Chương 6
Tác giả: Jonathan Kellerman
Phòng chờ của bệnh viện đang rất nóng rực bởi sự bất nhẫn và số đông con người. Rất nhiều bà mẹ đột nhiên rạng rỡ hy vọng khi nhìn thấ Stephanie lúc cô đưa tôi ra ngoài. Cô cười và nói:
- Tôi sẽ trở lại ngay thôi.
Rồi tiếp tục đưa tôi ra tới ngoài hành lang.
Một nhóm bác sĩ mặc áo choàng trắng và một người mặc bộ com lê vải flannel xám đang đi ra ngoài. Người mặc áo trắng dẫn đầu trông thấy chúng tôi liền gọi:
- Bác sĩ Eves!
Stephanie nhăn mặt:
- Tuyệt thật!
Cô dừng lại. Ba người đàn ông tiến sát đến. Hai người mặc áo choàng trắng đều ở độ tuổi năm mươi và có vẻ mặt béo tốt, râu nhẵn nhụi như những bác sĩ trực lâu năm.
Người đàn ông mặc com lê dáng doanh nhân thì trẻ hơn, khoảng ba tư, ba lăm tuổi và vạm vỡ. Anh ta cao chừng 1mét 8, nặng khoảng 100 cân, vai tròn và rộng, có vồng mỡ và cái đầu hình trụ rất to. Anh ta có bộ tóc màu nước rửa bát và khuôn mặt dịu dàng ngoại trừ chiếc mũi hình như đã bị vỡ hay bị lắp ghép không hoàn chỉnh. Bộ ria mỏng manh không làm cho khuôn mặt chó chút chiều sâu nào. Anh ta giống một tay chơi trò chơi kinh doanh. Anh ta đứng ở phía sau những người khác, quá xa nên tôi không đọc được tấm thẻ của anh ta.
Người bác sĩ dẫn đầu đoàn có thân hình đầy đặn và cao lớn. Ông ta có đôi môi mỏng tang và bộ tóc xoăn đang hói dần, màu tóc đã trắng xoá để dài. Chiếc cằm to chìa ra làm cho mặt ông ta có vẻ đang chuyển động về phía trước. Đôi mắt ông nhanh nhẹn và có màu nâu, cô da hồng hào và lấp lánh như thể vừa mới từ bồn tắm hơi chui ra. Hai vị bác sĩ hai bên ông có tầm vóc trung bình, tóc đã điểm bạc và đeo kính. Của một người là tóc dả.
Ông bác sĩ cằm chìa nói:
- Thế giới thật là tròn.
Đoạn ông ta quay sang tôi và nhíu mày liền mấy cái.
Stephanie giới thiệu:
- Đây là bác sĩ Delaware, thành viên đội chúng ta.
Ông ta vội chìa bàn tay ra:
- Rất hân hạnh được gặp anh. Tôi là George Plumb.
- Rất vui được gặp ông, bác sĩ Plumb.
Một cái bắt tay rất chặt.
- Delaware này - Ông nói - Anh ở khoa nào nhỉ, thưa bác sĩ?
- Tôi là bác sĩ tâm lý.
- A, thế à.
Hai người đàn ông tóc điểm bạc nhìn tôi nhưng không nói năng hay cử động gì. Người đàn ông mặc com lê dường như đang đếm những cái lỗ trên trần nhà cách âm.
- Bác sĩ Delaware cộng tác với khoa Nhi của chúng tôi - Stephanie giải thích - Vai trò của ông ấy là tư vấn viên trường hợp của Cassie Jones - giúp gia đình giảm bớt những căng thẳng.
Plumb đảo mắt nhìn Stephanie:
- A, vậy là rất tốt.
Ông ta chạm nhẹ vào cánh tay Stephanie. Cô ấy để yên một vài giây rồi rụt tay lại.
Ông ta lại cười.
- Tôi và cô cần phải hội ý một chút, Stephanie ạ. Tôi sẽ bảo thư ký của tôi gọi điện cho thư ký của cô để thu xếp.
- Tôi không có thư ký nào hết, thưa ông George. Cả năm người chúng tôi có chung một bà thư ký.
Hai người có mái tóc hoa râm cùng nhìn Stephanie như thể cô đang lơ lửng trong một cái lọ. Người mặc com lê thì đang nhìn đi đâu đó.
Plumb vẫn không ngớt cười.
- Đúng rồi, đó chỉ là thuật ngữ thôi mà. Được rồi, để cô thư ký của tôi gọi bà thư ký của cô vậy. Hãy giữ gìn sức khoẻ nhé, Stephanie.
Ông ta dẫn đoàn người đi chỗ khác, dừng lại cách đó vài mét ở cuối hành lang, rồi họ cùng nhìn lên, nhìn xuống bức tường như đang đo đạc nó.
- Này chàng trai, anh sẽ tháo gỡ những cái gì đây? - Stephanie thì thầm.
Plumb tiếp tục bước đi cho đến khi nhóm người biến mất ở chỗ ngoặt.
Tôi hỏi:
- Chuyện này là thế nào?
- Là chuyện về tiến sĩ Plumb ấy à? Ông ấy là giám đốc mới của chúng tôi, tay chân đắc lực của cha Chip đấy - một người có vai vế.
- Giám đốc đồng thời là bác sĩ à?
Stephanie cười:
- Cái gì, anh định nói ông ta mặc áo choàng trắng á? Không đâu, ông ấy không phải là bác sĩ, chỉ là kẻ có bằng tiến sĩ ngu xuẩn nào đó thôi... - Đang nói cô dừng ngay lại mặt bừng đỏ - Ôi, tôi xin lỗi.
Tôi bật cười:
- Đừng có khách sáo thế, Stephanie.
- Tôi thực sự xin lỗi anh mà, anh Alex. Anh biết tôi nghĩ về chuyên gia tâm lý các anh thế nào rồi đấy...
- Thôi hãy quên chuyện này đi - Tôi đặt tay lên vai cô - Cô liền luồn hai cánh tay mình quanh eo tôi.
- Tôi sắp mất trí rồi - Cô khẽ nói - Từng phần con người tôi đang tan ra đấy.
- Ông Plumb có bằng cấp về chuyên môn gì?
- Kinh doanh hay quản trị gì đó. Ông ta đã lợi dụng triệt để tấm bằng tiến sỹ của mình - yêu cầu được gọi là Đốc tờ (1), mặc áo choàng trắng. Tay chân của ông ta hầu hết đều là các tiến sỹ - như Firck và Frack, Roberts và Novak và rất nhiều người khác nữa. Bọn họ đều thích la cà trong các nhà ăn của các bác sĩ và ngồi chung bàn. Họ túm tụm lại dù chẳng có lý do gì tham dự, rồi lượn lờ, nhòm ngó, đo đạc và ghi chép. Giống như cách mà Plumb đã dừng lại đo đạc bức tường ấy. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sắp tới có thêm vài người thợ môc tới đây làm việc. Họ chia ba phòng thành sáu, biến không gian khám chữa bệnh thành văn phòng hành chính. Và nay ông ta muốn bàn bạc với tôi - chắc chắn sẽ có chuyện xảy ra đấy.
- Cô có thấy bị tổn thương không?
- Ai mà không chứ, nhưng khoa Nhi tổng hợp này lại dễ bị tổn thương nhất. Chúng tôi không có những công nghệ đặc biệt hay những anh hùng để tạo nên những tít lớn trên mặt báo. Phần lớn những gì chúng tôi làm là điều trị cho bệnh nhân ngoại trú, vì thế ngân sách chúng tôi được phân bổ luôn ở bậc thấp nhất trong bệnh viện. Nhất là kể từ khi khoa Tâm lý bị giải tán - Cô cười.
- Ngay cả các thiết bị công nghệ dường như cũng không tránh được chuyện này đâu - Tôi nói - Sáng nay, khi tìm kiếm thang máy, tôi đã đi ngang qua phòng điều trị bằng phóng xạ trước kia nay bị biến thành cái gọi là dịch vụ cộng đồng
- Đó là một cải cách khác của Plumb. Nhưng đừng lo về những bác sĩ điều trị phóng xạ làm gì - họ vẫn ổn. Họ được chuyển lên tầng ba, tầng bốn gì đó, cũng được một diện tích tương đương, có điều bệnh nhân hơi khó tìm được họ một chút thôi. Nhưng một vài phân khoa khác thì gặp rắc rối thực sự - phân khoa Thận, Khớp và các đồng nghiệp khoa Ung thư của anh nữa. Họ bị nhét vào những cái nhà di động ở đâu đó dưới đường kia kìa.
- Nhà di động ư?
- Thì giống như ở Winnebago ấy.
- Đây là những khoa quan trọng, Stephanie ạ. Vậy tại sao họ lại chịu thế chứ?
- Họ làm gì có sự lựa chọn nào, anh Alex ạ. Họ tự ký cam kết ở đó đấy chứ. Theo quy định họ sẽ ở tại toà nhà tháp Lutheran cũ ở Hollywood - Bệnh viện Nhi đồng miền Tây đã mua toà tháp đó hai năm trước, sau khi những người Lutheran quyết định bán nó vì vấn đề ngân sách. Ban quản trị đã cam kết sẽ xây những dãy phòng mới khang trang hơn cho những ai chuyển ra sống tại các nhà di động ấy. Rồi sau đó ban quản trị - mà đúng ra là ông Plumb - mới phát hiện ra rằng cho dù tiền quyên góp đã đủ để mua toà tháp và tu sửa lại những vẫn thiếu tiền phân bổ cho các công việc khác và bảo dưỡng toà tháp đó. Đó chỉ là chuyện thiếu khoảng 13 triệu đôla, vụn vặt thôi. Họ tiếp tục cố tìm cách quyên cho được số tiền đó trong hoàn cảnh hiện nay - lúc này các Mạnh Thường Quân hầu như rất hiếm bởi vì chúng tôi đã có tiếng là một bệnh viện hay làm từ thiện rồi và chẳng còn ai muốn tên của mình được ghi trên các văn phòng của bác sĩ nữa cả.
- Thuê các nhà di động à - Tôi nói - Vậy thì Melendez - Lynch quá sung sướng rồi.
- Năm ngoái, Menlendez-Lynch đã xin từ biệt nơi đây rồi.
- Cô nói đùa đấy phải không? Trước Raoul sống ở đây mà.
- Không sống đây nữa đâu. Giờ tới Miami rồi. Có một bệnh viện ở đó mời ông ta về làm trưởng phòng nhân sự nên ông ta đã nhận lời. Tôi nghe người ta kháo nhau rằng ông ấy kiếm được mức lương bằng ba lần ở đây mà lại bớt đi được một nửa những thứ gây nhức óc.
- Thời gian trôi đi nhanh quá - Tôi nói - Raoul vẫn luôn có những học bổng nghiên cứu. Sao họ lại để anh ta đi?
- Với những người này thì nghiên cứu chẳng có tí mẽo nào cả, anh Alex ạ. Họ không muốn trả thêm chi phí. Đó đúng là một trò chơi hoàn toàn mới - Stephanie rời tay khỏi eo tôi. Chúng tôi bắt đầu bước đi.
- Thế còn những người khác là ai? - Tôi hỏi - cái gã mặc com lê xám ấy.
- Ô, gã ta ấy à - Vẻ mặt cô hơi bực dọc - Đó là Presley Huenengarth - Gã làm trưởng Ban an ninh ở đây đấy.
- Đúng là gã ta có cái vẻ của một người thực thi pháp luật - Tôi nói - Những ai không chịu thanh toán hoá đơn chắc sẽ được ăn nhừ đón đấy nhỉ.
Stephanie cười:
- Không đến nỗi kinh khủng thế đâu. Nợ không trả được của bệnh viện hiện nay là 80%. Gã ta chẳng làm được gì nhiều nhặn ngoài việc lúc nào cũng bám theo Plumb và ẩn nấp đâu đó. Một số nhân viên bệnh viện nghĩ rằng gã ta đang rình mò theo dõi.
- Tại sao họ lại nghĩ thế?
Cô không đáp. Một lát sau mới nói:
- Tôi nghĩ đó là do thái độ của gã thôi.
- Thế cô đã có những kinh nghiệm tồi tệ nào với gã đó chưa?
- Tôi ư? Không. Mà tại sao chứ?
- Thấy cô hơi bất an khi nói chuyện về gã đó nên tôi hỏi vậy thôi.
- Không - Stephanie đáp - Chẳng có chuyện gì cá nhân giữa tôi và gã đó cả. Chẳng qua tôi không ưa cách gã đối xử với những người khác. Gã luôn lù lù hiện ra khi không ai mong đợi gã cả. Gã thường xuất hiện đâu đó ở các góc nhà, xó xỉnh. Có thể anh vừa ra khỏi phòng bệnh nhân là đã thấy gã lởn vởn ở đâu đó rồi ấy chứ.
- Nghe có vẻ hấp dẫn đấy.
- Rất hấp dẫn là khác. Nhưng một cô gái thì biết làm gì? Gọi Ban an ninh à?
*
Tôi đi cầu thang xuống tầng một một mình, thấy cửa phòng An ninh mở, chịu để cho nhân viên an ninh thẩm vấn 5 phút và cuối cùng cũng được cấp một cái thẻ mới có ảnh màu hẳn hoi.
Tấm ảnh màu trông chẳng khác gì ảnh chụp khuôn mặt của một kẻ tội phạm. Tôi kẹp cái thẻ vào ve áo và đi cầu thang bộ xuống tầng hầm, tới thư viện bệnh viện, sẵn sàng kiểm tra những tài liệu tham khảo Stephanie cung cấp cho tôi.
Cánh cửa thư viện đã bị khoá. Một bản ghi nhớ không có ngày tháng được dán vào cánh cửa nói rằng giờ mở cửa mới của thư viện là 3 giờ tới 5 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Tư.
Tôi tới xem phòng đọc cạnh đó, mở cửa nhưng không có ai ngồi trong. Tôi bước vào một thế giới hoàn toàn khác: những tấm pa-nô đầy dầu mỡ, tràng kỷ và ghế bọc da dính đầy bụi bặm, thảm Iran còn tốt nhưng đã bị sờn được trải trên sàn gỗ sồi xếp hình chữ chi được đánh bóng như giày da.
Hollywood dường như thật xa vời.
Trước kia đây là nhà của một bà chủ đất vùng Cotswolds (Anh), toàn bộ ngôi nhà được quyên góp cho bệnh viện từ rất lâu - trước khi tôi tới đây làm bác sĩ thực tập - được chuyển qua Đại Tây Dương và xây dựng lại theo chỉ dẫn tài chính của một Mạnh Thường Quân người thân Anh. Người này nghĩ rằng các bác sĩ cần phải có một chỗ giải trí hạng sang. Vị Mạnh Thường Quân này chưa từng có một giờ nào sống cùng các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi miền Tây..
Tôi sải bước ngang qua phòng đọc và thử mở cánh cửa nối với thư viện. Cánh cửa mở.
Căn phòng không có cửa sổ tối như hũ nút nên tôi bật đèn lên. Hầu như tất cả các giá sách đều trống rỗng; một vài cái còn chứa mấy chồng báo mỏng xếp lộn xộn. Mấy đống sách vứt lung tung trên sàn. Bức tường phía sau hoàn toàn trống trơn.
Cái máy tính trước kia tôi vẫn sử dụng để tìm kiếm thông tin về y học nay không thấy đâu. Cả hộp catalog bằng gỗ sồi vàng có những tấm thẻ tìm kiếm viết tay cũng thế. Đồ đạc duy nhất là cái bàn bằng sắt màu xám. Trên mặt bàn dán một mẩu giấy. Đó là bản ghi nhớ liên bệnh viện, có đề ba tháng trước.
Gửi tới: Đội ngũ chuyên môn.
Nơi gửi: G.H.Plumb, Thạc sỹ quản trị kinh doanh, Tiến sỹ quản trị kinh doanh, Giám đốc điều hành.
Vấn đề: Cấu trúc lại bệnh viện.
Theo đề nghị của đội ngũ chuyên môn và quyết định của Uỷ ban nghiên cứu, Ban giám đốc bệnh viện và Tiểu ban tài chính của Ban giám đốc, danh mục tra cứu thư viện y học sẽ được chuyển sang hệ thống máy tính hoá đầy đủ sử dụng chương trình tìm kiếm dữ liệu thư viện tiêu chuẩn Orion và Melvyl. Hợp đồng chuyển đổi đã được đưa ra mời thầu, sau khi xem xét và tính toán giá cả, chi phí cẩn thận đã quyết định trao cho công ty BIO-DAT tại Pittsburgh, b ang Pennsylvania, một công ty chuyên về các hệ thống tìm kiếm khoa học và y học. Lãnh đạo BIO-DAT đã thông báo cho chúng tôi rằng toàn bộ quá trình thay thế sẽ được hoàn tất trong khoảng ba tuần khi họ đã có đủ tất cả các dữ liệu cần thiết. Theo đó, các thẻ hồ sơ hiện nay của thư viện sẽ được chuyển tới trụ sở BIO-DAT ở Pittsburgh trong thời gian chuyển đổi, và trở về Los Angeles vì mục đích lưu trữ và hoạt động lưu trữ sau khi việc chuyển đổi đã kết thúc. Rất cần sự hợp tác và giúp đỡ của mọi người trong thời gian chuyển đổi.
Ba tuần đã bị kéo dài ra thành ba tháng.
Tôi lướt tới ngón tay dọc theo mặt bàn sắt. Một lớp bụi đen kịt bám vào ngón tay.
Tắt đèn, tôi rời khỏi căn phòng.
Đại lộ Hoàng Hôn là sự hoà trộn của đam mê và bẩn thỉu, những tia hy vọng của dân nhập cư và những tội trọng dễ dàng diễn ra.
Tôi lái xe qua các câu lạc bộ "thịt người", những ổ nhạc mới, những bảng quảng cáo khổng lồ, và cửa hàng quần áo dành cho dân "biếng ăn" trên đường Strip, đi qua Doheny và tới vùng đất Beverly Hills hái ra tiền. Qua đoạn đường rẽ, tôi lái thẳng tới một nơi thường diễn ra những nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Nơi Chip Jones đã tiến hành công trình nghiên cứu của anh ta.
Thư viện Y - Sinh tràn ngập những con người ham tìm hiểu và bị ép buộc phải nghiên cứu. Ngồi cạnh một trong những máy tính là một người mà tôi nhận ra.
Khuôn mặt bụi đời, đôi mắt sôi nổi, hai hoa tai lủng lẳng bên má và tai trái còn có thêm một chuyến khuyên. Mái tóc nâu để dài ngang vai. Một đường cổ áo màu trắng hiện ra bên ngoài chiếc cổ áo tròn màu xanh dương.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy nàng là khi nào nhỉ? À, ba năm trước. Vậy là nàng đã hai mươi tuổi.
Tôi tự hỏi nàng đã có bằng tiến sỹ hay chưa?
Nàng đang gõ vào bàn phím rất nhanh, dữ liệu bay vù vù lên màn hình máy tính. Tới gần, tôi thấy rằng đó là một bài viết bằng tiếng Đức. Chữ neuropeptide liên tục được đánh vào.
- Chào Jennifer.
Nàng quay người lại.
- Ôi, anh Alex.
Nàng cười thật tươi rồi đặt nụ hôn lên má tôi và rời khỏi ghế.
- Đã trở thành tiến sỹ Leavitt chưa đấy? - Tôi hỏi.
- Đến tháng Sáu này ạ - Nàng đáp - Em đang làm cho xong luận án.
- Xin chúc mừng em. Chuyên môn em nghiên cứu là giải phẫu thần kinh à?
- Hoá học thần kinh ạ - thực dụng hơn, phải vậy không?
- Em vẫn có dự định vào học tại trường y đấy chứ?
- Vào mùa thu sang năm. Em tới Stanford học.
- Khoa tâm thần chứ?
- Em cũng không biết nữa - Nàng đáp - Có thể là gì đó... thực tế hơn. Em không có ý đả kích anh đâu. Em vẫn chưa vội và muốn xem có gì hấp dẫn em đã.
- Đúng rồi, chẳng việc gì phải vội cả - mà, năm nay em mười hai tuổi rồi nhỉ?
- Hai mươi chứ. Em sẽ tròn hai mốt vào tháng sau đấy.
- Tiến sỹ trẻ quá đấy.
- Thế khi anh lấy bằng tiến sỹ, anh không trẻ chắc?
- Nhưng không trẻ như em. Khi đó tôi đã có râu dài rồi.
Nàng lại cười.
- Gặp anh ở đây vui quá. Anh có nghe tin tức gì về Jamey không?
- Tôi nhận được một tấm bưu thiếp nhân ngày Giáng sinh. Cậu ta gửi từ New Hampshire. Ở đó, cậu ta đã thuê một nông trại. Chắc là để làm thơ đấy.
- Anh ấy... vẫn ổn đấy chứ ạ?
- Tất nhiên là ổn hơn trước. Trên tấm bưu thiếp không có địa chỉ hồi âm và cũng không có tên cậu ta trên danh bạ điện thoại. Tôi đã gọi điện cho bác sĩ tâm thần điều trị cho cậu ta ở Carmel và được bà ấy cho biết Jamey uống thuốc men rất đều đặn. Tất nhiên, đã có ai đó chăm sóc cho cậu ta rồi. Nghe nói, một trong những y tá đã tới đó cùng Jamey.
- Thế thì tốt rồi - Nàng nói - Thật khổ cho anh ấy. Có biết bao điều may rủi đã xảy ra với anh ấy.
- Em nói đúng lắm. Em có liên lạc với ai khác trong nhóm không?
Nhóm đó là những người trong dự án 160, gọi theo chỉ số IQ của bọn họ. Đó là một chương trình giáo dục tăng tốc cho những thần đồng, một thí nghiệm lớn; một trong những thành viên của nhóm đã bị buộc tội là kẻ giết người hàng loạt. Tôi đã có dịp được tham gia vào quá trình điều tra, tận mắt chứng kiến sự hận thù và mục nát...
- ... tại khoa luật của Havard và làm việc cho một quan toà, Felicia học về toán tại Columbia còn David đã bỏ khoa đại học Chicago sau một kỳ học ở đó và trở thành người buôn bán cổ phiếu và làm việc trong các sòng bạc. Anh ta luôn là một gã sống ở thập kỷ 80. Dù sao, dự án đó cũng không còn tồn tại - tiến sỹ Flowers không tái cấp học bổng nữa.
- Vì vấn đề sức khoẻ à?
- Đó là một phần của câu chuyện. Chuyện báo chí viết về Jamey càng làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn. Bà ấy đã chuyển tới Hawaii. Em nghĩ bà ấy muốn giảm bớt các căng thẳng - chỉ vì anh thạc sỹ khoa học ấy thôi.
Đây là lần thứ hai trong ngày tôi chạm vào quá khứ, và chợt nhận ra còn nhiều đầu mối vẫn bỏ ngỏ.
- Thế điều gì đã đưa anh tới nơi này - Nàng hỏi.
- Tìm vài tư liệu cho một vụ án ấy mà.
- Có gì thú vị không?
- Có cái gọi là hội chứng Munchausen thế thân. Em có biết nhiều về hội chứng này không?
- Em đã nghe nói về hội chứng Munchausen - người bệnh thường tự hành hạ bản thân mình để giả bệnh, phải vậy không? Nhưng còn thế thân là gì thế?
- Bệnh nhân giả bệnh ở con cái họ.
- Ôi, thế thì thật kinh khủng. Thường là những bệnh gì ạ?
- Hầu như bất cứ loại bệnh tật gì có thể. Biểu hiện thường thấy nhất là rối loạn hô hấp, rối loạn máu, sốt, nhiễm khuẩn, giả co giật.
- Thế thân à? - Nàng thốt lên - Từ đó nghe thật đáng sợ quá, tính toán quá giống như một kiểu hợp đồng kinh doanh ấy. Thật ra anh đang phải làm việc với một gia đình như thế đúng không?
- Tôi cần đánh giá một gia đình để xem chuyện gì đang xảy ra. Hiện vẫn trong giai đoạn chẩn đoán khác nhau. Tôi đang có một vài thông tin sơ bộ nên nghĩ rằng tôi cần phải tới đây để xem qua những ghi chép về căn bệnh này.
Nàng cười:
- Anh vẫn dùng phiếu tra cứu hay đã dùng máy tính rồi?
- Máy tính chứ. Nhưng nếu màn hình hiện thị bằng tiếng Anh tôi mới dùng được.
- Trước anh có tài khoản SAP không?
- Không. Đó là cái gì thế?
- Là Search and Print (tìm kiếm và in dữ liệu) ấy mà. Đó là một hệ thống mới. Các bài báo được nhập vào tệp - những bài đầy đủ thì quét và nhập vào máy. Anh có thể gọi toàn bộ bài viết và in ra. Chỉ có những người trong khoa mới được dùng. Nhưng nếu anh sẵn sàng bỏ tiền trả phí dịch vụ thì cũng được. Ông chủ tịch của em giao cho em chức giảng viên tạm thời và một tài khoản riêng. Ông ấy muốn em đăng tải kết quả nghiên cứu của mình và đề tên ông trên đó. Nhưng thật không may, các báo nước ngoài lại không được nhập vào hệ thống này, vì vậy em phải tìm những tư liệu đó theo cách cổ điển.
Nàng chỉ tay vào màn hình.
- Ngôn ngữ của thầy em đấy. Anh có thích những từ có tới 60 chữ cái và umlaut (2) này không? Ngữ pháp mới điên khùng chứ, nhưng mẹ em giúp em những đoạn khó.
Tôi nhớ về người mẹ của nàng. Một phụ nữ to lớn và dễ thương, thơm ngát như đường và bột. Trên cánh tay của bà có những con số màu xanh.
- Anh hãy xin một tấm thẻ SAP - Nàng nói - Đó là bước đầu tiên đấy.
- Không biết liệu tôi có đủ điều kiện o vì chức vụ của tôi được bổ nhiệm ở nơi khác.
- Em nghĩ anh có thể đấy. Anh chỉ cần trình thẻ chuyên môn và trả một khoản lệ phí. Thời gian làm thẻ SAP sẽ mất khoảng một tuần.
- Thế thì tôi sẽ làm sau vậy vì tôi không thể đợi lâu như thế trong chuyện này.
- Không à. Thế thì thế này vậy. Em vẫn còn rất nhiều thời gian còn dư lại trên tài khoản. Ông chủ tịch muốn em sử dụng hết để ông ấy còn xin kinh phí máy tính lớn hơn vào năm sau. Nếu anh muốn em tìm giúp thì hãy đợi em tìm xong cái này đã rồi em sẽ kiếm tất cả những kiến thức về bệnh nhân Munchausen thế thân cho anh.
Chúng tôi cùng đi thang máy tới phòng SAP ở đỉnh khu nhà tầng. Hệ thống tìm kiếm không khác gì chỗ chúng tôi vừa mới rời đi: máy tính đều được sắp xếp thành hàng trong những phòng nhỏ được ngăn cách. Chúng tôi thấy một chiếc đang còn trống, Jennifer liền tới đó tìm những tài liệu tham khảo nói về bệnh Munchausen thế thân. Màn hình nhanh chóng hiện lên đầy những chữ. Danh sách bao gồm tất cả những bài viết mà Stephanie đã trao cho tôi, và còn nhiều hơn nữa.
- Có vẻ như vụ mới nhất được tìm thấy là năm 1977 - Nàng nói - Lancet. Meadow.R. "Hội chứng thế thân: vùng đất lạm dụng trẻ em".
- Đó là một bài viết rất quan trọng đấy - Tôi nói - Meadow là bác sĩ nhi khoa người Anh. Ông đã phát hiện ra hội chứng này và đặt tên cho nó như vậy.
- Vùng đất à... Ngay cái tiêu đề nghe đã thấy ghê rồi. Và còn có danh sách các chủ đề liên quan được bàn đến nữa này: nào là hội chứng Munchausen, lạm dụng trẻ em, quan hệ tình dục với trẻ em, các phản ứng đặc trưng.
- Hãy xem các phản ứng đặc trưng trước đã.
Chúng tôi dành một giờ sau đó để sàng lọc qua hàng trăm trang tài liệu tham khảo, cuối cùng đã cô đọng lại được hơn một chục bài báo dường như có giá trị. Khi chúng tôi đã xong việc, Jennifer lưu file (tập tin) lại và đánh vào đó một mã số.
- Chúng ta in luôn đấy - Nàng nói.
Máy in được đặt ở phía sau những tấm panô màu xanh xếp dọc theo tường của căn phòng cạnh đó. Mỗi chiếc đều có một màn hình nhỏ, khe nhận thẻ, bàn phím và khay đỡ giấy phía dưới khe ngang rộng hơn 30 centimét khiến tôi nhớ tới cái mồm của George Plumb. Hai trong số máy in ở đó không còn sử dụng được. Một cái được đánh dấu là "đã bị hỏng".
Jennifer khởi đọng máy in bằng cách đưa tấm thẻ nhựa vào khe nhận thẻ, rồi đánh vào đó một mã số bí mật, tiếp theo là các chữ cái thứ tự của những bài báo chúng tôi đã tìm được. Vài giây sau, khay đựng đã chứa đầy các bản in.
Jennifer nói:
- Tự động xếp theo thứ tự đấy. Anh thấy hay không, hả?
Tôi đáp:
- Melvyl và Orion - đó là những chương trình cơ sở, phải không?
- Nguyên thuỷ ấy chứ. Chỉ là một bước tiến nhỏ so với sử dụng thẻ chỉ dẫn.
- Nếu một bệnh viện muốn chuyển đổi sang cách tìm kiếm bằng máy tính và có ít tiền thì liệu có làm hơn thế này không?
- Tất nhiên rồi Có thể hơn nhiều ấy chứ. Hiện đã có hàng ngàn các chương trình phần mềm mới. Ngay cả một người làm công tác văn phòng cũng có thể làm được nhiều hơn thế ấy chứ.
- Thế em có nghe thấy ai nói tới công ty nào có BIO-DAT không?
- Không. Nhưng điều đó có nghĩa gì chứ. Em đâu phải là chuyên gia máy tính. Với em,máy tính chỉ là một công cụ. Mà tại sao vậy? Công ty đó làm gì?
- Họ đang tiến hành tin học hoá thư viện của Bệnh viện Nhi miền Tây, chuyển đổi toàn bộ thẻ chỉ dẫn sang hệ thống Melvyl và Orion. Công việc đó lẽ ra chỉ cần ba tuần là hoàn thành nhưng họ đã kéo dài tới ba tháng rồi.
- Thư viện đó lớn lắm à?
- Không, rất nhỏ là đằng khác ấy chứ.
- Nếu tất cả những gì họ đang làm là mày mò và tìm kiếm thì với một cái máy quét - in, họ có thể làm trong vòng vài ba ngày là xong.
- Thế nếu họ không có máy quét thì sao?
- Thế thì đúng là họ đang ở thời kỳ đồ đá rồi, nghĩa là họ lại dùng tay để nhập dữ liệu. Nhưng nếu là anh thì anh có thuê một công ty có cách làm việc nguyên thuỷ như thế làm việc không khi mà - À, thế đấy.
Khay giấy đã đầy chặt.
- Rất nhanh, chẳng phải mất tí công sức nào cả - Nàng nói - Có lẽ một ngày nào đó họ sẽ còn lập trình luôn cả việc đóng ghim ấy chứ.
Tôi cảm ơn nàng, nói một lời chúc tốt đẹp và lái xe về nhà cùng với đống tài liệu vừa kiếm được để ở ghế hành khách. Sau khi liên lạc với người phục vụ, kiểm tra thư từ, tôi cho cá ăn - mấy con cá chép màu vừa vượt qua thời kỳ mới sinh nay đang lớn mạnh. Tôi ăn nhanh nửa chiếc bánh sandwich nướng kẹp thịt bò còn lại từ bữa tối hôm trước, uống một lon bia và bắt đầu làm viêệ.
Những người thế thân bằng chính con cái họ...
Ba tiếng đồng hồ sau, tôi cảm thấy bất lực. Ngay cả những bài viết khô khốc của các tạp chí y khoa cũng không làm mờ đi được sự thật khủng khiếp.
Thật là một vũ điệu quỷ...
Trong những trường hợp này, nạn nhân thường bị đầu độc bằng muối, đường, rượu, thuốc lá, chất kích thích, thuốc ho, thuốc xổ, thuốc gây buồn nôn, thậm chí là cả phân và nước giải cũng được sử dụng để tạo ra những đứa trẻ "bị vi trùng tấn công".
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mới biết đi thường phải chịu rất nhiều kiểu tra tấn khiến người ta nghĩ tới cả những thí nghiệm của phát xít. Đã có rất nhiều ca bệnh giả rất đáng sợ của trẻ em được tạo ra - gần như tất cả các bệnh đều là ngụy tạo. Bị cáo thường là các bà mẹ, còn nạn nhân thường là các bé gái. Nhìn chung hầu hết các trường hợp phạm tội là các bà mẹ làm người mẫu, rất hấp dẫn và có cá tính, từng biết về nghề y hay lĩnh vực sơ cứu. Ngoài ra, họ thường bình tĩnh một cách lạ thường sau khi sự việc xảy ra - có thể là họ cố thể hiện bề ngoài bình tĩnh nhằm chống chọi hiệu quả với nỗi đau bên trong. Một chuyên gia đã cánh báo với bác sĩ là hãy cảnh giác với những bà mẹ "quá chăm chút" tới con cái.
Những biểu hiện ấy khó nói là gì.
Tôi nhớ lúc Cassie thức giấc, nước mắt của Cindy Jones đã khô. Rồi sau đó cô ta đã dỗ dành, ôm ấp, kể chuyện và cho nó bú.
Đấy là cách chăm sóc con thật tốt, nhưng ẩn chứa trong đấy có gì xấu xa không?
Có thể là gì nữa đây.
Một bài báo khác của tiến sỹ Roy Meadow, nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực này. Ông viết về một phát hiện vào năm 1984 sau khi nghiên cứu thân thế gia đình của 32 đứa trẻ bị động kinh. Kết quả cho thấy có 7 đứa là anh chị em gái của nhau, bị chết và đã được chôn. Toàn bộ đều bị đột tử trong khi ngủ.
Chú thích:
(1) Tiến sỹ, bác sĩ...
(2) Hiện tượng biến âm sắc của một số ngôn ngữ (như tiếng Đức...)