Đi ngựa
Tác giả: Guy de Maupassant
Nhà nghèo sống chật vật nhờ vào đồng lương ít ỏi của người chồng. Từ khi họ lấy nhau đến giờ, hai đứa con ra đời, và sự túng bấn ban đầu đã trở thành một nỗi nghèo hèn âm thầm, che đậy, tủi hổ, một nỗi nghèo hèn của gia đình quý phái dù sao vẫn muốn giữ địa vị của mình.
Hécto đơ Gribơlanh được nuôi dạy ở tỉnh nhỏ, tại trang viên bên nội, do một vị mục sư già làm gia sư. Nhà chàng không giàu nhưng vẫn sống lần hồi và gìn giữ mẽ ngoài. Rồi năm chàng hai mươi tuổi, gia đình tìm công ăn việc làm cho chàng, và chàng vào làm nhân viên hưởng lương một ngàn năm trăm quan ở Bộ Hàng Hải. Chàng đã dạt vào tảng đá ngầm ấy như hết thảy những kẻ không sớm được chuẩn bị cho sự chiến đấu gay go với cuộc sống, tất cả những kẻ nhìn đời qua một áng mây mờ, không biết phương sách và lực đề kháng, những kẻ không được phát triển từ nhỏ những năng khiếu đặc thù, những khả năng riêng, một nghị lực gắt gao để đấu tranh, tất cả những kẻ không được giao cho một vũ khí hay một dụng cụ trong tay.
Ba năm đầu chàng làm việc ở sở thật kinh khủng. Chàng đã gặp lại được dăm người bạn của gia đình, những người già nua lận đận và cũng không giàu có gì, họ ở những khu phố quý phái, những khu phố buồn tẻ tại ngoại ô Xanh Giecmanh, và chàng đã tạo cho mình một nhóm giao du thân cận. Xa lạ với cuộc sống tân tiến, hèn mọn và kiêu hãnh, các vị quý tộc quẫn bách này ở những tần nhà cao trong các ngôi nhà thiếp chủ. Người ở các tòa nhà đó từ trên chí dưới đều có chức tước, nhưng tiền nong dường như khan hiếm, ở tầng một cũng như ở tầng sáu. Những thành kiến cố hữu muôn đời, những băn khoăn về địa vị, mối lo toan làm sao cho khỏi lụn bại luôn ám ảnh những gia đình xưa kia hào hoa rực rỡ và sa sút đi vì sự ăn không ngồi rồi của nam giới. Hécto đơ Gribơlanh gặp gỡ trong giới này một thiếu nữ quý phái mà nghèo giống chàng, và lấy nàng làm vợ.
Trong bốn năm trời họ sinh hai đứa con. Ròng rã bốn năm sau nữa, cái gia đình luôn túng thiếu nheo nhóc này không được hưởng niềm vui giải trí nào khác ngoài buổi dạo chơi ngày chủ nhật ở Săng Êlidơ và dăm tối xem hát, mỗi mùa đông được một, hai lần, nhờ có một bạn đồng nghiệp tặng vé mời. Nhưng vào mùa xuân năm nay, anh nhân viên được ông sếp giao cho việc làm thêm và được lĩnh món tiền thưởng kỳ lạ là ba trăm quan. Đem số tiền đó về, chàng bảo vợ:
-Em Henriette thân yêu, chúng ta phải hưởng một cái gì đó, một cuộc vui cho con chẳng hạn.
Và sau khi bàn cãi rất lâu, họ quyết định sẽ về dạo chơi và ăn trưa ở vùng quê.
-Thực đấy! – Hecto kêu lên – một lần chẳng thành lệ quen được, chúng ta sẽ thuê một cỗ xe cho các con, cho em và chị vú, anh sẽ lấy một con ngựa ở nơi tập ngựa. Đi như vậy có lợi cho anh.
Và suốt tuần, họ chỉ nói về cuộc du ngoạn sắp tới. Mỗi tối, ở sở về, Hecto lại ôm lấy đứa con lớn, đặt nó cưỡi lên chân mình, vừa dùng hết sức lực nhún cho nó nhảy lên nhảy xuống, vừa bảo nó:
-Chủ nhật tới, đi dạo chơi, bố sẽ phi ngựa như thế này này.
Và thằng bé, suốt ngày, cưỡi lên ghế, lôi ghế vòng quanh phòng mà kêu: “Đây là bố đi ngựa đấy!”.
Và cả chị vú cũng nhìn ông chủ bằng cặp mắt thán phục, mà nghĩ rằng ông sẽ cưỡi ngựa đi kèm bên xe, và trong bữa ăn, chị nghe ông nói về thuật cưỡi ngựa, nghe ông kể lại các thành tích xưa kia, khi còn ở nhà bố. Ồ! Ông đã được tập luyện chu đáo, và một khi đã cưỡi lên con vật, ông chẳng sợ gì hết.
Hecto vừa xoa xoa hai bàn tay vừa lặp lại với vợ:
-Nếu họ cho anh được một con hơi khó nết thì anh sẽ thấy rất thú vị. Rồi em xem anh cưỡi như thế nào, và nếu em muốn, khi ở rừng về, ta sẽ về lối Săng Êlidơ. Vì trông chúng mình tươm tất, anh sẽ lấy làm hài lòng nếu gặp ai đó ở Bộ. Muốn cấp trên nể mình, chỉ cần có vậy thôi.
Vào ngày đã định, xe và ngựa tới trước cửa cùng một lúc. Chàng xuống nhà ngay để xem xét con vật minh cưỡi. Chàng đã cho đính những miếng đệm vào quần, và sử dụng chiếc roi ngựa vừa, mua hôm trước. Chàng nhấc lên và sờ từng chân một, đủ cả bốn cẳng chân con vật, nắn cổ, sườn, kheo, lấy tay gõ thử dưới lưng, mở mõm xem răng, công bố tuổi của con vật, rồi thấy cả nhà đã xuống, chàng diễn giải một bài lý thuyết và thực hành nho nhỏ về ngựa nói chung và đặc biệt con này mà chàng công nhận là hảo hạng. Khi hết thảy mọi người đã yên vị trong xe, chàng kiểm tra lại đai yên rồi nhún bổng một bên bàn đạp, chàng rơi xuống mình ngựa, con vật nhảy lên dưới sức nặng và suýt hất người cưỡi. Hecto xúc động, cố vỗ về nó.
-Nào, ngoan nào, anh bạn, ngoan nào.
Rồi, khi kẻ bị cưỡi đã bình tĩnh lại được, và kẻ cưỡi đã vững chãi lại được, anh này nói: “Xong cả chưa?”. Ai nấy đều trả lời: “Rồi ạ”. Chàng bèn ra lệnh: “Lên đường!”. Và đoàn người ngựa ra đi.
Ai nấy đều nhìn chàng chăm chú. Chàng phi nước kiệu theo kiểu Anh, cường điệu những lúc nảy lên nảy xuống. Vừa rơi mình xuống yên, chàng đã bật dậy như muốn vút lên không trung. Chốc chốc chàng lại như sắp rạp xuống mình ngựa, và chàng nhìn đăm đăm về phía trước, mặt tái đi, co rúm lại. Vợ chàng bế một đứa trẻ trên lòng, và chị vú bế đứa kia, cứ luôn mồm nhắc đi nhắc lại: “Nhìn bố kìa, nhìn bố kìa!”.
Và hai thằng bé say sưa vì sự vận động, vì vui thích, vì khí trời tươi mát, kêu lên the thé. Con ngựa, hoảng sợ vì những tiếng hò la ấy, cuối cùng, phi nước đại và trong khi chàng kỵ mã cố kìm nó dừng lại thì cái mũ lăn xuống đất. Anh đánh xe phải nhảy xuống nhặt và khi Hecto nhận mũ anh ta đưa cho, chàng nói với lại từ xa bảo vợ:
-Đừng cho lũ trẻ kêu lên như thế, em làm anh bị cuốn đi đấy!
Họ ăn bữa trưa tren bãi cỏ, trong rừng Vêxinê, dùng lương thực mang theo trong hòm. Mặc dù anh lái xe đã chăm sóc ba con ngựa, Hecto cứ chốc chốc lại đứng dậy ra xem con của mình có đầy đủ mọi thứ không, và chàng vuốt ve cổ nó, cho nó ăn bánh mì, bánh ngọt, đường. Chàng tuyên bố:
-Con này phi khá lắm. Lúc đầu nó còn hơi lắc làm anh bị sóc nảy lên, nhưng em thấy anh tĩnh trí trở lại rất nhanh, nó đã nhận ra chủ nó rồi, bây giờ nó không cựa quậy nữa đâu.
Như đã quy định trước, họ trở về theo lối Săng Êlidơ. Đại lộ thênh thang nghìn nghịt những xe cộ. Và hai bên đường, người đi dạo đông đến nỗi tưởng như hai dải băng đen dài buông từ Khai Hoàn Môn đến tận quảng trường Côngcooc. Nắng dội xuống tất cả đám người đó, làm ánh ngời lên làn véc ni sơn đen, nước thép của yên cương, những quả nắm ở cửa xe. Một cơn mê cuồng vận động, một nỗi say đời dường như khuấy đảo đám đông người, vật, xe này. Và đằng kia, tháp Ôbêlixcơ vươn lên trong một áng sương vàng.
Con ngựa của Hecto, vừa vượt qua Khải Hoàn Môn, đột nhiên lại hăng lên, và nó phóng nước kiệu lớn qua các phố, về phía chuồng ngựa, mặc dù người cưỡi cố tìm cách làm nó dịu lại. Bây giờ cỗ xe đã ở xa, xa mãi đằng sau, và đến trước Nhà triển lãm công nghiệp, con vật thấy địa thế rộng, bèn rẽ sang phải và phi nước đại. Một bà già khoác tạp dề bình thản đi ngang qua đường, bà ta ở đúng vào lối Hecto đang vùn vụt tới. Bất lực không kìm nổi ngựa, chàng lấy hết hơi sức thét lên: “Này! Ấy! Này! Đằng kia này!”.
Hình như bà lão điếc, vì bà cứ thản nhiên đi tiếp cho đến lúc va vào ngực con ngựa đang lao đi như một đầu máy xe lửa, bà ngã lăn ra cách đó mươi bước, váy tốc lên, sau khi đã lăn ba vòng lộn nhào đầu xuống đất. Có tiếng kêu: “Bắt lấy hắn!”. Hecto, bàng hoàng hoảng hốt, bám chặt lấy bờm ngựa mà hét:
-Cứu tôi với!
Một cái sốc nảy lên kinh hoàng hất chàng bắn tung như quả bóng qua tai con tuấn mã của chàng và rơi vào tay một viên cảnh sát vừa lao đến đón đường. Chỉ trong giây phút, một đám người giận dữ, hoa chân múa tay, gào thét om sòm, đã tụ tập quanh chàng. Nhất là một vị già cả, một vị già cả mang huy chương lớn hình tròn và bộ ria lớn bạc trắng, có vẻ rất phẫn nộ. Ông ta nhắc đi nhắc lại:
-Quái quỷ, đã vụng dại như thế thì ở nhà cho xong! Không biết điều khiển một con ngựa thì đừng có ra phố mà giết người!
Nhưng bốn người đàn ông đã khiêng bà già đến. Bà ta trông như chết rồi, với bộ mặt vàng ệch và chiếc mũ trùm xộc xệch, lấm bụi bê bết.
-Đem người đàn bà này đến nhà một dược sĩ – vị già cả ra lệnh – còn ta đến sở cảnh sát.
Hecto lên đường, có hai cảnh binh đi kèm. Một cảnh binh thứ ba dắt con ngựa của chàng. Một đám đông theo sau, và bỗng nhiên, cỗ xe xuất hiện. Vợ chàng lao tới, chị vú mất tinh thần, lũ trẻ rú lên. Chàng giải thích rằng chàng sẽ về ngay, rằng chàng làm ngã một người đàn bà, rằng không sao cả. Và gia đình chàng ra về, hoảng hốt. Tại sở cảnh sát, sự trình bày cũng ngắn gọn. Chàng khai tên mình, Hécto đơ Gribơlanh, nhân viên Bộ Hàng hải, và họ chờ tin tức của người bị thương. Một cảnh binh được cử đi xem tình hình quay về. Bà đã tỉnh, nhưng đau ghê gớm ở bên trong, bà bảo thế. Đó là một bà già làm công, sáu mươi nhăm tuổi, tên là Ximông.
Khi biết bà ta không chết, Hecto lại hy vọng, và hứa sẽ chịu tiền phí tổn chữa chạy. Rồi chàng chạy đến nhà ông dược sĩ. Một đám đông nhốn nháo đứng đầy trước cửa, bà lão nằm lả trong ghế bành, rền rĩ, hai tay bất đồng, mặt ngây ra. Hai thầy thuốc vẫn đang khám nghiệm. Không chân tay nào bị gãy, nhưng họ ngại có sự tổn thương bên trong. Hecto nói với bà:
-Bà có đau lắm không?
-Ôi! Có!
-Ở đâu?
-Như thể trong bụng tôi có lửa đốt.
Một thầy thuốc tiến lại gần:
-Thưa ông, ông là người gây ra tai nạn phải không?
-Thưa ông, vâng.
-Phải gửi người đàn bà này đến nhà an dưỡng, tôi biết một nơi sẽ nhận bà ta với giá sáu quan một ngày. Ông có muốn tôi thu xếp dùm không?
Hecto phấn khởi cảm ơn và trở về nhà. Vợ chàng khóc lóc đợi chàng. Chàng an ủi vợ:
-Không sao cả. Cái nhà bà Ximông ấy đỡ rồi, chỉ vài ba ngày nữa là khỏi hẳn, anh đã gửi bà ta đến một nhà an dưỡng, không sao cả!
Không sao cả!
Ngày hôm sau, tan sở, chàng đến hỏi thăm bà Ximông. Chàng thấy bà đang ăn món cháo thịt một cách rất thỏa mãn
-Thế nào? – chàng hỏi.
Bà ta trả lời:
-Ôi, khốn khổ thưa ông, chả khác gì hết. Tôi gần như bại hoại. Không thấy đỡ.
Thầy thuốc tuyên bố là phải chờ đợi, e có thể xảy ra biến chứng. Chàng đợi ba ngày, rồi chàng trở lại. Bà già, khí sắc sáng sủa, mắt trong leo lẻo, vừa nhìn thấy chàng là rền rĩ:
-Khốn khổ thưa ông, tôi không cựa quậy được nữa. Tôi bị thế này đến hết đời thôi.
Hecto rùng mình thấu xương. Chàng hỏi thầy thuốc. Thầy thuốc giơ tay lên trời:
-Làm thế nào được, thưa ông, về phần tôi, tôi không biết. Bà ấy cứ hét lên khi người ta định nâng dậy. Ngay như xê dịch cái ghế bành bà ấy ngồi, bà ấy cũng kêu la thê thảm. Tôi đành phải tin điều bà ấy nói với tôi, thưa ông, tôi không ở bên trong. Chưa trông thấy bà ấy đi lại thì tôi không có quyền cho là bà ấy nói dối.
Bà lão im lặng nghe, mắt nhìn thâm hiểm.
Tám ngày trôi qua, rồi mười lăm ngày, rồi một tháng. Bà Ximông không rời cái ghế bành của bà. Bà ăn từ sáng đến tối, béo ra, trò chuyện vui vẻ với các bệnh nhân khác, có vẻ quen với sự im lìm bất động, dường như đó là sự nghỉ ngơi xứng đáng cho năm mươi năm trời lên thang xuống thang, lật đật, rũ đệm, vác than từ tầng gác này đến tầng gác khác, dọn dẹp quét tước.
Hecto bàng hoàng, ngày nào cũng đến, ngày nào cũng nhìn thấy bà bình tĩnh thanh thản và tuyên bố:
-Tôi không cựa quậy được, khốn khổ thưa ông, không được nữa.
Tối nào bà Gribơlanh cũng hỏi, đầy lo âu khắc khoải:
-Thế bà Ximông rao sao?
Và lần nào chàng cũng trả lời với nỗi rầu rĩ tuyệt vọng:
-Chẳng có thay đổi gì, chẳng có gì hết!
Họ cho chị vú thôi việc, vì tiền công của chị nay thành gánh nặng. Họ lại tằn tiện hơn nữa, toàn bộ món tiền thưởng hết sạch vào đó.
Hecto bèn mời bốn thầy thuốc lớn tập hợp xung quanh bà lão. Bà để cho họ khám xét, sờ nắn, rờ rẫm, và nhìn họ bằng con mắt láu lỉnh. Một thầy thuốc nói:
-Phải làm cho bà ta đi lại.
Bà ta kêu to:
-Tôi không đi được, các ngài ơi, không đi được!
Họ bèn tóm lấy bà, xốc bà lên, kéo bà đi vài bước, nhưng bà tuột ra khỏi tay họ và ngã lưng xuống sàn mà gào thét kinh khủng đến nỗi họ khiêng trả bà lại ghế ngồi một cách gượng nhẹ cực kỳ. Họ phát biểu một ý kiến dè dặt, tuy nhiên vẫn kết luận là mất khả năng lao động. Và, khi Hecto báo tin này cho vợ biết, nàng để rơi mình xuống ghế, lắp bắp:
-Mang bà ấy về đây còn hơn, đỡ tốn kém cho ta.
Chàng nhảy lên:
-Về đây, về nhà chúng ta ư em?
Nhưng nàng, giờ đây đành nhẫn nhục chịu đựng hết thảy, trả lời, nước mắt lưng tròng:
-Làm thế nào được hả anh, có phải lỗi tại em đâu!...