Chương 6
Tác giả: Duyên Anh
Người ta để lên bàn một xấp giấy pelure fort đánh số từ 1 đến 20 trên mỗi góc trang đầu lề, một cây bút Bic, một gói thuốc lá Sông Cầu, một hộp diêm Thống Nhất và một bình trà.
- Anh không được phép xé một tờ nào. Dù viết sai, viết dơ, anh phải để nguyên, cấm xóa bỏ hoặc làm mất dấu tích chữ đã viết sai. Nói tóm lại, anh phải nộp đủ 20 tờ. Anh viết một mặt giấy thôi. Hết giấy, anh báo cáo, sẽ có thêm.
- Viết cái gỉ?
- Tự khai.
- Tự khai cái gỉ?
- Cuộc đời anh, từ năm 10 tuổi đến hôm nay, những trường anh đã học, những người anh giao du, những việc anh đã làm. Viết hết, thành khẩn và chi tiết. Mở đầu là sơ yếu lý lịch của anh.
- Sơ yếu lý lịch là cái gì?
- Là họ và tên anh, năm sinh, nguyên quán, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nghề nghiệp, dân tộc, quốc tịch...
- Để làm gì?
- Hồ sơ.
- Tôi không làm tự khai thì sao?
- Quyền lợi của anh, tại sao không làm?
- Tôi không thích.
- Tùy ý anh. Tôi chỉ nhận chỉ thị đưa giấy bút, thuốc, nước và quản lý anh trong giờ anh làm tự khai. Theo tôi, anh nên làm, trước sau thì cũng phải làm thôi.
- Mỗi ngày viết 20 trang à?
- Theo khả năng của anh mà viết.
- Được, tôi sẽ viết vì anh.
- Tại sao lại vì tôi?
- Vì anh đã bỏ tôi vào cái cần xé. Anh bạn ạ, anh đã là đảng viên chưa?
- Tôi còn phấn đấu lâu.
- Hy vọng sẽ gặp anh ngoài đời. Anh cứ yên chí, sẽ chẳng có thứ chỉ thị nào bỏ con người vào cần xé, ràng giây thép gai nữa. Chỉ có tín hiệu của thương yêu và hạnh phúc. Cũng sẽ chẳng còn tự khai, chẳng còn con người quản lý con người, chẳng còn phòng biệt giam nơi chốn con người bị tước đoạt hết phẩm cách. Nếu còn phương pháp nào đầy đọa con người tàn nhẫn hơn, tôi xin vì anh chịu đựng hết để ngày mai anh không bị ai đầy đọa nữa.
- Anh thức hay anh ngủ, anh Bá?
- Tôi thức.
- Thức mà anh lảm nhảm, anh nói phét. Anh vì cái thân anh làm tự khai đi.
- Anh không thích nghe tiếng nói của con người à?
- Không ai chỉ thị cho tôi nghe anh. Tôi ra ngoài đây, anh cần gì thì báo cáo.
Người công an bảo vệ đóng cửa phòng lại. Chàng mỉm cười. Rồi chàng sót thương người công an. Khi con người biến thành công cụ của chủ nghĩa, nó mất tính người, nó sợ hãi sự thật, nó không dám nghe con người nói về lương tri con người, tình yêu con người. Nó chỉ còn biết triệt để tuân hành chỉ thị và chỉ thị mà nó chẳng hề tìm hiểu xem chỉ thị là cái thứ gì và nó khốn kiếp đến mức nào. Người công an thì tin nghe chỉ thị. Bọn lãnh đạo thì tin nghe giáo điều. Bất hạnh thay cho chúng ta, cho dân tộc ta, ở những nơi chúng ta có thể, có quyền dẵm lên chỉ thị, đạp lên giáo điều lại nẩy sinh bọn phục hồi quyền bính tôi mọi dĩ vãng tự phong lãnh tụ. Bọn lãnh tụ giả hình - bọn tướng tá đào ngũ, bọn cò cớm gian manh - cũng học đòi bầy đặt chỉ thị và giáo điều trong những cái gọi là mặt trận, phong trào bịp bợm của chúng để thắt chúng ta, để bắt ép chúng ta vào cái vòng đai chiến đấu u mê của chúng. Nếu trước 30-4-1975, người Việt Nam chân chính chiến đấu chống phỉ quyền cộng sản, đồng thời, phải chống cả ngụy quyền tay sai ngoại bang, thì bây giờ, người Việt Nam chân chính chiến đấu diệt cộng sản vẫn còn phải chiến đấu luôn với cả bè lũ ngụy phong trào kháng chiến ngụy mặt trận cứu nước. Chỉ thị và giáo điều của lãnh tụ đào ngũ, cò cớm và lũ trí thức chạy trốn bất lương toa rập là gì? Là lạc quyên, xổ số và đẩy đoàn quân ma đi kháng chiến. Là bôi bẩn, nhục mạ những ai phản kháng chúng. Là vu khống những ai trải dài một khoảng đời mình trong tù ngục cộng sản các tội hèn nhát, ăng ten, cộng tác với kẻ thù. Vân vân... Cuối cùng, khi hết đối tượng bôi bẩn, chúng nó bôi bẩn lẫn nhau, chúng nó cống hiến cho đời sống những pho tài liệu hôi thối về sự nghiệp buôn bán kháng chiến của chúng, về sự chia chác lạc quyên không đồng đều giữa chúng! Lãnh đạo cộng sản đã nói không sai, chàng là biểu tượng rực rỡ của tuổi trẻ. Trong thế chiến đấu tiêu diệt chủ nghĩa và lãnh tụ cộng sản hôm nay, tuổi trẻ sừng sững như Thái Sơn, chói lọi như Bắc Đẩu. Bọn chính khách chuyên nghiệp, bọn trí thức bất lương, bọn tướng tá đào ngũ, bọn cò cớm gian manh chỉ còn là cỏ úa chết mòn dưới chân núi tuổi trẻ. Nếu chúng biết ăn năn, sám hối, chúng có thể làm guốc cho tuổi trẻ đi trên đường giải thoát dân tộc.
Ý nghĩ của chàng sẽ phơi trên tự khai? Phải, chàng sẽ giáo dục những kẻ thích giáo dục người khác. Nhìn sấp giấy, cây Bic, chàng ghê tởm thủ đoạn cộng sản. Họ muốn soi kính hiển vi chủ nghĩa vào cả những chữ, những giòng viết sai, viết dơ! > Những giòng kinh nghiệm xương máu của một nhà văn sáu năm quằn quại ngục tù cộng sản. Nhà văn này khuyên những ai, nếu lỡ bị cộng sản bắt, thì cứ nhẩn nha mà tự khai và nên kéo dài thời gian tự khai này bằng cách viết... tùy bút tự khai!
Vậy thì chàng nhẩn nhạ Và chàng tìm cách tán gẫu với người công an bảo vệ. Chàng ngâm thơ:
Mảnh vườn xưa, cây mỗi ngày mỗi xanh
Tóc mẹ già thì mỗi ngày mỗi bạc
Hai chúng ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ trở lại mảnh vườn xưa
Hai chúng ta như trời nắng tránh trời mưa
Như sao hôm, sao mai không cùng ơ?
Như mặt trăng, mặt trời cách trơ?
Có bao giờ trở lại mảnh vườn xưa?
Giọng chàng vang vang, buồn bã. Người công an bảo vệ đẩy cửa bước vào.
- Anh làm tự khai đi.
- Tôi phải ngâm thơ lấy khí thế. Tôi quên mất đoạn dưới, anh có nhớ không? Bài thơ cảm động quá.
- Bài thơ phản động.
- Thi sĩ của ta mà phản động sao?
- Bọn cá nhân chủ nghĩa, bọn Nhân Văn Giai Phẩm, bọn đòi hỏi xét lại, bọn oán trách Đảng đều là phản động.
- Chúng nó đông không?
- Nhan nhản.
- Thế thì tôi mất độc quyền... phản động rồi.
Chàng giả vờ:
- Anh giải thích cho tôi nghe cái thằng thi sĩ làm bài thơ tôi vừa ngâm nó phản động ra sao?
Người công an hồ hởi:
- Nó trách Đảng đầy nó đi công tác một nơi, vợ nó đi một nơi, hai vợ chồng nó không thể gặp nhau. Nó ví von sâu độc.
Chàng hỏi:
- Còn đoạn sau?
Người công an mím môi, rít qua kẽ răng:
- Nó ăn cứt tiểu tư sản, lãng mạn hóa nỗi khổ của nó. Nó bảo về đến nhà thăm mẹ nó thì mẹ nó nói vợ nó đã về, ra giếng múc nước và vừa đi. Nó bèn nhìn xuống giếng mà tưởng tượng hình ảnh vợ nó. Lại có lần nó về, mẹ nó nói vợ nó đã về, leo lên cây ổi hái trái và đi rồi. Nó bèn nhìn lá ổi rung rinh mà mơ mộng. Nó oán trách Đảng.
Chàng nói:
- Nó oán trách chỉ thị!
Người công an nín thinh.
- Nếu anh trong trường hợp nó, anh oán trách chỉ thị của Đảng hơn nó. Tại sao hai vợ chồng mà biến thành mặt trăng, mặt trời, dẫu người ta gắn bó thương yêu nhau nhỉ?
- Anh làm bản tự khai đi!
- Ngay cả đảng viên cũng không được yêu vợ mình, anh thấy chỉ thị nó độc ác không?
- Tôi bảo anh làm tự khai đi!
- Anh đâu nỡ bỏ tôi vào cần xé, đâu nỡ dục tôi viết tự khai, tại chỉ thị. Nói thật đi, anh bạn, anh khoái ngồi uống trà, hút thuốc, nghe tôi kể chuyện Paris.
- Tôi không là bạn với anh.
- Vậy anh là bạn với ai? Với chỉ thị và mệnh lệnh à? Anh biết tại sao tôi tự do chọn lựa đau đớn chứ? Để hủy diệt chỉ thị và mệnh lệnh bắt con người hành hạ con người.
Người công an bỏ ra. Chàng cần khai thác triệt để cái trường hợp đặc biệt của chàng trong thời gian > ngục tù. Họ muốn đo lường tư tưởng của chàng, chàng muốn đo lường thái độ của họ.
- Báo cáo cán bộ! Chàng gọi lớn.
Người công an mở cửa.
- Anh muốn gì?
- Tôi thắc mắc một chút.
- Gì?
- Tự khai.
Người công an bước vào, đứng gần chàng.
- Thắc mắc điểm nào?
Chàng nhìn người công an:
- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú?
- Anh ghi địa chỉ của anh bên Pháp.
- Còn tạm trú?
- Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đường nào, quận nào, số nhà nào? Anh phải cho tôi biết rõ tôi đang ở đường phố nào, số mấy, quận nào chứ?
- Không có chỉ thị.
- Vậy tôi chờ có chỉ thị mới viết.
- Anh gây nhiều rắc rối quá.
- Xin lỗi anh.
- Xin lỗi gì?
- Xin lỗi đã bắt anh nghe chuyện tình người. A, anh không đề phòng tôi hạ anh rồi trốn ư?
Người công an lặng im. Y muốn giữ kín sự canh phòng chàng. Y ngó chàng, đôi mắt chớp mau:
- Tôi không hiểu sao lãnh đạo chiếu cố anh tận tình thế. Anh nên biết điều một chút.
Chàng nói:
- Tôi đâu cần lãnh đạo của anh chiếu cố. Tôi cần anh chiếu cố thôi.
- Tôi không có khả năng chiếu cố anh.
- Thí dụ anh có?
- Không có cả thí dụ.
- Tội nghiệp anh ghệ Anh có vợ chưa?
- Rồi.
- Đã bao giờ anh mơ ước sẽ làm Tổng bí thư Đảng chưa? Chắc chắn là anh chẳng dám mơ ước. Anh có biết ông Trường Chinh, ông Lê Duẩn sung sướng chừng nào không. Anh suy nghĩ đi rồi anh sẽ hiểu tôi và anh không dục tôi tự khai nữa.
- Tôi không có quyền hiểu anh. Anh nói nhiều rồi. Tôi nói thật với anh rằng tôi nhịn anh vì chỉ thị đấy. Anh viết tự khai hay không viết mặc kệ anh. Nếu anh còn xúc phạm lãnh tụ của tôi, tôi sẽ quên chỉ thị.
Người công an bước ra, đóng cửa phòng thật mạnh. Bọn công an bảo vệ và quản lý chàng, tên nào cũng có bản lãnh, không dễ gợi xúc động họ hay khơi dậy ở họ mảy may trắc ẩn. Thì thôi, chàng ngồi hút thuốc và uống trà. Sẽ phải viết một cái gì. -, tại sao không viết một bài về mục đích chiến đấu của mình? Nhìn khói thuốc, chàng mơ mộng xa xôi và, bỗng dưng, tâm hồn chàng xao xuyến khôn cùng. Chàng dập điếu thuốc dang dở, bỏ về giường, nằm duỗi chân tay thoải mái. Ngày hôm đó, chàng không viết nửa chữ. Cơm nước vẫn đều đặn, ngon lành. Hôm sau, hôm sau nữa, Lãnh Đạo 2 không tới, Lãnh Đạo 3 chưa tới. Nhưng người công an bảo vệ cũ đã được thay thế bằng người mới. Người này, dân Nghệ Tĩnh, nói trọ trẹ rất khó nghe và cũng rất ít nói. Y lầm lỳ, đôi mắt soi mói, rình rập. Khi y nhìn chàng, mắt y toát ra sự đe đọa gớm ghiếc. Chàng tự nhủ: Đã sắp hết tuần trăng mật sao?