Hồi 113
Tác giả: Hứa Tiếu Thiên
Hàm Phong hoàng đế thấy đại sự đã hỏng, hằng ngày chỉ biết tìm vui trong cung cấm, bên cạnh gái đẹp và trước be rượu nồng. Nhưng lâu ngày rồi ngài cũng chán bởi quanh quẩn chi có mấy nàng phi.
Viên tổng quản thái giám hiến kế, bảo ngài nên chọn một gái đẹp trong đám quan lại Bát Kỳ (quan lại người Mãn Châu) mà lâm hạnh. Thế là một đạo ý chỉ hạ xuống. Bọn quan lại Bát Kỳ lo lắng, cuống quýt cả lên. Có kẻ điên nào muốn đưa con gái mình vào chỗ thâm cung chẳng bao giờ thấy mặt trời ấy? Cho nên nhiều gia đình thương con vội vàng đem con gái giấu biệt. Nhưng đối với bọn thái giám đông đảo kia thì nhà nào có con gái mà có thể qua mắt được chúng. Gia đình nào có mấy đứa con gái, đứa nào bao nhiêu tuổi, chúng đều dò la biết rõ hết và nhớ như in trong bụng. Cho nên khi trên vừa lệnh xuống hoàng đế kén chọn tú nữ thì nhà nào có con gái và ở đâu đều đã bị chúng kéo tới giữ chặt lấy cửa, có muốn trốn cũng khó lòng. Song cứ tiền là qua hết. Nhà nào có tiền biết điều đó, chạy ngầm biếu tên tổng quản thái giám vài trăm lạng bạc thì hắn để cho qua đi và mới được thoát nạn. Bằng không, thì gia đình không thoát khỏi cảnh sinh ly tử biệt, con gái ra đi mà không hẹn ngày về.
Hồi đó có một viên võ quan phiêu kỵ là Hỉ Tháp Lạp, tuổi đã già nhưng không có con trai chỉ có đứa con gái duy nhất tên gọi Ái Cô. Ái Cô thông minh lanh lợi từ thuở nhỏ, mặt mũi lại xinh đẹp hết sức. Cha mẹ coi nàng như một đứa con trai, nên cho đi học chữ. Ái Cô thông minh, thạo chữ nghĩa lại khéo tay chân, thêu thùa may vá rất giỏi. Nhà nghèo, nàng đem nghề mọn này ra giúp đỡ gia đình sinh sống. Nàng còn mở một ngôi trường dạy trẻ để kiếm thêm tiền, nuôi dưỡng cha mẹ già.
Năm đó, chọn tú nữ vào cung, Ái Cô cũng bị ghi danh trông sồ. Nàng biết điều đó, khóc đến chết đi sống lại. Nàng định đưa cha mẹ đi trốn nhưng lại bị bọn thái giám và quan lại canh chừng, không thể trốn được. Đến hôm lên đường, nàng đành phải từ biệt cha mẹ, theo tên thái giám vào cung, mang theo cả một nỗi buồn đau uất hận.
Bọn tú nữ đứng thành một dãy dài ngoài cửa cung Khôn Ninh, cô nào cô nấy sợ quá, mặt xanh như chàm đổ, nước mắt dàn dụa xuống đôi má. Người ta đếm xem thấy tròn một trăm cô cả thảy. Bọn thái giám sốt ruột, quát bảo câm khóc. Nếu có cô ương bướng không nghe, chúng cầm roi quất ngay vào lưng, vào những làn da non mịn màng. Ái Cô chính mắt thấy cảnh tàn nhẫn đó, trong lòng lấy làm tức giận. Ai ngờ cả bọn xếp hàng đứng suốt từ sáng sớm cho mãi đến lúc chiều tà mà chẳng thấy hoàng đế ra.
Lúc này trời đang đồ lạnh. Ngoài cửa cung lại là khu sân mênh mông, trống trải, gió biển thổi xuyên vào da thịt bọn tú nữ khiến cô nào cô nấy mặt mày xanh lét, da tím lại, răng đập vào nhau cầm cập, toàn thân run bần bật. Bụng các nàng lúc đó đói như cào, lại mót cả tiểu lẫn đại tiện nữa. Có vài ba cô chịu không nối, oà lên khóc nức nở. Tên thái giám cà giận, giơ ngược hẳn cái roi da lên trời lấy hết sức bình sinh quật xuống, mặt hầm hầm dư dằn như cọp. Ái Cô lúc này không thể nhịn hơn được, vội chạy ra nắm lấy cái roi của tên thái giám, dõng dạc nói:
- Bọn tôi lìa bỏ gia đình, từ biệt mẹ cha để tới nơi đây, nếu có được chọn thì suốt đời cũng phải giam cầm nơi thâm cung, không còn được thấy mặt trời nữa, thử hỏi ai mà chả khóc chứ?
Giữa lúc lộn xộn om xòm đó, bỗng nghe mấy tiếng đằng hắng:
- Hèm! Hèm!
Hàm Phong hoàng đế đã tới, cả bọn lập tức im phăng phắc, không nghe một tiếng động nào nữa. Hoàng đế lúc đó vẻ mặt có vẻ tức giận lắm. Cả bọn lại càng phải giữ gìn hơn, không dám động cựa, lộn xộn. Duy chỉ có Ái Cô vẫn nói năng mạnh mẽ. Tên thái giám thấy vậy, khẽ kéo tay áo nàng nhưng nàng vẫn mặc kệ lờ đi. Hoàng đế Hàm Phong thấy hay hay, bèn hỏi xem nàng nói những gì. Tên thái giám đẩy nàng lên trước.
Nàng quỳ xuống tâu:
- Hiện nay bọn giáo đồ Quảng Tây cướp được Nam Kinh, phân nửa giang sơn đã thuộc về tay chúng. Chẳng nghe hoàng thượng cầu tướng soái để bảo vệ cơ nghiệp tổ tiên, trái lại, chỉ tuyển chọn gái đẹp làm khổ dân lành. Rồi đây, Mãn Thanh thiên hạ này sẽ do một tay hoàng thượng dâng cho kẻ khác. Tiểu nữ đến chỗ này không coi sống chết ra gì nữa, dù có búa rìu sấm sét cũng chẳng sợ, chỉ vì tôn kính hoàng thượng mà nói đó thôi.
Hàm Phong hoàng đế đang hầm hầm giận dữ, bỗng nghe Ái Cô nói một thôi những lời lẽ quang minh chính đại, bất giác hết giận làm lành ngây người ra nhìn nàng rồi ngài chợt cười nhạt một tiếng, phất tay áo và bảo:
- Phải! Phải lắm! Cho chúng về hết đi. Ta cũng chẳng thiết nữa!
Viên tổng quản thái giám nghe vậy, chỉ còn việc đưa hết bọn tú nữ về quê. Từ đó, khắp kinh thành ai cũng đều khen Ái Cô là người con gái tài đức song toàn, nhiều kẻ muốn tới để cầu thân. Về sau Ái Cô được gả cho chàng công tử con của một vị thượng thư người Mãn, vợ chồng ăn ở với nhau rất hoà hợp duyên may.
Đúng vào hôm tuyển lựa tú nữ đó, hoàng đế đã cùng hoàng hậu cãi vã nhau kịch liệt. Hoàng hậu thì khuyên hoàng đế nên bỏ chuyện tuyển tú nữ, bà nói:
- Hiện nay miền nam đang loạn lớn. Hoàng thượng lo việc hằng ngày còn chưa xong, còn hơi đâu mà đi tuyển tú nữ nữa?
Câu nói đó khiến hoàng thượng cả giận, cho rằng bà ghen. Hoàng hậu vốn rất hiền đức, bình sinh rất sợ tiếng ghen tuông. Nay nghe hoàng thượng bảo vậy, bà thấy oan cho mình quá, oan mà không cãi nổi, nên bà đành phải tranh biện đôi lời.
Thế là hai ông bà cãi nhau, cãi từ sáng cho tới chiều. Bọn tú nữ đứng đợi ngoài cửa cung lâu đến một ngày là vì thế.
Hàm Phong hoàng đế ra khỏi cung, lại nghe thêm lời nói của Ái Cô, bèn không tuyển tú nữ nữa.
Hàm Phong hoàng đế vốn có tính hơi kỳ cục. Ngài ở trong cung chơi với bọn phi tần chán chê rồi bảo gái Mãn Châu, người thô, xuẩn và không thích nữa. Gái Hán đẹp hơn, chơi vui hơn.
Trong cung Thanh, tuy cũng có vài gái Hán nhưng tư sắc bình thường, hon nữa lại quê miền Trực Lệ, Sơn Đông nên người đã cao lại to, chân cũng lớn nữa. Hàm Phong hoàng đế lại thích gái nhỏ nhắn, và nhất là gái ở phương nam. Ngai thường khen con gái miền nam nhỏ nhắn xinh xinh càng làm cho ngài thêm mê. Chính vì ý nghĩ này, Hàm Phong hoàng đế nhân lúc vắng người thường hỏi dò bọn thái giám xem trong kinh thành có bọn gái điếm miền nam không. Trong số thái giám thân cận, có một tên gọi Thôi Tam, tính rất giảo hoạt. Hắn thấy hoàng đế có ý ra ngoài tìm hoa hỏi liễu, liền ra ngoài phố, lang thang khắp nơi, dò xét tình hình thật rõ ràng đầy đủ để đợi ngài hỏi tới.
Quả nhiên, Hàm Phong lại nghĩ tới bọn gái điếm miền nam. Ngài hỏi thì Thôi Tam hồi tấu:
- Hoàng thượng ngọc thể, thiết tưởng bọn yên hoa hạ tiện ấy làm sao mà bọn nô tài này dám để chúng hầu hạ hoàng thượng. Đừng nói ở kinh thành này, ngay cả ở Tô, Hàng, bọn gái lầu xanh miền nam cũng rất ít. Ví bằng có đi nữa thì những nơi tục tĩu dơ dáy ấy hoàng thượng làm sao mà tới được.
Hoàng đế nói:
- Trẫm mơ tưởng gái đẹp miền nam quá cỡ rồi. Ngươi có cách gì đưa trẫm đi chơi được không? Ngươi chọn những nơi con nhà tử tế để trẫm tới nói chuyện dăm ba câu là đủ thích rồi.
Thôi Tam thấy hoàng đế có vẻ nóng ruột, bèn nói:
- Phía ngoài cửa Tuyên Võ môn, có nhiều quan lại người miền nam. Nô tài một lần đi qua thấy đứng trước cửa, tựa bên tường rất nhiều những cô gái chân nhỏ, cô nào cô nấy tô son điểm phấn chẳng khác gì ngọc chuốt hoa cười, tiếng nói miền Tô, Hằng thỏ thẻ như chim oanh hót buổi ban mai. Đàn bà con gái Tô, Hàng đều có cái thói quen tựa cửa đứng chơi. Bọn thanh niên cũng đúng vào lúc ấy ăn mặc bảnh bao, đạp gót qua chốn này, tha hồ ngắm đến no mắt mới thôi.
Hàm Phong hoàng đế nghe Thôi Tam nói vậy, trong lòng cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, chỉ mong sao tới ngay được cổng Tuyên Võ để dạo chơi một phen. Ngài bèn bảo Tam dẫn mình đi.
Hai người một vua một tôi, cải trang vi hành len khói cung, cưỡi trên lưng hai con bạch mã, chạy thẳng ra cửa Tuyên Võ Khi tới giữa phố, hoàng đế mua một ít giấy và bút mực rồi tự xưng mình là Trần Công Sinh đất Tứ Xuyên. Ngài vào quán ăn điểm tâm rồi chờ cho đến tối mới ra đi. Hai người lên ngựa cho đi thong thả tới đầu phố, quả nhiên thấy hai bên bờ tường có rất nhiều đàn bà con gái, xấu có, đẹp có, già có, trẻ có, người nào cũng trang điểm lộng lẫy như hoa như ngọc, chỉ thò ra ngoài tường nửa mặt như e như ấp, thẹn thùng.
Có cô cậy mình nhỏ chân, kéo quần cao lên một chút để lộ đôi hài mũi, nhọn như cánh hồng lăng. Có cô làm bộ trốn tránh sau lưng người khác, chỉ để một chút má phấn trắng mịn, cặp mắt ngấp nghé nhìn trộm các chàng trai đang lang thang thả bộ trên đường. Rồi khi thấy có người tới, các cô lại rút mình vào phía trong, lấy cánh cửa che mặt, nhưng đợi khi người trai đó đi qua các cô lại thò đầu ra, nhìn theo bóng dáng sau lưng họ, khẽ bình phẩm vài câu.
Hàm Phong hoàng đế từ nhỏ được nuôi dưỡng tại thâm cung, chưa được dịp ra chơi bao giờ. Cho nên lần đầu được thấy phố xá vui vẻ, nhộn nhịp lại có rất nhiều các bà, các cô xinh đẹp, mắt ngài hoa lên. Ngài ngồi trên lưng ngựa thích chí cười vang như nắc nẻ, tưởng chừng cặp môi không thể nào còn ngậm lại được.