Chiều phi trường
Tác giả: Huyền Băng
Yến thích ngồi một mình để tưởng nhớ, tưởng nhớ những kỷ niệm vui cũng như những cay đắng trong đời. Yến thích ôn lại những chuyện tình lãng đãng đã qua để mà vui để mà buồn rơi nước mắt. Yến thích vương vấn một chút rồi xa để nghe thương nhớ chồng chất lên cao và để một hôm nào đó tình cờ gặp lại tình cảm sẽ mãnh liệt hơn sẽ đầm ấm hơn. Nhưng có lẽ đó chỉ là suy nghĩ của những người trót mang giòng máu nghệ sĩ, còn thông thường xa mặt thì đã cách lòng. . . Đôi lúc Yến nghe ghét Sài gòn thật nhiều và định không bao giờ trở lại, nhưng cũng có nhiều lúc nghe thương thật nhiều và muốn chấp cánh bay về phương trời đó để gom gọn những ánh đèn màu vào đáy mắt, những hàng cây rợp mát
của Nguyễn Du – Duy Tân của những con đường “nắng đổ êm đềm” vào tận đáy lòng, để kéo mòn bước chân ngòai vĩa hè Lê Lợi. Và hôm nay Yến đang thực hiện ước muốn đó. . .
Một buổi sáng giá rét Yến xách va ly ra phi trường để đợi tàu về Sài gòn. Giòng điện tính gọi về cấp bách thúc giục Yến bước nhanh và mạnh dù rét căm trong chiếc áo thun ngắn tay. Bước vào phòng chờ đợi, số đông người hiện diện trong ấy làm Yến lo âu. Hôm nay không biết có tàu để về không? Yến muốn quày quả đi ra để đón xe đò về cho chắn chắn. Nhưng khi nghĩ đến con đường dài mấy trăm cây số mà mình phải ngồi suốt 7 tiếng đồng hồ, Yến nghe bãi hõai. Nhìn quanh quất tìm một gương mặt dễ dãi để hỏi thăm. Một Tr/uy PB cách Yến ít bước chính là người Yến có thể hỏi, nhưng mau mắn hơn ông ta đã hỏi thăm Yến đi về đâu và khi Yến bày tỏ nỗi lo âu, ông đã trấn an và cho biết hôm nay có rât nhiều tàu. Qua vài câu xã giao Yến trở thành người bạn đồng hành của ông ta và hai người bạn cùng đi chung. Một người là SQ /KQ, một người mặc đồ civil với quần sangai xanh màu biển mặn và chiếc áo sơ mi màu thiên thanh. Anh tên Nguyễn, nhìn dáng người anh, y phục của anh Yến cứ in trí anh là một chàng thủy thủ rời đảo về thăm nhà, Ông Tr/Úy PB được gọi đi trước, kế đến là ông SQ/KQ, chỉ còn lại Yến và Nguyễn, cả hai phải ra CLB ăn cơm trưa chờ đầu giờ mới có tàu bay tiếp. Chỉ là những chuyện trò thăm hỏi vớ vẫn cho qua giờ giấc và Yến được biết Nguyễn là một SQ đặc nhiệm được nghỉ phép sau những ngày dài căng thẳng vì công tác. Nguyễn có cách nói chuyện rất thật không nịnh hót, có lẽ Yến thích thế. Là tùy viên của quan chức tối cao Nguyễn luôn luôn bị căng thẳng vì công việc của mình, quan hệ của Nguyễn với mọi người chung quanh phải trong nghiêm nhặt và trong Nguyễn có một chút bất mãn, chán đời yếm thế. Yến cũng cảm thấy tội tội cho người bạn mới quen này.
Nguyễn hỏi Yến:
- Em về Sài gòn có đi chơi đâu không?
Yến lắc đầu!
- Yến về có việc, ít bữa thì lại ra đây lại vì sở của Yến ở đây.
Nguyễn hỏi:
- Vậy muốn gặp em thì phải kiếm em ở đâu?
Yến mĩm cười thầm và nghĩ, mình với anh như bèo mây gặp gỡ, anh ta rồi phải về nhiệm sở của anh ta ở Sài gòn, mình lại phải trở về đây nơi mình làm việc, vậy thì gặp nhau để làm gì?
Và Yến đáp:
- Thôi quen biết nhau ở đây là vui rồi, nếu có duyên gặp gỡ thì lúc nào đó sẽ lại gặp . . .
Buổi chiều hôm đó gió rất buốt, Nguyễn cảm thấy hơi nhức đầu, Yến phải dùng tay xoa nhẹ cho anh hai bên thái dương mãi một lúc mới khỏi, Nguyễn nắm tay Yến và nói:
- Cám ơn em!
Yến không hiểu sao mình cứ để tay mình trong tay Nguyễn. Nguyễn lại vân vê tay Yến và nói:
- Bàn tay em như có một sức sống kỳ diệu mà anh cảm nhận được. Buổi tối sau giờ làm việc anh thường viết lại những gì đã qua, anh sẽ viết về em về cuộc gặp gỡ tình cờ này.
Nguyễn nói nhiều lắm nhưng Yến chỉ nhớ loáng thoáng một ít:
- Công việc của anh nhiều nguy hiểm và anh thường chơi hết mình sau những ngày công tác căng thẳng. Anh có những người bạn gái rất kiêu sa, rất lãng mạn, nhưng anh nghĩ em là người con gái mà anh sẽ không bao giờ quên!
Yến không biết Nguyễn nói thật hay nói lấy lòng. Nhưng đàng nào thì cũng vui.
Lại có tiếng gọi tên Nguyễn lên vol. Nguyễn đến năn nỉ người xếp danh sách để Yến đi theo cùng, nhưng không được vì những ngày đó rất căng thẳng, ai cũng phải chờ lâu và không thể sai nguyên tắc được. Thế là Nguyễn phải đi trước, Yến hơi tần ngần một chút, rồi trầm tĩnh trở lại, Nguyễn đứng lên chia tay với Yến, và đi ra phi đạo, đến cổng lên máy bay rồi, nhưng có lẽ Nguyễn lưu luyến thật và không nỡ rời xa người con gái mới quen này, và Nguyễn đã quay trở lại – bổng dưng nước mắt Yến trào ra – vui hay buồn đây – chắc cả hai, vui vì trong phút chốc mà mình đã có một tình cảm khá nhẹ nhàng dễ thương và buồn vì có lẽ tình cảm này rồi sẽ bay xa thôi. Nguyễn bỏ xách tay xuống và hôn lên đôi mắt Yến, một cử chỉ thật trân trọng, thật đáng yêu, và cứ như không thể tách rời. Ngòai kia máy bay đã chuẩn bị cất cánh, phát ngôn viên gọi tên Nguyễn thêm một lần nữa để thúc hối. . .
Yến đẩy nhẹ Nguyễn và bảo:
- Đi đi anh để trễ, Yến sẽ đi chuyến sau thôi, có duyên thì mình sẽ gặp nhau!
Nguyễn bước đi mà chân cứ như không thể cất. . .
Đúng ra chiều hôm đó, Yến phải về Sài gòn thôi, nhưng một số chuyến bay bị hủy bỏ vì lý do gì không biết, và Yến lại phải khăn gói về ngôi nhà vắng lặng của mình. Đường từ sân bay ra cổng phải hơn hai cây số, nhưng Yến không phải xách va ly vì đã có một người bạn tình nguyện xách hộ giùm Yến. . .Yến không hiểu tại sao mình phải chịu ơn nhiều người quá trong bước đường lưu lạc của mình. Nhưng biết sao bây giờ. Thôi thì cám ơn mọi người, cám ơn đời đã giành cho Yến những ưu ái.
Sáng hôm sau, Yến lại vào sân bay. Chuyến đi thật nhanh nhẹn suông sẽ, chẳng mấy chốc Yến đã đặt chân ở phi trường Tân Sơn Nhất. Yến nhìn quanh và chạnh nghĩ, không biết Nguyễn hôm qua xuống phi trường có chờ mình không? Nhưng chờ làm gì – chỉ là bèo mây gặp gỡ thôi mà. Thế là Yến quay về thực tại, quay về với khung trời thân yêu mà mình đã bỏ nó ra đi. Và quay về với bức điện tính nhắn về gấp. . . Trong lòng Yến nôn nao không biết chuyện gì đã xảy ra. . .
Về đến nhà, việc đầu tiên của Yến là chạy đến một khạp đựng nước uống, uống lấy uống để, và cảm nhận được sự ngọt ngào vô cùng tận của nó, sự ngọt ngào của giòng sông Đồng Nai để nghe lưỡi mình mềm lại sau những tháng ngày dài xa vắng. Yến về đã trễ, hôm qua là ngày cưới của Hòang và Ly, họ đã đánh điện khẩn để Yến có thể xin về gấp. Vậy là đôi uyên ương này đã vượt qua được một đọan đường gai chông, và phía trước họ có phải là chân trời hạnh phúc hay không? Ba Mẹ của Hòang vẫn không chịu nhường bước và với tư cách một người trưởng thành, Hòang đã nhờ một người bác đứng ra chủ hôn và đến hỏi cưới Ly, Mẹ Ly thương con không muốn duyên con dang dỡ, đành phải bỏ qua những thành kiến lễ nghi mà người đời đặt nặng.
Trông hai người Hòang và Ly thật hạnh phúc, họ đã đạt được cái đích mà họ mong mỏi, ít nhất trong lúc này. Yến nhìn hạnh phúc của họ và cảm thấy hài lòng với chính mình. Hài lòng về một kế họach tương đối hòan hảo. Lúc đầu Yến nghĩ có những người cha, người mẹ rất cố chấp, và có thể bỏ rơi con mình vì suy nghĩ độc đóan của mình, Yến sợ mẹ Ly cũng như thế, và nếu thế thì Ly sẽ ở với Yến một năm, hai năm cho đến khi trưởng thành, và rồi việc gì sẽ kế tiếp . .?
Trở về thăm sở cũ, nơi có những người bạn dễ thương ngày nào? Yến rất vui gặp lại họ. Xếp lớn đón Yến trong vòng tay như một người anh đón đứa em gái đi xa về. Không biết ông có hiểu gì không trong chuyến đổi đi xa của Yến, nhưng có lẽ ông đã hiểu và ánh mắt ông nhìn Yến rất trìu mến như thông cảm một điều gì đó. Yến còn nhớ, một người trong ban văn nghệ muốn huấn luyện Yến thành một tay chơi nhạc để đi theo ban cho có nếp có tẻ, nhưng ông đã không đồng ý, ông không muốn Yến có một cuộc sống lang bạt của nghệ sỹ. Thế nhưng bây giờ thì Yến cũng lang bạt rồi. . .