Tái Ngộ Cố Nhân
Tác giả: Hải Thượng Lãn Ông
Một ngày kia, hai lão ni[185] đến chỗ tôi ngụ nói rằng: “Chùa Huê Cầu[186] đúc chuông lớn, công quả[187] chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hóa[188] ”. Một ni nói: “Tôi trú trì ở chùa núi An Tử[189] ”. Một ni kia nói: “Tôi là con gái của quan tả thừa ty tỉnh Sơn Nam[190] , quê ở Huê Cầu”. Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ, mời họ vào nhà ngoài, hỏi nhỏ một tiểu cô trong bọn tòng hành, mới biết đích đây là “tiểu nhân[191] ” của tôi vậy. Tôi nghĩ thầm: “Người này mà không biết mình mà lại đây, thật là một việc lạ. Mình nên nói tính danh ra để xem để xem ý tứ nào khắc hiểu rõ”. Tôi nói: “Tôi là người xã Liêu Xá, lánh nạn di cư đến Hoan Châu, ở Hương Sơn là quê mẹ, chẳng dè phải triệu về kinh. Nhà trọ tiêu điều, tuy có hằng tâm nhưng biết làm sao được”. Khi ấy chỉ thấy ni cô chùa Huê Cầu, mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng, bảo ni cô chùa An Tử rằng: “Chúng ta nên đi đi thôi!”. Tôi lưu họ lại không được, mới mang ra một số hương tiền để cúng nhà chùa. Tôi hỏi: “Hai lão ni trọ tại nơi nào?”. Họ đáp rằng: “Chưa có nơi nào”, rồi từ biệt đi khỏi.
Tôi vội gọi một tên người nhà linh lợi bảo đi sau họ, lại dặn không được để họ biết. Khi dến chỗ trú ngụ của họ thì hỏi dò xem họ đến đây từ bao lâu rồi, còn lưu trú bao nhiêu ngày nữa. Tên người nhà được lệnh ra đi, ước hơn hai giờ sau thì trở về. Y nói: “Hai ni cô trú tại chùa Liên Tông, mới đến đây được vài ba ngày, còn ở kinh nhiều ngày nữa để khuyến hóa”. Ngày hôm sau, tôi gọi học trò tôi tên Tài đến mà bảo rằng: “Ta có một việc khá đặc biệt, nhờ anh vì ta hết lòng lo liệu”. Anh ta nói: “Nếu đệ tử phải khó nhọc thì cũng là phận sự của mình, đâu dám chối từ”. Tôi nói: “Thuở nhỏ ta cầu thân với con gái quan Tham Chính Thừa Ty Sơn Nam xưa ở xã Huê Cầu, đã nạp đủ lễ vấn danh[192] và lễ nạp thái[193] . Vì việc bị cản trở, ta mới phải từ hôn, hồi cư Hương Sơn. Mãi sáu bảy năm sau ta về kinh, nghe nói vị quan ấy đã từ trần. Còn người đàn bà làm ta chú ý hôm nay, ta có dò hỏi, người ta nói rằng người đó rất kỳ quái. Nghe nói năm xưa có một công tử đến cầu thân và đã nạp trọn sáu hôn lễ mà việc cũng không xong. Người con gái nói rằng:- Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ, nay còn mặt mũi nào mà lấy chồng khác -. Cô ta thề chung thân ở vậy thôi. Tôi nghe vậy thì tâm thần kinh loạn, than rằng: - Vì ta đã bất cẩn trong vụ này, có thủy mà không có chung, khiến cho người mang hận mà ta có tội là người bạc bẽo -. Ta bối rối không biết là m cách nào để gỡ cái mối ấy ra, mới vội vã đến xã Huê Cầu dể tìm hiểu sự việc. Người làng, như trên đã nói, trong số mười người thì bảy, tám người nói là ngày phụ thân cô ta tạ thế, người anh ép gả bà cho một sinh đồ[194] trong làng để lấy tiền lo việc tang. Bà ta không thuận. Có kẻ nói rằng nhà quan khi đã sa sút, kẻ cao sang không tìm đến, kẻ thấp hèn không dám cầu xin, vì thế ở góa cho đến giờ. Ta nghe nói lòng cũng tạm yên, rồi trở về Hoan Châu. Đến nay ta gặp lại người ấy, thấy cảnh cô khổ[195] như vậy, chẳng kể hữu tình hay vô tình, việc há chẳng có mầm mối ở ta sao? Cái kế sách ngày nay là bảo dưỡng[196] người ấy đến hết đời mới có thể chuộc cái lỗi trước. Ta còn ở kinh đợi lệnh sai bảo thì việc chu cấp không khó gì, thảng hoặc trở về núi thì giúp đỡ sao được, vì đường xá cách trở. Nếu bà ta thuận về nơi vắng vẻ; ở đó anh ta đã sáng tạo một cái chùa nhỏ, có thể cung cấp đèn nhang, mùa đông cũng như mùa hè, lạnh ấm đều sẽ do ta lo liệu, một là để báo đáp cái cao tiết[197] của bà ta, mộ t nữa là để chuộc cái lỗi của ta. Cần hỏi kỹ để biết cái tình tiết ngày trước, rồi trình bày dự định của mình một lượt để xem bà ấy có ưng thuận không, dể rồi ta trù liệu công việc”.
Tôi sai mua một ít thời vật[198] đem tặng làm tin. Người được giao phó công việc, y lời ra đi, đến chiều tối mới về. Y nói: “Tôi đến chùa Liên Tông, thừa lúc vắng vẻ mà nói chuyện. Bà ấy cố cầm giọt lệ, đáp rằng:- Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy, có dám oán trách ai, một đời sống tàn sao đáng tiếc. Có điều làm cho suy nghĩ là nhìn quanh không người thân thích, phần mộ tiên nhân không người cúng tế quét tước, há chỉ lo thân mình mà đến quê người độ sinh hay sao? Ông hãy trở về trả lời với quan nhân là tôi tuy chưa được nhờ ơn đức quan nhân, mà nay được biết tấm lòng tốt này cũng đủ an ủi cảnh linh lạc vậy”. Tôi lấy làm thương tình, mới dãi lòng trong một bài thơ như sau:
Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa
Kim nhật tương khan khổ tự ta
Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ
Song mầu xuân tận kiến hình hoa
Thử sinh nguyện tác can huynh muội
Tái thế ưng đồ tốn thất gia
Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã
Túng nhiên như thử nại chi hà?
Việc đã hại người chẳng tính ra
Nhìn nhau buổi ấy xót lòng ta
Một cười tình bạn mà rơi lệ
Hai mắt xuân tàn mới ngó hoa
Cuộc sống anh em lo giữ nghĩa
Kiếp sau ao ước sống chung nhà
Ta không phụ bạc dù ai phụ
Nào biết làm sai nỗi ấy a?
Từ đó thói thường qua lại hỏi thăm nhau. Bà ấy nói là ở Nghệ An có nhiều gỗ đóng quan tài, bà xin mua cho bà một cỗ. Tôi sai người đi kiếm, nhưng chưa được. Ngày tôi được thả cho về, tôi trao cho người lo việc ấy năm quan tiền cổ để tìm mua bán mà tặng bà ta. Đó là thuộc về việc sau, không nói đến.
-------------------
[185] Lão ni : người đàn bà đi tu đạo Phật, tuổi đã già.
[186] Huê Cầu : tên làng thuộc huyện Văn Giang, Bắc Ninh.
[187] Công quả : hiệu quả của một việc đã thành.
[188] quyên tiền
[189] An Tử Sơn : tên quả núi ở huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dư ơng. Tục truyền rằng An Kỳ Sơn xưa tu ở đấy, nên gọi là An Tử. An Kỳ Sinh là một v ị tiên, người đời Chiến Quốc bên Tàu.
[190] Sơn Nam : vùng tỉnh Nam Định.
[191] Tiểu nhân : tiếng dùng riêng để chỉ người đàn bà mà đối với mình đã có quan hệ về tình cảm.
[192] Vấn danh : một lễ trong việc hôn nhân, hai bên trao đổi cho nhau tờ biên tên trai gái.
[193] Nạp thái : lễ đưa đồ dẫn cưới.
[194] Sinh đồ : người thi đỗ khoa thi hương xưa, nhưng vào bậc dưới.
[195] Cô khổ : cô đơn và khổ hạnh.
[196] Bảo dưỡng : giữ gìn và nuôi nấng.
[197] Cao tiết : cái khí tiết cao quý.
[198] Thời vật : phẩm vật trong mùa.