watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Người từ miền đất lạnh-Chương 8 - tác giả John Le Carré John Le Carré

John Le Carré

Chương 8

Tác giả: John Le Carré

Sáng hôm đó trời lạnh, sương nhẹ, xám và ẩm ướt châm vào da thịt. Phi trường nhắc Leamas nhớ tới chiến tranh: các máy móc ẩn trong sương mù, kiên nhẫn đợi chủ của chúng, các giọng nói âm vang, các tiếng la bất ngờ và tiếng gót giầy lạc điệu của một cô gái trên mặt sàn lót đá; tiếng gầm của một động cơ nghe như sát bên cạnh. Khắp mọi nơi là bầu không khí đồng loã, gần như phi phàm, tạo ra giữa những người dậy từ sáng tinh mơ, do thói quen muốn chứng kiến cảnh đêm tàn và ngày đến. Các nhân viên có cái vẻ hiểu biết về bí mật bình minh đến và lăng xăng vì lạnh, họ đối đãi với các khách hàng và hành lý bằng vẻ xa vắng của những người trở về từ tiền phương; trong những buổi sáng như thế này, người trần mắt thịt không có nghĩa lý gì với họ.
Kiever đã sắm hành lý cho Leamas. Đó là một chi tiết hay, Leamas phải phục thầm. Các hành khách không có hành lý thường lôi kéo sự chú ý và Kiever không muốn như vậy. Họ làm thủ tục tại quầy giấy của hãng hàng không và theo các dấu hiệu tiến về trạm kiểm soát sổ thông hành. Chỉ có một lúc buồn cười là lúc họ lạc đường và Kiever gắt một anh phu xách hành lý. Leamas đoán Kiever đang lo lắng về cuốn thông hành - không cần phải thế, Leamas nghĩ, tất cả đều hợp lệ mà.
Viên chức kiểm soát sổ thông hành là một gã đàn ông trẻ, nhỏ người, mang một chiếc cà vạt của Sở tình báo và một dấu hiệu bí mật trên ve áo. Anh ta có bộ ria mép đỏ hoe và một giọng nói miền Bắc mà suốt đời anh ta thù ghét. Anh ta hỏi Leamas:
- Thưa, ông đi xa độ bao lâu?
Leamas đáp:
- Vài tuần
- Xin ông lưu ý. Thông hành của ông phải tái kiểm ngày 31.
- Tôi biết.
Họ bước vào phòng đợi hành khách. Trên đường đi Leamas nói:
- Anh là một con người đa nghi, phải không Kiever?
Y cười lặng lẽ trả lời:
- Không thể thả lỏng anh được. Không có trong hợp đồng.
Họ còn phải đợi thêm hai mươi phút nữa. Họ ngồi xuống một cái bàn và gọi cà phê. Kiever vừa nói với anh bồi vừa chỉ các chén đía và gạt tàn thuốc trên bàn:
- Dọn mấy thứ này đi.
Anh bồi đáp:
- Có xe đẩy lại dọn bây giờ
Kiever nổi giận nhắc lại:
- Mang tất cả đi. Tởm quá, ai lại để chén đĩa dơ như thế này.
Anh bồi quay lưng đi thẳng. Anh ta không lại quầy hàng và cũng không gọi cà phê cho họ. Kiever mặt trắng bệch, giận điên lên. Leamas bảo:
- Thôi bỏ qua đi, đời sống ngắn lắm.
Kiever hậm hực bảo:
- Thằng khốn hỗn láo, nó như thế ai mà chịu nổi
- Đựơc rồi, được rồi. Anh cứ gây chuyện làm người ta chú ý đi; anh chọn đúng lúc lắm rồi bọn họ không bao giờ quên bọn mình ở đây đâu.
Các thủ tục tại phi trường La Hayde không có gì rắc rối. Kiever có vẻ an lòng. Y trở nên hoạt bát và nói năng luôn miệng khi họ đi khoảng đường ngắn từ máy bay đến lầu quan thuế. Viên thanh tra trẻ người Hoà Lan nhìn lấy lệ giấy thông hành và hành lý của họ và nói tiếng Anh với một giọng vụng về:
- Tôi mong hai ông đến Hoà Lan gặp nhiều vui vẻ.
Kiever nói với vẻ gần như biết ơn hơi quá đáng:
- Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều
Họ đi bộ từ lều quan thuế, dọc theo hành lang, đến phòng tiếp tân bên kia dãy nhà phi cảng. Kiever rẽ đường đến lối ra chính giữa các nhóm nhỏ hành khách đang lơ đãng nhìn vào những nhóm trưng bày nước hoa, máy ảnh và trái cây. Trong khi họ đẩy cánh cửa xoay bằng kiếng để ra ngoài, Leamas quay lại nhìn. Đứng ở một quầy báo đang coi tờ Cotendinal Daily. Mail là một người nhỏ thó như con nhái, mắt đeo kính, vẻ mặt trang nghiêm đầy lo âu. Trông y như một công chức hoặc đại khái như thế.
Một chiếc xe đang đợi họ ở bãi đậu. Một chiếc Volkswagen, số đăng bộ Hoà Lan. Tài xế là một người đàn bà, không để ý gì tới họ. Nàng lái chậm, luôn luôn ngừng khi đèn vàng. Leamas đoán nàng đã được chỉ thị lái như vậy và có lẽ họ đang bị một chiếc xe theo dõi đằng sau. Chàng nhìn vào kính chiếu hậu, cố nhìn ra chiếc xe đằng sau nhưng vô hiệu. Có lần chàng thấy một chiếc Peugeut đen với biển CD, nhưng khi họ quẹo ở góc đường thì chỉ thấy một chiếc cam nhông chở đồ chạy theo. Chàng biết thành phố La Haye rất rõ từ thời chiến tranh và chàng cố để ý xem xe đang chạy về đâu. Chàng đoán cả bọn đang đi về hướng tây bắc đến Schevinegen. Chẳng bao lâu, xe rời ngoại ô và tiến về một ngôi biệt thự dọc theo các cồn cát ven biển.
Đến đây họ ngừng lại. Người nữ tài xế bước ra, họ ngồi trong xe và bấm chuông cửa một biệt thư nhỏ màu kem ở cuối dãy. Một bảng sắt treo trên cửa với chữ “LE MIRAGE” kiểu Gothique màu xanh nhạt. Trên cửa sổ có một yết thị cho hay đã hết phòng.
Cửa mở do một người đàn bà mập lùn có vẻ chất phác. Bà ta nhìn về phía chiếc xe, mắt vẫn không rời xe, bà ta tiến xuống con đường dẫn về phía đá với nụ cười niềm nở. Bà ta làm Leamas nhớ lại bà cô già đã từng đánh chàng vì tội phí phạm dây. Người đàn bà nói:
- Thật quý hoá quá, chúng tôi rất vui mừng vì các ông đến.
Họ theo bà ta vào nhà. Kiever dẫn đường còn tài xế thì trở lại xe. Leamas ngoảnh lại nhìn về phía con đường đã chạy qua, ở cách xa chừng 300 thước, một chiếc xe sơn đen, có lẽ là một chiết Fiat hoặc Peugeot vừa dừng lại. Một người đàn ông mặc áo mưa bước ra khỏi xe.
Khi đã vào trong nhà, người đàn bà bắt tay Leamas thật nồng nhiệt, nói:
- Xin chào mừng các ông đã đến Le Mirage. Các ông khoẻ cả chứ?
Leamas trả lời:
- Vâng, khoẻ lắm.
- Phi cơ bay đường biển?
Kiever cũng đáp:
- Chúng tôi đã đáp một chuyến phi cơ vô cùng êm ái
Đáng lẽ Kiever phải làm chủ hãng máy bay mới đúng. Người đàn bà nói:
- Tôi sẽ làm cơm trưa, một bữa thật đặc biệt. Tôi sẽ nấu một món hết sức ngon. Các ông muốn ăn món gì?
Ôi trời, Leamas kêu thầm.
Chuông cửa chợt reo vang, người đàn bà đi nhanh vào bếp và Kiever đi ra mở cửa:
Người đàn ông mặc chiếc áo mưa có hàng nút bằng da. Dáng người y cùng cỡ với Leamas nhưng già hơn, Leamas đoán y chừng 55 tuổi. Mặt cứng rắn, sắc xám, có những nét nhăn sâu. Có lẽ trước kia y là một quân nhân. Y chìa một bàn tay có những ngón thon và trau chuốt, tự giới thiệu:
- Tôi tên Peter, các ông vui vẻ chứ?
Kiever đáp nhanh:
- Vâng, hoàn toàn bình an
- Ông Leamas và tôi còn phải thảo luận nhiều. Tôi nghĩ không cần anh ở đây, Sam à. Anh có thể lấy chiếc Volkswagen đi về phố.
Kiever mỉm cười. Leamas có thể thấy rõ vẻ khoan khoái trong nụ cười của ông. Kiever quay sang chàng và nói bằng giọng vui vẻ;
- Chào Leamas, chúc anh bạn may mắn.
Leamas gật đầu, lờ đi như không trông thấy bàn tay của Kiever đang chìa ra.
Kiever cất tiếng chào lại một lần nữa rồi đi ra phía cửa trước.
Leamas theo Peters vào một phòng phía sau. Cửa sổ treo những bức màn dày viền reo, uốn và gấp kỹ lưỡng. Thành cửa có nhiều cây trồng trong các chậu nhỏ - cây xương rồng, cây thuốc là và một loại cây kỳ lạ có lá rộng bản như bằng cao su. Đồ đạc nặng nề, giả làm đồ cổ. Bàn dược phủ bởi một tấm vải màu đỏ gạch trông như một tấm thảm; trên đó, trước mỗi cái ghế có một cái bút và một tập giấy. Trên một cái kệ và whisky và soda. Peters tiến lại và rót rượu cho hai người uống. Leamas bất thần lên tiếng:
- Kể từ giờ phút này, tôi không cần giữ phép lịch sự nữa, anh hiểu không? Mình đã quá biết nhau, cả hai đều là dân chuyên nghiệp. Anh vừa vớ được một điểm chỉ viên vì tiền và tôi xin chúc anh may mắn. Vậy anh đừng giả vờ si mê tôi làm gì cho mất công.
Giọng chàng nghe có vẻ bực tức, không được tự tin. Peter gật đầu, nhận xét một cách thản nhiên:
- Kiever cho tôi hay anh là một người kiêu hãnh
Đoạn y vẫn không mỉm cười, nói tiếp:
- Vả lại, còn có lý do nào khác khiến người ta công kích bọn thương gia?
Leamas đoán y là người Nga, nhưng không chắc.. Y nói tiêng Anh gần như hoàn hảo. Y có vẻ thung dung và những thói quen của một người quen sống trong những tiện nghi của đời sống văn minh.
Họ ngồi vào bàn, Peters hỏi ngay vào đề:
- Kiever đã nói với anh về những gì tôi sẽ trả cho anh chứ?
- Rồi. Mười lăm ngàn Anh kim rút từ một ngân hàng tại Bern
- Phải.
- Anh ta nói, anh có thể hỏi thêm trong vòng một năm sau. Anh sẽ trả thêm năm ngàn nữa nếu còn cần đến tôi.
Peters gật đầu. Leamas tiếp lời:
- Tôi không nhận điều kiện đó. Anh biết và tôi cũng biết như thế không ổn. Tôi muốn lấy mười lăm ngàn và dứt khoát hẳn không còn dính líu gì nữa. Các anh có những biện pháp khắt khe với những nhân viên bội phản thì bên tôi cũng thế. Tôi không định ngồi chết dí tại St.Morizt trong khi các anh phá tan các màng lưới mà tôi đã cho các anh biết. Họ không phải là một lũ ngu, họ sẽ biết phải tìm ai. Nói tóm lại, anh và tôi đều biết họ đang theo dõi chúng ta.
Peters gật đầu:
- Dĩ nhiên anh có thể đến một nơi nào đó an toàn hơn, được không?
- Bên kia Bức Màn Sắt?
- Phải
Leamas chỉ lắc đầu và trở lại vấn đề chính:
- Tôi đoán anh sẽ cần khoảng 3 ngày để phỏng vấn sơ khởi. Rồi anh sẽ trở lại đây với đủ chi tiết
Peters đáp :
- Không cần phải như vậy
Leamas nhìn y nói vẻ thích thú:
- À, tôi hiểu. Họ đã cử đến đây một chuyên viên hay là Mạc tư khoa đang nhúng tay vào vụ này?
Peters im lặng, chỉ nhìn Leamas, cố tìm hiểu ý chàng. Cuối cùng y cầm bút chì trước mặt lên và bảo:
- Chúng ta sẽ bắt đầu với các công tác của anh thời kỳ chiến tranh?
Leamas nhún vai:
- Tuỳ anh
- Được rồi. Ta sẽ bắt đầu với các công tác thời kỳ chiến tranh của anh. Anh bắt đầu đi.
- Tôi gia nhập Công Binh năm 1939. Tôi vừa mãn khoá huấn luyện thì có thông báo mời những người giỏi sinh ngữ ghi tên phục vụ công tác chuyên môn ở ngoại quốc. Tôi biết tiếng Hoà Lan, tiếng Đức, khá giỏi tiếng Pháp và đã chán ngấy đời lính nên tôi liền ghi tên. Tôi biết rõ nước Hoà Lan, cha tôi đã có một đại lý dụng cụ cơ khí ở Leiden; tôi đã ở đó chín năm. Tôi đựơc phỏng vấn theo đúng thủ tục và học tại một trường gần Oxford, nơi họ dạy nghề này cho tôi.
- Ai điều hành trường huấn luyện đó?
- Về sau tôi mới biết. Rồi tôi gặp Steed Asprey và một cựu giáo sư Oxford tên Fielding. Họ cùng điều khiển trường huấn luyện. Năm 1941, họ thả dù tôi xuống Hoà Lan và tôi ở đó 2 năm. Hồi ấy chúng tôi bị mất nhân viên nhiều hơn con số chúng tôi có thể kiếm đựơc - đầy những vụ ám sát đẫm máu, Hoà Lan là một địa ngục đặc biệt cho những chuyện thuộc lọai này – nó không phải là một xứ có địa thế hiểm trở, không một nơi nào có thể dùng đặt bản doanh hay một đài truyền tin. Luôn luôn di động. Luôn luôn chạy trốn. Khiến cho tình hình trở thành một trò chơi dơ bẩn. Tôi dời Hoà Lan năm 1943 và sống vài tháng ở Anh. Rồi tôi đi Nauy – so với chuyến đi trước đây thì đây chỉ là một cuộc du ngoạn. Năm 1945, họ cho tôi về vườn và tôi quay lại Hoà Lan, cố kế nghiệp cha tôi. Công việc không xong nên tôi theo một người bạn cũ lúc đó đang làm cho hãng du lịch ở Bristol. Ở đây được 18 tháng, chúng tôi bị phá sản. Rồi trong lúc ngồi buồn, tôi đựơc Cơ Sở hỏi thăm tôi có muốn làm không. Nhưng tôi đã chán làm lắm rồi, tôi nghĩ vậy, nên tôi đã trả lời tôi sẽ suy nghĩ lại và mướn một ngôi nhà trên đảo Lundy. Tôi sống ở đấy một năm, chỉ biết nhìn cái bụng của mình ngày một phì ra, rồi lại chán ngấy nên tôi viết thư cho bọn họ. Cuối năm 1949, tôi lại có tên trong sổ lương. Dĩ nhiên, công vụ gián đoạn thì tiền thù lao cũng giảm và lại còn bị chê bai đủ điều. Tôi nói có mau lắm không?
Peters vừa rót thêm whisky cho chàng vừa nói:
- Bây giờ thì không. Dĩ nhiên mình sẽ bàn lại những chuyện đó với ngày tháng và danh tính.
Có tiêng gõ cửa và người đàn bà mang bữa ăn trưa vào, một bữa ăn khá thịnh soạn với thịt nguội, bánh mì và súp. Peters gạt tập giấy ghi chú của y sang một bên và họ ngồi trong im lặng. Cuộc thẩm vấn thế là đã bắt đầu.
Bữa ăn được dọn đi, Peters lại hỏi:
- Thế rồi anh quay lại với Cơ Sở?
- Phải. Trong một thời gian, họ cho tôi làm bàn giấy, duyệt các phúc trình, ước tính các lực lượng quân sự của quốc gia bên kia Bức Màn Sắt, theo dõi các đơn vị và các công tác, đại khái như thế.
- Ban nào?
- Vệ tinh Bốn. Tôi làm ở đấy từ tháng 2 năm 1950 đến tháng 5 năm 1951.
- Ai là đồng nghiệp của anh trong thời gian đấy?
- Peter Guiliam, Brian De Grey, George Smiley. Smiley li khai khỏi nhóm năm 1951 và gia nhập ngành Phản Gián. Tháng 5 năm 1951, tôi được cử tới Bá Linh với chức vụ C.D.A - tức Phó Kiểm soát viên khu vực, tức là tất cả các công tác hoạt vụ.
- Anh có những ai dưới quyền?
Peters viết thật nhanh. Leamas đoán y có lối tốc ký riêng.
- Hackett, Sarrow và De Jong. De Jong đã bị chết trong một tai nạn lưu thông năm 1951. Chúng tôi đoán anh ta bị ám sát nhưng không chứng minh được điều này. Tất cả bọn cùng điều hành tổ của họ một cách trôi chảy, và tôi vẫn thường kiểm soát họ. Anh còn muốn biết chi tiết gì không?
- Dĩ nhiên, nhưng sau này đã. Anh cứ nói tiếp tục.
- Cuối năm 1954, chúng tôi bắt được miếng mồi ngon tại Bá Linh. Fritz Feder, nhân vật quan trọng đứng hàng thứ hai trong Bộ Quốc phòng Đông Đức. Cho tới lúc đó tình hình vẫn gay go, nhưng đến tháng 9 năm 1954, chúng tôi vẫn vớ được Fritz. Anh ta chịu đựng được gần hai năm rồi một hôm chúng tôi mất liên lạc hẳn với anh ta. Tôi nghe nói anh ta đã chết trong khám. Rồi năm 1959, Karl Riemick bị lộ tẩy. Karl có chân trong Chủ tịch Đoàn của Đảng Cộng sản Đông Đức. Anh ta là nhân viên giỏi nhất trong số những người tôi đã từng biết.
Peters nhắc:
- Bây giờ y đã chết.
Một cảm giác xấu hổ thoáng qua gương mặt của Leamas. Chàng nói:
- Tôi có mặt tại đó khi anh ta bị bắn. Anh ta có một cô bạn gái đã qua khỏi giới tuyến trước khi anh ta chết. Anh ta đã cho cô bạn này biết hết mọi chuyện – cô ta biết rõ toàn thể màn lưới. Kể ra anh ta bị táng mạng cũng không đáng ngạc nhiên.
- Mình sẽ trở lại chuyện Bá Linh sau. Bây giờ anh hãy cho tôi biết điều này. Khi Karl chết, anh liền bay về Luân Đôn. Anh có Luân Đôn suốt thời gian còn lại trong công vụ hay không?
- Vâng, trong suốt thời gian còn lại.
- Anh giữ việc gì ở Luân Đôn?
- Ban Ngân sách. Coi sóc lương bằng cho các nhân viên, trả tiền tại ngoại quốc cho những mục tiêu mật. Một đứa bé cũng làm được việc đó. Chúng tôi nhận chỉ thị và ký vào giấy tờ. Thỉnh thoảng mới bị nhức đầu về vấn đề an ninh.
- Anh liên lạc thẳng với các địêp viên chứ?
- Làm sao có thể đựơc? Thường trú viên ở mỗi xứ sẽ làm một phiếu thỉnh cầu. Người có trách nhiệm sẽ đóng dấu trên đó và đưa qua cho chúng tôi lo việc trả tiền. Trong đa số các trường hợp chúng tôi chuyển tiền qua ngân hàng ngoại quốc nơi thường trú viên có thể tự ý rút tiền ra trao cho điệp viên.
- Các điệp viên được ghi danh như thế nào? Bằng bí danh?
- Bằng Bí số. Cơ Sở gọi đó là các tổ hợp. Mỗi màn lưới được cấp một số tổ hợp, mỗi điệp viên sẽ mang thêm số tổ hợp trước số hiệu của anh ta. Số tổ hợp của Karl là 8, kế đó là A.1
Leamas toán mồ hôi. Peters ngắm chàng một cách bình thản, đánh giá chàng như một con bạc chuyên nghiệp từ bàn bên kia. Leamas đáng giá bao nhiêu? Cái gì sẽ đánh ngã chàng? Chàng ghét cái gì? Và nhất là chàng biết những gì? Chàng có sẽ dành lá bài tẩy đến phút cuối để bán với một giá thật đắt không? Peters không nghĩ thế. Leamas đã mất bình tĩnh quá rồi, không thể nói loanh quanh được nữa. Chàng là một người đang bối rối với lương tri, một người chỉ có một cuộc đời, một niềm tin và đã phản bội cả hai thứ đó. Peters từng thấy những kẻ tương tự, ngay cả những người đã thay đổi hoàn toàn về ý thức hệ, những người trong bóng đêm âm thầm đã tìm thấy được một niềm tin mời và một mình, bị thúc đẩy bởi niềm tin mãnh liệt tận trong lòng, đã phản bội gia đình, tổ quốc của họ. Ngay cả họ, tâm hồn tràn đầy hăng hái và hy vọng mới cũng phải tranh đấu chống lại vết nhơ của sự phản bội, ngay cả họ cũng đã phải vật lộn với sự đớn đau gần như của thể chất khi nói ra những điều mà họ đã dược huấn luyện để không bao giờ tiết lộ. Cũng như những kẻ Hội giáo sợ không dám đốt Thập tự giá, họ lưỡng lự giữa bản năng và vật chất và Peters, giữa hai thái cực này, phải vừa làm cho họ nản ý vừa diệt lòng kiêu hãnh của họ. Đó là tình trạng mà cả hai bên đều biết, do đó Leamas đã kiên quyết cắt bỏ mối liên hệ nhân tính với Peters, vì lòng kiêu hãnh của chàng không cho phép Peters biểt rằng vì những lý do đó Leamas sẽ nói dối; có lẽ chỉ nói dối bằng cách bỏ bớt, nhưng cũng là nói dối, vì kiêu hãnh, vì thách đố, hoặc chỉ vì tính chất tà dị của nghề nghiệp chàng, và y, Peters sẽ phải khám phá cho bằng đựơc mọi điều dối trá. Y cũng biết rằng chính vì Leamas là một tay chuyên nghiệp, chàng có thể làm cho y bất lợi vì Leamas sẽ lựa chọn kỹ trong lúc Peters không muốn lựa chọn. Leamas sẽ tiên liệu loại tin tức tình báo mà Peters cần – và khi làm thế sẽ có thể bỏ qua một vài mẩu tin tình cờ nhiều khi lại là tin trọng yếu đối với ban lọc tin. Ngoài những điều này, Peters còn phải chịu đựng tính kênh kiệu, bốc đồng của một tên nghiện rượu hư hỏng. Y bảo:
- Bây giờ tôi sẽ đi vào chi tiết và công tác của an ở Bá Linh. Đó là khoảng thời gian từ tháng 5 năm 1951 đến tháng 3 năm 1961. Anh hãy uống một ly nữa đi.
Leamas nhìn y lấy một điếu thuốc từ trên bàn và châm lửa. Chàng nhận được hai điều: Peters thuận tay trái, và một lần nữa y lại để điếu thuốc lên miệng với cái đầu có chữ chìa ra ngoài, để nó cháy trước. Đó là tác phong mà Leamas thích: nó chứng tỏ Peters cũng như chàng, từng trải trong nghề.
Peters có khuôn mặt rất lạ, vô cảm giác và nước da xám. Chắc y đã có nước da này từ lâu lắm – có lẽ trong một nhà tù nào đó vào những ngày đầu Cách Mạng – và lúc này nét mặt y đã biến thành cố hữu mà Peters sẽ giữ mãi cho đến chết. Chỉ có mái tóc cứng hoa râm sẽ bạc đi, nhưng mặt y sẽ không thay đổi. Leamas mơ hồ tự hỏi tên thật của y là gì? Y lập gia đình chưa? Có một cái gì rất chân thực nơi hắn mà Leamas thích. Đó là sự chân thực của sức mạnh, của lòng tin. Nếu Peters nói dối thì nhất định phải có một lý do. Điều dối trá sẽ đựoc tính toán, một điều dối trá cần thiết, khác hẳn với sự xảo trá vụng về của Ashe.
Ashe, Peters, Kiever đó là một sự thăng tiến về phẩm chất, về thẩm quyền và đối với Leamas là thứ bậc phải có một màn lưới điệp báo. Ngoài ra, theo ý chàng, đó cũng là một sự thăng tiến về ý thức hệ. Ashe là một tên đánh mướn, Kiever là kẻ phiêu lưu và bây giờ Kiever là con người mà cứu cánh với phương tiện chỉ là một.
Leamas bắt đầu nói với Bá Linh, Peters ít khi ngắt lời, ít khi hỏi hoặc bình phẩm, nhưng nếu có, y cho thấy một sự hiếu kỳ về nghề nghiệp và sự giám định hoàn toàn hợp với khí chất của Leamas. Leamas còn có vẻ đáp ứng cho sự đòi hỏi chuyên môn của kẻ thẩm vấn chàng. Đó là một điểm tương đồng của hai người.
Họ phải mất một thời gian mới thiết lập lại được một màn lưới đoàng hoàng tại khu vực Đông Bá Linh, Leamas giải thích. Trong những ngày đầu, thành phố đầy những nhân viên hạng thứ; tình báo bị xuống giá và thành một phần đời sống hàng ngày tại Bá Linh đến nỗi mình có thể tuyển một người trong buổi dạ tiệc, giải thích sự tình cho y nghe trong lúc ăn và y sẽ bị thải hồi trong buôi điểm tâm ngày hôm sau. Đối với một tay chuyên nghiệp, đó là một cơn ác mộng. Hàng chục cơ quan, một nửa hàng nhập bởi người của đối phương, hàng ngàn kẽ hở, quá nhiều mối dây, quá ít nguồn gốc, quá ít phạm vi để hoạt động. Họ đã hoạt động mạnh với Ferger năm 1954. Nhưng đến năm 1956, khi mỗi cơ quan tình báo đều kêu gào đòi hỏi tin tức hạng khá, họ lại xẹp xuống. Ferger đã làm họ hư sự với những tin tức và tài liệu hạng xoàng, chỉ hơn tin tức lượm ngoài đường một chút. Họ cần thứ thiệt – và họ phải đợi thời gian hơn ba năm sau mới đạt được.
Rồi một hôm De Jong đi picnic trong rừng ven Đông Bá Linh. Anh ta có bảng số quân đội Anh, anh ta đậu xe, khoá lại trên con đường đá cạnh bờ kênh. Sau buổi picnic, lũ con của anh ta xách giỏ chạy trước. Khi chúng đến gần xe, chúng ngừng lại, ngập ngừng, buông rơi chiếc giỏ và chạy trở lại. Có người đã nạy cửa xe – tay cầm bị bể và cửa mở hé. De Jong chửi thề, chợt nhớ đã để cái máy ảnh trong hộc xe. Anh ta liền xem xét chiếc xe. Tay cầm đã bị gãy. De Jong đoán nó đã bị nạy với một ống thép, thứ đồ mình có thể mang trong tay áo Nhưng máy ảnh vẫn còn, chiếc áo choàng cũng vậy, cho đến mấy cái bao đồ của vợ anh ta cũng còn đủ. Trên ghế của người lái là hộp thuốc lá bằng thiếc và trong hộp thiếc có một ống niken, De Jong biết rõ nó chứa đựng cái gì, đó là một cuốn phim của một máy ảnh tí hon, có lẽ hiệu Minox.
De Jong lái xe về nhà và rửa cuốn phim. Nó chứa các biên bản của buổi họp cuối của Chủ tịch Đoàn Đảng Cộng sản Đông Đức, tức SED. Do một sự tình cờ kỳ lạ, anh ta có thể kiểm chứng lại nguồn tin này; các bức hình đều là thật.
Leamas liền bắt tay lo việc. Chàng rất cần một thứ thành công. Chàng gần như chẳng làm đươợ trò trống gì từ khi đến Bá Linh và chàng đang vượt qua mức tuổi thông thường để giành trọn thời giờ vào công việc hoạt vụ. Đúng một tuần sau, chàng mang chiếc xe của De Jong lại chỗ cũ và đi dạo bộ.
Chỗ mà De Jong đã chọn cho buổi picnic là một khu rừng hiu quạnh, nơi một con kênh đào và vài hầm trú ẩn bị đạn cào xé, những bãi đất đầy cát khô và về phía đông là một rừng thông lưa thưa nằm cách con đường đá chạy dọc bờ kênh chừng hai ba trăm thước. Nhưng chỗ này có cái tốt là yên tĩnh - một điều khó kiếm được ở Bá Linh – và sự kiểm soát không thể thực hiện được, Leamas tản bộ trong rừng. Chàng không tìm cách coi chừng chiếc xe vì không biết người kia có thể tiến lại bằng hướng nào. Nếu y bắt gặp chàng từ trong rừng nhìn ra canh chừng chiếc xe, có thể y mất tin tưởng nơi chàng Chàng không cần phải lo lắng.
Khi chàng quay lại, không có gì trong xe nên chàng tự lái xe quay về Tây Bá Linh và tự trách mình ngu xuẩn. Chủ tịch đoàn phải nửa tháng sau mới họp lại. Ba tuần sau, chàng mượn xe của De Jong và mang theo 1.000 đô la giấy hai mươi trong một cái bao đi picnic. Chàng để xe không khoá trong hai giờ đồng hồ và khi quay lại, có một hộp thuốc lá bằng thiếc trong xe, và cái bao picnic đã không còn.
Phim đầy những tài liệu quý giá. Và trong sáu tuần sau đó, chàng làm thêm hai lần nữa, và chuyện xảy ra y hệt như tuần trước.
Leamas biết mình đã trúng mỏ vàng. Chàng đặt cho nguồn tin may mắn này cái bí danh “Mayfair” và gửi một lá thư bi quan về Luân Đôn. Chàng biết, nên hé cho Luân Đôn nửa câu chuyện là đủ để họ tự nhảy vào điều khiển câu chuyện, điều này chàng làm mọi cách để tránh. Đây có lẽ là hoạt động duy nhất cứu chàng khỏi bị cho về vườn, và cũng chính là loại đủ quan trọng để Luân Đôn muốn nhảy vào tự lo liệu lấy. Dù chàng có giữ họ ở xa ra thì cũng có cái nguy là Cơ sở sẽ đặt giả thiết, đưa đề nghị, khuyên cẩn trọng, hối thúc hành động. Họ sẽ muốn chàng cho toàn giấy bạc mới để mong theo dấu đựơc, sẽ muốn các cuốn phim được gửi về để điều tra thêm, sẽ soạn những kế hoạch theo dõi mật vụ vụng về và cho các Bộ biết. Nhất là họ muốn các Bộ biết, và như thế, theo ý Leamas sẽ hỏng hết việc. Chàng đã làm việc như một tên điên trong ba tuần. Chàng lục lạo các hồ sơ cá nhân của các thành viên trong Chủ tịch đoàn. Chàng lập danh sách những nhân viên văn phòng có thể lấy được biên bản, trừ danh sách phân phối trên trang cuối của bản mô tả, chàng kê tới 31 nhân viên có thể là người cung cấp tin, kể cả thư ký.
Đứng trước công việc gần như không thể thực hiện được là xác nhận một người đưa tin trong số hồ sơ không đầy đủ của 31 ứng viên, Leamas quay lại với tài liệu nguyên thuỷ mà theo chàng là việc đáng lẽ phải làm sớm hơn. Có điều khó nghĩ là trong các phóng ảnh biên bản đã nhận được, không có cái nào được đánh số trang, không có cái nào được đóng dấu mật, và trong bản thứ hai và thứ tư có chữ bị gạch đỏ bằng bút chì hoặc bút màu. Cuối cùng chàng đi tới một quyết định quan trọng: các phóng ảnh không phải được sao lại từ chính các biên bản cuộc họp mà từ các bản thảo của biên bản. Điều này cho thấy giả thuyết tin tức xuất phát từ các thư ký, thành một giả thuýêt không vững.. Các bản thảo biên bản đã được chụp lại một cách cẩn thận, khéo léo. Điều này cho thấy người chụp rất có thể đã có thì giờ và một phòng riêng.
Leamax xem lại bản danh sách các nhân viên. Có một người tên Karl Riemeck trong Bí thư đoàn, trước là một trung sĩ quân y, ba năm làm tù binh chiến tranh của Anh. Em gái của y đang sống ở Poremania khi quân Nga tràn tới, và y từ đó không nghe tin tức gì về cô ta nữa. Y đã kết hôn và có một đứa con gái lên là Carla.
Leamas quyết định liều một phen. Chàng nhờ Luân Đôn tìm được số tù của Riemeck là 29012, và ngày phóng thích là 10-12-1945. Chàng mua một cuốn sách khoa học giả tưởng loại dành cho trẻ em ở Đông Đức và viết lên mặt trong của tờ bìa mấy câu bằng tiếng Đức có tuồng chữ của một thiếu niên: “Quyển sách này là của Carla Riemeck, sinh ngày 10-12-1945 ở Bideford, Bắc Devon. Ký tên: Moonspacewoman 29012. Và dưới đó chàng ghi thêm: Các ứng viên muốn dự chuyến bay không gian phải đích thân đến trình diện với C.Riemeck để nhận chỉ thị. Mẫu đơn đính kèm. Cộng hoà nhân dân không gian dân chủ muôn năm”.
Người từ miền đất lạnh
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 8 (2)
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26 ( Hết)