EDMOND DE AMICIS
54.- 32 độ
Tác giả: EDMOND DE AMICIS
Bây giờ đã sang tiết hè, trời nóng quá ! Người đã thấy nhọc và kém vẻ tươi tắn của mùa xuân. Cổ và chân đã thấy mỏi, đầu muốn ngả, mắt muốn nhắm. Anh Nêlli khổ về nóng nực, mặt mũi xanh xao thỉnh thoảng lại gục đầu xuống vở ngủ một giấc dài. Anh Garônê khôn hơn, bao giờ cũng có ý dựng sách trước mặt để thầy giáo khỏi nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu. Còn anh Nôbix cứ kêu ra rả rằng lớp đông người quá, không đủ không khí thở. Coi đó, có thể biết : mùa hè đến : mùa hè đến, chúng tôi đã cố gắng biết là bao nhiêu để học tập.
Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy cây cối xanh tốt, bóng rợp rung rinh như muốn khêu gợi sự nô đùa mà tôi buồn. Ngày nào cũng phải ngồi giam trong buồng học với cái nóng nung người như thế này thì thực là khó chịu quá ! Tuy nhiên, mỗi khi thấy mẹ tôi đón tôi ở cửa trường có ý thương hại thì tôi lại ra vể bình tĩnh. Mỗi khi mẹ tôi thấy tôi loay hoay viết lách và hỏi tôi :"Con có nhọc không?" thì tôi lại làm bộ nhanh nhẹn thưa "không" để mẹ tôi được yên lòng.
6 giờ sáng nay, mẹ tôi gọi dậy để học bài, thấy tôi uể oải, mẹ tôi khuyên :
_ Con hãy chịu khó đi học, con ạ ! Chỉ còn ngót tháng nữa, con sẽ được nghỉ hè. Mẹ sẽ cho con về quê chơi. Con còn sung sướng hơn bao nhiêu trẻ không có nghỉ hè. Con chẳng xem trong lúc trời nóng như thiêu như đốt, những đứa trẻ nhà quê phải dãi thân ở giữa cánh đồng ? Những đứa trẻ học nghề luôn luôn phơi mặt bên cạnh lò nấu thuỷ tinh ? Những cái nóng ấy còn khó chịu gấp mấy cái nóng ở nhà trường ! Cố lên ! Con ạ !
Thêm vào những tấm gương nhẫn nại mà mẹ tôi vừa nói, chúng tôi còn có cái gương hoạt động nữa vẫn ngay cạnh mình. Đó là Đêrôtxi. Anh không biết nhọc mệt là gì. Mùa hạ cũng như mùa đông, bao giờ anh cũng tỏ ra nhẹ nhàng, mau mắn.
Trong lớp còn có hai người học trò nữa vẫn tỉnh táo và chăm chú là anh Xtarđi, mới chế ra được môn thuốc chữa bệnh ngủ gật là tự véo vào đùi mình và Garôpphi, anh chàng làm tiền cứ luôn tay làm những cái quạt giấy để bán cho anh em. Nhưng người can đảm nhất có lẽ là anh Côrêtti, anh Côrêtti đáng thương, ngày nào cũng phải dậy từ gà gáy để vác củi giúp cha ; vì thế cứ đến gần mười một giờ là mắt anh híp lại, đầu anh rủ xuống... Biết thế anh hết sức cựa cậy hay tự đập vào gáy cho tỉnh ngủ : có khi anh xin phép ra ngoài để rửa mặt hay nhờ người ngồi bên cạnh cấu hộ cho rõ đau. Sáng nay, không gượng được nữa, anh gục xuống bàn làm một giấc thật say.
Thầy giáo gọi :
_ Côrêtti !
Anh không biết gì.
Thầy giận gọi lần nữa :
_ Côrêtti !
Bỗng một người bạn ở gần nhà anh đứng lên mách :
_ Thưa thầy, anh ấy đội củi từ 5 giờ sáng ạ.
Thầy để yên anh ngủ và giảng tiếp bài. Nửa giờ sau, thầy sẻ xuống bàn, thổi vào trán anh, anh sực tỉnh, thấy thầy, sợ quá ! Nhưng thầy vỗ vai anh bảo :
_ Thầy không mắng con đâu. Giấc ngủ của con không phải là giấc ngủ của đứa trẻ lười. Sáng nay, con đã làm nhiều, thầy biết.