watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cách mạng và phản cách mạng ở Đức-V.Cuộc khởi nghĩa ở Viên - tác giả Frederick Engels Frederick Engels

Frederick Engels

V.Cuộc khởi nghĩa ở Viên

Tác giả: Frederick Engels

Ngày 24 tháng Hai 1848, Lu-i - Phi-líp bị đuổi ra khỏi Pa-ri và nước Cộng hòa Pháp được thành lập. Tiếp đó, ngày 13 tháng Ba, nhân dân Viên lật đổ chính phủ của hoàng thân Mét-téc-ních và buộc hắn phải trốn khỏi đất nước một cách nhục nhã. Ngày 18 tháng Ba, nhân dân Béc-lin cầm vũ khí nổi dậy và sau 18 giờ chiến đấu kiên cường, họ sung sướng được thấy nhà vua phải hàng phục mình. Cùng lúc đó, ở các thủ đô các tiểu bang của Đức, đều nổ ra những cuộc khởi nghĩa ít nhiều mãnh liệt và tất cả đều thành công như vậy. Nếu nhân dân Đức chưa đưa được cuộc cách mạng đầu tiên của mình đến cuối cùng thì dù sao họ cũng đã công khai lao vào con đường cách mạng.
Ở đây, chúng tôi không thể nói tỉ mỉ về việc các cuộc khởi nghĩa khác nhau ấy đã phát sinh như thế nào; chúng tôi chỉ có ý định giải thích tính chất của các cuộc khởi nghĩa ấy và thái độ của các giai cấp khác nhau trong dân chúng đối với các cuộc khởi nghĩa ấy.
Có thể nói rằng cuộc cách mạng ở Viên là do nhân dân hầu như nhất trí thực hiện. Giai cấp tư sản, trừ bọn chủ ngân hàng và bọn đầu cơ chứng khoán, tầng lớp tiểu thủ công và tiểu thương, công nhân, tất cả đều nổi dậy, muôn người như một, chống lại một chính phủ đã bị mọi người khinh ghét, một chính phủ bị khắp nơi căm thù đến nỗi ngay từ trận tiến công đầu, bọn thiểu số quý tộc và bọn trùm tài phiệt vẫn ủng hộ nó đã phải lẩn mất. Giai cấp tư sản đã bị Mét-téc-ních giam hãm trong một tình trạng ngu dốt về chính trị đến nỗi nó hoàn toàn không hiểu gì về những tin tức từ Pa-ri báo cho biết về sự thống trị của tình trạng vô chính phủ, của chủ nghĩa xã hội và của sự khủng bố, về cuộc chiến đấu sắp tới giữa giai cấp các nhà tư sản và giai cấp những người lao động. Với sự ngây thơ về chính trị của mình, giai cấp tư sản hoặc thấy những tin tức ấy là không có ý nghĩa gì, hoặc coi đó là những điều bịa đặt quỷ quái của Mét-téc-ních nhằm buộc mình phải vì sợ hãi mà vâng lời. Vả lại, chưa bao giờ nó thấy công nhân hành động với tư cách là giai cấp, hay nổi dậy bảo vệ lợi ích giai cấp riêng biệt của mình. Với kinh nghiệm từ trước đến nay của nó, nó không thể tưởng tượng được rằng lại có thể xảy ra sự tranh chấp giữa những giai cấp mới đây vẫn còn liên hiệp rất thân thiết với nhau để lật đổ một chính phủ bị tất cả mọi người căm ghét. Nó thấy dân chúng lao động đồng ý với nó về mọi điểm: hiến pháp, tòa án bồi thẩm, tự do báo chí, v.v. Bởi vậy, ít ra là trong tháng Ba 1848, nó vẫn toàn tâm toàn ý đi với phong trào; mặt khác, phong trào (ít nhất là về phương diện lý luận) cũng đưa ngay tức khắc giai cấp tư sản lên thành giai cấp thống trị của nhà nước.
Nhưng số phận mà tất cả các cuộc cách mạng đều gặp phải, là sự liên minh giữa các giai cấp khác nhau, - một sự liên minh mà trong một chừng mực nào đó, luôn luôn là điều kiện cần thiết của mọi cuộc cách mạng, - lại không tồn tại lâu dài được. Kẻ thù chung vừa bị đánh bại thì những kẻ chiến thắng đã chia thành những phe đối lập và chĩa vũ khí vào nhau. Trong cơ cấu xã hội già cỗi và phức tạp, chính sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ ấy của mâu thuẫn đối kháng giai cấp đã làm cho cách mạng trở thành một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy tiến bộ xã hội và tiến bộ chính trị; chính sự nảy sinh không ngừng và sự trưởng thành nhanh chóng ấy của các đảng mới thay nhau lên nắm chính quyền đã làm cho một dân tộc, trong những cuộc biến động dữ dội đó, chỉ trong 5 năm mà vượt qua được một chặng đường dài phải mất hàng trăm năm mới vượt được trong những điều kiện bình thường.
Cuộc cách mạng ở Viên đã khiến cho về mặt lý luận, giai cấp tư sản trở thành giai cấp thống trị. Điều đó có nghĩa là những nhượng bộ giành được từ tay chính phủ nếu được thực hiện và duy trì trong một thời gian nào đó thì nhất định sẽ đảm bảo quyền thống trị cho giai cấp tư sản. Nhưng trong thực tế, quyền thống trị của giai cấp ấy còn xa mới được thiết lập vững chắc. Thực ra thì nhờ việc thành lập đội cận vệ quốc gia khiến cho giai cấp tư sản và những người tiểu chủ có được vũ khí, nên giai cấp tư sản đã có thêm lực lượng và ảnh hưởng; nhờ việc thành lập một "ủy ban an ninh", tức là một thứ chính phủ cách mạng không có trách nhiệm trước ai, trong đó giai cấp tư sản chiếm ưu thế, nên giai cấp ấy đã được đứng đầu chính quyền. Nhưng đồng thời một bộ phận giai cấp công nhân cũng được vũ trang; họ và sinh viên đã phải chịu tất cả cái gánh nặng của cuộc chiến đấu, ở nơi nào có chiến đấu; và sinh viên, khoảng chừng 4000 người, được vũ trang tốt và có kỷ luật hơn đội cận vệ quốc gia nhiều, là hạt nhân, là lực lượng thực sự của quân đội cách mạng, và họ tuyệt nhiên không muốn làm một công cụ đơn giản của ủy ban an ninh. Mặc dầu họ thừa nhận ủy ban này và còn là những người bảo vệ nó một cách nhiệt tình nhất, nhưng không vì thế mà họ không phải là một tổ chức độc lập và khá ương ngạnh; họ họp hội nghị riêng ở Giảng đường chính, giữ một lập trường trung gian giữa giai cấp tư sản và công nhân, ngăn cản, bằng hoạt động liên tục của mình, không cho tình hình lại rơi trở lại vào nề nếp cổ hủ thường ngày, và nhiều lần họ còn buộc ủy ban an ninh phải tuân theo nghị quyết của họ. Ngoài ra còn phải dùng công nhân, hầu hết đã thất nghiệp, vào những công trình công cộng do nhà nước đài thọ, và khoản tiền dùng vào việc đó tất nhiên phải lấy từ túi những người đóng thuế hoặc trong ngân quỹ của thành phố Viên. Tất cả những điều đó nhất định là rất khó chịu đối với thương nhân và tiểu thủ công ở Viên. Dĩ nhiên là những xí nghiệp công nghiệp của thành phố, được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu của những triều đình giàu có và quý tộc của một nước lớn, đều do cách mạng, do tầng lớp quý tộc và triều đình đã bỏ chạy cả mà bị tê liệt; thương mại đình đốn; sự bất bình và sự phẫn nộ liên tục của sinh viên và công nhân tất nhiên là không thể giúp vào việc "khôi phục lại tín nhiệm", như người ta thường nói lúc bấy giờ. Vì thế chẳng bao lâu, đã phát triển một mối quan hệ lạnh nhạt nào đó giữa một bên là giai cấp tư sản với một bên là sinh viên và công nhân phẫn nộ; và nếu trong một thời gian dài, sự lạnh nhạt ấy không biến thành sự thù địch công khai thì chính là vì nội các, đặc biệt là triều đình, trong khi nóng lòng khôi phục lại trật tự cũ, đã không ngừng biện hộ cho những mối nghi ngại và hành động náo nhiệt của các đảng cách mạng hơn và đã không ngừng trưng ra thậm chí cả trước giai cấp tư sản cái bóng ma khủng khiếp của nền chuyên chế cũ kiểu Mét-téc-ních. Vì chính phủ đã toan hạn chế hoặc thủ tiêu một vài quyền tự do vừa giành được nên ngày 15 và 26 tháng Năm, ở Viên, lại bùng nổ những cuộc nổi dậy mới của tất cả các giai cấp. Trong cả hai dịp ấy, khối liên minh giữa đội cận vệ quốc gia, tức là giai cấp tư sản được vũ trang, với những sinh viên và công nhân lại được củng cố một thời gian.
Còn các giai cấp khác trong dân cư thì giai cấp quý tộc và bọn quả đầu tài chính đã biến mất, và nông dân thì ở khắp nơi, họ đang tích cực phá hủy cả những tàn dư cuối cùng của chế độ phong kiến. Do cuộc chiến tranh ở I-ta-li-a[22*] và do những nỗi lo lắng của triều đình về tình hình ở Viên và ở Hung-ga-ri, người ta đã để cho nông dân hoàn toàn tự do hành động; và ở áo, nông dân đã đạt được thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng của họ hơn là ở bất cứ nơi nào khác ở Đức. Quốc hội áo, ngay sau đó một chút, chỉ còn có việc là phê chuẩn những biện pháp mà nông dân đã thực hiện trong thực tế; và dù chính phủ của hoàng thân Svác-xen-béc có khôi phục được cái gì đi nữa thì cũng không bao giờ có thể khôi phục được ách nô dịch phong kiến mà nông dân đã phải chịu. Và nếu lúc này, nước áo, một lần nữa, còn tương đối yên ổn và thậm chí còn mạnh mẽ nữa thì chủ yếu là vì đại đa số nhân dân, tức nông dân, đã thực tế có lợi trong cách mạng, và mặc dầu chính phủ phục tích có xóa bỏ những gì đi chăng nữa, nhưng cho đến bây giờ, những lợi ích vật chất cụ thể nói trên mà nông dân giành được, vẫn còn nguyên vẹn.
Luân Đôn, tháng Mười 1851
Cách mạng và phản cách mạng ở Đức
Mục lục
I.Nước Đức vào đêm trước cách mạng
II.Quốc gia Phổ
III.Những quốc gia khác ở Đức
IV.Nước áo
V.Cuộc khởi nghĩa ở Viên
VI.Cuộc khởi nghĩa ở Béc-Lin
VII.Quốc Hội Phran-Phuốc
VIII.Người Ba Lan, người Séc và người Đức [25*]
IX.Chủ nghĩa đại Xla-vơ. Cuộc chiến tranh
X.Cuộc khởi nghĩa ở Pa-ri. Quốc hội Phran-Phuốc
XI.Cuộc khởi nghĩa ở Viên
XII.Cuộc tấn công chiếm Viên. Sự phản bội Viên
XIII.Hội nghị lập hiến Phổ. Quốc hội
XIV.Việc khội phục lại trật tự. Quốc hội Đức và các nghị viện
XV.Thắng lợi của nước Phổ
XVI.Quốc hội và các chính phủ
XVII.Cuộc khởi nghĩa
XVIII.Những người tiểu tư sản
XIX.Kết cục của cuộc khởi nghĩa
Chú thích