watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cõi người rung chuông tận thế-Chương 6 - tác giả Hồ Anh Thái Hồ Anh Thái

Hồ Anh Thái

Chương 6

Tác giả: Hồ Anh Thái

Thế thì độc dược ơi, hãy làm nhiệm vụ của mi đi thôi. Câu nói ấy từ giờ trở đi sẽ có một tác dụng ngược trở lại. Sẽ ứng nghiệm trở lại với chính tôi. Chính tôi là kẻ có ý định trừ khử Mai Trừng bằng thuốc độc. Viên thuốc độc bằng chiếc cúc áo, bọc trong một lần giấy ni lông, luôn nằm trong túi quần tôi. Gậy ông lại đập lưng ông. Kẻ chơi dao sẽ chết vì dao. Với một người như Mai Trừng thì những chuyện như thế là có thật. Tôi sẽ chết vì thuốc độc. Có thể chết vì viên thuốc của chính tôi. Có thể chết vì bất cứ một độc dược nào khác. Tôi đã tự lựa chọn cái chết cho chính mình mà không hay biết. Giống như thằng Cốc, thằng Bóp, thằng Phũ, đứa nào đã tự lựa chọn cách chết cho đứa ấy.
Tôi đi vào phòng karaoke của khách sạn. Một nhóm mấy gã đàn ông và mấy cô tiếp viên đang ôm ấp nhau, thay nhau cầm micrô mà gào lên. Nếu mai anh chết em có buồn không? Một bài rền rĩ mà nghe chỉ thấy vui vui tai. Thậm chí tôi đã suýt bật cười. Ngớ ngẩn câu hát. Ngươi cứ việc chết đi, người tình duy nhất của ngươi, một nửa cuộc đời của ngươi, sẽ ngay lập tức đi hát karaoke với một người tình duy nhất khác. Ngớ ngẩn giọng hát. Một trò giải trí dành cho những kẻ muốn được thỏa mãn trong phút chốc cái ham muốn phá vỡ thế độc quyền rằng chỉ có ca sĩ đích thực mới được quyền cầm micrô mà hát. Miệng mình hát tai mình nghe thì hay. Miệng mình hát cho tai người khác nghe thì thực là một cuộc tra tấn tàn bạo cái màng nhĩ. Ngớ ngẩn cái phát minh vĩ đại của người Nhật. Kawabata chết rồi, Akira Kurosawa coi như chết rồi, Kitaro coi như chết rồi, nền văn hóa của họ rốt cục còn lại những thứ như karaoke này, một ngôi nhà văn hoá bị lún móng và sụt móng vì xây nhầm trên đầm lầy. Kỹ thuật điện tử, kỹ thuật vi tính, kỹ nghệ thương mại, văn hóa đầm lầy và nền giáo dục trọc phú cùng lúc xúm vào cưỡng dâm nghệ thuật âm nhạc.
Nhưng tôi cũng đang chết. Người đang chết và thứ văn hóa đang nát rữa dễ hiểu nhau hơn. Tôi cầm lấy một chiếc micrô hát theo lũ người kia. Yêu cứ yêu đi, yêu như chưa bao giờ, yêu như dại khờ, yêu như chậm giờ... Thế gian này chỉ còn đôi ta, ngào ngạt hương hoa, mây trời bao la, thiên đường cao xa... Một thứ giải trí khéo dẫn dụ bằng sự hơn hớn tí tởn của nó.
Tuy vậy một người đang chết cần cái đó. Những người đang chết cần cái đó.
Hát chán rồi, tôi bỏ micrô ra khỏi phòng mà không nhìn ai. Có một bóng người ra theo luôn. Tôi hơi rờn rợn. Tôi dừng chân, cảm thấy kẻ kia vẫn đang bước tới. Một bước, hai bước, ba bước. Tôi thành thạo tạt nhanh sang phải, xoay người lại.
Trước mặt tôi là gã máy trưởng. Năm xưa, trong cơn bão biển, cả tàu đổ tội cho gã vì vợ và con gái gã ở nhà theo giai. Gã thì mê mụ để quên chiếc đèn pin bên cạnh la bàn làm la bàn chỉ sai hướng.
Chúng tôi lao vào ôm lấy nhau.
Gã vỗ vỗ vào lưng tôi, rồi đẩy ra ngay. Cậu chờ ở đây đi, chừng một giờ nữa chúng ta gặp nhau. Gã nháy mắt theo kiểu thủy thủ. Trót đưa tiền rồi, trót hẹn với cô em trong phòng karaoke rồi, trót thuê phòng rồi, không nên thất hứa với đàn bà phải không nào, hay là cậu cùng vào đi? Tôi bảo gã cứ việc tự nhiên. Tôi sẽ đợi gã tại xưởng vẽ của Thuyền trưởng ở tầng hai, mà không nhất thiết phải sau một giờ, nếu thích gã cứ việc kéo dài công đoạn và tần số.
Tôi đi lên xưởng vẽ của Thuyền trưởng. Con Ki nằm phủ phục bên dưới bàn thờ để lọ tro thằng Cốc. Tôi xúc động vì sự thủy chung của nó. Người chết thì đằng nào cũng chết rồi. Đau đớn và nặng nề là kẻ ở lại. Tôi dắt con chó vào thang máy đi lên tầng thượng. Trời đã nhá nhem. Bầu trời phơn phớt tím, dịu dàng như một lời an ủi với hai kẻ cô đơn khủng khiếp. ít họa sĩ nào miêu tả đúng sắc độ của cái bầu trời tím phớt như vậy. Có lẽ đây là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong ngày. Đường phố ngàn ngạt nghìn nghịt xe cộ chỉ lúc này mới thưa vắng, mới tạm lắng đi chút ít để chốc nữa lại bừng dậy, quăng mình vào một cuộc chơi thác loạn.
Nhưng đau khổ nhiều, chứng kiến chết chóc nhiều để rồi được sống mà quan sát, mà nhìn thấy tất cả những điều đang diễn ra dưới những mái nhà kia, những đường phố kia thì không vui, nhưng cũng có ích. Tôi không tin những người chưa từng chứng kiến một cái chết nào. Phải chứng kiến tận mắt, phải ôm người chết trong tay, phải khâm liệm cho một tử thi... người đó mới xem như thực hiểu đời, hiểu người, hiểu sự sống. Khi đã hiểu cái chết, anh mới bình thản và tự tin để quan sát tất cả những người không hiểu cái chết. Khi ấy anh thấy mình cần phải sống.
Tôi cần phải sống.
Chỉ mới trước đó một giờ, tôi đã chán nản buông xuôi cho cái chết, tôi thấy mình đang chết, tôi sẵn sàng chờ đón một liều thuốc độc đến thình lình từ một nguồn nào đó.
Bây giờ thì tôi muốn sống. Dù phải sống theo kiểu hàng ngày ủ rũ phủ phục như con Ki này trước vong hồn những người đã chết. Dù đau khổ thì vẫn phải lấy làm may mắn vì đã được sinh ra làm người.
Tôi bỗng thấy thèm sống hơn bao giờ hết. Tôi dắt con Ki trở xuống xưởng vẽ của Thuyền trưởng. Gã máy trưởng đang thong thả đi qua trước những bức tranh vẽ biển. Gã gặp lại những trạng thái biển khác nhau mà gã từng chứng kiến. Gã gặp lại những bức tranh đã từng xem trong phòng tôi ở trên tàu. Gã như gặp lại những người bạn cũ.
Gã bảo gã nóng lòng muốn gặp lại tôi ngay, cho nên đã tàu nhanh cho xong. Không ngờ ở đây lại có một căn phòng giống như trên tàu vậy. Gã ôn lại chuyện cũ, ngày ấy khi tàu đắm, chỉ có tôi và gã sống sót. Gã bị dạt sang một hòn đảo khác. Ở đó gã chẳng được ai cứu, chẳng có gì để ăn. May cho gã là hai ngày sau có một chiếc tàu lớn đi qua đảo. Người ta nhìn thấy gã cởi áo vẫy rối rít, bèn cho xuồng vào đón rồi đưa gã về Hải Phòng. Gã về nhà, bắt tận mặt vợ và con gái đang nuôi béo hai thằng đĩ đực xấp xỉ tuổi nhau, mỗi cặp ở một phòng, ra vào đụng mặt nhau tự nhiên như không. Gã vác dao đuổi chém hai thằng kia chạy tan tác. Gã đuổi chém mụ vợ. Căm hờn gấp bội vì gã tin rằng chính sự thập thành của mụ đã làm biển nổi giận, nhấn chìm con tàu và dìm chết đồng nghiệp của gã. Gã đuổi chém con gái. Nhà dột từ nóc dột xuống. Gã uất vì dòng giống mình nảy nòi ra một thứ ngợm vô luân như thế.
Tôi ái ngại hỏi chen vào rằng vợ con gã bây giờ ra sao. Còn sao nữa, mụ vợ từ hôm ấy chẳng còn dám vác mặt quay lại. Nghe đâu mụ thành một thứ phò cao cấp cho đám thủy thủ ngoại quốc, về sau mụ lấy một thương nhân Hồng Kông, đi biệt tích luôn. Gã khoe rốt cục cũng lừa được một thằng sinh viên nhà quê chịu cưới con gái gã. Sự đời thật trớ trêu, con này thời chưa chồng thì nạo thai lên nạo thai xuống, thành ra điếc tịt, nay có chồng muốn chửa không chửa được, hai năm rồi mà bụng vẫn xẹp như cái bánh đa nem.
Tôi hỏi bây giờ gã làm gì.
Còn làm gì nữa, gã sinh ra để mà đi biển. Biển dễ hiểu, biển thành thật và rộng lượng. Đi biển gã không hề say sóng. Vậy mà về đất liền gã mắc chứng say bờ. Đất dưới chân chung chiêng như sóng lượn. Nhìn người chỉ thấy những mặt người méo mó xám xịt như vụng về dập khuôn hàng loạt bằng chì. Một tấm con gái chẳng ra hồn người, nhưng coi như gia thất tạm yên một bề. Nợ đời gã đã trả xong. Gã phải quay về với biển. Hôm nay gã về Hà Nội ăn chơi quấy phá một ngày, hai ngày nữa tàu gã sẽ nhổ neo.
- Ngày ấy cậu bỏ nghề thuyền trưởng, anh em ai cũng tiếc. Gã bảo. Hai chúng tôi đứng bên chiếc bánh lái. Tôi tiện tay quay một vòng. Giống như cái bánh xe thời gian. Giống như cái bánh xe luân hồi.
- Anh biết đấy, chúng ta ai cũng đầy những điều đáng tiếc. Tôi nói.
- Đã đành vậy. Nhưng nhiều khi tớ cứ tự hỏi vì sao một thằng tài hoa như vậy, đàng hoàng như vậy mà cũng gặp nhiều ngang trái. Cái hạng lem nhem dầu mỡ như tớ phải cắm mặt xuống bùn thì đã đành một nhẽ.
Tôi bảo gã đêm nay có thể ở lại phòng tôi, khỏi phải đi thuê phòng khác.
- Đồng ý. Nhưng để tớ quay lại với em gái kia một suất nữa. Xơi tích luỹ cho một chuyến lênh đênh dài ngày mà.
Sau từng ấy truân chuyên mà gã vẫn luôn miệng hồn nhiên đi, vô tư đi, nợ đời đã trả xong rồi, bây giờ được thêm phần nào tức là lãi phần ấy.
Đêm, khi cả hai người ngủ chung một phòng, gã kể có một lần bất chợt gã nhớ đến tôi, gã bèn hỏi mọi người trên tàu xem tôi bây giờ ở đâu, làm ăn ra sao, nhưng không ai biết. ấy là lần tàu đi qua vùng vịnh Lan Hải, gã thấy hai mẹ con một thiếu phụ chở một thuyền nhãn đi bán. Đứa con trai chừng bốn tuổi ngước cặp mắt to sáng nhìn lên con tàu mà ao ước. Cặp mắt nó cũng màu nâu trong veo như mắt tôi. Gã đã có lần thấy tôi cũng ngước nhìn lên như thế, gương mặt cũng trong trẻo đầy khát khao như thế, khi tôi ngồi bên giá vẽ ở trên tàu.
Sáng hôm sau, gã chia tay tôi để trở lại Hải Phòng. Viễn dương bây giờ cũng khổ lắm. Tiền bạc nhiều đã thành chuyện vô nghĩa. Tiền bạc nhiều đã thành tai họa trong nhà. Kẻ ở trên bờ còn kiếm được nhiều tiền hơn. Đi biển không phải vì ních cho đầy túi nữa. Đi biển đã thành một thứ nghiệp chướng không tránh được. Một thứ ma túy không thể cai nghiện. Không nói ra, nhưng gã muốn rủ tôi quay trở lại tiêm chích cái thứ ma túy say biển ấy. Gã bảo tôi trở lại tàu thì còn vẽ được nhiều tranh đẹp.
Trong thâm tâm, tôi đồng ý với gã. Nhưng trước mắt, tôi cần phải sống. Mà mạng sống của tôi lại đang nằm trong tay một người khác.

* * *

Việc đầu tiên là tôi phải ném viên thuốc độc đi, nhưng một thứ thuốc độc cực mạnh như thế biết ném đi đâu? Người theo đạo Lửa không dám chôn tử thi vì sợ ô uế đất, không dám hỏa táng vì sợ làm ô uế lửa, không dám thả xuống nước vì sợ làm ô uế nước. Viên độc dược đối với tôi bây giờ cũng thế. Không thể ném xuống hồ nước. Không thể chôn xuống đất, chẳng may có con chó con mèo nào bới lên. Không thể vứt vào bãi rác, nhỡ có đứa trẻ nào đi kiếm tìm trong rác thải. Tôi loay hoay mãi, cuối cùng chọn cách ném viên thuốc xuống cống. Con người vẫn quen ném xuống cống tất cả những thứ bẩn thỉu, độc hại, thậm chí cả những thứ làm cống rãnh không lưu thông được.
Không còn viên thuốc độc nữa. Việc cùng lúc tôi phải làm là thanh lọc cái tâm hồn tội lỗi của mình. Từ giờ trở đi tôi sẽ không được phép nghĩ ác về Mai Trừng. Một điều ác người ta định làm cho cô, dù chỉ trong tâm tưởng, cũng sẽ rơi trở lại xuống đầu người đó.
Tôi thắp hương sám hối. Tôi cầu mong cho cô luôn gặp may mắn.
Xong xuôi tôi mới tìm đến nhà Mai Trừng theo địa chỉ gã Quốc Đài cho. Một căn nhà từ thời Tây nay được chia năm xẻ bảy cho bao nhiêu gia đình. Cầu thang gỗ mấy chục năm các công dân đổi đời lên làm chủ chỉ biết nện những gót chân làm chủ mà không chịu tu bổ, nay cứ cót két và rung giật như động kinh. Hành lang thành nơi tăng diện tích cho những căn hộ chật hẹp, người để cái bếp dầu, người để bếp than, người để rổ rau lên trên thùng nước.
Tôi đến trước căn phòng đã được những người ở tầng dưới chỉ cho. Gõ gõ mấy tiếng thiếu tự tin. Người mở cửa là một bà chừng hơn năm mươi tuổi, đeo kính lão, dáng vẻ như một bà giáo già mô phạm. Cô cho cháu hỏi Mai Trừng. Tôi thoắt biến thành một cậu học trò, đấy là do cái uy bà giáo của bà tác động tức thời đến người đối diện. Em nó đi rồi. Thưa cô, bao giờ thì Mai Trừng trở về? Là tôi nói em nó đi hẳn rồi, chẳng biết bao giờ mới trở lại. Cháu xin hỏi một câu nữa, cô có biết Mai Trừng đi đâu không? Giọng nói run run bức sốt của tôi khiến người đàn bà hơi giật mình. Đôi con ngươi mờ nhạt sau cặp kính như sững lại một thoáng. Rồi bà tránh cái nhìn hoang mang của tôi. Rất tiếc là tôi không biết.
Cánh cửa đã khép lại. Tôi loạng choạng ngược trở lại hành lang. Hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi sẽ chết. Một cái chết oan uổng. Mai Trừng sẽ không hề biết rằng tôi tìm đến cô để sám hối, để xin cô tha thứ cho tội lỗi của ba gã trai đã chết, tha thứ cho cái ý đồ ban đầu của tôi là định giết cô bằng thuốc độc. Tôi hầu như không bước đi nổi. Tới chỗ bắt đầu bước xuống cầu thang, tôi ngồi phệt xuống, ngay ở chỗ bậc đầu tiên. Ngay cạnh rổ rau muống đã rửa của ai đó đặt trên một thùng nước.
Hay là Mai Trừng có nhà, nhưng cố tình tránh mặt tôi? Cô đã biết mặt tôi, ít nhất là trong lần giỡn sóng ở bãi biển Bình Sơn. Cô đã đối diện và đối thoại với tôi trong xưởng vẽ của Thuyền trưởng. Bây giờ thoáng nhìn thấy tôi, chắc cô chỉ nghĩ là tôi đi lùng giết cô. Và Mai Trừng sẽ ra tay trừng phạt trước. Không, tôi còn muốn sống. Đầu óc tôi giờ đây hoàn toàn trong sạch, ở trong ấy không hề có một thứ độc dược nào.
Tôi gục đầu lên cái tay vịn cầu thang bằng gỗ, nhìn chằm chằm vào rổ rau muống để trên thùng nước. Một con sâu rau xanh lét uốn mình co thót bò lên những cuộng rau. Con sâu sẽ đầu độc bát canh nhà ai đó. Người ta sẽ ăn phải nó mà vẫn thản nhiên chẳng hay biết. Cả cuộc đời sẽ đầy những sự đầu độc nho nhỏ và dần dần như vậy. Chỉ nhìn một lúc đã không sao chịu nổi. Tôi nhấc cuộng rau lên, rồi búng con sâu văng ra. Nó rơi xuống, quằn quại trên một bậc cầu thang gỗ.
- Này cháu.
Bà giáo già đã đứng sau lưng tôi từ lúc nào. Bà đã nhìn thấy cảnh tôi nhấc cuộng rau muống và búng con sâu đi. Tôi thả vội cuộng rau vào rổ, ngước nhìn lên. Có lẽ vẻ mặt tôi đau đớn và tuyệt vọng lắm, khiến bà giáo hơi rùng mình.
- Cháu vào nhà đi, vào trong nhà một lát. Bà hơi tập tễnh dẫn tôi đi trở lại dọc theo hành lang để vào nhà. Bà rót nước cho tôi uống. Nước chè tươi vàng sóng sánh làm tôi tỉnh táo hơn chút ít.
- Vậy anh với em nó là thế nào? - Dạ, cháu là bạn.
Bạn là một từ cực kỳ tế nhị khi người ta tránh nói những từ như bồ bịch, người yêu. Bà giáo hiểu theo đúng cái nghĩa tế nhị mà tôi không chủ tâm muốn bà hiểu thế.
- Vậy anh em có gì thì bảo nhau, nói cho nhau hiểu ra. Tội tình gì mà giận dỗi đùng đùng bỏ đi như vậy.
Tôi không ngờ ở mình lại có cái vẻ đau khổ hối lỗi với người yêu đến mức được bà giáo thông cảm và quay ra khuyên nhủ chân tình. Tôi ngồi im, không dám lừa dối bà.
- Cô thấy em nó gần đây cũng khang khác. Nó buồn lắm, hỏi thì nói lảng là không có chuyện gì. Cô đoán nó đã có người yêu và xung khắc. Xung khắc thì tìm cách hòa giải. Làm gì đến nỗi phải bỏ việc và bỏ đi như thế.
Người đàn bà đã trào nước mắt từ bao giờ. Bà gỡ cặp kính mờ hơi nước ra để lau.
- Thưa cô, Mai Trừng bỏ đi đâu? Cháu sẽ đi tìm cô ấy về. - Phải đấy, yêu nhau thật lòng thì phải làm thế. Nó không nói sẽ đi những đâu nữa, nhưng trước mắt thì về thăm bà cô ở miền Trung, vùng Cửa Lớn.
Bà chấm mùi xoa vào khóe mắt, rồi hạ giọng:
- Thực ra chúng tôi không có quan hệ ruột thịt. Nhưng nó hăm sáu tuổi thì tôi cũng nuôi nó hăm sáu năm nay. Bỗng nhiên bây giờ nó khóc tạ lỗi tôi rồi xin được ra đi...
Bà dần dần bắt đầu câu chuyện của mình như thế. Đó là chuyện những ngày bà ở Trường Sơn. Bà là một, mẹ của Mai Trừng là hai, bà cô hiện đang ở vùng Cửa Lớn là ba, ba chị em trong tổ ba người của trạm M8 ngày ấy.

* * *

Ba cô gái có nhiệm vụ trông giữ một kho quân lương. Kho là một cái hang rộng, nhưng người lạ thì có đứng ngay trước cửa hang cũng khó phát hiện được lối vào. Vùng này xe ta qua lại cũng nhiều, nhưng thám báo địch lượn lờ cũng lắm. Ba chị em quyết định gài mìn bảo vệ xung quanh hang, phòng khi phải phản công trận cuối vì bị lộ. Nhưng lộ được không phải là chuyện dễ. Ở chiến trường được hơn hai năm, họ đã có kinh nghiệm đầy mình. Họ thực hiện nghiêm chỉnh mọi biện pháp giữ gìn bí mật, đi không dấu, nấu không khói, nói không gây ồn. Đã nhiều lần lũ thám báo loạt soạt lướt qua những bụi cây họ nằm ép mình trong đó mà vẫn yên trí rằng đây là vùng rừng hoang không có Việt Cộng. Chiến tranh nhiều khi là cả một vụ đánh lừa vĩ đại, đối phương cứ bị đánh lạc hướng mãi cho đến khi nhận ra mình đã thua cuộc.
Chị Miên nhiều tuổi nhất, hai mươi sáu tuổi, quê ở vùng "cầu tõm". Đêm đêm quanh bếp lửa vào thời kỳ giá buốt, ba chị em tự kể chuyện tiếu lâm về quê mình. Ở vùng "cầu tõm" quê chị, người ta cứ việc ngồi cầu ao mà làm cái công việc giải thoát cho dạ dày. Lũ cá ở bên dưới nhờ đó mà học được tính kiên nhẫn chờ đến lượt. Cũng chính ở quê chị có câu chuyện "chín bỏ làm mười". Một bà bê rổ khoai lang ra rửa, vừa rửa vừa nói chuyện với một ông đang ngồi làm công tác thanh lọc hệ tiêu hóa ở cầu ao bên cạnh. Rõ ràng rổ khoai của bà bồng bềnh chín củ, thế mà khi vớt vào rổ đem lên thì lại hóa thành mười...
Hai cô gái trẻ cười ngả nghiêng câu chuyện "chín bỏ làm mười" của chị Miên. Giềng và Hoa đều ở tuổi hai mươi. Giềng kể chuyện xứ bọ quê mình. Riêng chuyện xứ bọ sau này ai có công sưu tầm thì phải được một pho sách lớn. Nó là sản phẩm tiếu lâm đầy mầu sắc lính tráng, một món ăn tinh thần phù hợp với lính tráng, là thứ chuyện từ lính, do lính và vì lính. Lẫn trong trăm ngàn câu chuyện ấy cũng có những dị bản người ta bổ sung sau này. Có những chuyện lại do chính người xứ bọ sáng tác tự trào, tự giễu. Ba chị em thích nhất cái chuyện: "- Rứa ở ngoài đó các chú gọi bọ ra răng? - Chúng con gọi bọ là dòi ạ - Rứa chừng mô các chú về, cho bọ gửi lời thăm dòi nghe mấy chú."
Hoa không biết nhiều chuyện tiếu lâm. Cô chỉ nhớ ở quê mình nổi tiếng về món đặc sản bánh chưng đất. Tất nhiên là nghe người ta nói thế, Hoa chưa từng thấy. Hoa thường ngơ ngác trước mọi chuyện, như thể một đứa trẻ lên năm, như thể cô chưa sống bao giờ. Gần mười bẩy tuổi ở một làng quê chất phác, cô đi bộ đội rồi vào chiến trường ngay, nào đã kịp nhìn ngó gì xung quanh. Cái vẻ ngác ngơ tội nghiệp càng làm cho chị Miên và Giềng muốn che chở và chiều chuộng Hoa.
Vẻ bỡ ngỡ thật thà ấy càng làm cho cánh đàn ông xúc động. Các anh lính đường dây, các anh lái xe có dịp đi qua bao giờ cũng hỏi thăm và gửi quà cho Hoa.
Một buổi chiều, có anh lính trẻ tên là Nguyễn Đức Hùng vừa đến được cửa lán thì ngã vật xuống. Anh lên cơn sốt rét, nhưng phải gượng mãi, gượng mãi để tìm tới trạm M8. Gục xuống giữa rừng một thân một mình thì nhiều khi coi như cầm chắc cái chết.
Ba chị em chạy ra gỡ ba lô, rồi vừa khiêng vừa lôi anh lính to như một con gấu dài như một con trăn vào trong lán. Họ chườm khăn ướt lên trán cho anh hạ hỏa. Họ đốt lửa sưởi khi anh lên cơn rét. Thuốc và cháo nóng kịp thời đã khiến anh tỉnh lại. Sáng hôm sau, Hùng đã ngồi dậy được, đã kể vùng quê anh nổi tiếng nhất cả nước về cái khoản ăn chơi, "tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành". Thêm một ngày nữa, thì Hùng đã theo Hoa vào rừng hái măng về nấu canh.
Hoa như tức khắc biến thành người khác. Vẻ ngơ ngác biến đi đâu mất. Thay vào đó là cái linh hoạt, láu lỉnh của một thiếu nữ tràn trề hạnh phúc. Cô mang về một bó hoa rừng, cắm vào một chiếc hăng gô. Rồi cô líu ríu đòi Hùng chép cho vào sổ tay bài Tiếng đàn Ta lư. Rồi hai người cùng hòa giọng hát.
Ba cô gái giữ Hùng ở lại lán thêm mấy ngày. Họ chưa yên tâm để anh ra đi. Cũng có một phần là Miên không đành lòng thấy đôi trẻ vừa quấn vào nhau đã phải chia lìa sớm. Chị có hơi ái ngại cho tình cảnh Hoa sau này, nhưng không nỡ ngăn cản, đành buông trôi. Mãi đến bây giờ, bà giáo Miên vẫn còn hối tiếc. Giá mà hồi ấy bà bảo Hùng lên đường sớm một ngày thì anh đã không chết. Nhưng đó là số phận. Số phận sắp đặt từ trước rồi.
Hôm ấy Hùng và Hoa lại vào rừng hái rau. Đến gần trưa thì cô một mình chạy về lán. Cô vấp ngã, cô bò như hóa dại tới trước cửa. Cặp mắt thất thần điên loạn. Hoa đã gần như cấm khẩu, chỉ ú ớ rên rỉ được mấy tiếng. Miên và Giềng lay lắc cho Hoa tỉnh lại. Sao vậy Hoa? Anh Hùng đâu rồi? Nghe nhắc đến tên Hùng, Hoa như bừng tỉnh. Cô chồm ngay dậy, hai chị em phải giữ chặt lấy cô gái đang lồng lộn như phát điên. Hoa ú ớ chỉ ra rừng, làm hiệu sẽ đưa chị em đi. Miên đưa mắt cho Giềng, bảo lấy súng và lựu đạn cho cả ba người. Rồi cả tổ thận trọng len lỏi vào rừng, theo sau Hoa dẫn đường.
Sáng nay Hùng và Hoa lại vào rừng hái rau hái măng như mọi ngày. Như mọi ngày, họ lại có cớ cho những phút được nằm bên nhau. Lần nào Hùng cũng bảo, có con ở nơi chiến trường này thì khổ thân em lắm, hay là để anh... Nhưng lần nào Hoa cũng giữ chặt lấy anh. Em chẳng ngại đâu, em và các chị sẽ nuôi con khôn lớn cho đến ngày hòa bình để đón anh trở về. Thực sự là Hoa cảm thấy trong người mình đã có một dòng máu khác, đã có một sinh vật chưa hiện hữu, nhưng run rẩy đâu đó trong tế bào, trong huyết quản, trong thớ thịt.
Hai người cứ nằm mãi cho đến khi nhớ ra còn phải đi tìm rau. Lúc này họ đang ở gần một con suối nhỏ. Hùng nấp ở trên bờ, cảnh giới cho Hoa xuống tắm trước. Sau đó đến lượt Hoa canh cho anh tắm. Khẩu súng ngắn, Hùng đưa cho Hoa giữ. Xuống đến bờ suối anh mới cởi hết quần áo, bỏ lại bờ, rồi nhảy xuống suối tắm tiên. Từ trên cao và ở một vị trí không xa lắm, Hoa nhìn rõ một cơ thể cân đối và cường tráng, cao gần một mét tám, nặng bảy mươi sáu cân. Những chàng trai như thế phải đi vào cuộc chiến này, vừa tự hào vừa đáng tiếc làm sao. Giây phút ấy, Hoa bất chợt có ý nghĩ như một người mẹ. Cô sẵn sàng chịu ngàn lần thương tích và tai họa mà chiến tranh đang dội xuống đầu mình, miễn sao những chàng trai như thế kia được đưa ngay về hậu phương, được gửi đi học nước ngoài. Hết chiến tranh, đất nước thực sự cần những chàng trai như vậy.
Thình lình Hoa run lên. Một tốp bốn thằng thám báo đã ập đến bên bờ suối từ lúc nào. Chúng giẫm lên bộ quần áo và phát hiện ra con dao găm để lẫn trong đó. Một thằng cúi nhặt con dao, rút ra khỏi vỏ, liếc liếc lưỡi dao vào bàn tay như thử độ sắc. Rồi chúng vẫy Hùng lên bờ .
Hùng vẫn đứng ngập nửa thân người dưới suối. Anh không có một vũ khí trong tay, lại trong tình trạng khoả thân hoàn toàn. Hoa định hét lên, định nhằm bắn lũ thám báo cho Hùng chạy, nhưng lý trí kịp kìm sự manh động lại. Lâu nay cánh rừng này vẫn được xem là không có Việt Cộng. Trong bộ quần áo của Hùng không có một thứ giấy tờ gì. Anh sẽ chỉ bị coi là một gã bộ đội Bắc Việt đi lạc đơn vị.
Hùng lao người bơi xuôi theo dòng suối tương đối cạn, xa hẳn chỗ Hoa đang nấp. Lũ thám báo văng tục chạy men bờ đuổi theo. Có những chỗ suối cạn không bơi được, Hùng phải chạy. Bốn tên thám báo nhảy chồm chồm trên những tảng đá giữa lòng suối, rồi quây được Hùng vào giữa. Anh quật ngã một thằng. Nó cắm đầu xuống nước, không thấy động đậy gì. Nhưng những thằng kia đã xúm lại. Chỉ một lát sau, chúng đã lôi xềnh xệch Hùng lên bờ. Thân thể anh bầm dập đẫm máu. Chúng đấm đá túi bụi để lấy cung cho tới khi anh ngất đi. Anh tỉnh lại, chúng đánh tiếp. Hoa hiểu vì sao chúng không dùng đến súng. Chúng cũng không muốn gây ra tiếng nổ ở vùng rừng này.
Cuối cùng, điều Hoa không ngờ đã tới. Cô chỉ nghĩ rằng bọn thám báo sẽ lôi Hùng đi làm tù binh để tiếp tục lấy khẩu cung. Nhưng thằng cầm con dao găm của anh đã cúi xuống rạch một đường thành thạo trên bụng Hùng. Anh quằn quại hét lên một tiếng rùng rợn. Ở trên cao, Hoa nghiến chặt răng gần như ngất đi. Hai thằng kia đè chặt chân tay Hùng cho thằng mổ bụng moi tim gan ra. Chúng nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ. Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn.
Bữa tiệc kéo dài quá sức chịu đựng cuối cùng cũng chấm dứt. Lũ thám báo bỏ xác Hùng lại trên bờ suối, rồi lôi thằng chiến hữu sống dở chết dở đi.
Ba chị em mang xác Hùng về, đắp một ngôi mộ ở gần lán. Hoa cứ lẩn thẩn vào ra. Lúc mang hoa đến đặt lên mộ. Lúc lại đến lấy hoa trên mộ đem về nhà, cắm vào ca nước.

* * *

Hơn tám tháng sau đó, mấy chị em tích trữ sữa bột và lương khô để chuẩn bị cho đứa bé ra đời. Sữa bột thì đã đành. Nhưng lương khô cũng cần thiết, phòng khi thiếu sữa thì đem ra nấu thành cháo. Họ tích cóp, họ xin xỏ những chàng lái xe hào phóng ngang qua. Ai cũng ái ngại. Ai cũng thông cảm và thương xót. Người nào có gì cho nấy. Chẳng một ai từ chối.
Không người nào dám báo về đơn vị chuyện Hoa mang bầu. Hoa cũng sợ. Cô sợ bị kỷ luật đuổi về địa phương. Cả nước đang ào ào khí thế ra trận. Ngay cả những cô bé mười lăm, mười sáu tuổi còn viết đơn bằng máu xin vào chiến trường. Chỉ riêng một người đàn bà mang cái bụng to tướng đi ngược chiều đoàn quân ấy, bỏ về hậu phương. Hoa không chịu nổi hình ảnh này. Mặc dù cô vẫn thầm tự hào được mang trong mình giọt máu của người lính như Hùng. Giọt máu ấy sẽ lớn lên, đi trả thù cho cha nó.
Miên và Giềng không ai biết đỡ đẻ. Họ tẩn mẩn hỏi chuyện tất cả đàn ông đi qua trạm. Dễ lắm, một anh bảo, tớ đã hai lần phải đỡ đẻ không tình nguyện, chỉ vì bệnh viện thì xa mà mụ vợ tớ lại đẻ nhanh quá. Chưa kịp bước ra khỏi cửa thì mụ ấy đã kêu ôi anh ơi nó ra rồi. Tớ phải thò tay vào đỡ ngay lấy, không thì thằng bé rơi xuống đất. Cờ đến tay thì phất, mà phất giỏi, tớ cũng cắt rốn, cũng tự tay chôn cái nhau như ai.
Những người khác thì cung cấp cồn, thuốc kháng sinh, bông băng, dặn họ chuẩn bị sát trùng sẵn dao kéo.
Đêm ấy Hoa đau đẻ. Cô nghiến chặt răng, nước mắt giàn giụa âm thầm chịu đau. Hai chị em đã đốt một bếp lửa lớn ở giữa lán. Một xoong nước sôi sùng sục bên trong bỏ sẵn dao kéo. Hoa quằn quại đến gần sáng mà vẫn không đẻ được. Giềng phải đốt ba nén hương, chạy ù ra cắm lên mộ Hùng. Anh Hùng ơi, anh sống khôn chết thiêng, anh phù hộ cho mẹ con nó mẹ tròn con vuông, rồi chúng em sẽ hương khói cho anh đều đặn, anh muốn gì chúng em cúng nấy. Bát hương đột ngột cháy bùng lên. Giềng chạy về hét toáng. Bát hương phát hỏa, anh Hùng anh ấy cho rồi, đẻ đi Hoa.
Hoa rùng mình quẫy một cái. Tiếng trẻ con khóc ré lên. Cùng một lúc gộc củi trong bếp nổ đánh đùng. Lửa tóe hoa cà hoa cải lên những tấm dù che gió trên mấy bức vách. Những tấm vải dù bắt lửa, cháy bùng lên. Nồi nước sôi đổ ụp vào bếp lửa. Giềng vơ vội một tấm chăn, quật tới tấp lên những vạt lửa. Miên quát:
- Đưa kéo đây.
Giềng bỏ đám cháy, chạy lại quờ tìm trong bếp lửa khói mù, rồi đưa cho Miên chiếc kéo dính đầy tro than. Không còn thời gian để rửa kéo nữa, Miên cắt rốn cho con bé bằng chiếc kéo lem nhem.
- Chỉ đâu?
Miên lại hét.
Giềng lại bỏ đám cháy bùng bùng trên cửa sổ, chạy đi tìm sợi chỉ. Đưa được sợi chỉ cho Miên rồi, cô lại quay ra lăn xả vào đám cháy. Mấy tấm dù cháy phừng phừng xung quanh, rọi một vòng hào quang xung quanh con bé mới chào đời. Trẻ con mới đẻ đứa nào cũng giống đứa nào, lèo nhèo đỏ hỏn và mặt nhăn như khỉ, lông mày lông mi nhạt thếch. Con bé này có khác. Mọi đường nét đều rõ ràng sâu đậm. Một vẻ đẹp định hình ngay từ phút chào đời.
- Pha nước nóng.
Miên lại dõng dạc ra lệnh. Thực ra chị cũng đang cuống lắm. Giềng không được phép tập trung hoàn toàn vào đám cháy. Cô cũng không được phép để cho cái lán này bị hỏa thiêu. Cô xách phích nước đến, đổ nước nóng vào chậu, pha thêm nước nguội. Rồi cô bỏ mặc chị Miên tắm cho đứa bé. Cô quay lại chiến đấu với những tấm vải dù cháy phừng phừng, lan sang cả phên nứa. Cô dội nước. Cô dùng chăn để quật. Cả căn lán nghi ngút khói. Ba chị em và cả con bé sơ sinh giàn giụa nước mắt.
Miên tắm xong cho đứa bé thì Giềng cũng dập được đám cháy. Giềng quay lại thơm lên má con bé, để lại ngay một vết tro xám trên má nó.
- Tắm đi đã, người đầy tro than kia kìa.
Miên đẩy Giềng ra, gắt yêu. Hoa quay lại nhìn hai chị em và đứa con gái, mỉm cười yếu ớt.
Sáng ra, Miên đi chôn cái nhau của đứa bé ở gần mộ Hùng. Chị khấn Hùng hãy đem lại may mắn cho mẹ con nó, cho tất cả mấy chị em bác cháu ở đây, khấn cho chóng đến ngày hòa bình để chị em bác cháu chúng tôi trở về quê hương.
Hơn ba tháng sau, Hoa chết đột ngột. Một cái chết thê thảm. Chẳng hiểu mụ mẫm thế nào, cô đi lạc vào bãi mìn do chính ba chị em gài xung quanh cửa hang. Bãi mìn đề phòng một trận chiến đấu sống mái nếu cái kho bị quân thù phát hiện. Nay thì một quả mìn nổ xé toang phần bụng Hoa. Miên và Giềng chạy ra, bốc cả đống gan ruột phập phồng sùi máu bỏ vào trong lòng bụng. Hoa rất tỉnh táo. Cô nén đau, phều phào dặn hai chị em:
- Chị Miên và Giềng nuôi cháu giúp em. Hết chiến tranh thì đưa cháu về quê nội quê ngoại để cháu nhận họ hàng.
Hoa hơi xỉu đi một lát, rồi tỉnh lại. Như thể cô đã đi, nhưng sực nhớ ra một điều hệ trọng, phải quay lại dặn nốt:
- Các chị khai sinh cho cháu là Nguyễn Thị Mai Trừng. Mai ngày cháu lớn, cháu sẽ đi trừng phạt những kẻ ác...

* * *

Bà Miên thú thật là khi ấy bà hơi hoảng sợ. Dù sau đó bà vẫn phải tôn trọng nguyện vọng cuối cùng của Hoa mà đặt tên cho con gái là Mai Trừng. Chẳng nhẽ Hoa lại nghĩ là chiến tranh có thể kéo dài đến thế, đến tận khi con bé trưởng thành và đi cầm súng trả thù cho cha mẹ? Con bé sẽ phải lớn lên trong hòa bình. Hòa bình rồi, sông núi trời đất là của ta rồi, người của ta về lại với ta rồi, còn đâu kẻ ác để mà đi trừng phạt?
Tôi nhìn lại bà giáo già cặp mắt giờ đã trở nên khô khốc sau chiếc kính lão. Tôi đã từng học những giáo viên như vậy. Họ tin mù quáng vào lòng tốt của con người. Họ khăng khăng tin rằng nhân chi sơ tính bản thiện. Họ tin rằng người xấu hoàn toàn có thể cảm hóa được. Họ tin rằng đức hạnh có thể đạt được thông qua sự giáo dục theo kiểu bưng bít, chứ không phải là đối thoại công khai, thẳng thắn, không né tránh những khái niệm quá thô nhám quá thẳng thừng. Bà thuộc loại người đến tận những năm chín mươi này vẫn không tin chuyện trong xã hội ta lại có gái làm tiền, có bọn tiêm chích ma túy, có những nhóm xã hội đen khống chế trong một phường một quận. Bà phẫn nộ trước những sự bôi nhọ cường điệu kiểu ấy. Con đường đời của bà chỉ là quãng đường đi bộ từ nhà đến trường trung học cơ sở, sau giờ lên lớp bà lại đi đúng con đường cũ để trở về với tháp ngà của mình.
Có lẽ chính vì thế bà đã tin tôi ngay từ lần đầu gặp gỡ. Tôi là một gã trai tốt, chỉ vì không khéo léo mà gây ra va chạm với Mai Trừng để cô bỏ đi.
- Cô và cô Giềng mai táng cho mẹ Mai Trừng bên cạnh mộ chú Hùng. Thế là họ được ở bên nhau chỉ sau một thời gian ngắn. Một năm sau, trạm bị máy bay Mỹ phát hiện và ném bom dữ dội. Cô bị mất một chân, bị đưa về tuyến sau. Một mình Giềng ở lại với một đơn vị đến tăng cường.
Một người đàn bà cụt chân mang theo một đứa bé mười lăm tháng tuổi về Hà Nội. Đấy là năm 1970. Miên đi học Cao đẳng sư phạm, sau trở thành cô giáo dạy văn, dạy những điều quá tốt đẹp, quá lý tưởng cho những thế hệ còn nhiều chất lý tưởng. Chỉ đến thời kinh tế thị trường thì những điều bà dạy thiếu mất một li thực tế. Còn những lớp dạy thêm bắt học trò học thêm mà bà rất căm ghét lại quá thừa yếu tố thực tế. Ở đó người thầy thản nhiên tính toán tiền thù lao tiền quà biếu với đám học sinh cũng thành thạo chuyện tiền nong không kém thầy.
Mang một chiếc chân giả, cô giáo Miên đã dẫn Mai Trừng về quê cha "có nhà máy cháo, có lò đúc muôi". Cả làng ấy đã bị máy bay Mỹ hủy diệt hoàn toàn. Con bé cũng được về quê hương bánh chưng đất của mẹ. Gia đình nội ngoại của Hoa cũng tan tác hết cả. Có một vài anh chị em họ xa thì trong cảnh ăn bữa nay lo bữa mai. Cô Miên đưa Mai Trừng trở về Hà Nội, nói với chồng hãy cùng chăm lo con bé như con gái của chính mình. Cô cũng có một đứa con gái, năm nay nó đang học Đại học Ngoại ngữ tiếng Anh.
- Cháu hãy về chỗ cô Giềng, nói chuyện với em nó. Cháu mà biết cách nói cho êm thì em nó nghe ra thôi.
Bà giáo Miên dặn thêm khi tiễn tôi ra đến chân cầu thang. Bỗng nhiên tôi được bà tin cậy gửi gắm.
Cõi người rung chuông tận thế
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9