Kẻ lang thang
Tác giả: Guy de Maupassant
Bốn mươi ngày nay, anh đi khắp nơi tìm việc. Anh đã rời bỏ Ville-Avary ở vùng Manche, quê hương anh, vì nơi đó thiếu việc. Anh là thợ làm nhà, hai mươi bảy tuổi, người lương thiện, ham làm, anh là con cả nhưng đã phải ăn bám gia đình mất hai tháng, vì trong tình cảnh thất nghiệp chung, anh chỉ còn khoanh đôi cánh tay lực lưỡng lại mà chịu thúc thủ. Trong nhà, bánh mì mỗi ngày một hiếm; hai cô em đi làm công nhật nhưng kiếm chả được là bao. Còn anh, Jacques Randel khỏe mạnh nhất thì lại chẳng làm gì vì chẳng có gì mà làm và phải sống nhờ người khác.
Anh đến hỏi ở tòa Thị chính, người thư ký cho anh biết là có thể tìm được việc làm ở miền Trung.
Anh liền ra đi, mang theo đầy đủ giấy tờ với bảy quan trong túi, trên vai vác cái gậy, đầu buộc chiếc khăn ta màu xanh trong đó gói ghém đôi giày thay đổi, cái quần cộc và chiếc sơ-mi.
Và anh đã đi miết không nghỉ, đi suốt ngày đêm ròng rã, trên những con đường dài vô tận, dưới nắng mưa, mà chẳng bao giờ tới được cái xứ huyền dịu đâu đâu thợ thuyền cũng đều có công ăn việc làm ấy.
Thoạt tiên anh cứ khư khư giữ ý nghĩ là chỉ hành nghề của mình vì anh là thợ làm nhà. Nhưng tới công trường xây dựng nào cũng thế, người ta đều phải trả lời anh là vừa phải cho thợ nghỉ việc vì không có người đặt hàng, thế là anh quyết định làm bất cứ việc gì tìm được trên đường vì túi anh đã cạn.
Như vậy, anh đã lần lượt làm thợ đấu, phu ngựa, xẻ đá; anh đã bổ củi, tỉa cành, đào một cái giếng, trộn vữa, bó củi, chăn dê trên một ngọn núi, làm tất cả các công việc đó để kiếm lấy vài xu vì có chịu lấy công rẻ mạt, vừa cái lòng keo kiệt của bọn chủ hay của người nông dân, anh mới có được việc làm đôi ba ngày.
Giờ đây, từ một tuần nay, anh chẳng kiếm được việc gì, anh chẳng còn gì nữa. Anh đi xin ăn ở ngưỡng cửa các nhà trên dọc đường đi, anh sống nhờ mẩu bánh của những người đàn bà phúc đức bố thí cho anh.
Tối đến, Jacques Randel, mệt lử, chân tay rời rã, bụng rỗng, lòng chán nản, lê chân đất trên cỏ bên bờ đường – anh dè dặt không dám sử dụng đôi giày cuối cùng của anh, đôi kia đã hỏng từ lâu. Hôm đó là một ngày thứ bảy vào cuối thu. Những đám mây xám cuồn cuộn trên bầu trời, nặng trĩu trôi nhanh theo những cơn gió rít trong lùm cây. Người ta cảm thấy cơn mưa sắp đổ xuống. Vào lúc chạng vạng tối của đêm trước ngày chủ nhật, vùng thôn quê thật vắng vẻ. Từng chỗ một, trên cánh đồng, sừng sững những đống rơm đã sạch thóc trông tựa những nấm vàng, to lớn, kỳ dị; và mặt đất đã được gieo hạt cho năm sau, có vẻ như trơ trụi.
Randel đói bụng, một cơn đói của thú vật, một cơn đói buộc bầy sói phải nhảy xô ra cắn người. Anh mệt lử, bước thật dài để bước đi, và đầu nặng trĩu, tai ù, mắt đỏ ngầu, mồm khô khốc, anh nắm chắc chiếc gậy trong tay với ý muốn mơ hồ sẽ nện túi bụi vào kẻ bộ hành đầu tiên anh gặp trên đường về nhà ăn bữa chiều.
Anh nhìn xuống hai bên đường, trong khóe mắt hiện lên hình ảnh những củ khoai đã đào sẵn còn sót trên luống đất đã lật ngược. Nếu thấy được vài củ, chắc anh sẽ nhặt củi khô, nhóm lửa trong một hốc đất và anh sẽ ngốn ngấu ngay củ khoai nóng và tròn trĩnh ấy mà anh sẽ nắm một lúc, nóng bỏng trong bàn tay lạnh giá.
Nhưng mùa khoai đã qua và như hôm trước. Anh đành gặp một củ cải sống nhổ được trong một luống cây.
Đã hai ngày nay, ám ảnh vì những ý nghĩ trong đầu, anh rảo căng bước đi vừa lớn tiếng nói một mình. Trước đó, anh chẳng hề suy nghĩ gì, dồn hết cả tâm trí, cả năng lực đơn giản của mình vào công ăn việc làm. Nhưng dần dà với sự mệt mỏi, sự theo đuổi gay gắt một việc làm không tìm ra ẩn ý, những lần bị từ chối, những sự bạc đãi, những đêm hôm thao thức trên cỏ, những bữa nhịn, sự miệt thị của kẻ có nơi ăn chốn ở đối với kẻ lang thang không nhà, cái câu hỏi thường đặt ra mỗi ngày: “Tại sao anh không ở lại quê hương anh?”, sự buồn bực không tìm ra việc cho đôi cánh tay cường tráng mà anh cảm thấy đầy sức mạnh ấy, sự hồi tưởng đến cha mẹ ở nhà cũng chẳng bao giờ có đồng xu dính túi, tất cả những cái đó gây nên một sự phẫn nộ cứ dần dần nung nấu lòng anh, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút cứ tích lũy thêm và vô tình buột ra khỏi miệng thành những câu càu nhàu, cộc lốc…
Vừa vấp phải những hòn đá lăn lóc dưới bàn chân không giày, anh vừa lầu bầu: “Khổ cực… khổ cực… lũ chó má… không có đến bốn xu… bốn xu trời lại mưa rồi… lũ chó má!...”
Anh phẫn nộ với sự bất công của số mệnh và anh oán trách loài người, tất cả mọi người, anh phẫn nộ với tạo hóa, với bà mẹ lớn lao mù quáng, bất công, ác độc và thâm hiểm.
Răng nghiến chặt, anh nhắc đi nhắc lại mãi : "Lũ chó má!" và nhìn làn khói xanh mong manh từ các mái nhà bốc lên vào giờ ăn bữa tối này. Và chẳng nghĩ đến một sự bất công khác, sự bất công này của con người mang tên là bạo lực và trộm cắp, anh muốn bước vào một trong những ngôi nhà đó, hạ thủ những người ở trong và ngồi vào chỗ của họ ở bàn ăn.
Anh nói : "Giờ đây, ta không có quyền sống… vì chúng để ta chết đói… mà ta chỉ đòi việc làm thôi…lũ chó má!" Và cái đau đớn ở tứ chi, trong dạ dày, trong tim, tất cả bốc lên đầu anh như một cơn say kinh khủng và làm nảy ra trong óc anh ý nghĩ giản đơn này : "Ta có quyền sống vì ta vẫn thở, vì không khí là của tất cả mọi người. Thế thì không ai có quyền để ta không có miếng ăn!"
Mưa đổ xuống, một trận mưa phùn, mau hạt, lạnh buốt. Anh đứng lại và lẩm bẩm : "Khổ cực… còn một tháng đường nữa mới về đến nhà…". Thực tế, giờ đây anh đang trên đường về, anh đã hiểu rõ là thà tìm việc làm ở nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mọi người biết anh, làm bất cứ việc gì, còn hơn là lang thang trên đường, ai ai cũng ngờ vực anh.
Nghề làm nhà không ăn thua thì anh sẽ làm thợ phụ, trộn vữa, thợ đấu, đập đá. Dù chỉ kiếm được hai mươi xu một ngày thì cũng có cái ăn.
Anh thắt quanh cổ cái mảnh vải còn lại của chiếc khăn tay cuối cùng để ngăn dòng nước lạnh chảy vào lưng, vào ngực. Nhưng chẳng mấy lúc anh đã cảm thấy nước thấm qua lần vải mỏng của bộ quần áo và anh đưa mắt nhìn quanh, cái nhìn lo âu của con người bơ vơ không biết cất giấu thân mình vào đâu, đâu là nơi ăn nằm, không một nơi trú thân trên đường đời.
Đêm đổ xuống, phủ kín cánh đồng. Anh nhận thấy xa xa, trên bãi cỏ, một vệt tối om, một con bò cái. Anh nhảy qua hàng rào bên đường và đi về phía con bò, cũng chẳng hiểu rõ mình định làm gì.
Khi anh tới gần, con bò ngẩng cái đầu to tướng về phía anh và anh suy nghĩ : "Giá có được một cái bình thì hẳn là được ít sữa uống".
Anh nhìn con bò cái, và con bò cái nhìn anh; rồi đột nhiên anh đá mạnh vào bụng con vật, hét lên:
- Dậy, dậy!
Con vật chậm rãi đứng lên, bầu sữa nặng trĩu lủng lẳng dưới bụng; con người liền nằm ngửa ngay xuống giữa bốn chân con bò và anh ta mút, mút mãi, rất lâu, hai tay bóp chặt đầu vú căng sữa, âm ấm, phảng phất mùi chuồng bò. Anh mút mãi, mút đến hết dòng sữa còn lại trong cái nguồn sức sống này.
Nhưng mưa rơi càng mau thêm, lạnh buốt và cả cánh đồng trơ trụi không có lấy một nơi trú chân. Rét lạnh người, anh nhìn ánh sáng lấp lánh giữa hai hàng cây, ở cửa sổ một ngôi nhà.
Con bò lại nặng nề nằm xuống. Anh ngồi xuống bên con vật, vuốt ve đầu nó, tỏ vẻ biết ơn đã được nó nuôi sống. Hơi thở đặc sệt và mạnh của con vật từ hai lỗ mũi phì ra như hai luồng hơi nước trong không khí buổi tối, thoảng qua mặt người thợ làm anh phải thốt lên: "Chắc mày chẳng lạnh lòng chút nào".
Giờ đây, anh đưa bàn tay sờ ngực con bò, luồn tay xuống dưới chân nó để tìm chút hơi nóng. Thế là một ý nghĩ chợt đến với anh: nằm tựa vào cái bụng to lớn ấm áp này ngủ cho qua đêm. Anh liền tìm một chỗ nằm cho thoải mái và đặt đầu đúng vào cái bầu sữa to lớn vừa đây anh đã bú nó. Rồi, người mệt lử, anh ngủ ngay tức khắc.
Nhưng, nhiều lần anh thức giấc, lưng hoặc ngực lạnh toát tùy theo lúc ấy anh áp ngực hoặc lưng vào bụng con vật; thế là anh lại trở mình để sưởi ấm và hong khô phần người phơi ra sương đêm rồi anh lại ngủ lại ngay một giấc ngủ mệt nhọc.
Tiếng gà gáy làm anh tỉnh giấc. Ánh bình minh hé lên; trời đã tạnh mưa; bầu trời trong vắt.
Con bò cái vẫn nằm đó, mõm đặt xuống đất, anh cúi xuống hôn cái lỗ mũi rung rúc thịt ẩm ướt và nói : "Từ biệt, người đẹp của ta… lần khác nhé… mi là một con vật tốt bụng… Từ biệt… ".
Anh xỏ giày vào và bỏ đi.
Trong hai giờ ròng rã, anh cứ thẳng đường tiến bước rồi một sự mệt mỏi chán chường xâm chiếm lấy anh, buộc anh ngồi xuống cỏ.
Trời đã sáng rõ, chuông nhà thờ bính boong, đàn ông mặc áo ngoài màu xanh, đàn bà đội mũ chụp trắng, người đi bộ, kẻ ngồi trên xe, lũ lượt kéo đi trên các ngả đường, tới các xóm làng lân cận, vui chơi ngày chủ nhật ở nhà bạn bè, họ hàng…
Một bác nông dân to béo đi tới, đang xua một đàn khoảng hai mươi con cừu, ngơ ngác và kêu be be, có một con chó lanh lẹ giữ cho chúng đi thành đàn.
Randel đứng dậy, chào bác ta và nói:
- Chẳng hay ông có việc làm cho một người thợ đang đói không?
Người nông dân, lừ cặp mắt giận dữ, nhìn gã lang thang không nhà, đáp:
- Ta chẳng có việc làm cho những kẻ tình cờ gặp trên đường.
Và người thợ làm nhà quay lại ngồi xuống bên bờ hào.
Anh đợi mãi, ngồi nhìn những người nông dân lần lượt diễu qua, cố tìm lấy một bộ mặt hiền hậu, thương người để lại tiếp tục cầu xin.
Anh nhằm một người trông ra vẻ trưởng giả, mặc áo dài, trước bụng lủng lẳng một sợi dây vàng. Anh nói:
- Tôi đi tìm công ăn việc làm đã hai tháng nay. Tôi chẳng tìm được việc gì và tôi chẳng còn lấy một xu dính túi.
Cái lão ra dáng trưởng giả ấy đáp:
- Lẽ ra anh phải đọc tờ thông cáo dán ở đầu làng. Cấm nghề ăn xin ở toàn thể địa hạt này. Anh phải biết tôi là xã trưởng và nếu anh không chuồn cho nhanh thì tôi sẽ cho tóm anh lại.
Randel nổi giận, lẩm bẩm:
- Ông cứ bắt tôi nếu ông muốn, thà thế còn hơn, ít ra tôi cũng sẽ không chết đói.
Và anh quay lại ngồi xuống bờ hào.
Quả nhiên mười lăm phút sau, hai tên sen đầm xuất hiện trên đường. Chúng chậm rãi bước đi, sát cánh nhau trông thật rõ rang, với mũ da láng, thắt lưng da vàng, khuy đồng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời như để dọa kẻ bất lương và từ xa, từ rất xa đã buộc họ phải cao chạy xa bay.
Anh thợ làm nhà hiểu ngay là sen đầm đến bắt mình. Nhưng anh không nhúc nhích, bỗng nhiên nảy ra ý muốn ngấm ngầm đương đầu với chúng, để cho chúng bắt đi và để rồi sau này sẽ trả thù.
Hai tên sen đầm đi tới làm ra vẻ không trông thấy anh, chân bước theo lối quân sự, nặng nề và lắc lư như chân ngỗng. Rồi bất chợt, khi qua mặt anh, chúng làm ra vẻ như mới trông thấy anh, dừng lại và chòng chọc nhìn anh, nạt nộ và giận dữ.
Một tên sen đầm bước đến hỏi:
- Anh làm gì ở đây?
Anh thợ làm nhà bình thản trả lời:
- Tôi ngồi nghỉ.
- Anh ở đâu đến?
- Nếu phải nói cho ông rõ những nơi tôi đã qua thì phải mất trên một tiếng đồng hồ đấy.
- Anh đi đâu?
- Tới Ville Avary
- Ở đâu thế?
- Ở vùng Manche
- Đấy là quê anh à?
- Phải, quê tôi.
- Tại sao anh lại bỏ nơi đấy ra đi?
- Để tìm việc làm.
Tên sen đầm quay lại bạn đồng đội và với giọng giận dữ của một người cứ phải nghe mãi những lời dối trá giống nhau, cuối cùng cũng phải nổi xung lên.
- Cái quân này, chúng nó đứa nào cũng thế cả. Nhưng ta thì ta còn lạ gì nữa.
Rồi hắn tiếp tục:
- Anh có giấy tờ gì không?
- Có.
- Đưa ta xem.
Randel móc trong túi ra các giấy tờ, các giấy chứng nhận, những tờ giấy nhàu nát, bển thỉu, rách ra từng mảnh và đưa cho tên sen đầm.
Hắn ê a đánh vần từng chữ, rồi nhận thấy giấy tờ hợp lệ, hắn trả lại cho người thợ làm nhà với vẻ bực bội của một gã bị kẻ láu cá hơn vừa chơi xỏ cho một vố.
Sau một lát suy nghĩ hắn lại hỏi:
- Anh có tiền trong người không?
- Không.
- Không có gì cả?
- Không có gì hết.
- Một xu cũng không có?
- Một xu cũng không.
- Thế anh sống bằng gì?
- Sống bằng của bố thí.
- Thế ra anh đi ăn xin à?
Randel quả quyết trả lời:
- Phải, khi tôi có thể ăn xin được.
Nhưng tên sen đầm tuyên bố:
- Tôi bắt anh quả tang về tội du đãng và ăn xin, không có nguồn sinh sống và vô nghề nghiệp, lang thang trên đường và tôi ra lệnh cho anh phải theo tôi.
Người thợ làm nhà đứng dậy.
- Đi đâu thì đi.
Và tự mình đứng vào giữa hai tên sen đầm ngay cả trước khi được lệnh, anh nói thêm:
- Nào, cứ bắt giam tôi lại, ít ra trời mưa, tôi cũng có cái mái che thân.
Và cả ba người đi về phía làng mà cách xa một phần tư dặm đường, người ta đã thấy những mái nhà ngói thấp thoáng qua những hàng cây trụi lá.
Họ đi qua làng vào giờ mọi người đi lễ nhà thờ. Quảng trường đông nghịt và lập tức hình thành hai hàng rào người đứng xem kẻ gian phi mà một đám trẻ náo nức theo sau. Nông dân nam cũng như nữ nhìn con người bị bắt đó, đi giữa hai tên sen đầm, với một ánh hằn thù lóe lên trong khóe mắt, chỉ muốn ném đá vào anh, lấy móng tay lột da anh, giẫm nát người anh. Người ta hỏi nhau không biết anh đã ăn cắp, đã giết người chưa?
Gã đồ tể, nguyên là một kỵ binh, quả quyết nói:
- Nó là một thằng đào ngũ.
Lão đại lý bán thuốc lá tưởng như nhận ra được cái tên ngay sáng nay đã trả lão một đồng năm hào giả, và lão bán đồ sắt tin chắc đó là tên giết mụ góa Malet mà sở cảnh sát đã ra công tìm kiếm từ sáu tháng nay không thấy.
Trong phòng họp của hội đồng xã, nơi những tên sen đầm đưa anh vào, Randel lại thấy ông xã trưởng, ngồi trước bàn họp,có vị giáo viên ở bên cạnh.
- A! – Vị đại diện nhà nước thốt lên, - lại chú mày đây rồi. Tôi đã bảo tôi sẽ bắt anh mà. Này, thầy đội, sự thể thế nào?
Viên sen đầm trả lời:
- Thưa ông xã trưởng, một tên du đãng không nhà không cửa, không nguồn sinh sống, không một xu dính túi – theo như lời khai của hắn – bị bắt đang ăn xin và du đãng, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
- Đưa các giấy tờ đó cho tôi xem, - ông xã trưởng nói, ông ta cầm lấy, đọc đi đọc lại, đưa trả rồi ra lệnh – Khám hắn xem.
Người ta khám người Randel, chẳng tìm thấy gì cả.
Ông xã trưởng có vẻ phân vân. Ông hỏi người thợ làm nhà:
- Sáng nay anh làm gì trên đường?
- Tôi đi tìm việc làm.
- Việc làm… trên đường cái à?
- Thì ông bảo nếu tôi cứ rúc ở trong rừng thì tôi làm thế nào mà tìm được việc.
Hai người nhìn nhau chằm chằm, với lòng hằn thù của hai con thú thuộc hai loại thù địch. Vị đại diện nhà nước nói tiếp:
- Tôi sẽ cho thả anh ra nhưng đừng có để tôi tóm lại anh lần nữa.
Người thợ làm nhà trả lời:
- Tôi muốn ông giam giữ tôi lại thì hơn. Tôi lang thang mãi đã chán lắm rồi.
Ông xã trưởng tỏ vẻ nghiêm nghị:
- Anh câm ngay.
Rồi ra lệnh cho hai viên sen đầm:
- Các anh hãy dẫn tên này ra khỏi làng hai trăm thước rồi để hắn tiếp tục đi theo con đường của hắn.
Người thợ nói:
- Thì ít ra ông cũng bảo người ta cho tôi ăn chứ?
Ông xã trưởng bất bình:
- Lại còn phải nuôi anh nữa kia à? A! Thật quá lắm!
Nhưng Randel cương quyết nói tiếp:
- Nếu ông cứ để mặc tôi đói, các ông buộc tôi sẽ phải làm bậy. Các ngài tai to mặt lớn, mặc các ngài đấy nhé.
Ông xã trưởng đứng dậy và nhắc lại:
- Đưa nó đi ngay, không tôi phát khùng lên bây giờ.
Hai viên sen đầm liền túm lấy cánh tay anh thợ làm nhà, kéo đi. Anh để mặc và anh lại đi qua làng, trở ra đường cái. Và khi họ dẫn anh đi khỏi cột cây số hai trăm thước, thì viên đội nói:
- Đấy, cút đi và đừng để cho ta thấy mặt mày ở vùng này, nếu không thì đừng trách.
Và Randel bước đi chẳng hề đáp lại, cũng chẳng biết mình đi đâu. Anh cứ thế bước đi chừng mười lăm hai mươi phút, người mụ mẫm đến nỗi anh chẳng nghĩ đến gì nữa.
Nhưng đột nhiên khi đi qua một căn nhà nhỏ cửa sổ hé mở, mùi thịt bò hầm bay vào mũi anh làm anh đứng sững lại trước căn nhà.
Và bỗng cơn đói, một cơn đói dữ dội, cào cấu, điên cuồng nổi lên, suýt nữa khiến anh lao vào những bức tường của ngôi nhà như một con vật.
Anh nói to, giọng gầm gừ:
- Trời, lần này thì phải cho ta ăn. - Và anh liền lấy gậy đập mạnh vào cửa.
Không thấy ai đáp lại, anh đập cửa mạnh hơn, nói to:
- Này! Này! Này! Có ai trong nhà không, này? Mở cửa ra!
Chẳng có gì động đậy, thế là anh tiến tới sát cửa sổ lấy tay đẩy ra và không khí đang bị giam hãm trong nhà bếp, làn hơi ấm ấm sực mùi thịt hầm nóng, mùi thịt chín với bắp cải tỏa ra ngoài trời lạnh.
Chỉ một bước, người thợ làm nhà đã ở trong căn phòng. Hai suất ăn đặt sẵn trên bàn. Chủ nhà chắc đã đi lễ nhà thờ, để trên bếp các món ăn, món thịt hầm ngon lành của ngày chủ nhật với món xúp rau béo ngậy.
Một chiếc bánh mì mới nằm trên lò sưởi, giữa hai chai rượu hình như còn nguyên.
Trước hết Randel vồ lấy miếng bánh, bẻ mạnh miếng bánh như định bóp chết người, rồi anh ta ăn ngốn ngấu, từng miếng lớn một. Nhưng ngay sau đó, mùi thịt lôi cuốn anh về phía lò sưởi và anh mở nắp xoong, thọc dĩa vào lôi ra một miếng thịt bò lớn có buộc một sợi dây. Anh còn lấy bắp cải, cà-rốt, hành đầy ắp đĩa, và sau khi đặt đĩa xuống bàn, anh ngồi xuống, cắt miếng thịt hầm ra làm bốn, ngồi ăn như ở nhà mình vậy. Khi anh ngốn gần hết cả miếng thịt bò, thêm một số rau, anh thấy khát và đứng dậy lấy một trong hai chai rượu để trên lò sưởi.
Vừa nom thấy chất nước trong cốc, anh biết ngay là rượu mạnh. Mạnh cũng mặc; rượu sẽ làm máu anh nóng lên, như thế càng tốt, anh vừa mới bị lạnh ghê và anh cứ uống.
Quả nhiên rượu ngon thật, đã lâu anh không được uống; anh lại rót một cốc đầy nữa và nốc hai ngụm là hết. Và hầu như ngay sau đấy, anh cảm thấy vui vẻ, phấn chấn vì rượu, tựa hồ một niềm hạnh phúc lớn đã lọt vào lòng anh.
Anh tiếp tục ăn, chậm rãi hơn, vừa thong thả nhai vừa chấm bánh vào nước thịt hầm. Toàn thể làn da trên người anh nóng bỏng, nhất là trên trán mạch máu đập giân giật.
Nhưng đột nhiên có tiếng chuông đổ hồi từ xa vẳng lại, báo hiệu buổi lễ chấm dứt; một thứ linh tính hơn là một nỗi lo sợ, linh tính thận trọng của những kẻ đang lâm nguy dìu dắt và khiến họ trở nên minh mẫn, buộc anh đứng dậy, anh bỏ vào một bên túi miếng bánh còn lại, nhét vào túi kia chai rượu mạnh rồi anh rón rén ra cửa sổ, nhìn ra đường.
Đường phố còn vắng tanh. Anh nhảy qua cửa và tiếp tục đi, nhưng không thấy đường cái mà băng qua cánh đồng đi về phía một khu rừng anh trông thấy. Anh cảm thấy lanh lẹ, khỏe khoắn, vui vui, mãn nguyện về việc mình đã làm và người nhẹ nhàng đến mức chân chụm lại cũng chỉ vọt một cái là nhảy qua được các rào giậu trên cánh đồng.
Tới dưới gốc cây, anh lại lôi chai rượu ra khỏi túi vừa đi vừa tiếp tục uống, từng ngụm lớn. Ý nghĩ anh bắt đầu lộn xộn trong óc, mắt lờ đờ, cặp chân co giãn như lò xo.
Anh cất tiếng hát đoạn dân ca cổ xa:
A ha! Đi hái dâu
Thú biết chừng nào!
Thú biết chừng nào!
Giờ đây, anh đi trên nền rêu dày ẩm, mát rượi, và tấm thảm êm dịu ấy làm cho anh thèm khát điên cuồng muốn nhảy lộn như một đứa trẻ thơ.
Anh lấy đà, lộn nhào, nhỏm dậy, lại lộn nhào. Và mỗi lần lộn nhào, anh lại hát:
A ha! Đi hái dâu
Thú biết chừng nào!
Thú biết chừng nào!
Đột nhiên, anh tới bên bờ một con đường trũng, và trông thấy trong lòng đường một người con gái cao lớn, một người ở gái đang trở về làng, hai tay xách hai xô sữa, cách xa cô ta bằng một vòng thúng lớn.
Anh lom khom đi rình người con gái, cặp mắt sang lên như mắt chó thấy cun cút.
Người con gái nhìn thấy anh, ngẩng đầu lên, phá ra cười và nói to với anh:
- Chính anh hát đấy à?
Anh chẳng trả lời và nhảy xuống mặc dù bờ dốc cao ít ra là hai thước.
Thấy anh đột ngột sừng sững trước mặt, người con gái nói:
- Trời ơi, anh làm tôi sợ quá?
Nhưng anh chẳng nghe thấy cô ta nói, anh đã say, anh điên lên rồi, sôi sục vì một thứ điên cuồng khác còn mãnh liệt hơn là cái đói, cuồng lên vì rượu, vì cơn không cưỡng nổi của một con người thiếu thốn đủ mọi thứ, từ hai tháng nay, của một con người đang chếnh choáng say, lại đang tuổi thanh niên, hăng hái, khao khát vì tất cả những sự thèm muốn mà tạo hóa đã gieo rắc vào da thịt cường tráng của người đàn ông.
Người con gái lùi lại, khiếp sợ bộ mặt của anh, đôi mắt của anh, cái miệng hé mở của anh, cánh tay anh đang vươn ra.
Anh nắm lấy vai cô ta, và chẳng nói chẳng rằng, vật cô ta ngã xuống đường.
Cô gái để rơi hai chiếc xô, hai chiếc xô lăn rầm rầm trên đường, sữa đổ lênh láng, rồi cô ta hét lên nhưng hiểu ngay là có kêu cứu ở nơi hoang vắng này cũng chẳng ăn thua gì và thấy rõ là anh ta cũng chẳng có ý muốn giết cô, cô đành nhượng bộ, không khó khăn lắm, không bực tức lắm vì anh chàng thì khỏe mà thực sự cũng không quá thô bạo.
Khi cô đứng dậy được, nghĩ đến hai xô sữa đã đổ hết, cô bỗng bừng bừng nổi giận và đến lượt cô, cô rút guốc ở chân ra, xông vào định đánh vỡ đầu anh chàng nếu anh ta không chịu đền tiền sữa.
Nhưng Randel hiểu lầm về sự tấn công dữ dội ấy, đã hơi tỉnh rượu, luống cuống, hoảng hốt trước việc mình đã làm, vội vã ba chân bốn cẳng chạy trốn, còn cô ta thì cứ lấy đá ném theo, nhiều hòn trúng lưng anh.
Anh chạy mãi, rất lâu, rồi anh cảm thấy mệt nhoài như chưa bao giờ từng thấy thế. Cặp chân anh mềm nhũn, không còn đỡ nổi thân hình anh nữa, tất cả ý nghĩ của anh đều lộn xộn, anh không còn nhớ gì nữa không còn suy nghĩ được gì nữa.
Và anh ngồi xuống một gốc cây.
Năm phút sau anh đã ngủ thiếp đi.
Anh tỉnh dậy vì có người đánh mạnh vào anh, và mở mắt ra, anh trông thấy hai chiếc mũ ba cạnh bằng da láng cúi xuống, hai viên sen đầm buổi sang đang túm lấy anh và trói tay anh lại.
- Tao đã biết chắc là tao sẽ lại tóm được mày mà, - viên sen đầm giễu cợt nói.
Randel đứng dậy không một lời đáp lại. Hai viên sen đẩm lắc mạnh anh, sẵn sàng đánh đập anh nếu anh nhúc nhích, vì giờ đây anh là miếng mồi của chúng, anh đã là của nhà giam, bị kẻ đi săn những tên phạm tội bắt được và không bao giờ chịu nhả ra nữa.
- Đi, - viên sen đầm ra lệnh.
Ba người lên đường. Hoàng hôn xuống dần, rải ra trên mặt đất một cảnh chiều tàn mùa thu, nặng nề và ảm đạm.
Nửa giờ sau, họ mới về tới làng.
Tất cả các cửa đều mở rộng, mọi người đều biết chuyện đã xảy ra. Bà con nông dân, nam cũng như nữ, sục sôi căm giận, như thể người nào cũng như vừa bị mất cắp, như thể người nào cũng vừa bị hãm hiếp, đều muốn nhìn mặt cái kẻ khốn nạn để mà chửi rủa.
Tiếng la ó khởi đầu từ căn nhà đầu tiên mãi đến tòa thị chính mới chấm dứt. Viên xã trưởng cũng đang đợi, cũng đang muốn trả thù kẻ du đãng.
Vừa thấy anh, hắn hét lên từ xa:
- À, thằng kia! Chúng ta lại gặp nhau đây rồi.
Và hắn xoa xoa tay, ít khi lại thấy hài lòng như ngày hôm nay.
Hắn nói tiếp:
- Chỉ trông thấy nó trên đường là ta biết ngay mà, biết ngay mà.
Rồi càng sung sướng gấp bội hắn nói:
- À, đồ vô lại. À, đồ vô lại khốn nạn, mày thì cầm chắc hai mươi năm tù rồi.