Chương 3
Tác giả: Dương thu Hương
Một buổi sáng, hai chàng sinh viên Mỹ thuật được coi là xuất sắc nhất lớp rủ nhau vào tiệm uống cà phê. Đây là lần đầu tiên trong năm học thứ ba họ dám tiêu xài xa xỉ. Thành và Quán đã kết bạn với nhau ngay từ buổi đầu vì thống nhất điều này:
- Không tìm người yêu, không ăn diện, không uống cà phê và hút thuốc lá khi chưa thành tài.
Tuy nhiên, từ năm học thứ hai trở đi, vào những dịp hội hè hoặc khi kiếm được một món tiền kha khá họ đã tự cho phép mình thưởng thức một chén cà phê đen với một chiếc bánh ngọt. Thuốc lá, tuyệt đối không. Tiền để dành dụm mua màu, mua vải vẽ và thuê mẫu. Hai chàng trai dự tính tương lai một cách sát sao và họ sống khắc nghiệt với chính mình đến nỗi các giảng viên cũng phải thán phục. Mặc dù đang tuổi hai mươi, cả hai chàng chuyên mặc quần áo bảo hộ lao động, lem nhem màu vẽ và vá chằng vá đụp. Tóc họ lật về phía sau, giống tóc các triết gia cổ, tự cắt bởi những nhát kéo vụng về. Nhưng họ đẹp trai và nổi tiếng khắp trường vì khả năng sáng tạo cũng như ý chí nên họ có cái vẻ tự tin riêng biệt mà tất cả các công tử sẵn tiền và diện ngất trời cũng phải thèm muốn…
Sáng hôm đó, trong tiệm cà phê, Quán bảo Thành:
- Mình thật hổ thẹn vì phải thông báo cho cậu điều này: Mình đã vi phạm điều luật chúng ta cam kết.
- Gì thế?
Thành không ngửng lên, hỏi.
- Mình đã có người yêu.
Quán đáp với tiếng thở dài: Thật là tai ương. Nhưng không tránh được.
Thành ngồi lặng đi lúc lâu, rồi lẩm bẩm:
- Cũng gay thật đấy…
Chàng trai biết tất cả những gì phải trả cho một tình yêu: trước tiên là thời gian, rồi sự tập trung của trí não và tâm lực, rồi là những món chi tiêu không thể tránh mà mọi người thường gọi là: ái tình phí… Mà họ, họ đang muốn dồn hết năng lượng vào nghệ thuật.
- Cậu không tránh được à?
Thành hỏi bạn.
Quán lắc đầu:
- Đã cố tránh mà không nổi, thế mới khổ chứ.
- Sức chinh phục ghê thế cơ à?… Có hơn mấy cô mẫu nhiều không?
- Hơn đứt đuôi – Quán đáp với tiếng thở dài – Mà kỳ lạ, cô nàng lại học nghề cơ điện?… Cậu ngồi mười lăm phút nữa. Đúng chín giờ cô nàng sẽ tới đây.
Họ buộc lòng phải gọi thêm hai cốc bột đậu để chờ người đẹp tới. Chín giờ mười lăm, cô nàng mới bước vào. Thành phải công nhận rằng Quán có lý. Cô gái hấp dẫn thật. Có những người con gái thân thể đẹp nhưng nét mặt tầm thường, ngược lại có cô được gương mặt khả ái thân hình lại thiếu quyến rũ. Vượng, người yêu Quán được trời phú cho cả hai ơn huệ cùng một lúc. Cô cao dỏng, nở nang đúng như một người mẫu mà các họa sĩ mơ tưởng. Cặp đùi dài, làn da nâu hồng mịn màng. Đôi mắt mơ mộng. Nhất là cặp môi tròn, hơi dày, bóng và nặng như trái mận chín. Khi cô cười, hai hàng mi khép lại chứa đựng một thứ ánh sáng ẩm ướt bên trong.
Từ hôm đó trở đi, buộc lòng Thành phải giãn ra để cho bạn được tự do với người tình. Càng ngày, Quáng càng trượt xuống con dốc của niềm si mê, như tất cả những chàng trai yêu thực sự lần thứ nhất. Cố nhiên, những bức tranh của anh sụt xuống so với bạn. Thành ái ngại, tìm cách nhắc nhở Quán, nhưng anh chàng nhăn nhở cười:
- Đương nhiên mình phải lùi lại sau cậu. Lẽ thường vốn thế, đỏ bạc đen tình, đã đỏ tình phải thua bạc. Trời đất công bằng lắm.
Thành nhìn bạn, sững sờ. Quán vốn coi sự nghiệp thiêng liêng, không ngờ anh chấp nhận sự sa sút thản nhiên như vậy. Quán thôi cười, nghiêm mặt lại nói tiếp:
- Nhưng tớ chỉ lùi sau cậu thôi. Không thể và không bao giờ được đứng ở vị trí số 3. Tất cả mọi việc đều phải có giới hạn…
Quả nhiên, Quán chỉ đứng sau Thành chứ không chịu đứng sau một người nào khác nữa. Anh luôn luôn là con số hai trong đội ngũ. Thời gian trôi. Thấm thoắt đã bước sang năm học thứ tư. Vừa vào đợt thể nghiệm đầu tiên, Thành đã được tuyên dương. Tranh của anh lọt vào vòng chung khảo gửi ra dự cuộc thi tranh của thanh niên Á – Phi và được giải thưởng lớn nhất. Một chủ nhật Quán rủ anh về quê Vượng chơi. Thành đang làm dở ma- két (bản kiểu) cho một cuộc trưng bày chuyên ngành nên từ chối. Quán bảo:
- Cậu phải đi. Không thể không ham mê nghề nghiệp. Nhưng vì nó mà từ bỏ cả bạn bè là què quặt trong tâm hồn. Xếp bút lại và bôi dầu mỡ vào xích xe đi…
Nói chung, trong quan hệ giữa hai người, bao giờ Quán cũng đóng vai trò áp đảo. Thế là sáng tinh mơ ngày chủ nhật, cả ba người đạp xe về quê Vượng, một làng cách Hà Nội hai mươi ba cây số rưỡi theo cô nói.
Họ đạp nhanh vì đang sức trẻ và đang hưng phấn. Vượng nói chuyện khá vui, mặc dù câu chuyện của cô góp nhặt đủ loại kiến thức. Gió se lạnh khiến hai má cô đỏ ửng như uống rượu say. Đôi mắt cô vốn lúc nào cũng như say nghiêng ngả, phiêu diêu và đắm đuối. Thành nhìn Vượng, cảm phục bạn. Có lẽ, anh cũng không dám ước ao một thiếu nữ nào hơn người con gái mà Quán đã chọn. Dọc đường, họ gặp một bãi cỏ sạch sẽ, trông ngon lành như có thể ăn được. Quán bảo mọi người dừng chân. Họ dắt xe xuống ven đường ngồi nghỉ. Phía trước, đồng ruộng làng xóm xô đuổi nhau cho tới chân trời, nơi những rặng núi lam kẻ vệt màu hư ảo lên lớp mây bạc. Thỉnh thoảng, vài con chim từ khoẳnh ruộng nào đó bay vút lên, lướt qua những bờ phi lao, những dòng kênh nhỏ, những nghĩa trang thôn dã… Và giữa khoảng đồng mênh mông, đôi lúc nhô lên một gò đất xanh thẫm với một cây gạo hoặc cây ngô đồng già, cành mốc thếch xù xì, còn những chòm lá, trái lại, xanh nõn nà như được cắt ra từ tấm sa- tanh.
- Bữa tiệc thiên nhiên tràn đầy… - Quán nói – Ai đã tạo ra hình ảnh ấy nhỉ… Đúng là một bữa tiệc cho dân học vẽ. Cậu đã thấy ngồi nhà làm ma- két là dại chưa?
- Dại
Thành gật đầu hiền lành. Anh hỏi;
- Còn mấy cây số nữa thì đến nơi hả Vượng?
- Năm cây nữa thôi.
Cô gái đáp.
- Các cụ còn khỏe cả chứ?
Thành hỏi.
- Các cụ nhà em ấy ạ?… Vâng, cảm ơn anh, cũng còn khá. Bố em mới về hưu năm ngoái, còn mẹ em ở nhà coi vườn mấy chục năm nay rồi. Mẹ em ấy à, rồi các anh sẽ buồn cười lắm đấy. Ở nông thôn nhưng bà còn sang gấp mấy các bà ở thủ đô. Toàn mặc quần trắng, chớ hề xỏ chân vào ống quần đen. Chẳng là vì trước đây ông ngoại em là đốc học. Hồi trẻ bà già còn chải tóc lưỡi trai, đi hài gấm nữa cơ đấy…
Cô gái nói một mạch, má ửng lên, mắt long lanh. Thành cười trìu mến. Quán im lặng – nhìn cánh đồng, gương mặt anh xa vắng. Rồi họ tiếp tục đi. Tới cây số hai mươi ba, có một con đường nhỏ chạy qua đồng. Vượng kêu:
- Đây rồi.
Cô nhảy xuống xe trước tiên. Sau đó hai chàng trai lần lượt theo cô dắt bộ qua đồng. Phần vì lối đi hẹp. Phần vì cảnh trí quyến rũ tới mức hai chàng sinh viên hội họa muốn kéo dài những phút giây chiên ngưỡng nó. Chừng mười phút sau họ tới một cây đa ở đầu làng, đúng như cây đa trong các chuyện đời xửa đời xưa. Dưới gốc đa cũng có một quán nước, một bà lão ngồi bán hàng sau chiếc tủ kính nhỏ chớ không phải chiếc chõng tre. Bà lão bán hàng cất tiếng:
- Chào các cậu, chào cô, vào hàng uống cho tôi chén nước.
Vượng đáp:
- Chào bà ạ. Xin phép bà, chúng cháu sắp về tới nhà rồi. La cà dọc đường bố mẹ cháu mắng chết.
Rồi cô giục hai chàng trai.
- Đi đi, các cụ đang mong.
Họ chào bà già bán hàng rồi tiến sâu vào thon, dưới bóng hai hàng tre đan thành một bức màn diệp lục. Tới ngã ba, Thành thấy một ông già đánh trâu đi ngược lại phía họ: chiếc cày lúc lắc trên cái hàm lực lưỡng… trông ông hệt như một hình mẫu anh đã gặp trong các chuyến đi năm trước:
- Đẹp tuyệt.
Chàng trai bất thần thốt lên. Đúng lúc ấy, ông già nhìn thấy họ, thực ra ông nhìn Vượng, cô đi phía đường bên trái. Ông đứng sững, mắt ánh lên một tia sáng lạ lùng.
- Rẽ sang bên này… rẽ sang…
Vượng hấp tấp bảo họ rồi vọt lên phía trước. Cô đi nhanh như ma đuổi và chỉ trong giây lát khuất lấp sau rặng dâm bụt đơn. Thành thấy ông già đánh trâu còn đứng lại vài giây nữa, nhìn theo. Thành hối hả dấn bước vì hai người đã tụt lại phía sau Vượng khá xa. Nhưng được một đoạn ngắn, anh thấy Quán quay lại. Bất giác, anh cũng quay lại theo bạn. Ông già đã đánh trâu tới đúng ngã ba, và mặc dầu khuôn mặt ông bị khuất lấp dưới vành nón vừa đội lên. Thành vẫn nận được ánh mắt ông đuổi theo mình. Điều đó có gì khó hiểu… Anh nghĩ. Vượng gọi:
- Nhanh lên nào, các công tử bột ơi… Giờ phải rẽ sang tay phải. Chỉ còn hai vườn cau nữa là tới nhà thôi.
Nhà Vượng ở tít cuối làng. Một ngôi nhà sang trọng vào loại nhất nhì của vùng đó. Năm gian nhà ngói, cao và thoáng, trần còn trắng lốp nước vôi. Ba gian bếp nhỏ gọn gàng. Hai bể nước, bể lớn chứa nước ăn, bể nhỏ chuyên dựng nước mưa pha trà ướp hoa nhài tự sản xuất. Vườn trước đứng tăm tắp hai hàng cau tươi tốt, vườn quả lớn phía sau um xùm nào cam, nào bưởi, nào hồng xiêm. Các góc tường nhót đâm cành trắng phếch như tráng thiếc. Trên tường hoa móng rồng, hoa thiên lý quấn quýt leo. Mẹ Vượng, một bà già trạc sáu mươi ăn bận tinh tươm đúng như cô đã tả. Trong nhà, treo hàng loạt ảnh bà thời trẻ, chải tóc bồng, đeo kiềng vàng hoặc ngọc trai, mặc áo dài trắng nền nã. Bố Vượng, cán bộ quản lý ngân hàng tỉnh vừa về hưu năm ngoái, tinh anh và thông hiểu tình hình thời cuộc còn hơn cả hai chàng sinh viên. Thật là một gia đình lý tưởng, một nơi trú náu mát mẻ của mùa hè, ấp áp của mùa đông.
- Các cháu ngồi chơi. Ở Hà Nội dạo này tình hình có gì mới lạ?
Ông già mời họ ngồi xuống tràng kỷ nói chuyện. Trong lúc đó, Vượng tung tăng chạy lên chạy xuống pha trà, gọt đu đủ chín gì đó, nép bên mẹ với dáng điệu sung sướng, ngọt ngào.
- Có con gà vẫn nhốt trong lồng phần con đấy. Nghỉ ngơi rồi đi làm cơm mời khách.
Bà mẹ bảo cô con gái.
- Gà trống hay gà mái hả mẹ?
Vượng hỏi.
- Gà trống. Lớp này nhà chỉ còn toàn mái già đang đẻ với đang ấp.
Con này tuy gà trống nhưng cũng còn non, không lo dai thịt đâu.
Bà mẹ đáp.
- Ứ ừ, gà trống thì chán chết…
Cô gái nũng nịu.
Khi mọi người đã uống hết hai ấm trà vá ăn đu đủ xong, Vượng thu dọn đĩa chén đem rửa rồi cùng mẹ xuống bếp làm cơm. Ông bố dẫn hai chàng trai đi thăm vườn. Lâu ngày mới có khách, ông vui lắm. Ít nhất họ cũng khiến ngôi nhà khang trang nhưng quạnh quẽ của ông rộn ràng lên, và ít nhất họ cũng làm nguôi nỗi nhớ những phố phường – cái khung cảnh trước đây ông đã từng quen thuộc. Thành cùng Quán đi sau ông nghe ông giải thích lịch sử của từng thứ cây trong vườn, gốc gác của chúng, lợi ích của chúng và những kỷ niệm ông đã có trong mối gắn bó với chúng. Sau đó, họ trở về nhà theo lệnh của ông bố để tiếp tục uống tuần trà khác chờ cơm chín.
- Bác sẽ bảo mẹ con nó nướng bánh đa ngọt đãi các cháu… Vùng này nổi tiếng vì bánh đa đường, vừng, dừa nạo. Ở Hà Nội mọi thứ quà đều ngon, nhưng không thể có thứ bánh đa này…
Khi qua nhà ngang ông hạ một cái lệnh êm ái:
- Hãy nướng cho bố vài cái bánh đa ngọt trước đã nhé.
Rồi ông bước lên thềm. Hai chàng trai còn đứng lại tìm hái những bông hoa móng rồng chín nẫu. Chúng bốc lên mùi hương ngây ngất, giống như một tình yêu u mê và cuồng dại. Lúc họ đi qua gian nhà ngang, chợt nghe bà mẹ bảo Vượng:
- Con đã thăm thầy u con chưa?
- Dạ, rồi ạ… Dạ, tí nữa con sẽ đến… Vì còn khách nữa mà…
Giọng cô gái đáp lại, bối rối và trí trá.
Bà mẹ nghiêm giọng, khẽ nhưng cứng rắn hơn:
- Con phải nhớ về thăm và biếu quà thầy u con… Bố mẹ đầy đủ hơn nhiều…
- Vâng, vâng… con biết rồi…
Thành quay sang nhìn Quán, vẻ ngạc nhiên. Quán không trả lời, anh điềm tĩnh bước lên những bậc thềm nhẵn bóng. Khi họ uống hết tuần trà nữa, chờ ông bố Vượng xuống nhà ngang kiểm soát xem cơm nước đã đạt tiêu chuẩn chưa. Quán mới bảo Thành.
- Nói chung là cậu nên im lặng, vì nếu có hỏi mình cũng chưa thể trả lời được.
Vẻ mặt chàng trai hiện lên một sắc thái kỳ lạ, mãi sau này Thành mới hiểu.
Ăn cơm xong trời đã đứng bóng. Khoảng hai giờ chiều, Quán xin phép bố mẹ Vượng ra về.
- Sao em Vượng nói rằng các cháu được nghỉ tới trưa mai?
Ông già tiếc rẻ, hỏi lại.
- Thưa bác, Vượng không biết sáng mai chúng cháu phải nghe chuyên gia giảng lý thuyết.
Quán tươi cười đáp.
- Thế hả, thế hả… Thế thì bác không dám giữ. Khi nào rảnh rỗi các cháu nhớ về chơi.
Ông già đáp.
Thành im lặng giữ vai trò người tháp tùng. Anh kính cẩn chào ông bà già. Vượng đi cuối cùng, cô hơi ngạc nhiên vì kế hoạch thay đổi đột ngột, nhưng cô không tranh luận, im lặng chấp thuận. Họ đạp xe khỏi làng thong thả, nhênh nhang như bất cứ ngươi khách du lịch nào về chốn này vãn cảnh. Được sáu bảy cây số, tới ngã ba đường, Quán bỗng nhảy xuống xe:
- Bây giờ, tô phải xin lỗi hai bạn. Có một người em con chú thúc bá mới giải ngũ về hai tháng ở cách đây vào cây…
Anh chỉ con đường cát từ ngả rẽ phía trái băng xuống đồng, không cách con đường dẫn tới làng cô gái bao xa: Tôi phải tới thăm cậu ta, không còn dịp nào thuận tiện hơn nữa. Thành đưa Vượng về Hà Nội giúp mình.
Quán quay sang cô gái, hạ giọng:
- Vượng bằng lòng vậy nhé. Không lẽ chủ nhật sau, anh lại lóc cóc đạp xe lên đây?…
- Tất nhiên, anh luôn luôn có kế hoạch đột xuất…
Cô gái nói dằn dỗi.
- Đây là lần đầu tiên – Quán đáp, giọng lạnh lùng hơn – Em hãy nhớ lại.
Vượng không trả lời. Cô nhảy phóc lên xe, và Thành giống như kẻ mất hồn đứng ngẩn ra nhìn.
- Cậu hãy lên xe, đưa cô ấy về Hà Nội giúp mình.
Quán bảo Thành rồi rẽ xuống con đường cát. Thành chưa kịp hiểu tường tận vì sao nhưng đành nhảy lên xe đưa cô gái về thành phố. Nửa đoạn đường trước, cô đạp xe vùn vụt không thèm đếm xỉa tới Thành. Tới nửa đoạn đường sau, Vượng đạp chậm lại, đi song song với Thành và buông những lời buồn bã:
- Anh Quán ấy mà… anh có biết không?… một thanh niên không chút tình cảm. Anh ấy không có tim mà chỉ có một cái máy bơm máu trong lồng ngực. Ôi, không biết sự run rủi nào đã khiến em gặp anh ấy? Thật là tai ương…
- Thôi, cứ bình tĩnh Vượng a… cứ bình tĩnh…
Thành nhắc đi nhắc lại câu hói vô duyên đó và đưa Vượng tới tận cư xá trường đại học của cô, mua bánh mì và hoa quả cho cô ăn bữa chiều vì cô đã trót cắt cơm cả ngày chủ nhật. Sau mọi việc, anh trở về nhà.
Sáng hôm sau, Quán không lên lớp. Anh gửi giấy xin phép nghỉ một tuần để về quê. Thành chưa đến quê bạn lần nào, nhưng anh biết rằng Quán ở một làng nhỏ vùng Ninh Bình, một con sông dịu dàng trải giữa hai bờ cây, một mái nhà nặng trĩu đầy bìm bìm hoa tím, một bà mẹ già hiền hậu, một cô em gái mười sáu mặt tròn như vành trăng. Thành mồ côi từ nhỏ. Ông bà nội đã nuôi anh cho tới năm anh tròn mừoi sáu tuổi. Năm ấy, lần lượt cả hai người đều ra đi. Nhiều bà cô bà dì trong họ tới giúp chàng trai chôn cất các cụ, bán những thứ đồ khả dĩ có thể đem lại cho anh một số vốn nho nhỏ rồi gửi những người tin cẩn làm nghề buôn bán để lấy lời. Thành yêu ông bà, nhưng trong trí nhớ của anh các cụ chỉ là những hình ảnh trang nghiêm, xa vắng và êm dịu, khác với những hình ảnh nồng đượm, thắm thiết về tình mẫu tử, tình anh em như Quán thường kể cho anh nghe.
Người ta có thể tưởng tượng ra một loài vật, như con Sphanh chẳng hạn. Người ta cũng có thể tưởng tượng ra những loài cây như xương rồng đen hoặc những thứ rêu quái dị… Nhưng người ta không thể tưởng tượng ra một tình yêu. Nếu anh không có mẹ, anh sẽ mãi mãi không hiểu được tình mẫu tử. Nếu anh không có em, anh sẽ không thể biết được tình anh em.
Thành nghĩ thế. Anh đoán rằng giờ này Quán đang ngồi trên tàu mơ tưởng tới sân ga nhỏ quê hương… tới bà lão thấp thỏm đợi anh sau hàng rào cúc tần, tới cô em xinh xắn, má đỏ bừng sung sướng khi chạy ra đầu ngõ đón anh trai… Tất cả những điều ấy Quán đã kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần, Thành luôn hình dung ra chúng, nhưng anh vẫn thấy chúng như màn sương lảng bảng ở bên ngoài cuộc sống tâm linh của mình.
- Mình sẽ không bao giờ có những thứ mà Quán đã có…
Anh tủi thân và thoáng chút ghen tỵ. Rồi chàng trai chúi đầu vào công việc. Khoảng năm giờ chiều, bản ma- két đã xong. Anh thu dọn bút giấy, định ra phố ăn bánh cuốn thay cho bữa cơm chiều. Lúc ấy, có tiếng gõ cửa:
- Anh Thành…
Tiếng Vượng kêu bên ngoài nôn nóng, ngay lúc Thành chưa kịp bước ra.
- Anh Thành…
Cô gọi lần thứ hai, khiến chàng trai không kịp mặc áo ngoài, xô ra mở cửa. Cánh cửa vừa bật khỏi khuôn, cô đã lao vào như cơn lốc và ngay tức khắc khóc òa lên:
- Anh Thành… anh Thành… anh Thành…
Cô nhắc đi nhắc lại tên anh giữa những cơn nức nở, giống như chuyện kể hồn ma của những kẻ chết trôi gọi tên người lái thuyền. Mái tóc Vượng tung trên vai, trên ngực cô. Đôi má hồng mịn màng đầm đìa nước mắt. Thành đi lại trong phòng, chân tay thừa thãi không biết để đâu. Anh chỉ lặp lại mãi một câu buồn tẻ:
- Đừng khóc, đừng khóc… bình tĩnh Vượng ơi…
Chưa bao giờ, Thành rơi vào cảnh ngộ ấy. Lần đầu tiên có một cô gái đẹp khóc với anh, bày tỏ nỗi đau khổ trước mặt anh và gọi tên anh, bày tỏ nỗi đau khổ trước mặt anh và gọi tên anh như tên một vị thánh cứu nạn. Lần đầu tiên, chàng trai được đu đẩy vào khoảnh đất vinh hiển của bậc mày râu. Thành cảm động và bối rối tới mức anh không đủ sáng suốt để tìm một câu nói khôn ngoan hay một cử chỉ thích hợp trong tình thế đó.
- Hãy nói cho tôi biết, chuyện gì đã xảy ra?… Nào, nào…
Một lúc lâu sau. Vượng ngẩng lên. Mắt cô sưng mọng. Và cô nói:
- Anh ấy đã rủ bỏ em như rũ bỏ một manh áo cũ. Chỉ vẻn vẹn mấy dòng chữ thế này…
Cô rút trong sắc chiếc phong bì, đưa cho Thành. Anh nhận ra ngay nét chữ của Quán:
Thân gửi Vũ Kim Vượng.
(Thư này nhờ cháu Hương chuyển hộ)
Bên trong, tờ giấy trắng khổ rộng gấp nỏ, miết kỹ nếp như là. Chàng trai mở tờ giấy, và anh đọc:
Xin lỗi Vượng. Cuộc hôn nhân của chúng ta coi như bỏ từ nay. Nhờ Vượng thông báo giúp với gia đình là ngày rằm tháng chín này mẹ tôi sẽ không dẫn lễ ăn hỏi lên nhà như đã báo. Tôi biết Vượng thừa thông minh để hiểu chuyện này.
Chào vĩnh biệt.
- Anh xem đấy…
Cô gái nói: Ngay trong giấc mơ em cũng không ngờ được việc này.
- Nhưng tại sao… tại sao chứ?
Thành ấp úng hỏi.
- Chắc phải có một lý do nào đó..
Anh nhắc lại.
- Lý do?…
Cô gái hơi bĩu môi:
- Anh lặng yên mà nghe em kể nhé: Ngồi xuống đây…
Khi Thành đã ngồi xuống bên Vượng, cô tự rót cho mình một chén nước, uống cạn rồi kể:
- Bố mẹ không có con đẻ, nên đã xin thầy u em đem em về nuôi từ ngày em chưa đầy tháng. Các cụ nuôi em tốn kém vất vả gấp mười lần những người xung quanh. Vả lại, chỉ có mình em nên bao nhiêu tình thương yêu, bao nhiêu công chăm chút hai ông bà cũng không tiếc. Em lớn lên trong ngôi nhà anh đã biết, vô tư, vui vẻ như bấy kỳ đứa bé may mắn nào được đời ưu đãi. Em không hề biết rằng em còn có một mối liên quan khác… Mãi tới năm em mười lăm tuổi, bố mẹ mới bảo em sang nhận thầy u và từ đó, ngày giỗ, ngày Tết em có nhiệm vụ mang biếu khi gói bánh, khi hộp mứt. Mặc dù lý trí đã tự bảo đó là những người chung máu huyết nhưng em không có chút cảm tình nào với thầy u cũng như đám anh em trong nhà. Ông bà ấy có nuôi em đâu? Và trong trí nhớ em cũng chẳng có kỷ niệm nào về họ. Mà con người có thương yêu gắn bó được với nhau hay không chính là vì họ có những kỉ niệm tốt đẹp về nhau hay không. Thầy u em không hiểu được điều đó. Hai năm sau các cụ cậy quyền mang nặng đẻ đau, đòi em về nhà, gả cho một gia đình thân quen vừa có con trai đi bộ đội về. Anh ta còn trẻ nhưng đã mang quân hàm thiếu úy và các ông bà già cứ mê mẩn vì một gạch một sao của anh ta. Em cương quyết từ chối, thầy u đánh đập, quấn tóc em vào cọc nhốt suốt đêm trước chuồng trâu. Bố mẹ em thoạt đầu giữ ý không can thiệp; sau xót ruột quá yêu cầu chính quyền xã đưa em về nhà. Mặc dù thế, các cụ vẫn nhắc nhở em sang thăm những người đẻ ra mình như xưa. Nhưng em, em không thể còn vui vẻ nhìn lại mái nhà em đã từng bị đầy đọa, và những con người đã đầy đọa mình… Đầu đuôi câu chuyện là như thế. Nhưng chưa kịp hiểu tường tận, anh Quán đã rũ bỏ em. Chắc hẳn anh ấy kết tội em là đứa con bất hiếu…
Vượng ngừng lại một vài giây. Rồi nói tiếp:
- Anh ấy bỏ em cũng được, vì chẳng thể bắt người khác hiểu mình. Em không tiếc đâu, mà cũng chẳng oán trách nữa. Nhưng chỉ khổ cho bố mẹ em, các cụ không tin rằng ở đời, người ta có thể tráo trở trắng trợn và tàn nhẫn như vậy.
Giọng Vượng đã trở lại bình tĩnh. Cô mím đôi môi mọng, quyến rũ đàn ông tới nhức nhối, và ngước mắt lên. Gương mặt cô kiêu hãnh. Thành ngẩn ngơ nhìn người con gái, lòng xáo trộn bởi trăm ngàn ý nghĩ và cản xúc, không có ý nghĩ nào rành rọt, cũng không có cảm xúc nào rõ ràng. Anh chỉ thấy Vượng đẹp – đẹp hơn tất cả các cô gái anh đã từng gặp trong đời, rằng cô là niềm ước ao thầm kín của anh, lâu nay bị chôn vùi dưới tầng sâu dồn nén, giờ trồi lên như mầm cây gặp mưa phù tháng giêng…
- Anh Thành.
Vượng bất thần cất tiếng gọi, mắt cô nhìn sâu vào đáy mắt chàng trai, hệt như mũi khoan thép xoáy giữa lớp đất mềm, không một viên sỏi con kháng cự. Chàng trai run bắn lên, chụp tay cô gái, lắp bắp:
- Tôi thương… tôi rất khổ tâm vì Quán đã…
Vượng thở dài, không nhìn Thành, cô cất giọng buồn bã:
- Ở nông thôn chúng em, lễ ăn hỏi rất thiêng. Gặp trắc trở thiên hạ sẽ xì xào khinh rẻ người con gái. Em chỉ tiếc mình quá vội vã tin yêu vào Quán. Anh biết đấy, em có đến nỗi nào đâu?… Có lẽ trời phạt em vì đã quá thương người. Trong số những kẻ theo đuổi em, Quán nghèo hơn cả…
Cô gái ngừng lại. Ngay tức khắc, Thành hình dung ra tình thế thảm thương của cô gái khi ngày rằm tháng chín ta sắp tới, không có ai bưng quả gỗ sơn son đựng lễ vật vào nhà. Chắc chắn dân làng sẽ đi thành vòng tròn mà đàm tiếu.
Vượng nói đúng, với nhan sắc lộng lẫy thế, cô ấy tìm đâu chẳng được người xứng đáng…
Anh nghĩ và thầm giận bạn. Tuy nhiên, giữa cảm giác hờn giận đó, len lỏi vào một tia nhỏ mừng vui. Cũng giống sợi rễ cỏ mỏng manh trong kẽ đất làm nảy lên mảnh lá mầm độc địa, Thành phấp phỏng vì một hạnh phúc nào đó đang đợi chờ anh, rất mù mờ nhưng cảm nhận lại rõ rệt, một nỗi đam mê cuồng nhiệt ẩn núp sau bức màn tăm tối.
- Vượng mệt không? Tôi pha nước nhé?…
Chàng trai nói, giọng bắt đầu lạc đi.
- Cảm ơn anh…
Cô gái trả lời, hai hàng mi hạ thấp: Sao em cảm thấy chán chường mọi thứ. Đời thật buồn…
Cô tì cánh tay lên bàn, gục đầu xuống lúc lâu. Thành đứng lên, lo âu nhìn mái tóc đen như lông quạ xõa trên đôi vai tròn lẳn:
- Vượng sao thế? Nhức đầu phải không?…
Cô gái không đáp. Một khoảng khắc yên tĩnh lặng lờ trôi. Rồi, cô ngước mắt lên, cười yếu ớt:
- Bỗng dưng em cảm thấy lạnh, và có những vòng tròn đủ màu loang loáng giữa không trung.
- Trời ơi, Vượng ốm rồi. Tôi đi gọi y tá…
Mười hai hôm sau, khoảng ba giờ chiều, Quán tới tìm bạn:
- Mở cửa đi Thành.
Thành đang chữa lại một phác thảo chân dung. Anh khoác áo ra mở cửa cho bạn. Quán tự khép cửa, rồi bước tới giường ngồi. Trên giường, bừa bộn chăn gối, tiểu thuyết cũ và vỏ lạc. Thành kéo ghế ngồi trước mặt Quán, ở giữa họ là con chó sành sứt tai dùng làm ống đựng bã chè ngồi chồm hỗm ngay trên nền đá lát. Cách đó vài gang, một con rùa lớn bằng bàn tay ngọ nguậy sát chân bàn. Hai người cùng im lặng nhìn nhau, theo đuổi ý nghĩ của mình. Có tới mười phút sau, Quán mới cất tiếng:
- Cậu hãy rứt khỏi cô gái ấy.
- …
- Nếu cậu không muốn tự đầy ải vào một tương lai khủng khiếp.
- …
- Đừng cười nhạt, mình không dọa cậu đâu. Chúng ta đã từng là bạn chí thiết và mình không thể ngồi yên nhìn cậu lao xuống vực. Hãy trở lại những điều chúng ta đã cam kết buổi đầu.
- …
- Phải, chính mình đã xóa bỏ cam kết ấy, chính mình đã phạm luật nhưng mình biết dừng ở giới hạn cần thiết. Còn cậu, cậu đã lăn xuống như hòn bi. Đừng nhìn tớ với con mắt giễu cợt đó. Hãy tỉnh lại đi..
- …
- Thành này, xưa cậu vốn hiền lành, sao giờ đây vẻ mặt cậu lì lợm đáng sợ thế?… Cậu đã biến thành một anh chàng si tình nhanh chóng quá, một con chiên tử vì đạo… Nhưng thật đáng tiếc, nữ thánh của cậu là một kẻ đáng ghê tởm… Chớ có liều, mắt cậu long sòng sọc như mắt chó sói, nhưng nếu cậu nhảy vào tớ, cậu sẽ đo ván ngay. Phải bình tĩnh bạn trai yêu mến của tôi, nghe tớ kể đây này… Cậu biết đấy, tớ yêu Vượng. Một tình yêu mạnh mẽ, tớ chấp nhận mọi thua thiệt khác để có những phút giây hạnh phúc với cô ta. Dù không nói, nhưng mọi người đều thừa nhận Vượng đẹp, và với những kẻ dấn thân vào hội họa, sắc đẹp là một trong những hấp lực ghê gớm nhất. Chúng tớ đã định tiến hành lễ ăn hỏi vào ngày rằm tháng chín này… Nhưng đúng lúc tớ vừa bàn với Vượng chuyện đó, một người bạn gái của cô ta vô tình kể về gia đình Vượng. Câu chuyện hoàn toàn xa lạ với cái lịch sử Vượng đã tự thuật cho tớ nghe vài chục lần. Cái lịch sử ấy cô ta cũng đã từng cho cậu biết: Nào con nuôi, nào bị cưỡng hôn vá đánh đập… Nhưng may mắn sao, mẩu lý trí còn sót lại đã dạy tớ ngờ vực. Và tớ đã rủ cậu cùng về nhà Vượng chơi… Hôm ấy, mới cách đây hai tuần, chắc cậu chưa quên ông già đánh trâu đi ngược lại tụi mình. Khi ông cụ thấy Vượng, người ông gần như bị điện giật. Vượng cũng thế, đi sát cô ấy mình thấy rõ ràng cô ấy đã sững lại một giây, nửa giây thôi. Mặt tái mét, cô ấy vội vã rẽ sang lối khác, đi vùn vụt như ma đuổi. Lúc cô ấy gọi chúng mình, cậu có nhớ không, giọng hốt hoảng không ra hơi… Còn những tình tiết sau, hẳn tớ không cần nhắc lại. Bây giờ hãy lắng nghe đoạn kết: Sau khi nhờ cậu đưa Vượng trở lại Hà Nội mình vờ rẽ xuống ruộng chừng dăm chục thước. Thấy các cậu đã xa, mình lên đường, đạp trở lại làng. Tới gốc đa, mình vào uống nước, chuyện trò thủ thỉ với bà cụ bán hàng cho tới xế chiều, và nhờ thế, mình đã hiểu được toàn bộ sự thực về người con gái ấy. Vượng là con thứ ba trong gia đình sáu anh em. Bố cô, chính là ông già đánh trâu chúng ta đã gặp. Mẹ cô, một người đàn bà nông thôn hiền lành quanh quẩn với đồng áng, rơm rạ, con cái. Chồng bà đã lên Hà Nội hai lần, còn bà, suốt đời, nơi xa nhất chỉ là phố huyện. Tóm lại, đó là những nông dân thuần khiết. Ông cụ tên là Trà nên ba cậu con trai được đặt theo vần Tr: Tràng, Trang, Trạng. Và vợ ông tên la Vưng nên ba cô con gái được gọi tên la: Vững, Vựng, Vừng. Vượng chính là cô Vựng: Vũ Thị Vựng, cô gái xinh xắn và nhanh nhảu nhất của gia đình. Cô đã lớn lên như đám anh chị em của cô, như mọi đứa bé trong làng: Còn nhỏ đi trâu, cắt cỏ cho hợp tác, cắp sách ê a học. Lớn chút nữa, cơm đùm gạo gói lên trọ học ở phố huyện cho hết cấp hai. Mùa cấy theo mẹ ra đồng kiếm dăm ba điểm cấy, vụ gặt quang gánh lên vai cắt rạ về lợp chuồng trâu hoặc làm đồ thổi nấu lúc hiếm củi đun. Ở thôn quê, người ta ham việc. Thường thường, chỉ được học hết cấp hai lũ con gái đã bị giữ ở nhà giúp cha mẹ lam làm, thu vén chút vốn còn chuẩn bị chờ ai tới dạm hỏi thì lấy chồng cho yên chuyện. Đám anh chị em Vựng cũng chung số phận đó. Riêng cô, vì may mắn và xinh xẻo được ưu tiên gửi lên tỉnh học cấp ba cùng với người anh trai. Vựng học cũng khá nên khi thi hết cấp, cô đạt điểm cao hơn người anh. Cũng nhận bằng tốt nghiệp một hôm, hôm sau cậu anh trai lên đường nhập ngũ cô em gái xách chiếc hòm gỗ mộc vào trường đại học. Ngày một, ngày hai xinh đẹp nõn nà ra, cô gái đâm xấu hổ vì phải sống trong một gia đình quê kệch, buổi sáng hàng loạt trai gái chen chúc nhau quanh rá cơm với bát tép khô tổ bố, buổi chiều cũng xúm xít ngồi ăn ngay giữa sân, vừa sụp soạp và cơm vừa xùy đuổi đám gà… Chắc hẳn cô cảm thấy nhục nhã khi đám bạn gái ở thành phố có nhà cửa sạch sẽ, cha mẹ họ thong dong nuột nà, và sớm tối họ ngồi ăn quanh bàn hoặc trên những tấm phản sang trọng trải chiếu điều đỏ như son… Rồi, một ngày chủ nhật, gia đình Vựng có khách. Một cặp vợ chồng xấy xỉ tuổi sáu mươi. Đấy chính là vợ chồng ông Huy, phó giám đốc ngân hàng tỉnh. Ông Huy vẫng sống cùng vợ trên thị xã, vườn đất và mấy gian nhà ngói cũ nhờ đứa cháu họ trông coi. Nay về hưu, ông đưa vợ về, sửa sang nhà cửa, vườn tược để hưởng cảnh điền viên vui thú tuổi già. Trước kia, khoảng năm 53, 55, ông đi chiến dịch bị thương, tạt về làng, vợ chồng ông Trà nuôi ròng rã dưới hầm gần sáu tháng. Hồi còn ở trên tỉnh, thỉnh thoảng ông vẫn gửi chè thuốc biếu cố nhân. Nay về hưu, ông đưa vợ sang thăm ân nhân cũ. Vợ chồng ông Huy không có con, gặp Vựng hai ông bà mừng quýnh, rối rít đòi nhận con nuôi, ông bà Trà chưa kịp đáp lời đã tay bắt, mặt mừng kéo cô gái lại vuốt ve, săm sắn.
“Đấy thì cho hai bác”.
Ông Trà gật đầu. Ở nông thôn, người ta cho con nhận bố mẹ, anh chị nuôi là chuyện thường. Đó là một sợi dây đan nối tình xóm mạc. Đó cũng lại là một phương sách giúp họ gắn bó, tựa đỡ vào nhau tự nhiên hơn trong những khi giông gió. Bố mẹ nuôi cũng như bố mẹ đẻ cô gái đều hoan hỉ. Nhưng cô gái còn hoan hỉ hơn. Cô thích gọi một ông già đeo kính gọng vàng tây và có bộ râu muối tiêu nho nhã là bố hơn bố cô. Cô cũng thích gọi một người đàn bà có gương mặt tươi sáng, nền nã với những chiếc vòng cẩm thạch nơi cổ tay là mẹ hơn mẹ đẻ cô: Mười ngón tay bà lúc nào cũng thâm sì nhựa rau muống, nhựa chuối và móng méo vẹo vì dấu vết của những lần móc cua… Vũ Thị Vựng đã trở thành Vũ Kim Vượng từ ngày xách cái hòm gỗ mộc vào khu cư xá đại học, giờ lại có một ông bố quản lý ngân hàng tỉnh về hưu, một bà mẹ hiền hậu, quý phái xuất thân từ gia đình đốc học… Sung sướng quá… Lẽ tự nhiên, từ đó về sau, Vượng toàn đưa bạn bè về nhà bố mẹ nuôi. Ngôi nhà khang trang, cây cỏ tràn ngập hương thơm và sắc màu tươi mát. Những chiếc tràng kỷ đen bóng như sừng, những chiếc đĩa men trong suốt quý báu từ đời Thanh, đời Tống. Ấm trà ướp nhài ngát thơm… Tất cả cái đó là khung cảnh thích hợp với vẻ đẹp lộng lẫy của cô, giống như sắc trời làm nền cho một ngọn núi mà họa sỹ tài tình nào muốn diễn tả… Và vì ảo giác về danh giá lôi cuốn, nhiều lần, gặp bố mẹ đẻ Vượng đã quay đi. Cô không muốn thú nhận gốc tích của mình. Cô muốn tạo cho cô một lịch sử hài hòa, tương xứng với niềm vinh quang theo khuôn mẫu mà cô đã tự tạo ra… Sau khi nghe chuyện, cầm lòng không đậu, mình đã tới nhà bố mẹ đẻ của Vượng, người cô quen gọi bằng thầy u. Lúc đó, trời đã sẩm tối, giờ cơm chiều của những nông dân thực thụ. Một đứa bé dẫn mình tới trước vòm cổng tre uốn hình bán nguyệt nhưng cánh bằng gỗ. Cửa mở. Và mình thấy cả bố mẹ lẫn anh chị em Vượng xúm quanh một chiếc mâm gỗ cao chân ăn cơm. Người chia đũa, người xới cơm ra bát, người giục lấy thêm tương… Mẹ Vượng bảo đứa con trai út bưng rổ khoai sọ mới luộc ra ăn với vừng cho đậm miệng… Một cảnh sinh hoạt bình thường, đầm ấm. Mình nhìn họ, bỗng dưng muốn trào nước mắt. Những con người chất phác và thusfn hậu ấy đã từng nuôi dưỡng Vượng, chăm chút và biệt đãi cô, nhường nhịn những thuận lợi cho cô và hy vọng ở cô. Và cô, con cò nhỏ nhoi lớn lên trong cái tổ êm dịu ấy, giờ đã chối bỏ nó và đuổi theo loài chim khác… Ngay tức khắc mình quyết định hủy bỏ cuộc hôn nhân. Sớm hôm sau, mình về Ninh Bình báo cho mẹ và em gái đừng chuẩn bị lễ vật lên ăn hỏi nữa. Cả hai người đều căn vặn mình… Nhưng làm sao nói được? Không ai muốn nói lên cái sự thực ấy: Một con người chối bỏ gốc rễ. Một đứa con chối bỏ mẹ cha mình… Có thể tìm kiếm một mảy bụi tin cậy nào ở nơi họ…?
- …
- Này Thành, tối mịt rồi. Cậu hãy rửa mặt nước lạnh để tinh thần tỉnh táo. Rời cô ta ra: Không thể có một cuộc đời tốt đẹp với người con gái ấy đâu…
Ngày rằm tháng chín âm lịch, vẫn có một người đàn bà đội quả gỗ sơn tới nhà ông bà Huy. Ấy là bà dì ruột của Thành lên hỏi Vượng cho anh. Sau lễ hỏi ba tuần tới một đám cưới vội vã chừng hơn hai chục người vừa họ mạc vừa bè bạn tham gia. Tại sao nhỉ?… Cho tới giờ, Thành cũng không hiểu nổi. Mọi chuyện xảy ra bập bênh như bước chân của kẻ mộng du. Sau buổi chiều Quán tới nói chuyện Thành đã bỏ căn phòng của anh, tới ở nhờ nhà một bà cô ở tít Ô Cầu Dền. Anh hiểu rằng nếu còn ở lại nhà mình, anh sẽ không chống đỡ nổi sức cám dỗ của Vượng. Dù im lặng không đáp lời Quán, anh vẫn biết Quán có lý và thương yêu mình. Một đứa con ngoảnh mặt đi không nhận cha mẹ, cảnh tượng ấy có gì khủng khiếp đối với những trái tim bình thường. Tiếc Vượng, nhưng chàng trai thầm mong mọi chuyện rồi sẽ qua và anh sẽ tránh được phiền nhiễu để chuyên tâm vào học tập. Nhưng số phận không buông tha anh. Ba ngày tới nhà không gặp Thành, Vượng đã đến thẳng trường. Hôm đó, tại giảng đường có buổi thuyết trình của chuyên gia hội họa nước ngoài nên cô đoán chắc Thành không thể nào không tới nghe giảng. Chàng trai vừa từ quán giải khát dành cho sinh viên bước ra, cô đã đứng sừng sững trước mặt anh:
- Em tìm anh suốt ba ngày qua.
Cô kêu to, khiến những người xung quanh ngoái lại nhìn. Chàng trai hổ thẹn, vội vàng nói:
- Vượng đừng kêu to thế… Ra ngoài này tiện hơn.
Nhưng cô không những đứng nguyên tại chỗ, mà còn cao giọng:
- Anh dối em thế… Nói lời rồi lại nuốt lời…
- Tôi xin Vượng…
Chàng trai van vỉ, mắt hốt hoảng nhìn quanh. Xưa nay, anh chưa có điều tiếng gì. Không cẩn thận, người ta sẽ nghĩ anh đã làm điều gì ám muội.
- Tôi xin Vượng… Trở về nhà tôi rồi nói chuyện.
Thành van vỉ lần thứ hai, anh hối hả rời quán nước. Cô gái bước theo anh, sải những bước chân điềm tĩnh và kiêu hãnh. Biết bao chàng trai ngước cặp mắt ngỡ ngàng theo:
- Người đâu mà đẹp thế nhỉ? Hết xảy…
Chừng hai mươi phút sau, họ đã ngồi trong căn phòng xinh xắn của Thành. Lần này, Vượng không khóc nữa, hai má đỏ ửng, mắt long lanh phẫn nộ, cô hoàn toàn điều khiển anh chàng khốn khổ trước mặt mình:
- Anh đã hứa không bỏ em lúc khó khăn, rồi anh lại chạy trốn hèn nhát như một tên lính đào ngũ. Anh có còn là đàn ông hay đã biến thành một kẻ mặc quần lụa đen rồi?… Thế mà em đã khấp khởi mừng thầm rằng trong lúc sa cơ lỡ bước gặp quý nhân. Chẳng thà anh đừng hứa hẹn gì còn dễ chịu hơn… Mắt cô sáng lóa như làn nước, và giọng nói của cô cũng như nước chảy. Thành ngồi rũ trước Vượng, cả đầu lẫn mặt nóng bừng lên. Phải, anh đã hứa với cô sẽ gỡ giúp những khó khăn, anh cũng đã nói với cô rằng anh thương cô như thương một người em gái. Sao không nói thế được, trước những dòng nước mắt trong suốt như pha lê chảy từ đôi mắt đen của cô?… Và, vào thời khắùc cô gọi tên anh thống thiết như những hồn ma kêu gọi kẻ lái thuyền.
- Anh Thành…
Vượng tới ngồi bên anh, thì thầm:
- Đừng giận em nhé, đau khổ làm cho con người thành ma quỷ, còn sung sướng sẽ biến họ thành Phật thành Tiên. Đời em đã phải hứng chịu biết bao nhiêu nỗi đầy đọa, bây giờ tình yêu đầy đọa em lần nữa. Anh Quán có một gia đình tử tế, và anh ấy đã tìm cách rũ bỏ em để khỏi phải hứng chịu chung những gánh vác nặng nề…
Lời lẽ của cô khứa vào tim chàng trai như những lưỡi dao lá mía. Thành chợt nhớ tới một chiều đông của năm học đầu tiên bảy tám chàng sinh viên ngồi ăn lạc rang trong căn phòng này. Giữa mọi chuyện trời biển của họ, ai đó liền nêu lên những tiêu chuẩn kén chọn người yêu. Và Quán đã vui vẻ tán đồng quan điểm của Trường, một anh xấu trai nhưng tốt phúc vớ được một cô gái khá giả:
- Con một nhà giàu, cậu Trường giống chuột đói tháng ba bỗng sa chỉnh gạo…
Thành nghĩ:
“Chắc chắn Quán yêu Vượng khi nghĩ cô là cái chĩnh gạo thơm tho kia. Tới lúc phát hiện cô còn những năm anh chị em nữa cậu ta liền tìm cách tháo xích…
Ý nghĩ ấy vừa chợt tới, đã đóng đinh vào óc não Thành. Không một lô- gích nào thuyết phục anh được nữa. Chàng trai thấy sứ mạng thiêng liêng của mình là phải cứu vớt cuộc đời người con gái tội nghiệp. Anh bảo:
- Vượng đừng lo. Rằm tháng chín này sẽ có người mang lễ ăn hỏi tới ngõ nhà em.
Lời nói mạnh như lệnh của một quân vương. Vào khoảnh khắc ấy, nó vừa bộc lộ bản lĩnh kiêu hãnh chưa từng có dịp bột phát của chàng trai, vừa đẩy anh vào một tình thế không thể còn cứu gỡ…
Vượng ngước nhìn anh, tin cậy. Cô giống một con thỏ ngoan với bộ lông nhung. Trong cô, có tiếng chuông lanh lảnh đang reo: Thắng!… Cô không còn nhục nhã ê chề với xóm giềng bè bạn nữa. Con cá sổng lại còn nhỏ hơn con cá cắn câu. Ông thầy tử vi nói đúng thật: Đời cô luôn luôn có quý nhân phù trợ…
Hai hôm sau, Thành gặp Quán trên lớp.
- Thành, lại chìm tàu rồi hay sao?
Quán cất tiếng hỏi, ánh mắt lướt trên gương mặt bạn sục sạo, tìm kiếm. Và khi Thành còn đang im lặng, Quán đã lắc đầu:
- Tồi tệ thật.
Chàng trai buong tiếng thở dài, nhìn bạn thương hại. Không một ai muốn giữ liên sỉ lại cam chịu người khác nhìn mình bằng con mắt thương hại. Cái nhìn ấy chỉ dành riêng cho người trưởng thành nhìn lũ trẻ vị thành niên, cho những ai lành lặn nhìn kẻ tàn tật, những người đàn bà nhìn con mèo, con chó yêu của họ bị kẻ ác đánh đập… Thành hiểu điều ấy. Lòng tự trọng bị chà sát, đột ngột, anh gầm lên:
- Tớ yêu cầu cậu im đi i i…
Vừa lúc, giáo viên chủ nhiệm bước vào. Ông lần lượt nhìn hai chàng trai:
- Tôn- stôi và Đốt- tôi- ep- ski thù ghét nhau trên phương diện nghệ thuật nhưng luôn luôn quý trọng nhau về phía con người. Các cậu vừa làm cái trò bỉ ổi gì thế?… Tranh nhau miếng cơm hay tranh nhau một cô gái? Tôi không nghĩ rằng người ta có thể trở thành nghệ sĩ lớn với một nhân cách nhỏ…
Hai người cúi mặt lỉnh ra ngoài lớp. Một người đi về phía cửa trước, người đi về phía cửa sau.
Tối hôm đó, Thành buồn đến mức phải mua rượu về uống. Xưa nay, anh chưa bao giờ dám nghĩ tới chuyện mua rượu mạnh. Ngay cả khi người khác nài ép một vài giọt, chàng trai cũng đã tránh xa. Rượu vào, Thành rơi xuống một khoảng không bập bênh, u mê. Rồi lênh đênh trong cảm giác lạ lùng ấy, anh chợt thấy rằng tất cả những giờ phút bên Vượng, anh đều bồng bềnh giữa ngọn triều u mê khắc khoải như thế, và bầu trời xung quanh tắt đi mọi ánh sao, mọi ánh đèn…
- Có cái gì bất ổn trong con người ta…
Chàng trai nghĩ. Nhưng cái gì đó bất ổn, anh không gọi tên, không cắt nghĩa được. Anh nằm vật ra giường, dần dần thiếp đi cho tới chín giờ sáng hôm sau. Thức dậy, Thành ra ngoài phố lang thang. Anh muốn rời căn phòng của mình để khỏi nghĩ ngợi. Cái không gian lúc này đầy ứ hình ảnh người con gái đã nhảy bổ vào đời anh như một toán lính dù đột ngột xâm chiếm vùng đất lạ. Sắp tới rằm tháng chín. Chỉ còn năm sáu hôm nữa thôi…
- Rằm tháng chín này, mình sẽ đem lễ lên cầu hôn với Vượng và cô sẽ trở thành vợ mình. Quán đã đi gần hết đoạn đượng để rồi phần chung cực mình gánh vác. Giống như vai kịch tới màn chót phải thay kép hát. Không biết đây là may mắn hay rủi ro?…
Chàng trai bước thất thểu trên hè phố. Anh tự cay đắng vì mình. Quán đã yêu Vượng hơn một năm trời nhưng rũ bỏ cô chóng vánh như người ta rũ những hạt mưa bóng mây đọng trên tấm vải mưa. Còn anh, mới chỉ vài tuần lễ lâm cụoc đã sa vào bst quái trận đồ không lối thoát.
- Quán mạnh hơn mình và sáng suốt hơn mình. Phải thừa nhận là như thế…
Đi mãi, Thành thấy phố Bà Triệu hiện lên trước ngã ba. Ở đó, có một danh họa đã ngoài năm mươi tuổi sống độc thân. Ông lập dị nhưng tốt bụng, đám sinh viên hội họa vừa yêu ông vừa thèm muốn những thành công của ông. Buổi sáng chưa ăn gì, chàng trai đói. Anh biết nhà danh họa có một chiếc bếp dầu nhỏ và một thùng gạo thường trực dành cho những kẻ độc thân làm nghệ thuật vào lúc không còn vét nổi một đồng xu nhỏ trong túi quần. Thành gõ cửa. Có tiếng quát vọng ra:
- Cậu nào đấy? Cứ đẩy cửa mà vào.
Chàng trai mở cửa, vào nhà. Họa sĩ lớn đang vẽ. Một cô gái chạc hai mươi, đẹp man rợ ngồi trước mặt ông. Khi cô ta quay mặt lại, Thành nhận ra Hồng tác- ta, người đà bà trẻ nổi tiếng trác táng trong thành phố. Cô ta tầm thước nhưng nảy mở, đôi mắt rất to, rất sâu, kiểu mắt gái nhảy, vừa ướt vừa mờ như nó đã được tạo ra từ trong bóng tối của các bar. Cặp môi mỏng tô son bóng nhảy. Vầng trái dô bướng bỉnh và giàu ham muốn. Những lọn tóc buông trên đôi vai tròn. Người đàn bà trẻ nhìn chàng trai như nhìn vào chỗ không người. Anh cũng nhìn cô với đôi mắt như thế. Nhà danh họa ngẩng đầu lên:
- Uống một chén con chứ?
Thành đáp.
- Cảm ơn, nhưng em đang đói, xoong cơm Thạch Sanh của anh đâu?
- Tưởng có sự gì lạ?…
Họa sĩ cười lớn khà khà: Bao tử biểu tình với nghệ thuật hội họa là chuyện thường. Hôm nay tớ có bánh mì kẹp thịt để sẵn trong tủ kia kìa, lấy ra mà chén.
Miệng nói, tay ông không rời cây bút vẽ. Vào nhà ông, ai cũng thấy mình là chủ nhân. Thành mở tủ, lấy bánh mì ăn, rồi châm bếp đun nước pha trà. Rót cho nhà danh họa một chén, rót cho mình chén thứ hai, chàng trai vừa nhâm nhi uống vừa ngắm nét bút vờn trên mặt vải. Thoạt đầu, để chờ đợi. Rồi sau, anh bị lôi cuốn bởi sự say mê nghề nghiệp đến mức quên cả tình cảm sầu muộn của mình. Tới khi cô gái đứng lên, vặn lưng, uốn éo một cách hoàn toàn bất nhã ngay trước mặt họ, anh mới sực tỉnh.
- Thôi, mỏi lắm rồi, em về đã.
Cô nói, không chờ trả lời bước khỏi phòng. Nhà danh họa vẫn ngồi nguyên trên ghế nên Thành phải bước ra đón cửa cho cô ta. Quay vào, Thành nói:
- Người đàn bà có tên ở mọi chuyện dơ dáng trong thành phố. Thiếu mẫu sao mà anh thuê cô ta?…
Họa sĩ lớn cười khà khà:
- Tớ biết, tớ biết… Nhưng hãy tha thứ cho nàng, bởi vì nàng đẹp.
Thành không hỏi thêm câu nào nữa. Anh nói chuyện nghề nghiệp với người nổi tiếng là Mạnh Thường Quân của giới hội họa. Câu chuyện kéo dài tới tận chiều, qua một cuộc rượu không thịnh soạn nhưng mặn mà. Tuy nhiên, câu nói của nhà danh họa cứ ngân lên trong óc não chàng trai một âm vang dai dẳng:
- Hãy tha thứ cho nàng, vì nàng đẹp quá…
Chín giờ kém mười lăm, Thành loạng choạng trở về phòng. Anh thốt câu nói đó ra khỏi cửa miệng rồi lăn xuống ngủ. Và sớm hôm sau, không còn đắn đo thêm phút nào nữa, Thành đạp xe tới nhà bà dì ruột, nhờ bà sắm sanh lễ vật tới rằm hỏi vợ.
*
**
Ông già Ớt bỗng nói mê lảm nhảm. Thành mở mắt, khung trời tím với những gợn mây lăn tăn ngưung đọng trước mái lều. Sắp sáng rồi vì biển lặng như không còn tồn tại trong vũ trụ xưa cũ mà nó đã trị vì tới mỏi mòn và buồn chán. Nhưng ở phía đông, ánh lê minh xanh nhạt rợn lên. Khắp xóm cát, tiếng gà gáy từng hồi nao nức vẳng tới. Tiếng gà quen thuộc thức tỉnh trong anh niềm khát khao một ngọn lửa nhen nhúm, một âm thanh dịu ấm đời thường, một sắc màu trìu mến, niềm yêu thương tồn ứ vĩnh cửu nơi sâu thẳm của tâm hồn… Có lẽ rằng đời sống phải thế chăng? Phải xóa đi và phải gây dựng lại. Lời một bài hát nào đó anh còn nhớ: “Và tren cát, sóng hững hờ xóa dấu chân…” Những con sóng vô tri, người ta không có quyền dằn dỗi nó. Họa sĩ hiểu rằng cuộc chạy trốn của anh vô nghĩa. Bởi vì, ngay trong lúc dĩ vãng đang vặn thắt trái tim hối tiếc của anh, anh vẫn bị ám ảnh bởi ánh mắt của người xa lạ ấy. Một đôi mắt vừa lạnh lùng vừa ấm áp, vừa đầy ải con người vừa thiết tha kêu gọi họ trở về…