Chương 4
Tác giả: Hồ Anh Thái
Chú nói tôi nghe đi, chuyện gì xảy ra với thằng Phũ? Chuyện gì xảy ra với cả ba đứa chúng nó?
Hỏi như vậy tức là anh Thế đã sa sút lắm. Anh luôn bình thản trước mọi sự. Anh hiếm khi đặt câu hỏi, thói thường của một người biết hết tất cả, thấy trước tất cả. Anh đã từng làm phiên dịch hoặc tham gia vào những cuộc tiếp xúc bí mật giữa lãnh đạo các quốc gia, anh chơi đẹp với cả những nữ tướng nam tướng của xã hội đen. Các chính khách, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ và cả những người lao động chân tay đều là bạn của anh, khi anh cần thì họ đổ xô tới xúm vào mà giải quyết hộ. Nhưng bây giờ anh đã phải hỏi, hỏi một điều mà mọi người đều đã trả lời được, nhưng anh cứ hoang mang về cái sự thật không làm sao tin nổi.
Hai anh em ngồi đối diện trong tiệm cà phê của khách sạn The Apocalypse. Bồi bàn vẫn mang đến hai ly cà phê như thể chúng tôi là khách uống mới tới. Đám tang thằng Phũ đã được ba ngày. Chị dâu tôi hầu như không gượng dậy nổi. Thằng Phũ là con trai duy nhất của anh chị, trong nhà nó cũng là độc đinh, chẳng có anh chị em nào nữa. Thằng Cốc, thằng Bóp cũng là quý tử của gia đình chúng nó. Kể cả không là quý tử, kể cả có lúc phải đánh đuổi đi, thì có cha mẹ nào không đứt ruột trước tổn thất như vậy.
- Thằng Cốc chết vì bị cảm hàn ở dưới biển. Thằng Bóp treo cổ tự tử không rõ lý do. Thằng Phũ bị ngã xe máy khi phóng hết tốc lực.
Tôi hiểu ngay rằng anh Thế không tin. Một chuỗi cái chết đến liền trong vòng nửa tháng, xoá sạch một nhóm ba thằng bạn. Dù rằng anh vẫn tin là cái tệ phóng xe máy điên khùng của thằng Phũ dễ mang lại tai họa cho chính nó. Anh đã mua riêng cho nó một chiếc xe hơi cùng lúc với việc khai trương khách sạn. Xe hơi trên những con đường ngổn ngang xe đạp xe máy xích lô xe lam sẽ giúp thằng Phũ đằm lại, thận trọng hơn. Nhiều người tin rằng nên làm như thế với lũ trẻ đua xe máy, thậm chí nên xây dựng một khu trường đua để cho lũ người say tốc độ vào đấy mà đua. Họ đã nhầm, trường đua có rào chắn, có quy phạm sẽ triệt tiêu tính chất ngang tàng phá phách, mà lũ trẻ lại đang cần chính cái chất đó. Ngay cả khi có xe hơi rồi, thỉnh thoảng thằng Phũ vẫn lôi xe máy ra phóng một vòng nội thành cho đã.
Dù sao tôi vẫn không muốn kể cho Thế biết về đứa con gái nọ. Cũng giống như ba gã trai quá cố, tôi tin rằng những loại chuyện như thế này phải tự xử lý, không nên có công an, chính quyền, pháp y hay đám đàn em nào dính dáng vào đây cả. Hận thù kéo theo một chuỗi hận thù. Cái chết đòi trả bằng cái chết. Tôi nhớ lời đức Phật trong những cuốn sách đã đọc đã ngẫm ngợi đều ngược hẳn lại. Ngài còn nói tất cả những gì ta yêu quý nhất, ta được sở hữu, đều sẽ có lúc thay đổi, đều sẽ triệt tiêu, vậy thì chỉ thêm đau khổ nếu con người cứ khư khư những vật sở hữu, cứ tin rằng người thân của mình phải là bất tử. Ngài dạy chí lý. Nhưng mà con người quả thực hèn yếu khi khoanh tay ngồi nhìn người thân lần lượt bị tiêu diệt, miệng thì cầu nguyện xá tội cho kẻ giết người. Lời trong sách trả về cho sách, tôi phải hành động theo cái lý thực tế đang bừng bừng trong huyết quản của tôi.
- Này chú, có tiền thì cũng khổ, có tình khổ hơn, có danh là khổ nhất. Trong bằng ấy thứ, tôi đã từ bỏ hết để chỉ chọn lấy một thứ đỡ khổ hơn cả. Ngờ đâu kết cục lại bi thảm như vậy.
Anh Thế nói gì thế nhỉ? Anh sám hối những lời sơ giản vậy sao? Cái chân lý ấy tôi ngộ được từ khá lâu trước anh cơ. Ngộ ra là một chuyện, vẫn cứ bị sa vào vòng luân hồi lại là chuyện khác. Tôi nhấp một ngụm cà phê. Đắng nghét. Đen kịt mầu nước cống xác thằng Phũ ngập trong đó. Đứa con gái tinh quái bỏ chạy xa dần. Bộ váy áo của nó giống hệt trang phục của cô gái có mái tóc sấy bồng lăn tăn... Tôi giật mình đánh thót. Tôi chạy bổ ra quầy tiếp tân, đòi quyển sổ ghi tên khách để tra tìm.
Ngày...
Ngày...
Ngày... Ở xưởng vẽ của Thuyền trưởng... Đây rồi, nghỉ tại Captain’s Studio ngày hôm ấy là... Tim tôi nẩy mạnh như một quả bóng sút thật căng vào lồng ngực. Một dòng chữ do chính tay người khách viết: Mai Trừng, Công ty TNHH Hồng Hoang, Hà Nội. Chữ viết rõ ràng. Chữ ký rõ ràng.
Cô gái ở trong phòng thuyền trưởng hôm ấy phấn son chì than nhem nhuốc trên mặt vẫn không che được một gương mặt đẹp. Khi đó tôi thầm chê cô không tự ý thức được lợi thế trời cho mà phải viện đến đồ mỹ phẩm bôi bác. Lúc này thì tôi hiểu ra rất nhanh. Mái tóc bồng sấy theo kiểu sợi mì ăn liền lăn tăn cũng là mái tóc giả. Cô ta và cái con bé mang tên Mai Trừng là một.
Đứa con gái ấy đã lẩn lút trong khách sạn này ngay sau ngày đưa tang thằng Cốc, rồi ra đi năm ngày trước cái chết của thằng Bóp.
Tôi căng thẳng trở lại bàn nước với anh Thế, cảm thấy gương mặt mình đã sắt lại.
Anh Thế đặt tay lên bàn tay tôi đã siết thành nắm đấm trên mặt bàn:
- Tùy chú, chú sẽ nói khi nào chú muốn nói. Chỉ xin chú nhớ cho một điều: Tôi chỉ còn mình chú, đàn ông nhà này chỉ còn hai anh em ta.
* * *
Sao tôi lại không nhớ? Cha mẹ mất trong chiến tranh, anh Thế phải vội lấy vợ, gửi em trai ở nhà cho vợ nuôi để ra đi phục vụ cuộc đàm phán ở nước Pháp xa xôi. Anh là người cha của tôi, là người thiết kế cuộc đời tôi và chắc có phần trách nhiệm về một sản phẩm dang dở không hoàn thiện như thế này.
Tôi còn nhớ sau những năm công cán trở về, anh Thế như phát hiện ra ngay trong nhà mình có hai kỳ quan. Kỳ quan thứ nhất là thằng con trai mập mạp đang nói bập bẹ. Kỳ quan thứ hai là thằng em trai mười hai tuổi đã vẽ được gần một trăm bức tranh mầu nước. Những bức tranh yên bình mầu sắc cây cỏ và bầu trời, những nét vẽ dịu dàng trầm cảm. Anh nhanh chóng đánh giá đúng năng khiếu của một thằng bé ở tuổi ấy đã có được tư duy hội họa lặng thầm sâu sắc. Trong căn hộ nhỏ, còn hở ra chỗ nào, anh treo tranh của tôi chỗ ấy. Bạn bè đến chơi, anh say sưa hướng dẫn họ đi qua cái rừng tranh êm đềm, phân tích tỉ mỉ từng đường nét, từng hình khối, từng gam mầu, như chiêm ngưỡng tác phẩm của những bậc danh họa. Rồi anh nhờ một người bạn đi công tác nước ngoài mua về cho tôi những tuýp sơn dầu. Tôi yên trí rằng đời mình chỉ có một con đường là vẽ, chỉ việc vẽ.
Nhưng bất ngờ ở tuổi mười lăm, tôi bị anh Thế dẫn đến trao cho một ông thầy dậy võ. Thằng em tôi to xác, nhưng suốt ngày chỉ ngồi âm thầm trong xó nhà để vẽ, tính tình rụt rè, nhút nhát, hy vọng nhờ thầy bảo ban, em nó sẽ mạnh mẽ và tự tin hơn. Tôi theo thầy dạy võ một cách miễn cưỡng. Tôi tiếp thu nhanh, động tác nhanh gọn và chuẩn xác, nhưng là cái kiểu học cho xong, không mặn mà ham mê. Tôi thích nhất khoảng thời gian sau một buổi tập, chạy về căn nhà vắng người, ngồi một mình trong căn phòng mờ tối. Giờ ấy chẳng vẽ vời gì được. Trái tim còn đập gấp sau một buổi tập, máu vẫn còn chảy rùng rùng trong huyết quản và các tế bào dường như đang rần rần chuyển động. Lúc ấy ngồi âm thầm thì mới nghĩ ngợi được nhiều. Cả ý tưởng cho một bức tranh mới cũng có thể bất ngờ nảy ra vào khoảng thời gian ấy.
Không ngờ việc anh Thế cho tôi đi học võ là nằm trong một kế hoạch định hướng dài lâu cho cuộc đời tôi. Dao sắc không gọt được chuôi, sau này anh chẳng định hướng được gì cho thằng Phũ, chỉ đơn giản là khi thời thế thay đổi, anh chuyển cho nó từ tiếng Nga sang khoa tiếng Anh mà thôi. Còn với tôi khi ấy, Thế đã chủ tâm sẽ lôi tôi ra khỏi nỗi đam mê hội họa để đi một con đường ngắn nhất tới giàu sang. Con đường ấy không dung nạp một trái tim dịu dàng đa cảm. Trái tim dịu dàng đa cảm chỉ có thể được sửa chữa bằng võ thuật.
Mùa thu năm sau, tôi bắt đầu năm học cuối cùng ở trường phổ thông, anh Thế mới ngồi nói chuyện tay đôi giữa hai anh em. Tôi nói sẽ thi đại học mỹ thuật. Thế bảo tôi cứ việc vẽ, dù sau này làm nghề gì thì tôi cũng tiếp tục vẽ được, nhưng theo học nghề vẽ thì không nên. Hãy trông gương những ông thầy dạy vẽ của tôi, những bậc tài danh hiếm hoi của đất nước mà ốm o xo xúi nhà rách vách nát, sống không bằng một ông đạp xích lô. Anh muốn tôi thi vào ngoại giao ngoại thương hoặc hàng hải, những cái nghề đáng thèm ước của những năm tháng đời sống kinh tế như ngõ cụt này. Anh nói thẳng ra rằng anh đã chọn rồi, sức học của tôi thì thi vào trường hàng hải là phù hợp, sau này ra làm thuyền trưởng tàu viễn dương. Tôi phát khùng lên, tôi hét toáng lên rằng tôi căm ghét những tên thuyền trưởng tàu viễn dương, những kẻ chỉ biết đại tiện xuống biển cho cá xơi, rồi chính thân xác họ cũng sẽ thành đặc sản cho cá xơi. Anh Thế giáng cho tôi một cái tát. Anh không kìm được cơn giận dữ bất thần. Tôi đùng đùng bỏ nhà ra đi. Tôi ở lì tại nhà một thằng bạn hai ngày thì anh Thế sục tới lôi về. Anh cho tôi một cái tát nữa vào má bên kia. Rồi anh ứa nước mắt xin lỗi tôi. Không ai đả động tới chuyện tôi sẽ thi vào trường nào nữa.
Nhưng về sau này tôi mới hiểu, Thế sống lâu trong môi trường chính khách. Bản thân anh cũng có những thủ thuật của một chính khách cáo già. Tối hôm sau, anh mời cơm bố con ông tổng biên tập một tờ báo anh quen biết đã lâu. Ông tổng này cũng nhấp nhổm viết văn, mỗi bài viết như một bản lai lịch tội phạm, được cất nhắc theo kiểu người ta vẫn cất nhắc cán bộ quản lý ở những ngành xe khách, bưu điện, hoặc nuôi cá nước ngọt. Ông ta trở nên nổi tiếng vì có một đứa con gái lên mười tuổi làm được hơn năm trăm bài thơ, và gặp bất kỳ ai dù là một bà bán rau mùng tơi ghé chân trong một quán nước, ông cũng say sưa đọc thơ con như đọc thơ của chính mình. Thơ của con bé này thì đứa trẻ nào ngồi một lát cũng oẹ ra được cả đống, đại loại là ông trăng ơi ông ở trên cao, ông xuống đây cho em véo một cái, ông nhăn mặt kêu ôi đau quá cóc thèm chơi với em nữa, ông cóc thèm chơi thì cứ ở trên ấy mà nhìn em.
Lúc hai bố con nhà thơ thần đồng bước vào nhà, anh Thế giới thiệu chủ khách và tất cả ngồi vào bàn ăn cơm. Nữ thi sĩ thần đồng kêu thất thanh lên rằng khoan hãy ăn, xin cho cháu một tờ giấy. Tôi hiểu con bé lên mười này bụng dạ bất an, bèn lấy một mảnh báo cũ và tỏ ý để tôi dẫn vào toilet ở phía trong công trình phụ. Con bé không hiểu ra cái chuyện công trình phụ, nên rướn mắt hỏi sao tôi lại đưa cho nó mảnh giấy báo này. Ở nhà anh mọi người đều dùng giấy này cả. Để viết ấy à? Thì ra em xin giấy để viết, em viết gì? Để em làm thơ, làm ngay tại đây. Con bé gạt đĩa thức ăn sang bên và diễn ngay bộ mặt của một thi sĩ thiên tài. Âm thầm, ngơ ngẩn.
Chỉ chút nữa là tôi đập vào mặt nữ sĩ ôn con đang to ve tỏ vẻ trầm ngâm và đăm chiêu. Tôi thoáng nhìn thấy cái nhếch mép cười nham hiểm của anh Thế.
Ngày hôm sau tôi quyết định sẽ thi vào trường Hàng hải. Tôi không muốn trở thành một thần đồng như cái con bé tâm thần nọ. Anh Thế đã thành công mỹ mãn trong cuộc đưa tôi tiếp kiến một nghệ sĩ mà nhiều năm sau nhớ lại tôi vẫn còn thấy hãi hùng.
Nhưng trường mới xem ra cũng không phải là môi trường của tôi. Đám bạn bè xa lạ, rỗi rãi là chỉ bàn chuyện đi tàu viễn dương thơm hơn hay đi tàu trong nước thơm hơn hay là ngồi văn phòng ở cảng thơm hơn. Rỗi rãi là tìm cách lẻn vào câu lạc bộ thủy thủ để thực hành dăm ba câu ngoại ngữ mới học và cóp nhặt bộ dạng mánh lới của thủy thủ. Cả năm đầu, gần như cái chất họa sĩ ẩn sĩ cách ly tôi với đám bạn bè cùng lớp xô bồ xốc nổi. Họ phục tài tôi qua những lần làm báo tường hoặc vẽ áp phích cho trường. Bọn đầu gấu kiềng nể vẻ to con và cái thứ hạng karatê đai đen của tôi, không thì chúng đã dần tôi nhừ xương vì thói âu sầu không chịu hòa nhập chơi bời với ai. Đám bạn bè cùng trường không hề biết rằng tôi sầu não một phần là vì hoa khôi của trường hàng ngày cứ diễu qua mà không hề biết đến sự tồn tại của một gã đẹp trai buồn rầu. Hoa khôi học khoa khác, trên tôi hai lớp. Có cảm tưởng đó chính là người con gái lý tưởng của những bức tranh tôi vẽ, của chính cuộc đời tôi. Một gương mặt đức mẹ đồng trinh không thể nào bắt bụi trần tục. Vẻ đẹp ấy cho tôi niềm an ủi về môi trường đang sống. Lũ thanh niên và đám người đến già vẫn không trưởng thành thường khó sống được nếu không tự dựng lên cho mình một thần tượng.
Hoa khôi ở bên ký túc xá nữ, tôi ở bên nam, chúng tôi chạm mặt nhau ngày mấy bận. Nhưng tôi không dám nhìn. Nhưng nàng không thèm nhìn. Nàng thiếu gì người hâm mộ, săn đón, theo đuổi. Tôi thậm chí đã có lần liều mạng đứng từ trên tầng cao nhìn xuống dãy nhà tắm nữ có mấy gian bị tốc mái thử tìm xem có thấy nàng trong những thân hình lồ lộ kia hay không?
Rồi tôi đã được nhìn cái cơ thể hoàn toàn khỏa thân của nàng ở một nơi khác, trong một tư thế khác. Sau kỳ thi hết năm thứ hai, mấy thằng trong lớp muốn bày tỏ thiện chí bằng cách dung nạp tôi vào hội của chúng và rủ tôi đến nhà một thằng để ăn mừng. Tôi bàng hoàng thấy hoa khôi mình tôn thờ cũng đến, cũng rượu thịt như đám con trai, không quản ngại một mình là gái giữa đám con trai. Cơm no rượu say rồi hoa khôi tuyên bố các anh đã chiêu đãi hoa khôi thì bây giờ đến lượt hoa khôi chiêu đãi các anh. Cả bọn kéo nhau vào phòng hậu chiêu đãi, tức là phòng ngủ của gã chủ nhà. Một mình hoa khôi chiến đấu cùng lúc với ba gã con trai trần trụi mà vẫn thừa ra hai gã. Tôi và một gã khác phải ngồi đợi, đúng hơn là được ngồi xem bốn cái thân hình kia cùng một lúc hùng hục lao vào nhau, quấn quyện lấy nhau. Rõ ràng là nàng chủ động chiêu đãi và làm thỏa mãn cả ba gã, nhưng tôi cứ thấy như là nàng đang bị chúng vật lộn, đè nén, giày vò. Tôi không chịu được cái cảnh một cô gái, một hoa khôi mang gương mặt đồng trinh đang bị ba gã trai thô lậu nhấp nhổm leo lên leo xuống leo vào leo ra như vậy. Tôi bỏ ra phòng ngoài.
Nhóm ba đứa đã xong. Gã thứ tư sau đó cũng đã xong. Cả bốn đứa bước ra phòng ngoài, ra hiệu cho tôi, đến lượt cậu đấy. Tôi bước vào phòng như cái máy, cẩn thận đóng cửa lại. Không nên chiêu đãi ti vi mầu miễn phí cho mấy đứa kia. Nàng nằm tênh hênh sóng sượt trên giường, nụ cười mệt mỏi và thỏa mãn. Anh là người cuối cùng phải không? Ồ đẹp trai thế sao lại không mở miệng? Tôi hình dung ra nàng đang bị ba đứa con trai vật lộn vò xé. Tôi rùng mình, nước mắt ứa ra. Khóc bột phát không sao kìm nổi. Khóc cho nỗi đau đớn của một thân thể đồng trinh. Khóc cho gương mặt đồng trinh bỗng trở nên dâm đãng và tinh quái không ngờ.
Nàng kéo đầu tôi xuống định hôn, rồi lập tức đẩy phắt ra. Nước mắt tôi rơi lã chã trên mặt nàng. Thôi, đi đi. Tôi ghét nước mắt đàn ông. Tôi căm thù thấy đàn ông khóc. Nàng phá lên cười, cười sằng sặc, vẫn không thèm ngồi dậy mặc quần áo vào. Tôi mở cửa, ra phòng ngoài, rồi lẳng lặng bỏ về.
Chỉ vài ngày sau, lũ con gái cùng khoa với nàng gọi tôi là đồng cô. Tôi hiểu cái biệt danh này là do hoa khôi đặt cho. Biết đâu cái chuyện tôi không hành sự mà chỉ chan hòa nước mắt cũng đã được nàng kể hết cho lũ bạn nghe. Chắc chắn là nàng đã kể. Chắc chắn là nàng muốn trả thù cái gã to cao nhất trường đẹp trai nhất trường mà lại không động vào người nàng.
Tôi bỏ đi lang thang, rồi ra ngồi nhìn những con tàu ngoại quốc vừa mới cập cảng. Đám thủy thủ lên bờ lăm le đi tìm gái. Một gã râu xồm mắt xanh chẳng rõ người nước nào tiến đến, làm một điệu bộ tục tĩu bằng ngón tay, ra hiệu nhờ tôi tìm giúp gã. Chắc vẻ mặt tôi giống hệt một thằng ma cô. Tôi chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng quay đi. Lang thang qua những phố Hoa kiều ẩm thấp. Lang thang bên bờ sông như một con kênh. Dân thành phố cảng nào cũng có cái chất sóng gió của biển, cũng lây cái chất tạm bợ ăn xổi và láu lỉnh ngang tàng của đám thủy thủ.
Một tháng trời về nghỉ hè ở Hà Nội, tôi ngồi vẽ những phố Tàu ẩm mốc cũ kỹ, vẽ những ấn tượng ảm đạm của tôi về thành phố cảng. Tôi vẽ những gương mặt đồng trinh bị rạn vỡ, bị đập tan tành, bị lăn lóc những mảnh vụn theo kiểu lập thể. Hết hè, tôi vẫn không chịu quay lại trường. Ở đó, tôi không có bạn. Ở đó lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ đến hoa khôi, vừa căm ghét vừa thèm muốn.
Anh Thế hiếm khi chịu nhượng bộ ai, nữa là một gã trai thần sầu trái tính trái nết. Anh đùng đùng kéo tuột tôi xuống Hải Phòng, trở lại trường. Anh dẫn tôi đến gửi gắm cho một ông thầy võ Tàu. Những gã trai mềm yếu như tôi chỉ có thể sửa chữa cá tính bằng cách học võ cho thật nhiều. Giờ đây nghĩ lại, tôi thấy rằng quan điểm giáo dục của anh là sai lầm. Người giỏi võ nghệ hầu như ít khi bàn đến và dùng đến võ nghệ. Bậc cao thủ trong nghề cung kiếm như thần Arjuna mà cũng có lúc ngớ người khi nhìn thấy cây cung, không hiểu đó là vật gì.
Nhưng khi đó anh Thế cũng đã phần nào thành công. Tôi dần dần yên phận với ngôi trường theo kiểu lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Những buổi tập võ đều đặn hàng ngày cho tôi lòng tự tin. Võ nghệ chẳng để đánh ai, nhưng nó làm ta vững tâm và điều quan trọng là nó rút đi phần dương lực thừa thãi của gã trai mới lớn và si mộng. Một buổi tối, tôi đi dạo một mình bên bờ sông Lấp, đang đi thì một cô gái từ sau một gốc cây tiến ra chắn đường. Anh giai giúp em đi, anh giúp em một cái tức là anh giúp hai đứa em em chưa có tiền ăn bữa tối nay. Tôi mủi lòng và cũng rạo rực khắp người. Tôi theo cô gái về căn nhà ổ chuột gần đó. Hai đứa em lên bẩy lên mười quả là đang mếu máo kêu đói. Cô gái đưa cho chúng món tiền tôi trả trước, bảo chúng ra đầu ngõ ăn cơm bụi, rồi mới cài cửa quay vào.
Tôi bắt đầu trở thành đàn ông như thế.
Nhưng tôi không trở về phòng mình ngay. Tôi chạy sang ký túc xá nữ, xộc vào phòng của hoa khôi. Một cô bạn cho biết hoa khôi Yên Thanh sang chơi với cô bạn gái ở ký túc xá trường bên cạnh. Tôi đâm bổ sang, tìm cái số phòng vừa xin được. Yên Thanh quả thực đang trò chuyện cùng với cô bạn gái trong căn phòng ký túc xá nữ vắng tanh. A, anh đồng cô đẹp trai, anh tìm ai đấy? Tôi muốn gặp Yên Thanh. Vừa lúc bạn trai của cô kia bước vào phòng. Cô ta nháy mắt với Yên Thanh, cứ tự nhiên nhé, cái giường dưới ấy là của một cô bạn mới về quê rồi. Cô ta và anh bạn trai leo tót lên giường trên, kéo ngay tấm màn gió lại. Bây giờ Yên Thanh mới chiếu cặp mắt đồng trinh hút hồn vào mắt tôi. Anh đồng cô đi tìm Yên Thanh làm gì thế? Tôi yêu, đơn giản vậy thôi. Anh yêu, lấy gì làm bằng chứng? Anh có dám nhảy ngay từ trên tầng ba này xuống đất vì Yên Thanh không? Tôi nắm tay cô ta xăm xăm tiến ra hành lang, định thực hiện cú nhảy ngay lập tức. Hoa khôi vội giằng lại. Thôi, thôi, Yên Thanh đùa đấy mà, vui chơi một cái có đáng gì đâu. Chúng tôi chui vào chiếc giường tầng dưới của cô bạn về quê, rồi cũng kéo tấm màn gió mỏng manh che làm phép cho tất cả những người chẳng hề biết hổ thẹn. Anh bạn tầng trên hỏi vọng xuống, đã có tất chưa, tớ kỉ niệm cho một cái đây này. Anh ta thò tay bỏ xuống cho tôi một chiếc. Chừng bốn mươi phút sau, anh ta lại bỏ xuống cho tôi một chiếc tất ngoại, như trực thăng thả đồ tiếp viện cho đồng minh đang bị vây hãm. Khi đám sinh viên nữ đi xem ca nhạc về xôn xao một lát rồi leo lên những chiếc giường có ri đô che chắn, thì anh bạn hào phóng ở tầng trên ném xuống cho tôi hai chiếc áo mưa nữa. Hoa khôi khoan khoái rã rời. Ôi, anh đồng cô, anh chẳng đồng cô một chút nào đâu. Vậy đấy, có những điều người ta chỉ có thể ngộ ra được khi ở trên giường.
Cục diện trận tình đảo ngược hoàn toàn. Bắt đầu một thời kỳ Yên Thanh sục tìm tôi, săn lùng tôi. Đòi hỏi nhục dục của cô ta là thường xuyên và cuồng dại. Lũ bạn học ghen tị vì tôi đã sở hữu hoa khôi của cả trường. Yên Thanh tốt nghiệp trước tôi hai năm, ở lại làm việc trên cảng. Tôi tốt nghiệp sau hai năm, được anh Thế thu xếp đi theo tàu viễn dương luôn, tập sự, làm thuyền phó, thực tập thuyền trưởng, rồi làm thuyền trưởng. Có người bảo trợ thì mọi công đoạn đều êm trôi và đều được rút ngắn. Có những chuyến đi dài tới năm sáu tháng. Tôi khắc khoải nhớ bến cảng quê nhà. Tôi hiểu Yên Thanh không thể sống nổi một tháng mà không có đàn ông. Giờ này hẳn nàng đang tìm hơi ấm nơi một bạn tình thoáng qua nào đó. Tôi chỉ sốt ruột, tôi không ghen. Tôi cũng thế thôi, tôi vẫn tìm những nguồn vui chốc lát ở những cô gái các màu da trên những bến cảng ghé lại. Điều đó không có nghĩa tôi và Yên Thanh không ngong ngóng chờ ngày tàu về, không nồng nàn khi gặp lại. Sự xuất hiện trở lại oai hùng của tôi đủ khiến cho Yên Thanh xua dạt đi những gã bạn tình mưa bóng mây. Nhiều lúc tôi có gợn nghĩ đến những tai họa sẽ gặp phải giữa đại dương, nhưng gạt đi ngay. Yên Thanh chưa phải là vợ tôi. Những người đi biển tin rằng họ sẽ gặp tai nạn chết người, nếu người vợ ở nhà không chung thủy. Điềm dữ ấy ứng với người vợ chứ không phải với bạn tình.
Thực tế là chúng tôi đã chung sống như vợ chồng mà chưa cần cưới hỏi. Những món hàng giấu được mắt hải quan hoặc phải chia phần với hải quan đều được chuyển thành một căn nhà và tiện nghi trong đó. Yên Thanh cai quản ngôi nhà này cho tôi. Anh Thế chỉ còn biết kêu trời rằng tôi là thằng dại gái, không ai dám để toàn bộ tài sản cho người tình trông giữ, người tình lại là một kẻ tiết hạnh khả nghi như vậy. Thằng Phũ và hai đứa bạn chỉ gầm ghè chực xuống Hải Phòng để dùng luật rừng ra tay giải quyết.
Dù sao chúng vẫn còn nể tôi. Tôi xem ra luôn luôn thỏa mãn với cuộc sống riêng của mình. Tôi không hề kêu than điều gì để chúng có thể hành động.
* * *
Chuyến đi ấy là chuyến đi thảm họa bậc nhất trong tám năm đi biển của tôi.
Ban đầu trời yên biển lặng, tàu cứ theo đúng hướng đúng lịch trình mà đi. Chúng tôi không vượt đại dương, chỉ men theo bờ biển hình chữ S từ Nam ra Bắc. Đi mãi, đi mãi. Sang đến ngày thứ tư thì nhận ra trước mặt không phải là vùng biển của mình nữa. Trước mặt là đảo Hải Nam.
Tới lúc đó mới phát hiện ra tội là ở gã máy trưởng. Gã lên chỗ chúng tôi chuyện trò, rồi để quên chiếc đèn pin bên cạnh la bàn, la bàn lung liêng chỉ sai hướng. Chúng tôi cho tàu quay lại. Viên thuyền phó luôn miệng nguyền rủa rằng gã máy trưởng là nguyên nhân của mọi tai họa chuyến này. Cho gã đi theo tàu chuyến này là một sai lầm khó cứu vãn. Vợ gã ở nhà đã rước giai về nhà. Con gái gã ở nhà cũng rước giai về nhà. Bên này là giường mẹ, bên kia là giường con, chúng cùng lúc thi đua lập thành tích chào mừng ngày ông chủ gia đình mang thêm hàng về.
Tôi đi qua phòng gã. Gã đang nghe một bài hát về nỗi lòng người đi biển. Nhưng anh đi xa vời - Nơi chân mây cuối trời - Để lại mình em với nỗi đơn côi - Rồi những ngày dông bão tràn qua - Biển thét gào giận dữ cuồng điên - Làm sao em giữ được bình yên... Tôi thấy mắt gã ươn ướt.
Tôi hơi rùng mình. Tôi linh cảm thấy một điều gì đó vận vào chính mình. Điều này về sau được chứng thực qua lời kể lại của anh Thế và mấy thằng cháu. Vậy khi ấy chúng tôi đã có phần chửi oan gã máy trưởng, dù gia cảnh nhà gã đúng như thế thật.
La bàn mất tác dụng. Con tàu mất phương hướng. Con tàu sai đường lối. Những thần dân trên tàu nháo nhác suy đoán rồi xỉ vả lẫn nhau. Gã máy trưởng cứ xong việc là không dám thò mặt ra, gã chui tọt vào phòng mình, khóc với cái bài hát não nề kia. Tàu loanh quanh mất một ngày trong vùng biển đông bắc cho đến khi bão tố nổi lên.
Trong cơn tuyệt vọng, bất chợt một tia sáng chói loà rạch lằng nhằng trong đầu tôi, hiện rõ gương mặt đồng trinh và nụ cười dâm đãng. Tôi ớn lạnh toàn thân, có lẽ đời tôi đã hết. Tàu buông neo thì bị giật đứt neo. Tàu bị dông gió xô đi một đoạn thì va phải đá ngầm. Chúng tôi bỏ tàu, xuống chiếc xuồng cứu hộ. Một núi sóng lừng lững dập xuống. Tôi bừng tỉnh lại đã thấy chỉ còn một mình bám được vào một mảnh ván trên mặt biển tối đen. Tôi gắng bơi cho đến khi cạn kiệt sức lực. Rồi tôi để mặc cho sóng dữ xô đẩy.
Chiều hôm sau tôi tỉnh dậy trong một căn nhà tranh trống vắng. Một bếp củi cháy lem nhem bên cạnh. Chắc là nó đã cháy suốt ngày để sưởi ấm cho tôi và hong khô quần áo cho tôi. Tôi cựa mình, ngồi phắt dậy, thì cả đám quần áo đã hong khô nhưng chưa được mặc vào như cũ liền rơi hết xuống đất. Tôi ở trong thế khỏa thân hoàn hoàn. Mãi lúc này tôi mới nhận ra có một người đàn bà tựa lưng bên vách đất, ngồi hơi xa bếp lửa. Gương mặt tối và sầu muộn. Chỉ có cặp mắt hơi ánh lên tia vui mừng vì tôi đã tỉnh lại. Tôi vơ vội chiếc quần lót, xoay nghiêng người đi để mặc vào, rồi mặc lại đầy đủ chỗ quần áo thơm mùi củi lửa.
- Anh nằm nghỉ đi. Bão vẫn còn. Biển vẫn động. Rõ ràng là tôi vẫn phải nằm xuống. Thân thể tôi bầm dập đã được xoa bóp bằng một thứ dầu thảo mộc nào đó. Tôi nằm nghe những cục than củi nổ lách tách trong bếp lửa kề bên. Thì ra tôi đã được sóng biển đẩy dạt vào hòn cù lao hoang vắng này. Sáng nay người đàn bà nhặt được tôi bất tỉnh trên bãi cát. Vất vả lắm chị ta mới vừa cõng vừa dìu được tôi về nhà. Đây là nếp nhà duy nhất trên hòn cù lao. Chị ta là cư dân tạm trú duy nhất. Nói là tạm trú vì mỗi tuần chị chỉ chèo thuyền ra đây một lần để chăm nom vườn nhãn và thả cho đàn dê ra khỏi chuồng, tự do kiếm ăn trên núi một ngày. Trong một ngày đó, chị đi cắt một lượng cỏ đủ cho lũ dê sống trong chuồng thêm mấy ngày sau.
Gương mặt người đàn bà không đẹp, nhưng cũng không thể gọi là xấu. Nó chỉ không đẹp ở vẻ héo hắt vì bị lãng quên. Thêm một chút lầm lì như không tin người. Nói thế cũng không đúng, lầm lì mà chị vẫn rả rích chuyện trò cho tới khuya, không tin người mà chị dám kể rằng chỉ có một mình trên hòn cù lao này.
Sáng hôm sau thì tôi đã dậy được. Bát cháo cá khô xoàng xĩnh nhưng nóng bỏng tiếp thêm năng lượng cho cái cơ thể vốn cường tráng của tôi. Trời vẫn mưa, biển vẫn xám xịt. Tôi lần mò đi ra chuồng dê. Người đàn bà đang đứng chỗ khu vực ngăn đôi chuồng thành hai khoang. Một con dê đực đứng chờ ở khoang bên kia. Mỗi lần chị ta mở cánh cửa nhỏ cho một con dê cái lọt sang thì con dê đực xông tới nhảy cỡn lên. Chị ta đứng xem cái hành vi lặp đi lặp lại giữa một con dê đực và mấy con dê cái, vẻ âm thầm. Âm thầm khổ sở hay âm thầm sung sướng, khó mà đoán biết được.
Đột ngột người đàn bà quay lại và nhìn thấy tôi. Chị ta hoảng hốt đóng ngay cánh cửa ngăn lại, bỏ mặc lũ dê cái chưa đến lượt be be ầm ĩ, bỏ chạy về nhà.
Lúc tôi quay trở về thì người đàn bà đang khóc lặng lẽ bên bếp lửa. Tôi ngồi xuống bên cạnh, chẳng biết nói gì hơn là bóp chặt một bên vai chắc lẳn của chị ta như an ủi cho chị ta bình tâm lại. Sự bình tâm trở lại thật. Lát sau chị ta ngả đầu lên vai tôi, và bây giờ mới bắt đầu câu chuyện về chị cùng hòn cù lao định mệnh của chị.
Nhìn từ trên cao xuống, cũng như nhìn từ hai bên sườn sang, hòn cù lao giống như một chiếc tàu biển. Những năm chiến tranh, máy bay Mỹ đã nhiều lần cắt bom và bắn tên lửa nhầm xuống con tàu này. Làng chài của chị cách đó một ngày chèo thuyền, sáng sớm chèo đi thì chiều tối mới tới nơi. Người cha của chị khi ấy là dân quân, được điều động ra xây cho hòn cù lao một khối trụ, quét sơn trắng lên cho giống một ống khói tàu thủy. Công việc của ông là ngày ngày bám trụ trên hòn cù lao, cắm lên đó một lá cờ, biến nó thành một con tàu để thu hút tên lửa và bom Mỹ. Cờ này đổ, ông thay cờ khác. ống khói bị đánh sập, ông xây ống khói khác. Ông trụ trên hòn cù lao được sáu năm. Đến tháng năm 1972 thì cái hang ông ẩn nấp bị đánh sập. Cái hang ấy bây giờ thành nấm mồ của ông.
Người cha hy sinh như là một người dân chài được hợp tác xã điều động đi đánh cá và bỏ mạng ngoài khơi. Chẳng được một tấm bằng ghi công. Chẳng được một sự đãi ngộ nào. Khi cha hy sinh thì đứa con gái mới bắt đầu cắp sách đi học. Học cũng bữa đực bữa cái, chữ được chữ mất, học đến năm lớp bảy thì phải nghỉ luôn vì mẹ mất. Làng chài long đong, người ta chẳng còn tâm trí đâu để nhớ tới quyền lợi cho một đứa con gái mười bốn tuổi. Thế là cô bé một mình một thuyền chèo đi tìm cái hòn cù lao mà người cha đã đổ máu vì nó. Cô bé thắp hương khấn thầm vong hồn bố phù hộ. Cô phát quang vùng đất để trồng cây ăn quả. Bây giờ cô đã có một vườn nhãn và một đàn dê hai chục con. Trên hòn cù lao này cô là chủ. Trên con tàu này cô là thuyền trưởng với hai chục đầu dê thuyền viên. Còn ở làng, cô là một cô gái lỡ thì bị quên lãng.
Bây giờ tôi mới nhận ra rằng sau cái vẻ một người đàn bà luống tuổi là một cô gái lực điền gương mặt héo hon chỉ chừng hăm sáu tuổi. May phúc cho tôi dã dạt vào đây đúng ngày cô có mặt trên đảo. Tôi thấy ái ngại cho cô gái bị người đời quên lãng cứ phải làm cái công việc chăm nom nhân giống cho đàn dê.
Chúng tôi đến với nhau một cách tự nhiên. Xen ngang giữa những câu chuyện cô kể. Lần đầu tôi có hơi e ngại. Tôi không có trong người thứ dụng cụ phòng vệ mà nếu không có thì tôi chưa từng dám tiếp xúc với một người đàn bà lạ nào. Ngay cả trong giây phút đầy xúc động như vậy, cái kẻ tiểu thị dân là tôi vẫn còn đủ mánh lới để dùng thủ thuật ranh mãnh kiểm tra. Không có gì đáng ngờ cả. Khi đã xâm nhập được rồi, tôi bàng hoàng biết cô hãy còn trinh. Tôi chưa bao giờ có được niềm hạnh phúc như thế. Không phải là tình yêu. Đó là sự ngưỡng vọng, sự biết ơn, nguồn vui sướng, tất cả những cảm xúc chân thật nhất. Thứ cảm xúc chưa chắc ta đã có được với người mình yêu.
- Anh kể về anh đi.
Cô gái áp má lên bộ ngực để trần của tôi và nói. Tôi ư? Tôi có gì để mà kể. Cô có một con tàu không bao giờ bị đánh đắm. Con tàu của tôi thì đã đắm rồi. Đám thuỷ thủ của tôi biết ai còn ai mất, người còn sống thì lưu lạc nơi nao. Tôi biết vẽ, nhất là vẽ biển. Nhưng bây giờ thì bút vẽ không có, mầu vẽ cũng không.
Tôi bất chợt vùng dậy. Tôi lấy một que nứa ở góc nhà, cày lên nền đất những đường nét thật sâu. Một gương mặt hiện ra. Một thiếu nữ của biển không còn vẻ héo hắt nữa, miệng nở một nụ cười vui lặng lẽ.
- Anh vẽ em đấy ư?
Cô run run hỏi.
- Chính là em.
Tôi nói. Và chúng tôi lại lao vào nhau.
Hai ngày sau bão tan. Sóng lại yên. Biển lại lặng. Cô gái chèo thuyền đưa tôi rời hòn cù lao. Đi xa một quãng, ngoái nhìn lại, hòn đảo nhỏ thật giống một con tàu. Cái ống khói chắc vẫn được quét vôi trắng thường xuyên mới trắng được như thế. Ngày trước nó là nơi để kẻ thù dội bom xuống. Bây giờ, tôi cũng vừa dội xuống đó thêm một nỗi đau, một niềm bất hạnh. Hay là niềm hạnh phúc? Tôi xin chịu, không sao tự phán xét được.
Chiều tối nhá nhem, thuyền chúng tôi tới bến Quảng Nguyên. Tôi cởi chiếc áo khoác, trao cho cô giữ làm vật kỉ niệm những ngày chung sống ngắn ngủi trên hòn cù lao. Tôi lên bờ, vẫy một chiếc xe tải, đi nhờ đến sáng sớm thì về tới Hải Phòng.
* * *
Người ra mở cửa cho tôi không phải là Yên Thanh như mọi lần. Thằng Phũ mắt nhắm mắt mở chào, chú đã về, rồi loạng quạng đi vào phòng ngủ. Thằng Phũ, thằng Cốc, thằng Bóp mỗi đứa chiếm một phòng. Tôi đành đi lên gác. Trong tất cả các phòng đều không thấy Yên Thanh. Không tiện đánh thức thằng Phũ dậy một lần nữa để hỏi cái điều lạ lùng nọ, tôi thay quần áo rồi cũng lăn ra ngủ.
Trong hơn một tháng trời tôi đi vắng thì nguồn tin tình báo của anh Thế cho biết Yên Thanh đang chuẩn bị kết hôn với một gã trai vừa tốt nghiệp Đại học Y, chưa có công ăn việc làm. Hóa ra bấy lâu nay chị vẫn dùng tiền nuôi em ăn học, em vẫn thực hành những bài học về sinh lý người không phải trên những xác chết mà trên cơ thể chị. Anh Thế ngay lập tức hiểu ra rằng phải ngăn chặn bằng được cuộc hôn nhân của chúng lại. Toàn bộ tài sản mấy năm trời đi tàu viễn dương của thằng em dại gái đang nằm trong tay con nặc nô kia. Anh lập tức xoay được một cái vận đơn, làm như thể tôi gửi một lô hàng trị giá khoảng tám mươi ngàn đô từ Singapore về. Anh xuống Hải Phòng, chìa cho Yên Thanh xem cái vận đơn và chính thức đặt vấn đề muốn cưới cô ta làm vợ cho em trai mình. Yên Thanh buộc phải cân nhắc giữa một bên là núi tiền bỗng chốc đổ ập xuống đầu, với một bên là gã sinh viên Y khoa không lấy làm chồng thì giữ làm vốn nhân tình cũng được. Cô ta dễ dàng ký vào hai bản đăng ký kết hôn đã được anh tôi viết sẵn. Đàn bà có thể sắc sảo trong những tình huống có thời gian để mà nhấm nháp ngẫm ngợi. Đàn bà khó tỉnh táo trong những lúc sự kiện dồn dập hàng họ dồn dập tuôn về. Cái giấy đăng ký kết hôn, anh Thế tôi giữ lại như một bằng chứng pháp lý để Yên Thanh không thể cưới cái thằng oắt con giỏi sờ soạng xác chết kia được. Đấy mới chỉ là đòn đầu tiên. Đòn thứ hai, anh Thế đề nghị "cô em dâu tương lai" trích ra chừng hai mươi ngàn đô để lo lót êm xuôi lấy được số hàng từ cái vận đơn kia. Anh đã nhẩm tính rằng Yên Thanh đã giữ của tôi một lượng tài sản có giá trị chừng ấy, cộng với căn nhà này. Kế hoạch đã được phác ra từ Hà Nội là nếu Yên Thanh không rơi vào cái bẫy này, ba thằng cháu tôi sẽ dùng đến luật rừng. Nhưng quả thật đàn bà trong cơn hám lợi thì bỗng chốc trở nên mù quáng khác thường. Yên Thanh sốt sắng đi lấy tiền đưa cho anh Thế, cứ như đưa một khoản tiền mừng tuổi đầu xuân cho trẻ con.
Bấy giờ mới sang đòn thứ ba. Mọi người đang ngồi bên bàn ăn bữa cơm khá thịnh soạn do Yên Thanh nấu, anh Thế mới đưa một văn bản nữa, bảo cô ta ký vào. Đó là văn bản chuyển nhượng quyền sở hữu căn nhà này sang cho thuyền trưởng Tạ Dương Đông. Văn bản cũng nói rõ anh Đông mới là người bỏ tiền ra mua nhà. Đến lúc này trí tuệ sắc sảo đàn bà mới đủ thời gian phát tiết. Yên Thanh uất nghẹn họng. Cô ta ho sặc sụa với miếng ăn trong miệng. Ho giàn giụa nước mắt nước mũi. Giữa những đợt ho không sao dứt được là những tiếng "không" như nấc lên. Cô ký đi. Không. Ký vào. Không. Ký. Không. Có ký không thì bảo. Không.
Thằng Phũ đứng phắt dậy. Hai thằng bạn vẫn thản nhiên ngồi ăn, chờ đến lượt hành sự. Thằng Phũ sẽ ra tay trước. Không xong thì thằng Cốc sẽ đè nghiến cô ta xuống. Không xong nữa thì thằng Bóp sẽ dùng đôi tay như gọng kìm của nó. Nhưng rốt cuộc chỉ ngón đòn của thằng Phũ đã chấm dứt tất cả. Nó túm tóc Yên Thanh dúi mặt cô ta vào bát canh măng to tướng. Nước canh dềnh lên, tràn xuống mặt bàn. Yên Thanh không giãy giụa được. Thằng Phũ dìm mặt cô ta vào bát canh đến lần thứ ba thì Yên Thanh đầu hàng. Thằng Cốc lấy khăn lau mặt lau tay cho cô ta, sau đó mới đưa bút cho cô ta ký vào tờ văn bản sạch sẽ.
Anh Thế trở về Hà Nội ngay. Ba thằng bạn ở lại trông giữ và rao bán căn nhà. Chúng cho phép Yên Thanh được cùng ở lại cho tới khi nào tìm được nơi ở mới với chú em kia. Ba lần bị dìm đầu vào bát canh là đã quá sức chịu đựng. Yên Thanh căm hờn cuốn gói ra đi ngay lập tức.
* * *
Năm sau tôi lấy vợ. Đúng hơn là anh Thế lấy vợ cho tôi. Tôi đã ở cái tuổi băm hai nhát. Tôi cần có một gia đình êm ấm làm cái neo cho những chuyến tàu xuyên đại dương. Tôi yêu nhiều và cũng nhiều người yêu tôi. Nhưng anh Thế có cái lý của anh. Rất nhiều bạn bè anh, rất nhiều bạn bè tôi lấy nhau vì yêu, để rồi bỏ nhau sau năm năm, ba năm, thậm chí một năm chung sống. Một thằng bạn tôi sống chung với người yêu sáu năm, đến khi dở dói ra quyết định đăng ký kết hôn thì bỏ nhau ba tháng sau đó. Anh Thế coi sự chung sống bền vững là tiêu chuẩn cao nhất của một gia đình. Anh cũng lấy vợ một cách vội vã để gửi lại đứa em trai bé dại mà yên tâm đi công tác nước ngoài. Hai mươi năm chung sống, chẳng mặn mà, nhưng cũng chẳng đến nỗi nào. Anh cho rằng tôi cũng hợp với một đời sống vợ chồng như thế. Còn hạnh phúc thực sự là điều không có - đó chỉ là mơ ước của loài người, là sản phẩm của thứ văn chương nghệ thuật đầy ảo giác.
Tôi tặc lưỡi cho xong. Đằng nào cũng không tránh được cái cầu phải qua ấy. Hai gia đình đều nhiệt tình vun vén vào. Vợ tôi là một cô giáo trung học phổ thông, nghĩa là vừa có thể làm người mẹ tốt vừa làm cô giáo tốt cho con cái tôi sau này. Anh Thế nghĩ vậy. Tôi nghĩ vậy. Nhiều người nghĩ vậy.
Nhưng cuộc sống gia đình là cái neo thả xuống không đúng lúc, cái neo thường xuyên giữ chặt lấy con tàu ngay cả khi tàu cần phải ra khơi. Cuộc sống triền miên với biển nuông chiều chất lãng tử của tôi. Tính tự do kích thích ý muốn đập phá mọi ràng buộc của tôi. Tôi không sao quen được với việc có một sinh vật lạ đêm nào cũng động đậy trên giường mình. Không sao quen được tiếng thở của đàn bà thường xuyên trên giường mình. Thêm cả những điều mà dù có yêu nhau cả chục năm cũng không biết được bằng việc chỉ cần làm vợ chồng chừng vài ba tháng. Vợ tôi không phải là người phụ nữ khéo léo và tinh tế ở nhiều mặt. Cô ta cũng không được chuẩn bị đầy đủ kiến thức về giới tính để đi lấy chồng. Thế hệ ấy đi qua một thời cha mẹ chỉ lo ăn cho con cái còn chưa xong, nói gì đến chuyện giáo dục giới tính. Trong việc này xem ra người Kinh còn kém văn minh hơn một số dân tộc miền núi: Con gái miền núi đến tuổi dậy thì liền được người mẹ dạy cho cách dùng một thứ lá hái trong rừng để tránh thai và những kiến thức tình dục cơ bản.
Tóm lại là chỉ trong vòng nửa năm đầu lấy vợ, tôi hoàn toàn không thỏa mãn và mất hết thiện cảm với người mà tôi đã chịu cưới sau bảy tháng quen biết. Bảy tháng là quá dài so với cái tuổi băm của tôi, so với cái thời đại tốc độ này. Tôi bỏ xuống Hải Phòng, đi tìm để chuyện trò thù tạc với những đứa bạn chuẩn bị xuống tàu vượt đại dương. Tôi không còn vượt đi đâu được nữa. Căn nhà ở Hải Phòng đã bán. Nghề viễn dương đã bỏ. Anh Thế bảo rằng viễn dương thế là đủ rồi. Tôi góp toàn bộ vốn liếng vào khách sạn của anh. Tôi làm việc cho khách sạn của anh. Thế bảo cái nghề của anh là một, nghề của tôi là hai, đi rông cho lắm về nước mà bỏ vợ bỏ chồng. Những kẻ ở nhà xài tiền xài đồ ngươi gửi về như một thứ viện trợ khẩn cấp không hoàn lại của những nước phát triển cho những nước đang phát triển. Một ông bạn anh đi làm đại sứ, quanh năm ngày tháng loay hoay tìm một khoản vay lãi suất thấp cho đất nước, trong khi con gái ở nhà bán xe máy, bán đồ, bán tất tật những thứ bố gom góp gửi về để chi cho những cuộc ăn chơi và những lần nạo phá thai. Từ đó hễ đọc trên báo chí nước nhà những bài viết giật gân về chuyện vợ chồng ly dị, con cái hoang đàng phá phách là ông cảm thấy như bị đập vào mặt. Ông quay ra thù ghét và nguyền rủa báo chí nước nhà.
Tôi nhìn đủ bốn phương tám hướng bạn bè để thấy rằng sinh con ra không hẳn đã sinh phúc. Tôi hiểu rằng người ta phải sinh con để trả cái nợ chính mình được sinh ra giữa đời này. Những kiếp trước của tôi chắc chẳng ra gì mới sinh ra tôi đau đớn nhường này. Kiếp hiện sinh của tôi không ra gì nên mới sinh ra một đứa con gái xinh đẹp nhường ấy và phải chịu cái chết oan uổng nhường ấy đúng vào lễ sinh nhật lần thứ hai. Ngày nó ra đời, tôi chỉ dám tạt vào bệnh viện nhìn con một thoáng chốc. Nó nhìn xoáy vào tôi như trách móc, làm tôi ứa nước mắt. Nghe nói nó lọt lòng mẹ không gào khóc tầm thường như mọi đứa trẻ mà chỉ đưa cặp mắt thôi miên quét qua một lượt tất cả những người ở trước mặt như nhận diện cả cõi người. Như tỏ ý nhìn cả cõi người một lần thế là đủ. Tôi khóc vì trót mang tội, bắt thêm một sinh linh phải chịu khổ ải ở cõi trần ai.
Sinh nhật lần thứ hai của con gái, chúng tôi mời khá nhiều bạn bè và người thân. Mặc dù trên thực tế chúng tôi đã sống ly thân ngay trong cùng một nhà, cả tôi và người được coi là vợ tôi đều có ý mời cho thật nhiều. Như thể chúng tôi cố tình sắp xếp cho mọi người đến vĩnh biệt con bé. Đám học sinh lớp vợ tôi chủ nhiệm mang tới hoa, đồ chơi và kẹo. ánh mắt con bé cười bao dung như một nữ hoàng cười bằng mắt với thần dân của mình. ánh mắt mầu nâu sáng lấp lánh nồng nàn theo kiểu bằng hữu với đám bạn bè của cha mẹ. ánh mắt trầm lắng u uẩn như một người đàn bà trung niên truân chuyên đã lắm gian nan đã nhiều với các bậc trưởng lão trong gia đình.
Tôi hơi giật mình khi một người đàn bà mới đến bế xốc nó lên để hôn. Cô ta chưa kịp hôn vào má nó thì con bé đã chủ động đặt môi lên trán người đàn bà. Một cái hôn của bề trên, ban tặng và làm ơn. Người đàn bà đưa cho con bé một bó hoa hồng. Ngay lập tức, con bé vướng gai hoa hồng vào cổ tay. Một chút máu rỉ ra. Con bé thả bó hoa hồng xuống nền nhà thương xót nhìn người đàn bà ra chiều đã hiểu cả. Mọi người xôn xao hỏi han. Mẹ nó đi lấy băng sát trùng. Con bé đẩy tay mẹ ra. Không đau đâu. Nó nhìn duyệt qua toàn bộ đám khách khứa như chào lần cuối cùng. Rồi nó bảo nó phải đi ngủ. Điều ấy có nghĩa là chúng dân hãy yên lòng mà vui chơi cho đến khi tàn cuộc, sự có mặt của nữ hoàng như thế đã là quá dài. Tôi lại giật mình một lần nữa khi nhận ra người đàn bà không còn ở trong phòng. Tôi chạy bổ ra sân, ra cổng. Cửa ngõ mở toang, không một bóng người. Gió hắt hiu rên rỉ trên vòm cây xà cừ.
Tôi lật đật trở vào nhà. Đám thần dân vẫn đang hoan hỉ chúc tụng. Tôi đâm bổ vào phòng trong. Con bé nằm ngửa trên giường, một chiếc gối to úp lên mặt. Giật phắt chiếc gối ra thì thấy mắt nó mở to nhìn đi xa hút. Trên môi đọng một cái cười nhếch mép. Ở khóe mép là một nếp nhăn hằn sâu của người già. Cái cười và nếp nhăn của người đã ngộ, đã thành chính quả, đã hiểu hết và thấu suốt tất cả.
Đến thăm cõi đời này, nó nhìn xoáy như muốn lột vỏ con người. Giã biệt cõi đời này, nó nhìn xuyên thấu và nhếch mép cười mọi trò trẻ con nhăng nhố.
Anh Thế không cho phép mổ khám nghiệm tử thi, mặc dù anh cũng tin rằng con bé chết vì gai hoa hồng tẩm độc, hoặc bị đè một chiếc gối to lên mặt. Cũng như tôi, anh đã nhận ra người đàn bà thoắt xuất hiện thoắt biến mất ấy là Yên Thanh. Cô ta đến để báo thù sau ba năm hoàn toàn không lộ diện. Khám nghiệm - tìm ra nguyên nhân - đi báo thù - báo thù lại nối tiếp báo thù thành một cuộc chiến tương tàn không bao giờ dứt.
Anh Thế bước ra thông báo với các thần dân hoan hỉ rằng nữ hoàng của họ vừa băng hà vì một cơn cảm gió đột ngột. May là hôm ấy nhóm ba thằng cháu đi dự buổi trình diễn thời trang với thằng Cốc. Anh Thế cho là may vì chúng không biết nguyên nhân. Bằng không, chúng sẽ lùng sục và trừ khử được Yên Thanh trong vòng dăm ba ngày.
Quả thực đó cũng là điều tôi muốn. Nhưng anh Thế biết cách làm tôi nén lại, hơn nữa không hé một lời với ba gã trai kia. Anh kiểm soát được tôi. Anh ngỡ kiểm soát được mọi người và mọi việc. Vậy mà rốt cuộc anh không kiểm soát nổi chuyến đi của chúng tôi đến bãi tắm Bình Sơn, dẫn đến một chuỗi tiếp liền ba cái chết.
Sau cái chết của con gái, vợ tôi mới thực sự bỏ đi. Một đêm trong cơn ác mộng, tôi thấy con gái hiện về, dáng vẻ của một thiếu phụ, tay cầm một bó hoa hồng tua tủa gai. Con gái nói rằng nó bị đầu độc. Có gì lạ đâu, nó nói thêm, sự đầu độc vẫn đang diễn ra đấy thôi.