watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cách mạng và phản cách mạng ở Đức-VIII.Người Ba Lan, người Séc và người Đức [25*] - tác giả Frederick Engels Frederick Engels

Frederick Engels

VIII.Người Ba Lan, người Séc và người Đức [25*]

Tác giả: Frederick Engels

Do những điều đã nói trong các bài trước, chúng ta đã thấy rõ rằng nếu không có một cuộc cách mạng mới, kế tiếp cuộc cách mạng tháng Ba 1848 thì tình hình ở Đức nhất định sẽ trở lại như trước khi chưa có sự biến ấy. Nhưng vấn đề lịch sử mà chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ đôi chút, lại phức tạp đến nỗi nếu không tính đến cái có thể gọi là những quan hệ đối ngoại của cuộc cách mạng Đức thì sẽ không hiểu được rõ ràng những sự kiện tiếp sau, mà những quan hệ đối ngoại ấy thì cũng phức tạp như tình hình nội bộ vậy.
Ai nấy đều biết rằng cả nửa phần phía đông nước Đức cho đến sông En-bơ, sông Da-le và miền Rừng Bô-hêm[1] đã được giành lại trong khoảng một nghìn năm gần đây từ tay các bộ lạc Xla-vơ đã xâm chiếm vùng ấy. Từ bao nhiêu thế kỷ trước đây, đại bộ phận những lãnh thổ ấy đã được Giéc-manh hóa đến mức tính dân tộc và ngôn ngữ của người Xla-vơ đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Và nếu chúng ta trừ ra mấy mảnh đất còn sót lại và hoàn toàn biệt lập, tất cả không đến mười vạn người (người Ca-su-bơ ở Pô-mê-ra-ni, người Ven-đi hay người Xoóc-bơ ở Lu-i-sơ), thì dân cư của vùng này, xét về mọi phương diện, đều là người Đức. Nhưng tình hình suốt dọc biên giới của Ba Lan cũ và trong các vùng thuộc ngôn ngữ Séc, ở Bô-hêm và Mô-ra-vi, thì lại không như thế. ở đây, hai dân tộc đã sống xen lẫn nhau ở khắp mọi vùng; nói chung ở thành thị, dân cư đều ít nhiều là dân Đức, còn dân Xla-vơ thường chiếm số đông ở nông thôn, nhưng ở đó dân Xla-vơ cũng dần dần bị phân giải và bị sức bành trướng không ngừng của dân Đức đẩy lùi.
Nguyên nhân của tình trạng ấy là như sau: từ thời Sác-lơ-ma-nhơ Đại đế, người Đức đã hết sức cố gắng và kiên trì chinh phục và khai thác, hay ít ra là khai hóa miền Đông âu. Những cuộc chinh phục của bọn quý tộc phong kiến ở vùng giữa sông En-bơ và sông ô-đe và những thực dân địa phong kiến của tầng lớp kỵ sĩ ở Phổ và ở Li-vơ-ni chẳng qua chỉ là dọn đường cho việc Giéc-manh hóa một cách có hệ thống rộng lớn hơn và hữu hiệu hơn của giai cấp tư sản công thương nghiệp, giai cấp này, ở Đức cũng như ở phần còn lại của Tây âu, đã trở thành quan trọng về mặt xã hội và chính trị ngay từ thế kỷ XV. Người Xla-vơ, đặc biệt là người Xla-vơ miền tây - người Ba Lan và người Séc - thì chủ yếu là dân nông nghiệp; họ chưa bao giờ để ý đến công nghiệp và thương nghiệp. Nhờ thế mà cùng với sự tăng thêm dân số và sự xuất hiện của các thành phố nên việc sản xuất toàn bộ các mặt hàng công nghiệp trong các miền ấy đều rơi vào tay những người di cư Đức, và việc trao đổi hàng hóa ấy lấy nông phẩm trở thành độc quyền riêng của người Do Thái, là những người dù mang quốc tịch nào đi nữa ở các nước này thì cũng chắc chắn là thuộc dân Đức hơn là thuộc dân Xla-vơ. Tình hình ở toàn bộ Đông âu cũng như vậy, tuy là ở mức độ kém hơn. ở Pê-téc-bua, Pét, Giát-xi và ngay cả ở Công-xtăng-ti-nô-plơ, thợ thủ công tiểu thương, tiểu nghiệp chủ, cho đến nay, vẫn là người Đức, còn người cho vay lãi, chủ quán rượu, người bán hàng rong - một hạng người rất quan trọng ở các xứ thưa dân này - thì hầu như bao giờ cũng là người Do Thái mà tiếng mẹ đẻ là một thứ tiếng Đức đã biến đổi đến nỗi không nhận ra được nữa. Tầm quan trọng của người Đức trong các vùng thuộc biên giới Xla-vơ tăng lên cùng với sự phát triển của thành thị, của công thương nghiệp và lại càng tăng lên hơn nữa khi cần phải du nhập từ Đức hầu hết tất cả mọi yếu tố của nền văn hóa tinh thần. Sau người lái buôn và người thợ thủ công Đức thì giáo sĩ Đức, giáo viên Đức, bác học Đức, cũng bắt đầu đến lập nghiệp trên lãnh thổ Xla-vơ. Và sau cùng, gót sắt của các đoàn quân xâm lược, hay sự chiếm đoạt khôn ngoan và được tính toán trước của nền ngoại giao, đều không phải chỉ được tiến hành tiếp sau, mà nhiều khi trước cả quá trình phi dân tộc hóa chậm chạp, nhưng chắc chắn, do sự phát triển xã hội dẫn tới. Sau cuộc phân chia Ba Lan lần thứ nhất thì nhiều bộ phận lớn của miền tây Phổ và của Pô-dơ-nan đã bị Giéc-manh hóa như vậy bằng việc bán và nhượng lại những đất công cho những người di cư Đức, bằng việc khuyến khích các nhà tư bản Đức thiết lập công xưởng, v.v., ở các miền ấy, và cũng thường thường là bằng những phương sách hết sức chuyên chế đối với những cư dân Ba Lan.
Bảy mươi năm qua, đường ranh giới giữa dân tộc Đức và dân tộc Ba Lan đã hoàn toàn xê dịch đi như vậy. Cuộc cách mạng 1848 đã làm cho tất cả các dân tộc bị áp bức đều lập tức đòi quyền tồn tại độc lập và quyền tự quyết định công việc của mình, nên lẽ tự nhiên là người Ba Lan cũng lập tức đòi khôi phục đất nước họ theo đường biên giới của nước Cộng hòa Ba Lan cũ từ trước năm 1772. Thực ra thì ngay cả lúc ấy nữa, đường biên giới ấy cũng đã trở nên không thích hợp để phân ranh giới giữa dân tộc Đức và Ba Lan nữa rồi, sau đó, quá trình Giéc-manh hóa càng tiến tới thì hàng năm nó càng trở nên không thích hợp hơn. Nhưng một khi người Đức đã biểu thị một nhiệt tình lớn đến thế đối với việc khôi phục nước Ba Lan thì họ cũng phải nghĩ đến việc người ta sẽ yêu cầu họ từ bỏ phần chiến lợi phẩm của họ, coi đó là một bằng chứng đầu tiên chứng tỏ rằng nhiệt tình của mình là chân thành. Nhưng mặt khác, liệu người ta có thể nhượng những vùng rộng lớn mà phần lớn dân cư là người Đức và những thành thị lớn hoàn toàn Đức cho một dân tộc cho đến nay chưa chứng tỏ là có khả năng thoát khỏi chế độ phong kiến dựa trên nền tảng chế độ nông nô, hay không? Vấn đề khá phức tạp. Chiến tranh với nước Nga là giải pháp duy nhất. Trong trường hợp ấy, vấn đề phân ranh giới giữa các dân tộc cách mạng sẽ trở thành vấn đề thứ yếu so với vấn đề chính là thiết lập một biên giới vững chắc chống kẻ thù chung. Người Ba Lan, được những đất đai rộng lớn ở miền đông sẽ có thái độ ôn hòa và hợp lý hơn trong những yêu sách của mình về miền tây; và rốt cuộc họ cũng có thể cho rằng Ri-ga và Mi-tau-vơ[2] cũng quan trọng như Đan-txích và En-bin-gơ[3]. Vì vậy chính đảng tiến bộ ở Đức cho rằng một cuộc chiến tranh với nước Nga là cần thiết để duy trì phong trào ở lục địa, và tin chắc rằng việc khôi phục độc lập dân tộc dù chỉ là của một bộ phận Ba Lan cũng nhất định làm nổ ra cuộc chiến tranh ấy, nên nó đã ủng hộ người Ba Lan, trái lại, đảng tư sản tự do chủ nghĩa cầm quyền thì thấy trước rất rõ là một cuộc chiến tranh dân tộc chống nước Nga sẽ đưa nó đến chỗ sụp đổ, vì cuộc chiến tranh ấy sẽ đưa những người tích cực và kiên quyết hơn lên nắm chính quyền, và do đó nó giả vờ vui mừng về sự bành trướng của dân tộc Đức và tuyên bố: Ba Lan thuộc Phổ, trung tâm của hoạt động cách mạng Ba Lan, phải là bộ phận khăng khít của đế quốc Đức tương lai. Những lời hứa với người Ba Lan trong những ngày đầu của phong trào đã bị phản bội một cách vô sỉ. Những đội quân vũ trang Ba Lan, được chính phủ cho phép thành lập, đã bị pháo binh Phổ đánh tan tác và sát hại; và ngay vào tháng Tư 1848, chưa đầy sáu tuần lễ sau cuộc cách mạng Béc-lin, phong trào Ba Lan đã bị đè bẹp và hận thù dân tộc xưa kia giữa người Đức và người Ba Lan lại sống trở lại. Chính những tên bộ trưởng - thương nhân tự do chủ nghĩa, Cam-pơ-hau-den và Han-dơ-man, đã có cái công lao lớn, vô giá đó đối với chế độ chuyên chế Nga. Cần phải nói thêm rằng chiến dịch Ba Lan, đó là cái bước thứ nhất để cải tổ và cổ vũ quân đội Phổ. Quân đội này, về sau, đã đuổi cổ đảng tự do và bóp chết phong trào mà các ngài Cam-pơ-hau-den và Han-dơ-man đã tốn biết bao công phu mới xây dựng lên được. "ác giả, ác báo". Đó là số phận của tất cả những kẻ bột phát năm 1848 và 1849, từ Lơ-đruy - Rô-lanh đến Săng-gác-ni-ê, và từ Cam-pơ-hau-den xuống đến Hay-nau.
Vấn đề dân tộc còn gây nên một cuộc đấu tranh khác cả ở Bô-hêm. ở đây, có hai triệu người Đức và ba triệu người Xla-vơ sinh sống, nói tiếng Séc và có những sự tích lịch sử vĩ đại hầu hết là có liên quan tới địa vị thống trị xưa kia của người Séc. Nhưng sau đó, ngay từ cuộc chiến tranh của Hu-xơ vào thế kỷ XV[26*], lực lượng của ngành họ Xla-vơ đó đã bị xóa bỏ. Những tỉnh nói tiếng Séc bị phân chia; một bộ phận thành vương quốc Bô-hêm, một bộ phận khác thành công quốc Mô-ra-vi; bộ phận thứ ba tức là miền núi Các-pát do người Xlô-va-ki ở, lại thuộc về Hung-ga-ri. Từ bấy giờ trở đi, người Mô-ra-vi và người Xlô-va-ki đã mất hết mọi vết tích của ý thức dân tộc và sức sống dân tộc, mặc dầu trong một mức độ lớn họ vẫn còn giữ được ngôn ngữ của mình. Xứ Bô-hêm thì ba mặt bị những vùng hoàn toàn Đức bao quanh. Yếu tố Đức đã có nhiều thắng lợi lớn ở trên lãnh thổ của nó; thậm chí ở ngay thủ đô là Pra-ha, hai dân tộc cũng gần ngang nhau về dân số nhưng ở khắp vùng thì tư bản, thương nghiệp, công nghiệp và văn hóa tinh thần đều nằm trong tay người Đức. Bản thân giáo sư Pa-lát-xki, người chiến sĩ chủ chốt bảo vệ dân tộc Séc cũng chỉ là một nhà bác học Đức loạn óc, hiện nay cũng chưa biết nói tiếng Séc cho đúng mà không pha giọng nước ngoài. Nhưng như vẫn thường xảy ra, dân tộc Séc đang hấp hối, như tất cả các sự kiện lịch sử trong bốn trăm năm gần đây đã chứng tỏ, đã cố gắng một lần cuối cùng vào năm 1848 nhằm khôi phục lại sức sống trước kia của mình; nhưng nếu không kể đến phương diện cách mạng thì sự thất bại của những cố gắng ấy đã chứng minh rằng Bô-hêm từ nay chỉ có thể tồn tại như một bộ phận cấu thành của nước Đức, mặc dầu trong mấy thế kỷ nữa, một bộ phận dân cư của họ vẫn còn tiếp tục nói một thứ tiếng không phải là tiếng Đức.
Luân Đôn, tháng Hai 1852

-----------
Chú thích
[1] - Rừng Séc
[2] - Tên gọi bằng tiếng Lát-vi-a là En-ga-va
[3] - Tên gọi bằng tiếng Ba Lan là Gơ-đan-xcơ và En-blôn-gơ.
Cách mạng và phản cách mạng ở Đức
Mục lục
I.Nước Đức vào đêm trước cách mạng
II.Quốc gia Phổ
III.Những quốc gia khác ở Đức
IV.Nước áo
V.Cuộc khởi nghĩa ở Viên
VI.Cuộc khởi nghĩa ở Béc-Lin
VII.Quốc Hội Phran-Phuốc
VIII.Người Ba Lan, người Séc và người Đức [25*]
IX.Chủ nghĩa đại Xla-vơ. Cuộc chiến tranh
X.Cuộc khởi nghĩa ở Pa-ri. Quốc hội Phran-Phuốc
XI.Cuộc khởi nghĩa ở Viên
XII.Cuộc tấn công chiếm Viên. Sự phản bội Viên
XIII.Hội nghị lập hiến Phổ. Quốc hội
XIV.Việc khội phục lại trật tự. Quốc hội Đức và các nghị viện
XV.Thắng lợi của nước Phổ
XVI.Quốc hội và các chính phủ
XVII.Cuộc khởi nghĩa
XVIII.Những người tiểu tư sản
XIX.Kết cục của cuộc khởi nghĩa
Chú thích