watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hành trình của những người trẻ-MỘT NGƯỜI HẠNH PHÚC - tác giả Dương Thụy Dương Thụy

Dương Thụy

MỘT NGƯỜI HẠNH PHÚC

Tác giả: Dương Thụy

Làm thư ký ở công ty này qua vài đời giám đốc, chưa bao giờ Lệ Mai thấy ông nào lịch lãm và được lòng nhân viên như Michel. Ông nhận nhiệm sở ở Việt Nam được vài tháng, bộ mặt công ty đã có sự thay đổi lớn. Ai gặp tổng giám đốc cũng dám mạnh dạn đứng lại chào. Trước kia nhân viên Việt Nam thấy mấy sếp Tây chỉ tự ti cúi mặt rồi lủi đi thật nhanh. Với Michel khác hẳn, ông chủ động chào hỏi thân thiện và nhớ tên từng nhân viên bảo vệ hay tạp vụ. Sau bao nhiêu năm chịu đựng những ông sếp khi thực dân lúc phát xít, giờ cả công ty đang vui sướng tận hưởng bầu không khí thân thiện và bình đẳng.

Từ ngày có sếp mới, Lệ Mai trở nên siêng năng và chịu khó chăm chút thật hoàn hảo từng công việc nhỏ nhất sếp giao. Cô thích đôi mắt thông minh nhưng dịu dàng của Michel ánh lên lấp lánh mỗi khi ông dành cho cô những lời khen ngợi “Tốt lắm!”, “Trình bày rất chuyên nghiệp!”, “Chắc cô phải mất thời gian với cái bảng này lắm đây! Cảm ơn cô nhiều lắm!”. Lệ Mai biết sếp đã trên năm mươi nhưng thật sự con người ông không có tuổi. Michel xuất thân từ tầng lớp quý tộc chính thống nên trông ông lúc nào cũng thư thái, mềm mỏng và giữ được bình tĩnh trong mọi trường hợp. Có thể không điển trai nhưng phong cách sang trọng mà gần gũi của Michel làm mọi người thấy ông duyên dáng đến mức ông được bầu là “ người sếp đẹp trai nhất” trong lịch sử công ty. Với thư ký riêng, Michel lúc nào cũng nhẹ nhàng, ông thích đùa và nháy mắt lém lỉnh nhưng bao giờ cũng biết giữ khoảng cách cần thiết. Lệ Mai thường thú nhận với mọi người “Có sếp như vậy, tôi làm việc một ngày hai mươi bốn tiếng cũng cam!”

Vốn quen với sự dịu dàng của sếp, sáng nay Lệ Mai kinh ngạc nhìn Michel mở cửa phòng cô một cách bất ngờ không gõ trước. Ông xồng xộc bước vào, khuôn mặt đầy xúc động và ánh nhìn bộc lộ một nỗi đau sâu sắc.

- Có chuyện gì vậy Michel? – Lệ Mai vẫn thường gọi tên sếp thân mật theo ý ông.

- Cô đọc lá thư này đi! – Vẫn còn rất xúc động, Michel chìa cho cô một lá thư – Tôi vừa nhận được từ tập đoàn mình bên Paris. Cô nên nhanh chóng đến thăm người ta rồi cho tôi biết chúng ta cần giúp đỡ thế nào. Tôi thấy có cho bao nhiêu cũng không bù được nỗi bất hạnh của cô gái này.
- Vâng, Michel! – Lệ Mai nhẹ nhàng trả lời nhưng sếp đã vội vã quay đi che dấu những giọt nước mắt ứa ra.
Lệ Mai cầm lấy lá thư Michel đưa. Thư viết tay bằng nét chữ mềm mại và đều đặn của một người tài hoa. Phong bì đóng dấu bưu điện Việt Nam, người gởi ghi địa chỉ công ty tận bên Pháp. Bức thư dài bốn trang giấy học trò được viết bằng một thứ tiếng Pháp chỉn chu. Dù rất tự hào mình giỏi ngoại ngữ, Lệ Mai cảm thấy khâm phục người viết vì câu văn được diễn đạt hoa mỹ và văn phạm được chăm sóc khá kỹ, điều rất khó làm được trong ngôn ngữ này.
Người viết tự giới thiệu mình là một thiếu nữ bất hạnh năm nay hai mươi lăm tuổi. Cô tên Trần Thị Lan, bị nhiễm chất độc màu da cam nên khi sinh ra đã bị dị dạng. Lan tự tả mình “như một con khỉ trụi đầu có cái cằm dính chặt vào cổ nên suốt đời phải chịu cảnh cúi gằm mặt xuống đất không sao ngẩng lên được”. Cô còn chịu cảnh không chịu đi lại được vì bàn chân bị xụi và luôn luôn đau nhức. Hầu như cuộc đời của Lan không có nụ cười vì bệnh tật và những ánh mắt soi mói của đồng loại. Tuy tả mình bị tàn tật, nhưng Lan không tỏ vẻ than thân trách phận vì ngoài mấy dòng ngắn tự giới thiệu bản thân, còn lại cô dành viết về người mẹ dịu hiền đã hy sinh đời mình ngày đêm buôn bán ve chai để nuôi cô khôn lớn. Nhờ gánh ve chai của mẹ, Lan được đi học đầy đủ và vào được Đại học Ngoại Ngữ. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp, vì bản thân tàn tật, cô không thể xin được việc làm nên cuối cùng lại tiếp tục ăn bám mẹ. Hiện nay Lan nhận dịch tài liệu nhưng công việc không thường xuyên. Cách nay ba tháng, bệnh viện phát hiện mẹ cô bị ung thư trực tràng và cuộc sống của bà đang ngày càng lịm dần vì hai mẹ con không sao tìm đủ tiền trị bệnh. Vốn xem mẹ là lẽ sống trên đời, Lan cũng tự biết mình không thể tiếp tục tồn tại nếu thiếu bà. Cô rất tự trọng cho biết dù đã rất khổ sở, chưa bao giờ hai mẹ con ngửa tay xin bố thí của ai, nhưng nay vì mạng sống của người mẹ đáng thương, buộc lòng Lan phải viết thư xin công ty dược X thuốc trị bệnh ung thư trực tràng cho mẹ. Bác sĩ nói nếu được điều trị đúng liều, mẹ cô có hy vọng thoát chết. Mà một hộp thuốc trị ung thư hiện bán đến năm triệu đồng. Muốn trị hết bệnh, phải cần đến mấy chục hộp như thế nên cô chỉ còn biết trông chờ vào điều kỳ diệu từ công ty dược sản xuất ra thuốc này.

Tuy không đến mức quá xúc động như xếp Michel, vì Lệ Mai đã quen với những hình ảnh của nạn nhân chất độc màu da cam trên báo chí, cô cũng ngậm ngùi thương xót cho người bạn đồng trang lứa tuy học giỏi và hiếu thảo nhưng lại có một số phận quá bất hạnh. Mắt đỏ hoe, Lệ Mai chạy vào phòng sếp, cô nói sẽ thu xếp công việc để tìm gặp Lan ngay.

- Cô hãy làm tất cả những gì có thể làm được cho cô gái này – Michel trầm ngâm – Cô ta đã gửi thư cầu cứu công ty mình. Một con người tự trọng, cô ta chỉ xin thuốc trị bệnh cho mẹ mà không đề nghị bất cứ điều gì cho bản thân.

- Ở Việt Nam còn nhiều nạn nhân chiến tranh lắm! – Lệ Mai buồn bã.

- Tôi biết, nhưng tôi không thể giúp hết. Cô Lan thì khác, cô ta có tinh thần nỗ lực cao – Michel hào hứng – Bất hạnh như thế mà học hành tới nơi tới chốn. Tôi luôn khâm phục người Việt Nam, rất chịu khó. Ngày nay giới trẻ Pháp không viết được như vậy đâu.

- Vâng – Lệ Mai cúi đầu xấu hổ - tôi cũng không biết chừng nào mình mới viết nổi như thế.

- Cô thu xếp tiến hành vụ này nhanh lên – Michel lộ rõ vẽ sốt ruột – cứu người bệnh ung thư không thể chần chừ được. Hỏi xem bà ta nằm viện nào, tôi sẽ nhờ các bác sĩ quen trong bệnh viện Pháp Việt khám cho bà. Ngoài thuốc men công ty mình tài trợ, mọi viện phí tôi chịu hết.

Lệ Mai nhìn sếp ngưỡng mộ. Cô biết qua Việt Nam chưa bao lâu Michel đã đi thăm các làng trẻ mồ côi và khuyết tật. Nhiều lúc Lệ Mai tự hỏi một người có xuất thân quyền quý như Michel sao lại có nhiều quan tâm đến những cảnh đời bất hạnh đến thế. Vợ ông cũng làm từ thiện rất nhiều và đó là một trong những lý do khiến họ nhận nhiệm sở ở Việt Nam.

Ngay chiều hôm đó, Michel cho phép cô nghỉ việc để đến nhà Trần Thị Lan thăm hỏi. Trong thư Lan nói nhà mình nằm trong khu ổ chuột không có địa chỉ nên cô mượn địa chỉ của một đồng đội cũ của cha quá cố ở khu Bà Chiểu. Lan nói rõ người này rất tử tế nên công ty cứ gửi thuốc về dưới tên ông, ông sẽ chuyển lại đầy đủ. Đó là một căn nhà cũ kỹ và ẩm mốc trong xóm Đồng Cô Lệ, Lệ Mai kêu cửa nhiều lần nhưng không có người ra. Bà già hàng xóm đang ngồi bên thúng cóc ổi và vài ba nải chuối thâm kim nhìn Lệ Mai với nụ cười khó hiểu trên môi:

- Cô tìm ai?

- Ông Nguyễn Hiển Vinh sống ở đây phải không bà?

- Phải! – Bà già chép miệng – nhưng hình như hắn về quê cả tuần nay rồi, không biết chừng nào lên!

Lệ Mai tái mặt. Đây là mối liên hệ duy nhất để cô tìm đến với Trần Thị Lan và bà mẹ đang bị tử thần lôi kéo. Nếu không gặp được ông Hiển Vinh sớm, làm sao cứu chữa kịp thời người bệnh. Lệ Mai để lại số điên thoại của mình cho bà già, nhờ khi nào ông Hiển Vinh về thì gọi điện gấp cho cô.

- Có chuyện gì? – Bà già nhìn cô tỏ vẻ thương hại.

- Dạ, chuyện dài dòng lắm, nhưng gấp! Bà nhớ giúp con!

Michel nổi giận khi nghe Lệ Mai về báo cáo. Chưa bao giờ cô thấy xếp mất bình tĩnh như thế.Vẻ nhẹ nhàng và tế nhị cố hữu của ông biến mất. Ông nhấn mạnh Lệ Mai phải nhiệt tình hơn và bằng mọi cách phải truy tìm cho ra ông Hiển Vinh càng sớm càng tốt. “Lệ Mai! Ở một bệnh viện ung thư nào đó, một địa ngục trần gian ở cái xứ này – Michel nóng nảy – Cô Lan đang chờ chúng ta một cách vô vọng để cứu mẹ. Mà bản thân Lan cũng không thể tự chăm sóc mình. Ai giúp họ đây? Cô biết gia cảnh neo đơn của họ rồi!”. Lệ Mai bật khóc nức nở trong phòng vệ sinh, không chỉ vì lần đầu cô bị sếp lớn tiếng mà vì còn nghĩ đến cảnh đáng thương của Lan. Trưa hôm sau cô quay về Bà Chiểu trong cái nắng chói chang đến nhức mắt, bà già hàng xóm thủng thẳng “Chưa về!”. Nhìn Lệ Mai bồn chồn không yên, bà già đột nhiên đề nghị “Chuyện gì? Kể cho tôi đi! Biết đâu bà già này có thể giúp được cô?”. Không tìm thấy sự quan tâm mà chỉ là ánh mắt diễu cợt, Lệ Mai bực tức bỏ đi. Cô ra quán nước đầu xóm hỏi thăm ông Hiển Vinh và dư thời giờ kể tỉ mỉ bức thư cô Trần Thị Lan cho chị chủ quán.

- Ủa! Vậy hả? – Chị Bảy thân thiện – Ông đó cũng giỏi tiếng Pháp lắm, tiếng Anh nữa! Ổng có tú tài Pháp mà. Nhưng tui chưa bao giờ biết là ổng từng là bộ đội. Gia đình ổng dân Tây mà. Đi nước ngoài hết rồi.

- Sao ổng không đi luôn?

- Ai mà biết, xóm này nói ổng gàn sao đó nên gia đình ghét – Chị Bảy chép miệng làm một hơi – Mà ổng không đi làm gì hết, ở nhà chơi có hàng nước ngoài gửi về hoài. Mà đặc biệt không phải của gia đình gửi. Hổng lẽ bồ bịch gì của ổng tiếp tế? Ổng đâu có giao thiệp gì với ai! Đúng là gàn!

Lệ Mai hoang mang, cô quay lại nhà bà già kỳ cục và đành kể hết lý do cô tìm đến đây. “Bà không giúp thì mẹ cô Lan sẽ chết, rồi cổ cũng chết theo!”. Bà già trở nên giận tím mặt đến Lệ Mai tưởng bà sắp nhảy lên cào vào mình nhưng cuối cùng cô nhận ra bà đang nguyền rủa ông Vinh “Đồ bất nhơn, sao lại mượn nỗi bất hạnh của nạn nhân chất độc da cam để làm tiền người ta chứ!”. Giống chị Bảy bán nước, bà già khẳng định ông hàng xóm chưa từng đi bộ đội và học rất giỏi. Khi nhìn nét chữ trên bao thư cô Trần Thị Lan viết, bà lắc đầu ngao ngán “Chữ của hắn đó! Hắn gạt công ty cô rồi!”. Lệ Mai như rớt từ trên cung trăng xuống, cô lắc đầu ngoày ngoạy chối bỏ điều này làm bà già càng điên tiết hơn. “Bởi vậy! Mấy người ham nghe bọn học thức, hắn có chữ nghĩa, biết tiếng Tây tiếng U nên mấy người tin. Còn bà già này dốt nát thất học nên có gạt được ai đâu!”

Lệ Mai không muốn báo tin này cho sếp, sợ lòng tốt của ông bị tổn thương nhưng cuối cùng cũng phải cho ông biết tình hình. Khác với dự đoán, Michel tỏ vẻ bình tĩnh, ông đề nghị cô tìm đến chính quyền trong khu vực “Hãy kiểm tra lại thông tin, không nên nghe một chiều. Trên đời này điều gì cũng có thể diễn ra hết!”. Lệ Mai trằn trọc cả đêm cũng không sao giải thích được một người đàn ông gàn gàn theo lời mọi người lại có thể hoá thân thành cô gái nạn nhân chất độc da cam Trần Thị Lan thương tâm đến thế. Xem kỹ lại lá thư, Lệ Mai tin rằng một cô gái mới hai mươi lăm tuổi khó có thể nào viết được tiếng Pháp cao cấp như thế. Nhưng nếu ông Hiển Vinh là người có học thức, giỏi ngoại ngữ lại là người lành lặn, sao ông không đi làm như những người bình thường, lương cũng vài trăm đô một tháng. Đã biết thuốc Y chữa bệnh ung thư trực tràng hẳn ông phải là người chịu khó cập nhật thông tin y khoa vì thuốc này mới được công ty dược X tung ra thị trường hai năm nay và đặc biệt thuốc rất hiệu quả nên đang trong giai đoạn bán với giá khá cao. Đây là loại thuốc có giá đắt nhất trong gian hàng dược phẩm của Tập đoàn X vì ý nghĩa cứu mạng. Càng nghĩ Lệ Mai càng thấy ý đồ của ông Hiển Vinh phải được chuẩn bị cẩn thận. Tuy nhiên ông cũng có nhiều kẽ hở, đã là thuốc trị ung thư, không có toa bác sĩ không nơi nào dám bán thẳng cho bệnh nhân. Vì lẽ đó, Tập đoàn tại Paris không gởi thẳng theo địa chỉ của Trần Thị Lan đưa mà chuyển thông tin cho sếp Michel tại Việt Nam giải quyết.

Đêm qua trời đổ một cơn mưa thật to nên sáng ra đường phố trông sạch sẽ. Lệ Mai bồn chồn chạy xe vô Bà Chiểu một lần nữa. Những người buôn gánh bán bưng và lao động nghèo túa ra từ những con hẻm trong Đồng Ông Cộ xưa kia đầy sình bùn nhưng nay đã được tráng xi măng tươm tất. Nhìn vẻ tất bật của họ, Lệ Mai đột nhiên thấy phấn chấn hơn. Đời vẫn còn những con người chân chính yêu lao động.

Buổi gặp gỡ chị chủ tịch phường và bác Sáu tổ trưởng khu phố như một lời khẳng định lại những gì Lệ Mai đã nghe về ông Hiển Vinh. Ông đã từng xin các tổ chức phi chính phủ hay các hội từ thiện nước ngoài hàng cứu trợ và tiền bạc cũng qua thư từ. Hàng xóm đã chứng kiến ông nhận giấy báo lãnh hàng và tiền nhiều lần. “Chính quyền biết mà không xử lý ông ta sao? – Lệ Mai bất bình nghẹn giọng – Sao để ổng gạt những người nước ngoài có tấm lòng như vậy? Rồi họ nghĩ sao về người Việt Nam mình đây?”. Bác tổ trưởng chép miệng “ Ông không phạm pháp với ai, ổng tự liên lạc với nước ngoài. Chắc xin không bao nhiêu nên cũng không đến mức bị kiện tụng khi chuyện vỡ lở”. Lúc về, Lệ Mai tạt ngang nhà ông Hiển Vinh nhưng chẳng vinh hiển tí nào, định bụng cảm ơn và xin lỗi bà già hàng xóm. Bất ngờ bà báo tin “Hắn về rồi đó! Cô vào doạ hắn một trận cho chừa cái tật gạt lòng tốt của người ta!”. Ông ta không tiếp khách, thông qua cửa tò vò Lệ Mai thấy một khuôn mặt tái mét thiếu ánh nắng mặt trời. Ông từ chối tiếp Lệ Mai khi nghe cô nói đến từ công ty dược X và muốn tìm Trần Thị Lan “Không có ai hết! Cô lầm rồi!”.

Michel đang cúi đầu chăm chú xuống bàn phím máy tính, Lệ Mai bước vào cười ngượng ngập “Chào sếp, tôi từ chỗ chính quyền khu phố ông Hiển Vinh về!”. Michel nhìn cô bằng một ánh mắt dịu dàng nhưng không có ý chờ đợi câu chuyện tiếp theo. Lệ Mai cúi đầu, xấu hổ lí nhí bịa “Họ xác nhận ông ta bị bệnh tâm thần “đa nhân cách”, nên thích hoá thân vào những nhân vật nữ bất hạnh!”. Sếp gật đầu đến bên cô thư ký trẻ, ông nháy mắt tinh nghịch, mỉm cười vỗ vai cô rồi chậm rãi nói “Cứ cho là như vậy đi, cô bé! Nhưng từ nay chúng ta không ngồi chờ người ta kêu cứu nữa. Tôi vừa lập một dự án từ thiện dành cho những bệnh nhân nghèo và nạn nhân chất độc da cam, ngân quỹ trích từ tiền lời trong kinh doanh và sẽ huy động nhân viên mình nữa. Tập đoàn đồng ý thôi!”

Lệ Mai ngước nhìn Michel, ông trông rạng rỡ và thật đẹp như một thiên thần. Cô đột ngột nhận ra mình sẽ khóc rất nhiều khi ông hết hạn công tác phải rời Việt Nam.

***

Giờ Lệ Mai không còn làm thư ký tổng giám đốc nữa, cô chuyển sang một vị trí trong phòng nhân sự và được hứa hẹn sẽ trở thành trưởng phòng nhân sự khi đủ kinh nghiệm. Đã ba năm rồi từ ngày sếp Michel rời Việt Nam. Ông hiện ở Sri-Lanka theo sự thuyên chuyển của Tập đoàn. Vừa rồi vợ Michel gọi về báo tin trong lúc nhiệt tình cứu trợ và quyên góp cho những nạn nhân sóng thần ở đây, ông bị lật xe và đang trong tình trạng thập tử nhất sinh. Khi nhận được tin này, cả công ty ở Việt Nam đều thảng thốt nhưng may thay “Trời có mắt!” – Mọi người thở phào khi vợ ông lại cho hay ông đã qua được cơn nguy kịch – người tử tế như Michel sao có thể chết được! Nhận được điện hoa chúc ông mau bình phục, Michel gọi về Việt Nam cảm ơn những nhân viên cũ. Nghe giọng ông cà rỡn “Có chết cũng không sao, vì tôi đã sống trọn cuộc đời quá hạnh phúc”, Lệ Mai xúc động bật khóc làm mọi người ghẹo cô suốt cả ngày hôm đó. Giờ đây cô mới hiểu hết ý nghĩa tên hội từ thiện “Vì hạnh phúc chúng ta” do ông khởi xướng ở Việt Nam. Sống cho tha nhân thật ra là vì hạnh phúc của chính mình.
Hành trình của những người trẻ
ĐOẠN TÀU LÝ TRÍ
MỘT NGƯỜI HẠNH PHÚC
NGƯỜI BẠN VONG NIÊN
BONG BÓNG MÙA MƯA
HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ
NHỮNG CÔ GÁI TRONG CAO ỐC VĂN PHÒNG