watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thượng Kinh Ký Sự-Thăm Bệnh Chúa Trịnh Sâm - tác giả Hải Thượng Lãn Ông Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông

Thăm Bệnh Chúa Trịnh Sâm

Tác giả: Hải Thượng Lãn Ông

Đến ngày ước hẹn, quan Viên hình đã sai người nhà chèo hai chiếc thuyền đến. Quan Đốc đồng[221] sai chuẩn bị bếp núc, đợi lúc mặt trời sắp lên thì lên thuyền mà đi. Sau giờ ngọ, thấy kẻ dịch mục của quan Chính Đường đem sáu người lính bản dinh đến. Tôi kinh ngạc hỏi duyên cớ. Y nói: “Vâng Thánh chỉ tuyên triệu quý sư. Lúc nửa đêm được lệnh đại quan diện truyền, gà gáy qua sông, một mạch đi thẳng tới đây mời quý sư về kinh, việc chẳng thể để chậm được”. Tôi nghe vậy, than rằng: “Mình là kẻ tôi mọi vậy! Chỉ tiếc rằng cái cao hứng của mình bị cản trở, biết làm sao đây?”.
Lúc ấy chẳng kịp gặp mặt chào biệt các công tử, chỉ vái chào chị dâu, ngậm đắng ra đi, gấp bước mà tiến. Chiều tối đến quán trọ thổi cơm ăn, xong rồi rong đuốc mà đi. Canh hai đêm ấy, đến bến Bát Tràng. Khi này gió giục đùng đùng, sóng dâng cuồn cuộn. Tôi bảo người dịch mục rằng: “Dùng thuyền ngang nhỏ qua bến thì khó mà sang sông được, nếu có dùng thuyền buồm chăng nữa, cũng chẳng có thể vào phủ được; bọn ta hãy tạm trú lại, sáng sớm hôm sau lại ra đi cũng không muộn đâu”. Chúng tôi quay lại quán nghỉ ngơi. Lúc gà gáy quân sĩ qua sông, sau đó đến dinh quan Chính Đường. Áo mũ chỉnh tề rồi, tôi vào cửa phủ[222] .
Lúc này Thánh Thượng ngủ tại Đông cung. Quan Chính Đường trú ở cung Thập Tự phía ngoài. Tôi vào yết kiến. Quan Chính Đường trông thấy tôi thì mừng rỡ, cười mà bảo rằng: “Sao trở về nhanh được thế” - Tôi đáp: “Đi suốt đêm”. Ông đuổi các người tả hữu đi, bảo tôi đến trước mặt, ghé vào tai mà nói rằng: “Trước tuần nhật này, Thánh Thượng đến cung Vọng Hà, xem thủy quân bơi đua, rồi cảm gió. Sáu, bảy năm nay vẫn đau sẵn rồi, nguyên khí suy tổn, cho nên chỉ bị cảm mà bệnh đã trầm trọng ngay. Ông nên ở đây đợi lệnh”. Nói xong, ông đi vào cung. Tôi ngồi đợi đến gần tối mới thấy ông đi ra, bảo nhỏ tôi rằng: “Lúc này Thánh Thượng bị sốt âm, nên không vào được, ông hãy ngủ tại đây, đợi sáng hôm sau vào chầu”. Tôi đáp: “Đi đêm bị gió sương, xin được về chỗ ngụ điều dưỡng, sáng hôm sau xin đến thật sớm”. Tôi được phép rồi thì trở về chỗ ngụ.
S áng sớm hôm sau, từ tám phương đi tới, đã thấy người đến triệu thôi thúc ba lần rồi. Lúc ấy binh lính theo hầu dùng cáng chở tôi đi, ra sức chạy nhanh, trên đường đi bất luận sang hèn đều bị đánh đuổi. Đến cửa phủ, cáng hạ xuống, tôi bước vào đã thấy quan Chính Đường đứng chờ ở dưới thềm. Ông bảo tôi theo sau ông mà đi, khi đến cửa Cấm, bảo tôi dừng lại đợi lệnh, còn ông đi vào. Chẳng bao lâu, quan Nội Sai là Thạch Trung Hầu[223] đến truyền lệnh dắt tôi vào. Đi qua dãy nhà ngang mười bước thì trèo lên một cái nhà cao, phía sau nhà này là mọt căn nhà rộng rãi, tức ngự tẩm ở đó. Quan Nội Sai cầm tay áo tôi mà dắt, mở trướng gấm, qua vài ba lần trướng màn nữa thì thấy ở giữa nhà, Thánh Thượng nằm trên cái võng mắc nơi ngự tọa dát vàng. Ngự tọa có đệm gấm. Bên hữu là giường ngài ngự, trên giuờng gấm vóc sắc vàng mấy lượt bỏ rủ xuống, lại có màn che muỗi. Quan Chính Đường cùng với quan Tham Đồng (vị quan này là người Việt An, ngự y được tin dùng) ngồi hầu ở bên tả, thị thần chỉ có Thạch Trung Hầu đứng tại đấy. Ngự tọa có một bức trướng che ngang, đằng sau bức trướng có tiếng người nói, ý giả các cung nhân ở đó, vì khách đến nên lánh đi. Trước chỗ chúa ngự có đốt một cây nến cắm vào một cái giá bằng đồng. Lúc ấy tôi đứng thẳng ở trước ngự tọa, cách xa độ hơn mười bước. Tôi cất tay ngang trán muốn làm lễ lạy chào. Quan Chính Đường truyền cho tôi được miễn làm cái lễ ấy. Thánh Thượng trông thấy tôi, quay bảo quan Chính Đường rằng: “Rất giống mặt Liêu sư” - Liêu sư tức là chú tôi.
Quan Chính Đường bảo tôi đến bên Ngài ngự coi mạch. Tôi khom mình đi tới. Quan Tham Đồng bảo tôi ngồỵ; quan Chính Đường lại bảo tôi ngồi vào giữa, tôi mới nghiêng mình lách vào. Quan Chính Đường, quan Tham Đường tại tả hữu, tôi ở giữa, ba người ngồi chạm vai nhau. Sau lưng có bức vách phấn, bức vách chỉ cách ngự tọa có hơn hai thước, mình tôi như dính liền vào bàn ngự tọa. Thánh Thượng xuống võng, ngồi trên nệm gấm, quay sang phía tả mà thở, đặt tay trên gối gấm cho quan Chính Đường coi mạch, rồi cho tôi coi, sau hết cho quan Tham Đường coi. Lúc ấy mặt trước, ngự tọa chỉ cách tôi có vài ba thước, tôi chỉ cúi đầu, chẳng dám trông lên. Quan Chính Đường bảo tôi rằng: “Ý kiến thế nào, cho cứ thực nói ra”. Tôi thưa rằng: “ Thần kính xem các mạch tả hữu quan thốn đều chạy rất mau, mạch tả chạy mau mà chìm, mạch hữu chạy mau mà nhỏ. Lại ấn tay lên mạch thì thấy đều vô lực”.
Thánh Thượng hỏi: “Hai ông có thấy gì khác không?”. Hai ông đều tâu là cùng nhận thấy như thế, riêng không thấy mạch găng ở tay tả. Rồi cho tôi ra ngoài, bảo tôi biên đơn tiến nạp. Tôi ra ngoài cửa cung đến điếm Thị Ky, cùng ngồi với quan Chính Đường. Ông nói nhỏ về nguồn bệnh, thấy chứng bệnh thế nào nhất nhất kể cho tôi hay và hỏi kín tôi: “Bệnh chứng ra sao?”. Tôi nghĩ: -Thân thể gầy gò, da thịt khô khan, nước tiểu vàng đục, đại tiện táo bón, bụng đầy, thời thường thở dốc, lại toát khí nhiệt, miệng khát, lưỡi nổi mụn, ho mất tiếng, mọi thứ đều là triệu chứng tinh khô huyết kiệt. Tình thế lại rất gấp, sợ rằng cái khí của dạ dầy đã suy bại đến cùng cực, mà ý chừng trước kia trong lúc điều trị chưa từng bồi bổ. Có thể là chính căn bệnh không đến nỗi thế mà vãn hồi được chăng? - Tôi đáp: “Khó hay dễ thực chẳng dám quyết. Xin dâng thuốc một lần, nếu sáu đường mạch trở lại hòa hoãn mới khỏi lo ngại”. Hai ông thúc tôi kê đơn. Đơn thuốc như sau:
Tiểu thần Lê Hữu Trác phụng kê
Xin phỏng theo bát vị, có tăng giảm để chế cao
Thục địa - 5 lạng
Sơn dược - 3 lạng (cơm rang, sao 2 lần)
Sơn chu - 2 lạng (dùng rượu nấu, bỏ hạt)
Mẫu đơn - 1lạng 5 đồng cân
Bạch phục linh - 1 lạng 5 đồng cân (ngâm sữa)
Mạch môn - 1 lạng 2 đồng cân
Ngũ vị - 8 lạng (dùng sống)
Quế phụ - 5 lạng
Nhục quế - 5 lạng (ky lửa)
Cho tất cả vào một nồi đất, đun thành cao, đoạn thêm vào:
Cao lộc nhung - 2 lạng
Cao câu kỷ - 1 lạng
Đun lửa và quấy đều. Đem cao ấy ra, bỏ nhục quế đã tán nhỏ vào, đậy nắp giữ kín. Mỗi lần dâng một chén trà nhỏ, sau khi đã đun to lửa, dùng thần thảo làm thang.[224]
Nay kính trình

Đến tối thấy quan Nội Sai là Thạch Trung Hầu đến tuyên triệu quan Chính Đường, quan Tham Đồng cùng tôi vào chầu. coi mạch như lần trước, lại xem xét bệnh một lần nữa. Chẩn bệnh sau, Thánh Thượng hỏi: “Mạch đã nổi lên và chạy nhanh, sao lại dùng quế phụ?”. Tôi thưa rằng: “Thần trộm xét mạch vô lực, nếu có nhiệt lắm cũng là nhiệt giả, nay lại đưuợc chẩn bệnh một lần nữa, quả thấy mạch tình thượng thực hạ hư, phương thuốc tiến nạp thật là đích đáng”. Thánh Thượng lại hỏi: “Đã bị sốt, sao bụng lại đầy, cơm không tiêu?”. Tôi thưa rằng: “Thần trộm thấy trong sách thuốc có nói:- Xét mạch thấy vô thần, chính là phù du, cái nóng phát ra ở da thịt thì ngoái nóng mà trong lạnh, thượng thực hạ hư, cho nên bụng đầy không tiêu”. Ngài ngự lại hỏi: “Trong đã lạnh sao nước tiểu lại vàng đục?”. Tôi thưa rằng: “Thần thấy trong sách nói bên trong khí không đủ thì nước phải biến sắc, chẳng phải ở trong thực có nóng”. Thánh Thượng nói rằng: “Người này nói quả quyết ắt có định kiến[225] . Vậy theo đơn chế một tễ nhỏ dùng thử”. Hai ông thưa rằng: “Cái đơn thuốc tiến nạp ấy thật đích đáng”. Rồi mọi người đều bước ra điếm Thị Ky cùng ngồi. Quan Chính Đường sắc mặt tỏ ra ngại ngùng, bảo tôi rằng: “Mạch hồng sác mà dùng quế phụ để cho nóng, sợ chẳng phải là hư hỏa mà ông quả quyềt như vậy, thật là đáng sợ”. Quna Tham Đồng nói: “Lử a đổ thêm dầu, nếu chẳng phải là điều chân kiến[226] , há chẳng dám làm liều”. Tôi nói: “ Búa rìu[227] ngay tại trước mặt, tôi há lại không biết điều họa phúc sao? Chỉ biết đem hết cái kiến thức của mình ra cho hết lòng. Vả lại trước đây đã dùng thuốc mát mà nhiệt chẳng giảm, bụng lại đầy thêm, đó là cái cớ trong thì lạnh, chẳng còn hồ nghi gì nữa”. Quan Tham Đồng khen rằng: “Như thế là có bằng cứ rồi”. Quan Chính Đường cười nói trằng: “Phải gấp chế thuốc”. Rồi ông sai quan thủ phiên Hữu Viện man cái rương thuốc ngự để mọi người cùng cân lường, trao thuốc cho quan thị dược để đem đun lên. Hai ông đều quay về trụ sở. Tôi cùng các quan coi thuốc hữu viện chuyện trò. Tôi thấy một viên hoạn gác cửa, đứng ở chỗ giả sơn nhà quảng đưởng, cách tôi vài ba chục bước, đưa tay ra vẫy tôi. Tôi đứng ngay dậy mà đến vơi y. Vị quan này nói rằng: “Vâng chỉ truyền của Thánh mẫu đến vời lão sư coi mạch, khó dễ ra sao, cho được cứ sự thực mà thưa”. Tôi nghĩ một lúc khá lâu mới nói rằng: “Tôi là người chốn sơn dã, một sớm triều kiến mặt trời, lấy làm sợ hãi, mười phần chẳng nói lên được một. Tuy có xem mạch, còn sợ biện nhận chẳng đúng, nay đang bận coi thuốc thang, sau đó mới biết hay dở, xin quý hầu xét cái tình thực của tôi mà tâu lên cho”. Vị quan này trở vào trong cung Cấm. Tôi quay lại trụ sở hỏi viên trực nhật y viên quan ấy là ai. Y nói đó là Thản Trung Hầu, quan nội sai tại Công Phiên Quản thị Cán Quân. Tôi đi đến cung Thập Tự xin phép trở về nhà. Quan Chính Đường bảo: “Sáng sớm thì quay lại”. Tôi được phép rồi ra đi. Đêm ấy vào giữa canh năm tôi đến cửa phủ, cửa chưa mở, ngồi đợi cửa mở rồi vào. Tôi thấy quan Chính Đường mặt mũi vui tươi, thì cũng mừng thầm, như vậy quả quế phụ không nóng. Quan Chính Đường nói rằng: “Thuốc ấy dâng Ngài ngự lần thứ nhất được hòa bình, ho giảm bớt, đến gà gáy theo đdn chế một tễ dâng lên, thì tiểu tiện dễ dàng mà ít vàng, ắt là nhiệt đã giảm rồi. Ông bảo tôi đi theo vào cửa Cấm; đến ngoài cửa đứng đợi, còn ông vào trong trước. Một nháy mắt sau đã thấy có lệnh truyền cho tôi vào, và cho thăm mạch. Thánh Thượng nói rằng: “Uống thuốc ấy vào cũng được thanh thái, hơi có ý muốn ăn, nay nên làm thế nào?”. Tôi tiến lên thưa rằng: “Sức thuốc còn kém cỏi, chưa được thành công, xin cho chế cao dược. Khi khí thuần, lực toàn mới dùng đến thuốc bổ”.
Ngài ngự truyền quan Chính Đường gấp rút chế cao dược. Ông được lệnh, cùng tôi rảo bước đi ra đến điếm Thị Ky. Ông đến trụ sở ăn sáng, bảo tôi ở đó đợi cơm bữa. Chẳng bao lâu nhà bếp bưng mâm cơm đến. Đồ ăn ngon lành chẳng cần phải kể. Từ đó mỗi ngày ba bữa tôi ăn cơm tại đó. Quan Chính Đường chiều tối thì đến điếm Thị Ngư bảo tôi cân, chọn và chế thuốc cao. Tôi mớn chọn những thứ rất tốt để làm thuốc, về lộc nhung chỉ chọn Bắc nhung, lấy mầm non nơi có huyết ngưng 10 lạng, nấu thành cao 2 lạng để hòa hợp v ới thuốc cao khác, lại chọn nhân sâm thứ to béo (1 cân) 45 chi, giá tiền là một ngàn một trăm quan tiền, nấu mọi thú mà chế thành thang thuốc. Quan Chính Đường giao cho quan thị trà coi giữ và nung nấu, chẳng nói đến việc này.
Tôi lại thấy Thản Trung Hầu thuở nọ bảo tôi rằng: “Vâng chỉ truyền của Thánh mẫu đến cho quý sư hay là nay thấy Thánh Thượng ngự trà rất được thanh thái, Thánh mẫu rất vui mừng và truyền hỏi lão sư là Thánh mẫu thường bị đau ở hông nơi cạnh sườn đã hơn một năm nay, nay điều trị có choíng khỏi không?” - Tôi nói: “Cứ như bệnh ấy chữa không khó, còn chóng hay chậm khỏi, phải xin đợi thăm mạch mới dám có định kiến”. Thản Trung Hầu bỏ đi ra rồi, lại thấy Thạch Trung Hầu từ trong cung Cấm tới điếm Thị Ky nói là vân g chỉ đến ban thưởng lão sư. Quan Chính Đường bảo tôi quỳ xuống. Thạch Trung Hầu đứng xướng lên rằng: “Cung hỉ Thánh chỉ ban khen lão sư vào chầu tấu đối minh bạch, lại am tường việc xem mạch, vậy ban thưởng một chiếc thái ngưu, lại còn dự ban áo mát và áo ấm để trở lại vào chầu”. Quan Chính Đường truyền tôi đứng dậy và bảo Thạch Trung Hầu rằng: “Xin ông anh chiếu lệ cho!”. Thạch Trung Hầu quay về cung Cấm. Vì chẳng biết duyên cớ gì, tôi mới dò hỏi môt quan thủ phiên ở Nội Viên về việc này. Ông ta cho biết chiếu lệ là mỗi khi có ban thưởng thì lệ phải làm lễ bái. Tôi lại hỏi: “Thái ngưu là vật gì vậy?”. Ông ta nói: “Một chiếc thái ngưu là chuẩn cho sồ tiền mười quan”. tôi hỏi tường tận, chẳng am thời sự thật rất nực cười. Câu chuyện đầu đuôi đang muốn tiếp tục, thì có người Bắc khách[228] tên Chú Bẩy thấy tôi chế thuốc thì nói rằng: “Thánh Thượng giàu có khắp bốn bể, thuốc dùng sáu. bảy năm nay mỗi lần ước định giá tiền không quá ba, bốn trăm gián[229] ; nay một tễ thuốc lớn dùng tiền tới mười ngàn quan, có dùng thế mới xứng với bậc vương giả”. Nguyên y rất được sủng hạnh nên mới nói bừa bãi mà không sợ sệt gì. Từ đó tôi quen biết chơi bời với y. Lúc ấy cũng có cái khẩu hiệu là mười bốn (tôi là con đứng hàng thứ bảy mà y là chú Bảy, cho nên gọi là mười bốn). Y với tôi khi ngồi thì cùng chiếu, ăn thì cùng mâm. Gia tình thật là khắng khít. Nguyên do y có biết thuốc, học Vương đạo[230] . Trước đây, mỗi khi thấy Thánh Thượng dùng thuốc lạnh cùng các thứ tiêu đạo, y nhiều lần cố khuyên dùng phương thuốc bồi bổ, nhưng vì klhác biệt với các ngự y, nên chẳng ai chịu nghe theo. Y uất ức trong lòng mà không nói ra được. Khi này thấy tôi dùng thuốc bổ thật mạnh thì đạo đồng, ý hợp, nên giao du cùng nhau thật là bền chặt, điều đó miễn nói đến.


[221] Đốc đồng : chức quan phó trấn dưới chức Đốc trấn; đây là người anh họ của Lãn Ông làm Đốc đồng tỉnh Lạng Sơn.

[222] Cửa phủ : cửa Phủ liêu - Từ khi họ Trịnh cầm quyền, thì bên nhà vua gọi là Triều đình, bên phủ chúa gọi là Phủ liêu.

[223] Thạch Trung Hầu : người xã Yên Thường, huyện Đông Ngạn (nay là phủ Từ Sơn, Bắc Ninh); họ Phạm, làm quan Nội sai, được phong tước Thạch Trung Hầu. Sau khi Tây Sơn dứt nhà Lê, ông khởi binh chống lại, nhưng bị thua. Ông là thân phụ Phạm Thái, hiệu Chiêu Lỳ, tác giả bài Chiến Tụng Tây Hồ Phú.

[224] Thang : Vị thuốc thêm ngoài để dẫn những thứ thuốc chính.

[225] Định kiến : cái ý kiến đã liệu rõ mà không thay đổi.

[226] Chân kiến : cái điều hiểu biết thấu đáo không sai lạc.

[227] Búa rìu : hai thứ đồ dùng bằng sắt, có lưỡi để bổ và để đẽo gổ, bởi chữ phủ việt dịch ra. Đây là nói chung về hình pháp.

[228] Bắc khách : người khách phương Bắc, chỉ người Trung Hoa sang ở nước ta.

[229] Tam, tứ mạch : mạch là chữ dùng thay cho chữ bách; sáu mươi hoặc bảy mươi đồng tiền là một mạch, cũng gọi là một trăm gián - tam, tứ mạch: ba, bốn trăm gián.

[230] Vương đạo : đạo chính theo đời Tam vương. Nghĩa rộng: đạo làm chân chính, ngay thẳng.
Thượng Kinh Ký Sự
Giới Thiệu
Lên Đường
Đến Kinh Thành
Chẩn Bệnh Thế Tử
Dọn Nhà
Họa Thơ
Nhớ Nhà
Gặp Bạn Cũ
Tiễn Bạn
Chữa Bệnh Tại Kinh Thành
Viếng Chùa Trấn Quốc
Tái Ngộ Cố Nhân
Thăm Làng Cũ
Thăm Bệnh Chúa Trịnh Sâm
Chữa Bệnh Không Thành
Về Nhà