Chú bé sợ toán
Tác giả: Hải Hồ
Như mọi buổi sáng quen thuộc, trước khi đi làm, bố chọn ba bài toán đố, đánh dấu bên lề và giao quyển "tập toán" cho Sinh. Sinh sẽ phải tìm cho ra đáp số cả ba bài toán ấy. Đấy là mức ôn tập hàng ngày trong suốt thời gian nghỉ hè. Bố bảo chỉ làm xong ba bài toán là tha hồ chơi. Nhưng nào có dễ dàng gì đối với Sinh, nó chúa sợ toán. Ba bài toán sẽ đẻ ra hàng chục con tính, rồi lại lời giải nữa, chứ có ít đâu. Kể ra Sinh không phải là đứa dốt toán. Chính là nó ngại. Phải nghĩ lôi thôi lắm. Trong các môn học, nó cho toán là môn rắc rối nhất. Chao ôi! Đến nhức đầu lên được. Một bài tập làm văn lý thú hơn nhiều.
Sinh có thể tả lại một chú bộ đội giống hệt như chú bộ đội nó thường gặp. Có lần tả con mèo, nó đã viết cái đoạn con mèo ăn vụng nồi, bị mẹ vớ que củi đánh. Rồi cu cậu nhảy phóc lên mái nhà, vừa liếm mép vừa kêu "meo meo". Đúng đã có một lần xảy ra như thế thật. Nó nhớ lại được và kể rõ tỉ mỉ về tội của con mèo. Thế là cô giáo khen: "Bài văn có ý", và cô cho tám điểm. Còn như cái môn toán. Thật là đủ mọi con tính lôi thôi! Thí dụ như nó có tiền bỏ túi quần xoóc này chẳng hạn. Ví thử là hai hào, tất nhiên nó tự hiểu mua một hào kẹo tức là chỉ còn mỗi một hào để mua ổi. Ổi bé, nó sẽ mua được năm quả, ổi to thì ba quả thôi, mà to tướng như loại ổi tầu lại chỉ có độc một quả. Có khi nó chẳng mua sẽ chén kẹo tuốt. Còn những chuyện rắc rối hơn thì nó chẳng bao giờ phải lo rồi. Những là mua chục thước vải, mỗi thước bao nhiêu, hai con gà, ba con vịt, mỗi con giá bao nhiêu. Mua to quá, đấy là chuyện của người lớn, mà lớn lên là khắc biết mọi thứ, giỏi hơn lúc còn bé chứ. Thế mà bố lại cứ thích nó làm cái món to với những bài toán đều là nhiều con số. "Tích tắc! Tích tắc! Tích tắc!" Chiếc đồng hồ để trên nóc tủ đều đều đánh nhịp nho nhỏ như thúc giục, nhắc nhở nó. Đã tám giờ rưỡi rồi. "Mình phải làm cho xong để còn đi chơi mới được". Nó chăm chú nhẩm lại bài. "Ngày khai giảng, bố Ba mua cho Ba năm quyển vở, giá mỗi quyển mười sáu xu..." Con mèo Đốm chui dưới gầm ghế, ngóng đầu ngắm cái chân bỏ thõng đu đưa của Sinh. Mèo khẽ gọi: "Meo". Sinh cúi xuống "A! Chú mèo!" Nó bế con vật vào lòng, vuốt vuốt cái tai:
-Mày thì không bao giờ phải làm toán hả?
-Mèo... Grù... ù...
-Một tháng, một năm mày bắt bao nhiêu con chuột, mày có cộng không?
-Grù... Grù...
Con mèo thở, đuôi cong lên thích thú.
-Chú mày để xổng mất mấy con chuột chí nào? Xổng thì phải làm tính trừ...
-Meo... eo... eo...
"Tích tắc! Tích tắc! Tích tắc!" Cái đồng hồ gọi nó.
-Thôi! Chưa thể chơi với mày được. Tao còn phải làm toán, hiểu không?
Sinh hất chú mèo xuống đất. Mèo ngẩn ngơ giây lát rồi vươn vai, khoan thai đi ra cửa. Chắc là nó đi tìm bạn thân của nó đấy. Sinh ngó theo, vẻ tiếc rẻ, rồi nó cầm cán bút cúi đầu trên quyển vở. Nó lại nhẩm đề bài: "Ngày khai giảng, bố Ba mua cho Ba năm quyển vở..."
* * *
Sáng ngày hè, mặt trời thường dậy rất sớm và những tia nắng lóe lên rất nhanh. Chỉ một thoáng nắng đã chói lọi trên vòm cây, mái nhà, đường phố, ánh nắng ban đầu còn vàng mỏng sau cứ sáng rực lên mãi. Mẹ Sinh rất sợ cái nắng hè này, nhưng Sinh thì chẳng coi mùi mẽ gì. Mùa hè thật là tuyệt! Dường như cứ bước chân ra khỏi nhà là bao nhiêu thú vui chào đón nó. Những trận đấu bóng nảy lửa với tụi bạn cùng phố. Cứ mỗi bên ba đứa là đã có thể đấu với nhau được rồi. Còn những chú ve sầu nữa chứ! Chà chà! Cả Hà Nội dễ có đến ức triệu con ve sầu. Chúng kêu inh ỏi. Sao ve sầu lại thích đậu ở cây sấu nhỉ? ừ, sấu! Những quả sấu chín vàng, gọt vỏ lượn quanh kéo dài ra được đến gang tay ấy. Đấy, đấy! Mới sắp xong bài toán thứ nhất thôi mà ánh nắng đã rực lên khung cửa sổ, nhoáng cái nắng đã bò men vào thành cửa như rủ rê nó ra khỏi nhà. Sinh không kịp chú ý tới cái nắng mon men rủ rê bên ngoài thành cửa ấy. Nó đang hăm hở vì vừa tìm được đáp số của hai bài toán đầu mà. Thích quá! Đem so với đáp số trong sách bài tập, hoàn toàn đúng. Bây giờ chỉ việc chép sạch vào vở nữa là "mò" tới bài thứ hai được. Đã bảo mà, chỉ cần tập trung ý nghĩ là có thể làm được ngay, miễn là đừng ngại, đừng lười thôi. Bây giờ Sinh lại bắt đầu nhẩm đề bài thứ hai. Hừ! Có vẻ rắc rối đấy. Bao giờ bài sau cũng cứ khó hơn bài trước. Sinh cắn cán bút. Sinh vẫn bị cái tật như thế, lúc nào bí phải nghĩ là cứ cắn đầu cán bút. ánh nắng cũng đã vượt qua khuôn cửa kính ùa vào phòng, in những ô sáng đều đặn trên sàn nhà. "Rè rè... re... ré... re re re"
-Ve sầu kim!
Sinh buột kêu lên và ngẩng nhìn ra ngoài. Đúng rồi! Một con ve sầu kim đang ngân lên cái âm thanh cao vút nghe mới quyến rũ làm sao. "Ré... ré... ré... re re re". Nó kêu gần lắm! Chắc chỉ ở ngay cái cây nhỏ trước cửa sổ thôi. Sinh bước vội ra. Lẽ ra lúc này cần phải tập trung, nhất là công việc của nó đang có đà vui. Chẳng phải nó vừa làm xong bài toán thứ nhất đấy ư? Đấy! Nó đang ngửa cổ ngó tìm con ve bé nhỏ rồi. Bây giờ thì nó còn nhớ gì mấy bài toán nữa. Con vật như trêu tức nó, đã im bặt. Chà! Giá mà tóm được nhỉ. Loại ve này xinh lắm. Chỉ bé bằng đầu ngón tay út thôi. Kêu rất thanh. Lại rất hiếm. Thế là ánh nắng, vòm cây, đường phố và con ve sầu kim cứ như khêu gợi, vẫy gọi nó. Nó quay vào bàn chẳng được một phút. Nó chặc lưỡi: "Dù sao mình cũng đã làm xong được một bài. Đến chiều mình sẽ làm nốt mà. Mình sẽ đi hỏi thằng Minh, cái thằng "vua toán của lớp" ấy!" Gấp sách vở lại, Sinh bước ra khỏi nhà, qua cái cổng sắt cũ kỹ. Nó đút tay vào túi quần xoóc, đi tới nhà bạn cùng phố.
* * *
Nắng chói chang! Đường phố này có nhiều cây sấu to. Phố không có cửa hiệu buôn bán, chỉ toàn nhà ở. Lại đang giờ làm việc nên đường càng vắng lặng. Giữa đường, một bác công nhân già đứng trên thành chiếc xe bò đỗ sát miệng cống ngầm đã mở nắp. Bác chờ người bên dưới vét đầy xô, giật dây báo hiệu là bác ta lại kéo lên. Đổ xô bùn cống vào xe xong, bác lại thong thả buông xô xuống. Vắng gió, nắng càng gắt, bùn cống trong xe như càng bốc lên mùi nồng nặc. Một lát sau, vừa kéo dây, bác ta vừa nói với xuống dưới:
-Nghỉ ít phút đã chú mày ơi! Từ dưới cống một cái đầu buộc chéo chiếc khăn mùi xoa nhỏ, một bộ mặt thanh niên trẻ nhô lên. Anh thợ vét cống lên đến mặt đường oằn lưng, vươn vai, thở một hơi dài như muốn hút hết khí trời vào lồng ngực. Anh thốt lên:
-Ngạt quá bố ạ!
Bác thợ già mỉm cười:
-Kể chú mày cũng vào loại chịu giỏi đấy! Khà!
Bác ta đổ xô bùn vào xe, còn anh thợ trẻ tới vỉa hè ngồi bệt xuống gốc cây sấu. Người già rủ người trẻ:
-Ra bà hàng nước làm một cốc chè tươi chứ!
Anh lắc đầu xòe đôi tay lấm đầy bùn cống:
-Chẳng! Bố khát thì đi. Tôi nghỉ thôi.
Anh thợ trẻ ngồi lại một mình, nhặt hòn gạch nhỏ vạch xuống mặt đường những hình tam giác chia cắt nhằng nhịt. Anh thừ mặt suy nghĩ, đôi mày nhíu lại, vẻ mải mê đăm chiêu; chắc những hình tam giác ấy đang giữ nhiều điều bí ẩn đối với anh ta lắm. Sinh đi tìm bạn nhưng không gặp. Nó đi vơ vẩn một mình trên đường phố. Vừa đi nó vừa ngửa tay tung tung đồng năm xu sáng loáng. "Keng", đồng xu rơi xuống đường, lăn một đoạn dài. Sinh nảy ngay ra trò chơi, nó thả cho đồng xu lăn và bước theo. Hễ đồng xu sắp đổ, Sinh lại đá thêm cho nó lăn tiếp trên đường nhựa, tưởng như đang điều khiển một chiếc bánh xe tự động nhỏ tí xíu. Sinh mải nghịch trên mặt đường, không để ý tới cái choạc sắt úp trên miệng cống với bảng hiệu "cấm" đo đỏ. Đồng xu vẫn chạy, đồng xu sắp ngã. "Hấp", miệng nói chân nó đá hất luôn, đồng xu bon bon lăn qua kẽ choạc sắt rơi tọt xuống cửa miệng cống đã mở, Sinh vội đuổi xô tới. Anh thợ trẻ nhìn thấy nó từ nãy vội bảo:
-Lộn cổ xuống đấy giờ, cậu bé!
Sinh dừng lại nhìn anh ta:
-Em... em rơi đồng năm xu.
Anh thợ trẻ cười, vẻ trêu ghẹo:
-Nó trốn xuống đấy để cậu khỏi mua kẹo mà.
Sinh nhìn anh ta mỉm cười. Anh nháy nháy mắt, vẫy tay:
-Lại nhờ tý, ông bạn nhỏ!
Nó bước tới và anh ta nghiêng người lấy cùi tay cà cà xuống túi áo:
-Lấy giúp điếu thuốc lá. Tay tớ bẩn.
Sinh móc tay vào cái túi áo rộng, lấy ra bao thuốc lá. Anh thợ trẻ vui tính dẩu môi ra. Nó bật cười, đút điếu thuốc vào miệng anh. Anh ta gật gật, lại lấy cùi tay trái cọ vào sườn trái:
-Diêm!
Nó lại móc diêm, thấy anh chìa đôi tay bẩn, nó hiểu ý, xòe lửa và châm vào đầu điếu thuốc. Người thợ trẻ hít một hơi thật dài, nhả khói, gật đầu khen:
-Khá lắm.
Anh gõ ngón tay xuống gốc sấu rủ nó.
-Ngồi xuống đây.
Sinh ngoan ngoãn ngồi cạnh, nó cẩn thận bỏ trả diêm thuốc vào túi anh, rồi lặng nhìn ra cái miệng cống. Còn anh thợ trẻ vừa hút vừa ngắm nhìn cái đầu tóc bù xù và khuôn mặt bần thần của chú bé. Người thợ mỉm cười, hích cùi tay vào vai nó hỏi đùa:
-Sao! Tiếc đồng tiền vàng hở?
-Vàng đâu! Mỗi năm xu.
Giây lát, nó hỏi lại người thợ.
-Dưới cống thì nhiều hang chuột lắm, phải không anh?
Người thợ không trả lời, ra hiệu cho nó cùng đi tới trước miệng cống. Sinh nhòm xuống dưới, cống sâu hun hút, nước nhầy nhụa đen bóng. Anh ta bảo nó:
-Thấy chưa? Một bể nước.
Nhưng chú bé bỗng reo lên như khám phá ra điều gì thú vị:
-Có bậc thang bằng sắt để xuống kia kìa.
Anh hỏi nó:
-Chú mày có dám xuống không?
Không do dự, nó gật:
-Anh cho em xuống, anh nhớ.
-Không sợ bẩn à?
Nó lắc:
-Anh đấy thì sao!
-À! Đây là nghề của anh. Thợ vét cống mà. Lại hè ngồi cho khỏi nắng.
Đứa bé theo người thợ trẻ tới hốc sấu lúc nãy. Nó lấy tay khỏa khói thuốc anh vừa thở ra.
-Dưới ấy sâu ghê lắm hở anh?
Người thợ gật:
-Chui xuống có thể cứ tụt xuống mãi.
-Mãi đến đâu thì thôi?
Anh le lưỡi dọa đùa:
-Đến âm tá địa ngục.
-Không phải.
Anh nói dối.
Nó xua xua bàn tay.
-Giữa lòng quả đất có lửa chứ lại âm tá à. Cô giáo bảo thế.
-Và đây là vỏ quả đất đã nguội chứ gì.
Anh ta tiếp lời nó và khen.
-Khá lắm! Tớ không lừa được chú mày rồi. Đùa thôi, chứ không sâu đâu, chỉ rất dài và nhiều ngóc ngách lắm.
Thấy nó chú ý nghe, anh nói thêm:
-Chú mày biết không? Cứ chui theo cống là có thể đi ngầm khắp mọi nơi.
-Thế cơ à? Ô tô, tàu điện chạy trên đầu, dân vét cống chúng tớ cũng phớt tỉnh.
-Mà có đi được khắp Hà Nội không?
Anh gật:
-Hà Nội bao nhiêu đường phố là bấy nhiêu đường cống ngầm, cũng ngang dọc.
Anh lượn bàn tay làm hiệu theo lời nói.
-Chơi đi trốn mà chui được xuống đây thì tha hồ.
Anh thợ trẻ gật đầu:
-Có rồi đấy.
-Thế anh cũng cho trẻ con xuống chơi à?
-Ta "chơi" đi trốn với Tây ý mà.
Chú bé nhìn chằm chằm người công nhân, vẻ ngơ ngác khó hiểu. Anh ta giảng giải:
-Thế này nhớ. Hồi trước thằng Tây bỏ tù công nhân ta vào nhà pha Hỏa Lò. Công nhân mới trốn ra chui tọt xuống cống. Tây báo động gọi lính đi truy lùng tù sổng. Nó đi trên đường sục vào nhà, vào ngõ, nhưng tù sổng cứ ung dung đi ngay dưới chân nó. Thằng bé thốt lo lắng:
-Ai mở nắp cống cho mà lên.
Người thợ cười phá lên:
-Ngốc ơi! Các ông ấy theo cống bò ra bờ sông Hồng. Cửa cống ở đấy.
-Cửa cống! Cống cũng có cửa.
Thằng bé nhắc lại, sung sướng.
-Ừ! Toài ra sông, lặn một hơi bơi sang bên kia. Thoát! Tắm một cái cho mát mẻ. Ú tim! Thế là Tây thua, biết chưa?
Anh ta toét miệng cười.
-Tài quá nhỉ!
Câu chuyện của người thợ vét cống vui tính đã hấp dẫn nó, làm nó quên phắt cái đồng năm xu mới toanh. Nó thủ thỉ hỏi:
-Ai nghĩ ra việc xây cống ở Hà Nội, khôn ghê!
-Công nhân chứ, chú mày! Công nhân xây, công nhân vét bùn, lại cả công nhân bưu điện mắc dây dưới ấy nữa, hiểu không? Có thích làm công nhân như chúng tớ không?
Sinh gật đầu nhưng nó nói sẽ sẽ, vẻ tiếc rẻ:
-Chỉ sợ ở nhà lại không cho. Phải đi học.
-À! Là lúc lớn cơ chứ! Còn bây giờ đi học là đúng rồi. Chú có biết không? Thú lắm. Nước nào cũng có cống ngầm như thế này, hiểu không? Và nước nào cũng có công nhân làm việc ở dưới cống.
Bác thợ già đã trở về chìa hai quả chuối cho anh ta:
-Ăn đi rồi vét mấy tua nữa.
Người thợ ngừng kể, cầm chuối đưa cho Sinh một quả:
-Em ăn đi! Nó lắc đầu:
-Em...
-Ăn! Khách sáo thế là không đúng kiểu công nhân rồi. Công nhân là cùng có, cùng ăn.
Sinh nhìn người công nhân và cầm quả chuối:
-Em xin! Bác công nhân già cũng bảo:
-Ăn đi cho vui, cháu!
Còn người trẻ thì phá ra cười vui vẻ:
-Có thế chứ! ông bạn công nhân tương lai.
Vừa ăn chuối, anh vừa kể tiếp câu chuyện với chú bé:
-À! Thế này nhớ! Hễ muốn gặp nhau ở dưới cống là cứ việc xây nối tiếp vào nhau.
Sinh ngừng nhai:
-Cơ mà gặp sông?
-Thì cứ xây qua sông mà.
-Thế biển? -Cũng xây được chứ sao. Giai cấp công nhân mà không xây được à? Bác thợ già đang đứng quạt hỏi chen vào:
-Chú mày bịa chuyện gì đấy?
Anh cười:
-Bịa đâu! Chuyện công nhân mà.
Sinh lại hỏi:
-Thế xây chệch không gặp thì sao?
-Chệch thế nào được, phải tính toán chứ! Công nhân là phải giỏi cả môn toán rồi.
-Toán!
Nó thốt kêu se sẽ.
-Đúng. Phải giỏi toán mới tính được chứ.
-Anh không để ý tới vẻ ngỡ ngàng của thằng bé vốn sợ toán ấy.
-Xây xong là toàn công nhân các nước gặp nhau. Bắt tay! Đủ cả nhớ!
-Lại chỉ gặp ở dưới cống thôi à?
Nó bật hỏi, khiến người công nhân già bật cười, bảo anh ta:
-Bịa với trẻ con nữa thôi ông trẻ?
Anh cười, cãi lại:
-Bịa đâu! Nghĩa là chú mày hiểu không? Thông đường cống các nước rồi, hiểu không? Bắt tay rồi, hiểu không? Bấy giờ mới được lệnh: "Hấp!" một cái, cùng mở nắp cống. Thế rồi kéo chân lũ đế quốc tụt xuống cống. Còn công nhân thì lên hết trên đường đóng sập cống lại. Cho chúng hóa chuột ráo. Hiểu không?
-Thế... thế nhỡ chúng nó mở nắp chúng nó lên?
Chú bé băn khoăn hỏi. Người thợ bĩu môi lắc mạnh:
-Loại ấy có phải công nhân đâu mà biết mở. Lũ bụng to ăn sẵn mà lỵ.
-Thế thì chết đói.
-Thì đã bảo hóa chuột ráo mà. Phải không bác?
Ông già cười:
-Cũng phải đấy!
Giắt quạt vào sau lưng quần, ông giục:
-Làm thôi! Chú mày nghĩ cũng giỏi chuyện thật.
-Như thế đã hiểu chưa?
Anh phủi quần đứng dậy cùng người thợ già bước tới miệng cống. Sinh cũng bước theo họ:
-Anh cho em xuống với anh một lúc, em xem.
Anh thợ trẻ lắc đầu:
-Không được! Nước và bùn còn nhiều lắm. Chú mày mà xuống thì ngập rốn. Nói xong anh ta bíu vào thang tụt xuống. Bác thợ già cũng bảo nó:
-Xuống nghịch gì cho bẩn quần áo cháu!
-Cháu không sợ bẩn đâu.
Nó nói, vẻ quả quyết. Giọng bác ta nghiêm chỉnh hơn:
-Về đi kẻo nắng. Đây có phải chỗ chơi đâu.
Anh thợ trẻ có vẻ thương hại thằng bé, anh nhoai lên, thò đầu nháy mắt với nó, nói nhỏ:
-Này! Để hôm nào cạn nước, hết bùn tớ sẽ cho cậu đi "du lịch" một hôm dưới này.
Anh hất hàm.
-Về đi.
-Mà đến hôm nào cơ ạ?
-Vài hôm nữa.
-Anh đừng nói dối nhớ.
-Tất nhiên.
Anh ta quệt vào má nó.
-Chết quên! Bẩn.
Thằng bé cười.
-Thôi!
Anh khoát tay.
-Về đi ông bạn công nhân tương lai.
Và anh ta thụp xuống. Sinh chạy tâng tâng về, nó cũng chả cần chùi cái vết bùn ở má, trong lòng đang thích thú vô cùng. Thế là nó sẽ được xuống cống ngầm. Đi chơi dưới ấy có mà trời biết. Rồi nó sẽ kể lại những điều bí mật dưới cống cho bọn bạn nghe. Chúng nó cứ là trố mắt. Nó hỉ hả về đến nhà, vừa bước vào cửa mẹ nó đã hét lên:
-Gớm chưa kìa! Đi đâu về mà mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi lem luốc thế hử?
Mặt đỏ phừng phừng, Sinh vẫn tràn ngập niềm vui. Nó vội khoe:
-Con sẽ được xuống cống ngầm dưới đất cơ.
-Cái gì?
Sinh lại sát mẹ:
-Đi với anh công nhân. Theo xuống cống xem, anh vét cống ở ngoài đường ấy.
-Ối giời!
Người mẹ kêu lên.
-Nghịch bẩn nghịch thỉu thế nữa.
Sinh phụng phịu:
-Mẹ không biết thì thôi.
-Rửa đi! Rồi về tao bảo với bố mày.
Bà rút khăn mặt và nắm tay con lôi ra sân.
Nó đành bước theo mẹ, bụng vẫn không hiểu sao mẹ lại sợ phát khiếp lên như thế. Giá mà mẹ được nghe anh ấy kể chuyện công nhân thế giới xây cống qua cả sông, cả biển rồi gặp nhau nhỉ.
* * *
Tối hôm ấy, khi nghe mẹ Sinh mách ý định nghịch ngợm của Sinh và biết con không làm xong được hết ba bài toán, bố Sinh buồn: "Một thằng bé lười, hay lêu lổng!" Nhưng cũng chính trong giấc ngủ tối ấy, chú bé lại thiếp lịm với giấc mơ kỳ ảo. Kìa! Sinh đang cùng anh thợ vét cống đi trong lòng đất. Anh thợ dắt Sinh đi, đường cống ngầm không bẩn một tý nào. Thật như thế, rõ ràng xây toàn bằng gạch hoa và dài tăm tắp. Từng đoạn một có những chùm ánh sáng rọi xuống từng vệt dài như vệt nắng vẫn thường xuyên qua lỗ hổng trên hiên nhà nó. Nhưng vệt nắng ở đây đẹp hơn nhiều, xanh mờ và huyền ảo lạ kỳ. Sinh cố ngước tìm nhưng không thấy bóng đèn. Ai thắp cái ánh sáng đó nhỉ? À! Chắc là bóng đèn của bà tiên. Anh thợ trẻ cũng ngắm những tia ánh sáng đó. Anh cười bảo: "ánh sáng mặt trời soi đường cho anh em mình đi đấy!". Nó cười tít. Hai anh em cứ dắt nhau đi rẽ ngang rẽ dọc rất nhiều lần, con đường ngầm kỳ lạ như dài thêm ra vô tận! Bỗng tới một chỗ có rẽ ngang, lại đề biển số 37. Sinh reo lên:
-Có biển số giống ở cửa nhà em.
Anh thợ gật đầu:
-Đúng rồi! Đây đúng là đường cống ngầm dưới sân nhà em, chắc cả nhà đang chờ em ở trên mặt đất đấy.
Chú bé thích thú gào to:
-Mẹ ơi! Bố ơi! Con ở dưới này này.
Tiếng gọi của nó vang khắp đường cống, ngân dài mãi như tiếng chuông vang. Anh thợ trẻ nắm tay nó:
-Em cứ áp tai vào vách cống mà nói chuyện. Trên nhà nghe thấy đấy.
-Thật không ? Thế thì thích nhỉ?
-Hẳn đi chứ!
Nó bước nhanh tới áp sát tai vào vách, gọi vui vẻ:
-Mẹ! Mẹ đang làm gì đấy?
-Cái gì? Ai gọi thế?
Tiếng mẹ hỏi.
-Con đây! Con là thằng Sinh mà.
-Sinh! Con ở đâu đấy? Sao mẹ chả thấy?
Nó cười. Anh công nhân cũng nhìn nó cười. Nó nháy mắt, xua tay ra hiệu cho anh ta đừng nói và nó hỏi:
-Thế mẹ ở đâu hẵng?
-Mẹ đang ngồi ở giường chứ đâu.
Tiếng bà mẹ.
-Thế thì con ở ngay dưới chân mẹ ấy.
-…
-Đúng mà! Có thể là chệch đi một ít. Con ở dưới gầm bàn cũng nên. Hì! Hì!
-Lạ chưa? Sinh ơi! Đừng nghịch nữa.
Tiếng người mẹ run run.
-Lại đây với mẹ.
-Hì! Hì!
Nó cười thích thú.
-Con ở dưới đất mà. Dưới này đẹp lắm. Con có thể đi khắp mọi nơi.
-Sao lại thế? Con đang ở đâu?
Giọng người mẹ đượm lo âu.
-Mẹ chẳng thấy con đâu cả.
-Con ở dưới cống mà. Tài không? Con đi với anh công nhân vét cống đấy.
Tiếng bà mẹ kêu lên:
-Ối giời ơi! Mày lại nghịch bẩn thế ư?
-Không bẩn. Con cam đoan với mẹ là sạch! Không bẩn một tí nào.
Mẹ nó quát lên:
-Về! Về ngay! À, phải rồi, mình nằm mê. Nó mở to mắt. Đây là mình đang ngủ ở nhà mình. Thật tiếc quá. Giá mình đừng sực tỉnh thì có lẽ còn đang đi với anh công nhân xem nhiều thứ đẹp lắm. Lại còn được gặp các anh công nhân các nước cũng nên. Tiếc thật! ! Bố và mẹ cũng đang ngủ im cả. Tích tắc! Tích tắc! Tích tắc! Đúng rồi! Chỉ có chiếc đồng hồ trên nóc tủ là không ngủ mà thôi.
* * *
Một ngày hè mới lại bắt đầu. Sinh lại ngồi bên bàn với ba bài toán mới. Nhưng sáng nay nó chưa thể đọc lại đề bài. Giấc mơ đêm qua cứ diễn lại trong trí óc nó. Nó nhớ rõ mồn một, đường cống không bẩn mà đẹp, anh công nhân vui tính ấy không lem luốc một chút nào, không mặc cái áo rách có túi to nữa mà mặc cái áo trắng phau, cái quần xanh ngắt, những chùm ánh sáng mơ hồ, hai người dắt nhau đi vui vẻ... Sinh muốn gặp ngay người thợ vét cống ấy, nó muốn kể lại cho anh nghe về giấc mơ đêm qua. Anh ấy có hay nằm mê không nhỉ? Giá anh ấy cũng mơ thấy như mình nhỉ? Nó lại bỏ mấy bài toán, đi ra ngoài đường phố. Nó không đi lang thang như mọi hôm, mà đi thẳng tới chỗ người công nhân vét cống. Cái choạc sơn trắng đỏ, có biển cấm tròn tròn trên nóc kia rồi. Cũng như hôm qua, khi người thợ già thủng thẳng đi tới hàng nước chè, anh thợ trẻ lại hí húi với ông viên gạch nhỏ và những hình tam giác gạch xóa nhằng nhịt. Sinh bước tới:
-Anh!
Người thợ trẻ ngửng lên:
-A! ông bạn nhỏ!
Và anh nói đùa.
-Hôm nay không rơi đồng xu nào xuống cống chứ?
Chú bé lắc đầu, bàn tay vô tình vỗ vỗ vào túi:
-Em có nghịch nữa đâu.
-Khá! Hình như những hình tam giác vẽ trên hè vẫn làm anh mắc míu. Tay anh vẫn mân mê hòn gạch nhỏ, đôi mày nhíu lại. Sinh tò mò hỏi:
-Anh nghĩ gì đấy?
-Hà! Một bài toán hình. Hắc quá!
-Toán à!
Nó buột kêu và chợt nghĩ: anh ấy cũng làm toán. Người lớn đều cứ thích toán. Người thợ trẻ không để ý đến vẻ tư lự của chú bé. Anh chặc lưỡi:
-Chú mày biết không? Tối qua anh bị con 2 cay như ớt. Cái môn hình này...
-Anh lại cũng đi học nữa à?
Nó hỏi rụt rè.
-Chứ sao. Nhưng không được đi học ở trường ban ngày như chú đâu, học tối thôi. Chà! Gay nhất môn này đây.
Đang gõ cành cạch viên gạch vào chỗ hình tam giác nhằng nhịt, bỗng anh ngừng tay hỏi nó:
-Này. Chú đi học có giỏi cái môn toán này không?
Chú bé ngần ngừ nhìn anh thợ. Nó lo nếu nói thật là sợ toán thì anh ấy sẽ chê nó lười và không cho nó đi xuống cống ngầm nữa. Nhưng rồi nó không muốn nói dối người công nhân mới quen và dễ mến, nó rụt rè:
-Tập làm văn với viết chính tả thích hơn.
-A ha!
Anh ta cười phá lên rất tự nhiên.
-Chắc là cũng kém toán như tớ rồi. Chén "ngỗng" no chứ? Toán gay lắm chú mày ơi!
Như gặp được người cùng cảnh, thằng bé cũng cười theo, nó lắc đầu lia lịa:
-Em chúa sợ làm toán.
-Ấy! Thế thì tớ khác chú em rồi. Dốt mà anh lại rất mê. Càng gặp bài khó càng say.
Sinh đứng ngẩn ra. Nó thật không hiểu ý người thợ.
-Em... em tưởng anh chẳng cần phải học toán.
-Nhầm rồi chú bé ơi!
-Anh ẩy vai nó cười.- Chú mày tưởng chui cống như tớ thì không cần gì toán hết à?
Thấy đứa bé đứng lặng, anh hích tay:
-Này! Còn phải gặp nhau với công nhân thế giới bắt tay...
-Anh bảo đi theo cống mà.
-Chứ sao! Nhưng dốt toán thì làm sao tính toán xây được qua sông, qua bể cho khỏi lệch để gặp nhau. Phải không nào?
Dường như Sinh đã chịu, nó đứng im. Anh hỏi:
-Chú mày định lớn lên làm gì mà có vẻ ngại toán thế?
Sinh thủ thỉ:
-Đi bộ đội thôi. Bộ đội phi công.
-Chết! Cái món ấy mà dốt toán lại càng không được.
Nó cãi:
-Lớn lên sẽ biết chứ ạ!
Anh công nhân trẻ không cười, anh nhìn vào đôi mắt chú bé:
-Phải học mới biết, em ạ! Lúc anh còn bé, anh cũng nghĩ thế đấy. Cứ tưởng làm người lớn là giỏi cả.
Đứa bé hỏi rủ rỉ:
-Lúc còn bé bố anh cũng bắt anh làm nhiều toán à?
Người thợ lắc đầu:
-Anh ở với một bà cô từ bé. Cô anh nghèo.
Anh thở dài nho nhỏ. Thế là anh ấy bị mồ côi rồi. Đứa bé biết là anh công nhân ấy buồn. Những con ve trên khắp dọc đường phố kêu rộ lên inh ỏi. Hai anh em cùng im lặng như lắng nghe tiếng ve, tiếng gọi quen thuộc của mùa hè. Dưới gốc sấu, đôi bạn chênh tuổi đời lại chuyện trò với nhau. Anh thợ trẻ được nghe kể về giấc mơ đêm qua của chú bé, anh cũng hiểu nó vốn sợ ba bài toán hàng ngày trong vụ hè. Tuy không hiểu rõ ý định của người bố, nhưng anh đã giảng giải cho người bạn nhỏ của mình biết sự cần thiết của môn toán. Cho tới khi người bạn già trở lại, trước khi tụt xuống cống anh ta lại hẹn với chú bé lời hẹn hôm trước:
-Thế nào anh cũng sẽ cho chú đi du lịch dưới cống ngầm!
Trở về nhà, Sinh thấy vui hẳn lên. Nó sẽ chẳng sợ toán nữa, vì nó đã biết toán rất cần cho mọi người. Cả anh bộ đội phi công cũng cứ phải học toán từ lúc bé.
Thật kỳ lạ! Tối hôm ấy, bố của Sinh thấy con mình làm đủ cả ba bài toán và hai bài hôm qua bỏ dở! Những đáp số rất đúng! Khi nhìn vào tập giấy nháp, ông còn thấy lẫn những con tính làm thử, Sinh đã vẽ linh tinh đủ thứ. Những nét vẽ ngộ nghĩnh, nguệch ngoạc: cái máy bay có sao vàng ở cánh mà người phi công lại cưỡi lên đầu máy, những cái ống tròn dài nom như ống cống, ống máng gì đó, lại cả những hình người có râu và không râu, mặc quần xoóc có dây đeo như nó đang mặc. Và kìa, trước mặt người bố, đứa con lại đang ngồi ngoan ngoãn nhìn bố với đôi mắt long lanh chờ đợi một lời khen về kết quả của những bài toán ấy. Khi nghe con nói rõ câu chuyện của nó với anh công nhân trẻ, ông gật gù: "Khá". Bố của Sinh đã hiểu: chính cuộc gặp gỡ đó cùng những hình dáng kỳ quặc đầy vẻ tưởng tượng ở bản nháp kia đã giúp cho Sinh đủ sức tìm ra một lúc đáp số của những năm bài toán khó.
Hè 1963