IV. Phân phối
Tác giả: Frederick Engels
Trên đây[107], chúng ta đã thấy rằng môn kinh tế học của ông Đuy-rinh quy lại thành luận điểm sau đây phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là hoàn toàn tốt và có thể duy trì được, nhưng phương thức phân phối tư bản chủ nghĩa thì là ma quỷ và nó cần phải biến đi. Bây giờ chúng ta nhận thấy rằng cái "chủ nghĩa xã hội" của ông Đuy-rinh chẳng qua chỉ là sự thực hiện luận điểm đó trong tưởng tượng. Thật vậy, ông Đuy-rinh hầu như không thấy thiếu sót gì trong phương thức sản xuất của xã hội tư bản chủ nghĩa với tư cách là một phương thức như thế, ông ta muốn duy trì sự phân công lao động cũ với tất cả những mối quan hệ chủ yếu của nó và do đó, hầu như không thể nói một lời nào về sự sản xuất trong nội bộ cái công xã kinh tế của ông ta. Dĩ nhiên, sản xuất là một lĩnh vực trong đó người ta đụng chạm với những thực tế cụ thể, vì vậy trong đó "trí tưởng tượng hợp lý" chỉ có thể dành một khoảng không gian rất hẹp cho sự bay bổng của cái tâm hồn tự do của ông ta, bởi vì nguy cơ bị nhục nhã thật quá lớn. Còn phân phối thì khác hẳn theo quan điểm của ông Đuy-rinh, phân phối hoàn toàn không dính dáng gì đến sản xuất, và không phải do sản xuất quyết định, mà do một hành động thuần túy của ý chí quyết định, - phân phối là một trường hoạt động do trời đã định trước cho "thuật luyện vàng xã hội" của ông ta.
Tương ứng với nghĩa vụ ngang nhau trong sản xuất là quyền lợi ngang nhau trong tiêu dùng, quyền này được tổ chức trong công xã kinh tế cũng như trong công xã thương nghiệp bao gồm một số lớn các công xã kinh tế. Ở đây "lao động... được đổi với một lao động khác theo nguyên tắc đánh giá ngang nhau... ở đây, công việc đã làm và công việc người khác làm để đổi lấy nó là những số lượng lao động thật sự ngang nhau". Hơn nữa, "việc san bằng những sức của con người đó" vẫn có hiệu lực, "mặc dầu những cá nhân riêng lẻ có thể sản xuất nhiều hơn hay ít hơn, hoặc thậm chí ngẫu nhiên không sản xuất được gì cả"; bởi vì người ta có thể coi mọi việc trong chừng mực nó đòi hỏi phải mất thời giờ và sức lực - đều là những việc đã làm, do đó, cả việc đánh ky và đi chơi cũng vậy. Nhưng sự trao đổi ấy không diễn ra giữa các cá nhân với nhau, vì cộng đồng mới là kẻ sở hữu tất cả các tư liệu sản xuất, tức cũng là kẻ sở hữu tất cả các sản phẩm; sự trao đổi ấy diễn ra một mặt là giữa mỗi công xã kinh tế và các xã viên của nó; mặt khác là giữa chính ngay các công xã kinh tế và công xã thương nghiệp khác nhau. "Nhất là các công xã kinh tế riêng lẻ sẽ thay thế - trong phạm vi của bản thân nó - nền thương nghiệp nhỏ bằng một sự buôn bán hoàn toàn có kế hoạch". Thương nghiệp bán buôn cũng được tổ chức đúng như thế: "Hệ thống xã hội kinh tế tự do... vì thế vẫn là một tổ chức trao đổi lớn mà những biện pháp được tiến hành trên sơ đồ của chúng tôi khác với tất cả những quan niệm mơ hồ vốn có ngay cả đối với những hình thức hợp lý nhất của các quan niệm xã hội chủ nghĩa hiện đang được lưu hành".
Nhằm thực hiện việc trao đổi đó, công xã kinh tế, với tư cách là kẻ đầu tiên chiếm hữu các sản phẩm xã hội, phải quy định "một giá cả thống nhất cho từng loại vật phẩm", căn cứ theo những chi phí sản xuất trung bình. "Cái gọi là giá thành sản xuất mà hiện nay đang giữ một vai trò trong việc quyết định giá trị và giá cả thì sẽ" (trong xã hội xã hội chủ nghĩa) "... giữ vai trò đánh giá số lượng lao động mà người ta phải sử dụng. Những sự đánh giá đó, căn cứ theo nguyên tắc thừa nhận mỗi người đều có những quyền ngang nhau cả trong lĩnh vực kinh tế, suy cho đến cùng đều được quy thành việc tính số người tham gia lao động: những sự đánh giá ấy sẽ cung cấp cho chúng ta cái tỷ lệ giá cả tương ứng với những điều kiện tự nhiên của sự sản xuất, và với cái quyền xã hội về việc thực hiện. Cũng giống như hiện nay, việc sản xuất những kim loại quý sẽ vẫn có ý nghĩa chủ đạo để quy định giá trị của tiền tệ... Từ đó người ta thấy rằng trong cái chế độ xã hội đã biến đổi, chúng ta không những không mất đi, mà trái lại, ở đây lần đầu tiên chúng ta sẽ tìm thấy cái nguyên tắc chân chính để quy định và cái thước đo có hiệu quả trước hết là đối với các giá trị và do đó cũng là đối với những tỷ lệ theo đó các sản phẩm được trao đổi với nhau".
Thế là cuối cùng, cái "giá trị tuyệt đối" nổi tiếng đã được thực hiện.
Nhưng mặt khác, công xã cũng sẽ phải tạo cho những cá nhân riêng lẻ khả năng mua của công xã những vật phẩm đã làm ra, bằng cách là công xã sẽ trả hàng ngày, hàng tuần hàng tháng, cho mỗi người một số tiền nào đó, giống nhau đối với tất cả mọi người, coi đó là cái ngang giá với lao động của họ. "Vì vậy, xét theo quan điểm của xã hội xã hội chủ nghĩa, nói rằng tiền công biến mất hay nói rằng tiền công bắt buộc phải trở thành một hình thức duy nhất của các khoản thu nhập kinh tế, thì điều đó không quan trọng". Nhưng những tiền công ngang nhau và giá cả ngang nhau đều tạo nên "sự bình đẳng trong tiêu dùng, nếu không phải là bình đẳng về chất lượng thì cũng là bình đẳng về số lượng"; và như thế là cái "nguyên tắc công bằng phổ biến" đã được thực hiện về kinh tế.
Về việc quy định mức của thứ tiền công tương lai ấy, ông Đuy-rinh chỉ nói với chúng ta rằng:
Ở đây cũng như trong tất cả mọi trường hợp khác, người ta trao đổi "lao động ngang nhau lấy lao động ngang nhau". Như vậy là đối với một lao động sáu giờ, người ta sẽ phải trả một số tiền cũng biểu hiện sáu giờ lao động.
Tuy vậy, tuyệt nhiên không nên lẫn lộn "nguyên tắc công bằng phổ biến" với cái chủ nghĩa bình quân thô lỗ làm cho nhà tư sản kịch liệt phản đối mọi chủ nghĩa cộng sản, nhất là phản đối thứ chủ nghĩa cộng sản tự phát của công nhân. Nguyên tắc công bằng phổ biến đó không đến nỗi quá nghiệt ngã như bề ngoài ta tưởng đâu.
"Sự bình đẳng có tính chất nguyên tắc về các quyền kinh tế không hề gạt bỏ cái tình hình là bên cạnh việc thỏa mãn những gì mà sự công bằng đòi hỏi, sẽ còn có việc tự nguyện biểu hiện lòng biết ơn và lòng tôn kính đặc biệt. Xã hội tự làm cho mình vinh dự, khi nó biểu dương những loại hoạt động cao hơn bằng cách cấp cho chúng một khoản phụ gia vừa phải cho sự tiêu dùng".
Và cả ông Đuy-rinh cũng đã tự làm cho bản thân mình vinh dự, khi ông ta đem kết hợp sự ngây thơ của con chim bồ câu với sự khôn ngoan của con rắn, và quan tâm một cách rất cảm động đến như thế đến sự tiêu dùng được tăng thêm một cách vừa phải của các ông Đuy-rinh trong tương lai.
Như vậy là phương thức phân phối theo tư bản chủ nghĩa đã bị xóa bỏ dứt khoát .
Bởi vì "giả sử trong trường hợp xảy ra một tình hình như vậy, một người nào đó có thể thật sự chi phối được một số dư về tư liệu riêng thì người ấy cũng sẽ không thể tìm thấy một phương thức sử dụng theo kiểu tư bản chủ nghĩa cho số dư ấy. Không một cá nhân nào hoặc một nhóm nào có thể lấy được số dư đó của người ấy để sản xuất bằng một cách nào khác ngoài con đường trao đổi hay mua cả; nhưng sẽ không bao giờ xảy ra trường hợp trả cho người ấy lợi tức hay lợi nhuận cả". Vì vậy "việc thừa kế phù hợp với nguyên tắc bình đẳng" là một việc khó có thể chấp nhận được. Nó là một việc không thể tránh khỏi, bởi vì "một việc thừa kế nào đó bao giờ cũng sẽ là một người bạn đồng hành tất yếu của nguyên tắc gia đình". Ngay quyền thừa kế cũng lại "không thể đưa đến một tình trạng tích luỹ những tài sản lớn, bởi vì ở đây việc hình thành sở hữu... sẽ không bao giờ còn có thể nhằm mục đích tạo ra những tư liệu sản xuất và những cuộc sống chỉ hoàn toàn dựa vào lợi tức".
Như vậy là công xã kinh tế đã được xây dựng xong một cách tốt đẹp. Bây giờ chúng ta hãy xem nó hoạt động ra sao.
Chúng ta giả định rằng tất cả những dự án của ông Đuy-rinh đều được thực hiện một cách đầy đủ; do đó chúng ta giả định trước rằng công xã kinh tế trả cho mỗi xã viên của mình về số lao động hàng ngày là sáu giờ, một số tiền cũng biểu hiện sáu giờ lao động, thí dụ là mười hai mác. Chúng ta cũng giả định rằng giá cả ăn khớp một cách chính xác với giá trị, do đó trong giả thiết của chúng ta, các giá cả ấy chỉ bao gồm những chi phí về nguyên liệu, về hao mòn máy móc, về tiêu dùng các tư liệu lao động, và về tiên công đã trả mà thôi. Như thế thì một công xã kinh tế gồm có một trăm xã viên làm việc, hàng ngày sản xuất ra những hàng hoá có một giá trị là 1200 Mác, trong một năm 300 ngày lao động thì sản xuất ra những hàng hoá có một giá trị là 360000 mác và công xã cũng trả đúng số tiền ấy cho các xã viên của mình, trong đó mỗi người đều được tùy ý sử dụng cái phần hàng ngày của họ là 12 mác, hay hàng năm là 3600 mác. Đến cuối năm, cũng như sau một trăm năm, công xã cũng chẳng giàu có hơn buổi đầu chút nào cả. Trong thời gian đó, công xã thậm chí cũng sẽ không có khả năng cung cấp được khoản phụ gia vừa phải cho sự tiêu dùng của ông Đuy-rinh, nếu nó không muốn đụng vào cái vốn tư liệu sản xuất của nó. Việc tích lũy đã bị hoàn toàn bỏ quên. Còn tệ hơn nữa, vì tích luỹ là một sự cần thiết xã hội, và vì việc giữ tiền lại sẽ cung cấp một hình thức tích luỹ thuận tiện, cho nên tổ chức của công xã kinh tế trực tiếp thúc đẩy các xã viên của nó đi đến chỗ tích luỹ riêng, và do đó đến chỗ phá vỡ chính ngay công xã.
Làm thế nào tránh khỏi được sự không ăn khớp đó ở trong bản chất của công xã kinh tế? Nó sẽ có thể tìm được lối thoát trong việc "đánh thuế" mà ông Đuy-rinh rất ưa thích, tức là trong việc phụ gia thêm vào giá cả, và sản phẩm hàng năm của nó đáng lẽ là 360000 mác. Nhưng vì tất cả các công xã kinh tế khác cũng đều ở trong hoàn cảnh ấy, tức là cũng đều bị bắt buộc phải làm như thế cả, cho nên mỗi công xã, trong khi trao đổi với công xã khác, cũng đều sẽ phải nộp một số tiền "đánh thuế'' ngang với số tiền nó bỏ túi được, và như vậy là số tiền "cống nạp" sẽ lại chỉ rơi vào vai các xã viên của mình mà thôi.
Hoặc giả là công xã giải quyết vấn đề đó một cách giản đơn hơn nhiều, bằng cách là trả cho mỗi xã viên về sáu giờ lao động bằng một sản phẩm trị giá ít hơn sáu giờ lao động, thí dụ là bốn giờ thôi, tức là bằng cách trả cho họ mỗi ngày tám mác chứ không phải là mười hai mác, nhưng đồng thời vẫn duy trì giá cả hàng hoá ở mức cũ. Trong trường hợp này, công xã làm một cách trực tiếp và công khai cái việc mà trên đây nó đã mưu toan làm một cách giấu giếm và quanh co: nó tạo ra được một giá trị thặng dư như Mác đã phát hiện, với một số tổng số hàng năm là 120.000 mác, bằng cách trả cho các xã viên của mình theo kiểu thuẩn tuý tư bản chủ nghĩa, tức là trả cho lao động của họ dưới cái giá trị mà họ đã sản xuất ra, và ngoài ra còn tính những hàng hoá mà họ chỉ có thể mua được ở công xã theo giá trị đầy đủ của chúng. Như vậy, công xã kinh tế chỉ có thể hình thành được một quỹ dự trữ bằng cách tự bóc trần bộ mặt của nó ra là một thứ Trucksystem "cải tiến" trên một cơ sở cộng sản chủ nghĩa rộng rãi nhất.
Vậy chỉ có thể là một trong hai trường hợp: hoặc là công xã kinh tế trao đổi "lao động ngang nhau lấy lao động ngang nhau" và lúc đó thì không phải công xã, mà chỉ có tư nhân mới là những người có thể tích luỹ được một quỹ để duy trì và mở rộng sản xuất. Hoặc là công xã không trao đổi "lao động ngang nhau lấy lao động ngang nhau".
Nội dung của sự trao đổi trong công xã kinh tế thật ra là như thế đó. Thế còn hình thức của nó thì như thế nào? Việc trao đổi được tiến hành thông qua tiền kim loại, và ông Đuy-rinh không ít kiêu hãnh về "tầm quan trọng lịch sử toàn thế giới" của sự cải tiến ấy. Nhưng trong việc giao dịch giữa công xã và các xã viên, thì đồng tiền lại hoàn toàn không phải là tiền, nó hoàn toàn không hoạt động với tư cách là tiền. Tiền chỉ dùng làm một thứ chứng chỉ lao động đơn thuần, hay nói như Mác, tiền chỉ chứng nhận "cái phần cá nhân của người sản xuất trong lao động chung và cái quyền cá nhân của người sản xuất trong lao động chung và cái quyền cá nhân tiêu dùng trong tổng sản phẩm" và trong chức năng đó, "tiền cũng không phải là "tiền", giống như chiếc vé vào rạp hát vậy"[108]. Vì vậy tiền có thể được thay thế bằng bất cứ một ký hiệu gì, ví dụ như theo Weiling thì nó được thay thế bằng một "sổ lương" trong đó người ta ghi những giờ lao động ở một trang, và ở trang bên kia thì ghi những vật phẩm tiêu dùng phải trả cho những giờ đó. Tóm lại, trong sự giao dịch của công xã kinh tế với các xã viên của nó, tiền chỉ hoạt động như là thứ "tiền lao động" của Owen, tức cái "bóng ma" mà ông Đuy-rinh đã nhìn xuống một cách khinh miệt, thế nhưng chính ông ta lại buộc phải đưa vào trong nền kinh tế tương lai của ông ta. Dù cái vé dùng để chỉ mức độ "nghĩa vụ sản xuất" đã làm tròn và mức độ "quyền tiêu dùng" được hưởng là một mảnh giấy, một cái thẻ, hay một đồng tiền vàng, - thì đối với mục đích ấy điều đó hoàn toàn không quan trọng. Nhưng đối với những mục đích khác thì không phải như vậy đâu, như sau đây chúng ta sẽ thấy rõ.
Như vậy, nếu trong sự giao dịch của công xã kinh tế với các xã viên, tiền kim loại không làm chức năng tiền mà lại làm chức năng một thứ vé lao động trá hình, thì trong sự trao đổi giữa các công xã kinh tế khác nhau nó lại càng ít làm chức năng tiền của nó hơn nữa. Ở đây, theo những giả thiết của ông Đuy-ring, thì tiền kim loại là hoàn toàn thừa. Thật vậy, chỉ cần có một công tác kế toán là đủ, nó sẽ phục vụ cho việc trao đổi những sản phẩm của một lao động ngang nhau lấy những sản phẩm của một lao động ngang nhau một cách đơn giản hơn nhiều, nếu như nó lấy thước đo tự nhiên của lao động - tức là thời gian, lấy giờ lao động làm đơn vị để tính toán, chứ không phải đem những giờ lao động chuyển thành tiền trước đã. Ở đây, trên thực tế, trao đổi là một sự trao đổi thuần tuý bằng hiện vật; tất cả các khoản vượt quá yêu cầu đều có thể bù trừ được một cách dễ dàng và đơn giản bằng cách chuyển sang cho các công xã khác. Nhưng nếu một công xã nào đó thực sự bị thiếu hụt đối với những công xã khác, thì lúc đó dù cho tất cả "vàng hiện có trên thế gian" đều là "tiền theo bản chất của nó" đi nữa, thì vàng đó cũng không thể tránh được cho công xã này khỏi cái số phận là phải dùng lao động đã tăng lên của chính mình để bù lấp vào chỗ thiếu hụt đó, nếu họ không muốn vì mắc nợ mà bị lệ thuộc những công xã khác. Vả lại, mong rằng bạn hãy luôn luôn nhớ rằng ở đây chúng tôi hoàn toàn không làm công việc cấu tạo tương lai. Chúng tôi chỉ chấp nhận những giải thiết của ông Đuy-rinh và chúng tôi chỉ rút từ đó ra những kết luận không thể tránh khỏi mà thôi.
Như vậy là vàng "theo bản chất của nó là tiền", đã không thể thực hiện bản chất ấy của nó cả trong việc trao đổi giữa công xã kinh tế với các xã viên của nó, lẫn trong việc trao đổi giữa các công xã với nhau. Tuy vậy, ông Đuy-rinh lại quy định cho vàng phải thực hiện chức năng của tiền ngay cả trong "xã hội xã hội chủ nghĩa". Nên chúng ta cần phải tìm kiếm một lĩnh vực hoạt động khác cho cái chức năng tiền tệ đó. Và có một lĩnh vực hoạt động như thế thật. Mặc dầu ông Đuy-rinh cho phép mỗi người đều có thể có "một sự tiêu dùng ngang nhau về số lượng", nhưng ông ta lại không thể buộc được ai làm như thế cả. Ngược lại, ông ta lại lấy làm hãnh diện rằng trong cái thế giới của ông ta, mỗi người đều có thể tuỳ ý sử dụng đồng tiền của mình. Như vậy là ông ta không thể ngăn cản nổi cái tình trạng là một số người thì để dành ra được một kho tiền nho nhỏ, còn những người khác thì không thể đắp đổi lần hồi với số tiền công mà người ta trả cho họ. Thậm chí ông ta còn làm cho tình trạng đó không sao tránh khỏi được, vì ông ta đã thừa nhận một cách rõ ràng cái quyền thừa kế tài sản chung của gia đình, từ đó rút ra cái nghĩa vụ của cha mẹ phải nuôi dưỡng con cái. Nhưng đó chính là vết rạn khổng lồ trong nguyên tắc tiêu dùng ngang nhau về số lượng. Anh chàng chưa vợ sống đàng hoàng và vui vẻ với số tiền tám mác hay mười hai mác hàng ngày của anh ta, còn người goá vợ với tám đứa con thơ thì sống cùng quẫn với số tiền đó. Mặt khác, khi nhận một cách không đắn đo mọi khoản tiền mà người ta trả, công xã tạo ra cái khả năng là số tiền đó đã kiếm được bằng một cách khác chứ không phải bằng lao động của bản thân. Non oler [1*]. Công xã không biết rõ tiền do đâu mà đến. Nhưng như thế là người ta đã có đủ tất cả các điều kiện để khiến cho tiền kim loại, từ trước đến nay vẫn chỉ đóng vai trò một thứ phiếu lao động, bây giờ đã có một chức năng tiền tệ thật sự. Như vậy là có cơ hội và lý do, một mặt, để tích trữ tiền, và mặt khác để mắc nợ. Người túng thiếu đi vay kẻ tích trữ tiền. Đồng tiền đi vay về, được công xã nhận về khoản thanh toán các tư liệu sinh hoạt, lại trở lại cái tình trạng của nó trong xã hội hiện nay, tức là hiện thân có tính chất xã hội của lao động của con người, là cái thước thực sự của lao động, là phương tiện lưu thông phổ biến. Tất cả các "luật pháp và tiêu chuẩn hành chính" trên thế giới đều bất lực trước tình trạng đó, cũng như đều bất lực trước bảng cửu chương hay trước thành phần hoá học của nước. Và vì kẻ tích trữ tiền được phép đòi người túng thiếu phải trả lợi tức, cho nên cùng với tiền kim loại hoạt động với tư cách là tiền thì tệ cho vay nặng lãi cũng được phục hồi trở lại.
Cho tới đây, chúng ta chỉ mới nghiên cứu những hậu quả của việc duy trì tiền kim loại ở trong lĩnh vực tác động của cái công xã kinh tế của ông Đuy-rinh. Nhưng ở bên ngoài lĩnh vực tác động đó thì cái thế giới còn lại đáng nguyền rủa vẫn tạm thời tiếp tục thản nhiên đi theo con đường cũ. Trên thị trường thế giới, vàng và bạc vẫn là tiền thế giới, là phương tiện mua và phương tiện thanh toán phổ biến, là hiện thân xã hội tuyệt đối của của cải. Và với đặc tính đó của kim loại quý thì đối với các thành viên riêng lẻ của công xã kinh tế cũng xuất hiện một động cơ mới để tích trữ tiền, để làm giầu, để cho vay nặng lãi, tức là cái động cơ muốn vận động một cách tự do và độc lập đối với công xã ở bên ngoài phạm vi của công xã; và đem của cải riêng đã tích luỹ được ra thực hiện trên thị trường thế giới. Những kẻ cho vay nặng lãi biến thành những kẻ buôn phương tiện lưu thông, thành những chủ ngân hàng, thành những kẻ chi phối phương tiện lưu thông và tiền thế giới, và do đó thành những kẻ chi phối các tư liệu sản xuất, mặc dầu về mặt danh nghĩa, những tư liệu sản xuất này trong nhiều năm nữa vẫn được coi là sở hữu của công xã kinh tế và công xã thương nghiệp. Nhưng do đó, những kẻ tích trữ tiền và cho vay nặng lãi đã biến thành chủ ngân hàng ấy đồng thời cũng là những người chủ của chính ngay công xã kinh tế và công xã thương nghiệp. Cái "xã hội xã hội chủ nghĩa" cua rông Đuy-rinh quả thật khác hẳn một cách rất cơ bản với những "quan niệm mơ hồ" của các nhà xã hội chủ nghĩa khác. Cái "xã hội xã hội chủ nghĩa" ấy không có một mục đích nào khác hơn là tái sinh ra bọn tài phiệt lớn, và nó sẽ nai lưng ra mà làm dưới sự kiểm soát của bọn đó và cho túi tiền của bọn đó - nếu nói chúng nó sẽ xuất hiện và sẽ tồn tại. Đối với nó, con đường cứu vãn duy nhất sẽ chỉ là ở chỗ bọn tích trữ tiền muốn nhờ có số tiền thế giới của chúng - chuồn cho thật nhanh ra khỏi công xã.
Với tình trạng hiện rất phổ biến ở Đức là không hiểu biết gì về những học thuyết xã hội chủ nghĩa cũ, một thanh niên ngây thơ có thể nêu vấn đề: liệu những phiếu lao động của Owen chẳng hạn, có thể đưa đến một sự lạm dụng như thế được không. Mặc dầu ở đây chúng tôi không có nhiệm vụ trình bày ý nghĩa của các phiếu lao động ấy, nhưng để so sánh cái "sơ đồ bao quát" của ông Đuy-rinh với những "ý kiến thô lỗ nhạt nhẽo và nghèo nàn" của Owen, chúng tôi thấy cần phải nêu mấy điểm sau đây. Một là, muốn đi đến một tình trạng lạm dụng các phiếu lao động của Owen như thế, thì trước đó các phiếu lao động ấy phải biến thành tiền thực sự rồi, nhưng lại muốn cấm chúng không được hoạt động với tư cách nào khác ngoài tư cách là những phiếu lao động giản đơn. Trong khi ở Owen có thể có tình trạng lạm dụng thật sự, thì ở ông Đuy-rinh cái bản chất nội tại của tiền, độc lập đối với ý chí của con người, lại tự vạch đường cho mình: tiền tự thực hiện việc tiêu dùng vốn có và đúng đắn của nó, chống lại việc lạm dụng mà ông Đuy-rinh muốn áp đặt cho nó, do sự không hiểu biết của ông ta về bản chất của tiền. Hai là, theo Owen, phiếu lao động chỉ là một hình thức quá độ sang chế độ cộng đồng hoàn toàn về các tài nguyên công cộng và chế độ sử dụng chúng một cách tự do, và nhiều lắm thì còn nhằm một mục đích phụ nữa là làm cho chủ nghĩa cộng sản dễ tiếp thu đối với công chúng Anh mà thôi. Vì vậy, nếu một tình trạng lạm dụng nào đó buộc cái xã hội của Owen phải xoá bỏ các phiếu lao động, thì như vậy là xã hội ấy sẽ tiến thêm một bước tới mục đích của nó và sẽ bước vào một giai đoạn phát triển hoàn mỹ hơn. Ngược lại, nếu cái công xã kinh tế của ông Đuy-rinh xoá bỏ tiền, thì lập tức nó sẽ thủ tiêu ngay cái "tầm quan trọng lịch sử toàn thế giới" của nó, nó sẽ xoá bỏ cái vẻ đẹp độc đáo nhất của nó, nó sẽ thôi không còn là một công xã kinh tế của ông Đuy-rinh nữa và sẽ rơi xuống mức những quan niệm mơ hồ mà ông Đuy-rinh đã tốn mất bao nhiều công phu cay đắng của trí tưởng tượng hợp lý mới đưa công xã ấy vượt lên được.
Vậy do đâu mà nẩy sinh tất cả những điều sai lầm và rối rắm kỳ lạ ấy, trong đó cái công xã kinh tế của ông Đuy-rinh cứ loay hoay mãi? Chỉ do cái đám mây mù đang bao phủ những khái niệm về giá trị và tiền trong đầu óc của ông Đuy-rinh và rút cục lại đẩy ông ta đến chỗ muốn phát hiện ra giá trị của lao động. Nhưng vì ở nước Đức ông Đuy-rinh không giữ độc quyền về thứ quan niệm mơ hồ đó, mà trái lại, ông ta còn gặp rất nhiều kẻ cạnh tranh với ông ta, cho nên chúng tôi muốn "tự buộc mình trong giây lát làm cái công việc gỡ mối bòng bong" mà ông ta đã tạo ra.
Cái giá trị duy nhất mà môn kinh tế chính trị được biết là giá trị hàng hoá. Hàng hoá là gì? Là những sản phẩm đã được sản xuất ra trong một xã hội gồm những người sản xuất tư nhân ít nhiều phân tán, vậy trước hết đó là những sản phẩm của tư nhân. Nhưng những sản phẩm tư nhân ấy chỉ trở thành hàng hoá khi mà chúng được sản xuất ra không phải cho sự tiêu dùng của bản thân, mà cho sự tiêu dùng của những người khác, tức là cho sự tiêu dùng của xã hội; những sản phẩm đó đi vào trong sự tiêu dùng của xã hội thông qua sự trao đổi. Như vậy những người sản xuất tư nhân nằm ở trong một quan hệ xã hội, họ họp thành một xã hội. Vì vậy, những sản phẩm của họ, mặc dù là những sản phẩm tư nhân của mỗi người, đồng thời cũng là những sản phẩm xã hội - nhưng không phải do ý đồ của họ và dường như đi ngược lại ý chí của họ. Vậy thì tính chất xã hội của những sản phẩm tư nhân ấy ở chỗ nào? Rõ ràng là ở hai thuộc tính: một là, ở chỗ tất cả các sản phẩm ấy đều thoả mãn một nhu cầu nào đó của con người, đều có một giá trị sử dụng không những đối với người sản xuất mà còn đối với cả những người khác nữa; và hai là ở chỗ các sản phẩm ấy, mặc dầu chúng là những sản phẩm của những người lao động tư nhân hết sức khác nhau, nhưng đồng thời lại là những sản phẩm của lao động của con người nói chung. Trong chừng mực những sản phẩm ấy cũng có một giá trị sử dụng đối với những người khác thì nói chung, chúng đều có thể đi vào trao đổi; trong chừng mực tất cả những sản phẩm ấy đều mang trong bản thân chúng lao động nói chung của con người, đều chỉ giản đơn là một sự chi phí sức lao động của con người, thì trong trao đổi chúng đều có thể đem so sánh với nhau, được coi là ngang nhau hay không ngang nhau, căn cứ theo số lượng lao động nói trên bao hàm trong mỗi sản phẩm ấy. Trong hai sản phẩm tư nhân ngang nhau, với những điều kiện xã hội vẫn như nhau, có thể có một số lượng lao động tư nhân không ngang nhau, nhưng bao giờ cũng chỉ có một số lượng ngang nhau về lao động của con người nói chung. Một người thợ rèn vụng có thể làm năm chiếc móng ngựa trong một khoảng thời gian mà một người thợ rèn khéo làm mười chiếc. Nhưng xã hội không lấy sự vụng về ngẫu nhiên của một cá nhân nào đó để biến thành giá trị; xã hội chỉ thừa nhận thứ lao động có một trình độ khéo léo trung bình bình thường đối với một thời gian nhất định, là lao động nói chung của con người mà thôi. Cho nên trong trao đổi, một trong năm chiếc móng ngựa của người thợ thứ nhất không hề có giá trị lớn hơn một trong mười chiếc móng ngựa đã được rèn ra trong cùng một thời gian lao động như thế. Chỉ trong chừng mực lao động tư nhân là lao động xã hội cần thiết, thì nó mới chứa đựng lao động nói chung của con người.
Như vậy, khi tôi nói một hàng hoá nào đó có một giá trị nhất định là bao nhiêu đó, tức là tôi khẳng định rằng:
1. Hàng hoá đó là một sản phẩm có ích về mặt xã hội;
2. Nó đã do một tư nhân làm ra do họ đài thọ lấy;
3. Mặc dầu nó là sản phẩm của một lao động tư nhân, nhưng đồng thời - và dường như người sản xuất không hay biết hoặc không muốn điều ấy - nó cũng lại là sản phẩm của lao động xã hội, hơn nữa lại là sản phẩm của một số lượng nhất định của lao động xã hội, được xác định thông qua con đường xã hội, tức là thông qua sự trao đổi;
4. Tôi không biểu hiện số lượng đó bằng chính ngay lao động, bằng bao nhiều giờ lao động đó, mà bằng một hàng hoá khác. Do đó, nếu tôi nói: chiếc đồng hồ này có giá trị bằng tấm dạ kia, và mỗi thứ đều trị giá là năm mươi mác, thì như thế tức là tôi nói: chiếc đồng hồ, tấm dạ, và số tiền ấy đều mang trong bản thân chúng nó một số lượng lao động xã hội ngang nhau. Như vậy là tôi xác nhận rằng thời gian lao động xã hội biểu hiện trong những thứ đó đã được đo lường về mặt xã hội và đã được coi là ngang nhau. Nhưng thời gian đó không phải được đo một cách trực tiếp, một cách tuyệt đối như người ta vẫn đo thời gian lao động trong những trường hợp khác, bằng giờ lao động, hay ngày lao động, v.v... ; nó đã được đo bằng một con đường vòng, thông qua trao đổi, một cách tương đối. Vì thế tôi cũng không thể biểu hiện cái số lượng thời gian lao động đã xác định đó bằng những giờ lao động mà tôi vẫn không biết rõ là bao nhiêu, nhưng đồng thời tôi cũng chỉ có thể biểu hiện số lượng thời gian lao động đó bằng con đường vòng một cách tương đối, tức là bằng một thứ hàng hoá khác cũng đại biểu cho một số lượng thời gian lao động xã hội như thế. Chiếc đồng hồ cũng có giá trị bằng tấm dạ.
Nhưng khi sản xuất hàng hoá và trao đổi hàng hoá bắt buộc cái xã hội dựa trên sản xuất và trao đổi đó phải đi theo con đường vòng ấy, thì chúng cũng bắt buộc xã hội ấy phải hết sức rút ngắn con đường vòng ấy lại. Trong đám hàng hoá dân đen thông thường, sản xuất và trao đổi tách riêng ra một thứ hàng hoá vương giả trong đó giá trị của tất cả các hàng hoá khác đều có thể biểu hiện được một cách dứt khoát, - một thứ hàng hoá được coi là hiện thân trực tiếp của lao động xã hội, và vì vậy có thể trao đổi được một cách trực tiếp và vô điều kiện với tất cả mọi hàng hoá: thứ hàng hoá ấy là tiền. Tiền cũng đã nằm sẵn dưới hình thái mầm mống ở ngay trong khái niệm giá trị rồi, tiền chỉ là giá trị đã phát triển mà thôi. Nhưng vì dưới hình thức tiền, giá trị của hàng hoá có được tồn tại độc lập đối với chính ngay hàng hoá, cho nên một nhân tố mới xuất hiện trong xã hội sản xuất và trao đổi hàng hoá, một nhân tố có những chức năng xã hội mới và những hậu quả xã hội mới. Tạm thời chúng ta chỉ cần nhận thấy điều đó mà chưa cần đi sâu hơn nữa.
Môn kinh tế chính trị về sản xuất hàng hoá tuyệt nhiên không phải là một khoa học duy nhất nghiên cứu những nhân tố mà người ta chỉ biết một cách tương đối. Cả trong môn vật lý học cũng thế, chúng ta cũng không biết có bao nhiêu phân tử khí riêng lẻ trong một khối lượng khí nhất định, dưới một sức ép và một nhiệt độ nhất định. Nhưng chúng ta biết rằng, trong chừng mực quy luật Boyle là đúng, thì một dung tích nhất định như thế của bất kỳ một thứ khí nào cũng đều chứa đựng một số phân tử bằng số phân tử trong một dung dịch ngang như thế của bất kỳ một thứ khí nào khác dưới sức ép và nhiệt độ cũng ngang như thế. Vì vậy, chúng ta có thể so sánh được theo hàm lượng phân tử của chúng, những dung tích hết sức khác nhau của những chất khí hết sức khác nhau, trong những điều kiện sức ép và nhiệt độ hết sức khác nhau; và nếu chúng ta lấy một lít chất khí ở nhiệt độ 0o bách phân và dưới sức ép 760 mi-li-mét làm đơn vị, thì với đơn vị đó chúng ta có thể đo được hàm lượng phân tử. Trong hoá học, chúng ta cũng không biết trọng lượng tuyệt đối của các nguyên tử trong các nguyên tố. Nhưng chúng ta biết được trọng lượng tương đối của chúng, vì chúng ta biết được tỷ lệ giữa chúng với nhau. Vì vậy, giống như sản xuất hàng hoá và môn kinh tế chính trị nghiên cứu nó có được một biểu hiện tương đối cho những số lượng lao động chứa đựng trong bản thân các hàng hoá mà chúng chưa biết, bằng cách đem so sánh các hàng hoá đó theo hàm lượng lao động tương đối của chúng, - trong hoá học cũng vậy, hoá học cũng tìm được một biểu hiện tương đối cho đại lượng của các trọng lượng nguyên tử mà nó chưa biết, bằng cách so sánh các nguyên tố theo trọng lượng nguyên tử của chúng và biểu hiện trọng lượng nguyên tử của nguyên tố này bằng những bội số hay những phân số của nguyên tố khác (lưu huỳnh, ôxy, hy-đrô). Và giống như nền sản xuất hàng hoá đưa vàng lên thành hàng hoá tuyệt đối, thành vật ngang giá chung của các hàng hoá khác, thành thước đo tất cả mọi giá trị hoá học cũng vậy, nó đưa hy-đrô lên thành một thứ hàng hoá tiền hoá học, bằng cách đặt trọng lượng nguyên tử của hy-đrô = 1 và quy trọng lượng nguyên tử của tất cả các nguyên tố khác thành hy-đrô, bằng cách biểu hiện các trọng lượng ấy bằng những bội số của trọng lượng nguyên tử của hy-đro.
Tuy nhiên, sản xuất hàng hoá tuyệt nhiên không phải là hình thức duy nhất của nền sản xuất xã hội. Trong công xã của Ấn-độ thời cổ, trong cộng đồng gia tộc của người Xla-vơ miền Nam, các sản phẩm không biến thành hàng hoá. Các thành viên của công xã trực tiếp tổ chức thành xã hội để sản xuất; công việc được phân chia theo tập quán và các nhu cầu; các sản phẩm trong chừng mực chúng đi vào tiêu dùng, cũng đều được phân phối như thế. Sự sản xuất trực tiếp có tính chất xã hội, cũng như việc trao đổi trực tiếp, loại trừ mọi sự trao đổi hàng hoá, do đó cũng loại trừ cả việc biến sản phẩm thành hàng hoá (ít nhất là trong nội bộ của công xã), tức là cũng loại trừ việc biến sản phẩm thành giá trị.
Một khi xã hội nắm lấy các tư liệu sản xuất và sử dụng những tư liệu đó để sản xuất dưới hình thức trực tiếp xã hội hoá, thì lao động của mỗi người, dù tính chất có ích đặc thù của lao động đó có khác nhau đến đâu chăng nữa, cũng ngay từ đầu và trực tiếp trở thành lao động xã hội. Khi ấy, không cần phải dùng con đường vòng để xác định số lượng lao động xã hội nằm trong một sản phẩm; kinh nghiệm hàng ngày chỉ trực tiếp cho người ta thấy rằng số lượng đó trung bình phải là bao nhiêu. Xã hội có thể tính được một cách đơn giản xem người ta đã phải bỏ ra bao nhiêu giờ lao động trong một chiếc máy hơi nước, trong một héc-tô-lít lúa mì của vụ mùa vừa rồi, trong một trăm mét vuông dạ thuộc một hạng nhất định nào đó. Do đó, để biểu hiện những số lượng lao động nằm trong các sản phẩm mà giờ đây nó biết được một cách trực tiếp tuyệt đối, xã hội không thể nào lại nảy ra cái ý nghĩ tiếp tục dùng mãi cái thước đo chỉ có tính chất tương đối, bấp bênh, phiến diện, không đầy đủ, trước đây không thể tránh khỏi với tư cách là một biện pháp cực đoan, - tức là biểu hiện chúng bằng một sản phẩm khác, chứ không dùng cái thước đo tự nhiên, thích hợp, tuyệt đối của chúng tức là thời gian. Chẳng khác nào trong hoá học, ngày nào mà hoá học có thể biểu hiện các trọng lượng nguyên tử một cách tuyệt đối, bằng một thước đo thích hợp, tức là bằng một trọng lượng thực tế, tính bằng phần nghìn triệu, hay phần nghìn triệu triệu của gam, thì lúc đó không thể nào nó lại nảy ra ý nghĩ vẫn còn cứ biểu hiện những trọng lượng nguyên tử một cách tương đối, bằng con đường vòng là dùng nguyên tử hy-đrô. Do đó, trong những điều kiện đã giả định trên đây, xã hội cũng sẽ không gán những giá trị nào đó cho các sản phẩm. Xã hội sẽ không biểu hiện cái sự thật đơn giản là một trăm mét vuông dạ đã đòi hỏi một nghìn giờ lao động chẳng hạn để sản xuất ra chúng bằng một phương thức quanh co và phi lý là một trăm mét vuông dạ ấy có giá trị một nghìn giờ lao động. Dĩ nhiên, cả trong trường hợp đó, xã hội cũng vẫn sẽ phải biết cần bao nhiêu lao động để sản xuất ra mỗi vật phẩm tiêu dùng. Xã hội sẽ phải căn cứ vào các tư liệu sản xuất, trong đó đặc biệt có cả sức lao động để vạch ra kế hoạch sản xuất. Những hiệu quả có ích của các vật phẩm tiêu dùng được cân nhắc giữa chúng với nhau và so sánh với những số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra chúng cuối cùng sẽ quyết định kế hoạch. Người ta sẽ làm tất cả những cái đó một cách rất đơn giản, mà không cần đến sự can thiệp của cái "giá trị" hết sức nổi tiếng [2*].
Khái niệm giá trị là biểu hiện chung nhất và do đó là biểu hiện bao trùm nhất của những điều kiện kinh tế của nền sản xuất hàng hoá. Vì vậy, khái niệm giá trị đã bao hàm cái mầm mống không chỉ của tiền, mà còn của tất cả những hình thái phát triển hơn của sản xuất hàng hoá và trao đổi hàng hoá nữa. Ngay trong việc giá trị là biểu hiện của lao động xã hội chứa đựng trong các sản phẩm tư nhân, cũng đã có sẵn cái khả năng có sự chênh lệch giữa lao động ấy với lao động tư nhân nằm ngay trong bản thân sản phẩm. Vì vậy, nếu một người sản xuất tư nhân tiếp tục sản xuất theo phương thức cũ, trong khi đó phương thức sản xuất xã hội ngày càng tiến lên, thì sự chênh lệch ấy sẽ trở nên rất rõ rệt đối với anh ta. Hiện tượng đó cũng diễn ra khi toàn bộ những người sản xuất tư nhân làm một loại hàng hoá nhất định nào đó lại sản xuất ra chúng với một khối lượng vượt quá nhu cầu xã hội. Việc giá trị của một hàng hoá chỉ có thể được biểu hiện bằng một hàng hoá khác và chỉ có thể được thực hiện thông qua sự trao đổi lấy thứ hàng hoá khác ấy, cũng đã chứa đựng sẵn cái khả năng là sự trao đổi nói chung có thể không diễn ra, hay thậm chí sự trao đổi ấy không thực hiện được đúng với giá trị. Sau hết, khi thứ hàng hoá đặc biệt là sức lao động xuất hiện trên thị trường thì giá trị của nó, cũng như giá trị của mọi hàng hoá khác, đều được quyết định theo thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra nó. Vì vậy trong hình thức giá trị của các sản phẩm cũng đã chứa đựng sẵn cái mầm mống của toàn bộ hình thái sản xuất tư bản chủ nghĩa, của sự đối kháng giữa nhà tư bản và người công nhân làm thuê của đạo quân công nghiệp trừ bị và các cuộc khủng hoảng. Do đó, muốn xoá bỏ hình thái sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng cách dựng lên một "giá trị chân chính", thì có khác nào muốn xoá bỏ Đạo thiên chúa bằng cách dựng lên một giáo hoành "chân chính", hoặc dựng lên một xã hội mà trong đó cuối cùng những người sản xuất thống trị được những sản phẩm của họ, bằng cách đem thực hiện triệt để một phạm trù kinh tế với biểu hiện đầy đủ nhất của tình trạng người sản xuất bị nô dịch bởi chính ngay sản phẩm của họ.
Một khi xã hội sản xuất hàng hoá đã làm cho cái hình thái giá trị cố hữu của các hàng hoá với tư cách là hàng hoá phát triển tới hình thức tiền, thì người ta liền thấy bộc lộ nhiều mầm mống trong số những mmầm mống còn ẩn giấu trong giá trị. Kết quả trực tiếp nhất và cơ bản nhất là hình thức hàng hoá trở nên có tính chất bao trùm. Ngay cả những vật phẩm từ trước tới nay vẫn được sản xuất cho tiêu dùng trực tiếp của người sản xuất, thì bây giờ tiền cũng buộc chúng phải mang hình thức hàng hoá và lôi cuốn chúng vào trao đổi. Do đó mà hình thức hàng hoá và tiền thâm nhập vào nội bộ nền kinh tế của các công xã đã trực tiếp xã hội hoá nhằm mục đích sản xuất; chúng phá vỡ hết mối liên hệ này đến mối liên hệ khác của cộng đồng và làm cho công xã bị giải thể thành một đám người sản xuất tư nhân. Thoạt tiên, tiền đã đem lối trồng trọt cá thể thay vào việc canh tác chung ruộng đất, như người ta có thể thấy điều này ở ấn-độ; về sau, tiền lại làm tan rã chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất canh tác, - chế độ vẫn còn được thể hiện ra trong việc phân chia lại theo từng định kỳ một, - bằng cách chia lại một cách dứt khoát (chẳng hạn như trong các công xã nông dân ở dọc bờ sông Mosel; tình hình đó cũng bắt đầu diễn ra trong công xã Nga); cuối cùng, tiền đẩy người ta đến chỗ phân chia nốt những rừng rú và cánh đồng cỏ chăn nuôi công cộng còn lại. Dẫu cho những nguyên nhân khác, bắt nguồn từ sự phát triển của sản xuất và cũng tác động ở đây là những nguyên nhân nào đi nữa, nhưng tiền bao giờ cũng vẫn là cái công cụ mạnh mẽ nhất để thúc đẩy những nguyên nhân ấy tác động vào các công xã. Và chính cũng do tính tất yếu tự nhiên đó mà tiền, bất chấp tất cả các "luật pháp và tiêu chuẩn hành chính", sẽ phải làm tan ra cái công xã kinh tế của ông Đuy-rinh, nếu như công xã đó được thiết lập.
Trên kia ("Kinh tế chính trị", VI), chúng ta đã thấy rằng nói đến giá trị của lao động thì tức là đã rơi vào một mâu thuẫn tự nó rồi [110]. Vì trong những quan hệ xã hội nhất định, lao động không chỉ sản xuất ra các sản phẩm mà còn sản xuất ra cả giá trị nữa, và giá trị đó được đo bằng lao động, cho nên lao động không thể nào có một giá trị riêng được, cũng như sức nặng với tư cách là sức nặng thì không thể nào có một trọng lượng riêng, hay sức nóng thì không thể nào có một nhiệt độ riêng được. Nhưng nếu tưởng tượng rằng trong xã hội hiện nay, công nhân không nhận được toàn bộ "giá trị" lao động của mình, và chủ nghĩa xã hội có sứ mệnh thủ tiêu tình trạng ấy, thì đó chính là nét đặc trưng của mọi kẻ xã hội chủ nghĩa rối rắm đang triết lý hão về cái "giá trị chân chính". Muốn thế thì trước hết, cần phải xem giá trị của lao động là gì; và người ta đã tìm giá trị đó bằng cách mưu toan lấy sản phẩm của lao động chứ không lấy cái thước đo thích hợp của nó, tức là thời gian để đo lao động. Công nhân phải nhận được "đầy đủ thu nhập lao động" của mình. Không những sản phẩm lao động mà ngay bản thân lao động, cũng đều phải có thể trao đổi trực tiếp lấy một sản phẩm khác, một giờ lao động lấy sản phẩm của một giờ lao động khác. Nhưng ở đây lập tức nảy ra một điều mắc míu, gây ra một "nghi vấn" rất lớn. Như vậy là toàn bộ sản phẩm được phân phối. Người ta rút bỏ của xã hội cái chức năng tiến bộ quan trọng nhất của xã hội là tích luỹ và đem chức năng đó vào tay các cá nhân cho sự tuỳ tiện của họ. Các cá nhân có thể tuỳ ý sử dụng những "thu nhập" của mình như thế nào cũng được, còn xã hội nhiều lắm thì cũng vẫn giàu hay nghèo như trước kia. Thành thử, trong quá khứ người ta tập trung các tư liệu sản xuất đã tích luỹ được vào trong tay xã hội chỉ là để cho trong tương lai, tất cả các tư liệu sản xuất tích lũy được lại bị phân tán trở lại vào tay các cá nhân. Như vậy là người ta lại mâu thuẫn một cách rõ rệt ngay với những tiền đề của chính mình và đi đến một sự phi lý thuần tuý.
Lao động sống, tức là sức lao động đang hoạt động phải được đổi lấy sản phẩm của lao động. Trong trường hợp đó, nó cũng là hàng hoá giống như sản phẩm mà người ta dùng nó để đổi lấy. Như thế thì giá trị của sức lao động này hoàn toàn không phải do sản phẩm của nó quyết định, mà do lao động xã hội đã vật hoá trong giá trị đó quyết định, tức là do quy luật tiền công hiện nay quyết định.
Nhưng người ta nói với chúng ta rằng, chính điều đó không được xảy ra. Lao động sống, tức là sức lao động phải được đổi lấy sản phẩm đầy đủ của nó. Điều này có nghĩa là nó phải được đổi lấy không phải là giá trị của nó, mà là lấy giá trị sử dụng của nó; quy luật giá trị phải có hiệu lực đối với tất cả các hàng hoá khác, nhưng đối với sức lao động thì phải gạt bỏ quy luật đó đi. Đó là sự lẫn lộn tự nó thủ tiêu nó, nấp ở đằng sau khái niệm "giá trị của lao động".
"Sự trao đổi lao động lấy lao động theo nguyên tắc đánh giá ngang nhau" - nếu điều này có một ý nghĩa nào đó, thì có nghĩa là những sản phẩm của lao động xã hội ngang nhau phải được trao đổi với nhau. Đó chính là quy luật giá trị - quy luật cơ bản của chính nền sản xuất hàng hoá, do đó cũng là quy luật cơ bản của cái hình thức cao nhất của sản xuất hàng hoá, tức là của sản xuất tư bản chủ nghĩa. Quy luật đó tự mở đường cho mình trong xã hội hiện nay theo cách thức duy nhất mà các quy luật kinh tế có thể tự mở đường được cho mình trong một xã hội gồm những người sản xuất tư nhân: nghĩa là như một quy luật của tự nhiên nằm ngay trong các sự vật và các quan hệ, độc lập đối với ý chí hay ước vọng của những sản xuất, và tác động một cách mù quáng. Khi ông Đuy-rinh đem quy luật đó dựng lên thành quy luật cơ bản của công xã kinh tế của ông ta, và đòi hỏi công xã này phải vận dụng quy luật đó một cách hoàn toàn tự giác, thì ông ta đã lấy cái quy luật cơ bản của xã hội hiện đang tồn tại làm thành quy luật cơ bản của cái xã hội hoang đường của ông ta. ông ta muốn duy trì cái xã hội hiện tại, nhưng không có những mặt tiêu cực của nó. ông ta hoàn toàn đứng trên cùng một mảnh đất với Proudhon. Cũng như Proudhon, ông muốn xoá bỏ những mặt tiêu cực do sự phát triển của nền sản xuất hàng hoá thành nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đẻ ra, bằng cách vận dụng quy luật cơ bản của nền sản xuất hàng hoá để chống những mặt tiêu cực ấy, những mặt tiêu cực do chính tác động của quy luật này gây ra. Cũng như Proughon, ông ta muốn thủ tiêu những hậu quả thực tế của quy luật giá trị bằng những hậu quả tưởng tượng.
Nhưng mặc dù anh chàng Don Quijote hiện đại của chúng ta cưỡi trên lưng con Rosinante cao quý của anh ta là cái "nguyên tắc công binh phổ biến", và theo sau là chú Sancho Pansa dũng cảm, tức là Abraham Enb - có lên đường một cách tự hào như thế nào chăng nữa để làm người hiệp sĩ lang thang đi chiếm chiếc mũ giáp của Mambrin là "giá trị của lao động" - thì chúng tôi cũng e rằng, chúng tôi cũng e rằng chàng ta cũng chẳng mang được gì về cả ngoài cái chậu cũ nổi tiếng của người thợ cạo.
-------------------
Chú thích:
[1] Tiền không có mùi vị.
[2] Ngay từ năm 1844 ("Niên giám định Đức - Pháp", tr.95) 109 tôi đã phát biểu rằng: sự cân nhắc nói trên về hiệu quả có ích và về chi phí lao động khi quyết định kế hoạch sản xuất là tất cả những gì còn lại của khái niệm giá trị của khoa kinh tế chính trị trong xã hội cộng sản chủ nghĩa. Nhưng như ta đã thấy, chỉ có nhờ bộ "Tư bản" của Mác thì luận điểm này mới được chứng minh một cách khoa học.