Chương 3
Tác giả: Hồ Anh Thái
Hai chú cháu không cần phải ra tới Hà Nội. Thủ phạm hiện đang có mặt ở Sài Gòn. Lại chính thằng Phũ phát hiện ra điều ấy. Nó thình lình lao vào phòng, dựng tôi dậy, kéo đi luôn. Bàn tay rắn chắc của nó rung lên trong cơn thù hận hừng hực. Lại phóng đi trên con Tôm phân khối lớn. Chiếc xe mượn của gia đình thằng Bóp trong những ngày làm tang. Rồi sà vào một quán cóc bên đường. Xem ra đây có vẻ là điểm hẹn của những phần tử hạ lưu cò con. Quán xá đáng ngờ. Khách khứa đáng ngờ. Nước nôi giải khát đáng ngờ. Chỉ có một chút cà phê mà cả một núi đá lạnh dềnh lên một ly lớn như núi băng Bắc Cực.
Vậy mà vẫn phải kiên trì ngồi nhấm nháp. Nhấm nháp mà vẫn phải gọi mỗi người một ly cà phê, một ly chanh muối, một ly rau má. Mỗi ly bỏ thừa lại hai phần ba ly đá lạnh. Thằng Phũ vừa nhấm nháp vừa không quên dõi mắt cảnh giới sang bên kia đường. Một con đường nhỏ. Bên ấy là một khách sạn mini người ra vào thưa vắng.
Bất chợt tôi ngẩn người ra. Cô gái vừa đẩy cửa bước vào khách sạn chính là người đã thuê xưởng vẽ của Thuyền trưởng hôm trước. Vẫn cùng một bộ váy áo. Vẫn cùng mái tóc sấy mì lăn tăn.
Tôi liếc nhìn sang. Phũ vẫn thản nhiên ngồi đợi. Nếu không đi cùng nó, và nếu không phải rình phục một kẻ khác, có lẽ tôi đã sang bắt chuyện với cô gái kia.
Chừng mười phút sau, cánh cửa khách sạn mở ra. Người bước ra lần này cũng là một cô gái. Tôi lại ngẩn người một lần nữa. Tôi nhận ngay ra cô gái nọ, chẳng cần đến cái đặt tay của thằng Phũ lên đùi tôi tỏ ý ra hiệu. Đó chính là cô gái chúng tôi gặp ở bãi tắm Bình Sơn. Cô gái có cái tên không con gái: Mai Trừng. Kẻ bị thằng Bóp hôm trước và thằng Phũ hôm nay săn đuổi. Cô gái dắt chiếc xe honda 70 dựng trước cửa khách sạn, rõ ràng là một chiếc xe thuê, rồi nổ máy phóng đi.
- Về thôi, chú.
Thằng Phũ đứng dậy trả tiền, rồi thong thả đi ra chỗ dựng xe. Vẻ mặt nó lúc này bằng lặng và bình tĩnh.
- Tối nay sẽ thanh toán xong.
Phũ nói khi hai chú cháu đã lướt đi trên đường phố. Khô khan và lạnh lùng. Đơn giản và dứt khoát. Không thể hiểu nhầm sang một chuyện khác.
Tim tôi đột ngột nhói lên. Tôi cũng muốn trả thù. Tôi cũng muốn dẹp hận thù lại cùng một lúc. Tôi cùng lúc linh cảm được cái kết cục thảm khốc của thằng cháu nếu nó cứ như con thiêu thân lao vào cái ngọn lửa là cô gái kia. Cô ta là ngọn lửa ư? Có phải chính cô ta đã thiêu cháy thằng Cốc trước, thằng Bóp sau? Giờ thì tôi đã hơi tin điều này, dù tôi không cảm thấy rằng cô ta hoạt động có tổ chức.
Thằng Phũ không đưa tôi bám theo sau con mồi. Nó đưa tôi về phòng nghỉ trong khách sạn. Dường như nó bình tĩnh biết rằng con mồi không thể thoát đi đâu được.
Tôi thử thuyết phục thằng Phũ. Đứa con gái kia không thể là thủ phạm trong cái chết của thằng Cốc trước thằng Bóp sau. Càng thuyết phục càng thấy lập luận của mình là vô lý. Tôi hiểu rằng mình đang lo sợ thằng Phũ cũng sẽ chết. Tôi mà còn biết sợ? Chẳng phải chính là tôi đã hùng hổ định đi trả thù sau cái chết của đứa con gái hai tuổi đó ư? Nếu anh Thế từng trải không can thiệp kịp thời thì chắc tôi đã gây ra một vài cái án mạng.
Nhưng bây giờ tôi không thể khoanh tay đứng nhìn thằng Phũ đi tới cái chết. Mùng năm Tết năm nay, hai chú cháu ngứa chân sục vào Hội gò Đống Đa. Mùng năm, mười bốn, hăm ba - Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn. Nói thế chẳng hoá những người đi hội gò hàng năm đều lỗ. Thằng Phũ thì lãi ba cái bóp ngực, một cái nắn eo thừa cơ những cô gái chen chúc mắc kẹt. Hai chú cháu hả hê tách khỏi đám đông, ngồi thụp xuống bên ông thầy bói đang đuổi ruồi và ngáp vặt. Bói bài Tây. Cậu tráo giúp bảy cái. Ông ta thoăn thoắt vật ngửa những con bài. Ông ta ngồi đờ ra. Mãi sau mới lắp bắp nói được. Cậu ơi, cậu về tìm cách giải hạn đi, năm nay cậu không chết thì cũng vướng vòng tù tội. Thằng Phũ thoi ngay một quả đấm vào giữa mặt ông thầy bói làm ông ta ngã ngửa. Cái đồ thầy bói nói mò, tao không giết ai thì thôi nhá đứa nào giết được tao. Nó hầm hầm đứng dậy đá cỗ bài văng tung toé rồi kéo tôi đi.
Bây giờ tôi nhắc lại lời ông thầy bói cho Phũ nghe. Không chết thì cũng tù tội. Như thế tức là tôi vẫn muốn doạ dẫm nó chút ít. Thằng Phũ cười nhạt và cũng lặp lại lời nó đã hét vào mặt lão thầy bói. Nó không giết ai thì thôi, chứ đừng ai nghĩ đến chuyện giết được nó.
Tôi đầu hàng. Tôi bỏ mặc nó cho số phận. Nhân định thắng thiên. Biết đâu nó sẽ thành công. Vậy cũng xong, sẽ chấm dứt được cái vòng trả thù luẩn quẩn bấy lâu nay.
* * *
Chị dâu tôi sinh thằng Phũ ở nơi sơ tán năm 1972. Không kịp đến bệnh viện. Bệnh viện thời chiến ở xa hơn mười cây số mà phương tiện giao thông duy nhất là xe đạp. Trước đó chị tôi đã có lời nhờ bà đỡ trong làng. Một tay bà đã đỡ cho hầu như cả làng, chỉ trừ cái ông phó chủ tịch xã đã dám cầm đầu một nhóm thanh niên xung kích đái vào bát hương rồi phá sập đền thờ thành hoàng làng. Trừ một goá phụ tiết hạnh khả nghi, chồng chết được một thập niên thì cũng nổi tiếng thập thành, cặp mắt lúc nào cũng lúng liếng, vẻ mặt lúc nào cũng hơn hớn thoả mãn không thèm che giấu bằng vẻ âu sầu đức hạnh. Trừ dăm ba gã buôn bè buôn chuyến hành thêm nghề lừa đảo và cướp vặt...
Còn lại cả cái làng phúc đức này một tay bà đỡ hết. Nay đến lượt đứa cháu tôi.
Ở phía sau tấm cót ép che tạm, chốc chốc chị dâu tôi lại rú lên. Anh Thế ơi là anh Thế ơi, anh giết em rồi. Tôi mới mười hai tuổi, nghe vậy thì hoảng lắm, sợ chị chết thật, bèn chạy bổ vào. Chị tôi nằm ngửa trắng lôm lốp trên một tấm phản gỗ, cái bụng to kềnh vồng cao một cách kỳ dị. Bà đỡ vội bịt mắt tôi rồi tru tréo lên. Nhà này hay nhỉ, cho trẻ con ra ngoài. Bác gái chủ nhà vội chạy vào dẫn tôi ra. Chị dâu tôi vẫn rền rĩ. Anh Thế ơi là anh Thế ơi, anh giết em rồi. Anh Thế giờ này đang phục vụ đoàn ta ở Hội nghị Paris, mọi người đều ngóng về bên ấy chờ thằng Mỹ chấp nhận chấm dứt cái cú dấn cuối cùng trong vụ hành hung miền Bắc bằng không lực. Anh Thế sang Paris từ hồi đầu năm, anh có làm gì chị đâu mà chốc chốc chị lại khóc gào thảm thiết như thế.
Chị tôi đẻ chưa xong mà máy bay Mỹ đã ào đến. Mọi người nhảy hết xuống cái hầm ngay dưới tấm phản gỗ. Chỉ còn chị và bà đỡ kiên cường trụ lại ở bên trên, như thể chính họ đang phải đối đầu với lũ cướp trời ở bên trên. Tất cả giật bắn người khi một loạt bom nổ ầm ầm xung quanh và mặt đất rung bần bật như lên cơn sài giật. Ở phía trên đầu, chị tôi cũng thét một tiếng rồi tắt lịm. Thằng Phũ gan góc mãi không chịu ra giờ đã phải phọt ra, một phần là nhờ loạt bom quá gần, đến người thường cũng phải kinh hoàng vãi ra quần. Rồi tốp máy bay bỏ đi luôn, như thể nhiệm vụ của đợt tập kích này là làm cho chị tôi đẻ được.
Bác chủ nhà và hai người đàn bà lật đật lên khỏi hầm giúp cho bà đỡ. Tôi ngồi lại cùng mấy anh chị con bác chủ nhà. Cả lũ trẻ con dán mắt vào những đôi chân đàn bà quần đen chạy qua chạy lại ở phía trên. Từ mép tấm phản gỗ, những giọt nước mầu đỏ bắt đầu giọt xuống như mưa giọt gianh.
Thằng Phũ đã ra đời như thế. Một thằng bé bầm tím nặng bốn cân chín lọt lòng mẹ nhất định không khóc. Bà đỡ đã nản lòng bỏ nó sang bên để quay sang cứu người mẹ đã lịm đi và có những dấu hiệu biến chứng rất xấu. Đám đàn bà bỏ xác thằng bé con vào một cái rổ sề trước hiên nhà cho khỏi vướng lối đi. Đúng lúc ấy thì ông phó chủ tịch phá đền chạy xộc vào, gọi thêm nhân công đi giải quyết mấy cái lò gạch ngoài đồng vừa bị trúng tên lửa Mỹ. Ông thấy thằng bé đen sì bị ruồi bâu bên trong cái rổ. Ông tiếc cái thằng bé mập mạp hiếm có. Ông nắm hai cổ chân nó xách ngược lên như xách một con chó con. Rồi ông phát lia lịa vào đít nó. Tiên sư mày, hôm nay là mùng một, trai mùng một to khoẻ như thằng tướng cướp thế này mà chịu nằm cho kiến nó tha. Những câu kích động kiểu ấy có thể khiến hai gã thanh niên tự ái điên lên mà vác dao chém nhau, huống hồ một thằng bé mới chịu chết có hơn một phút. Thằng bé bỗng giật mình, vặn vẹo thân người, sặc sụa dớt dãi ở mũi ở miệng. Rồi nó bật khóc. Khóc say sưa và sảng khoái. Rốt cuộc nó đã chiến thắng định mệnh nhờ sự trợ giúp của một ông cán bộ vô thần.
Theo lời khuyên của bà đỡ, chị dâu tôi đi lấy cho thằng bé một lá số tử vi. Ông thầy tử vi đã lén lút lập số tử vi cho tất cả những người tử tế trong làng, chỉ trừ ông phó chủ tịch phá đền, trừ goá phụ mà ông gọi là con đĩ thập thành và dăm ba gã buôn bè buôn chuyến. Tử vi dạy thằng Phũ có mệnh thổ, dễ chết vì đất. Ai mà không chết vì đất, đất luôn luôn tiêu huỷ mọi thi thể sang hèn, giàu nghèo, đức độ và vô đạo đức. Thằng Phũ có một cái hạn lớn vào năm hai mươi tư tuổi, thậm chí có thể sẽ chết, nếu qua được thì nó sẽ trở nên giàu sang bậc nhất, là trai mùng một nó sẽ thành tướng và luôn cầm chòm ở bất cứ nơi nào, chinh phục được bất kỳ ai. Chị tôi nể mà đi xem tử vi, những người được mang tiếng là cán bộ khoa học thời bao cấp quá kiêu hãnh, mấy ai tin những lá số nhảm nhí do những kẻ thất học vẽ vời nguệch ngoạc. Chị đã gần như quên mất chuyện tử vi cho đến thời kinh tế thị trường, cho đến khi bỏ tiền ra xây khách sạn, nói gọn lại là cho đến khi chuyển từ thân phận vô sản sang thân phận một người có sở hữu. Tài sản có tác dụng biến người sở hữu nó thành kẻ lúc nào cũng lo mất của, lúc nào cũng ngay ngáy lo sợ hao hụt. Lo nhiều thì đâm ra mê tín, thôi thì vái cả bốn hương tám hướng, có thờ có thiêng có kiêng có lành. Khi lo sợ thì chớ ngồi yên một chỗ mà càng sợ, cứ lật đật chạy chỗ này chỗ khác xin số xin quẻ cũng là một cách tự trấn an. Những bà cốp ông cộp còn đang thấp thỏm leo cao, những túi lớn ví lớn còn muốn căng phồng hơn nữa, những mối tình lớn tình bé còn muốn thoả thuê hơn nữa, tất thảy đều tìm sự xác tín nơi những quẻ bói và những lá số.
Phải đến lúc ấy chị tôi mới bắt đầu tin chuyện bói toán. Trong tay anh chị là số phận một khách sạn tương đối lớn, đâu phải chuyện đùa. Rồi bất chợt chị thót tim nhớ lời ông thầy tử vi về số phận đứa con trai. Năm nay tính cả tuổi mụ thì thằng Phũ đúng tuổi hăm tư. Chị lo chuyện ấy. Chị bị ám ảnh vì chuyện ấy. Nói với chồng thì chồng gạt đi, chuyện đàn bà. Anh Thế là người gia trưởng, anh tin vào vị trí độc tôn của người đàn ông thứ bậc cao nhất trong gia đình, anh không tin vào sự thu xếp việc lớn của người đàn bà. Từ Hải oanh liệt thế cũng chết đứng vì một cô Kiều đàn bà. Khổng Tử bảo gần đàn bà thì nó nhờn xa đàn bà thì nó oán. Thế ít khi để vợ can dự vào những việc mà anh tin là lớn và đúng đắn. Chị nổi khùng thì anh lặng lẽ bỏ đi đâu đó. Còn đến lượt chị phản ứng bỏ đi đâu đó thì anh bình tĩnh làm việc của mình cho tới khi chị chán ngán tự quay về. Lần này cũng vậy, anh Thế không nói cho vợ biết chuyện anh quyết định cho hai chú cháu tôi đưa xác thằng Bóp vào Sài Gòn. Chỉ khi chúng tôi đã bay đi rồi, chị mới biết. Chị hoảng hồn gọi điện thoại vào Sài Gòn liên tục. Chị phấp phỏng chờ ngày hai chú cháu bay trở ra. Không ai nói cho chị biết chuyện gì xẩy ra ở Sài Gòn. Thế mà khi tôi bước vào nhà, cố giữ vẻ mặt bình tĩnh dù vẫn hơi thất sắc, chị bắt rất nhạy vẻ thất thần của tôi. Chị run run hỏi. Thằng Phũ làm sao rồi phải không? Rồi chị xỉu xuống.
Trở lại chuyện thằng Phũ ngày trước. Chị dâu tôi đã đặt tên con là Mạnh, nhưng một tháng sau nhận được thư chồng, chồng khăng khăng đòi đặt tên con là Phú. Mạnh thì chung chung quá. Phú mới cụ thể cái chí làm giàu và quyết làm giàu của một thế hệ phải chịu chiến tranh, ăn thì phải ăn độn mì có lúc tới ba phần tư khẩu phần, ngủ thì ngủ bụi nằm bờ như lũ vô gia cư. Ngay từ khi ấy anh Thế tôi đã quyết chí phải ngoi lên làm giàu. Anh nhất định đặt tên con là Phú. Tạ Đắc Phú. Về sau lũ bạn gọi chệch đi là Phũ. Tên Phũ hợp với nó hơn.
Giữa tôi và thằng Phũ không phải chỉ có tình chú cháu. Có khi là bạn bè, là anh em, phần nhiều có một thứ tình cảm gì đó giống như tình cha con. Tôi chứng kiến phút chào đời của nó, một thằng bé tím tái ngạt thở đầy dớt dãi. Tôi cõng nó đi chơi suốt cả tuổi thơ tôi. Tôi theo dõi từng sự đổi thay suốt cả tuổi thơ nó. Năm mười bốn tuổi, Phũ rủ thằng Cốc và thằng Bóp theo học võ ở tôi. Ba gã trai đồ sộ nhất lớp, hung tợn nhất lớp từ nay được sự yểm trợ của võ thuật. Cũng vào năm nó bước sang tuổi mười bốn, một buổi sáng Phũ chỉ cho tôi những vết lốm đốm dầy cộp trên quần đùi của nó. Cháu đã trở thành đàn ông phải không chú? Chưa đâu, cháu mới bắt đầu dậy thì, còn trở thành đàn ông lại là chuyện khác. Từ đó thảng hoặc tôi giảng giải cho nó hiểu như thế nào là "trở thành đàn ông" và cần phải làm những gì trong cái bước ngoặt hiểm nghèo ấy của đời người. Đôi khi tôi phải kiểm tra theo kiểu trực quan để có những lời giải thích thiết thực. Đây chính là kinh nghiệm cụ thể mà anh Thế truyền cho tôi khi tôi bắt đầu trở thành người lớn. Gia đình tôi vốn ảnh hưởng Tây học. Giáo dục giới tính cho con trai là việc làm của cha chú hoặc của người anh lớn. Giáo dục giới tính cho con gái là việc của người mẹ. Cha mẹ chẳng may mất sớm, anh Thế trở thành người dạy tôi. Nay đến lượt tôi dạy cháu. Chỉ còn có cách đối thoại công khai, không né tránh gọi đúng tên sự vật. Người ấn Độ thời cổ đại trong pho sử thi bách khoa toàn thư của mình còn bảo rằng đức hạnh chỉ được bảo vệ bằng sự bưng bít ngu dốt thì rất bấp bênh.
Bẵng đi một thời gian, tôi lên tàu đi xa. Khi tôi trở về, thằng Phũ đem khoe một chiếc quần lót phụ nữ. Cháu đã trở thành đàn ông. Cả lớp rủ nhau đi cắm trại xa Hà Nội. Phũ kéo được đứa con gái ra xa khu lửa trại bập bùng, vừa mới lột được chiếc quần lót của cô ta thì nó bỗng thấy cơ thể mình tan ra thành nước hết cả. Tôi lại phải giải thích rằng sự tan chảy ấy không giống như sự tan hoà trong nhau và như vậy vẫn chưa gọi là đã trở thành đàn ông. Rồi lại bẵng đi một dạo cho tới khi thằng Phũ đem trưng khoe có tới cả chục cái quần lót. Nó là kẻ mải mê sưu tầm thứ đồ thầm lặng này. Lũ con gái không cưỡng được sự hùng hổ chiếm đoạt thân xác thì cũng không cưỡng được sự cướp đoạt cái thứ đồ nhỏ nhoi kia, cuối cùng đành chia tay với sự trống vắng từ thắt lưng trở xuống. Phũ thật thà kể cho tôi nghe lai lịch từng chiếc một, thứ đồ Thái có thể bóp gọn trong lòng bàn tay và đút nhanh vào túi quần khi từ giã. Màu xanh thiên lý là cái đầu tiên biến Phũ thành đàn ông. Màu nâu có một bộ ngực đồ sộ. Mầu hồng thì vừa kéo Phũ vào vừa muốn đẩy nó ra. Màu da người làm nó đắm chìm suốt một đêm trắng u mê đến mức không nhớ nổi bao nhiêu lần... Thứ kiến thức giáo dục giới tính tôi truyền cho từ năm nó mười bốn tuổi đủ cho Phũ sống phóng đãng mà không một lần để lại hậu quả.
Một lần tôi vừa chân ướt chân ráo về đến Hà Nội thì thằng Phũ kéo đi luôn. Qua những đường phố tối. Qua những tiệm cà phê cố tình để tối. Qua những đám người cũng tăm tối đứng ngồi trong tiệm, chúng tôi được đưa tuốt lên tầng ba. Mụ Tú Bà son phấn nước hoa và áo quần chải chuốt vẫn chưa giấu được gốc gác quê mùa. Chị mới vồ được một con bò lạc trinh nguyên, đơn thì chị xin chỉ rưỡi, kép như thế này thì cho chị hai chỉ. Thằng Phũ không thèm mặc cả, ra hiệu dẫn mối vào. Nó nắn vai đứa con gái quay đằng trước, hất ra đằng sau, bóp cằm cho nó ngửa lên để nhìn vào cặp mắt như cái cân tiểu ly của Phũ. Đoạn nó ra hiệu cho đứa con gái và tôi cùng lúc cởi bỏ. Ba đứa nằm trần trụi trên giường. Đứa con gái chẹt giữa, thân thể ấm nóng chốc chốc lại run giật như lên cơn động kinh mà không dám khóc. Phũ là kẻ thám hiểm đầu tiên, từ tốn và bình tĩnh dọc theo thềm lục địa đầy tiềm năng mà chưa được khai thác. Đứa con gái run lên từng đợt. Tay phải nó bíu chặt lấy tôi như sắp chết đuối bám chặt một tấm ván. Mặt thằng Phũ lộ vẻ ngờ vực. Nó lục cục gì đó ở nơi thềm lục địa một lát, tôi tưởng nó đang thành thạo kiểm tra lại dụng cụ bảo vệ một lần nữa. Vẻ ngờ vực chuyển phắt sang căm giận. Phũ thình lình đứng vụt dậy, đạp liên tiếp mấy đạp vào mặt đứa con gái. Nó xưng bố với đứa con gái, nó luôn mồm gọi mẹ con kia ra để chửi, "bố mày" muốn lôi "mẹ mày" ra để làm cái việc đang định làm với đứa con gái. Tôi giữ được chân thằng Phũ tồng ngồng lại, không thì nó đạp con kia nát bét. Con bé phải khai ngay. Em bị một tuần nay rồi, sau đó ngày nào cô Tì cũng bắt em phải nhận là còn trinh để bán tiếp cho khách đang háo. Đúng lúc ấy cô Tì đẩy được cửa ngách đi vào. Những loại phòng này thường có cửa phụ để thoát hiểm dù đã đều đặn đóng thuế cho công an và các loại bảo vệ phường quận. Thằng Phũ dí cái vật dính dấp trên ngón tay vào mặt cô Tì. Đây là bong bóng cá mè, định lừa bố mày à, bố mày đi làm một quả để thi cuối năm cho son mà mày dám đưa sọt thủng, lôi ngay con khác ra đền đi, không có à, vậy chạy ngay ra đường mà săn bò lạc, các bố mày chờ.
Cô Tì có tài thánh mới đi chộp được bò lạc vào lúc này. Thằng Phũ túm gáy cô Tì chửi rủa một lát thì bỗng nhận ra con mụ phốp pháp tái nhợt kia chính là sự bồi thường đậm đà mà giá lại rẻ bất ngờ. Nó quát cô Tì leo lên giường ngay, gái trinh không có thì nạ dòng thế thân, bằng không sẽ vẩy tay cho đàn em đến đập nát cái tiệm cà phê xanh này ra. Đến mức ấy thì cô Tì đành phải cởi bỏ vẻ tự tin và đàng hoàng bà chủ để leo lên giường.
Sau rốt cô Tì không nhận tiền, coi như kỉ niệm hai chú em một cái. Tất nhiên cô cũng ưng thuận kỉ niệm thêm cho thằng Phũ cái quần lót mà cô không mang sẵn trên người, phải chạy đi lục tủ để lấy.
Sau khi thằng Phũ chết, tôi thấy trong tủ quần áo của nó có một chiếc ca táp Nhật, kiểu xách tay của các vị quan chức, vật kỉ niệm quãng đời làm ngoại giao được ông bố trao lại cho đứa con trai. Trong chiếc cặp có 101 chiếc quần lót phụ nữ. Vậy là trong một quãng đời ngắn ngủi chín năm làm đàn ông, ông mãnh này đã sống bằng cuộc đời của 101 người đàn ông đạo đức suốt đời chỉ biết có một người đàn bà.
Và hiển nhiên là cũng giống như hai thằng bạn ra đi từ trước, đám tang thằng Phũ phủ đầy những vòng hoa trắng.
* * *
Lần ấy tàu cập bến cảng Đà Nẵng bốn ngày. Tôi lên bờ mua một tờ An ninh. Đám lính thuỷ, lái xe, phu phen, tiểu thương và xích lô ba gác đọc chung một tờ báo, loại báo không dành cho đám trí thức tự coi là độc giả bậc trên, vốn hay nghĩ ngợi và yếu thần kinh. Lũ người yếu bóng vía chỉ cần một tháng liền đọc báo An ninh thì ban ngày không dám ra khỏi nhà, ban đêm không dám ra khỏi buồng để đi giải. Nhưng chỉ việc coi những vụ đâm cướp giết hiếp là chuyện giải trí thì có thể được mách bảo những thông tin không dễ kiếm. Bài phóng sự điều tra về việc hẻm phố này có hiệu cắt tóc thanh nữ, góc đường kia bán thuốc kích dục và bao cao su tăng thêm khoái cảm, ven xa lộ nọ có bán vũ khí và bình xịt thuốc mê... là một cách bán thông tin cho người đọc tiếp cận thị trường.
Tôi từng luyện được cách đọc báo rất nhanh, thành ra là một kẻ đọc rất tốn báo. Chỉ sau chừng nửa giờ tôi đã lấy được hết nội dung của bốn mươi tám trang báo, thực ra trừ đi mười hai trang quảng cáo thì chỉ còn ba mươi sáu trang, kể cả lá thư toà soạn như một câu rào đón trước. Đến trang tin vắn, tôi giật mình khi đọc phải cái tin vào đêm (cách đây năm ngày) cảnh sát quận Hoàn Kiếm bắt giữ TĐP (Tạ Đắc Phú) sinh năm 1972 trú quán tại (nhà anh Thế tôi) trong lúc đua xe máy phân khối lớn quanh bờ hồ quệt ngã một nữ sinh mười chín tuổi làm cô này bị gẫy chân phải. Cuối mẩu tin có đôi ba lời bình về hiện tượng cậu ấm cô chiêu của những gia đình mới phất hoặc có thế lực đang lao vào những cuộc đua xe máy rồ dại làm cả xã hội nhức nhối. Tưởng hết lời bình thì hết, nhưng rồi mẩu tin lại được kéo dài bằng một thông tin cho thêm miễn phí rằng TĐP năm nay hăm ba tuổi (tự người đọc cũng nhẩm tính được từ con số năm sinh đã viết ở trên) hiện là sinh viên năm thứ ba khoa Anh văn trường ĐHNN (chữ viết tắt này là thủ thuật bỏ ngỏ cho người đọc tự suy đoán).
Tôi lật đật chạy vào trạm điện thoại công cộng. Anh Thế ở đầu dây bên kia. Chú Đông đấy à, chuyện xong rồi, có gì đâu. Con bé kia ấy à, chân phải được bó bột rồi, nằm vài ba tháng, có gì đâu. Thằng Phũ nhà mình ấy à, xe về rồi người về rồi, có gì đâu.
Có gì đâu, có gì đâu, mọi chuyện đối với anh Thế đều chỉ là có gì đâu. Anh có tài truyền sự bình tĩnh sang cho người đối thoại ngay cả trong lúc tang gia bối rối nhất. Vẫn biết anh có tài điều khiển và giật dây ngay cả những nhân vật có máu mặt, tôi vẫn thấy băn khoăn khi thấy anh giải quyết chóng vánh như thế vụ đua xe máy của thằng Phũ.
Rồi sẽ tới lúc người ta không hình dung nổi chuyện những năm đầu thập niên thứ chín của thế kỷ hai mươi có một lũ thanh niên choai choai phóng xe máy như mất trí trên những đường phố hẹp đủ mọi thành phần xe cộ. Đường hẹp thì mặc đường hẹp, đây là thời đại của tốc độ. Ăn uống thì có đủ mọi thứ ăn liền, học hành và công việc thì đều có lối đi tắt, vui chơi giải trí đều có thứ tàu nhanh, yêu thì cũng là thứ tình yêu tốc độ, đã được đảm bảo bằng tự do cá nhân và bao cao su OK Nhà Vô Địch cùng thuốc tránh thai Choice. Chỉ còn mỗi phương tiện giao thông công cộng là chậm và thiếu. Vậy là ai có thể tự lo được đều rước về nhà một chiếc xe máy. Xe máy vào tay đám thanh niên mới lớn là thành chiếc máy bay vút đi trên đường như bay giữa không trung. Chúng lạng lách, chúng đánh võng, chúng cướp đường, chúng xô người đi đường ngã chết ngay tại chỗ. Tốc độ thôi chưa đủ, thanh niên cần những ấn tượng mạnh đánh thẳng vào màng nhĩ và tròng mắt. Chúng rọi đèn pha chói gắt, chúng cưa bô hoặc lắp loại bô không giảm thanh rồi phành phành lao qua, rải những vụ nổ dọc theo các đường phố. Đường phố không rộng càng kích động sức trai. Ở Sài Gòn, tụ điểm ưa thích của đám thanh niên đua xe gắn máy là đường Lê Lợi, Đồng Khởi và trước cửa chợ Bến Thành, sau này bị vây bắt, chúng chuyển sang3-2, Nguyễn Hữu Cảnh, Trường Sơn... Ở Hà Nội tuyến đường đua hấp dẫn là quanh Hồ Gươm, đủ mấy vòng Hồ Gươm rồi thì đâm vào một cái hành lang hun hút là phố Hàng Gai Hàng Bông, đổ oà vào đường Điện Biên Phủ, nghiêng cánh qua Ba Đình lịch sử, rồi rơi mất hút vào đường Thanh Niên giữa hai hồ nước lớn. Tất cả các tay đua đều giật hết phanh trước phanh sau ra, đội lên đầu một vành khăn trắng coi như đã vĩnh biệt mẹ để thanh thản lao vào cuộc tỉ thí. Ngồi đằng sau chúng cũng là những đứa con gái choai choai, đầu cũng chít khăn trắng bày tỏ ý chí đồng quyết tâm, những cổ động viên đắc lực và cuồng nhiệt bậc nhất.
Đợi tới chừng mười một mười hai giờ đêm, đường đã vãn và lực lượng cảnh sát giao thông đã hơi buồn ngủ, cuộc đua bắt đầu. Mấy chiếc xe máy nổ phành phành chạy vụt qua dọn đường. Tiếp đến là một đoàn xích lô nghiêng hẳn xe điệu đà đi trên hai bánh, một thứ đội danh dự theo kiểu lễ nghi cờ đèn kèn trống. Khi đám xích lô nghi lễ đã dẹp gọn vào đâu đó, những tay đua mới đồng loạt lao vút đi. Người hàng phố hiếu kỳ đổ ra vỉa hè, đổ ra ban công để xem. Một gã đua non tay chồm lên vỉa hè khi vận tốc đạt tới gần trăm cây số/giờ. Gã bị quật vào tường nát bét, chiếc xe trong cơn giẫy chết cũng quăng quật mấy lần, cuốn theo những cẳng chân cẳng tay của những kẻ hiếu kỳ và đám cổ động viên ngẫu hứng. Nhiều xe trong chặng đua dài bị vỡ sọ cả chàng và nàng, vành khăn tự để tang cho mình lầy nhầy giữa đám hộp sọ toang hoác.
Máu chỉ càng làm say máu. Tai nạn chỉ càng thêm mầu sắc mạo hiểm và iêng hùng cho cuộc đua. Dân lành phản đối càng làm cho các cuộc đua tài thêm độc đáo khác người. Cảnh sát rượt đuổi và lùng bắt càng khiến chúng kiêu hãnh vì tự coi là những phần tử ngoài vòng pháp luật. Cảnh sát huy động một lực lượng xe phân khối lớn mai phục đâu đó trên đường đua để sẵn sàng lao theo truy bắt. Sau mấy trận thì những tay đua dùng chiến thuật nghi binh. Chúng cho những chiếc xe bô không giảm thanh đoành đoành phóng qua như một trận đua thực sự. Lực lượng cảnh sát mỏng manh lập tức lộ diện đuổi theo bằng hết. Khi không còn xe cảnh sát nào mai phục nữa thì cuộc đua thực sự mới bắt đầu.
Thằng Phũ nhảy vào đua xe ở giai đoạn chót của hiện tượng này. Nó đua không phải vì tiền, không phải vì gái (ngồi ở đằng sau), không phải vì một trăm thứ lý do linh tinh gì khác. Chỉ đơn giản là nó ngứa mắt nhìn lũ châu chấu ma bươm bướm ma cưỡi trên xe máy vừa phóng vừa run, chưa dám liều mạng tới vận tốc tối cao, chưa đi đã ám ảnh bởi cái chết, đội sẵn khăn tang cho mình. Nó phải cho lũ liều thân kia lịm tim choáng đầu trước một tay đua không bịt khăn trắng trên một chiếc win mở hết tốc lực phóng vọt lên phẹt vào mặt lũ nhóc con một luồng khói té re, rồi lao ngay về đích, nhảy vào tiệm cà phê xanh kiếm thêm một chiếc quần lót tàu nhanh lấy may, sau đó mới khoan khoái quay ra đón mấy chú em đang tới đích. Phũ thành công ở mấy hôm đầu. Nó cũng thành công ở hôm cuối cùng khi bị công an bắt, nếu không tính việc quệt ngã một cô gái bất chợt phóng xe đạp từ một ngõ nhỏ ra. Con ranh hôm ấy đi học tiếng Anh về muộn bèn đâm bổ lao đi, quá sợ bố mẹ mắng mà ngu ngơ ù tịt không nghe thấy tiếng động cơ phành phành đầy hăm doạ, không biết con đường bên ngoài ngõ nằm trên tuyến đường đua xe máy khét tiếng. Một giờ sáng anh Thế biết tin thằng Phũ bị giữ cả người cả xe ở đồn công an quận, thì tám giờ sáng anh đã đến đón cả xe cả người về. Ngay trong đêm anh đã gọi điện cho một ông thứ trưởng nội vụ thân tình. Gọi cho ông giám đốc bệnh viện để bó bột cẩn thận cho cái chân gãy của con bé. Sáng ra anh tìm đến nhà nó. Một gia đình công chức nghèo sống hoàn toàn bằng đồng lương còm của hai vợ chồng có hai đứa con. Chuyện rủi ro thì đã xảy ra rồi, cô chú hãy cho gia đình chúng tôi xin lỗi, chúng tôi xin chịu toàn bộ tiền thuốc thang viện phí cho tới khi cháu lành hẳn, nhưng không phải chỉ đến thế là xong, thôi thì số phận đã đẩy hai gia đình ta lại gần, tôi xin coi cháu như con cháu trong nhà, khi nào cháu học xong tôi sẽ tìm cho cháu một công việc phù hợp, cháu đang học khoa tiếng Anh ư, thế thì bài vở không phải lo, thằng anh nó sẽ có trách nhiệm phải tới phụ đạo, không thì tôi sẽ kiếm cho cháu một gia sư.
Nhưng không một gia sư nào dám qua mặt Phũ ở cái lãnh địa này, nơi mà nó đã nhanh chóng xác lập chủ quyền. Phũ bị bố bắt phải tới thăm con bé nạn nhân. Nó bàng hoàng thấy con bé ấy hoá ra có một thân hình khá đẹp, gương mặt cũng đẹp tuy có vẻ thiếu cá tính. Vẻ đẹp ấy nếu được bổ sung bằng một khiếm khuyết thì sẽ trở nên tuyệt vời. Nay thì khiếm khuyết là cái chân đi hơi chấm phẩy chút ít, cái chấm phẩy khiến cô gái trở nên duyên hơn đậm đà hơn, cá tính rõ nét hơn. Giống như một gương mặt mắt mũi miệng răng đều chuẩn răm rắp, như đáp án đề thi của nền giáo dục khô cứng, bỗng vì một lý do nào đó mà cặp mắt hơi bị hiếng đi. Hiếng đi có nghĩa là kiều nữ sẽ có vẻ đẹp ấn tượng hơn trước. Thằng Phũ quen chân đến phụ đạo tiếng Anh cho em gái một chân bó bột. Vốn dĩ từ thời học phổ thông, thằng Phũ bị xếp vào lớp học tiếng Anh. Thời ấy học tiếng Anh tiếng Pháp là phải cụp mặt xuống trước những lớp học tiếng Nga. Anh Thế phải ra tay can thiệp để đổi cho con về lớp học tiếng Nga, một cái thiên đường phích đá tủ lạnh nồi áp suất của rất nhiều người. Vào được lớp tiếng Nga khoa tiếng Nga là điều tất nhiên của những vị con ông cháu cha, là may mắn lớn của con nhà cua ốc bù loong. Thằng Phũ dĩ nhiên được chuyển sang lớp tiếng Nga và anh Thế đương nhiên sẽ rất dễ dàng lo cho nó một cái chân trong đoàn học sinh đi thi ôlimpich tiếng Nga, hoặc gửi nó sang một trường đại học nào bên đó. Đùng một cái thiên đường ấy rối tinh rối mù cả lên như có một quả mìn nổ giữa thiên triều và đám thiên thần tiên nữ. Ngày hội giả trang chấm dứt, chỉ còn trơ lại một bãi đất trống hơ trống hoác với những con người vừa đóng vai hoàng tử công chúa vội cởi bỏ đồ hoá trang để quay về lo miếng bánh mỳ và cơm áo hàng ngày. Năm ấy, những ai đã học xong đại học tiếng Nga bèn rất thức thời đổi dòng sang học tiếng Anh tiếng Pháp để kịp đi làm cho sở Mỹ sở Tây đang ùn ùn kéo vào. Cũng giống như họ đã bỏ béng tiếng Tàu hơn mười năm trước để chuyển sang những ngoại ngữ khác, rồi bây giờ lại phải quay lại học chính tiếng Tàu để đi làm việc cho các ông chủ Đài Loan Hồng Công. Nhanh chóng thích nghi và xu thời là đặc điểm của homo sapiens, của giống người hiện đại. Cũng đúng năm ấy thằng Phũ thi đỗ vào Đại học Ngoại ngữ. Ông bố giỏi xoay xở chuyển ngay được cho thằng con vừa thi môn tiếng Nga sang khoa Anh văn. Giờ có vốn tiếng Anh năm thứ ba, nó thừa sức bồi dưỡng cho em gái bó bột đang học năm thứ nhất. Thằng Phũ thuộc loại không chịu kè kè bên một đứa con gái quá hai tuần mà không được thám hiểm vùng thềm lục địa bị phong toả. Lần này thì khác, cái chân con bé còn đau nên Phũ đành kiên nhẫn đợi bằng cách tạm thời đi kiếm ăn nơi khác.
Khi cái chân con bé đã lành, quả là cái chân bước đi có hơi co nhún một chút và dưới mắt thằng Phũ duyên hơn một chút, thì con bé đã thực sự rơi vào tay thằng Phũ. Phũ có đem khoe tôi cái vật kỉ niệm ấy, chẳng rõ là chiếc thứ bao nhiêu trong bộ sưu tập của nó.
* * *
Đường phố Sài Gòn về đêm như đã qua cơn sốt đua xe máy, người ta đi xe có vẻ trật tự và đúng luật hơn so với Hà Nội, hiếm khi thấy một gã ngựa non ngứa ngáy tứ chi phóng xe như phát rồ. Nhưng thói ham chuộng xe máy như một thứ lý tưởng, một thứ cứu cánh vẫn còn đó, còn trên khắp xứ này, gặp nhau người ta vẫn say sưa nói chuyện xe máy, chuyện lên một cái xe đời mới hơn bốc hơn, thanh niên thì vẫn nhất xì po nhì bảy số.
Tôi và thằng Phũ đỗ xe đối diện với cái khách sạn mini ấy, chỉ đỗ một lát thì cô gái bước ra và lên xe đi. Xem ra chỉ vài ngày qua Phũ đã nắm được quy luật đi lại của đối tượng. Cô gái cho xe đi thong thả. Từ phía sau tôi hơi ngỡ ngàng tưởng đó là cô gái thuê xưởng vẽ của Thuyền trưởng hôm trước, chứ không phải đối tượng cần thanh toán của thằng Phũ. Cô ta cũng mang đúng bộ váy áo của cô gái ở xưởng vẽ của Thuyền trưởng. Và tôi bất chợt hiểu ra, hai cô này có liên quan tới nhau, có thể họ là bạn của nhau. Hôm nào trở về Hà Nội, tôi sẽ tìm tên và địa chỉ cô ta trong sổ ghi tên khách trọ của khách sạn The Apocalypse.
Cô gái đi chầm chậm ở đằng trước. Lẫn vào những người đàn bà lương thiện đi làm về hoặc bắt đầu đi làm ca đêm. Lẫn vào đám đàn bà ăn sương trá hình làm người đi dạo. Những nguồn giải trí chốc lát cho đàn ông không còn dám đứng tụ tập dưới những gốc cây những hẻm phố những khuôn viên nữa. Nơi ấy bây giờ đang là hiện trường của những đợt truy quét. Vậy thì chị em ơi lên xe ta lên đường, người có tiền thì xe máy kẻ ít tiền thì xe đạp, ta không đứng gốc cây thì ta thành người tiếp thị lưu động. Anh hai nào chịu chơi thì mời ngồi lên, em xin làm con nhỏ xe ôm.
Cô gái vẫn thản nhiên đi bên cạnh những chị em xe ôm và những người đàn bà tiết hạnh. Vẫn đi thong dong. Thằng Phũ kiên trì bám theo cho tới khi lọt vào một con đường vắng, chị em xe ôm lác đác, còn những người tiết hạnh biến đi đâu hết cả. Nhà chức trách và lực lượng cảnh sát cũng biến đi đâu hết cả. Thằng Phũ tăng tốc độ năm mươi cây số/giờ. Cô gái cứ ung dung đi trước. Sáu mươi cây số/giờ. Cô gái vẫn ở đằng trước, thản nhiên như không hề tăng tốc. Phũ rồ máy. Tám mươi cây số/giờ. Chiếc xe phân khối lớn nhằm thẳng mục tiêu mà lao tới. Chính khoảnh khắc ấy tôi mới hiểu thằng Phũ sẽ không dùng bất cứ một thứ vũ khí nào khác, vũ khí chính là chiếc xe kềnh càng 750 phân khối này. Chiếc xe sẽ nghiền nát đứa con gái kia, coi như một vụ tai nạn va quệt, rồi bỏ chạy mất dạng.
Chiếc xe đã mở hết tốc lực. Tay đua xe máy cao thủ Hà Nội đang trổ tài trên một con chim sắt là hiện thân của thần chết. Tóc tôi như bị dứt khỏi da đầu. Mái tóc bồng của thằng Phũ quật vào trán tôi rát bỏng. Đám chị em xe ôm ré lên lánh dạt vào vệ đường. Cô gái kia vẫn ung dung ở đằng trước, trên một chiếc Cup 70 như thứ đồ chơi trẻ con. Như là một chiếc xe ma. Tôi cảm thấy đang sa bẫy bởi con mồi đằng trước. Tôi muốn bảo thằng Phũ chấm dứt cuộc rượt đuổi. Tôi không sao há miệng ra được. Thằng Phũ gầm gừ trong họng. Nó vẫn kiên trì với chiếc xe mở hết tốc lực. Nó vẫn cố gắng một cách tuyệt vọng. Hình như chúng tôi đã thu hẹp được khoảng cách. Mái tóc cô gái vờn nhẹ như thể gió trời hắt hiu nhè nhẹ.
Bất chợt xe chúng tôi chồm lên thẳng đứng như một con tuấn mã phát điên. Tôi thoáng hiểu cô gái kia thế là đi đứt. Chiếc xe giữ nguyên tư thế trên bánh sau như làm xiếc đi xe một bánh trên dây. Vòm me trên đầu bắt ánh đèn xanh mét quay tít như chong chóng. Vòng quay nghiêng dần xuống khiến các thân cây gốc cây cũng quay. Các em xe ôm dạt vào bên đường cũng quay. Cô gái kia đang đi xa dần cũng quay. Thằng Phũ bật ra khỏi xe cũng quay tít, đầu quật vào một gốc cây vỡ toang sọ, lăn lông lốc mấy vòng rồi nằm vắt mình trên một miệng cống để ngỏ.
Tôi quay cuồng lồng lộn trong một vòng quay tóe hoa cà hoa cải, rừng rực lửa xăng và chát chúa tiếng kim loại va quật. Thoang thoáng thấy chiếc xe như một con trâu đen, đâm bên này, húc bên nọ, quật chan chát vào gốc cây bên kia, rồi tan tành một đống sắt vụn hình thù kỳ dị.
Tôi ngất đi một lúc. Tôi bị văng lên một chiếc xe chở rác, loại xe đẩy tay, dựng ở bên đường. Đống chất thải của con người văn minh gồm cà chua trứng thối cơm ôi, trong những túi những bọc ni lông lồng bồng đã cứu tôi. Tỉnh dậy, tôi lăn xuống khỏi chiếc xe, chạy chúi đầu về phía thằng Phũ. Cả phần thân dưới của nó ngập trong cái cống nhớp nháp bùn rác khai khắm. Phần thân trên vắt trên miệng cống như người đang muốn gồng mình để leo lên. Cả phần hộp sọ phía sau, ở trên gáy một chút, biến đi đâu mất, giống như một cái gáo dừa rỗng không.
Tôi run bắn người thấy quanh cái gáo dừa ấy là một vành khăn trắng, quấn vòng trước trán rồi thả lòng thòng hai đầu khăn trắng ra khoảng đầu rỗng đằng sau. Giống hệt cái chết của một gã đua xe chết bỏ.
Nhưng thằng Phũ không hề quấn một cái khăn nào trước khi chết, khăn trắng lại càng không. Tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để nhớ rõ điều ấy.
* * *
Ngay ngày hôm sau tôi đã ngồi trên một chiếc máy bay trở ra Hà Nội, mang theo xác thằng Phũ. Chỉ trong vòng một tuần tôi phải bay hai chuyến áp tải hai xác chết. Xác ở Bắc đưa vào Nam. Xác Nam đưa ra Bắc. Hãng hàng không trở thành con thoi vận chuyển xác chết.
Cô gái ngồi bên cạnh nước mắt lã chã trong chiếc mùi xoa chỉ còn để hở đôi mắt nhem nhép mưa dầm. Khóc như thế chắc là khóc vì tình. Cô cứ thử ốm suýt chết một lần đi. Cô cứ thử đi đưa đám bạn bè người thân nhiều nhiều đi. Tình yêu trở thành không đáng kể. Thất tình thành chuyện không đáng kể. Bị lường gạt cũng thành chuyện vô nghĩa.
Mọi nỗi đau đều được thời gian xoa dịu. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được. Chỉ trừ cái chết. Nửa tháng trời tôi phải chứng kiến ba cái chết. Trước đó mười tháng là cái chết thê thảm của con gái tôi. Sau khi đã chứng kiến nhiều cái chết, đã kề bên cái chết, có thể con người sẽ nhìn thấy mọi thứ trên đời thật hơn. Ví như cô chiêu đãi viên hàng không kia, nụ cười thường trực kia là để hành nghề, biết đâu cô có một bà mẹ già nằm liệt giường, mọi hoạt động trao đổi chất trong cơ thể đều tại chỗ, biết đâu cô có một người anh trai duy nhất đang vất vưởng ở một góc trời Tây nào, nơm nớp lo những băng cướp châu á và cả đám cảnh sát xứ người. Ví như cô gái đang khóc dầm dề này, bây giờ thì tôi thấy rõ cô khóc vì bị mất của hoặc là bị cách chức. Tiền bạc không đáng để cô khóc như vậy. Chuyện công danh không đáng để cô tuyệt vọng như vậy. Cô sẽ hiểu điều này nếu cô bước đến thả một nắm đất xuống huyệt một người thân.
Tới lúc này thì tôi đổi ý. Cô gái đang khóc một người thân mới chết. Sự đau đớn suy sụp ngày càng lộ rõ. Chỉ có cái chết mới làm cho cặp mắt to ấy ngập tràn bóng tối thê lương, gương mặt ấy xám ngoét như tử thi, tiếng nấc nhẹ ấy quằn quại đứt ruột. Tôi không làm bộ mặt cự tuyệt chia sẻ được nữa. Tôi trả lại cho bộ mặt mình cái vẻ thật nhất của nó là đau đớn và thù hận. Khi cô gái từ chối bữa ăn và chỉ xin một cốc nước, thì tôi cũng từ chối bữa ăn và chỉ xin một cốc nước.
- Xin anh cứ ăn tự nhiên, tôi sẽ cố không làm phiền anh nữa. Cô gái ngẹn ngào nói.
- Phiền gì đâu, tôi cũng đang có chuyện buồn.
Tôi nói giọng hơi lạc đi. Đó mới đích thực là giọng tôi lúc này. Cô gái tìm được người chia sẻ ngay trên chuyến bay. Hai chị em cô phải vào Sài Gòn mới xin được việc làm, cô đi làm tiếp thị cho một hãng nước ngọt, em gái cô làm văn thư cho một công ty nước ngoài. Ngày xưa dân Sài Gòn gọi lũ con gái đi làm cho ngoại quốc là gái sở Mỹ, một thứ gái chơi cho những ông chủ dâm dê mà thôi. Bây giờ cô nào xin được việc làm ở sở Mỹ sở Tây thì vênh váo lắm. Ông chủ động vào người mà hất tay ra thì ngay hôm sau mất việc. Em gái cô đã mấy lần phải đến bệnh viện Từ Dũ nạo hút thai. Lần nào cô cũng phải muối mặt đưa em đi. Lần này con bé tự đi một mình. Nó không dám chờ quá lâu, bèn đi theo mấy mụ cò lảng vảng trước cổng bệnh viện, đến một con hẻm tăm tối. Một bà bác sĩ hành nghề ngoài giờ để tăng thu nhập đã làm con bé thủng dạ con, rồi nhiễm trùng, rồi chết hai ngày sau đó.
Cô gái lục chiếc túi xách tay ôm khư khư trong lòng, lấy cho tôi xem tấm ảnh cô em gái đã chết. Một khuôn mặt tròn xoe như cái đĩa tây, một cái mũi tẹt và cặp mắt một mí húp híp. Lũ đàn ông Âu - Mỹ toàn bồ bịch hoặc cưới những vẻ đẹp thổ dân Giao Chỉ kiểu này, những đứa con gái mà đám trai tráng Việt Nam cho là quê mùa và ngoảnh mặt đi ngay. Nói trộm vía, cái con nhãi nhép này làm sao sánh được với ba gã trai của tôi, lừng lững ba chàng đẹp trai cao trên dưới thước tám, đầy tràn dục vọng, đầy tràn sức sống. Tôi không sao hình dung được những thân hình lực lưỡng ấy, những gương mặt mê hồn ấy phải làm mồi cho lửa, hoặc tan rữa trong lầy lụa bùn đất dưới những nấm mồ. Cũng không tin được rằng có thể oan hồn chúng đang lẩn khuất trong những cụm mây trắng ngoài kia, đang lướt gió bám theo chiếc phi cơ chở xác thằng Phũ này.
Cô gái lại sụt sùi than vãn rằng cả nhà cô đều muốn đưa xác đứa em gái về Hà Nội làm tang, nhưng hãng hàng không chẳng chịu nhận vận chuyển. Thân cô thế cô ở Sài Gòn, chẳng quen biết ai có thế lực giúp được, cuối cùng cô đành phải đưa xác em đi hỏa táng. Lọ tro cô bỏ trong chiếc túi xách tay đây. Chắc hẳn vì lọ tro của cô mà đám chiêu đãi viên hàng không lúc nãy đã xì sụp khấn vái. Tôi không nỡ vạch rõ sự thật rằng đám tiếp viên khấn vái cho cái tử thi của thằng Phũ. Nào có ai phát hiện được bình tro của cô, em gái cô sống thua thiệt thì chết cũng phải thua thiệt hơn người. Ngay khi tai họa xảy ra, tôi đã vác được xác thằng Phũ chạy lên đầu đường, gọi được một chiếc xích lô để vào viện. May là đường vắng tanh, đám gái làm tiền lưu động hoảng hồn lẩn ngay khỏi nơi dễ bị chôm làm nhân chứng, đám cảnh sát thì không có mặt ở con đường vắng, như thể đã thỏa thuận bỏ ngỏ cho chị em làm ăn. Hiện trường chỉ còn dấu tích một vụ tai nạn thông thường. Đêm ấy anh Thế gọi điện vào thu xếp hết với bệnh viện, với hàng không. Con cháu của anh khi chết vẫn còn có đặc quyền. Hàng không dù không muốn chở xác chết thì vẫn phải chở, hai xác chết trong vòng một tuần.
Vậy là những bà cô ông mãnh chết đi rồi vẫn còn chia ngôi thứ như khi còn sống. Kẻ vẫn được đặc quyền. Kẻ thì hoàn toàn không.