Chương 12
Tác giả: Erich Maria Remarque
Mùa thu.
Những người lính cũ chẳng còn được bao nhiêu.
Tôi là người cuối cùng trong số bảy người ra đi của lớp học chúng tôi.
Ai cũng nói đến đình chiến và hòa bình. Mọi người chờ đợi. Nếu lại vỡ mộng một lần nữa, là sẽ tai biến. Sự mong đợi mãnh liệt quá; không thể nào gạt nó đi mà nó không nổ tung ra. Nếu không có hòa bình, nhất định sẽ có cách mạng.
Tôi được nghỉ mười lăm ngày vì hít phải một ít hơi ngạt. Tôi ngồi suốt ngày ngoài nắng, trong một khu vườn nhỏ. Chăng bao lâu nữa, sẽ đình chiến; bây giờ, đến cả tôi, tôi cũng tin như thế. Lúc ấy chúng tôi sẽ trở về nhà; đó là ý nghĩ của tôi. Nó không vượt quá được phạm vi ấy. Cái thu hút và lôi cuốn tôi, là những cảm xúc, là lòng khát khao được sống, là vẻ đẹp của quê hương, là tình máu mủ, là niềm say sưa được tai qua nạn khỏi. Nhưng đó không phải là những mục đích.
Nếu chúng tôi được trở về nhà năm 1916, chắc hẳn với nỗi đau thương và sức mạnh mà chúng tôi đã sống, chúng tôi đã có thể làm nổ ra một cơn bão táp.
Nếu bây giờ, chúng tôi trở lại gia đình, chúng tôi mệt mỏi, rã rời, trống rỗng, không còn gốc rễ và không còn hy vọng.
Chúng tôi không thể chiếm phần ưu thắng được nữa.
Người ta cũng sẽ không hiểu chúng tôi, vì trước mặt chúng tôi, một thế hệ dã lớn lên, tuy họ đã cùng chúng tôi chung sống trong mấy năm nay, nhưng họ đã có gia đình, đã có nghề nghiệp, bây giờ họ sẽ trở về những vị trí cũ, họ sẽ quên lãng chiến tranh đi; và sau lưng chúng tôi, một thế hệ khác lớn lên giống như chúng tôi trước đây, nhưng họ sẽ không hiểu chúng tôi và sẽ xa lánh chúng tôi.
Chúng tôi cũng chẳng có ích gì cho chính mình nữa. Chúng tôi lớn lên; một số sẽ thích ứng được; một số khác sẽ cam lòng chịu đựng và rất nhiều người sẽ hoàn toàn lạc lõng; năm tháng sẽ trôi qua và, cuối cùng, chúng tôi sẽ gục xuống.
Nhưng có lẽ những điều tôi nghĩ cũng chỉ là buồn rầu và chán nản, những cái ấy sẽ biến đi, khi tôi lại trở về dưới bóng hàng cây bạch dương, nghe cành lá chúng rì rào.
Không thể nào cái cảnh êm đềm làm xúc động lòng người ấy, sự thấp thỏm, nỗi ưu tư, cái tương lai với muôn nghìn bộ mặt, vẻ dịu dàng của những giấc mơ và của những cuốn sách, lòng say đắm và mơ tưởng đàn bà, không thể nào những cái đó không tồn tại nữa. Tất cả những cái đó không thể nào bị huỷ diệt bởi sức mạnh của bom đạn, trong nỗi tuyệt vọng và trong những nhà thổ lính.
Nơi đây, cây cối tỏa ánh vàng với trăm màu nghìn sắc; những quả thanh lương đã chín đỏ trong cành lá. Những con đường trắng xóa chạy về phía chân trời; và các quán hàng, đang nhỏ to bàn tán về hòa bình rào rào như những tổ ong.
Tôi đứng dậy; tôi rất bình thản. Năm, tháng cứ việc đến. Tôi sẽ chẳng mất gì cả, mà thời gian cũng chẳng có thể lấy được gì của tôi nữa. Tôi chỉ có một thân, một mình, chẳng còn mảy may hy vọng điều gì nữa, nên tôi có thể chờ đón thời gian mà không hề sợ hãi.
Cuộc sống đã bắt tôi phải qua những năm tháng ấy, vẫn đang còn tồn tại trong hai bàn tay và cặp mắt của tôi. Tôi có làm chủ được cuộc sống ấy không? Tôi không biết. Nhưng một khi nó còn đấy, nó sẽ tìm ra đường đi, dù có hoặc không có sự đồng tình của cái sức mạnh đang ở trong tôi và nói lên : "Tôi".
***
Anh ta chết tháng mười, năm một nghìn chín trăm mười tám, trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông cáo chỉ ghi là “ Ở phía Tây, không có gì lạ.”
***
Anh ta ngã xuống, đầu về phía trước, nằm dài trên đất, như người đang ngủ.
Khi lật anh ta lên, người ta thấy hình như anh ta không đau đớn lâu thì phải.
Nét mặt anh ta bình thản và như biểu lộ một vẻ bằng lòng về cái kết cục như vậy.
Hết