watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tình yêu dịu dàng-Chương 20 - tác giả Hoàng Thu Dung Hoàng Thu Dung

Hoàng Thu Dung

Chương 20

Tác giả: Hoàng Thu Dung

Hết giờ, cả lớp lục đục đứng dậy, túa đầy ra hành lang. Quỳnh cũng hoà vào dòng người đi xuống sân. Cô đi xuống những nấc thang với những bước chân như nhảy. Lúc này cô có tâm trạng rất vui, rất là nhẹ nhàng. Nó toát lên trong ánh mắt lấp lánh, trên mỗi đường nét của khuôn mặt và cử chỉ. Quỳnh không nhận ra mình thay đổi. Nhưng Thuỳ và Sương thì cứ hay nhận xét điều đó.
Có lúc ngẫm nghĩ, Quỳnh tự hỏi tại sao mình lại như vậy. Bây giờ cô gần như hoà đồng cuộc sống của mình vào Dương. Tin tưởng anh một cách tuyệt đối. Và nghĩ tới viễn ảnh cuộc sống chung sau này. Còn tình yêu? Cô đã không còn do dự hay tìm kiếm nữa.
Quỳnh đi ra cổng. Và không để ý thấy một chiếc xe màu đen đậu ngay sát cạnh lối đi. Và ông Nghị đang ngồi trong xe nhìn theo bóng cô khi cô còn đang đi trong sân trường. Khi cô đi ngang qua, ông bèn gọi lại:
- Quỳnh!
Quỳnh quay lại nhìn. Khuôn mặt của cô thoắt thay đổi khi nhận ra ông chủ cũ. Cô miễn cưỡng đi về phía ông, cúi đầu chào:
- Thưa ông.
- Con về một mình à?
- Dạ.
- Chiều nay con có đi học không?
- Dạ không.
- Tốt lắm. Vậy thì con đi ăn trưa với bác nha, rồi bác đưa con trở lại lấy xe.
- Dạ, ông chủ có chuyện gì cần ở con ạ?
- Lên xe đi con, bác có chuyện quan trọng liên quan đến con đó. Đừng ngại gì cả - Rồi ông mở cửa xe cho cô.
Quỳnh bước vòng qua ngồi vào xe. Cô ôm chiếc giỏ xách trước ngực, im lặng trong cử chỉ xa cách lẫn dè dặt.

***

Ông Nghị đưa cô vào một nhà hàng, chọn một phòng riêng như cần một không gian yên tĩnh thích hợp. Ông kéo ghế cho cô ngồi và ngọt ngào:
- Ngồi đi con.
- Dạ.
- Con muốn ăn gì.
- Dạ, gì cũng được ạ.
- Vậy, ăn cơm phần nha.
- Dạ.
Ông Nghị quay qua nói với cô tiếp viên. Quỳnh đưa mắt nhìn theo cho đến lúc cô ta khuất đi ở cửa. Cô nhìn như thế không phải vì tò mò mà vì lúng túng khi ngồi một mình với ông chủ vốn chưa bao giờ gần gũi mình.
Suốt lúc ăn, ông Nghị chỉ hỏi thăm đến chuyện học của cô. Quỳnh trả lời một cách lễ phép. Nhưng trong lòng cô cứ tự hỏi lại một câu: “Tại sao mình lại có thể ngồi ăn chung bàn với ông ta, con người là nguyên nhân tai họa của mẹ mình? Mình không biết thù ghét hay nên thông cảm với ông ta nữa”. Và cô chọn thái độ hay nhất để ứng xử là sự dè dặt tuyệt đối trong từng câu nói.
Ông Nghi ghim một miếng trái cây đưa tận tay cô:
- Ăn đi con.
- Dạ, con cám ơn ông. Nhưng con không ăn.
Cô giữ khoảng cách, nhưng lại không khỏi xúc động vì cử chỉ chăm sóc thân mật đó. Ông Nghị không hiểu được cô đang nghĩ cái gì, nhưng vẫn cư xử thân ái rất thật lòng.
Chợt ông đẩy dĩa tới trước, cử chỉ vô tình như chuẩn bị cho một câu chuyện nghiêm túc. Ông mở đầu bằng một câu thông báo mà Quỳnh không muốn nghe.
- Họ đã kêu án bà ấy tám năm tù. Thời gian đó không là gì so với chiều dài của một đời người, nhưng với bà ấy thì....
Ông chợt ngừng lại không nói nữa. Nhưng Quỳnh rất hiểu. Đối với bà chủ đài các ấy thì cuộc sống ở trong tù quả là quá khủng hoảng.
Ông Nghị lại nhìn cô khá lâu và vô tình thở dài:
- Hãy tha thứ cho bà ấy con ạ. Bà ta cũng có nỗi bất hạnh riêng.
- Vâng.
- Có nghĩa là con đã tha thứ?
Quỳnh đờ đẫn nhìn ra ngoaì, vẻ mặt có cái gì đó đau đớn ngầm.
- Ban đầu con căm thù bà ta lắm, nhưng thời gian qua đi, con dần dần phân tích hoàn cảnh của mọi người và con đã hiểu bà chủ cũng đã chịu nhiều mất mát, đau khổ. Mẹ con cũng có lỗi với bà chủ mà.
- Mẹ con có những thứ mà bà ta không hề có được đó là tình yêu của bác. Lúc mẹ con chết đi, bác chỉ nói có một phần những gì mà con cần biết, nó không chỉ dừng lại ở đó đâu, con gái ạ.
“Con gái ạ” Quỳnh như vô tình lập lại câu nói đó trong đầu. Cô nghe cảm giác êm đềm xoa dịu, có một người đàn ông gọi cô một cách âu yếm đến như vậy sao? Tự nhiên cô lại nhớ đến cảnh đầm ấm của Quỳnh Hoa bên cha mẹ.
- Con nghĩ thế nào Quỳnh?
Tiếng của ông Nghị làm cho cô giật mình, cô vội ngẩng lên:
- Dạ, ông chủ hỏi gì ạ?
- Nãy giờ, con không nghe bác nói cái gì sao?
- Dạ.
Ông Nghị như nhắc lại:
- Chuyện giữa bác và mẹ con không làm con quan tâm sao?
Quỳnh khẽ cắn môi:
- Con là con nít, chuyện của người lớn con không dám có ý kiến. Mà nếu có thì cách hay nhất là cũng không dám nói ra, vì nó chẳng tốt đẹp gì.
- Khi nói được câu đó, là con đã đánh giá ra mối quan hệ đó như thế nào rồi, con thấy nó là bất chính có phải không?
Quỳnh như chợt giận lên, mặt đột ngột bừng đỏ, cô nói nhanh như mất bình tĩnh:
- Vì sự bất chính đó mà mẹ của con đã phải trả một giá quá đắt bằng mạng sống của chính mình. Con biết phải nói gì bây giờ, con biết trách cứ ai đây, tốt nhất là con nguyền rủa số phận đã cướp đi mất mẹ của con.
Ông Nghị nhìn cô chăm chú:
- Bình tĩnh lại đi con. Bác biết thời gian qua con bị sốc mạnh lắm có phải không?
Giọng nói trầm trầm chậm rãi của ông làm cho Quỳnh dịu lại, cô nín lặng. Ông Nghị lại nói tiếp:
- Bác xin lỗi con. Lẽ ra bác phải nói về thân thế của con lâu lắm rồi, nhưng lúc còn sống thì mẹ của con đã cản bác, sợ sẽ không giữ được bí mật. Còn sau khi án mạng xảy ra, thì bác phải lo cho bác gái.
Quỳnh cười buồn:
- Từ nhỏ đến lớn, con đã biết mình là con của một người giúp việc. Và con tự nhủ sẽ đưa mẹ con vươn lên một địa vị khác. Chính vì như vậy, mà con học như điên, bất chấp mọi hoàn cảnh.
- Nếu con có cha mẹ có địa vị trong xã hội thì ra sao? Liệu con có chấp nhận không? Cha con có tất cả những thứ có thể làm cho con hãnh diện đấy Quỳnh à.
- Vâng, mẹ của con cũng đã nói như vậy.
- Nhưng mẹ của con đã không nói chính xác hết mọi vấn đề là ba của con chưa có chết và chưa bao giờ chết.
Tim Quỳnh như đứng lại, cô thì thào:
- Sao ạ? Hy vọng bác không nói dối với con chứ? Có thật là ba của con vẫn còn sống không?
- Con muốn biết lắm sao?
- Bất cứ ai trên đời này cũng muốn biết mặt cha mẹ của mình mà. Với con bây giờ, thì điều ấy còn quan trọng hơn những thứ khác.
Thấy ông Nghị im lặng, Quỳnh nhìn ông chăm chăm:
- Mong bác đã không nói đùa, bác là người lớn, sẽ không đem những chuyện như thế ra để đùa phải không ạ?
- Bác không đùa những chuyện như vậy đâu.
- Vâng, vâng... Vậy thì bao giờ bác có thể đưa con đến gặp mặt ba của con vậy? Khoan đã bác à, mà ba con hiện giờ đang làm gì và ở đâu vậy? Ôi trời!
Quỳnh như vô tình đứng dậy, hai tay vịn chặt lấy mép bàn, rồi lại ngồi xuống, lặp đi lặp lại:
- Bác biết mặt ba của con thật sao? Ba con như thế nào? Có lớn tuổi lắm không? Ba con sống với ai? Thế bác có thấy là con có giống ba của con không? Lạy chúa, con không thể tưởng tượng được là con còn có một người cha.
Vẻ mặt của ông Nghị trở nên căng thẳng:
- Con cần ba của mình đến như thế sao?
- Vâng. Vâng. Đúng là như vậy.
- Con ngồi xuống đi, đừng đứng lên như vậy.
- Vâng.
Quỳnh nói và ngồi xuống, đôi mắt vẫn như dán chặt vào ông Nghị, khiến ông trở nên thật là lúng túng. Nhưng vốn là người từng trải, ông biết cách giữ cho thái độ của mình luôn đĩnh đạc.
- Hai mươi năm nay, nếu con chịu để ý một chút, con đã thấy thái độ và sự lo lắng của bác đối với con không phải chỉ là một ông chủ đối với người giúp việc.
Quỳnh không hiểu ra câu nói ẩn ý đó. Cô đang quá nóng ruột về người cha không biết mặt nên khi nghe ông nói về tình cảm của ông, cô bực không chịu nổi. Nhưng vì lễ phép, nên cô đã lặng thinh.
Ông Nghị nói tiếp:
- Tình cảm của bác đối với mẹ con cũng không phải là chủ tớ, đó là mối quan hệ....
Quỳnh sốt ruột quá, chịu hết nỗi, cô vội cắt ngang:
- Xin bác nói về ba giùm con. Giờ con không còn lòng nào nghe chuyện khác. Con xin lỗi. Bác nói về ba con đi bác.
- Ba với mẹ con yêu nhau từ lúc còn trẻ. Lúc đó cả hai người đều ở dưới quê. Sau đó ba được đưa lên thành phố học và được sắp đặt để cưới người vợ giàu có, tức là bà chủ của con bây giờ đấy.
Quỳnh như đã bắt đầu hiểu ra câu chuyện, cô cứ thì thào kêu trời và cứ ngồi nhìn ông Nghị trân trối.
- Con đã hiểu ra phần nào rồi phải không? - Ông hỏi một cách buồn.
- Vâng.
- Đúng, ba đã chọn danh vọng. Nhưng tình cảm thì rất là thủy chung. Và ba vẫn cứ về thăm mẹ con. Thế rồi mẹ con sinh ra con. Ba sợ mọi chuyện đổ bể, nên ba đưa mẹ con lên thành phố.
- Và đã cho mẹ con làm người giúp việc.
- Ba không muốn vậy, nhưng mà mẹ con muốn gần ba một cách an toàn, gần mà không sợ ai phát hiện. Và mẹ con tự nguyện sống cuộc sống như vậy. Chính mẹ con chủ động đến tìm bác gái để xin việc. Còn bà ấy thì chỉ thương người nên nhận mẹ con vô làm.
Quỳnh nói như trong mơ:
- Con không tưởng tượng nổi một mối quan hệ như vậy, lại có thể giữ một bí mật lâu đến như vậy. Mà ngay cả con cũng không hề biết. Bây giờ con đã hiểu tại sao mẹ con sống đầy đủ.
- Bây giờ biết mặt của ba rồi, con có đón nhận được không Quỳnh?
Quỳnh không để ý vẻ căng thẳng được giấu trong sự trầm tĩnh ấy. Cô ngỡ ngàng nhìn ông chủ của mình. Không thấy được một cảm giác yêu thương, chỉ thấy một sự ngỡ ngàng lạ lùng. Chợt cô đứng bật dậy:
- Con xin lỗi. Bây giờ con không đón nhận ngay được, con cần có thời gian - Cô gật đầu như chào - Ông chủ cho con về.
- Quỳnh!
Ông Nghị nhìn cô trân trối. Hoàn toàn bất ngờ trước phản ứng của cô. Ông nói như một sự kêu gọi đầy yêu thương.
- Đừng cư xử như vậy mà con.
Nhưng Quỳnh chỉ biết lắc đầu:
- Con xin lỗi.
Cô bỏ đi ra khỏi phòng ăn, xuống lầu và đi ra khỏi nhà hàng rồi gọi một chiếc taxi về nhà. Cô làm tất cả điều đó như một bản năng tự nhiên, hoàn toàn không ý đến những chuyện nhỏ nhặt đó. Bởi vì điều mới biết quá lớn lao, bao trùm lên tất cả khiến cho cô hoàn toàn chới với.

***

Mãi đến mấy ngày sau, Quỳnh vẫn như hoàn toàn không thoát khỏi cái cảm giác lơ mơ ấy. Cô ý thức ra được rằng mình còn có một người cha. Nhưng cô không vui sướng điên cuồng như đã từng ao ước.
Cô nhớ lại lúc còn nhỏ, cô hình dung ra ba cô là một người hiền lành, cha con yêu thương nhau một cách tự nhiên. Cô không vẽ ra được một khuôn mặt cụ thể, hay nghĩ ra ba mình làm nghề gì, tính tình ra sao. Bởi vì cái đó quá mơ hồ, tình thương mới là điều quan trọng đối với cô.
Còn đối với ông Nghị, từ lúc còn nhỏ, cô đã khắc sâu vào tâm khảm mình đó là một ông chủ quyền uy, xa vời vợi không hề với tới. Không thương, không ghét, cô chỉ có sợ. Bây giờ phải biến nỗi sợ hãi thành cách gần gũi cha con, cô sợ mình không thể làm nỗi đâu.
Có lẽ là Quỳnh không ý thức được cách cư xử của mình làm cho ông Nghị khổ tâm đến mức nào. Nếu Thuý không nói ra điều đó, chính là Thuý chứ không ai khác.

***

Thuý đã đến trường đón Quỳnh. Khi cả hai ngồi với nhau trên băng đá trong sân trường, Quỳnh đã bắt đầu ngỡ ngàng trong quan hệ mới. Đây là chị dâu của cô.
Chính Thúy cũng còn thấy bỡ ngỡ. Nhưng vốn là người rất chủ động trong mọi việc, cô chóng vánh quen ngay vào tình thế mới. Nếu mà trước đây Quỳnh là kẻ đáng ngại nhất trong hạnh phúc của cô, thì bây giờ điều đó đã mất và cô hăm hở bắt tay ngay vào mối quan hệ mới với cô em chồng. Và cô đã chủ động mở đầu câu chuyện bằng một câu trách móc:
- Quỳnh không nên làm vậy với ba. Bây giờ mọi chuyện đã rõ ràng rồi, lẽ ra Quỳnh phải đến thăm ba mỗi ngày, sao lại xử sự kỳ cục như vậy.
Quỳnh “vâng” một tiếng vô nghĩa. Cô không làm sao quen được với mối quan hệ mới này và cô đã lặng thinh.
Thúy tiếp tục trách móc:
- Bây giờ mình đã là người chung gia đình, phải qua lại với nhau, Quỳnh làm như vậy ba buồn lắm đó. Sao em không đến chơi với ba đi?
- Em.... em không biết.
- Chị biết là Quỳnh không dễ gì thích nghi ngay được. Nhưng phải tập dần cho quen chứ, Quỳnh cứ né tránh như vậy, anh Quốc cũng ngại không dám tới, ba phải bảo chị tới đó.
- Dạ.
- Sao nãy giờ em không nói gì hết vậy? Em thế nào?
- Em cũng không biết đâu, bây giờ em chưa quen được chuyện đó.
- Thì phải cố gắng chứ. Thứ bảy này chị làm bữa tiệc nhỏ, Quỳnh đến đi, như là đi về nhà mình vậy, ba muốn như vậy đó.
- Em không biết, nhưng mà em sẽ cố gắng.
Thúy lặng lẽ suy nghĩ, rồi lên tiếng:
- Em rủ theo anh Dương cho vui.
- Anh ấy đi công tác rồi, em không biết có về kịp không?
- Em còn ở nhà anh Dương phải không?
- Dạ.
- Ba nói không nên ở như vậy, con gái có gia đình hẳn hoi, thì phải về nhà mà ở, ba muốn em về lắm đó.
Quỳnh hơi hoảng trong bụng, nhưng vẫn không nói ra. Thái độ không rõ ràng của cô làm cho Thuý phải hỏi tới.
- Em có chịu hay không, nói để chị biết đường giải quyết.
- Dạ, để em bàn lại với anh Dương.
- Đã thân đến mức đó rồi à? Vậy có tính chuyện cưới chưa?
- Bây giờ ảnh đã có chỗ làm ổn định, chỉ còn đợi em ra trường thôi.
Thúy chép miệng, nói vu vơ như tự nói với chính mình:
- Hạnh phúc quá nhỉ? Chả bù với chị, anh Quốc không nghĩ gì đến chuyện đi làm. Ra trường rồi mà cứ lông bông như lúc còn đi học, chán chết được.
- Sao chị không khuyên anh ấy?
- Chị nghĩ là Quỳnh khuyên sẽ được hơn. Giờ là anh em rồi, ảnh sẽ không còn chán nản nữa, chắc là sẽ nghe lời khuyên của em - Rồi cô vội lãng qua chuyện khác - Nghe nói gia đình anh Dương không chịu Quỳnh phải không?
- Dạ.
Thúy cười hiểu biết:
- Giờ Quỳnh là con của một người có địa vị, gia thế phải khác đi chứ, họ coi thường hoài đâu có được.
- Em cũng chẳng thiết điều đó, để tùy cho anh Dương quyết định.
- Yêu một người mà có thể tin cậy để dựa, sướng thật đó Quỳnh.
- Vâng.
- Ba buồn lắm đó Quỳnh. Sao cô lại không nhận ba?
- Em đâu dám không nhận, nhưng mà để từ từ đã chị à.
- Nói gì thì nói, thứ bảy này em phải về nhà đấy.
- Dạ.
Thấy ngồi mãi và gợi ra đủ thứ chuyện mà Quỳnh cũng chẳng buồn nói, Thúy chép miệng
- Cô ít nói quá, thôi tôi về vậy. Nhớ là phải tới đấy nhé.
- Dạ.
- Cô đi học bằng gì vậy? Hay để tôi đưa về?
- Dạ thôi. Em có xe rồi.
- Xe đạp à?
Quỳnh ngập ngừng:
- Dạ không. Xe Dream.
Thúy cười ra vẻ hiểu biết:
- Anh Dương cho phải không?
- Dạ.
- Quỳnh sướng thật, nhìn cô chị lại thích làm cô em gái nhà nghèo hơn. Người ta có thương mình thì cũng tin tưởng, không sợ bị lợi dụng.
Quỳnh cãi yếu ớt:
- Nhưng anh Quốc đâu có lợi dụng chị.
Thúy nheo mắt, giọng nói thoáng vẻ hận đời:
- Không lợi dụng, nhưng không có chó thì thế mèo vào. Nếu nhà chị không tương xứng, anh ta chẳng chịu cưới đâu.
- Dù sao bây giờ cũng là vợ chồng rồi, chị đừng ghét anh ấy nữa.
- Ghét thôi à? Nếu được, chị sẽ nhốt anh ta vào một cái hộp, quăng xuống biển, đỡ gây hoạ cho thiên hạ.
Không hiểu Quốc sống cách gì mà bị vợ ghét đến thế. Nếu mà trước đây thì Quỳnh sẽ nghĩ Quốc phải trả giá nhưng bây giờ thì cô thấy lo lắng. Cô thật sự không muốn Quốc sống buông thả như thế.
Hai người đi ra cổng. Thúy lên xe, Quỳnh đứng nhìn bà chị dâu sang trọng của mình lái xe ra ngoài đường. Cô bỗng thấy Thúy giống như con chim bị nhốt vào chiếc lồng đẹp, nhưng vô tri. Nghĩ vậy, rồi cô thấy hiện tại của mình thật sung sướng. Dương thoát ly khỏi gia đình thế mà hay. Cô và anh được hoàn toàn tự do yêu nhau. Nếu ngộ nhỡ trước đây, cô và Quốc cưới nhau, chắc cô cũng giống Thúy bây giờ thôi.

Buổi tối, ông Nguyễn ngồi một mình trong phòng. Giờ này bà Nguyễn đã đi dự tiệc. Dạo này ông rất lười khi tham gia những buổi tiệc tùng mời mọc. Ông có cảm giác mình bị gánh nặng của tuổi già đè lên vai. Khi già, người ta muốn sống yên ổn và được con cái vây quanh. Với ông bây giờ cũng vậy, càng ngày ông càng lo nghĩ về Dương và buồn rầu vì tính ngang ngạnh của anh.
Ông đứng lên, định đi gọi Hưởng thì cô đã mở hé cửa thò đầu vào:
- Con vô được không ba?
- Vô đi. Ba định gọi con đó.
- Có gì không ba?
- Mấy tháng nay, con có đến chỗ thằng Dương không?
- Nó đi công tác rồi ba ạ.
- Chừng nào về?
- Dạ, chắc khoảng nửa tháng.
- Còn con bé ấy thế nào? Con có biết không?
- Con thấy nó ngoài đường mấy lần, nhưng không gọi. Mà ba này!
- Gì vậy? Con nói đi.
Hưởng ngập ngừng:
- Mấy hôm nay con cứ suy nghĩ mãi. Tự nhiên con thấy… không biết mình có khắt khe quá không? Nhỏ đó cũng hiền lắm ba.
- Ba biết. Rồi sao? Con muốn cái gì?
- Con nghĩ, có lẽ mình đừng nên có thành kiến với nó. Không chừng thằng Dương cưới nó lại hay hơn.
- Hay cái gì?
- Chứ không phải ba thích con dâu nhu mì sao? Mấy đứa hiền mới chịu nổi tính khí thằng Dương, ba ạ.
Ông Nguyễn trầm ngâm:
- Ba chỉ sợ cô ta lợi dụng thằng Dương, nhưng bây giờ ba cần đánh giá lại. Có lẽ định kiến quá cũng không hay.
- Ba nghĩ thử xem, tại ba cấm cản nên nó tức, nếu bây giờ ba thừa nhận người yêu của nó, con nghĩ nó sẽ chịu trở về nhà.
- Con nghĩ, ba độc tài lắm à?
Hưởng cười dè dặt:
- Lần đó ba sắp xếp buổi coi mắt, con thấy mình áp đặt nó quá. Và kết quả là nó phản ứng như vậy.
Nhắc lại chuyện đó, ông Nguyễn cau mày:
- Cũng may là người ta thông cảm, nếu không, ba không biết ba sẽ khó xử đến đâu.
- Nhưng một phần là lỗi tại mình đó ba.
Ông Nguyễn chợt mỉm cười:
- Bây giờ con muốn lên án ba phải không?
- Dạ đâu có. Nhưng con nghĩ mình đã bức bằng thằng Dương đó.
- Nó luôn có ác cảm với ba, luôn hận ba, lẽ ra ba không nên can thiệp vào chuyện của nó - Ông thở dài - Tất cả cũng chỉ vì ba lo cho nó thôi - Ông quay qua Hưởng - Con nên tìm cách thân thiện với con bé ấy, bảo nó khuyên thằng Dương về nhà đi.
- Nói vậy là mình thừa nhận nó hả ba?
- Con có muốn vậy không?
- Dạ muốn. Thật tình con cũng mến con bé đó, nó hiền khô, hơi nhút nhát một chút, nhưng không nhu nhược đâu.
- Ba cũng mong như vậy. Thật ra, nhu nhược quá cũng không nắm nổi thằng Dương, nó phải có người kiềm bớt tính ngang ngược chứ.
Hưởng thở nhẹ, cô cứ nghĩ mình sẽ khó khăn lắm khi thuyết phục ông bố. Nhưng không ngờ ông cũng đã thay đổi ý nghĩ. Từ đó giờ, ông và Dương luôn ở hai thái cực đối lập nhau. Bởi Dương giống tính ông ở chỗ cứng rắn và độc đoán. Cái gì ông đã muốn thì bắt Dương phải chấp nhận. Nếu Dương nhu nhược như cô thì còn đỡ. Đằng này, tính tình lại nóng nảy, chẳng chịu khuất phục. Sống trong nhà, cô cứ khổ sở vì sự đối nghịch của hai cha con. Ơn trời là bây giờ ba bắt đầu nhượng bộ.

***

Chẳng cần phải đợi lâu, ngay chiều hôm sau Hưởng đã đến thăm Quỳnh. Lúc đó Quỳnh đang lau sàn, cô mở cửa và có vẻ bối rối hốt hoảng khi thấy Hưởng.
- Chị vô nhà ngồi. Xin lỗi, chị chờ em một chút.
- Em cứ làm cho xong đi, chị ngồi chơi một chút cũng được.
- Dạ.
Quỳnh hối hả dẹp xô nước ra nhà sau, rồi trở lên. Cô mở tủ rót ly nước đặt trước mặt Hưởng.
- Chị uống nước.
- Ừ, cứ để đó chị.
- Dạ.
- Chiều nay, em không đi chơi sao? Ở nhà một mình không buồn à?
- Dạ, em quen rồi. Em cũng ít đi chơi với bạn lắm.
Quỳnh trả lời mà ánh mắt vẫn dè dặt nhìn Hưởng. Cô tự hỏi, nếu bây giờ gia đình Dương lại đuổi cô một lần nữa, cô sẽ phải làm gì? Thật lòng, cô chưa biết mình ứng xử thế nào, nhưng chắc chắn không trốn tránh Dương như lần trước nữa.
Hưởng phá tan không khí ngượng ngập bằng vẻ thật tình của mình:
- Thấy chị đến, em ngại lắm phải không?
- Dạ.
- Lần gặp ở nhà hàng hôm đó, phải nói là ba chị rất giận, chị cũng vậy. Nhưng bây giờ bỏ qua chuyện cũ đi Quỳnh à. Lỗi đâu phải tại em.
Quỳnh mở lớn mắt, cô cảm giác mình nghe lầm. Nhưng cô vẫn im lặng ngồi nghe.
Hưởng vừa nói vừa nhìn sự thay đổi trên mặt cô.
- Thật lòng, lúc đó gia đình chị lo lắm, chị thương em trai chị nên lúc nào cũng sợ nó gặp chuyện buồn, còn Quỳnh thì…
Quỳnh nói khẽ:
- Em biết, chuyện của em với anh Quốc làm chị không yên tâm, chị sợ em lợi dụng là đúng mà.
- Vậy còn bây giờ, em đã thay đổi rồi chứ?
Quỳnh hơi lúng túng, rồi gật đầu:
- Dạ.
Hưởng rất muốn nghe Quỳnh nói về ý nghĩ của cô với Dương, nhưng cô cứ cúi mặt, môi bặm lại với vẻ dè dặt: “Quả thật cô bé này ít lời quá” Hưởng nghĩ thầm. Và cô chủ động lên tiếng:
- Em kéo dài mối quan hệ với thằng Dương cũng đủ để chị hiểu rồi. Nhưng tình cảm mà chưa được gia đình thừa nhận thì chưa trọn vẹn đâu. Có khi nào em nghĩ như vậy không?
- Dạ có.
- Cho nên, em nên khuyên thằng Dương về nhà đi. Ba chị cuối cùng cũng không cản hai đứa nữa. Không có lý gì tụi em cứ né tránh gia đình như thế.
- Dạ, thật ra... em cũng không muốn vậy.
Hưởng cười hài lòng:
- Vậy là tốt đẹp cho cả hai bên rồi. Chị thấy hai đứa nên về nhà xin lỗi ba chị một tiếng. Còn em thì tới nhà chị thường hơn cho ba chị vui. Ba chị không khó lắm đâu.
“Bỗng nhiên cùng một lúc mình lại có đến hai gia đình, cái nào cũng làm mình ngại cả.” Quỳnh nghĩ thầm trong đầu. Cô biết mình sẽ phải đến nhà Dương thường hơn. Vì họ đã thừa nhận cô. Nhưng thay vào cảm giác sung sướng là sự khổ sở dè dặt. Phải làm thân với một người đã từng không ưa mình, không phải là dễ dàng.
Hưởng không biết được ý nghĩ của Quỳnh, cô cho rằng Quỳnh sẽ vui mừng vì thái độ cởi mở của gia đình cô, nên nói như dặn:
- Tối mai nhà chị làm một tiệc nhỏ trong gia đình, em tới chơi nhé.
Quỳnh có vẻ khó nghĩ:
- Mai hả chị?
- Ừ.
Nhớ đến cái hẹn với Thúy, cô vội từ chối:
- Dạ, mai em lỡ có hẹn. Để hôm khác nghe chị.
- Em hẹn với bạn à?
- Dạ… không với người lớn.
Thấy Quỳnh có vẻ không muốn nói, Hưởng tế nhị không hỏi nữa. Nhưng nói như phân tích:
- Ba chị muốn có mặt em, nếu là bạn không quan trọng, em nên từ chối. Thật ra, chị không muốn ba phật lòng. Chị nói vậy là vì nghĩ cho em đấy.
Quỳnh hơi rối, nhưng nghĩ tới ông Nguyễn, cô mạnh dạn từ chối:
- Dạ, em có chuyện riêng chưa nói với chị được, cho nên chị cho em dịp khác ạ. Em xin lỗi.
Hưởng cười gượng:
- Thôi cũng được. Nếu vậy chị nói để lần khác.
Hưởng ngồi lại một lát rồi về. Quỳnh tiễn cô xuống tận dưới đường. Cử chỉ quý trọng đó chứng tỏ cô rất có thiện ý. Hưởng hiểu vậy, nhưng chuyện Quỳnh từ chối lời mời làm cô không khỏi phật ý. Tại cô che chắn cho hai người quá. Sợ ông Nguyễn không hài lòng về Quỳnh, nên bất cứ khuyết điểm nhỏ nào của Quỳnh cũng làm cô không vui.
Hưởng vừa ngồi vào xe thì thấy Quốc vừa chạy trờ tới. Cô làm như không để ý và cho xe chạy. Nhưng cô lại sửa kính chiếu hậu để nhìn ra phía sau. Qua khung kính cô nhìn thấy Quỳnh đi về phía Quốc. Cử chỉ có vẻ dè dặt lẫn vui mừng, một cử chỉ có vẻ gì đó thiếu tự nhiên đến phi lý.


Đột nhiên một nỗi thất vọng mênh mang xâm chiếm cô. Hưởng không thấy tức tối mà đau cho Dương. Cô hình dung đến sự đau khổ của Dương mà thấy đau khổ, sợ hãi tận cùng.
Về nhà, cô lẳng lặng đi lên phòng. Suốt buổi tối, cô tránh mặt ông Nguyễn, để khỏi phải trả lời các câu hỏi của ông về Quỳnh.
Tình yêu dịu dàng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22 ( Kết )