IX. Những quy luật tự nhiên của kinh tế địa tô
Tác giả: Frederick Engels
Cho đến nay, với tất cả ý muốn tốt đẹp nhất của mình, chúng ta vẫn không sao phát hiện được là làm thế nào mà ông Đuy-rinh lại có thể cho là: " đã đưa
"vào lĩnh vực kinh tế học" một hệ thống mới, không những là tạm được đối với thời đại, mà còn có ý nghĩa chỉ đạo đối với thời đại nữa".
Nhưng điều mà chúng ta đã không thể thấy được trong lý luận về bạo lực, về giá trị và về tư bản, thì có thể là chúng ta sẽ thấy rõ như ban ngày khi chúng ta nghiên cứu những "quy luật tự nhiên của kinh tế" do ông Đuy-rinh nêu ra chăng. Bởi vì, như ông ta nói với cái tính mới mẻ và sắc sảo thông thường của ông ta.
"Thắng lợi của tính khoa học cao là ở chỗ vượt lên trên những sự mô tả và phân chia một cách đơn giản vật liệu có tính chất, dễ đi đến những quan điểm sinh động làm sáng tỏ sự sáng tạo. Vì vậy, việc hiểu biết các quy luật là một sự hiểu biết hoàn thiện nhất, vì nó chỉ cho chúng ta thấy một quá trình này qui định một quá trình khác như thế nào"
Thế là cái quy luật tự nhiên đầu tiên của mọi nền kinh tế đã được ông Đuy-rinh đặc biệt phát hiện ra.
"Rất lạ lùng là "Adam Smith" không những đã không đặt lên hàng đầu cái nhân tố quan trọng nhất của mọi sự phát triển kinh tế, mà thậm chí còn đặc biệt không nếu nó lên, và như vậy là ông ta đã vô tình hạ thấp cái lực lượng đã in dấu ấn của nó lên sự phát triển hiện nay của châu âu xuống một vai trò phụ thuộc. Quy luật cơ bản phải được đặt lên hàng đầu "ấy" là quy luật của trang bị kỹ thuật, thậm chí có thể nói là quy luật của việc vũ trang cho lực lượng kinh tế tự nhiên có sẵn của con người ta".
Cái "quy luật cơ bản" ấy, do ông Đuy-rinh phát hiện ra, là như sau :
Quy luật số 1: "Hiệu suất của các tư liệu kinh tế, tức là của các tài nguyên tự nhiên và của sức lực của con người, đã được nâng cao nhờ những phát minh và phát hiện."
Thật là đáng kinh ngạc. ông Đuy-rinh đối xử với chúng ta chẳng khác gì anh hề của Moliere đã đối xử với chàng trưởng giả học làm sang mà anh ta bảo chi biết một điều mới mẻ là suốt đời chàng ta đã làm văn xuôi mà không hề biết rằng mình đã làm văn xuôi[71]. Những phát minh và phát hiện, trong nhiều trường hợp, làm tăng sức sản xuất của lao động (nhưng trong rất nhiều trường hợp cũng không nâng cao sức sản xuất của lao động, như cái đống giấy lộn đồ sộ lưu trữ trong tất cả các sở cấp bằng phát minh trên thế giới đã chứng minh), điều đó chúng ta đã biết từ lâu rồi; nhưng điều tầm thường quá ư cũ rích đó lại là quy luật cơ bản của toàn bộ khoa kinh tế học- lời giải thích đó chúng ta nhờ ông Đuy-rinh mới có được. Nếu "thắng lợi của tinh khoa học cao" trong khoa kinh tế học, cũng như trong triết học, chỉ là ở chỗ đặt cho bất cứ một điều đã nhàm nào một cái tên rất kêu, chỉ là ở chỗ loa lên rằng đó là một quy luật tự nhiên, hay thậm chí là quy luật cơ bản nữa, thì cái "cơ sở sâu xa hơn" và sự đảo lộn khoa học như thế bất kỳ ai cũng có thể thực sự làm được, ngay cả ban biên tập báo " Volks - Zeitung" ở Béc-lin. Trong trường hợp này "nói một cách thật chặt chẽ" thì chúng ta sẽ buộc phải áp dụng đối với chính ông Đuy-rinh lời phán xét của ông ta đối với Plato như sau :
" Tuy nhiên nếu một điều gì giống như thế lại được coi là sự sáng suốt về kinh tế chính trị, thì tác giả của những "Cơ sở phê phán"[72] sẽ chia xẻ sự sáng suốt ấy với bất cứ kẻ nào nói chung đã nghĩ ra một cái gì đó "- hay thậm chí nói ba hoa về một cái gì đó, -" về những sự thật quá rõ ràng".
Ví dụ, nếu chúng ta nói : súc vật ăn, thì chúng ta đã nói lên một chân lý vĩ đại mà không hề hay biết ; vì chúng ta chỉ cần nói rằng quy luật cơ bản của mọi đời sống của súc vật là ăn, thế là chúng ta đã đảo lộn toàn bộ khoa động vật học.
Quy luật số 2, Phân công lao động : "Việc chia các nghề ra và việc phân chia các hoạt động làm cho năng suất lao động tăng lên".
Trong chừng mực mà điều đó đúng, thì đó cũng là một điều mà ai cũng biết kể từ thời Adam Smith. Còn điều đó đúng trong chừng mực nào thì trong phần thứ ba, chúng ta sẽ biết.
Quy luật số 3: "Khoảng cách và sự chuyên chở là những nguyên nhân chủ yếu đang ngăn trở và làm dễ dàng sự hiệp đồng của các lực lượng sản xuất".
Quy luật số 4 : "Nước công nghiệp có một dung lượng về dân cư vô cùng lớn hơn so với nước nông nghiệp".
Quy luật số 5 : "Trong kinh tế, không có cái gì xảy ra mà không nhằm một lợi ích vật chất".
Đó là những "quy luật tự nhiên" mà ông Đuy-rinh dựa vào để xây dựng khoa kinh tế mới của mình. ông ta vẫn trung thành với phương pháp của ông ta mà chúng tôi đã trình bày trong phần triết học. Một vài điều hiển nhiên, tầm thường đến chán ngấy, hơn nữa thường lại được diễn đạt sai lạc, tạo thành những định lý chẳng đòi hỏi một sự chứng minh nào cả, những luận điểm cơ bản, những quy luật tự nhiên cả trong khoa kinh tế học nữa. Lấy cớ là trình bày nội dung của những quy luật đó, những quy luật chẳng có một nội dung nào cả, người ta lợi dụng cơ hội đó để ba hoa dông dài về những đề tài kinh tế khác nhau mà tên gọi thì thường thấy trong những cái gọi là quy luật đó, tức là về những phát minh, sự phân công lao động, những phương tiện chuyên chở, dân cư, lợi ích, cạnh tranh, v.v... - những câu chuyện ba hoa dông dài mà tính chất tầm thường nhạt nhẽo chỉ được điểm thêm gia vị bằng một sự khoa trương theo kiểu tiên tri, và đó đây, bằng một quan điểm sai lệch hay bằng một sự triết lý hão đầy vẻ quan trọng về đủ mọi sự tinh vi quý biện. Sau tất cả những điều đó, rốt cuộc chúng ta đi đến địa tô, tiền lời của tư bản, và tiền công, và vì trên đây chúng ta chỉ mới bàn đến có hai hình thức chiếm hữu nói sau thôi, nên ở đây, để kết thúc, chúng tôi cũng muốn xem xét một cách vắn tắt quan niệm của ông Đuy-rinh về địa tô.
Ở đây chúng tôi không nói đến tất cả những điểm mà ông Đuy-rinh chỉ chép của vị tiền bối của mình là Carey; chúng ta không dính dáng gì đến Carey, cũng không có nhiệm vụ bênh vực quan niệm của Ricardo về địa tô chống lại sự xuyên tạc và những điều ngu ngốc của Carey. Chúng ta chỉ dính dáng đến ông Đuy-rinh thôi, và ông ta định nghĩa địa tô là :
"Thu nhập mà người sở hữu, với tư cách là người sở hữu, thu được từ ruộng đất".
Cái khái niệm kinh tế về địa tô mà ông Đuy-rinh phải giải thích, đã bị chính ông ta chuyển ngay thành ngôn ngữ pháp lý, thành thử chúng ta cũng chẳng tiến được hơn trước chút nào. Vì vậy nhà sáng lập sâu sắc hơn của chúng ta, dù muốn hay không muốn, cũng buộc phải đưa ra những lời giải thích khác nữa. Bây giờ ông ta so sánh việc đem một trang trại cho người tá điền thuê, với việc đem một tư bản ra cho nhà kinh doanh vay, nhưng ông lại thấy ngay rằng so sánh như thế, giống như nhiều so sánh khác, là khập khiễng.
Vì - ông ta nói - "nếu người ta muốn tiếp tục so sánh, thì số tiền lời còn lại cho người tá điều sau khi trả địa tô, phải tương ứng với phần còn lại trong tiền lời của tư bản thuộc về nhà kinh doanh tiến hành công việc bằng tư bản của người khác, sau khi đã trừ lợi tức đi rồi. Nhưng người ta không quen coi lợi nhuận của người tá điền là những thu nhập chính và địa tô là phần còn lại... Một bằng chứng về sự khác nhau đó trong quan niệm là sự thật: trong học thuyết về địa tô người ta không đặc biệt nhấn mạnh sự khác nhau về địa lượng giữa một địa tô dưới hình thức tiền cho thuê ruộng của một địa tô do tự kinh doanh lấy mà có. Ít ra thì người ta cũng không thấy cần thiết phải nghĩ rằng địa tô, do tự kinh doanh lấy mà có, phải chia ra như thế nào để cho một bộ phận giống như là đại biểu cho lợi tức của khoảnh đất và bộ phận kia đại biểu cho lợi nhuận bổ sung của nhà kinh doanh. Không kể đến tư bản của bản thân mà người tá điền sử dụng, thì hình như người ta phần lớn đều coi lợi nhuận đặc biệt của anh ta là một thứ tiến công. Nhưng sẽ thật nguy hiểm nếu muốn khẳng định điều gì về điểm này, vì người ta thậm chí cũng không hề đặt vấn đề dưới một hình thức rõ ràng như thế. Bất cứ chỗ nào đụng đến những cơ sở kinh doanh lớn hơn, thì người ta đều có thể nhận thấy một cách dễ dàng là không thể coi lợi nhuận đặc biệt của người tá điền là tiền công được. Cụ thể thì lợi nhuận đó dựa trên sự đối lập với sức lao động nông nghiệp, và chỉ có sử dụng sức lao động đó thì mới có thể có loại thu nhập ấy. Rõ ràng nó là một bộ phận địa tô còn lại ở trong tay người tá điền và vì nó mà toàn bộ địa tô thu được khi bản thân kẻ sở hữu tự kinh doanh lấy, đã bị giảm bớt đi".
Lý luận về địa tô là một phần đặc biệt của người Anh trong khoa kinh tế học, và điều đó phải như thế, bởi vì chỉ ở Anh mới có một phương thức sản xuất trong đó địa tô đã thực sự tách khỏi lợi nhuận và lợi tức. ở Anh, như mọi người đều biết, chế độ chiếm hữu ruộng đất lớn và nông nghiệp lớn đang thống trị. Các địa chủ đem những ruộng đất của mình, dưới hình thức những trang trại lớn, lắm lúc rất lớn, ra cho những tá điền thuê, những người này có một số tư bản đủ để canh tác những trang trại đó và họ không tự mình lao động như nông dân nước ta, mà sử dụng lao động của những người cố nông và của những người làm công nhật, giống như những nhà kinh doanh tư bản chủ nghĩa thực sự vậy. Do đó, ở đây chúng ta có ba giai cấp của xã hội tư sản và loại thu nhập vốn có của mỗi một giai cấp : của địa chủ thu địa tô, của nhà tư bản thu lợi nhuận và của người công nhân nhận tiền công. Không bao giờ một nhà kinh tế học Anh lại nghĩ rằng lợi nhuận của người tá điền là một loại tiền công, như ông Đuy-rinh tưởng ; đối với nhà kinh tế học đó lại còn có thể ít nguy hiểm hơn nhiều nếu khẳng định rằng lợi nhuận của người tá điền chính là lợi nhuận của tư bản - một điều không thể tranh cãi được, rõ ràng và cụ thể.
Quả thật là lố bịch khi nói rằng người ta không hề dặt dưới một hình thức rõ ràng như thế vấn đề: lợi nhuận của người tá điền thực ra là cái gì. Ở Anh, người ta không cần đặt câu hỏi đó; câu hỏi và câu trả lời đã có sẵn từ lâu trong chính ngay các sự kiện thực tế rồi, và từ thời Adam Smith đến nay, không một ai nghi ngờ gì về vấn đề đó cả.
Trường hợp tự kinh doanh lấy, như ông Đuy-rinh gọi, hay nói cho đúng ra là kinh doanh thông qua người quản lý làm việc cho địa chủ, như trong thực tế thường thấy ở Đức - trường hợp đó không hề làm thay đổi vấn đề. Nếu người địa chủ cung cấp cả tư bản và tự mình kinh doanh lấy, thì ngoài địa tô ra, hắn ta còn bỏ túi cả lợi nhuận của tư bản nữa, đó là điều dĩ nhiên và không thể nào khác hơn được trong phương thức sản xuất hiện nay. Và nếu ông Đuy-rinh khẳng định rằng từ trước tới nay, người ta không thấy cần thiết phải nghĩ đến việc chia sổ địa tô, do tự kinh doanh lấy mà có (đáng lẽ phải nói là : thu nhập), thì điều đó là hoàn toàn không đúng, và nhiều lắm cũng chỉ lại chứng tỏ sự dốt nát của bản thân ông ta mà thôi. Ví dụ:
"Thu nhập thu được từ lao động thì gọi là tiền công; thu nhập mà một người nào đó thu được từ việc sử dụng tư bản thì gọi là lợi nhuận. Thu nhập chỉ bắt nguồn từ ruộng đất thì gọi là địa tô và thuộc về người địa chủ... Khi tất cả các loại thu nhập khác nhau đó thuộc về những người khác nhau, thì dễ phân biệt; nhưng nếu các loại đó thuộc về một người thôi, thì người ta thường lẫn lộn các loại đó với nhau, ít ra là trong ngôn ngữ hàng ngày. Một người địa chủ tự mình canh tác một phần ruộng đất của mình thì sau khi đã trừ những chi phí canh tác đi rồi người đó phải nhận được cả địa tô của người địa chủ lẫn lợi nhuận của người tá điền. Nhưng người đó sẽ dễ dàng gọi - ít ra thì cũng trong ngôn ngữ hàng ngày, tất cả số tiền lời của mình là lợi nhuận, và như thế là đã lẫn lộn địa tô với lợi nhuận. Đa số các chủ đồn điền ở Bắc Mỹ và Tây âu đều ở trong tình trạng đó; số đông họ cấy cầy ruộng đất của chính họ và chính vì thế mà chúng ta ít nghe thấy nói đến địa tô của đồn điền, mà chỉ thấy nói đến lợi nhuận mà đồn điền đó đem lại... Một người làm vườn tự tay mình trồng trọt lấy mảnh vườn riêng của mình thì bao gồm trong con người cuả anh ta người địa chủ, người tá điền và người công nhân. Vì vậy, sản phẩm của anh ta phải trả cho anh ta địa tô của địa chủ, lợi nhuận của người ta điền và tiền công của công nhân. Tuy vậy tất cả những cái đó thường được coi là sản phẩm của lao động của anh ta; ở đây người ta lẫn lộn địa tô và lợi nhuận với tiền công".
Đoạn này ở chương sáu, quyển một cuốn sách của Adam Smith. Như thế là trường hợp tự kinh doanh đã được nghiên cứu cách đây hơn một trăm năm rồi, và những sự nghi ngại và băn khoăn đã làm cho ông Đuy-rinh quá bận tâm như thế, chỉ là do sự dốt nát của bản thân ông ta thôi.
Rốt cuộc, ông thoát khỏi tình trạng lúng túng bằng một mánh khoé táo bạo:
Lợi nhuận của người tá điền dựa trên sự bóc lột "sức lao động nông nghiệp" và vì vậy rõ ràng nó là "một bộ phận địa tô", vì nó mà "toàn bộ địa tô" - thực ra đáng lẽ phải vào túi của người địa chủ - bị giảm bớt đi.
Điều này khiến chúng ta biết được hai việc. Một là, người tá điền làm "giảm bớt" địa tô của người địa chủ, thành thử theo ông Đuy-rinh, không phải là người tá điền trả địa tô cho địa chủ như người ta vẫn quan niệm từ trước đến nay, mà chính là người địa chủ trả địa tô cho người tá điền - điều này quả thật là một "quan điểm hoàn toàn độc đáo". Và hai là, cuối cùng, chúng ta biết được cái mà ông Đuy-rinh coi là địa tô; cụ thể đó là toàn bộ sản phẩm thặng dư thu được trong nông nghiệp khi bóc lột lao động nông nghiệp. Nhưng vì trong khoa kinh tế từ trước đến nay - có lẽ chỉ trừ một đôi nhà kinh tế học tầm thường - sản phẩm thặng dư đó phải giải thành địa tô và lợi nhuận của tư bản, cho nên chúng ta phải xác nhận rằng về địa tô ông Đuy-rinh cũng "không có được cái khái niệm mà mọi người đều thừa nhận".
Vậy theo ông Đuy-rinh, địa tô và lợi nhuận của tư bản chỉ khác nhau ở chỗ là cái thứ nhất xuất hiện trong nông nghiệp và cái thứ hai thì xuất hiện trong công nghiệp hay thương nghiệp. ông Đuy-rinh tất yếu phải đi đến cái quan điểm ông có tính chất phê phán và rối rắm đó. Chúng ta đã thấy ông ta xuất phát từ cái "quan niệm lịch sử thực sự" theo đó thì sự thống trị ruộng đất chỉ được thiết lập nhờ có sự thống trị con người. Do đó, một khi ruộng đất được cày cấy bằng một hình thức lao động nô dịch nào đó, thì xuất hiện một số dư cho người địa chủ và số dư đó chính là địa tô, cũng như số dư trong sản phẩm của lao động so với thu nhập của lao động trong công nghiệp là lợi nhuận của tư bản.
"Như vậy, rõ ràng là địa tô tồn tại với những quy mô khá lớn ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào mà nền nông nghiệp được tiến hành bằng một hình thức lao động nô dịch nào đó".
Trong việc trình bày địa tô như thế, coi nó là toàn bộ sản phẩm thặng dư thu được trong nông nghiệp, thì một mặt, ông Đuy-rinh bị cản đường bởi lợi nhuận của người tá điền ở Anh, và mặt khác, bởi sự phân chia - căn cứ vào tình hình đó và được toàn bộ khoa kinh tế cổ điển thừa nhận - sản phẩm thặng dư đó thành địa tô và lợi nhuận của người tá điền, - do đó, bị cản đường bởi cái khái niệm thuần tuý, chính xác về địa tô. ông Đuy-rinh làm thế nào bây giờ? ông ta làm như thể không hề nghe thấy một tiếng nhỏ nào về sự phân chia sản phẩm thặng dư nông nghiệp thành lợi nhuận của người tá điền và địa tô, nghĩa là không biết gì về toàn bộ lý luận về địa tô của khoa kinh tế cổ điển cả; làm như thể là trong toàn bộ khoa kinh tế học, vấn đề cái gì mới đúng là lợi nhuận của người tá điền, hoàn toàn còn chưa được đặt ra "dưới một hình thức rõ ràng như thế"; làm như thể đây là một đối tượng hoàn toàn chưa được nghiên cứu và người ta chưa biết gì về nó trừ cái vẻ bề ngoài, và nguy hiểm. Và ông ta chạy trốn khỏi cái nước Anh tai hại đó, nơi mà sản phẩm thặng dư trong nông nghiệp bị phân chia một cách không thương xót - mà không nhờ sự góp sức của một trường phái lý luận nào cả - thành những bộ phận cấu thành của nó: địa tô và lợi nhuận của tư bản, - để trở về cái lĩnh vực thân yêu của ông ta, lĩnh vực áp dụng luật Phổ, ở đó việc tự kinh doanh lấy rất phồn vinh theo kiểu gia trưởng, ở đó "người địa chủ coi thu nhập của đất đai của mình là địa tô" và ý kiến của các ngài địa chủ quý tộc về địa tô còn chưa có tham vọng có ý nghĩa chỉ đạo đối vơí khoa học; cho nên ở đó ông Đuy-rinh còn có thể hy vọng lén lút với sự lẫn lộn của ông ta trong các khái niệm về địa tô và lợi nhuận, và thậm chí có thể tìm được những tín đồ cho điều phát minh mới nhất của ông ta là : địa tô không phải do người tá điền trả cho địa chủ mà là do địa chủ trả cho người tá điền.