Chương 10
Tác giả: Hàn Diệu Kì
Từ khi trở thành tỳ thiếp của Lã Bất Vi, Triệu Cơ đã cảm thấy Lã Bất Vi là một mảnh trời của mình, hàng ngày cô cùng sống ăn ở với các môn khách, nha dịch của phủ Lã dưới mảnh trời này. Bây giờ Lã Bất Vi đi Hoặc Dương mãi vẫn không về, cô cảm thấy thế giới như muốn sụp đổ. Hàng ngày cô vẫn đưa cơm, cung cấp thuốc men bông băng cho tên thích khách ở trong kho lương, phục hồi lại sức khoẻ và khí sắc cho hắn, hắn vẫn dùng bộ mặt trầm mặc khó hiểu để báo đáp lại sự chăm sóc của Triệu Cơ đối với hắn. Hàng ngày Tư Không Mã đến đó vài lần với dáng vẻ hấp tấp vội vàng. Ông ta chỉ để ý tới sợi dây trói tên thích khách. Sau khi đến, ông ta vòng ngay ra phía sau lưng tên thích khách để quan sát. Nói chung, ông ta không nói chuyện với Triệu Cơ, mà chỉ chào cô bằng ánh mắt. Triệu Cơ thấy khó xử, khi chỉ có cô và Tư Không Mã mỗi lần từ trong kho lương đi ra.
Triệu Cơ vẫn mong ngóng Lã Bất Vi trở về.
Hoàng Phủ Kiều lại càng nóng lòng chờ đợi Lã Bất Vi. Khi Lã Bất Vi không có nhà, cô ta đã trở thành một phần của Lã phủ. Chuyện lớn chuyện nhỏ đều do cô giải quyết. Từ chuyện ăn ở đi lại của hàng trăm con người đến việc buôn bán lời lỗ của cửa hàng Chu Bảo, tất cả đếu dồn lên đôi vai cô. Cô càng không thể coi nhẹ số lần Triệu Cơ đến kho lương. Cô biết rất rõ Triệu Cơ thường đi trước lúc hoàng hôn, và ở lại đó khoảng một canh giờ. Hoàng Phủ Kiều nghĩ, trừ thời gian nới rộng đai ở chiếc áo rộng ra, hai người chỉ có thể giao hoan với nhau trong thời gian ngắn. Cô thường đến bên ngoài cổng phủ, mon men phía đắng xa để theo dõi. Cô hận là không thể bay tới Hoặc Dương để đón Lã Bất Vi trở về, để ông tận mắt nhìn thấy ái thiếp của ông đang cùng một kẻ dâm đãng biểu diễn một màn kịch xấu xa trong kho lương. Cô lo lắng, người đàn ông dâm đãng kia sẽ có ngày không cánh mà bay và màn kịch xấu xa sẽ khép lại. Như vậy, cô sẽ rất tiếc để mất đi một cơ hội hiếm có xử lý Triệu Cơ.
Trong phòng khách của Dị Nhân, ván cờ hóc búa vẫn đang bày ra trên bàn. Nhưng Dị Nhân, Tư Không Mã và Chu Kiểm không còn tâm trí đâu mà đi bày binh bố trận ở phía sau màn trướng, cái mà đã từng đem lại niềm vui khôn nguôi cho họ. Họ vẫn ngồi đấu cờ, nhưng thậm chí lại lơ đãng, thay phiên nhau đi sai nước cờ, làm lỡ nhiều cơ hội chiến thắng. Đôi lúc, ngay cả người sáng suốt trong việc bày binh bố trận như Công Tôn Càn cũng phải thò cái mặt trắng bệch ra mà hỏi: “Ấy, sao quân cờ này lại bày ở chỗ như vậy?”
Họ đâu còn tâm trí nào mà chơi cờ nữa. Chuyến đi Hoặc Dương của Lã Bất Vi có can hệ tới sự hưng suy hoạ phúc của họ và ngay cả tính mệnh người thân của họ nữa. Bây giờ tin tức từ nơi xa xôi, ai mà đoán biết được. Gã thích khách thần bí kia vẫn bị nhốt ở kho lương phủ họ Lã, ngộ nhỡ hắn chạy thoát thì chẳng phải là hoạ từ trong nhà mà ra sao? Bọn họ đều nằm dưới con mắt của Triệu Hiếu Thành Vương. Vị quân vương này có đại quyền sinh sát, chẳng biết có ngày trở chứng thì sẽ chẳng đặt họ vào chỗ chết có khác gì dẫm chết một con kiến đâu!
Khi Công Tôn Càn không có ở bên cạnh, ba người bọn họ lại đoán già đoán non kết quả có thể chuyến đi Hoặc Dương của Lã Bất Vi.
Tư Không Mã dường như chỉ hỏi đi hỏi lại câu: “Điện hạ, nói xem Lã đại nhân có thể gặp được phụ vương An Quốc Quân và Hoa Dương phu nhân của ngài không?”
Dị Nhân lại cứ vừa đi vừa lẩm bẩm: “Quan trọng là xem Hoa Dương phu nhân nói thế nào với phụ vương của tôi?”
Điều mà Chu Kiểm quan tâm nhất là khi nào Lã Bất Vi trở về Hàm Đan. Gặp được Lã Bất Vi thì tất cả đều sẽ sáng tỏ. Càng nói càng bế tắc, lời càng bế tắc thì trong lòng càng rối rắm giống như ngọn lửa bùng cháy trong cái oi bức nóng nực. Lúc này, mọi chuyện trên trời dưới biển đều được mang ra nói, nói rồi chẳng hiểu sao lại quay trở lại vấn đề đi Hoặc Dương của Lã Bất Vi.
Dị Nhân và Tư Không Mã cùng đồng thanh nói: “Vẫn là Chu Kiểm nói đúng, đợi Lã Bất Vi trở về, chân tướng mọi việc sẽ sáng như ban ngày”.
Khi trời vừa tối Lã Bất Vi về tới thành Hàm Đan. Chiều tà, những tia sáng cuối cùng đang bao phủ lên cái không gian trầm mặc quạnh quẽ, ánh sáng yếu ớt giống như đang quét lên nóc nhà Tòng Đài nổi trội. Nước sông Phủ Dương sau một hồi quanh co uốn lượn vòng vèo qua cung vua Triệu mới chảy ra ngoài. Khi trời sáng, những làn sóng xanh biếc phản chiếu trên khu lầu các trên mặt nước của cung vua; lúc này giống như một mạch nước óng ánh chảy trên những cánh hoa đào vậy.
Việc lớn của Lã Bất Vi đã hoàn thành. Tuy có đôi chút vất vả nhưng trong lòng ông cảm thấy thoải mái và không có chút mệt mỏi nào. Ông phấn chấn đánh chiếc xe phủ đầy bụi đất chạy băng băng trên đường phố Hàm Đan. Ông nghĩ, sau khi về phủ nghỉ ngơi, ông sẽ lập tức tới chỗ ở của Dị Nhân và đem đến cho họ những tin tức tốt đẹp này, rồi cùng họ vạch kế hoạch tấu trình. Con đường từ Hoặc Dương tới Hàm Đan vắng vẻ cô quạnh càng khiến cho ông có cơ hội để suy nghĩ sâu xa hơn và chuyên tâm hơn rằng: “Làm sao có thể mua chuộc tên gác cổng thành, làm sao có thể mang tiền ra khỏi quán Chu Bảo của ông để vận chuyển về Hoặc Dương một cách bình an vô sự …”. Những chuyện này làm ông suy nghĩ rất nhiều, có những cái nằm trong tầm tay của ông, nhưng có những cái ông nghĩ mãi mà không có cách nào giải quyết. Dù có nói thế nào đi chăng nữa thì việc bắt buộc phải thành công, đầu tiên là làm cho Dị Nhân được lập thành thế tử.
Người đầu tiên nhìn thấy Lã Bất Vi trở về là Hoàng Phủ Kiều. Ngày nào Hoàng Phủ Kiều cũng đều ra ngoài để xem xét vài lần. Hoàng hôn của ngày hôm nay, trong ánh sáng yếu ớt cô nhìn thấy một cỗ xe đang lúc lắc chạy lại, cô đoán chắc đây là Lã lão gia của nhà cô đã trở về. Khi chiếc xe tới gần, lời suy đoán của cô quả không sai.
Hoàng Phủ Kiều vui vẻ đón Lã Bất Vi vào phủ, mọi người cùng các nha dịch cùng vây quanh ông để hỏi han. Ông nói với mọi người rất mệt và cần được nghỉ ngơi, ngày mai sẽ kể lại tỉ mỉ. Mọi người nghe thấy Lã Bất Vi hạ lệnh liền dần dần rút ra. Kỳ thực Lã Bất Vi muốn có thời gian trau chuốt lại câu chuyện rồi sẽ đi đến chỗ Dị Nhân ở. Hoàng Phủ Kiều thấy lúc này đúng là thời gian Triệu Cơ tới kho lương. Cần phải bắt được đôi gian dâm này. Để kiểm chứng xem Triệu Cơ có đến đó hay không, Hoàng Phủ Kiều nói với một nữ tỳ: “Mau đến chỗ Triệu Cơ, bảo cô ta tới đây”. Hoàng Phủ Kiều thấy Lã Bất Vi được các nữ tỳ nâng đỡ, cô mau chóng rửa mặt, súc miệng, thay áo.
Một lát sau, vị nữ tỳ quay lại báo với Hoàng Phủ Kiều: “Triệu Cơ không có nhà, dường như vừa mới đi, tôi nói với nữ tỳ của cô ấy là lão gia đã về rồi”.
Thấy Lã Bất Vi đã thu xếp ổn thỏa, Hoàng Phủ Kiều dặn dò nha dịch và nữ tỳ: “Các ngươi hãy lui trước đi”. Thấy Lã Bất Vi muốn đi, Hoàng Phủ Kiều ty biết nhưng vẫn cố hỏi: “Lão gia, vừa mới về sao không nghỉ ngơi cho khỏe đã”. Lã Bất Vi nói: “Bây giờ ta cần phải tới chỗ Dị Nhân”. Hoàng Phủ Kiều nói: “Xảy ra chuyện rồi, bây giờ xin ông đừng đi”.
Lã Bất Vi cho rằng đã xảy ra chuyện với Dị Nhân, liền hỏi: “Dị Nhân làm sao?”. Hoàng Phủ Kiều cười nhạt và nói: “Dị Nhân chẳng làm sao cả”. Sự lo lắng của Lã Bất Vi đã vơi đi phân nửa, ông bình tĩnh hỏi: “Thế ai bị làm sao?”. Hoàng Phủ Kiều kín đáo liếc nhìn sang Lã Bất Vi, đằng hắng giọng và nói: “Xảy ra chuyện với ai ư? Chính là với lão gia ấy!”
Lã Bất Vi cho rằng Hoàng Phủ Kiều đùa mình, nhẹ nhàng hỏi: “Tay chân ta đều lành lặn, có chuyện gì đâu?”. Hoàng Phủ Kiều nghiêm trọng: “Đi, thiếp dẫn lão gia đi xem xem có chuyện gì xảy ra!”. Lã Bất Vi có việc nóng lòng muốn đi, ông chau mày khó chịu với cách nói lấp lửng của Hoàng Phủ Kiều, ông trách mắng nói: “Đừng nói lấp lửng nữa, có chuyện gì thì mau nói ra đi!”
Hoàng Phủ Kiều thấy Lã Bất Vi bắt đầu nổi cáu, liền nói: “Thời gian vừa rồi ông tới Hoặc Dương, Triệu Cơ đang chăm sóc cho một gã đàn ông!”. Lã Bất Vi vừa nghe xong đã cảm thấy mừng, chính điều này lại làm cho Hoàng Phủ Kiều lo lắng. Lã Bất Vi nói: “Trước khi đi ta đã dặn nàng cần sống tốt và hoà thuận với mọi người. Vì sao khi ta mới về, nàng đã đổ tiếng xấu cho người ta vậy?” Hoàng Phủ Kiều nói: “Thiếp đổ tiếng xấu cho cô ta? Trăm nghe không bằng một thấy, lão gia hãy đi cùng thiếp tới đó xem là rõ liền”.
Nhìn thấy vẻ mặt giống như thật của Hoàng Phủ Kiều, Lã Bất Vi như chăm chú hẳn lên. Ông giống như chiếc đuôi bám theo sau Hoàng Phủ Kiều, chần chừ đi về phía kho lương. Tới trước kho, Hoàng Phủ Kiều ranh mãnh bò lên trên cửa sổ nhìn quanh một lượt, cô nhìn thấy Triệu Cơ đang cho gã đàn ông ấy ăn, cô nghĩ: “Con tiểu yêu tinh và gã đàn ông khốn khiếp này! Đúng là của báu trời cho, ngay cả ăn cơm gã ta cũng không cần phải động tay!”. Hoàng Phủ Kiều đẩy cửa bước vào, Lã Bất Vi cũng bước vào theo. Triệu Cơ nhìn thấy họ, cô sợ hãi đứng bật dậy.
Trong kho tối lờ mờ, phải một lát sau Lã Bất Vi và Hoàng Phủ Kiều mới nhìn rõ được đôi mắt của tên thích khách. Trong chớp mắt Lã Bất Vi kinh ngạc nói: “Ngươi không phải là Hoàng Phủ Nghĩa cùng ta đi tới đất Hồ buôn ngựa sao?”
Hoàng Phủ Kiều đúng là không tin được vào mắt mình nữa, cô chạy ào tới và gọi to: “Anh!”. Sau đó nước mắt cô rơi lã chã.
Lã Bất Vi và Hoàng Phủ Kiều cúi xuống đỡ Hoàng Phủ Nghĩa đang ngồi bệt ở dưới đất đứng dậy.
Lã Bất Vi nhìn thấy Hoàng Phủ Nghĩa bị trói chặt tay ra đằng sau; vết thương rất nhiều, liền hỏi vì sao lại có chuyện này. Hoàng Phủ Nghĩa liền nói ra Tần công tử Tử Hề xúi giục anh ta tới giết Dị Nhân như thế nào và bị Tư Không Mã cùng Chu Kiểm chém và trói anh ta ra sao.
Lã Bất Vi cởi trói cho Hoàng Phủ Nghĩa. Hoàng Phủ Nghĩa hỏi Lã Bất Vi vì sao lại gặp được em gái anh ta. Lã Bất Vi cười khà khà rồi nói: “Khi dòng nước lớn dồn tới miếu Long Vương, chẳng ai còn nhà cửa người thân gì cả. Em gái của cậu và người nuôi cậu ăn là Triệu Cơ, một người là vợ còn một người là thiếp của ta”. Hoàng Phủ Nghĩa nói trong nước mắt: “May mà được một người tốt bụng như Triệu Cơ chăm sóc thuốc men, nếu không tôi đã chết vì đói rét rồi”. Lã Bất Vi liếc nhìn Hoàng Phủ Kiều, ý của ông là muốn trách móc cô sao vẫn dè chừng với Triệu Cơ, Triệu Cơ đã cứu anh trai của cô mà cô vẫn chưa biết sao. Hoàng Phủ Kiều cũng cảm thấy xấu hổ và có lỗi với Triệu Cơ, hai chị em sẽ kề vai sát cánh phục vụ Lã Bất Vi. Lã Bất Vi nói với Hoàng Phủ Nghĩa: “Hoàng Phủ đại ca, oan cho anh quá, Dị Nhân điện hạ là Tần Vương tôn mà ta dốc lòng giúp đỡ, Tư Không Mã là môn khách của ta, Chu Kiểm là nha dịch của Dị Nhân. Anh hãy xem tất cả đều là thân thiết đấy nhé”.
Hoàng Phủ Nghĩa được dìu về phòng khách của Lã phủ, Lã Bất Vi nói với anh ta: “Huynh hãy ở đây nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, ta đến chỗ Dị Nhân rồi sẽ quay lại”.
Lã Bất Vi tới chỗ của Dị Nhân, Công Tôn Càn cũng không ngăn cản ông mà chỉ hỏi: “Lã tiên sinh, muộn như thế này rồi, ngài còn đến chỗ điện hạ làm gì?”
Lã Bất Vi nói: “Buổi tối ta muốn đánh vài ván cờ với họ cho vui”.
Công Tôn Càn nói: “Ông vào đi, họ đang ở trong đó cả đấy”
Nhìn Lã Bất Vi vui vẻ bước vào, Dị Nhân, Tư Không Mã, Chu Kiểm liền đoán ngay ra chuyến đi Hoặc Dương của Lã Bất Vi đã được đền đáp. Quả nhiên là như vậy, ba người vui mừng nhảy cẫng lên. Lã Bất Vi liền xua xua tay nói: “Mọi người không nên vui mừng mà tiết lộ ra, chúng ta phải chuẩn bị cho tốt để sớm tẩu rời Triệu. Nhưng Dị Nhân điện hạ là con tin, hai nước Tần Triệu sau chiến tranh, mối thù không đội trời chung. Quần thần nước Triệu sẽ rất chú trọng đối với điện hạ, và sẽ không dễ dàng bỏ qua chuyện này đâu. Huống hồ Dị Nhân điện hạ lại muốn dứt bỏ danh con tin để về nước! Từ nay về sau, mọi người ắt phải đề cao cảnh giác, tìm mọi phương cách, hễ có điều kiện thuận lợi là phải lập tức rời khỏi Hàm Đan”.
Tư Không Mã nói: “Lã Bất Vi nói rất đúng, chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nguy nan, chỉ cần sơ xuất là khó tránh khỏi cái chết. Mấy hôm trước có tên thích khách tới, nhưng chẳng rõ là ai xúi giục hắn?”. Tiếp đó họ nói với Lã Bất Vi, vào một buổi tối mấy hôm trước, họ bắt được một tên thích khách rắn muốn tới hành thích Dị Nhân điện hạ, bây giờ đang nhốt hắn ở trong kho lương. Lã Bất Vi đem những gì mình vừa chứng kiến nói cho mọi người nghe, nghe xong tất cả đều kinh sợ trước sự hiểm ác này.
Dị Nhân căm phẫn nói: “Tên Tử Hề oắt con, đúng là lòng dạ lang sói, muốn giết cả anh em ruột thịt của mình, chẳng phải là quá thâm độc sao?”
Lã Bất Vi nói: “Vì thế, thái tử điện hạ cần phải thận trọng trong mọi hoàn cảnh, phòng hoạ khi chưa xảy ra, bất luận là ở Hàm Đan hay ở Hoặc Dương, thái tử điện hạ đều sẽ không được thuận buồm xuôi gió đâu!”
Tư Không Mã cảm khái nói: “Dị Nhân điện hạ có thể nói là như đang ở trong bụi cây có gai, hiểm hoạ như được sinh ra ở bên trong vậy!”
Lã Bất Vi nói: “Chỉ cần chúng ta dốc lòng phò giúp là có thể đưa Dị Nhân tới ngai vàng của Tần Vương!”
Lã Bất Vi trở về phủ, trời đã khuya, anh em Hoàng Phủ vẫn ngồi ôn nghèo kể khổ, không ngừng than ngắn thở dài. Lã Bất Vi sau khi chào họ, liền đi về phòng Triệu Cơ.
Sự cô đơn quạnh quẽ của Triệu Cơ trong sự chờ đợi kéo dài: cô đang mơ màng, sau khi trăng lên Lã Bất Vi chưa về, nhưng hôm nay sớm muộn gì ông ấy cũng sẽ đến chỗ cô. Trong giấc mơ, cô cảm thấy như có một luồng khí nóng đang chảy dài trên thân thể cô và chảy vào nơi chăn đơn gối chiếc cảu cô, không đợi cô kịp tỉnh trở lại, từng động tác thành thục của Lã Bất Vi đã đâu vào đấy cả rồi. Trong cơn khoái lạc, cô sung sướng nói: “Ai dà, giống như mãnh hổ dưới chân núi vậy!”. Lã Bất Vi hiểu rằng, vì việc lập Dị Nhân làm thái tử mà ông phải vất vả bôn ba, làm ảnh hưởng đến truyền thống nối dõi tông đường, ông không muốn mất đi thời cơ liền đến bên Triệu Cơ để hoàn thành sứ mệnh này và cũng là để tạo niềm vui cho mình.
Qua vài ngày sống trong hoan lạc để thực hiện sứ mệnh nối dõi tông đường, Lã Bất Vi sờ lên bụng của Triệu Cơ hỏi: “Tạo hoá đã bao nhiêu lần ban phát rất đầy đủ, chẳng lẽ ngõ vắng lại không có người sao?”
Triệu Cơ ôm chặt Lã Bất Vi nói: “Mấy hôm nay thiếp cảm thấy khó ở, thích ăn đồ chua, sợ rằng là có rồi!”
Lã Bất Vi vui mừng hỏi: ‘Thật không?”
Triệu Cơ nói: “Thiếp chưa từng trải qua việc sinh nở, nếu muốn biết, hãy đi hỏi một người từng trải, cô ta nói đúng, thì chắc chắn sẽ đúng!”
Lã Bất Vi nói: ‘Một chữ hỉ đến, thì Lã Bất Vi ta coi như là có tam hỉ lâm môn rồi”.
Triệu Cơ không hiểu bèn hỏi: “Tam hỉ nào cơ?”
Lã Bất Vi hỏi: ‘Chuyến đi Hoặc Dương đã giúp Dị Nhân được lập thế tử có phải là một việc vui không?”
“Là một việc vui”.
Lã Bất Vi lại hỏi: “Gặp được Hoàng Phủ Nghĩa cùng em gái lâu ngày không gặp trùng phùng có phải là một việc vui không?”
“Là một việc vui”.
“Thêm vào đó ái thiếp lại có tin vui, vậy là mấy tin vui rồi?”
“Là ba việc. Nhưng Lã đại nhân còn quên một chuyện vui”. Lã Bất Vi kinh ngạc hỏi: “Còn việc gì vui nữa?”
Triệu Cơ nói: “Thiếp và chị Hoàng Phủ bỏ hiềm khích trước đây, hoà thuận trở lại, thê thiếp hoà hợp, không phải là một việc vui sao?”
Lã Bất Vi tán thành: “Là một việc vui, là một việc vui!”
Triệu Cơ nói: “Vây là tứ hỉ lâm môn!”
Lã Bất Vi khen: “Ái thiếp còn nhiều trò hơn ta!”
*
* *
Khi Đỗ Thương triệu kiến Triệu Hiếu Thành Vương với thái độ cung kính bất đắc dĩ, Triệu Hiếu Thành Vương nhận thấy năm tháng đã để lại những vết tích tàn khốc trên thân thể của tướng quốc nhà Tần, một anh vũ phi phàm đương thời. Đỗ Thương ngồi rất gần Ngự toạ nên Triệu Hiếu Thành Vương có thể nhìn thấy rất rõ những nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt ông và bộ râu lơ thơ ở dưới cằm, bộ lễ đường sặc sỡ khoác lên tấm thân gầy gò, giống như cặp vú lép kẹp của bà lão. Triệu Hiếu Thành Vương còn nhớ, có một năm Đỗ Thương làm tướng quốc đi sứ nước Triệu, lúc đó rất khôi ngô, cao lớn. Khi đó Triệu Hiếu Thành Vương còn là thái tử, thi nhấc nồi với ông ta, một cái nồi nặng 180 kg, Đỗ Thương nắm chặt lấy nồi, nhẹ nhàng nhấc bổng qua đầu. Bây giờ, chiếc nồi đó, chỉ cần xoay nó thôi, e rằng lực bất tòng tâm rồi.
Nghĩ đến chuyện bốn mươi vạn quân sĩ đầu hàng bị chôn sống tại Trường Bình, Triệu Hiếu Thành Vương căm giận quần thần nước Tần như kẻ địch. Mặc dù biết rằng Đỗ Thương không còn ở chức tướng quốc, rút khỏi triều đường từ lâu nhưng Triệu Hiếu Thành Vương vẫn nói móc: “Ông bạn già, nước Tần đánh thắng trận, Chiêu Tương Vương chắc thưởng cho ông không ít?”
Đỗ Thương khiêm tốn nói: “Tiểu nhân không còn ở đương vị, không can dự vào việc triều chính, chiến trận vô công, Chiêu Tương Vương làm sao lại thưởng cho tiểu nhân được! Ở Hoặc Dương, thần không còn duyên phận với bổng lộc nữa rồi, chỉ còn cách đến Hàm Đan xin Đại Vương cho quà bố thí!”
Triệu Hiếu Thành Vương thở hắt một cái nói: “Quả nhân dựa vào cái gì để ban thưởng cho nhà ngươi?”
Đỗ Thương nói: “Tiểu nhân đem việc quân cơ của nước Tần báo cáo với Đại Vương, Đại Vương lẽ nào lại không ban thưởng cho tiểu nhân?”
Vừa nghe thấy Đỗ Thương có việc quân cơ định báo cáo, Triệu Hiếu Thành Vương cho cung nữ và triều thần thường lui ra, chỉ để lại mấy trọng thần ruột như Bình Dương Triệu Bảo, Bình Nguyên Triệu Thắng và Thượng khanh Lận Tương Như.
Triệu Hiếu Thành Vương nói: “Đỗ Thương, giờ ngươi có thể yên tâm mạnh dạn bẩm báo với quả nhân”.
Đỗ Thương hỏi: “Gần đây, An Quốc Quân lập thái tử, các vị có biết không?”
Triệu Hiếu Thành Vương và mấy vị đại thần đều lắc đầu, hỏi: “Có phải là con trưởng của ông ta, Tử Hề không?”
Đỗ Thương nói: “Nếu là lập Tử Hề thì còn tốt cho nước Triệu. Tôi làm Thái bác, tôi biết Tử Hề là con người rộng lượng, nhân hậu, nghiêng về nước Triệu. Ông ta đã mấy lần kiến nghị với Chiêu Tương Vương – An Quốc Quân, cùng nước Triệu biến gươm đao thành ngọc thạch, bắt tay liên minh, thôn tính các chư hầu, cùng hưởng thiên hạ. Theo chủ trương của ông ấy thì bốn mươi vạn quân đầu hàng ở Trường Bình không giết một ai cả, trả tất lại cho nước Triệu. Nhưng lời nói của ông ta như gió thổi qua tai, có ai nghe đâu!”
Triệu Hiếu Thành Vương hỏi: “ Theo tổ chế của các nước chư hầu thì phải lập con trưởng. Không lập Tử Hề thì lập ai bây giờ?”
Đỗ Thương nói: “Lập một kẻ dưới mi mắt của Đại Vương – Dị Nhân!”
“Vậy sao?”. Triệu Hiếu Thành Vương và mấy vị đại thần đều cảm thấy có chút hổ thẹn về tầm nhìn nông cạn của mình.
Đỗ Thương nói: “Dị Nhân ở Triệu quốc bị ngược đãi, lạnh nhạt, có sự thù hận sâu đậm với quần thần nước Triệu, thề rằng một khi ông ta trở về nước Tần kế vị thì sẽ lập tức tấn công Hàm Đan, báo thù rửa hận”. Tiếp đó, Đỗ Thương thêm mắm, thêm muối kể về quá trình Lã Bất Vi chạy về Hoặc Dương thực hiện kế hoạch như thế nào.
Triệu Hiếu Thành Vương và mấy vị đại thần cảm thấy vô cùng bất ngờ trước những hành vi của Lã Bất Vi.
Triệu Hiếu Thành Vương như tỉnh mộng: “Những điều lão tướng quốc vừa nói có phải là đều tận mắt thấy tai nghe không?”
Đỗ Thương nói: “Đương nhiên là tiểu nhân mắt thấy tai nghe, không sai một ly. Hoa Dương còn khắc Ngọc Phù cho An Quốc Quân, lan truyền khắp thành Hoặc Dương, ầm ĩ khắp nơi, ai mà chẳng biết! Chư vị vẫn còn bị nút lỗ tai rồi?”
Triệu Hiếu Thành Vương nói không vui: “Không ngờ Lã Bất Vi là kẻ ăn cây này rào cây nọ, nối giáo cho giặc!”
Đỗ Thương nói: “Có lẽ họ đang kế hoạch trốn chạy về Tần, xin Đại Vương đừng để sơ sẩy. Theo tiểu nhân, đại nhân phải mạnh tay trước, giết Dị Nhân, Lã Bất Vi để diệt hậu hoạ, tránh nuôi hổ để hoạ về sau, hối cũng đã muộn!”
Triệu Hiếu Thành Vương rất cảm kích Đỗ Thương từ xa ngàn dặm tới, lại đem việc quan trọng báo cho nước Triệu nên ban thưởng hậu hĩnh cho Đỗ Thương.
Sau khi Đỗ Thương đi, Triệu Hiếu Thành Vương và các đại thần bàn bạc cách đối phó với việc Lã Bất Vi giúp Dị Nhân trở thành Vương hầu. Người thì nói, lời của Đỗ Thương thật hư thế nào khó biết được, cũng có thể là kế của nước Tần; người thì nói giờ bắt luôn Dị Nhân và Lã Bất Vi, giam cầm cẩn mật, dùng đòn tra khảo, khơi rõ ngọn nguồn, rồi dùng thiên đao vạn quạ mổ thịt róc xương; kẻ thì cho rằng hiện giờ không nên manh động, nên làm thế nào thì phải đợi đến khi mọi việc sáng tỏ. Có người nói, trước tiên phải giam cầm cẩn mật Dị Nhân, găm hàng đợi giá, ép Tần Vương. Người thế này, người thế nọ, mỗi người một ý, không đi đến nhất trí.
Từ khi Triệu Hiếu Thành Vương không nghe lời can gián của quần thần, độc đoán truyền lệnh cửa Triệu Quát làm Đại tướng quân, việc này làm quân Triệu thất bại thảm hại, tự thấy hối hận cũng đã muộn. Từ đó về sau, làm việc gì đều lắng nghe ý kiến của quần thần, không tự ý ban chiếu thư quyết đoán. Quần thần mỗi người một ý, có lúc, hai ý kiến đối lập nhau không ai chịu ai. Có đại thần, sau khi thao thao bất tuyệt, thêm một câu: “Xin Đại Vương quyết đoán”.
Triệu Hiếu Thành Vương thấy như có ngàn vạn con ruồi đang bay vo ve trong đầu, các quần thần tranh cãi đỏ mặt tía tai, đều biến thành hài, nhảy nhót trước mắt ông. Triệu Hiếu Thành Vương xua xua tay: “Được rồi, các khanh người nào nói cũng có lý, để trẫm suy nghĩ kỹ rồi quyết định!”
Triệu Hiếu Thành Vương nhìn thấy có một số đại thần vẻ mặt dường như lộ vẻ tức giận, vừa đi vừa thì thầm bàn tán gì đó.
Dưới ánh trăng nhợt nhạt, Lận Tương Như thấy bóng mình càng trở nên mỏng manh, từ Đại điện bước ra, ông thấy mình như một miếng lụa lướt trên chiếc xe người kéo. Sau cuộc chiến Trường Bình, tinh thần, sức lực giảm sút, làm việc gì cũng thấy rõ là lực bất tòng tâm. Đêm thường trằn trọc khó ngủ, nhớ đến đại tướng quân Liêm Pha từng cúi đầu nhận tội trước ông. Từ đó về sau, họ - một văn một võ, cùng kính cùng nhường. Triều đình trên dưới, vạn người đều một lòng cùng phụ tá Triệu Huệ Văn Vương. Nước Tần nhìn mà sợ, mười năm liền không dám động đến một cái lông của nước Triệu. Bây giờ ư? Sau trận chiến Trường Bình, Triệu quốc như nước sông chảy xuôi, ngày càng sa sút, như núi tuyết tan ra dưới gió xuân. Đại Vương cũng không giống như tiên vương Triệu Huệ Văn Vương, có con mắt dùng người, hiểu rõ đến chân tơ kẽ tóc, mà lúc thì một mình một ý đoán, không nghe lời can gián của các quần thần bên dưới, lúc thì hoà tâm mà không thành rộng lượng mà quả đoán …
Lận Tương Như về đến phủ, cảm thấy ngàn ngẩm trăm chiều, bất giác buông tiếng thở dài. Gia tướng Lận Bửu thấy rất kỳ lạ, Thượng khanh đại nhân từ triều đường trở về, sao lại ủ rũ như vậy, bèn hỏi: “Thượng khanh đại nhân, sao vậy?”
Lận Tương Như đành nói: “Cái tên thương nhân Lã Bất Vi người nước Vệ, đến Hoặc Dương hoạt động, An Quốc Quân đã lập Dị Nhân làm Vương hầu. Họ rất có thể muốn chạy trốn về nước Tần, đại thần thì mồm năm miệng mười, tranh luận cả buổi chiều, Đại Vương cũng chưa quyết định nên dùng cách gì để đối phó với Dị Nhân và Lã Bất Vi”.
Lận Bửu làm ra vẻ không quan tâm đến lời Lận Tương Như nói, không hỏi thêm gì nữa, mà cẩn trọng bưng trà lên cho Lận Tương Như. Bận rộn một hồi, Lận Bửu tìm cơ hội, chạy một mạch đến phủ đệ của Lã Bất Vi.
Lã Bất Vi đang nói khô cả họng để khuyên nhủ Hoàng Phủ Nghĩa lưu lại, cùng họ hiệp lực phò giúp Dị Nhân, sôi nổi mưu đồ một nghiệp lớn. Hoàng Phủ Nghĩa cương quyết nói: Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy. Tôi đã đồng ý hứa với Tử Hề, bây giờ không có cách gì làm được, cũng lại không có mặt mũi nào mà gặp ông ta. Ông và Thái tử điện hạ Dị Nhân sắp quay về Hoặc Dương, tôi làm sao dám sáng Tần chiều Sở, chân đứng hai thuyền? Một bầy tôi không phục vụ hai chủ, các ông làm việc của các ông, Tử Hề làm việc của Tử Hề, cứ để tôi phiêu bạt giang hồ, cầm kiếm viễn du. Một khi Dị Nhân được làm vua Tần, đánh dẹp Vệ nguyên quân, giải oan báo thù cho gia tộc Hoàng Phủ chúng tôi. Bất luận Lã Bất Vi dùng lời lẽ gì để can ngăn, Hoàng Phủ Kiều vẫn khóc lóc thảm thiết không muốn chia tay với anh trai, còn Hoàng Phủ Nghĩa vẫn quyết tâm ra đi.
Lần ly biệt này có thể trở thành vĩnh viễn, Lã Bất Vi cho Hoàng Phủ Nghĩa rất nhiều tiền bạc; Hoàng Phủ Kiều lưu luyến không rời, tiễn anh trai ra khỏi thành Hàm Đan.
Lã Bất Vi thấy Lận Bửu dáng vẻ vội vàng, biết là tất có việc cần thông báo, nhưng không vội hỏi, mà đưa hai đồ bằng ngọc thượng hảo cho Lận Bửu: “Tôi đi một chuyến đến Hoặc Dương cũng chưa gặp được đồ cổ nào quý hiếm, chỉ có hai đồ bằng ngọc này còn có chút khác thường, liền mua về dâng cho gia tướng, xin nhận cho”. Kỳ thực, hai vật bằng ngọc đó là của nhà Lã Bất Vi, vì muốn lấy lòng Lận Bửu, Lã Bất Vi bèn bịa ra câu chuyện đó.
Lận Bửu thấy Lã Bất Vi đi Hoặc Dương mà còn nhớ đến mình, cảm kích vô cùng, nhận lấy hai vật bằng ngọc rồi vội kể lại một lượt những lời của Lận Tương Như. Lã Bất Vi vừa nghe xong, vừa kinh ngạc, vừa sợ hãi nhưng cố gắng trấn tĩnh ngay làm như không có việc gì, nói với Lận Bửu: “Đại Vương sao lại nghe gió là mưa? Dị Nhân đang định an cư lập nghiệp ở nước Triệu, sao lại có thể bỏ trốn về Hoặc Dương được?”. Lận Bửu đi rồi, Lã Bất Vi nghĩ mãi, không biết Triệu Hiếu Thành Vương lấy tin ở đâu, nhưng nghĩ mãi cũng không giải thích nổi việc ấy. Triệu Hiếu Thành Vương biết được ý định trốn về Tần, giam chặt họ lại thì công toi hết. Giờ phải tạo một hiện tượng giả để bịt mắt Triệu Hiếu Thành Vương. Nghĩ đi nghĩ lại, Lã Bất Vi thấy nên xây ngay một quán trọ sang ở chỗ Dị Nhân để mọi người thấy rằng Dị Nhân định an cư lập nghiệp lâu dài ở Hàm Đan. Ngoài ra còn bảo Dị Nhân đi kỹ viện vui chơi, để tạo hình ảnh một con người vô tài chí, một hỗn thế ma vương tiêu tiền như rác, để Triệu Hiếu Thành Vương cảm thấy Dị Nhân không chỉ không có tương lai làm vua nước Tần, cũng không thể tạo nên nguy hiểm gì cho nước Triệu. Nghĩ như vậy, Lã Bất Vi đến ngay chỗ Dị Nhân ở, nhưng lại thấy không được, giờ Triệu Hiếu Thành Vương đã chú ý đến họ, nếu ra vào quán trọ nơi Dị Nhân ở thì nhất định sẽ làm mọi người càng nghi ngờ họ lòng dạ khó lường. Lã Bất Vi bèn gọi Dương Tử mới từ Hoặc Dương trở về, đến quán trọ của Dị Nhân, nhân lúc Công Tôn Càn không chú ý, đem ý của ông nói với Dị Nhân, bảo Dị Nhân ngày mai khua chiêng gõ trống đến kỹ viện.
Trong dòng người qua lại nhộn nhịp, Chu Kiểm và Tư Không Mã gào thét dọn đường cho Dị Nhân: “Xin bà con nhường đường một chút, cháu Tần Vương – Dị Nhân muốn đi qua. Mọi người xin nhường một chút!”. Dị Nhân quần áo chỉnh tề lắc la lắc lư hướng chỗ ít người bước tới. Ông ta không còn lo sợ bị bao vây và làm nhục trên phô như trước đây. Chu Kiểm mạo danh làm kẻ bố thí, tạo ra ảnh hưởng rộng lớn. Hầu như ai cũng biết có một người cháu Tần Vương – Dị Nhân lạc thiện hảo thí, cùng chung vui buồn với người Hàm Đan. Sự thù hận của họ đối với Dị Nhân dần tan biến hết. Hơn nữa, theo thời gian, hồi ức u ám về cuộc binh chiến ở Trường Bình cũng càng ngày càng mờ nhạt dần trong lòng người dân thành Hàm Đan.
Dị Nhân tinh thần vui vẻ thảnh thơi, Lã Bất Vi nghĩ ra cách làm tê liệt Triệu Hiếu Thành Vương, đối với ông ta mà nói thì đúng là “khi rét cho than”. Nghĩ đến nơi sắp đến trước mắt, vật dưới đũng quần ông ta bất ngờ cứng lên, ông ta vui vẻ nghĩ: “Nơi làm xẹp nó tốt nhất là kỹ viện đây”.
Kiến trúc của kỹ viện đầy hương khí son phấn, nằm cao chót vót ở một góc phố náo nhiệt. Cửa sổ, cửa chính đều sơn màu xanh đỏ lòe loẹt không giống mọi người, những trận cười hả hê chốc chốc lại vọng ra từ trong các lầu. Trên dây phơi ở mái hiên lầu hai, quần áo lót màu sặc sỡ đang tung bay theo gió, làm mê hoặc các khách đi đường.
Đến trước kỹ viện, Dị Nhân không bước vào ngay, chần chừ một hồi. Ông ta nhìn thấy hai chữ “Kỹ lư” được viết rất rõ, liền nghĩ đến Tề cảnh Công. Khi ông ta còn rất nhỏ, đã nghe ông nội Chiêu Tương Vương và cha An Quốc Quân có lúc đàm luận, nói rằng vị quốc quân đầu óc nhanh nhạy này của nước Tề biết dùng da thịt của nữ nhân để vơ vét của cải, làm giàu.
Một đám kỹ nữ mặt này tươi cười, cười cười nói nói bâu lấy Dị Nhân, Dị Nhân ngẩng đầu lên nhìn thì thấy ở hành lang gác hai có một cô gái xinh xắn đang chớp chớp mắt đưa tình với mình. Ánh mắt lâu ngày không được gặp đó làm Dị Nhân rạo rực, vật dưới đũng quần một lần nữa lại động đậy. Ông ta quay lại rút ra mấy lạng bạc lẻ, đưa cho Chu Kiểm và Tư Không Mã: “Các ngươi ra phố chơi hoặc tìm một kỹ nữ vui chơi cũng được”.
Chu Kiểm không có hứng thú với việc dùng tiền chơi ngọc nên đi ra phố. Tư Không Mã nhìn thấy vẻ thẹn thùng của các kỹ nữ cũng thấy rạo rực, bèn cùng Dị Nhân bước vào kỹ lư. Bước vào hàng lang rộng lớn, Tư Không Mã lớn tiếng gọi: “Tổng quản kỹ lư đâu rồi?”
Lạc Dương Cốc nghe thấy vội chạy đến nói anh ta là tổng quản kỹ lư, hỏi hai vị đại nhân có gì dặn dò?
Tư Không Mã tự cho mình là hơn người nói: “Ngươi có biết ông ấy là ai không?”
Lạc Dương Cốc lắc đầu.
“Nói ra ngươi sẽ đứng không vững cho mà coi! Nói cho ngươi biết, vị này là Dị Nhân, cháu của Tần Vương! Mau tìm cho ông ấy một cô trông khá khẩm vào, đừng có đưa mấy cô sứt môi lồi rốn để bịp bọn ta đấy!”. Tư Không Mã vênh mặt, hất hàm nói.
Lạc Dương Cốc chỉ nghe nói Dị Nhân con tin nước Tần sống ở thành Hàm Đan, nhưng từ trước đến giờ chưa từng gặp mặt. Vừa thấy cái người mặt mũi quái dị trước mặt là Dị Nhân, liền cúi người hành lễ nói: “Lạc Dương có mắt không nhận ra Kim Ngọc tướng, xin Dị Nhân điện hạ trị tội! Tiểu nhân xin đảm bảo tìm cho hai vị hai nàng đẹp như hoa, như ngọc để Dị Nhân điện hạ và vị đại nhân này vui chơi tràn trề!”
Dị Nhân được đưa đến một gian phòng xa hoa tràn đầy tiêu hương phấn khí, một mỹ nữ lướt đến trước mặt ông ta. Dị Nhân như người khát được nước, hấp tấp xé y phục của người kỹ nữ, vồ vập như mãnh hổ trên cơ thể nhẵn mịn như cá …
Mấy lần đầu, Dị Nhân cảm thấy phấn chấn tươi mới, mấy ngày sau lại thấy rằng mỹ sắc trong kỹ viện chẳng qua cũng chỉ như vậy thôi. Ông ta muốn thay đổi khẩu vị, tìm một kỹ nữ biết hát múa Ba Thục Tần Phong. Lạc Dương Cốc nói, hiện giờ chưa có một kỹ nữ nào biết hát múa những bài hát của Tần, nhưng sau hai ngày, đảm bảo sẽ tìm được một mỹ nữ giỏi ca vũ nước Tần, nhất định sẽ làm Dị Nhân điện hạ vừa ý.
Hai ngày sau, khi Dị Nhân đến, Lạc Dương Cốc nói với Dị Nhân là theo yêu cầu của điện hạ, cuối cùng đã thoả nguyện tìm được một mỹ nữ đẹp như tiên. Dị Nhân được đưa đến một căn phòng, có tên gọi: “Duyệt Linh các”. Đẩy cửa vào, đã thấy một cô gái diễm lệ tuổi cập kê kính cẩn chờ đợi ở đó. Thấy Dị Nhân bước vào, khởi thân thi lễ, sau đó đi nhẹ như lướt đến đóng chặt cửa lại. Dị Nhân thấy nhất cử nhất động của cô đều nhẹ nhàng, uyển chuyển, không giống người thường.
Cô gái nhoẻn miệng cười, lộ ra hai hàm răng trắng như thạch nói: “Tiện dân tên gọi Di Hồng, xin hầu hạ công tử điện hạ. Nghe Lạc Dương Cốc nói, công tử điện hạ có tâm hướng về ca vũ nước Tần. Di Hồng xin ngâm một khúc: “Tần Phong- Kiêm Hà” để mua vui cho điện hạ”. Di Hồng nói xong, cất giọng ngọt ngào lưu loát:
Lau sậy xanh xanh
Giọt sương long lanh
Ôi người con gái
Giữa dòng mong manh.
Ngược theo dòng nước
Con đường trắc trở
Ngược theo dòng nước
Giữa dòng bơ vơ.
Lau sậy thê thê
Khí thu sắc ghê
Ôi người con gái
Ven dòng sông quê.
Ngược theo dòng nước
Con đường lên cao
Ngược theo dòng nước
Đá ngầm nhô cao.
Giọng nói quê hương trầm bổng réo rắt, ca từ tình chân ý thật, Dị Nhân như được trở về bên bờ sông Vị cách đã lâu, Chương đài nội cung. Tiếng đọc rung động đến tận tâm can, những tôi tớ cười tươi như được mùa, khuôn mặt hiền hậu thân thương của mẹ - Hạ Cơ, những thức ăn đủ các phong vị, những bạn bè quyền quý tẩu khuyển đấu kê … những kỷ niệm, mộng tưởng về quê hương tràn trề trong đầu Dị Nhân, bất giác Dị Nhân buột tiếng than: “Có nhà khó về, có mộng khó vẹn …”
Nghe thấy Dị Nhân nói như vậy, tiếng hát Di Hồng bỗng im bặt: “Tiện dân ca bài “Tần Phong – Kiêm Hà” đã khơi dậy nỗi buồn nhớ quê hương của điện hạ, thất lễ, thất lễ!”
Cử chỉ của Di Hồng thanh thoát, uyển chuyển, nho nhã, xuất thân không phải là người hầu hạ nơi tướng phủ, thì cũng là gia đình nho sĩ.
Khi chú gà trống cất tiếng gáy báo hiệu bình minh, Dị Nhân mới rời kỹ lư.
Ông ta cảm thấy lời ca của Di Hồng như còn văng vẳng bên tai … Những ái ân nồng thắm trên chiếc giường êm ái đó còn như hiện ra mồn một trước mắt. Sau này được làm Tần Vương, tìm được một kỹ cơ như vậy cũng coi là mãn nguyện lắm rồi. Tiếc là lần đầu gặp mặt, chỉ chú ý đến việc chăn gối trên giường mà không kịp thổ lộ tâm tình …
Bến đò Chương Yên thông qua dòng sông Phủ Dương, đem rất nhiều hàng hoá và truyền thuyết đến thành Hàm Đan cách xa hai trăm dặm. Bến đò bị che khuất sau đám cây sum suê um tùm, tiếng chim sẻ hót líu lo trong đám lá xanh biếc, dưới bóng cây um tùm, dòng nước róc rách trôi. Bến đò rộng hơn mười trượng, cũng được coi là một bến cảng lớn. Ven bờ được đắp bởi những phiến đá sần sùi một màu, những đám rêu xanh đã kết gắn các phiến đá với nhau một cách tự nhiên. Dọc theo bến cảng là các nhà trọ, quán rượu. Đây là một thị trấn nhỏ phồn hoa và lâu đời.
Dương Tử vuốt mồ hôi lấm tấm trên trán, chỉ huy một số phu dịch dỡ những tấm gỗ dựng nhà từ xe kéo vào bến cảng. Những vật liệu này là mua để dựng nhà trọ cho Dị Nhân, lát nữa sẽ được chuyển đến Hàm Đan.
Dương Tử thấy những tấm gỗ nằm lung tung khắp bến cảng, xa xa có tàu sắp cập bến và những vật đó có thể ảnh hưởng đến đường đi lại của người xe.
Lúc đó, Lạc Dương Cốc hô hào sai khiến mười mấy người phu khuân vác đang hướng về phía bến cảng. Mỗi người phu khuân vác đều vác một hòm gai lớn nặng chình chịch, bên trong là những hoa tiêu thượng hảo, tường vách ở các phòng trong kỹ lư đều được trát bằng bùn tiêu, như vậy trong phòng luôn tràn ngập mùi hương quyến rũ. Để loại hương thơm này luôn đậm đà, tươi mới, bùn tiêu trát tường mỗi năm được thay một lần. Thấy những tấm gỗ chắn đường đi, Lạc Dương Cốc cất tiếng chửi: ‘Thằng nào có mắt không tròng, vứt gỗ lung tung ra thế này?”
Trước khi đi, Lã Bất Vi đã dặn Dương Tử, trên đường phải tạo dư luận làm mọi người đều biết rằng Dị Nhân đang dựng một nhà nghỉ thượng hạng chính thức làm ăn, định cư ở Hàm Đan. Do vậy, nhìn thấy có người, Dương Tử bèn hoà nhã bẩm thưa: “Xin lỗi đại ca, những vật này là để vận chuyển về Hàm Đan xây nhà trọ cho Vương tôn nhà Tần – Dị Nhân điện hạ”.
Lạc Dương Cốc khinh khỉnh nói: “Đừng có lấy Vương tôn Tần Vương ra dọa người nhé! Người xây nhà cho Dị Nhân, còn những hoa tiêu này của bọn ta cũng là dùng để trát tường phòng cho Dị Nhân ở kỹ lư đấy!”
Dương Tử biết mấy ngày nay Dị Nhân thường chỉ biết đến kỹ lư, trong bụng nghĩ: “Chắc người này là hầu hạ Dị Nhân ở đó”. Nghĩ như vậy, ông liền hỏi Lạc Dương Cốc: “Đại ca đã gặp Dị Nhân chưa?”
Lạc Dương Cốc nói: “Hà, gặp rồi, đến mỹ nhân được ông ta yêu mến – Di Hồng lai lịch thế nào ta còn biết nữa là”.
Dương Tử vui vẻ hỏi: “Lai lịch như thế nào?”
Lạc Dương Cốc nói: "Thiên cơ không thể tiết lộ được”.
Dương Tử thấy lời Lạc Dương Cốc có gì ẩn chứa, muốn hỏi rõ ngọn nguồn, liền cúi đầu khom lưng nói với Lạc Dương Cốc: “Đại ca, chúng ta đều là phục vụ cho Dị Nhân điện hạ, cùng là người một nhà. Xem ra, còn phải đợi thuyền một lúc, xin mời đại ca một chầu rượu”.
Lạc Dương Cốc thấy Dương Tử khom lưng uốn gối, trong lòng hả hê, sung sướng, dặn dò mấy người phu đợi ở bến cảng xong liền theo Dương Tử bước vào một tửu lầu cách đó không xa. Dương Tử gọi rất nhiều thức nhắm, và một bình rượu quế, cung cung kính kính rót rượu cho Lạc Dương Cốc: “Đại ca thật là thần thông quảng đại, đến lai lịch kỹ nữ hầu hạ Tần Dị Nhân cũng biết! Vừa rồi đại ca rủa tôi rất đúng, coi như tôi có mắt không tròng!”
Sau một tuần rượu, thấy Lạc Dương Cốc có vẻ ngà ngà say, Dương Tử liền hỏi: “Đại ca, kỹ nữ hầu hạ Dị Nhân mà đại ca vừa nói tên là gì?”
“Di Hồng”, Lạc Dương Cốc đáp.
Dương Tử lại hỏi: “Lai lịch của cô ta như thế nào?”
Lạc Dương Cốc định nói rồi lại thôi.
Dương Tử lại truy hỏi: “Đại ca, anh biết thật hay không biết? Không biết thì thôi! Đừng có gạt tiểu đệ!”
Lạc Dương Cốc nói không vui: “Tiểu đệ, em nói gì vậy? Nói cho em biết, cô Di Hồng đó là một mỹ nữ được Triệu Vương sủng ái đấy!”
Dương Tử vừa nghe xong, tim thắt lại, cảm thấy sự việc này rất kỳ lạ, không thể như vậy được, là quân vương một nước, Triệu Hiếu Thành Vương làm sao lại có thể đưa ái thê của mình đến kỹ lư bán thân được!
Lạc Dương Cốc lắp bắp nói không nên lời.
Dương Tử nói: “Lời nói của đại ca thật là kỳ lạ”.
Lạc Dương Cốc nhìn quanh bốn phía, hạ thấp giọng nói: “Đại ca sẽ nói thật với tiểu đệ, nhưng tiểu đệ phải thề với trời đất rằng sẽ không tiết lộ việc này với bất cứ ai!”
Dương Tử nói: “Tiểu đệ cũng là một quân tử không biết nuốt lời; dám xin đảm bảo bằng mạng sống của mình nếu tiết lộ với kẻ khác thì sẽ bị sét đánh giữa trời quang, lửa thiêu nơi đất rộng, người không tha, vật cũng không tha …”
Lạc Dương Cốc nói: “Được rồi! Được rồi! Nói cho tiểu đệ biết, cái cô Di Hồng đó là Triệu Vương cử đến giám sát Dị Nhân đấy!”
Dương Tử sợ giật cả mình, bát rượu trên tay suýt nữa rơi xuống đất, vội hỏi: ‘Đại ca, sao đại ca biết?”
Lạc Dương Cốc nói: “Ta đường đường là tổng quản kỹ lư, nắm rõ mọi việc ở đó như lòng bàn tay!”
Dương Tử nghe thấy Lạc Dương Cốc là tổng quản kỹ lư thì biết lời ông ta nói quyết không thể là nói khoác được.
Về đến Hàm Đan, Dương Tử để người khác trông nom đống vật lịêu đó chuyển về chỗ Dị Nhân, mình ông ta quay về Lã phủ, báo cáo tin nghe được từ chỗ Lạc Dương Cốc cho Lã Bất Vi. Lã Bất Vi cũng hơi thất kinh, sợ rằng Dị Nhân đã tiết lộ kế hoạch của họ cho Di Hồng. Như vậy, Triệu Hiếu Thành Vương mà biết thì mọi việc coi như xong. Ông ta vội vàng sai người dắt ngựa đóng xe, cùng Dương Tử lập tức đến ngay quán trọ nơi Dị Nhân ở. Vào tệ quán, Lã Bất Vi nói một câu với Công Tôn Càn đang ngồi ung dung sưởi nắng ở trên thềm: “Bàn chuyện xây tệ quán với Dị Nhân”, rồi chạy thẳng tới chỗ ở của Dị Nhân.
Vừa may, lúc đó Dị Nhân có nhà. Lã Bất Vi nói cho Dị Nhân tin tức mà Dương Tử nghe được, Dị Nhân sợ hãi. Lã Bất Vi hỏi: “Điện hạ nói gì với cô ta rồi?”
Dị Nhân dương dương tự đắc nói: “Cô nàng Dị Nhân đúng là xinh đẹp tới mức hoa nhường nguyệt thẹn, chim sa cá lặn, làm người ta hồn bay phách lạc. Nhưng khi cô ta hỏi tôi Triệu Vương có tốt không, lúc nào trở về Tần, Lã Bất Vi có phải đang mưu đồ đưa ngài về nước làm Thái tử … Tôi liền cảnh giác, kế hoạch của chúng ta làm sao có thể đem tiết lộ với một nữ nhi hồng trần được. Nhưng tôi không nghĩ rằng, cô ta là thiếp của Triệu Vương!”
Nghe Dị Nhân nói như vậy, Lã Bất Vi mới chuyển lo thành mừng, như trút được một tảng đá khỏi tim vậy, nói: “Điện hạ đúng là thực hư khó lường”.
Dị Nhân nói: “May mà Dương Tử đem một tin quan trọng như vậy về báo cho chúng ta, từ nay về sau tôi sẽ tránh xa ả Di Hồng đó!”
Lã Bất Vi nói: “Không! Nếu điện hạ làm như vậy sẽ càng dễ làm người khác cảnh giác và nghi ngờ. Chi bằng tương kế tựu kế, làm Di Hồng tin rằng điện hạ một lòng hướng về nước Triệu, yêu quý Hàm Đan, để che mắt Triệu Hiếu Thành Vương”.
Dị Nhân nói: “Vậy thì cứ làm theo kế hoạch của Thái bá vậy!”
Lã Bất Vi thấy tệ quán của Dị Nhân đổ nát, gạch ngói xếp đống. Thợ thuê đến thi nhau bỏ về, anh chửi tôi cãi, hiện ra một cảnh tượng hỗn loạn. Lã Bất Vi nghĩ: “Hay là đưa Dị Nhân về phủ đệ của mình ở, ở đó đầy đủ, thoải mái, nhưng việc này phải được Triệu Hiếu Thành Vương phê chuẩn”. Nghĩ đến đây, Lã Bất Vi lắc lắc đầu, bỏ đi dự định này.
Lã Bất Vi về đến phủ, Triệu Cơ bảo ông ta rằng vừa rồi có hai quan sai của Tòng Đài tới, Triệu Hiếu Thành Vương cho triệu Lã Bất Vi lên điện, kiến giá.
Lã Bất Vi vội hỏi: “Hai quan sai đó nói chuyện gì?”
Triệu Cơ lắc lắc đầu, Lã Bất Vi lẩm bẩm: “Là việc gì nhỉ?”
Triệu Cơ lo lắng hỏi: “Hay là Triệu Vương đã có bằng chứng gì, muốn hỏi tội đại nhân?”
“Ai mà biết được? Dân gian có nói, là phúc thì không phải là hoạ, là hoạ thì tránh cũng không được. Bất luận là hoạ thiên tửu địa, hay là biển lửa, ta cũng phải đi. Nếu thấy một hồi lâu ta không quay lại thì nàng hãy bảo Dị Nhân là ta bị Triệu Hiếu Thành Vương triệu vào điện”.
Chiếc xe chạy qua các ngõ phố, Lã Bất Vi ngồi trên xe suy nghĩ trả lời các loại chất vấn của Triệu Hiếu Thành Vương như thế nào. Ông ta đoán tám, chín phần là về việc ông ta giúp Dị Nhân lập thế tử.
Chiếc xe dừng trước cửa Tòng Đài, Lã Bất Vi vừa xuống xe nhìn thì đã thấy kinh ngạc, hai lần trước đến, một bên cửa có một quân sĩ khoác đao, hôm nay lại bốn người, đều cầm khiên đao. Bước vào, Lã Bất Vi thấy phía trước điện ngày thường có người qua lại, hôm nay lại vắng lặng không người. Các cửa cũng có binh sĩ đứng, đây là điều chưa từng có. Lã Bất Vi thấy không khí trong cung thiếu vẻ thâm nghiêm thì tim đập chân run: Hay là Triệu Hiếu Thành Vương thật là muốn hỏi tội mình sao?
Lã Bất Vi bước vào, thấy quang cảnh càng khác thường. Triệu Hiếu Thành Vương ngồi trên đường, sau lưng không phải là các cung nữ cầm quạt mà là những lực sĩ cầm đao. Lã Bất Vi run lẩy bẩy quỳ lạy Triệu Hiếu Thành Vương.
Triệu Hiếu Thành Vương kéo vạt áo ngồi thẳng lên, nhìn Lã Bất Vi hồi lâu không lên tiếng. Ông đặc biệt bày bố một quang cảnh sát khí để đe doạ tên thương nhân này, kỳ thực Triệu Hiếu Thành Vương như đứng trong màn sương năm dặm nhìn không rõ diện mạo thật của Lã Bất Vi. Di Hồng về báo cáo nói rằng cô ta không hề phát hiện ra Dị Nhân có lòng thù ghét Triệu Vương và mưu đồ chạy trốn về Tần; Lã Bất Vi lại mua gỗ về xây quán tệ cho Dị Nhân, đây là một hành động định để Dị Nhân cư trú lâu dài ở Hàm Đan; Công Tôn Càn cũng nói rằng Lã Bất Vi không hay thường đến gặp Dị Nhân, dù đến thì cũng là để chơi cờ chứ không có việc gì khác …
Lần này Triệu Hiếu Thành Vương quyết định “lễ trước binh sau” phải truy hỏi la ra ngọn nguồn.
Hồi lâu sau, Triệu Hiếu Thành Vương cất tiếng hỏi: “Quý thương dạo này bận lắm phải không?”
“Dạ, bận lắm ạ”.
Triệu Hiếu Thành Vương vẫn giữ giọng dửng dưng: “Bận gì vậy? Có thể cho quả nhân biết một chút không?”
Lã Bất Vi liếc mắt nhìn trộm, rồi nói: “Dạ, cách đây không lâu, đi Hoặc Dương một chuyến, chạy đông chạy tây về việc Vương tôn Dị Nhân có thể trở thành Vương hầu”.
Triệu Hiếu Thành Vương nói: “Quý thương không an phận thủ thường làm ăn mà lo chuyện thiên hạ, tham dự vào việc triều chính nước Tần làm gì?”
Lã Bất Vi đáp: “Đại Vương chỉ biết một ma không biết hai. Tiểu nhân đến Hoặc Dương vì Dị Nhân cũng là để làm ăn. Người ta thường nói, thêm một người bạn thêm một đường đi, thêm một kẻ thù thêm một bức tường. Sau này một khi ông ta làm Tần Vương, một quân vương mà phải sống cuộc sống cơ hàn, đói rét thì cũng đáng thương. Thần nghĩ anh ta không ở Hàm Đan một năm, hai năm nên sửa lại nơi ở cho anh ta”.
“Nói như vậy thương nhân còn có một tấm lòng phổ độ thiên hạ, thương kẻ nghèo khó, cô độc!”
Lã Bất Vi nói: “Tiểu nhân giúp Dị Nhân làm thế tử, đối với Đại Vương cũng có điểm tốt!”
Triệu Hiếu Thành Vương châm biếm: “Thương nhân các người đều biết vương bà bán dưa, tự bán tự khoa! Dị Nhân mà làm vương hầu thì có lợi gì cho quả nhân?”
Lã Bất Vi nói: “Đại Vương thử nghĩ xem, Dị Nhân là một ma vương hỗn thế, ham chơi, một khi làm quân vương, không giống như Chiêu Tương Vương văn võ song toàn, hừng hực hùng tâm, chiêu binh mãi võ, không ngừng tấn công vào thành quách nước Triệu, thôn tính đất đai của nước Triệu; còn nữa, ông ta làm con tin ở nước Triệu, sẽ nhớ đến ân tình sâu nặng của Đại Vương đối với ông ta, cũng có thể gần gũi với nước Triệu, mong cùng Đại Vương kết minh để cùng đối phó với chư hầu thiên hạ”.
Triệu Hiếu Thành Vương cảm thấy Lã Bất Vi nói rất có lý, liên tưởng đến tình hình Di Hồng và Công Tôn Càn báo cáo với mình, thấy rằng lời Đỗ Thương chỉ là khuếch đại sự việc, mê hoặc tâm thần. Dị Nhân có về Tần làm Vương hầu, thì cũng làm gì có việc căm hận nước Triệu, mưu đồ bỏ trốn về Tần, chắc gì ở chỗ Chiêu Tương Vương lại không chịu cảnh chim lồng cá chậu, đến đây để khiêu chiến! Nghĩ đến đây, ông mới thay đổi thái độ, thân thiện hỏi Lã Bất Vi: “Việc xây dựng quán xá mới tiến hành tới đâu rồi?”
Lã Bất Vi nhân cơ hội này trả lời: “Bẩm Đại Vương, đang tiến hành xây dựng ngày đêm không nghỉ. Có một việc nhỏ tiểu nhân muốn thỉnh cầu cho Dị Nhân, mong Đại Vương ân chuẩn”.
“Chuyện gì?”
“Hiện tại chỗ ở của Dị Nhân không ngừng bị xuống cấp, anh ta muốn đến ở trong phủ của tiểu nhân vài ngày, đợi tới khi quán xá mới được sửa xong thì lại chuyển về”.
Triệu Hiếu Thành Vương nghĩ: “Tuy rằng Dị Nhân không có ý định trốn chạy về nước Tần, nhưng cũng không thể sơ suất được. Phải quản nghiêm như quản phạm nhân, không thể để điều gì sai sót xảy ra”.
Lã Bất Vi nói: “Vì việc này Dị Nhân có cần phải đích thân tới tiếp kiến Đại Vương không?”
Triệu Hiếu Thành Vương nói: “Vậy thế này nhá, Dị Nhân tạm thời tới ở chỗ quý thương cũng được. Nhưng thứ nhất là phải có Công Tôn Càn đi cùng; thứ hai là khi quán xá mới xây dựng xong, Dị Nhân lập tức phải chuyển về ngay”.
Lã Bất Vi cảm tạ ân đức của Triệu Hiếu Thành Vương nói: “Tiểu nhân thay mặt Dị Nhân cảm ơn Đại Vương!”