watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Con Suối Ở Miền Đông-Chương 11 - tác giả Duyên Anh Duyên Anh

Duyên Anh

Chương 11

Tác giả: Duyên Anh

NGƯỜI SƠN ĐÔNG ĐÃ THU DỌN xong chỗ bán thuốc.


Những tiếng thanh la mở màn quyến rũ bọn nhãi con trước tiên. Rồi con khỉ đeo giây xích được thả khỏi cái hòm gỗ. Và sáu chiếc vòng sắt từ tay người sơn đông tung lên cao, dính chặt lấy nhau chừng mười phút thì đám đông bu quanh bố con ông ta đến chừng trên năm chục người.
Người sơn đông mặc bộ đồ "bi da ma" xọc xanh dọc. Ông ta đeo cái mũi lõ giả và cặp kính râm đen xì, to tướng.


Đứa nhỏ, có lẽ là con trai ông ta, mặc quần cao bồi, áo thung có tay ngắn. Nó đội mũ "kết " và đeo mặt mạ "hiệp sĩ "
Người sơn đông ra lệnh:
- Đánh thanh la đi.
- Đứa nhỏ lượn chung quanh đám đông gõ thanh la ba tiếng một "Phèng, phèng, phèng." Không khí ở đám diễn võ bán thuốc cao đơn hoàn tán nào cũng giống nhau. Ồn ào cực độ. Nói cười thỏa thuê. Con nít đông hơn người lớn.
Người sơn đông búng ngón tay:
- Hầy!


Đứa nhỏ ngừng đánh đánh thanh la. Người sơn đông nhảy tót lên chiếc ghế đầu. Ông ta huýt sáo. Con khỉ cũng nhẩy lên bám chặt ống quần ông ta. Bọn nhãi con trầm trồ khen ngợi. Vài đứa tinh nghịch búng những viên đá nhỏ trúng nó, khiến con khỉ nhăn mặt, lè lưỡi kêu "khẹc khẹc" chửi bới. Người sơn đông chỉ tay vào bọn nhãi:
- Muốn coi xiệc không? Con khỉ sẽ gánh nước, thổi cơm, đi xe máy. Các em chọc nó, nó giận nó hết làm trò à ...

Bọn nhãi con thôi búng khỉ. Người sơn đông đạo lời:
- Thưa bà con, bố con tôi từ Lèo qua đây làm xiệc mua vui cho bà con không dám xin một cắc. Bà con có cho tiền, bố con tôi cũng không lấy. Ở Lèo, tôi học được nhiều môn ảo thuật, biến hóa khôn lường, tôi sẽ biểu diễn bà con coi chơi.


Đám đông thích thú ra mặt. Người sơn đông nhảy xuống đất, móc túi ra một con búp bê, ông ta bóp khẽ vào rốn con búp bê:
- Ông tướng ơi!
Con búp bê "É" một tiếng. Người sơn đông giải thích :
- Ông tướng ông ấy «ơi» đấy bà con ạ !
- Đám đông tròn xoe mắt kinh ngạc. Người sơn đông tiếp tục hỏi ông tướng :
- Ông tướng có thích ăn hủ tiếi Mỹ Tho không ?
- " É "
- À, ông tướng có, hả. Thế ông tướng có thích coi xiệc không ?
- " É "
- Có hả ông tướng ?
Nhìn đám khán giả, người sơn đông phân trần ..
- " Ẹ ".
- Ông coi xiệc gì, coi tôi nuốt quả trứng hay biến giấy báo thành tiền mua cơm ăn đây ?
- " É é è è "…
- À, ông tướng muốn biến thành tiền, hả ? Được rồi coi đây…
Người sơn đông đút «ông tướng» vô túi. Ông ta cúi xuống lượm một bao giấy nhỏ, toét miệng cười :
- Thưa bà con, trước khi làm giấy báo biến thành giấy bạc, tôi xin thưa cùng bà con.
- Người sơn đông quay lại giục đứa nhỏ :
- Đánh thanh la !
Ông ta giơ gói giấy nhỏ thật cao :
- Thưa bà con …


Đứa nhỏ đã ăn ý với người sơn đông. Khi ông ta ngừng thì nó đánh ba tiếng " phèng, phèng, phèng "…
- Thưa bà con (phèng phèng phèng). Bà con thương con thương cháu (phèng phèng phèng), đi xa về gần (phèng phèng phèng), thấy bụng đứa nhỏ to tướng (phèn phèng phèng), da giẻ xanh xao vàng vọt ‘phèng, phèng, phèng) thì phải hiểu ngay rằng (phèng phèng phèng) đứa nhỏ bi giun sán.


Người sơn đông ngừng giây lát. Đứa nhỏ thôi đánh phèng, phèng. Ông ta giơ gói thuốc, lượn quanh đám đông một vòng rồi lại trở về chỗ cũ .. Người sơn đông hất đầu :
- Hầy !
Đứa nhỏ vung tay đánh thanh la.
- Phèng phèng phèng …
Ông ta tiếp tục đấu chuyện giun sán:
- Trong bụng đứa nhỏ mà có giun sán thì đứa nhỏ ăn bao nhiêu cũng cứ ốm o, mòn teo. Vì đồ ăn vô bụng nó, họ hàng giun sán đớp hết. Chẳng mấy đổi, đứa nhỏ sẽ chỉ còn xương bọc da và chết ngỏm.
Đứa nhỏ tiếp tục đánh thanh la ở mỗi chổ người sơn đông ngừng:
- Phèng phèng phèng …
- Vậy thương con cháu, đi xa về gần, nhớ mua cho cháu một gói "Cam tích tán” nhãn hiệu cái Tàu Thủy.
Một khán giả chặn lời người sơn đông:
- Mua ở đâu?
Người sơn đông vui vẻ đáp:
- Mua ở Sài Gòn.
- Có bán ở đây không?
- Không, ở đây chúng tôi không bán. Bà con coi xiệc chơi, lát nữa tôi sẽ biếu thuốc bà con, không dám lấy một cắc.


Người sơn đông biễu diễn vài màn ảo thuật. Ông ta nhai một đóng giấy bóng, nuốt vào bụng rồi rút mãi ra không hết. Khiến bọn nhãi căng mắt thán phục. Sau đó, người sơn đông làm trò biến giấy báo thành giấy bạc. Tới chỗ khán giả hồi hộp tột độ, người sơn đông tốp lại cầm gói thuốc giun dơ cao:
- Hầy
- Phèng phèng phèng…
- Hãy để dành trò này một chút, lát nữa biến giấy báo thầnh giấy bạc bà cho con tiêu sài chơi. Giờ tôi sắp biếu bà con mỗi người một gói thuốc giun.


Đám khán giả hí hửng. Tưởng sắp được biếu đến nơi, chen lấn nhau chìa tay ra. Người sơn đông nói:
- Chưa, chưa biếu ngay tôi còn vài lời thưa với bà con…


Nhưng đám khán giả vẫn chen lấn chửi bới, văng tục ầm ỹ. Người nào cũng muốn tầm tay mình gần người sơn đông. Ông khẻ nhếch mép cười:
- Bà con đi đâu mà gấp dữ vậy? Tôi sẽ biếu mỗi người một gói, ai cũng có hết à …


Đám khán giả yên tâm bớt chen lấn. Người sơn đông ba hoa:
- Chắc bà con sợ tôi nói dối, hả? Tôi đi quảng cáo thuốc đã ăn lương của nhà thuốc ở Sài Gòn. Ông chủ bảo tôi xuống đây giới thiệu với bà con vài môn thuốc gia truyền thuộc. Hây :
- Phèng phèng phèng …
- Như môn thuốc giun tức là “Cam tích tán” nhãn hiệu cái tàu Thủy công hiệu như thần này đây. Trẻ con bụng ỏng da vàng khè, uống ba gói là giun sán chết hết không còn mống nào. Sau đó, cho đứa nhỏ uống “Sâm nhung bổ tì hoàn” là nó mập ú ngay. Hầy!
- Phèng phèng phèng …
- Thuốc “Sâm nhung bổ tì hoàn” chúng tôi có mang theo, lát nữa sẽ biếu bà con. hầy!
- Phèng phèng phèng …
- Như mỗi gói “Cam tích tán” ở Sài Gòn bán năm đồng, ông chủ nhà thuốc bảo chúng tôi biếu không bà con. Hầy!
- Phèng phèng phèng …
- Bà con không phải trả tiền thuốc mà chỉ trả tiền giấy gói thuốc mà thôi. Hầy!
- Phèng phèng phèng …
- Thưa bà con, vậy chúng tôi làm theo lời ông chủ dặn chỉ xin hai đồng là tiền giấy gói, còn thuốc biếu bà con. Bà con chiếu cố dùm, mười năm sau tôi mới qua đây, không mua rồi tiếc đã để con cháu mình bụng ỏng da vàng vọt, chết vì giun sán.


Đám khán giả móc túi xột soạt:
- Cho tôi năm gói đi!
- Dạ dạ …
Người sơn đông lượm thuốc đem “tặng” khán giả, ,người năm gói, kẻ mười gói, tùy theo nhu cầu khán giả. Đứa nhỏ cầm cái nón theo sát ông ta. Người sơn đông thu tiền “giấy” bỏ liền vào cái nón đứa nhỏ cầm.
- Cho bảy gói đi, ông ơi!
- Dạ dạ …


Không đầy mười lăm phút, một trăm gói thuốc “Cam tích tán” đựng một cái hộp “các tông” đã hết sạch.
Người sơn đông lắc đầu tiếc rẻ:
- Uổng quá, hết mất rồi, lần khác đi, bà con ơi.
- Bao giờ ông mới lại qua đây
- Mai tôi còn ở đây mà.
- Uống ra sao, hả ?
- Đã có toa ở trong đó?


Người sơn đông lui về chỗ cũ. Đứa nhỏ bê cái nón đầy nhóc bạc lẻ theo ông ta. Nó đặt cái nón xuống bên đồ nghề ảo thuật. Người sơn đông “hầy” một tiếng. Đứa nhỏ vớ vội cái thanh la ba tiếng “phèng, phèng, phèng”
- Bây giờ tôi làm tiếp trò biến giấy báo thành giấy bạc.


Người sơn đông biến hóa một lúc. Ông ta bắt quyết đọc thần chú, hò hét om sòm và đốt mớ giấy vụn. Người sơn lật cái khăn ra. Khán giả trầm trồ ca ngợi. Con nhà Danh véo thằng Quyền một cái:
- “Chì” quá hé, mày?
- Khỏi nói.
- Giá tụi mình biến được giấy báo thành tiền để tiêu thì đỡ quá hé, mày?


Quyền văng tục:
- Mẹ, xiệc đó mày. Tiền đó đâu có tiêu sài …
Danh tròn xoe mắt:
- Bạc thật hẳn hoi.
- Thật thì bọn sơn đông đâu cần đi bán thuốc. Tụi nó cứ nằm nhà đốt giấy hóa ra bạc mà sài cho khoẻ chứ.


Danh thấy bạn nói đúng. Nó có vẻ phục thằng Quyền. Người sơn đông làm xong trò khá hấp dẫn, hứa sẽ làm trò khác. Ông lại quảng cáo món thuốc “Sâm nhung bổ tì hoàng” lại biếu không khán giả và chỉ lấy lại tiền ve chai, tiền hộp. Khán giả dễ tính, bỏ tiền mua, chẳng cần tính toán.


Người sơn đông bán được hàng, vui vẻ lắm. Ông ta nói:
- Giờ tôi làm trò này biến ảo khôn lường, Tôi cần hai em bé, em nào thích làm xiệc vô đây
Ông ta “tuyển lựa” người:
- Em nhỏ này nhé?
Bọn nhãi sợ sệt. Người sơn đông khuyến khích:
- Đừng có sợ, làm xiệc mà…
- Nhưng bọn nhãi không đứa nào dám hưởng ứng lời mời của người sơn đông, mặc dù chúng nó dám trêu chọc con khỉ và cười nói như điên. Danh nóng lòng quá. Nó bảo Quyền:
- Tao ra nghe, mày.
Quyền nhếch mép cười:
- Bộ mày muốn học nghề sơn đông bán thuốc, hả?
- Đâu có.
- Thế ra mà chi?
- Ra chơi.
Người sơn đông dục:
- Không có em nhỏ nào vô đây thì trò khỉ này phải bỏ.
Danh gạ Quyền:
- Tao với mày vô đi.


Quyền lắc đầu. Đứa nhỏ cầm thanh la lượn quanh cái vòng đai nhãi con, gõ phèng phèng. Danh bị tiếng thanh la quyến rũ. Nó đứng dậy chạy vào giữa:
- Tôi vô đây ông ơi!
Người sơn đông vui vẻ:
- Tốt lắm, có một em rồi, còn một em nữa. Nào lẹ lên …
Ông ta khen Danh:
- Em nhỏ này giỏi quá ta. Tên em kêu chi?
Danh ưỡn ngực, kiêu hãnh:
- Tên tôi là Danh.
- Tốt, em Danh năm nay bao nhiêu tuổi?
- Dạ, mười bốn tuổi rưỡi.
- Tốt, em muốn học trò ảo thuật không?
- Dạ muốn.
- Dễ ợt, ta sẽ dạy em trò “nuốt giấy móc họng”.
Danh hỏi:
- Có học trò biến giấy báo thành tiền không?
- Được. Cần gấp một em nhỏ nữa lẹ lên không trưa rồi.
Danh nhìn Quyền ra hiệu. Quyền chạy tọt vô:
- Có tôi nữa.
Người sơn đông dang hai tay đón nó:
- Tốt lắm.
Bọn nhãi con lũ lượt xin “xung phong”.
Người sơn đông xua tay:
- Đủ rồi, đủ rồi … Giờ tôi làm trò. Hầy!
- Phèng phèng phèng.
- Trước khi làm trò này, tôi xin giới thiệu với bà con môn thuốc trị bịnh sâu răng thần sầu quỷ khóc của nhà thuốc “Tàu Thủy”
- Phèng phèng phèng.
- Người sơn đông giơ một cái ve chai nhỏ:
- Sâu răng, nhức răng, sưng bọng răng, xức một giọt thuốc này, hết đau ngay lập tức.


Ông ta mở nắp ve thuốc sâu răng ra:
- Bà con có ai bị sâu răng, nhức răng, sưng bọng răng mời vô đây, tôi nhỏ giùm một giọt hết liền à …
Đám khán giả có người vào nhỏ thuốc. Rồi vẫn cái lối biếu thuốc bán ve chai, người sơn đông tiếp tục làm tiền đám dân khờ khạo. Cứ hết một xen bán thuốc lại đến một xen trò ảo thuật.
- Hầy!
- Phèng phèng phèng…
- Bây giờ, nhất định tôi không biếu thuốc nữa. Một ngàn bạc một gói “cam tích tả tôi cũng không bán. Tôi hiến bà con màn phóng dao bà con chơi rồi mời bà con đến chiều lại bến xe đò tôi quảng cáo vài môn thuốc khác.


Người sơn đông dựng miếng gỗ mỏng to bằng cái cánh cửa mà ông ta mới mướn ở gần đây. Ông ta ngoắt tay ra hiệu. Danh bước tới. Người sơn đông lắc đầu. Ông ta chỉ Quyền.


Con nhà Quyền đỡ sau miếng gỗ. Người sơn đông lấy phấn phác lẹ một hình người. Khán giả được dịp khen tài vẽ của ông ta. Sau đó, ông ta mở hòm lôi ra một bọc dao chừng sáu con. Ông ta bắt Danh và Quyền, mỗi đứa giữ một mép của miếng gỗ và dựng thật thẳng. Đoạn ông vẽ trái tim lớn hơn cái bàn tay lên ngực hình người.


Người sơn đông lùi cách miếng gỗ độ ba thước thì dừng lại. Ông ta, bất thần phóng một lưỡi dao trúng con mắt bên phải của hình người. Đám khán giả xanh mặt sợ hải. Thằng Quyền hét lên:
- Tôi giả ông đây, ông ơi!
Người sơn đông nhếch mép cười:
- Đâu dễ vậy em nhỏ, ta đã đọc thần chú, em buông ra là chết ngay à …


Thằng Danh nuốt nước bọt ừng ực. Trong khi ấy, đứa nhỏ đánh thanh la toét miệng nhìn hai đứa. Danh thấy nụ cười giống hệt nụ cười con bé Thảo trên chuyến xe đò hôm qua. Ở đứa nhỏ cũng có cái răng khểnh. Mặc dù nó mặc quần áo con trai. Danh ngắm kỹ, thấy vẫn chỉ là đứa con gái. Nó là con gái thật rồi. danh nghĩ thế và nó cố mím môi, bậm chân cho bớt run rẩy.


Thằng Quyền chớp mắt lien hồi:
- Có sao không hở, ông?
Người sơn đông dọa:
- Nếu em nhỏ sợ làm tay run là con dao sẽ cắm vào tay à …
Ông ta trấn tỉnh nó ngay:
- Nhưng không sao đâu.
Bọn nhãi con đứng xem xỉ nhục hai đứa:
- Cứ tưởng bở!
Danh liếc nhìn lưỡi dao cắm phập vào con mắt hình người, nhìn đứa nhỏ cầm thanh la. Mắt nó hoa lên. Nó thấy thằng Lựa chết phọt óc và thấy lưỡi dao con cắm phập vào Quý đen. Bỗng nhiên, Danh cam đảm lạ lùng. Nó bào khẽ Quyền:
- Không sao đâu mày ….


Người sơn đông phóng lưỡi dao thứ hai trúng con mắt bên trái. Hai đứa đứng im không nhúc nhích. Trống ngực hai đứa cùng đánh thình thịch. Cứ một mũi dao trúng vào chỗ hiểm, khán giả lại trầm trồ tán thưởng. Rồi mũi dao thứ ba trúng miệng hình người, mũi thứ tư trúng tim và mũi thứ năm trúng rốn thì hết dao.



Người sơn đông bước tới miếng gỗ, rút đủ năm lưỡi dao ra. Con nhà Quyền toát mồ hôi. Người sơn đông vỗ vai Danh:
- Em không sợ?
- Không, ông phóng dao “chì” một cây.
- Em dám ra trước mãnh gỗ không?
- Để làm chi vậy ông?
- Để ta phóng dao.
Danh lè lưỡi:
- Cháu không dám đâu.
Người sơn đông xoa đầu nó nói:
- Ta đùa chút chơi, phóng dao nhỡ trúng mặt cháu thì chết.


Người sơn đông ném dao vào hòm đồ nghề. Ông ta đỡ miếng gỗ, nằm rạp xuống đất rồi tuyên bố giải tán. Bọn nhãi lại lấy gạch chọi con khỉ khiến nó “khẹc khẹc” luôn miệng.


Đám khán giả lục tục kéo nhau ra về. Danh nán lại. Nó đâm ra “cảm” cái tài phóng dao của người sơn đông. Quyền dục Danh:
- “Doọc” đi mày, bộ muốn theo ông ta sao?
Danh lắc đầu. Nó bảo Quyền:
- Mày về trước đi.
Quyền hỏi:
- Mày ở lại làm gì?


Danh liếc nhìn đứa nhỏ. Và nó dán mắt vào khuôn mặt vẻ hề. Sao ông ta lại gọi nó bằng cháu nhỉ? Mà giọng của ông ta sao giống giọng của người đồng hành lớn tuổi của nó trên chuyến xe SaiGon - Mỹ Tho thế! Danh không thể lầm được. Đúng rồi đứa nhỏ có chiếc răng khểnh và nụ cười hóm hỉnh đang thu dọn đồ nghề kia là con bé Thảo, con bé hay hỏi cha những chuyện vớ vẩn và làm nũng cha tới độ hỗn láo.



Danh sực nghĩ đến cái hòm to tướng khi hay người lơ trèo lên mui xe rỡ xuống ở đầu tỉnh lỵ. Nó liên tưởng tới cái hòm đồ nghề của người sơn đông. Tâm hồn nó nao noa, khó tả. Nó nhớ lại giấc mơ ngắn ngủi, gẫy vụn vào buổi chiều ngồi dựa lưng vào gốc cây dừa bên bờ sông Cửu Long. Danh đã ước ao được ngồi chung một chuyến xe với cha con bé Thảo. Chuyến xe đi mãi không dừng ở bến nào.
Quyền vỗ mạnh vai nó:
- Mày “mết” tài phóng dao của ổng hả?

Danh mỉm cười, nụ cười méo mó, thương hại. Mắt nó chớp mau. Hình ảnh thằng Lựa chết phọt óc hiện nguyên hình. Hình thằng Quý đen với cái giây lưng cá sấu khóa đồng. Nó mím môi:
- Phải chi tao biết phóng dao!
Quyền dìu Danh bước đi:
- Thì mày tập, khó chó gì?
- Tập lâu không?
- Hai ba năm.
- Hai ba năm nhỡ thằng Quý đen nó chết mẹ nó mất rồi thì sao?


Quyền bĩu môi:
- Tụi mình khó chết lắm, mày hiểu chưa? Khổ thấy bà nội mà trời cứ bắt sống. Hồi ở khám Chí Hòa tao đã đập đầu vào tường mà vẫn không chết. Quý đen có chết bệnh đâu. Phải có đứa giết nó mới chết. Anh chị có thằng nào "ngỏm” ngon lành đâu mày!
Danh nghiến răng ken két:
- Tao sẽ giết Quý đen!
Quyền cười hề hề:
- Thì tao có bảo mày không giết thằng chó đẻ đó đâu. Nhưng đợi mày biết phóng dao đã. Mày đã tả nó cho tao nghe. Nó hay ngồi uống bia đặc ở lầu Bồng lai buổi trưa, hả?
- Ừ.
- Nó quay mặt ra cửa sổ, hả?
- Ừ.
- Có người lên nó cũng đâu thèm ngoảnh mặt lại, hả?
- Ừ.
- Mẹ kiếp nó hách thật. Vậy nó mới dễ “tỏi”. Hai năm sau mày trở về, mày lên lầu Bồng lai vào giờ nó uống bia, mày đứng cách nó ba thước mày réo tên nó chửi bới. Nó quay lại mày phóng liên tiếp ba lưỡi dao vào tim nó.
- Tao muốn phóng năm lưỡi như người sơn đông.
Quyền xiết cánh tay vào cổ bạn:
- Khó quá, vậy mày phải theo ổng mà học.


Quyền tưởng nói rỡn bạn chơi.
Nhưng Danh ngó lại. Nó thấy đứa nhỏ đã tháo mặt nạ ra và người sơn đông cũng đã tháo cái mũi lõ giả. Đứa nhỏ lấy khăn ướt lau mặt rồi đưa cho người sơn đông.


Trái tim Danh đập liên hồi. Nó gỡ tay Quyền ra:
- Mày về trước đi!
Quyền ngạc nhiên:
- Bộ mày theo ổng thật, hả?


Danh không trả lời. Nó cắm cổ chạy nhanh tới chỗ người sơn đông. Danh mở to mắt. Đứa nhỏ đúng là con bé Thảo. Và người sơn đông là người đồng hành lớn tuổi của nó người đã kể chuyện gã thuyền chài Nguyễn Trung Trực mang giòng sông Bến Lức vào lịch sử.


Danh đứng chôn chân ngó hai bố con bé Thảo chằm chằm. Nó run rẩy hồi hộp. Cho tới lúc người sơn đông nhìn thấy nó. Ông ta cười, dang rộng hai tay:
- À, chú em đấy à, đã kiếm được bạn phải không?
Danh đần người ra. Người sơn đông bỏ việc thu dọn đồ nghề, bước tới gần nó:
- Thế nào, chú em vui vẻ không?
Danh bị xúc động. Nước mắt ứa ra. Người sơn đông vỗ nhẹ lên đầu nó:
- Sao chú em khóc?
Con bé Thảo trố mắt nhìn Danh. Thằng nhãi vội đưa tay quệt ngang mặt. Người sơn đông vẫn dịu dàng:
- Đứa nào bắt nạt chú em, hả?
Danh lắc đầu. Người sơn đông ái ngại:
- Thế sao chú em khóc?


Danh ngước mắt lên. Nó thấy người sơn đông mất hết cái vẻ hề ban nãy. Đôi mắt ông ta trìu mến như đôi mắt cha Danh khi cha nó mắng yêu nó. Danh bớt ngượng ngịu, lung túng. Nó nắm lấy cánh tay người sơn đông.
- Ông cho cháu theo ông với.
Chưa để người sơn đông trả lời, Danh tiếp:
- Cháu lạy ông, ông cho cháu theo ông với ông nhé?
Người sơn đông vuốt ve bàn tay Danh:
- Bố mẹ cháu không chịu đâu.
- Bố cháu chết rồi, ông ạ!
- Còn mẹ cháu?
- Mẹ cháu cũng chết rồi. Chú cháu sợ thím cháu, đuổi cháu đi từ hai năm nay.

Người sơn đông kéo Danh về chỗ hòm đồ nghề. Con khỉ ngửi hơi người lạ kêu khèn khẹc. Người sơn đông bảo Danh ngồi trên cái thùng nhốt khỉ. Nhưng Danh không dám ngồi. Con bé Thảo hóng chuyện. Làm Danh luống cuống. Người sơn đông hỏi nó:
- Hai năm nay cháu làm gì?
- Cháu sống một mình.
- Bác hỏi cháu làm gì cơ mà?


Lối xưng hô “bác cháu” của người sơn đông, khiến long Danh ấm hẳn lên. Nó không cần giữ kẽ nữa:
- Thưa bác, cháu … đánh giày!
Người sơn đông thản nhiên:
- Kiếm ăn được không?
- Vất vả lắm bác ạ, phải đóng tiền thuế cho Quý đen mỗi ngày hai mươi đồng.
- Quý đen là ai?
- Là vua đánh giày, nó đặt ra luật lệ và bắt bọn đánh giày trên hè phố của nó phải tuân lệnh.


Danh nói luôn:
- Bác cho cháu theo bác, cháu sẽ đứng cho bác phóng dao.
- Nhỡ chết thì sao?
- Thì thôi.
Người sơn đông mỉm cười:
- Đi với bác cực lắm.
- Cực cháu cũng chịu nổi. Quý đen nó quất chúng cháu bằng dây lưng da cá sấu khóa đồng mà cháu còn chịu được là…
Người sơn đông hỏi:
- Cháu theo bác làm gì?
Danh nói thật:
- Để học bác tài phóng dao!
Người sơn đông trợn trừng mắt:
- Học phóng dao!
- Dạ
- Cháu muốn đi bán thuốc à?
- Không.
- Tốt lắm, bán thuốc phải bôi hề lên mặt, phải nói láo mới có cơm ăn. Cháu học phóng dao làm gì?


Danh sợ nói rõ cái ý định của nó, người sơn đông sẽ từ chối. Nó “phịa”:
- Cháu thích lên Ban Mê Thuột. Nghe nói trên rừng nhiều rắn độc, cháu muốn học phóng dao để đi rừng cho vững bụng.
- Tốt lắm, bác sẽ dạy cháu.
Danh hớn hở. Nó ôm chầm lấy người sơn đông:
- Bác cho con theo bác hả, bác?
- Ừ.
- Cháu sẽ đánh thanh la cho bác để …
Danh nín lại, liếc nhìn con bé Thảo. Người sơn đông nối lời nó:
- Để chú Thảo ngồi chơi, hả?
- Dạ …
- Được rồi, ta thu dọn đồ nghề đi ăn cơm. Mai mốt bác cháu mình đi An Giang.


Danh bắt tay vào việc ngay. Lát sau, chiếc hòm đồ nghề của người sơn đông đã được buộc khóa cẩn thận. Người sơn đông thuê xe ba bánh chở hòm tới tiệm cơm. Danh ngồi bên con Thảo. Nó quên hẳn thằng Quyền …
Con Suối Ở Miền Đông
Lời nhà xuất bản
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22