉnh chu, nghiêm túc nhưng thiếu vắng.
- Có lẽ là cô ta chưa có gia đình. Nếu là vợ, ắt hẳn trong túi lưới có một gói bột đậu, một gói thực phẩm khô hoặc dăm ba gói thuốc lá…
Thành đoán vẩn vơ. Anh chợt thấy mình đã chú ý quá nhiều tới người đàn bà chưa quen biết kia, điều đó khiến anh nổi cáu.
- Vớ vẩn…
Anh tự mắng mình. Ném mẩu thuốc cuối cùng vào sọt rác, anh châm luôn điếu thứ hai và cất tiếng gọi:
- Quỳnh ơi…
Từ đầu hành lang đằng kia, nơi đám sinh viên đang túm tụm chơi cờ, một cháng trai bật đứng lên:
- Thầy gọi em?
Miệng hỏi, chân cậu thanh niên chạy tới với Thành:
- Cậu chơi cờ à?…
Thành hỏi cho có chuyện. Chưa kịp nghe Quỳnh trả lời, anh đã rút điếu thuốc nữa và bảo:
- Ngồi xuống đây và hút thuốc đi.
Chàng trai nhìn anh:
- Mọi ngày thầy vẫn bảo em đừng hút thuốc cơ mà?
Thành gật đầu:
- Nhưng hôm nay trời mưa. Có thể phá lệ thường… vì trời mưa người ta dễ buồn hơn…
Anh giải thích trước ánh mắt tò mò của cậu trai trẻ. Rồi lặng lẽ hút thuốc, không nói gì thêm. Quỳnh cũng lặng lẽ hút thuốc chờ đợi. Đối với cậu cũng như đối với số đông sinh viên trong trường, Thành là một thần tượng. Phải nói rằng, anh là một thần tượng quá hiếm hoi trong cái thời buổi mà học sinh mười ba tuổi đã biết xét nét từng cử chỉ, đã biết đánh giá từng lời nói của ông thầy dạy nó trước khi dành cho ông ta lòng kính trọng hay một sự khinh khi thầm kín. Đối với lớp thanh niên ngạo ngược, gây cho họ niềm tin còn khó khăn hơn. Thành là một họa sĩ tài năng, đó là ưu thế trước hết để anh chinh phục học trò. Thứ nữa, anh là một con người trung thực và đủ sức mạnh chống trả với những gì gọi là hèn kém, ti tiện, tàn bạo trong cuộc sống gây nên bởi thói vị kỷ, và tính cơ hội của con người. Một vài lần anh đã đấu tranh dữ dội với cấp trên để cứu gỡ cho những sinh viên bị kỷ luật oan. Một vài lần khác anh vạch mặt kẻ cơ hội bôi nhọ đồng nghiệp để tiến thân. Lần khác nữa từ chối một chuyến tham quan ở nước ngoài để phản đối những quyết định sai trái với mot họa sĩ có tài nhưng thiếu may mắn… Có nhiều người tốt nhưng họ bị trói buộc bởi miếng cơm manh áo của vợ con, bởi nỗi sợ hãi cho tương lai, bởi sự khiếp nhược thường lưu cữu trong huyết quản cùng những thói quen êm ấm… Vì những sợi dây đó kìm giữ, họ đứng im trong xó tổ riêng biệt của mình, né tránh những cơn giông. Thành hiểu và tha thứ cho họ. Anh không có nhiều xiềng xích như thế, anh là một trong số ít ỏi những giảng viên trong trường được gọi trìu mến là: hiệp sĩ của thời đại. Lòng tín ngưỡng đủ để cho đồng nghiệp và học sinh bỏ qua những khuyết tật của Thành. Anh hút thuốc như một con trâu nhai lại cỏ phun khói mù mịt bất cứ nơi nào. Anh khó tính như một bà già cô độc, thường hét lên mỗi khi nhìn một bức họa cẩu thả hay một bảng phối màu kém thẩm mĩ. Anh thù ghét phụ nữ tới mức gần như quái gở:
- Đàn bà ấy à?… một cái giá treo quần áo của đàn ông!
- Anh chú ý tới họ nhiều quá đấy. Những người phụ nữ chỉ đáng coi là một phương tiện trong đời sống: một chiếc xe máy, một chiếc quần Jean tiện lợi, một căn phòng trú mưa nắng… Có khi, họ còn thua kém chúng.
- Đừng nói với tôi về cô ta nữa. Đối với tôi, chẳng có người con gái nào đáng để ta phải lưu tâm quá hai phút. Bởi vì, loài hoa thơm nhất anh cũng nên hít thở một phút thôi, nếu anh muốn giữ gìn sức khỏe của bản thân…
Anh thường nhả ra những lời nói cay độc ấy, và ánh mắt anh theo dõi gương mặt bất kỳ người đàn bà nào ngồi trước mình. Nếu họ tái nhợt hoặc đỏ bừng lên vì căm tức, hoặc lắp bắp tìm lời chống trả một cách tuyệt vọng, lúc đó anh hả hê làm sao. Đám bạn gái đồng nghiệp lúc đầu coi Thành như một quái vật, sau họ được nghe kể lại cuộc đời quá vãng của anh, được chứng kiến những hành vi của anh, và họ bỏ qua sự thù ghét. Nhưng không ai muốn tiếp xúc với anh nhiều, bởi vì luôn luôn, anh có thể quất cho họ những ngọn roi bỏng rát một cách bất công và vô lý. Tuy nhiên, con người anh, vẻ mặt anh, dáng dấp anh vẫn lôi cuốn bất kỳ thiếu nữ hoặc thiếu phụ nào. Cho dù anh khinh mạn và buông lời cay độc, sức mạnh chinh phục toát ra từ mỗi cử chỉ, mỗi nụ cười vẫn khiến đám người khác giới phải ném đến những ánh mắt si mê, Thành đã quen thế. Giờ đây, lần đầu anh gặp phải một đôi mắt thờ ơ. Giống như người đang ung dung đi trên mặt đất bằng, nghếch nhìn trời và sa xuống hố, bị bong gân vừa bực dọc vừa kinh ngạc. Thành bỗng dưng tức tối người thếu phụ, anh muốn phỉ báng chị. Vừa rít thuốc lá, họa sĩ vừa nghĩ cách. Cậu sinh viên tin cậy im lặng hút từng hơi khói nhỏ bên anh. Một khoảng thời gian êm ả trôi qua, trong tiếng mưa và tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường từ gian tiền sảnh vọng ra. Thành đưa mắt liếc qua hành lang quen thuộc, và chợt thấy bức tranh tố nữ treo trên tường.
- Quỳnh này. Họa sĩ gọi cậu học trò.
- Dạ. Chàng trai ngước mắt lên.
- Cậu có chú ý tới bức tranh kia không?
- Có ạ.
- Cậu nghĩ gì?
- Dạ… Họ in không đúng màu nguyên bản, và có lẽ… Cậu sinh viên rụt rè đáp.
- Tôi không muốn nói tới kỹ thuật sao chép phiên bản. Tôi muốn hỏi điều khác.
- Dạ… dạ…
Chàng trai cố gắng nghĩ xem thầy giáo muốn tìm kiếm điều gì trên bức tranh tố nữ, nhưng bất lực. Thành liếc nhìn gương mặt đỏ lên của Quỳnh, khẽ hắng giọng và nói:
- Tôi muốn nói tới cái vẻ nhu mì của cô gái xòe quạt làm duyên kia. Vẻ nhu mì đó có thể là một liều thuốc độc cho những kẻ mày râu. Các ác phụ thường giấu dao giết chồng dưới vạt áo thêu hoa thêu lá. Và những con vật giống cái thường tiết ra mùi thơm trong bộ lông, hoặc phát ra những âm thanh quyến rũ trong tiếng kêu của chúng để mời gọi. Nhưng khi những con đực ngu ngốc vừa làm xong nhiệm vụ, chúng liền biến thành mồi cho những con cái mãn nguyện kia. Đó, tôi muốn nói với cậu rằng người họa sĩ cần phải biết phát hiện những nội dung xấu xa phía sau vẻ đẹp mà ta bắt gặp.
- Vâng ạ.
Quỳnh đáp lời. Chàng trai đã thuộc tính thầy nên đưa mắt nhìn người thiếu phụ không quen biết một cách ái ngại. Quỳnh vẫn biết Thành thích mạt sát phụ nữ, nhưng dẫu sao đây là một người hoàn toàn xa lạ, và gương mặt chị thật khả ái, dịu dàng. Thành thầm đưa mắt theo dõi người đàn bà. Chị vẫn mài miệt đọc sách. Nỗi thất bại như mũi kim chích vào lòng tự ái của ngời đàn ông, đồng thời lòng tò mò cũng thúc đẩy anh dấn sâu vào hành động. Làm bộ tự nhiên, Thành hừm một tiếng khinh miệt trong họng, giơ tay chỉ nàng tố nữ, nói tiếp:
- Cậu hãy xem đôi mắt lá răm và cặp mày trăng khuyết của cô ta. Có cái giống như sự vô sỉ ở trong đó. Mềm mại và tình tứ, vẻ đẹp của người đàn bà này quyến rũ đàn ông bởi nó gợi cho họ ý niệm về sự dịu dàng. Mà sự dịu dàng thuần khiết bản dĩ nó đã là một nửa đức thủy chung. Nhầm, nhầm không thể cứu gỡ…
- Vâng.
Quỳnh đưa mắt như van vỉ thầy học. Thành đã nói khá to và điều ấy khiến họ trở thành lố bịch. Nhưng họa sĩ không nhận biết điều đó. Anh đang bị cay cú bởi sự thất bại và với bản tính hiếu thắng, anh không muốn chấp nhận nó:
- Đàn bà…
Anh cao giọng, nói nhấn từng ngữ, với thái độ không thể che giấu là có dụng ý.
- Đàn bà, theo định nghĩa của Sê- nê- ka, đó là một loại vật vô sỉ…
Thiếu phụ ngẩng lên vì Thành nói quá to, giây phút đầu chị hơi ngơ ngác, sau đó khi đã hiểu, chị chiếu đôi mắt nâu sáng chói thẳng vao mắt họa sĩ: Đấy là cái nhìn của người trên đối với kẻ dưới, bao hàm sự giễu cợt và lòng thương hại. Môi chị hơi máy động, dường như che giấu nụ cười, và gương mặt chị thản nhiên không xao xuyến. Làn da mịn không ửng lên cũng không nhợt nhạt đi… Thành choáng váng. Anh không còn biết mình nhục vì bại trận hay ngây dại vì một thế giới mới lạ vừa khơi mở trong phút chốc trước mình. Nhưng anh đã thấu nhận ngay tức khắc vào trí não đôi mắt người đàn bà đó. Một đôi mắt vừa lạnh lùng vừa ấm áp,… với những tia sáng mãnh liệt, ngay thẳng và bỏng rát, giống như những tia mặt trời mùa hạ.
Chính vào khoảnh khắc đó, tiếng bước chân dồn dập trên cầu thang vọng tới. Rồi một đoàn học sinh đông đúc, đứa nào đứa nấy thở hổn hển vì vừa du đẩy nhau xuống cầu thang, chạy tới quanh thiếu phụ.
- Thưa cô, xong rồi cô ạ.
Ra đây là một giáo viên, cô ta đưa học sinh đi tham quan bảo tàng. Một cô giáo chủ nhiệm, chắc vậy… Thành nghĩ thầm. Người đàn bà gấp cuốn sách bỏ vào túi, đứng dậy:
- Chúng ta về đi các em.
Giọng nói của chị điềm tĩnh, cử chỉ của chị khoan thai. Họa sĩ hiểu rằng chị đã quên ngay vẻ hằn học với những lời châm chích của anh ngay khi lũ trẻ tới. Cũng giống như chị bỏ lại trên chiếc ghế gỗ bụi bặm trong hành lang viện bảo tàng. Thành nhìn chiếc ghế người đàn bà vừa rời bỏ với ý nghĩ chua chát ấy. Bên ngoài, mưa đã tạnh, đám học sinh ùa ra các lối đi rải sỏi của khuôn viên, ồn ào huyên náo. Người đàn bà đứng đợi chúng ngay trước cổng nhà bảo tàng, với nụ cười hiền và độ lượng.
- Chớ có ngắt hoa đấy nhé.
Chị nhắc lũ học trò. Thành bỗng muốn làm quen với chị, nhưng thói quen ngạo mạn giữ chân anh lại. Anh châm tiếp điếu thuốc nữa. Đám sinh viên đã trả bàn cờ cho ông già gác nhà bảo tàng, đi tới chỗ Thành:
- Thưa thầy, tiếp tục làm hay nghỉ ạ?
Khuôn viên ngập nắng, thứ nắng óng ánh như nước nhũ thường có sau cơn mưa. Thiếu phụ đã dẫn lũ học trò đi khỏi cổng nhà bảo tàng, các lối đi chỉ còn đám sỏi ướt. Anh bỗng thấy mệt mỏi:
- Thôi, mai làm tiếp.
Thành bảo học trò rồi đứng lên, chậm rãi trở về nhà.
Hai ngày sau, anh đã hoàn thành toàn bộ công việc cùng đám sinh viên. Trở lại buồng vẽ, họa sĩ bị đôi mắt người đàn bà trong bảo tàng ám ảnh. Rõ ràng, chi đã nhìn anh như người tỉnh táo nhìn một thằng khùng, như kẻ từng trải nhìn một thiếu niên ngốc nghếch rồ dại. Dưới những tia nhìn trong suốt của chị, anh chỉ là một gã đàn ông ngốc nghếch, thảm hại. Và anh, anh không thể bị chi phối bởi mãnh lực của một người đàn bà đến như vậy:
- Có đến hàng tá cô gái mẫu trẻ trung xinh đẹp đã múa may, làm điệu bộ trong phòng vẽ này. Và ta đã coi họ như những con búp bê hám danh lợi. Người đàn bà đó là gì đâu?… Mặc dù bụng đã bảo dạ như thế, họa sĩ vẫn trở lại nhà bảo tàng vờ vĩnh chuyện trò với người thường trực để lật xem cuốn sổ ghi chép: Ngày 28 tháng 9… Trung tâm khoa học nghiệp vụ N. Trường đại học thủy lợi. Đoàn đại biểu hội nghị văn hóa mới miền núi. Đoàn cán bộ học viện quân sự… Giữa những dòng chữ, anh ghi nhận ngay một địa chỉ: Trường phổ thông cấp II, III, quận X. Thành trở về nhà, chui vào phòng vẽ, cố đắm mình vào sắc màu và ánh sáng mộng tưởng. Nhưng cái địa chỉ của người đàn bà không quen biết ấy đã đóng chặt vào trí não anh như một chiếc đinh găm vào thỏi gỗ mềm.
- Mình điên rồi… Lại muốn rơi xuống vực sâu tai họa hay sao?…
Họa sĩ kêu lên giữa bốn bức tường treo đầy phác thảo, tự cảnh cáo. Sáng hôm sau, anh vào trường:
- Cho tôi giấy công lệnh. Tôi sẽ đi miền Trung vài tháng nữa.
Cô văn phòng tròn mắt nhìn anh:
- Anh vừa mới về được hai tháng cơ mà? Đi đường bây giờ tốn kém lắm đấy.
Thành không trả lời. Anh vẫn quen có thái độ bất nhã với phụ nữ. Cô văn thư chuẩn bị giấy tờ cho anh với vẻ cam chịu thường lệ. Sau đó hai mươi sáu giờ đồng hồ, chuyến tàu tốc hành đưa anh tới một ga miền Trung. Từ ga, anh đi hai giờ xe ngựa nữa để tới một làng ven biển mà anh đã tới vẽ mùa thu năm trước. Ở đấy, có một ông già sống bằng nghề câu mực câu tôm và nấu rượu. Ông không vợ không con, tính hào phóng, liều lĩnh như tính người miệt đồng Nam Bộ. Thành yêu ông. Anh đã vẽ cho ông những bức chân dung rất đẹp. Ông già không bao giờ ngợi khen anh một câu vì những bức chân dung ấy:
- Dẹp chuyện vẽ vời lại chú. Ta ngồi uống rượu nói chuyện đời.
Ông già thường bảo họa sĩ như thế. Thoạt đầu, Thành tự ái. Nhưng lần đầu anh quen đi. Và anh biết ông già cũng yêu anh.