Hải Hồ
Bí mật đêm giao thừa
Tác giả: Hải Hồ
Sáng ngày 28 Tết có bức thư của bố từ biên giới gửi về. Bố gửi tay một người bạn đi công tác ghé qua nhà. Thế là thêm một năm nữa bố không về ăn Tết với gia đình. Bố chúc ba mẹ con khỏe, rất khỏe để đón mừng Xuân mới. Không khí lúc đọc thư rộn hẳn lên vì ngoài lá thư tay ngắn ít dòng, còn một phong bì dày dán kín đề nắn nót: "Đúng giao thừa mới bóc ra xem!". Trong lá thư tay bố lại dặn: "Bố giao cho Tuấn, đứa con trai kiên nghị của bố giữ phong thư bí mật, đến giao thừa mới đưa mẹ mở. Đây cũng là mệnh lệnh quân sự của đại úy Lê Minh từ biên giới giao nhiệm vụ cho chiến sĩ Lê Tuấn thân yêu". Tuấn ta thích quá, giữ rịt lấy phong thư reo:
-A ha! Bố giao cho con đấy nhá!
Bé Thư quầy quậy chẳng chịu:
-Của em nữa chứ! Giả em đây nào... nào.
-Đừng hòng
Tuấn nhíu mũi
-Bố có giao cho mày không. Đây mới là chiến sĩ Lê Tuấn, hiểu chưa?
Một tay chỉ vào ngực, tay kia giơ cao phong thư, nó lùi xa em gái. Cái Thư mếu luôn:
-Giả thư của bố đây. Không chơi với anh Tuấn nữa... nào... nào.
-Hay khóc nhè thế mà đòi giữ thư. Đồ con gái.
Mẹ vội dỗ Tuấn:
-Thì con cho em cầm em xem một tí đã nào. Xem chứ có bóc đâu. Mà cả mẹ cũng muốn xem cơ mà.
-Để mẹ bóc luôn ra mất thì sao?
Mẹ lắc đầu:
-Không! Mẹ cũng phải phục tùng lệnh của đồng chí đại úy Lê Minh chứ. Mới lại mẹ thừa biết bố con gửi gì rồi, thư có ảnh bố chứ gì?
Tuấn nắn nắn phong thư rồi giơ lên nheo nheo mắt. Nó hỏi:
-Sao mẹ biết? -Ảnh bố chụp cầm súng đứng ở đỉnh núi biên giới đấy mà.
Tuấn bước lại đưa phong thư cho mẹ và em gái xem, nó nói:
-Bố đứng tít trên đỉnh núi hả mẹ?
Mẹ cười:
-Ờ! Tít trên núi cao.
Cái Thư thì lại hỏi:
-Không có kẹo à mẹ? -Không biết thì thôi. Thư mà lại để được kẹo.
Tuấn chế em gái. Người mẹ bật cười vuốt má con.
-Biên giới chỉ toàn là rừng với núi đồi thôi. Đào đâu ra kẹo mà bố gửi hả con.
-Nào, xem xong chưa, để anh còn cất đi. Bố ra mệnh lệnh cho anh rồi đấy, mãi tận giao thừa cơ!
Bé Thư hỏi mẹ:
-Bao giờ thì giao thừa, mẹ?
-À! Hai ngày nữa, đến ngày kia. Con cứ để anh Tuấn giữ. Vài hôm thôi mà. Thằng anh ra vẻ hiểu biết, nó giảng thêm cho đứa em:
-Tối, "dưng" mà mãi tận khuya. Khuya tận nửa đêm mới đến giao thừa cơ. Mẹ nhỉ?
-Ừ! Nửa đêm.
-Thế thì em Thư ngủ khì. Ngủ là anh mặc kệ đấy. Giao thừa cứ bóc thư bố đấy.
-Ứ!
Cái Thư vênh mặt.
-Em cũng thức đến giao thừa, buồn ngủ em cũng không ngủ cho mà xem.
Mẹ choàng hai tay vào hai đứa con, mẹ sợ chúng lại sắp cãi cọ, giọng mẹ vui vẻ:
-Yên trí! Bố dặn mẹ bóc thư cho cả nhà xem kia mà. Ba mẹ con cùng thức. Đến giao thừa mới khám phá trong phong thư của bố để đón chào năm mới.
* * *
Bao giờ cũng vậy, những ngày giáp Tết vút nối nhau như bay theo đôi cánh kỳ diệu, khiến mọi người bấn vội tíu tít lạ. Hai ngày vèo qua nhanh chóng. Người mẹ xoay xở tít mù với công việc sắm sửa chợ búa. Tiếng pháo lẻ, những quả bóng bay và lũ trẻ bạn bè hấp dẫn anh em Tuấn khiến ban ngày chúng nhãng quên phong thư bí mật. Chỉ tối đến chúng mới đem ra sờ sờ nắn nắn và mong mỏi với nhau cái giây phút được thấy rõ điều bí mật của bố. Rồi tối 30 Tết xịch đến! Đêm khuya dần. Mẹ bận bịu với nồi chè kho, nửa lo nhão, nửa sợ khê. Cái Thư không thức nổi đã ngủ khì. Chỉ có cu Tuấn, có lúc đã gà gật ở bàn nước với phong thư trong tay. Choàng tỉnh, nó đi vòng quanh trong nhà rồi đòi quấy chè kho với mẹ. Tuấn nhất quyết thức đến giao thừa chứ không như năm ngoái mẹ phải gọi dậy để đốt pháo mừng năm mới. Nó nghĩ: "Bố bảo mình là chiến sĩ Lê Tuấn kia mà. Chiến sĩ thì không thể ngủ trước giao thừa như cái Thư. Đến giao thừa giao phong thư cho mẹ bóc mình mới hết nhiệm vụ mà. Chiến sĩ là bộ đội, mà bộ đội lại ngủ quên thì bét quá!" Kìa! Còi thành phố ú vang. Chuông nhà thờ lảnh lót và pháo. Tiếng pháo tưng bừng râm ran nổ rộ khắp xa gần. Pháo nhà Tuấn cũng reo vang. Giao thừa đến! Hương sắc đất trời năm mới lan tỏa vào gian phòng ấm áp của ba mẹ con. Gian phòng nhỏ nồng nàn khói pháo, ngây ngất hương trầm, quấn quáện mùi vị dịu ngọt của mâm ngũ quả. Ba mẹ con ngồi bên bàn. Cái Thư tỉnh như sáo nhưng vẫn đòi ngồi lòng mẹ như năm cũ. Tuấn sát gần mẹ. Người mẹ dịu dàng:
-Nào! Tuấn đưa phong thư cho mẹ nào!
Người mẹ sửng sốt khi đứa con trai vụt đứng dậy, nhưng rồi chợt hiểu vì Tuấn đã đứng nghiêm cất giọng rất dõng dạc:
-Mệnh lệnh của đại úy Lê Minh. Chiến sĩ Lê Tuấn đã hoàn thành đến đúng giao thừa. Xin giao phong thư cho mẹ. Báo cáo hết!
Thằng bé giao thư rồi lại ưỡn ngực giơ tay chào. Bé Thư thích chí vỗ tay reo:
-Hoan hô! Anh Tuấn giống bộ đội ghê.
Người mẹ trẻ đón lấy phong thư, bỗng nhiên mắt mẹ ươn ướt rồi có giọt nước mắt đọng trên má. Cả hai đứa trẻ đều ngỡ ngàng. Chúng nắm vai mẹ cùng nói:
-Kìa! Mẹ khóc đấy à?
Mẹ chùi vội mắt nhoẻn cười:
-Mẹ mừng. Mẹ khóc vui đấy các con ạ! Nào, chúng ta bóc thư nhé.
Tay bóc, lòng người mẹ nghĩ: "Đúng là anh sợ ba mẹ con em buồn vì vắng anh. Anh muốn ba mẹ con vui với giao thừa, vui với xuân nên anh nghĩ ra trò vui này đây. Cảm ơn anh!" Phong bì đã mở. Ngoài bức thư có lời chúc của người chiến sĩ biên giới còn có ba món quà tuyệt diệu. Đúng như người vợ đoán. Có một bức ảnh nhưng không phải bố của Tuấn và Thư đứng trên đỉnh núi một mình mà cùng đứng với những người đồng đội trên sườn đồi tràn trề ánh nắng. Phía sau ghi "Tặng em và hai con bức ảnh anh chụp với một trung đội đang giữ điểm cao. Sau lưng anh là phía bọn nó đấy!" Món quà thứ hai là một con bướm rừng sặc sỡ ép khô. Bố dặn "Tặng Tuấn con bướm ở vùng rừng bố ở. Chúc con sang năm mới học khá hơn môn sinh vật, vì con vẫn bảo không thích môn này cứ phải mổ ếch, mổ cá, cả giun nữa..." Còn hai bông hoa mỏng mảnh giống hoa đào nhưng màu tim tím được ép rất khéo thì bông to tặng mẹ, bông bé tặng Thư với lời chúc thật vui: "Em thì trẻ mãi mà con gái của bố lớn nhanh để giống mẹ nhiều...". Vừa xem xong thư và quà, bé Thư nói luôn:
-Thế mà mẹ bảo trên chỗ bố ở chả có gì, chỉ rừng, chỉ núi...
-Ấy! Mẹ nhầm!
Người mẹ mau mắn thú nhận với cặp mắt long lanh tràn ngập niềm vui. Con bướm vàng sặc sỡ được gài ngay vào cành dào nhỏ. Cả hai bông hoa mỏng mảnh phớt màu tim tím mẹ cũng không gài lên tóc mẹ và tóc con gái như lời bố dặn. Mẹ đính cả vào cành đào nom như nó vừa nở hai bông hoa mới nhất, ngồ ngộ. Ba mẹ con vừa nếm chè kho vừa ngắm tặng vật của bố. Mẹ lại đọc kỹ thư một lần nữa cho cả Tuấn và Thư nghe. Giọng mẹ thật dịu mà lời thư của bố mới vui làm sao. Vừa nghe Tuấn vừa thầm nghĩ riêng:
-Sáng mai mình viết ngay thư chúc Tết bố. Cơ mà trước hết mình phải báo cáo hẳn hoi đã: "Báo cáo đại úy, tôi chiến sĩ Lê Tuấn đã hoàn thành nhiệm vụ đúng giao thừa! Thế... mình sẽ viết như thế ở đầu thư mới được!".
Xuân 1984