VII.Quốc Hội Phran-Phuốc
Tác giả: Frederick Engels
Có lẽ bạn đọc sẽ nhớ lại rằng trong sáu bài báo trước, chúng ta đã theo dõi phong trào cách mạng ở Đức cho đến hai cuộc chiến thắng lớn của nhân dân vào ngày 13 tháng Ba ở Viên và ngày 18 tháng Ba ở Béc-lin. Ở áo cũng như ở Phổ, chúng ta đã thấy thành lập những chính phủ lập hiến, tuyên bố những nguyên tắc tự do chủ nghĩa, tức là những nguyên tắc tư sản, coi đó là phương châm chỉ đạo toàn bộ chính sách sau này; sự khác nhau rõ ràng và duy nhất giữa hai trung tâm hoạt động lớn ấy là: ở Phổ, giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa, do hai nhà buôn giàu có Cam-pơ-hau-den và Han-dơ-man đại biểu, đã trực tiếp đoạt lấy chính quyền, còn ở áo, vì giai cấp tư sản ít được tôi luyện về chính trị hơn nên ở đấy, bọn quan liêu tự do chủ nghĩa đã nhận chức và tuyên bố nắm chính quyền theo sự ủy nhiệm của giai cấp tư sản. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng các đảng và các giai cấp xã hội, cho đến bây giờ vẫn liên hiệp với nhau để chống chính phủ cũ, lại chia rẽ nhau như thế nào sau khi chiến thắng, hoặc thậm chí trong quá trình chiến đấu; chúng ta cũng thấy chính giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa ấy, kẻ duy nhất được hưởng chiến quả, đã tức khắc quay lại chống bạn đồng minh hôm qua của nó như thế nào, đã có thái độ thù địch như thế nào với mọi giai cấp hay đảng phái, tiến bộ hơn nó, và đã ký kết liên minh như thế nào với các thế lực phong kiến và quan liêu đã bị đánh bại. Thực ra thì ngay từ lúc bắt đầu tấn kịch cách mạng, giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa chỉ có thể chống lại các đảng phong kiến và quan liêu đã bị đánh bại nhưng chưa bị thủ tiêu, bằng cách dựa vào các đảng nhân dân tiến bộ hơn, và đồng thời nó cũng cần đến sự giúp đỡ của giai cấp quý tộc phong kiến và bộ máy quan liêu để chống lại sự tiến công của những quần chúng cấp tiến hơn ấy. Như vậy, cũng khá rõ ràng là giai cấp tư sản ở áo và ở Phổ không đủ lực lượng để giữ vững chính quyền của nó và để làm cho những thiết chế nhà nước thích ứng với nhu cầu và tư tưởng của nó. Nội các tư sản - tự do chủ nghĩa chỉ là giai đoạn quá độ từ đó, tùy theo sự phát triển của tình hình, đất nước phải hoặc tiến lên mức cao hơn thành nước cộng hòa thống nhất, hoặc lại rớt xuống chế độ tăng lữ phong kiến và quan liêu như cũ. Dù sao, trận chiến đấu thực sự và quyết định vẫn chưa tới; những sự biến tháng Ba mới chỉ là bước đầu của cuộc chiến đấu mà thôi.
Vì áo và Phổ là hai quốc gia dẫn đầu nước Đức, cho nên mọi chiến thắng cách mạng quyết định ở Viên hay ở Béc-lin cũng sẽ có tính chất quyết định đối với toàn bộ nước Đức. Và đúng như vậy, mức phát triển của những sự biến tháng Ba năm 1848 ở hai thành phố ấy đã quyết định diễn biến của tình hình ở toàn nước Đức. Do đó, cũng không cần phải đi sâu vào phong trào xảy ra ở các bang nhỏ, và thực ra, chúng ta chỉ cần bàn đến những vấn đề ở áo và ở Phổ, nếu sự tồn tại của các bang nhỏ ấy đã không làm nảy sinh ra một cơ quan mà chỉ riêng sự tồn tại của nó cũng đã là bằng chứng hùng hồn nhất về tình trạng bất bình thường của nước Đức và về tính chất dở dang của cuộc cách mạng vừa qua, - một cơ quan quái đản, lố bịch do chính ngay vị trí của nó, và lại tự cho mình là quan trọng đến mức mà chắc chắn là lịch sử sẽ không bao giờ tạo ra được một cơ quan tương tự như thế nữa. Cơ quan ấy được gọi là Quốc hội Đức ở Phran-phuốc trên sông Mai-nơ.
Sau những chiến thắng của nhân dân ở Viên và ở Béc-lin thì việc triệu tập một đại hội đại biểu toàn Đức là điều đương nhiên. Thế là Quốc hội đã được bầu ra và họp ở Phran-phuốc bên cạnh Quốc hội hiệp bang cũ. Nhân dân hy vọng rằng Quốc hội Đức sẽ có thể giải quyết tất cả mọi công việc còn đang tranh chấp và sẽ hành động với tư cách là cơ quan quyền lực lập pháp tối cao của toàn bộ Hiệp bang Đức. Song Quốc hội hiệp bang đã triệu tập Quốc hội lại và không hề quy định quyền hạn cho nó. Không biết những quyết nghị của nó liệu có hiệu lực như pháp luật hay không hay chúng phải được Quốc hội hiệp bang hoặc các chính phủ riêng thông qua. Trong tình trạng mơ hồ ấy, nếu Quốc hội có chút ít nghị lực thì nó đã phải tức khắc giải tán Quốc hội hiệp bang, một tổ chức không được lòng dân nhất ở Đức lúc bấy giờ và thay nó bằng một chính phủ Hiệp bang chọn trong các thành viên của nó. Nó sẽ tuyên bố rằng nó là cơ quan duy nhất hợp pháp thể hiện ý chí tối cao của nhân dân Đức và do đó sẽ làm cho mọi quyết nghị của nó có hiệu lực của pháp luật. Nhưng trước hết nó sẽ phải tự tạo cho mình một lực lượng có tổ chức và vũ trang ở trong nước đủ mạnh để đập tan mọi sự chống đối của các chính phủ bang. Tất cả những việc đó là dễ làm, rất dễ làm trong thời kỳ đầu ấy của cách mạng. Nhưng yêu cầu Quốc hội Phran-phuốc làm những việc như vậy là trông chờ quá nhiều vào một Quốc hội mà đa số gồm những luật sư tự do chủ nghĩa và những giáo sư khống luận, - vào một Quốc hội có tham vọng thể hiện sự tinh túy của tư tưởng và của khoa học Đức, nhưng thực ra chỉ là cái sân khấu trên đó các nhân vật chính trị già cỗi và lỗi thời, biểu diễn trước toàn thể nước Đức sự lố lăng vô ý thức của họ và sự bất lực của họ trong suy nghĩ và hành động. Cái Quốc hội của các mụ già đó, ngay từ những ngày đầu của cuộc đời của nó, đã tỏ ra sợ bất cứ một phong trào quần chúng nhỏ nào hơn là sợ tất cả các âm mưu phản động của tất cả các chính phủ Đức cộng lại. Quốc hội thảo luận dưới sự giám thị của Quốc hội hiệp bang, có thể nói là nó hầu như van xin Quốc hội hiệp bang phê chuẩn những quyết nghị của nó, vì những nghị quyết đầu tiên của nó phải được cái cơ quan ghê tởm ấy công bố. Đáng lẽ phải khẳng định chủ quyền của nó thì nó lại cố ý lẩn tránh không thảo luận những vấn đề nguy hiểm như vậy. Đáng lẽ phải tập hợp quanh nó một lực lượng quần chúng vũ trang thì nó lại chuyển sang thảo luận những vấn đề trước mắt, bỏ qua mọi hành vi bạo lực của các chính phủ. Ngay trước mắt nó, thành phố Ma-in-xơ bị thiết quân luật và nhân dân thành phố bị tước vũ khí, vậy mà Quốc hội vẫn không hành động gì. Sau đó, nó cử đại công tước áo I-ô-han làm nhiếp chính của đế chế và tuyên bố mọi quyết nghị của Quốc hội đều có hiệu lực của pháp luật; nhưng đại công tước I-ô-han lại chỉ được nhận chức mới khi đã có sự đồng ý của tất cả các chính phủ, và lại do Quốc hội hiệp bang chứ không phải là do Quốc hội bổ nhiệm; còn về hiệu lực pháp luật của các sắc lệnh của Quốc hội thì đó là một điểm mà chính phủ các quốc gia lớn chưa bao giờ công nhận và chính bản thân Quốc hội cũng không bao giờ tìm cách đề cao, do đó vấn đề vẫn còn chưa được giải quyết dứt khoát. Rốt cuộc là chúng ta được chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng là một Quốc hội, trong khi tự cho mình là kẻ đại diện duy nhất hợp pháp của một dân tộc lớn có chủ quyền thì lại hoàn toàn không có ý chí và lực lượng để làm cho yêu cầu của mình được công nhận. Những cuộc thảo luận của Quốc hội ấy không mang lại một kết quả thực tiễn nào, cũng không có cả giá trị lý luận nữa, vì ở đó, người ta chỉ nhai đi nhai lại những sáo ngữ của các môn phái triết học và luật học đã lỗi thời; ở đó, người ta chỉ nói hay đúng hơn là chỉ nói ấp a ấp úng những câu đã được in ra từ lâu hàng nghìn lần và trên nghìn lần.
Như vậy, cái gọi là cơ cấu chính quyền trung ương mới của Đức vẫn để tình hình y nguyên như cũ. Không thực hiện được sự thống nhất biết bao mong đợi của nước Đức, nó cũng không truất được ngôi của những vương hầu tồi tệ nhất đang thống trị nước Đức; nó chẳng làm gì để thắt chặt hơn nữa những mối liên hệ giữa các tỉnh tản mạn; nó hoàn toàn chẳng thèm làm một việc gì để phá bỏ những hàng rào thuế quan chia cắt Han-nô-vơ với Phổ và Phổ với áo; nó cũng không hề bỏ ra một công sức nào để thủ tiêu những khoản thuế đáng ghét đang ngăn trở ở khắp nơi việc đi lại trên sông ở Phổ. Nhưng càng ít làm việc bao nhiêu thì cái Quốc hội ấy lại càng huênh hoang bấy nhiêu. Nó lập ra một đội hải quân Đức trên giấy, nó sáp nhập Ba Lan và Slê-dơ-vích; nó cho phép áo thuộc Đức tiến hành chiến tranh chống I-ta-li-a, nhưng lại cấm người I-ta-li-a truy kích người áo đến tận nơi ẩn nấp chắc chắn của họ là nước Đức; nó vỗ tay chào mừng nước Cộng hòa Pháp và tiếp các sứ giả Hung-ga-ri làm cho những sứ giả ấy khi trở về chắc chắn sẽ có những ý niệm mơ hồ về nước Đức hơn nhiều so với khi mới đến.
Vào buổi đầu của cách mạng, Quốc hội ấy là mối lo của tất cả các chính phủ ở Đức. Các chính phủ ấy tính rằng nó sẽ hành động hết sức độc tài và cách mạng, chính vì cái tình trạng không có quyền hạn minh bạch mà lúc đó người ta thấy lại cần thiết phải để như vậy. Vì vậy, các chính phủ ấy đã giăng một mạng lưới âm mưu hết sức rộng rãi nhằm giảm bớt ảnh hưởng của cái cơ quan đáng sợ ấy; nhưng tình hình chứng tỏ rằng họ may hơn khôn, vì thực ra Quốc hội ấy đã giúp cho các chính phủ ấy làm việc nhiều hơn là bản thân các chính phủ ấy có thể làm được. âm mưu chủ chốt của các chính phủ là triệu tập những hội nghị lập pháp địa phương; do đó, không những các bang nhỏ đã triệu tập các hội nghị lập pháp của họ, mà ở Phổ và áo cũng triệu tập hội nghị lập hiến của mình. Trong những hội nghị lập hiến này, cũng như trong Quốc hội Phran-phuốc, giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa hay những đồng minh của nó là bọn luật sư tự do chủ nghĩa và bọn quan lại đều chiếm đa số, và ở trong mỗi hội nghị ấy, tình hình công việc cũng gần giống như thế. Điểm khác nhau duy nhất chỉ là ở chỗ Quốc hội Đức là một nghị viện của một đất nước tưởng tượng, vì nó khước từ nhiệm vụ thành lập một nước Đức thống nhất, tức là khước từ chính việc thực hiện điều kiện tiên quyết của sự tồn tại của nó; vì nó thảo luận những biện pháp tưởng tượng và không bao giờ có cơ hội thực hiện của một chính phủ do nó tưởng tượng ra, và nó, thông qua những nghị quyết tưởng tượng mà không ai thèm chú ý tới. Ngược lại, ở áo và ở Phổ thì những cơ quan lập hiến ít ra cũng là những nghị viện thực sự; chúng đã lật đổ và bổ nhiệm những bộ trưởng thực sự, và ít ra cũng trong một thời gian nào đó, đã buộc được các vương hầu, là đối tượng đấu tranh của chúng, phải thi hành những nghị quyết của chúng. Chúng nổi tiếng là hèn nhát và cũng chẳng có được sự hiểu biết rộng rãi về những biện pháp cách mạng; chúng cũng phản bội nhân dân và trao trả lại chính quyền cho bọn chuyên chế phong kiến, quan liêu và quân phiệt. Nhưng ít ra, tình hình đã buộc họ phải thảo luận những vần đề thực tiễn, có ích lợi trực tiếp và cũng đã sống trên mặt đất cùng với những người khác, còn bọn ba hoa ở Phran-phuốc thì lại chỉ lấy làm sung sướng hơn bao giờ hết, khi có thể lang thang trong "cõi mộng", "im Luftreich des Traums"[23*]. Vì vậy mà những cuộc thảo luận của các hội nghị lập hiến ở Béc-lin và ở Viên là một bộ phận quan trọng của lịch sử cách mạng Đức, còn những bài diễn văn cóp nhặt của những tên hề ở Phran-phuốc thì chỉ gây hứng thú cho những kẻ sưu tầm văn chương và đồ cổ kỳ lạ mà thôi.
Nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải chấm dứt tình trạng chia cắt lãnh thổ đáng ghét làm phân tán và hủy diệt lực lượng tập thể của toàn dân tộc trong suốt một thời gian, nhân dân Đức đôi lúc đã mong mỏi rằng Quốc hội Phran-phuốc sẽ mở ra một kỷ nguyên mới. Nhưng hành động con nít của cuộc vận động này của những nhà thông thái đã làm nguội lạnh nhanh chóng nhiệt tình của toàn dân. Hành động vô sỉ của họ trong việc ký kết đình chiến ở Man-mi-ô (tháng Chín 1848)[24*] đã làm bùng nổ cơn bão táp bất bình của nhân dân đối với cái Quốc hội mà người ta hy vọng là sẽ đảm bảo cho dân tộc một trường hoạt động tự do, nhưng ngược lại, do lòng hèn nhát vô hạn độ, nó chỉ làm cho nền tảng của chế độ phản cách mạng hiện thời lại trở lại vững chắc như trước mà thôi.
Luân Đôn, tháng Giêng 1852