Chẩn Bệnh Thế Tử
Tác giả: Hải Thượng Lãn Ông
Ngâm xong tôi lên cáng mà đi, tử cửa cung Khánh Thụy qua đình Quảng Minh, rồi qua cửa Đại Hưng, theo đường phía hữu đi hơn nửa dặm nữa thì đến dinh quan Chính Đường. Cửa dinh cao lớn, voi đi lọt, hai bên có dựng điếm túc trực[56] bày đồ nhung trang mười phần nghiêm chỉnh; quân lính canh ngày đêm, tra xét bọn người tạp nhạp. Tôi vào trọ trong phạn điếm. Bọn tòng nhân đi sắm sẵn áo mũ để tôi vào sảnh đường. Bấy giờ chuông lầu đã điểm canh tư. Trên sảnh bài thiết nghi trượng sáng bóng, chói cả mắt. Trước sân bọn lính đi lại như chợ. Tôi đứng đợi giờ lâu mới hỏi viên dịch trưởng trực nhật. Y nói: “Có phải lão sư là thày thuốc ở Hương Sơn tên là Lãn Ông chăng?”. Tôi đáp: “Chính phải đó! Nhưng sao quan nhân biết tôi?”. Người ấy nói: “Thời thường từng thấy thượng quan đàm đạo, lại nghe có Thánh chỉ tuyên triệu, nên mới biết việc đó; lão sư nên đợi một lát, Thượng quan vào chầu qua đây, đón xe mà yết kiến, thật thuận tiện”. Tôi theo lời ngồi đợi một lúc, quả thấy Thượng quan đi ra. Mọi người đều tránh né, im hơi. Trong sân có đặt một cỗ kiệu. Trước và sau kiệu, những người mang nghi trượng phân ban ra mà đứng chỉnh tề. Tôi rảo bước tới trước sân bái kiến. Vị thượng quan truyền cho chước miễn, lại kêu đến trước mặt, cười mà rằng: “Ngày nào thì khởi hành? Ngày nào thì đến kinh?”. Tôi thưa lại đầy đủ. Thượng quan quay lại, nói sẽ mấy câu với một vị quan nhỏ còn trẻ tuổi, rồi bước lên xe vào triều.
Tôi còn chưa hiểu ra sao thì viên quan này đến mời tôi về tư thất. Bấy giờ tôi mới biết thanh niên ấy là trưởng tử của thượng quan, tuổi ước trên dưới hai mươi, tướng mạo đẹp như ngọc. Vị này mời tôi ngồi cùng chiếu, tôi cố từ hai ba lần, vẫn cứ không nghe, một mực khiêm tốn, kế đó chia ngôi chủ khách mà ngồi. Quận hầu mở đầu rằng: “Nghe lão sư bão học hoài tài, nhởn nhơ nơi núi hang, cây đàn chén rượu làm vui, lại có lòng cứu giúp người, từng thấy cha tôi nhiều lần khen rằng hiện nay về nghề thuốc không ai ở trên lão sư. Tôi một lòng ngưỡng mộ đã lâu, may thay một sớm được thừa nhan, thật là tam sinh hữu hạnh”. Tôi cảm ơn, nói rằng: “Tôi là kẻ sơ cuồng[57] chốn sơn lâm, dám đâu sánh với đời. Quận hầu[58] ban cho tiếng khen ấy làm tôi sợ hãi vô cùng”. Quậ n hầu sai người đến dinh quan Trung Kiên truyền lính gác nhà quét sạch sân và nhà, kê giường trải chiếu, hẹn giây lát hồi báo. Người này đi chẳng bao lâu trở lại thưa rằng các việc đã xong xuôi cả. Quận hầu nói rằng: “Dinh này huyên náo không tiện, nhà chú tôi có một nơi tuy chẳng rộng rãi nhưng mát mẻ đáng yêu. Hiện nay chú tôi có công vụ phải qua trấn Sơn Tây cho nên mới để không cái dinh ấy, mời lão sư đến đó nghỉ ngơi”. Nói đoạn, đứng dậy dắt tôi đi qua nội sảnh ước độ vài mươi bước, theo cửa nhỏ mà vào, thì thấy ngoại sảnh, trung đường, phòng ngủ, nhà bếp đều có ngăn nắp. Quận hầu vào trung đường cùng tôi ngồi nói chuyện. Lúc đầu tôi tưởng đây cũng là công tử vương tôn sinh trưởng nơi phú quý, quen tập nhiễm thói phồn hoa; sau mới biết ông là người học vấn uyên bác, hiểu rõ những điều phải trái xưa và nay, phàm nhân tình thế vị đều đã nếm đủ, hơn nữa có tính khiêm tốn, tuyệt nhiên dung mạo không chút chi kiêu hãnh. Tôi thấy vậy lại càng kính phục. Trời gần tối ông mới cùng tôi cáo biệt. Tôi sai bọn theo hầu thu dọn hành trang để đi yên nghỉ. Còn bọn trấn binh đi hộ tống thì cho trở lại trấn cũ, khỏi nói đến nữa.
Tháng hai ngày mồng một, tôi nghe tiếng gõ cửa rất gấp. Tôi sai người mời khách vào thì thấy một tên lính hầu thở hổn hển bước tới. Đó là kẻ dịch mục của quan Chính Đường. Y thưa với tôi rằng: “Có thánh chỉ tuyên triệu lão sư, quan truyền mệnh còn đợi ở trụ sở của quan lớn tôi. Tôi vâng mệnh chạy đến báo lão sư biết và đã lấy lính bản dinh đem cáng đến đón ngoài cửa rồi, mời lão sư vào chầu trong phủ ngay”. Áo mũ chỉnh tề, tôi bước lên cáng đến cửa phủ. Lúc ấy dịch mục đi trước hét đường, còn cáng thì đi vùn vụt như thể ngựa chạy. Tôi bị một phen đưa đẩy, sốc sác lấy làm mệt nhọc. Khi đến cửa phủ thì được người dẫn đi qua hai lần cửa nữa rồi rẽ theo đường bên trái mà tiến bước. Tôi ngẩng đầu lên coi thì bốn phương tám mặt, nơi nào cũng cây cối um tùm, chim kêu hoa nở, gió thoảng hương đưa. Những hành lang, những bao lơn bước bước đều liên lu, nơi nơi đều cân đối. Kẻ gác cửa có việc gì thì truyền báo, kẻ công dịch qua lại như mắc cửi. Tôi thầm nghĩ: “Mình vốn là công gia tử đệ, sinh trưởng ở kinh đô, mọi chốn trong Cấm thành đều thông thuộc; duy sự thể trong phủ chỉ được nghe nói thôi, mới hay cái giàu sang của nhà vua chẳng phải tầm thường vậy”. Tôi ngâm mấy câu để ghi nhớ:
Kim qua vệ sĩ ủng thiên môn
Chính thị Nam thiên đệ nhất tôn
Họa các trùng lâu lăng bích Hán
Châu liêm ngọc hạm chiếu triêu đôn
Cung hoa mỗi tống thanh hương trận
Ngự uyển thời văn anh vũ ngôn
Sơn dã vị tri ca quản địa
Hoảng như ngư phủ nhập đào nguyên
Qua vàng[59] ngàn cửa lính canh đền
Đây chính trời Nam chốn chí tôn
Nguy ngật lâu đài sông Hán[60] khuất
Lung linh liêm mạc[61] ánh vàng xuân
Cung hoa không dứt mùi hương thoảng
Ngự uyển đưa kêu tiếng vẹt dồn
Quê kệch chưa tường nơi vũ nhạc
Tưởng mình đâu lạc tới đào nguyên.
Đi ước vài trăm bước qua mấy nơi khuê môn[62] mới đến cái điếm hậu mã quân túc trực. Điếm ở bên một cái hồ lớn, trong hồ có cây kỳ đá lạ, trong điếm cột và câu lơn đều gẫy gọn, thể chế khéo lạ. Quan Chính Đư ờng mỗi khi thoái triều thì nghỉ ngơi ở đấy. Thấy tôi đến, ngài bảo quan Truyền chỉ rằng: “Chiều hôm trước,tôi đã tâu với Thánh thượng để ông này vào chầu, cho mạch cho Đông cung thế tử”. Ông cùng với quan Truyền chỉ cùng đi, bảo tôi đi theo, có mấy tên tiểu hoàng môn nối gót. Khi đến một cái cửa lớn, lính thị vệ thấy tôi ăn mặc hơi khác lạ, vội lại ngăn trở. Quan Truyền chỉ nói rằng: “Có Thánh chỉ tuyên triệu”, chúng mới để cho đi qua. Qua dẫy hành lang về phía tây thì đi dến một ngôi nhà lớn, vừa cao vừa rộng, hai bên để hai cỗ kiệu ngự, những đồ nghi truợng[63] đều chạm trổ thiếp vàng; ở gian giữa kê cao một cái sập ngự cũng thiếp vàng; trên sập treo một cái võng điều. Trước sập và hai bên sập có kê kỷ án, đồ đạc chẳng thường thấy ở nhân gian. Tôi chỉ liếc mắt trông qua, cúi đầu mà đi. Lại đi qua một cái cửa nách nữa thì đến một cái gác cao rộng. Trong gác những giường cột t ừ trên xuống dưới đều sơn son. Tôi hỏi quan Truyền chỉ thì ông đáp: “Ngôi nhà lớn vừa đi qua mà có cuốn cỏ bồng[64] gọi là Tử các[65] . Nay Thế tử ở đó ngự trà, nên cũng gọi là phòng trà (thuốc mà gọi là trà, ý kiêng nói đến thuốc)”. Lúc ấy trong phòng trà có tám chín người, thấy quan Chính Đường đi tới, đều đứng dậy. Quan Chính Đư ờng ngồi ghế trên, rồi mọi người theo thứ tự mà ngồi. Ông truyền cho tôi vào giữa hàng những người ấy. Mới đầu tôi còn chưa hiểu, sau mới biết những người ấy là lương y của sáu cung hai viện được dự hầu “trà” ở đây, ngày đêm tức trực. Thấy tôi mọi người nhìn nhau, có kẻ cúi đầu nói nhỏ. Quan Chính Đuờng cười mà rằng: “Ông này là con ông Liêu Xá, Đường Hào, ngụ tại Hương Sơn, nghề thuốc nổi danh trên đời, nay vâng Thánh chỉ mời vào kinh”. Lúc ấy trong bọn có một người đầu đội khăn nhiễu Tàu, cười mà bảo tôi rằng: “Lão s ư có nhận biết tôi là ai không?”. Tôi thưa: “Tôi ở chốn sơn dã, mà nay đư ơng buổi thịnh triều, các quan đông đảo, sao mà quen biết được?”. Người ấy nói: “Tôi là người An Việt La Sơn, lúc còn ở nhà từng nghe đại danh mà chưa gặp”. Tôi mới biết ông là giáo quan ở An Việt, tên là Chức. Nhờ có quan trấn là Nguyễn Kiêm ở Tiên Điền đề cử làm thị y dược, được cai quản thuộc viện của Bộ binh, giữ chức Tham đồng. Tôi nói: “Chỗ ở quan lớn với chỗ ở của tôi không xa cách lắm, nhiều lần muốn được yết kiến, nhưng sợ tới mà không duyên do”. Câu chuyện chưa dứt thì quan Truyền mệnh đến nói nhỏ với quan Chính Đường. Vị này đứng dậy bảo tôi rằng: “Hãy tạm lui đi ăn sáng”. Tôi theo ông đi đường cũ đến điếm Hậu mã. Ông nói: “Thánh Thuợng nghỉ ngơi tại đó, phi tần đứng hầu chung quanh, chưa dám tiến kiến, cho nên tạm ra ngoài”. Ông san sẻ dồ ăn cho tôi. Trong lúc ăn uống tôi thấy chén bạc mâm v àng, các món ăn đều quý lạ, mới hay phong vị của đại gia là thế. Ăn vừa xong đã thấy quan thị cận[66] chạy hộc tốc đến triệu quan Chính Đường vào nghe lệnh. Tôi đi theo ông, đến trước phòng “trà”. Ông sợ tôi lạc lối, bảo đi sát đằng sau ông, chợt thấy một nơi kia màn gấm mở ra, vào bên trông thấy đen tối, không biết đâu là cửa ra, màn trướng thì hết lớp này đến lớp khác, mỗi lớp đều có thắp một ngọn nến để dẫn đường. Đi qua chừng bốn năm lớp trướng gấm thì đến căn nhà rộng, vào trong thấy một vị ngồi giữa chiếc sập thếp và ng, độ năm sáu tuổi, mặc áo lụa hồng, tả hữu có mấy người đứng hầu, một cây nến lớn đốt cháy, cắm trên cây đèn đồng. Bên sập đặt một cái long kỷ[67] sơn son vẽ vàng, mặt kỷ có đệm gấm. Ngang sân trư ớc có treo một trướng gấm, phía trong cung nhân đứng xúm xít với nhau, nến sáng lụa che, mặt phấn áo hồng, lóng lánh mọi vẻ; mùi hoa thơm chan hòa khắp nhà.
Nguyên Thánh Thượng[68] ngự trên long kỷ đã tạm lui vào trong trướng để cho tôi xem mạch cho được tinh tường. Lúc ấy tôi nín thở, đứng ở một bên xa xa để đợi lệnh. Quan Chính Đường truyền cho tôi ra phía trước cúc cung lạy bốn lạy. Thế tử cười rằng: “Người này lạy khéo”. Quan Chính Đường lại truyền rằng: “Già yếu, cho ngồi mà coi mạch!”. Tôi liền cúi người xuống đến trước sập ngự, ngồi mà chẩn bệnh. Chẩn xong, nghe trong trướng có lời nói se sẽ: “Cho xem cả hình trạng nữa”. Một viên nội thần đứng đó đi tới bên sập ngự bẩm xin thế tử đứng dậy cởi áo đứng cạnh sập để cho xem. Tôi coi kỹ môt lượt lưng, bụng, chân tay, thân thể. Quan Chính Đường lại truyền bái tạ mà cho lui; tôi liền đứng dậy, lạy bốn lạy. Có lệnh sai một tiểu hoàng môn dẫn tôi ra phòng trà mà ngồi. Một lát sau quan Chính Đường mới bước ra, bảo tôi rằng: “Lão y xét mạch tình ra sao, ứng dụng phương thuốc gì, nhất nhất đều kê ra để tiến nạp.” Ông còn bảo tôi rằng: “Mang bệnh đã nửa năm rồi, trước kia gầy lắm, bây giờ mới thêm da thịt, coi đó thì biết sở bẩm[69] không đầy đủ, lại bệnh đã lâu không bồi bổ gì được, nếu dùng dương dược bụng nóng không chịu nổi, mà dùng âm dược thì trệ mà thêm bực dọc. Nay phải dùng những vị phát tán[70] mới ổn đáng”. Rồi ông sai Viện Tả quan đem những đơn thuốc đương được dùng để tôi xem xét. Nguyên ông đã tiến cử tôi, nên mới có những nghị luận ấy mà ông cho là hợp ý nhau. Vả lại ông vốn am tường y học, tuy vậy cái hiểu biết của ông còn chưa được thuần hòa, mỗi lúc đàm luận ông đều có ý công phạt[71] . Ông thường nói rằng: “Có bệnh thì phải chữa bệnh, rồi uống thuốc bồi bổ là chí pháp”. Nhưng theo tôi chỗ tôi thấy thì vì ở chỗ màn trướng vây bọc, ăn no mặc ấm, phủ tạng[72] mềm yếu, lại thêm mang bệnh đã lâu thì tinh huyết hao kiệt, khô khan, mặt không nhuận sắc, bụng lớn gân xanh, chân tay khẳng khiu, chẳng qua cái gốc đã bị tổn thương nhiều, lại còn lạm dụng đường lối công phạt sắc bén, không biết rằng cái hao kiệt ngấm ngầm làm cho cái hư cà ng thêm hư vậy. Cái kế sách ngày nay không bổ còn đợi gì. Chỉ sợ dùng nó chẳng được lâu, thảng hoặc thành công mau lẹ, tất nhiên sẽ rơi vào vòng cương tỏa, không có ngày trở về núi; bất nhược dùng phương pháp hòa hoãn, chẳng trúng thì không quá sai lệch. Tôi lại nghĩ rằng: “Tổ phụ nhà mình đời đời chịu ơn nước, mình nên tận tình nối cái chí giữ điều trung của tổ phụ”.
Tôi suy nghĩ kỹ càng rồi thưa rằng: “Vâng coi thánh thể thấy gầy gò mà mệt nhọc lắm, mạch chạy mau, âm dương sút kém cần phải bồi bổ hai thứ tỳ, thận để củng cố cái căn bản của tiên thiên[73] , bồi bổ cái hóa nguyên của hậu thiên, khiến cái chính khí được đầy đủ ở trong, bệnh tự tiêu ngầm ở ngoài, chẳng trị bệnh mà bệnh khắc hết vậy”. Lúc ấy ông cứ quay đi trở lại bày tỏ ý kiến ông để chỉ dẫn cho tôi, tôi cũng biết thế. Ông nói rằng: “Ông đã lập kiến[74] mà chẳng đổi thì kê lời luận bệ nh và đơn thuốc để tiến nạp”. Tôi theo lời làm tờ khải rằng:
Nay vâng xem xét thấy sáu đường mạch đều chạy mau mà không còn sức, mạch bên hữu thì mạnh mẽ, mạch bên tả yếu ớt. Đó là tỳ âm hư, vị hỏa quá nhiều, không tàng giữ được dương, âm hỏa võng hành[75] , cho nên bên ngoài thấy bụng phình lên, thế là cái tượng trong thì không, ngoài thì phù. Phải bổ tỳ thổ, làm cho đầy đủ cái lực của khôn nhu thì các trở ngại tự nhiên được san bằng vậy.
Nay phụng kê:
Bạch truật
1 lượng, gạo rang ba lần, đừng quá cháy, cốt giữ huơng vị để bổ tỳ khí.
Thục địa
3 đồng cân, nướng khô, làm cho tỳ mềm mại và để bổ âm cho tỳ.
Càn khương
2 đồng cân, sao đen để giúp vận động mạnh lên.
Ngũ vị
1 đồng cân để nhuần phế khí, điều tiết tiểu tiện.
Tất cả đều đun cho thành keo, mỗi lần dâng vào một chén trà, dùng thần thảo làm thang, đun lửa to, dùng vào lúc còn nửa no.
Tiểu thần Lê Hữu Trác phụng kê
Tôi viết xong, đệ nạp quan Chính Đường. Ông xem giờ lâu, dường như có vẻ ngần ngại. Lúc ấy, các y sĩ ngồi đó đứng dậy để coi đơn thuốc; ông không cho coi, thu tờ khải vào trong tay áo, cười mà rằng: “Ông này về phương pháp và biện luận so với bọn ta đều khác biệt rất nhiều”. Ông sai một nội thần đem tờ khải dâng nạp. Một lát sau ông đứng dậy bảo tôi đi theo về trú sở Hậu Mã. Uống trà xong, nghỉ ngơi đôi chút, ông lại bảo tôi rằng: “Đường dài khó nhọc, tạm về nhà trọ nghỉ ngơi, nếu có thân bằng đến mời mọc cũng không được rời chỗ ngụ, vì còn phải đợi thánh chỉ”. Tôi buớc ra, lên cáng trở về dinh quan Trung Kiên. Một tuần qua đi, các thân bằng trong kinh thành đến hỏi thăm tôi, xa cách nhớ nhung cũng là thường tình.
Hãy nói quan Chính Đường từ ít ngày nay ở trong phủ chầu chực, không giờ khắc nào trở về nhà. Tôi cũng chẳng biết bài thuốc mà tôi tiến dâng ra sao nữa. Quận hầu thường đến chỗ tôi ngụ mấy ngày liền, chuyện trò cười nói có khi canh khuya mới về, tình nghĩa thật đậm đà. Một ngày kia, dịch mục của quan Chính Đường đến chỗ ngụ truyền lệnh rằng có thánh chỉ tuyên triệu, tôi phải lập tức vào chầu. Tôi đến ngay dinh Quận hầu lấy bốn tên lính đi theo, lên cáng vào chầu, đến trú sở Hậu Mã đợi lệnh. Một giờ trôi qua mà chẳng thấy có truyền báo gì. Mãi sau một tiểu hoàng môn là gia nhân của quan Chính Đường cầm nến từ cung cấm ra đi, vào bếp dọn bữa cơm tối, cùng tôi ngồi ăn. Y bảo tôi rằng: “Quan lớn tôi nói rằng: Lão sư hãy về chỗ trọ, sáng mai trở lại đây”. Y ghé bên tai tôi nói kính mừng nhỏ: “Cung hỉ, cung hỉ. Thánh thượng đã chuẩn ban lương bổng bằng suất hai mươi lính tùy hành, phán cho quan Câu kè[76] hộ phiên chiếu lệ thi hành. Ngày mai sẽ nghe lệnh.” Tôi nghe nói vậy thì than thầm: “Lấy cái đó mà nhập vào việc đề cử thì có nghĩa lý gì!”. Ăn xong, tên tiểu hoàng môn lây cái quân phù[77] đi dêm trong cung Cấm (dài hơn năm thuớc, hai đầu giát bạc, có khắc tự danh Nội Sai) dắt tôi ra khỏi cửa phủ. Suốt một đêm suy nghĩ, tôi chẳng chợp mắt, nghĩ thầm: “Có việc đề cử ắt chẳng buông tha, nếu mình thụ mệnh[78] , rốt cuộc không từ chối được, chi bằng thác bệnh không vào”. Ngày hôm sau, tôi sai gia đồng đem thủ thư đến Quận hầu xin sai nhân vào bẩm với quan Chính Đường rằng: “Đêm tôi bị cảm hàn, đầu nhức, mình nóng, đứng ngồi lẩy bẩy không vào hầu được”. Lát sau Quận hầu đến vấn an, bảo tôi rằng: “Việc ấy tôi đã vào trong phủ bẩm với cha tôi rồi, lão sư bất tất để trong bụng, mong sớm được khoẻ mạnh để vào chầu, chắc sẽ có thăng thưởng”. Tôi hỏi: “Sao Quận hầu biết điều ấy?”. Ông nói: “Trước đây vì có việc công tôi vào trong phủ, cha tôi nói rằng lão sư kê đơn thuốc trong tờ khải, thì viện y phân vân thương nghị, chưa dám tiến ngự. Duy Thánh thượng ngự lãm, khen là rất thông y lý, đã chuẩn định ban thưởng”. Tôi nghe vậy thì lo âu hiện ra sắc mặt. Quận hầu vốn biết tôi có ý muốn được ra về, cười mà rằng: “Lão sư tài lớn, chẳng chịu nổi việc ngựa kỳ, ngựa ký nặng nhọc kéo cái xe muối, mà chẳng vui chăng?”. Tôi đứng dậy, hướng về phía trước với dáng vẻ sắp cúi xuống lạy. Quận Hầu hoảng hốt đứng lên nói rằng: “Từ khi lão sư về kinh đến nay, sớm hôm tôi được thừa tiếp, có nhiều tiến ích cho tôi. Có việc gì cứ xin nói thực, tôi nguyện hết lòng giúp đỡ”. Tôi nói rằng: “Tôi từ thuở nhỏ có chí bay nhảy, vì số mệnh và thời cơ ngang trái mới ẩn tích nơi sơn cùng để lo nhàn dưỡng. Năm nay đã lục tuần, tai điếc mắt chậm, há có cầu tiến; lại vì lắm bệnh mà học nghề thuốc. Chẳng ngờ một sớm đại nhân đề bạt đến đây, thảng hoặc Quận hầu có thương, xin giúp tôi một phen; nếu chưa được quay về núi thì cũng có thể thoát khỏi cái dàm danh, thật là may lắm”. Quận hầu cười mà rằng: “Bệnh nhiệt của lão sư thực không có thuốc gì chữa đưọc. Nên lấy ở Hương Sơn một chén nước để trị bên trong, một mảnh mây để đồ bên ngoài, tự nhiên khỏi bệnh ngay”. Tôi cười rằng: “Quận hầu đã uống nước thượng trì[79] cho nên trông được phế phủ[80] như thế chăng?”. Nói xong hai người cùng cười mà cùng nhau từ biệt. Sáng hôm sau, Quận hầu sai người mang đến một bức thư nhỏ nói rằng đã thưa với đại nhân, nhưng chỉ cười mà chẳng đáp, lại dặn riêng tôi nên nằm giường bệnh, đừng liên lạc thư từ với tân khách. Tôi đáp: “Xin vâng lời dạy”. Mấy ngày sau, tôi thấy Quận hầu đến mặt mày hớn hở. Tôi ngầm hiểu việc tôi đã xong rồi. Ông nói: “Đã mấy lần tôi cất lời nói, cha tôi như có ý ngần ngại, tôi phải thật tình cố xin thì cha tôi bảo: Lúc trước chẳng tưởng ông ấy thờ ơ với công danh, trước mặt nhà chúa ta đã nói nhiều về học thuật của ông ấy, nay đổi giọng lưỡi thì thật là khó. Chỉ có thể cáo là già yếu mà từ chối. Ta vào chầu rồi thì báo cho ông ấy ngày mai đến Phủ đợi mệnh”. Tôi nghe nói mừng rỡ khôn xiết, cười mà nói với Quận hầu rằng: “Lúc này quan Chính Đường ý hẳn cũng hiểu cho tôi rồi”. Quận hầu lại nói rằng: “Cứ như ngôn ngữ của cha tôi, tôi nghĩ lão sư sẽ nối lại lời ước xưa với vượn hạc núi cũ mà chẳng phụ bạc”. Tôi đáp rằng: “Nhờ có Quận hầu cứu giúp, chắc cũng không có gì khó”. Đàm thoại nửa giờ rồi cùng từ biệt. Sáng hôm sau tôi đến phủ đợi mệnh, không thấy quan Chính Đư ờng đâu cả, tôi hỏi bọn lính gác thì họ đều nói: “Thánh thượng ngụ tại Đông Cung, quan Chính Đường chầu chực tại đó”.
Một người lính thuộc quyền tôi sai khiến dẫn lộ, chúng tôi theo cửa hữu phủ đường mà đi, quanh co ước hơn một dặm thì thấy lâu đài đình các, rèm châu cửa ngọc, ánh nước long lanh thấu từng mây. Quanh lối đi nào kỳ hoa, dị thảo, gió thoảng hương bay, chim xinh, con hót con nhảy. Chốn bình địa nổi ngọn núi cao, nơi bóng râm tỏa lùm cổ thụ. Cầu sơn vẽ bắc qua giòng nước, đá sặc sỡ tạo thành lan can. Tôi vừa đi vừa ngắm, thực chẳng khác cảnh tiên vậy. Sau đến cửa Đông cung, gặp quan Chánh Đường ở triều về, bảo tôi đến trú sở. Uống trà xong, ông cười mà bảo tôi rằng: “Ông ở chỗ lâm tuyền phóng dật đã quen, từ lúc vào kinh, ngày đêm chạy qua chạy lại mới biết nỗi lao khổ”. Tôi đứng dậy tạ rằng: “Tôi vốn người nhiều bệnh, thêm tuổi già yếu đuối, mong đại nhân thương tình cứu giải cho”. Ông nói: “Ngày nọ tôi đã đạo đạt ý của ông, muốn tạm ở xứ ngoài mà đợi lệnh, đã được chuẩn y rồi, ông nên ở chỗ trọ đợi lệnh, chẳng nên đi chơi xa, nếu đi đâu cũng phải có chỗ ở nhất định, sợ rằng bất thần có tuyên triệu đó”. Nói chưa dứt lời đã thấy viên nội thần đến triệu quan Chính Đường. Tôi tạ từ về chỗ trọ. Quận hầu đến hỏi thăm tôi. Tôi đem đầu đuôi câu chuyện kể rõ một lượt. Quận hầu mừng rỡ nói rằng: “Lời ngạn nói vào cửa hầu sâu tựa biển, huống hồ ông đi hay ở chẳng do cha tôi tự do định đoạt, biết làm sao bây giờ?”. Tôi thưa: “Quận hầu là núi Thái sơn của tôi, biết tôi là Quận hầu, cứu tôi cũng là Quận hầu vậy. Sức người có thể thắng trời. Cái tiền trình của tôi chưa thể nom thấy trước được”. Chuyện trò nửa giờ lâu mới từ biệt nhau.
Mấy ngày sau, quan Chính Đường ở triều về, tôi vào bái tạ. Lúc ấy một số quan liêu ngồi giữa nhà, cũng có người biết cửa nhà, tính danh tôi. Quan Chính Đường đem việc tôi kể cho họ nghe. Một viên quan cười nói rằng: “Ngư ời ta lấy điều được làm quan là mừng, ông đây lấy điều mất quan là may, sao riêng khác người ta vậy. Người xưa có câu rằng: Công hầu đâu có tại nham huyệt[81] , thế mà cái phong lưu nơi nham huyệt chẳng sút kém cái phú quý của công hầu”. Tôi nghe nói, nghiêm mặt mà rằng: “Kẻ sĩ ở nơi hoang vu được đại nhân tiến cử, một sớm Cửu trùng biết đến, thực là thiên tải kỳ phùng, tam sinh hữu hạnh. Chẳng qua vì già yếu, đi đứng đau đớn, nên chẳng dám tham lộc trời, tự cam phúc mỏng, hối tiếc biết bao!”. Một viên quan khác nói: “Thấy ông nét mặt đồng nhan[82] , nghiễm nhiên như tùng bách[83] dạn sương, trong phép tu dưỡng ắt có điều sở đắc”. Lại một viên quan nữa nói: “Nếu ai ai cũng là Y-Chu[84] thì ai là Sào-Do[85] ?”. Quan Chính Đường cười mà nói rằng: “Kẻ sĩ ai có chí của người ấy”. Lát sau mọi người đều đi ra.
[56] Túc trực : chầu chực ban đêm.
[57] Sơ cuồng : không cẩn thận và rồ dại.
[58] Quận hầu : tiếng tôn xưng người có quan tước.
[59] Qua vàng : dịch chữ kim qua; qua là cái giáo, tức là thứ khí giới cán dài, mũi sắt nhọn, dùng để đâm.
[60] Sông Hán : tức là sông Ngân Hán, tên gọi đường trắng ở trên trời do ánh sáng các tinh tú tạo thành, trông hình như con sông bằng bạc.
[61] Liêm mạc : cái rèm và cái màn.
[62] Khuê môn : cái cửa nhỏ trong thành.
[63] Nghi trượng : đồ trần thiết trang nghiêm nơi vua ngồi hay lúc đi đường.
[64] Bồng : thứ cỏ cứ đến mùa thu thì khô héo, gặp gió thì bay tung.
[65] Tử Các : gác tía.
[66] Thị cận : trông coi gần, đây nói các quan hầu cậ n.
[67] Long kỷ : ghế ngồi của bậc vua chúa.
[68] Thánh Thượng : chỉ chúa Trịnh Sâm.
[69] Sở bẩm : cũng như nói bẩm thụ, tức là hình hài và tính chất trời cho
[70] phát tán : làm cho cái khí độc nhiễm trong người tan giải ra ngoài.
[71] Công phạt : đánh phá, ý nói dùng những vị thuốc có năng hiệu mạnh mẽ và nguy hiểm.
[72] Phủ tạng : các bộ phận trong bụng, trong ngực ngư ời ta. Vị, đảm, tam tiêu, bàng quang, đại tiểu tràng là lục phủ; tâm, can, tì, phế, thận là ngũ tạng.
[73] Tiên thiên : những cái bẩm thụ được trước khi sinh ra. Hậu thiên : đối với tiên thiên.
[74] Lập kiến : định rõ, nêu rõ cái quan điểm của mình; ấn định điều gì theo kiến thức của mình.
[75] Võng hành : đi đông không trật tự.
[76] Câu kè : chức quan đời xưa coi việc tra xét sổ bộ.
[77] Quân phù : phù hiệu trong quân làm tin cho các mệ nh lệnh, cũng gọi binh phù.
[78] Thụ mệnh : nghe theo lời truyền bảo.
[79] Thượng trì : ao nước ở nơi cao tuyết, ý nói phép tiên.
[80] Phế phủ : phổi và các bộ phận trong bụng người, các bộ phận này gọi là lục phủ.
[81] Nham huyệt : núi và hang, ý nói chỗ ở ẩn.
[82] Đồng nhan : mặt trẻ con, ý nói nom mặt thì như ng ười còn trẻ trung.
[83] Tùng bách : hai loại cây thông, mùa đông tháng giá cũng không vàng lá rụng cành. Hai chữ tùng bách dùng để ví với những ng ười có khí tiết vững vàng.
[84] Y-Chu : Y Doãn đời nhà Thương và Chu Công đời nhà Chu, hai người đều là bầy tôi giỏi.
[85] Sào-Do : cũng thường nói Sào-Hứa. Tức là Sào Phủ và Hứa Do, là hai người cao sĩ đời Đường Nghiêu. Vua Nghiêu muốn nhường ngôi cho Hứa Do. Do nghe chuyện ấy, ra bờ sông Dĩnh Thủy rửa tai, gặp khi S ào Phủ dắt trâu đến đấy cho uống nước. Sào Phủ sợ nước bẩn miệng trâu, bèn dắt trâu lên quãng sông dòng trên cho uống.