BONG BÓNG MÙA MƯA
Tác giả: Dương Thụy
Dạo đó vào đầu mùa mưa, bầu trời lúc nào cũng xám xịt với những cơn mưa như trút và đường phố ngập lụt mênh mông. Lần đầu tiên gặp Lan, Du không có cảm tình với cô. Lan ngồi trong ban sát hạch tuyển nhân viên, bên cạnh ông giám đốc Kinh Doanh – Tiếp Thị hói đầu người nước ngoài trông rất thực dân và ông Tổng giám đốc cũng người nước ngoài có vẻ điềm đạm nhưng bí hiểm. Trong lúc Du bị “quay” tơi tả, cổ họng khô khốc và mồ hôi đầm đìa dù đang trong phòng máy lạnh, Lan không hỏi anh câu nào, chỉ im lặng cười lạnh lùng và nhìn anh chán nản. Khi ra về, chạy xe cùng cơn mưa chiều xối xả, Du cầm chắc thất bại không chen nổi vào công ty đa quốc gia này. Trải qua vài lần chuyển chỗ làm bằng cả hai mô hình “tự nguyện” và “bán tự nguyện”, anh lại quyết định tìm cơ hội mới. Khi nghe Du báo tin này, mẹ anh buồn bã lắc đầu “Thanh niên bây giờ cứ nhảy hoài không mệt!”. Tuy nói thế, nhìn Du trở về từ những cuộc phỏng vấn cùng cơn mưa đầu mùa, bà động viên liên tục “Thời buổi ganh đua bây giờ, không tự tìm đường ra đi cũng bị họ chèn ép!”
Hai ngày sau buổi phỏng vấn chỗ Lan, không ngờ Du được gọi đi làm. Hẳn ông Tổng giám đốc, người có vẻ dễ chịu nhất ngày hôm đó đã quyết định tuyển Du với vị trí “phụ trách đào tạo” cho bộ phận Kinh Doanh và Tiếp Thị dù anh nộp đơn cho vị trí “phụ trách sản phẩm”. Những ngày đầu đi làm, anh rất ngại đụng mặt Lan, sếp trực tiếp của mình. Du cố gắng siêng năng đi sớm về trễ, không nề hà đi công tác tỉnh như con thoi. Công việc của anh vừa bám theo đội ngũ bán hàng ngoài thị trường để hiểu công việc, vừa soạn giáo án để đào tạo cho họ những kỹ năng cần thiết. Trong những lần cùng đi thực tế với nhân viên tiếp thị, Du thấy họ dành cho Lan nhiều tình cảm và hết sức ngưỡng mộ cô. Họ cho anh biết Lan là gương thành công cho nhiều người bởi tính năng động, cầu tiến và nhiệt tình trong công việc. Tuy nhiên, điều làm Lan trở nên thân thương là cô sống rất thật tình.
- Sếp Lan chịu khó hỗ trợ nhân viên lắm – chị Tâm, tổ trưởng bán hàng ở Cần Thơ thân thiện – Em được làm việc trực tiếp với Lan sau này thể nào cũng giỏi.
- Thật sao? – Du buột miệng – Thấy cô ta lạnh lùng, phách lối lắm!
- Em mới vô mà! – chị Tâm cười thấu hiểu - Ở đời tưởng vậy mà hổng phải vậy!
Sau những đợt công tác, về lại văn phòng Sài Gòn, Du bình tĩnh ngắm lại sếp. Cô chưa đến ba mươi, còn quá trẻ cho chức vụ giám đốc Kinh Doanh với hai trăm nhân viên trên toàn quốc. Vậy mà dù tất bật, bận rộn và chịu nhiều áp lực, hiếm khi nào thấy cô căng thẳng. Ngay cả khi Lan tỏ vẻ than thở “stress quá!”, mọi người vẫn thấy cô tươi cười. Lan rất thân với các sếp nước ngoài, cô cười đùa, cùng đi ăn trưa và là cánh tay mặt của họ trong công việc. Có thể cô giỏi, nhưng Du chưa thấy phục. Chẳng qua cô có thể có một dáng vẻ hợp “gu” Tây: chân dài, người mảnh mai, da ngăm đen, mắt xếch, gò má cao và trông hơi hô. Khi nghe Du tả, mẹ anh kinh ngạc “Sao có người xấu dữ!”. Du bật cười, biết mình không công bằng. Lan không xinh nhưng thật có duyên nhờ vẻ hài hoà từ những “đề phô” và nụ cười luôn chực trên môi. Tuy thế, Du chưa bao giờ có cảm tình vì chẳng nhận được sự hỗ trợ nào ngoài những yêu cầu có vẻ trịch thượng “Anh đi công tác thế nào, về phải làm báo cáo chứ!”, “Anh báo cáo như vậy sao được, sơ sài quá!”, “Anh làm lại báo cáo đi, dài dòng kể lể như vậy làm sao Lan có thời giờ đọc!”, “Báo cáo anh Du viết không mạch lạc, không theo trình tự logic nào hết!”, “Vị trí của anh là phụ trách đào tạo mà viết một báo cáo không suôn thì đào tạo ai?”. Sau khi sửa tới sửa lui bản báo cáo đầu tiên của mình mà vẫn chưa vừa lòng sếp, Du hỏi:
- Thật ra thì cô muốn gì?
- Muốn anh Du viết một bản báo cáo hoàn hảo – Lan cười hồn nhiên trước vẻ mất bình tĩnh của anh.
- Cụ thể là gì? Bao nhiêu trang? Bao gồm mấy phần? Phần nào cô quan tâm nhất? Viết theo kiểu gì?
Cô cười, lần lượt trả lời những câu hỏi của anh. Du lại tiếp tục làm bản báo cáo, nguyền rủa tất cả những ai đàn bà làm sếp. Khi anh nộp lại, lòng hồi hộp, lần này nếu Lan bác bỏ, anh nghĩ mình không “thọ lâu” được ở đây.
- Khá lắm! – mặt sếp dãn ra – Có vậy mà phải làm tới làm lui mới đạt.
- Nếu ngay từ đầu cô cho tôi biết những yêu cầu cụ thể, tôi đã hoàn thành từ sớm – Du bực, nói khá gắt.
- Sao anh không hỏi? – Lan nhướng đôi mắt vốn đã xếch của mình – Làm sao Lan biết anh cần cái gì?
Khi anh kể mẹ nghe, bà cười lớn “Tội nghiệp con trai!”. Sau lần “đụng độ” đầu tiên đó, anh tiếp tục còn nhiều va chạm với sếp dù vẫn nhận ra mình là người thừa kiêu hãnh nhưng lại thiếu tự tin. Nếu Lan là đàn ông, hẳn anh không “lên gân” như vậy. Hết thời gian thử việc, làm hợp đồng chính thức, Tổng giám đốc gọi anh vào phòng nói chuyện. Ông khen anh nhiệt tình, chịu khó cống hiến, dù còn chưa thật sự chuyên nghiệp. Nghe anh cảm ơn đã tuyển dụng, ông cười lớn:
- Hãy cảm ơn Lan, cô ta thuyết phục tôi đó chứ!
- Sao? – Anh chưng hửng.
- Hôm phỏng vấn cậu không tự tin lắm, cũng không nêu lên được động lực cá nhân trong nghề nghiệp – Tổng giám đốc cười thân thiện – Lúc đó tôi chỉ thích tiếng Anh trôi chảy của cậu. Nhưng Lan tin rằng đằng sau vẻ rụt rè là tinh thần cầu tiến. Cô ta công nhận cậu chưa nhiều kinh nghiệm cọ xát thực tế để đảm nhận chức “phụ trách sản phẩm” nhưng thừa năng lực làm đào tạo, Lan hay nói “Đàn ông Việt Nam kiêu hãnh nhưng yếu đuối!”. Một năm nay ở đất nước này, tôi thấy đúng. Tôi thích tuyển phụ nữ làm việc hơn! Dù có vẻ bất tiện khi họ mang thai và nuôi con nhỏ, nhưng họ có tinh thần trách nhiệm cao và chịu áp lực rất tốt. Như Lan đó, quả là một nhân viên vàng của công ty!
Du bước ra khỏi phòng Tổng giám đốc khi ông vẫn còn hào hứng ca ngợi Lan. Khuya đó anh đi công tác cùng cô tận xuống Kiên Giang. Mẹ mở cửa tiễn, Lan bước xuống chào, nhìn anh ấm áp “Sướng quá! Con trai được cưng ghê!”. Lên xe cô mở túi lấy tấm mền bảo Du đắp rồi nói như ra lệnh “Ngủ đi!”. Tờ mờ sáng, xe dừng lại quán phở bên đường, cô bảo anh xuống điểm tâm. Nhìn cô thoải mái ăn tô phở “bụi”, tự nhiên Du thấy bớt ác cảm.
- Anh Du là con một phải không? – Lan đột ngột hỏi.
- Không phải – Du chối.
- Phải! – Cô cười – Làm con một có gì ngại mà giấu! Được mẹ thương cũng đáng tự hào!
- Sao cô biết? – Du cười gượng.
- Lan biết về anh nhiều hơn là anh tưởng! – Lan cười to sảng khoái.
- Tôi cũng biết về cô nhiều hơn cô tưởng!
- Chưa chắc! – Lan lắc đầu – bất quá cũng chỉ thu thập thông tin từ mấy nhân viên tiếp thị. Những điều đó, cả công ty này đã biết!
- Cô có nghĩ cô là một người kiêu hãnh? – Du nói nước đôi.
- Anh không kiêu hãnh sao? – Lan cười chớp mắt hỏi lại.
- Tôi ngưỡng mộ câu trả lời của cô bằng một câu trả lời khác!
- Tại sao không?
- Cô đáng làm sếp tôi! – Anh cười không được tươi lắm.
Lần đi công tác đầu tiên với Lan làm anh gần như kiệt sức. Anh không hiểu một cô gái mảnh mai như cô lấy đâu ra sức để làm việc ngoài đường cùng đội ngũ Tiếp Thị suốt mười mấy tiếng đồng hồ và trên xe kịp làm báo cáo bằng máy tính xách tay để hôm sau có đủ số liệu trao đổi với các sếp lớn. Sức làm việc của Lan bằng mấy người gộp lại nên với ai cô cũng yêu cầu cao. Anh thôi không ấm ức, càng làm việc chung càng khâm phục tính chuyên nghiệp của sếp.
Một lần cùng đi công tác, đang ngồi trong quán cơm vỉa hè ở Nha Trang, Lan nhận được điện thoại người ta đòi “săn đầu người”.
- Không biết chừng nào tôi mới được “săn” như cô? – Du nói như một lời khen.
- Lại kiêu hãnh nhưng thiếu tự tin nữa rồi! – Lan cười, mắt ánh lên vẻ diễu cợt.
- Thế phải làm gì để tự tin?
- Có nhiều kinh nghiệm!
- Làm gì để có nhiều kinh nghiệm?
- Dấn thân!
Lan nhìn Du, thấu hiểu nỗi mặc cảm của anh. Du chợt nhận ra mình đặt cho cô những câu hỏi quá sơ đẳng như một kẻ ngây thơ xuẩn ngốc. Trời đột ngột đổ mưa, thật lớn. Ngoài kia biển và trời hoà lẫn với nhau thành một màu xám nhạt. Lan để mặc sự im lặng nặng nề xâm chiếm hai người một lúc lâu. Khi những chiếc bong bóng nước xuất hiện báo hiệu cơn mưa chiều chưa vội chấm dứt, cô đều giọng “Anh không thích tôi phải không?”, rồi không chờ câu trả lời, cô tiếp “Nói đúng ra là anh không thích sự thành đạt của tôi, phải không?”. Du nhìn sếp, chợt nhận ra cô quá mảnh mai. Những hạt mưa theo gió hất vào bám trên đôi cánh tay thon làm cô có giáng điệu co ro. Lan không nhìn người đối diện, cô ngắm những chiếc bong bóng vỡ tan “Tôi thích làm việc với người phương Tây, họ luôn công bằng khi đánh giá phụ nữ. Thế nhưng nhiều đồng hương lại ác cảm với những gì tôi đạt được!”. Lan đứng dậy bước ra sát màn mưa, anh thấy đôi vai của cô thật gầy.
- Gia đình tôi có một xí nghiệp dệt và tôi biết tìm hiểu cách quản lý lúc còn rất nhỏ. Khi xưởng dệt không còn thu hút, tôi được ba gởi đến thực tập ở những doanh nghiệp khác. Rồi tôi đi du học và làm việc cho nhiều công ty nước ngoài. Tôi mang ơn gia đình mình. Vì thế tôi rất có cảm tình với những ai có một gia đình hạnh phúc. Khi được thương yêu, người ta sẽ thành công mà không cần bỏ mất những giá trị căn bản. Đó là lý do tôi thành đạt khi còn quá trẻ. Anh hết thắc mắc chưa?
- Tôi…- Du bối rối.
- Dạo mới vào công ty, nhiều người có thành kiến với tôi lắm. Thành đạt thì dễ mà được mọi người thương mến sao khó vô cùng – Lan nhìn anh chân thành – Làm sao phải vừa lòng cấp trên mà không mích lòng cấp dưới. Nhiều lúc chỉ muốn buông xuôi tất cả. Mẹ tôi cũng hỗ trợ tinh thần giống trường hợp mẹ anh và anh vậy.
Du đỏ mặt tự hỏi lẽ nào cô biết những trò chuyện của anh và mẹ. Rồi thế nào sau chuyến công tác này anh cũng phải nhờ bà tư vấn khi Lan đột ngột thú nhận “Lan cần tình thân ái của anh!”
***
Cuối năm, khi những cơn gió se lạnh tràn về, mọi người trong công ty đều bận rộn với những bản báo cáo tổng kết. Có một vài xáo trộn nhân sự quan trọng: Ông giám đốc “Kinh Doanh và Tiếp Thị” đầu hói người Châu Âu đã mãn nhiệm kỳ, người thay thế đến từ Thái Lan. Ông Tổng giám đốc gọi Du vào phòng riêng. Lan đã có mặt ở đó. Ông nói sau hai năm làm việc rất năng động và hiệu quả, công ty quyết định bổ nhiệm Du vào vị trí giám đốc Kinh Doanh, vị trí Lan đã đảm nhận từ hơn ba năm nay.
- Lan tiến cử anh – Tổng giám đốc chờ đợi một lời cảm ơn – Và tôi đồng ý ngay tức khắc!
- Vậy còn Lan, cô ta sẽ làm gì? – Du hỏi bằng một giọng lo lắng.
- Lan sẽ sang Philippines theo điều động của tập đoàn, làm việc nhiệm kỳ ba năm – Tổng giám đốc tự hào – Cô ta rất xứng đáng!
Du xin mọi người cho anh thời gian suy nghĩ trước khi quyết định. Điều này làm phật lòng ban giám đốc. Lan đuổi theo anh đến phòng làm việc, cô hỏi không ngần ngại “Du sợ phải không?”. Hai năm cùng làm việc đủ để cô và anh có thể trao đổi những điều thẳng thắn. Anh không trả lời, lòng buồn bã. “Du không tự tin đảm nhận vị trí này? – Lan không còn bình tĩnh – Trước kia phải là người nước ngoài hay ít nhất là Việt kiều mới làm nổi. Từ ngày Lan làm tốt, tập đoàn đã quyết định để người Việt Nam tiếp tục đảm trách. Anh mà từ chối, họ coi người Việt mình ra gì?”. Du không trả lời cô, anh hỏi lại “Lan đi Phillipines làm việc thật sao?”. Cô cười gật đầu, mãn nguyện nói niềm ao ước được làm quản lý ở nước ngoài giờ đã thành hiện thực. Tại sao người Việt mình phải mặc cảm để người nước ngoài đến quản lý, người Âu Mỹ đã đành, cả dân Châu Á trong vùng cũng được coi trọng hơn Việt Nam. Công nhận họ hơn ta, nhưng mình không học hỏi để vươn lên thì mặc cảm hoài có ích gì, chỉ càng làm mình yếm thế hơn mà thôi. Du đột ngột gắt “Đừng lên lớp tôi nữa!”
Ngày công ty mở tiệc tiễn Lan sang Phillipines, Du không đến dự. Anh bỏ đi công tác ở Nha Trang ngay sau khi nhận quyết định bổ nhiệm vị trí mới. Ngồi trong quán cơm ngày trước giờ đã nâng cấp lên thành nhà hàng, anh cay đắng nhớ đôi vai gầy cùng dáng điệu co ro rồi tự hỏi ở cái xứ toàn đảo ghép lại ấy có nhiều mưa cùng những chiếc bong bóng dễ vỡ?
Rời Nha Trang, Du đi thẳng xuống Cần Thơ không ghé qua Sài Gòn. Chị Tâm đón anh nói bâng quơ “Hôm nay Lan bay!”. Anh nhún vai thờ ơ “Phụ nữ gì chỉ lo làm việc, chừng nào mới lập gia đình! Rồi thể nào cũng lấy một người chồng ngoại quốc!”. Chị nhìn anh, thấu hiểu “Không người Việt nào dám yêu thì để người ta lấy nước ngoài chớ!”. Du trả lời vô cảm “Ai dám rước phụ nữ làm sếp về nhà?”, rồi rũ vai bỏ đi. Anh còn kịp nghe tiếng chép miệng của người đồng nghiệp lớn tuổi “Ở đời, nhiều khi nói vậy mà hổng phải vậy!”. Trời lại đột ngột đổ mưa…