watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Con Suối Ở Miền Đông-Chương 15 - tác giả Duyên Anh Duyên Anh

Duyên Anh

Chương 15

Tác giả: Duyên Anh

Ngày tháng, đối với Danh bây giờ cứ vùn vụt trôi qua. Nhắm mắt ngủ một tí đã sáng. Nói chuyện với con Thảo một lát đã tối. Mùa đông trong cuộc đời ấu thơ của hai đứa trẻ hầu như đã hết. Và mùa xuân tới làm cho môi con Thảo hồng lên, làm cho Thảo xanh mướt và đôi mắt thằng Danh bớt ngơ ngác, u buồn. Rồi mùa hạ về. Mùa hạ là hoa kết trái, là mùa cây cối vươn mình lên cao.


Như hai cây đu đủ, hai đứa trẻ mồ côi, lưu lạc cũng vươn minh cao lên. Con Thảo đã biết ngượng ngùng mỗi lần đi bên Danh ở chỗ đông người. Còn thằng Danh đã biết dấu cái lược trong túi quần. Đôi lúc Danh lén lút sấp nước ướt tóc rồi hí hoáy rẽ ngôi. Nó ngắm mái tóc chải kỹ lưỡng, ngắm khuôn mặt của nó một cách say mê. Nhưng chỉ một lát, Danh lại cất gương lược, xoa bù đầu tóc. Nó sợ con Thảo chế nhạo nó.


Danh đâu có biết, con Thảo cũng sắm cái gương cái lược. Và hơn cả Danh, nó còn để dành tiền mua ve nước hoa hai chục đồng. Sự hồn nhiên biến dần đi. Danh và Thảo cũng không thích làm trẻ con nữa.


Ông Nghị hiểu Danh đã lớn khôn và con gái ông chớm mơ mộng. Hơn một năm trời rồi còn gì nữa. Má ông nhiều vết nhăn thì tóc con Thảo phải dài ra. Tâm hồn ông se sắt để cho tâm hồn con gái ông cởi mở. Ông Nghị hiểu con gái ông đang là cái lồng kết đầy hoa và cửa đã mở. Và thằng Danh là con chim trôi dạt từ phương trời xa sắp xà xuống chui tọt vào lồng.


Ông Nghị bằng lòng lắm. Ông sẽ không xua đuổi cánh chim côi cút đó. Song ông Nghị muốn chim hót thật hay để xứng với cái lồng kết đầy hoa của ông. Một hôm, ông Nghị rủ Danh ra quán hủ tiếu. Ông gọi hai ly cà phê. Danh ngạc nhiên hỏi.
- Bác uống liền hai ly ?
Ông Nghị cười:
- Bác uống một ly " con " một ly.


Danh càng ngạc nhiên. Nó tự hỏi không biết tại sao đang kêu mình bằng "cháu", ông Nghị lại kêu nó bằng "con". Tiếng "con" nghe thân thiết làm sao. Hồi ba nó còn sống, thường chỉ gọi nó bằng "mày". Hôm nào âu yếm lắm mới gọi nó bằng "con". Nó cố nhớ và có thể đếm được những tiếng "con" ba nó đã gọi nó. Những bận Danh ốm, ba nó mua cho nó trái táo, rờ nó, hỏi nó:
- Con bớt chưa con ?


Những lần ba nó buồn bực, mắng nó hay bợp tai nó rồi tối về đi xem cải lương, vuốt tóc nó:
- Con muốn ăn mỳ vịt không con ?
Những lần nó bị bắt nạt, ba nó chửi bới om sòm tụi bắt nạt nó rồi cầm tay nó, hỏi nhỏ:
- Nó đánh con đau không hả, con ?


Mấy năm trời lưu lạc, nó không còn được nghe tiếng "con" tha thiết rót vào tai nó. Nó thèm thuồng và thèm thuồng quá thành ra hết dám thèm thuồng. Nay, bỗng dưng, ông Nghị đánh thức sự khát khao của nó đã chết giấc từ lâu dậy. Danh cảm động đến nghẹn lời.


Nó mấp máy đôi môi, muốn nói gì mà chẳng nói được. Ông Nghị bảo Danh:
- Bây giờ con uống cà phê được rồi.
Danh chớp mắt. Miệng nó méo xệch đi một cách thê thảm. Ông Nghị ngọt ngào:
- Con sợ cà phê à ?
Danh lắc đầu. Nước mắt nó ứa ra:
- Không ... cháu ...
Ông Nghị xua tay !
- Đừng, đừng khóc nữa con, con lớn rồi đâu còn bé như năm ngoái. Giờ có buồn thì đọc sách chứ đừng khóc nghe con.
Danh mím môi để khỏi bật ra tiếng nấc. Ông Nghị vẫn ngọt ngào, bao giờ ông cũng ngọt ngào.
- Con sợ uống cà phê riết rồi nghiện cà phê hả ? Đừng sợ. Trong đời một người con trai nếu về sau có muốn nên thân, thì chỉ tránh nghiện có ba thứ là thuốc phiện, rượu và cờ bạc.
Danh đã đưa tay quyệt nước mắt:
- Thưa bác ... cháu ...
- Gì con ?
- Cháu ... sao bác ... gọi cháu .. bằng con ...
Ông Nghị đặt điếu "Ách chuồn" lên môi. Ông quẹt diêm mồi thuốc. Nhả một làn khói, ông Nghị nói:
- Thì bác coi cháu như con Thảo. Bác gọi cháu bằng con chứ sao. Cháu không thích làm con bác à ?
Giá ở chỗ khác, không là quán hủ tiếu, chắc Danh đã lăn xả vào lòng ông Nghị nức nở. Nhưng ở đây, dẫu muốn khóc, như lần mẹ chết, như lần cha chết, như lần thằng Lựa chết, Danh cũng đành ngậm miệng. Nước mắt nó lại ứa ra. Giá nó khóc to ra được sung sướng biết mấy.
Ông Nghị rút khăn "mùi xoa" đưa cho Danh:
- Con lau nước mắt đi rồi bác nói chuyện cho con nghe.
Danh ngoan ngoãn vâng lời. Ông Nghị bảo nó:
- Con không muốn uống cà phê uống thứ khác. Nước chanh nhé !
Ông Nghị gọi ly nước chanh. Đợi cho Danh qua cơn xúc động, ông Nghị hỏi:
- Con đọc hết chuyện " Người anh cả " của Lê văn Trương chưa ?
- Rồi ạ !
- Con thấy thế nào ?
- Dạ, người anh cả tốt ghê, cả đời chỉ lo cho các em. Ông Lê văn Trương viết làm con đọc muốn khóc.
Ông Nghị gạt tàn thuốc:
- Con mau khóc lắm. Con gái thì không sao chứ con trai phải tập luyện cho tâm hồn rắn rỏi một chút, nghe con.


Danh muốn nói " sao dạo trước bác bảo con cứ khóc đi kẻo lớn lên không khóc được rồi lại hối hận hồi nhỏ mình đã chẳng khóc thật nhiều." Song nó không dám nói. Ông Nghị chép miệng:
- Giá người ta sinh ra không phải tranh đấu vất vả với cuộc sống thì cần gì phải luyện tập tâm hồn. Khoái thì khóc, sung sướng biết bao.
Ông Nghị xoa cằm:
- Con chưa biết ông Lê văn Trương nhỉ ? Ông ấy tốt lắm. Ông đáng là anh cả của những đàn em nghèo khổ. Hồi ở Sàigòn, hay đến khu Sáu Lèo uống cà phê, bác đã gặp ông Lê văn Trương. Ông ấy đi chiếc xe Peugeot hai trăm lẻ ba có tài xế lái. Vừa thấy ông bước vô quán, hàng chục người cả đàn ông lẫn đàn bà đứng lên chào ông. Những người này rách rưới, có người nghiện thuốc phiện ... Ông Lê văn Trương móc bóp dúi vào tay mỗi người vài trăm. Cuối cùng ông ta hết tiền trả chủ quán, phải chịu ly cà phê đá năm đồng.


Ông Nghị ngậm ngùi:
- Thế mà ông ấy chết rồi.
Danh hỏi:
- Ông ấy chết người ta đi đưa đông lắm hở, bác ?
Ông Nghị thở dài:
- Nghe nhà báo thuật đám tang ông Lê văn Trương chả có mống đàn em nào của ông. Trước đây hai năm, bác có dịp gặp ông ta lang thang ở phố. Ông ta tiều tụy quá nhiều. Người như ông ta, có tiền thì vung cho thiên hạ tiêu, giầu sao được. Ông ta chết khổ sở lắm.
Ông Nghị bỏ rơi chuyện Lê văn Trương. Ông thân mật:
- Mày biết nhận xét chuyện "Người anh cả" cảm động muốn khóc là mày thông minh lắm rồi đấy, con ạ ! Chịu khó đọc nhiều đi rồi con sẽ đọc được truyện Tam Quốc.
- Truyện Tam Quốc khó lắm hở, bác ?
- Ừ, khó lắm.
- Con đọc bây giờ được chưa ?
- Được chứ, nhưng con chưa biết "thằng" Khổng Minh "chì" tới mực nào.


Một già, một trẻ toét miệng cười. Ông Nghị nhấp ly cà phê thứ hai:
- Mai bác mua cho con một bộ truyện " Ba người ngự lâm pháo thủ ".
- Truyện này hay không ?
Ông Nghị làm điệu bộ.
- Ui cha, đấu kiếm ác !
Ông lại bỏ rơi truyện " Ba người ngự lâm pháo thủ" :
- Năm nay con lên mấy nhỉ ?
- Dạ, sắp mười sáu.
- Năm nữa là mười bẩy, trai mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu. Hồi bác mười sáu tuổi bác đã mê đào hát cải lương.
- Thế ạ ! Mười sáu bác mê cô nào ?
- Một cô sàng sê hay lắm.
- Bằng Kim Cương không ?
- Hơn.
- Giờ cô ấy ở đâu, bác ?
- Cô ấy đi Tây rồi.
Ông Nghị bùi ngùi:
- Cô đào của bác cũng đi Tây rồi ạ !
Ông đổi giọng:
- À, cứ lưu lạc mãi buồn ghê con nhỉ ? Bác tính mai mốt về Sàigòn, con nghĩ sao ?


Danh vẫn mường tượng ra những vỉa hè Sàigòn với đủ thứ luật lệ, thuế má: thuế hòm, thuế chỗ ngủ ... Nó thấy vỉa hè Sàigòn không có con suối nhỏ như ở miền Đông đất khô cằn, nơi đó, nó và Thảo đã nằm bên nhau tính chuyện "lớn lên". Danh rùng mình. Nó thoáng trông Quý đen vung giây lưng da cá sấu quất thằng Lựa. Và nó trông rõ thằng Lựa nằm bất động dưới gầm chiếc xe hơi. Những gì nó tưởng đã quên lại vụt thức trong đầu óc nó.


Danh không trả lời câu ông Nghị hỏi nó. Nó mím môi ngước nhìn ông Nghị:
- Bác chưa dạy con phóng dao à ?
Ông Nghị lắc đầu:
- Không con ạ.
- Bác hứa dạy con biết đọc, biết viết rồi sẽ dậy con phóng dao mà?
- Bác đổi ý rồi.
- Về Sàigòn con lại gặp Quý đen. Không biết phóng dao chắc nó giết con mất.


Ông Nghị nhếch mép cười:
- Con không phải gặp nó nữa. Bác con mình sẽ có căn nhà và con không thèm lang thang ở vĩa hè thì sao mà đụng độ Quý đen.
Danh sực nhớ giấc mơ "căn nhà có cây vú sữa" mà trước khi cùng mơ với con Thảo nó đã mơ với thằng Lựa. Hình ảnh Quý đen chết ngay đi, nhường chỗ hình con Thảo hiện ra. Danh liếm môi:
- Bác sẽ mua một căn hà ở Khánh Hội hở, bác ?
- Ở đâu chẳng được.
- Ở Khánh Hội thích hơn bác ạ !
- Ừ.
- Rồi bác con mình còn đi bán thuốc nữa không ?
- Không.
- Thế bác làm gì ?
- Bác mướn cái tắc xi chạy lai rai.
Danh vỗ đùi bốp một cái:
- Tuyệt cú mèo !
Ông Nghị nhắc lại:
- Ừ, tuyệt cú mèo con ạ !
- Rồi con sẽ làm gì ?
- Bác định cho con đi học nghề thợ máy, con bằng lòng không ?
- Máy gì hở, bác ?
- Máy xe hơi.
Danh nheo mắt:
- À, chắc để sửa xe tắc xi của bác ?
- Đúng quá.
- Rồi em Thảo làm gì ?
- Em Thảo sẽ đi học may quần áo.
Danh im lặng. Ông Nghị dục nó:
- Rồi sao nữa, con biết không ?
Danh lịm vào nỗi sung sướng. Nó không biết nói gì hơn. Ông Nghị nói nhỏ:
- Rồi con lớn hơn bây giờ, em Thảo cũng lớn hơn bây giờ. Rồi con phải có vợ, em Thảo phải có chồng ...
Ông Nghị bỗng triết lý vụn:
- Bác ước vọng nhiều nhưng bây giờ bác đã hiểu, đầu óc mình bằng bàn tay thì chỉ nên ước ao những điều tầm thường vừa vặn bằng bàn tay. Ao ước to hơn, chắc sự ước ao sẽ bọc kín lấy đầu óc mình. Rốt cuộc, mình chẳng ao ước được gì. Con biết không, hồi lớn hơn con vài tuổi, bác đã ước ao sẽ làm ông bầu gánh cải lương. Bác theo đuổi một cô đào hát và cuối cùng bác đi làm sơn đông bán thuốc.


Tiếng nói ông Nghị sũng sầu hận. Danh nhìn ông. Nó thấy trán ông Nghị chồng chất đủ lớp bụi giang hồ. Danh gọi nhỏ:
- Bác ơi !
Ông Nghị đưa tay vuốt mặt:
- Gì thế con ?
- Con thương bác.
Ông Nghị cười, âu yếm:
- Lúc nào cũng thương bác, thương bác ít thôi.
Danh chớp mắt:
- Con thương bác suốt đời.
Ông Nghị đùa:
- Đừng xạo mầy, vài năm nữa mày lấy vợ, mày hết thương bác suốt đời cho mà xem.


Ông Nghị rút điếu thuốc nữa đặt lên môi. Danh vội chợp lấy bao diêm quẹt lửa cho ông mồi thuốc. Thả một vòng khói bay vào ly nước chanh của Danh, ông Nghị nói:
- Con bằng lòng về Sàigòn chứ ?
- Vâng.
- Bằng lòng học nghề sửa máy xe hơi chứ ?
- Vâng.
- Bác muốn cho con học ngành máy móc sau này có tương lai hơn. Đất nước ta đang chuyển mình sang kỹ nghệ. Ngành nào cũng được cơ giới hóa hết. Ngành sữa máy móc hợp thời nhất.


Ông Nghị đã cho Danh niềm vui để sống. Bây giờ, ông còn chọn nghề cho Danh nữa. Tuy biết nghề sửa máy là nghề tay chân lem luốt nhưng Danh cứ vui vẻ bằng lòng. Nó nghĩ nhiều về con Thảo. Và nó bất cần tay chân lem luốc. Miển là con Thảo vẫn thích gối đầu trên cánh tay nó và đan bàn tay thợ máy của nó.


Danh nâng ly nước chanh, uống cạn. Miếng đá nhỏ lọt vô miệng nó. Nó nhai rau ráu:
- Bác mua nhà ở Khánh Hội thật à, bác ?
- Ừ, con thích mua ở đâu thì bác mua ở đó.
- Mua ở Khánh Hội bác ạ !
- Con thích sống ở Khánh Hội hả ?
- Nhà con ngày xưa ở Khánh Hội. Bác mua lại cái nhà của bố con đi, rẻ lắm, có mấy ngàn.
Ông Nghị vươn vai nắm lấy cánh tay Danh:
- Nhỡ người ta không bán thì sao ?
Danh quả quyết:
- Người ta bán mà, bác cho thêm năm trăm là người ta bán gấp.
- Ừ, để bác mua cái nhà ấy.
Danh đã thấy cây vú sữa mọc cao dần, nó hỏi:
- Bác có thích vú sữa không ?
- Vú sữa ngon lắm.
- Chúng con trồng cây vú sữa trước cửa nhé !
- Ừ.
- Bác thích nuôi gà không ?
- Nuôi gà vui lắm.
- Chúng con sẽ nuôi hai con gà mái với một con gà trống cho nó đẻ ra một đàn gà con bác nhé !
- Ừ.
- Bác thích nuôi chó "xi" không ?
- Chó "xi" ngộ lắm.
- Chúng con sẽ nuôi một con chó "xi" nhé !
- Ừ.


Danh kể lại mộng ước của nó và thằng Lựa. Tai nó thoang thoảng nghe tiếng con gà trống gáy, tiếng con gà mái cục ta cục tác nhẩy ổ đẻ và tiếng bầy gà con liếp nhiếp. Bất giác nó nói với ông Nghị.
- Con thương bác.
Thì ông Nghị lại cười, âu yếm:
- Lúc nào cũng thương bác, thương bác ít thôi còn để thì giờ đọc sách chứ.


Ông Nghị gõ cái muỗng vào ly cà phê. Chủ quán chạy tới tính tiền. Hai bác cháu bước ra khỏi quán. Giấc mộng nhỏ nho, khiêm tốn bắt đầu nẩy mầm trong thửa vườn tâm hồn của hai kẻ lưu lạc một già một trẻ.
Con Suối Ở Miền Đông
Lời nhà xuất bản
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22