watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bên Đời Hiu Quạnh-Chương 11 - tác giả khánh Ly khánh Ly

khánh Ly

Chương 11

Tác giả: khánh Ly

Cơn mưa đầu tiên của mùa Ðông Cali đến đột ngột vào lúc nửa đêm. Tiếng mưa rào rào trên mái nhà. Tiếng gió rít từng cơn. Tiếng của những cành lá quằn quại đập vào nhau, nghe thật rõ trong đêm vắng. Tôi còn nghe rõ tiếng xe ai đó rít trên mặt đường, qua những vũng nước, tiếng nước văng tung tóe dưới bánh xe hình như cũng lớn hơn mà chắc chỉ mình tôi nghe, mình tôi để ý đến.

Buổi trưa, chỉ cần một chiếc áo lạnh mỏng, tôi có thể cảm nhận được cùng một lúc cái lạnh nhè nhẹ cùng hơi ấm mặt trời hòa tan trong nhau, trên mặt, trên tay. Thật dễ chịu sau những ngày Hè đỏ lửa. Riêng sáng nay, dù trời rất âm u và lạnh nhiều nhưng vẫn không có một báo hiệu nào cho những giọt mưa thật bất ngờ đổ xuống. Trời đổ. Gió đổ. Mưa đổ. Và tháng 12. Tất cả đã làm xao động cõi nhớ thương thầm kín trong lòng tôi. Tấm lòng của một người đã đi rất xa, qua rất nhiều thăng trầm dâu bể mà vần cảm thấy như đang nằm ngủ, vừa thức dậy trong hơi thở quen thuộc Việt Nam.

Bao nhiêu năm rồi. Cứ hễ mùa Ðông đến và tháng 12 chuẩn bị đón Giáng Sinh. Tôi lặn ngụp dưới hàng trăm nỗi nhớ. Thuở đó.....Thuở đó tôi còn trẻ, rất yêu đời. Những buổi sáng, những buổi trưa, buổi chiều cùng bạn bè ra phố. Con phố lúc nào cũng đông người qua lại. Quanh một bàn tròn. Quanh một bàn vuông. Ly càfé đậm đặc. Những nụ cười tươi trẻ căng tròn, sát lại gần nhau. Những ánh mắt ngời ngời tin yêu, ấm áp trong làn khói thuốc dầy đặc, mờ đục như sương mù. Quán nhỏ đông người, tiếng hát lẫn trong tiếng cười và tiếng mưa xối xả trên hè phố. Thuở đó, chúng tôi chưa biết buồn.

Xuống một con dốc. Qua một cây cầu. Lên một con dốc. Hàng quán kề cận nhau có dáng vẻ thân mật chào đón bởi ở đó, ai cũng biết nhau. Cái bàn nhỏ dưới chân cầu thang hình như dành riêng cho những cặp tình nhân rất trẻ. Thuở đó, tình yêu trong sáng và thiêng liêng. Ðược ngồi cạnh nhau, đã là hạnh phúc lắm rồi. Ðôi má người con gái vùng cao như hồng thêm, cặp mắt nhìn xuống, hai tay rất ngoan nắm lấy nhau. Mái tóc đổ qua một bên, đầu nghiêng nghiêng lắng nghe. Bạo dạn hơn là hai bàn tay tìm nhau dưới gầm bàn, mắt còn liếc quanh, sợ có người trông thấy. Thuở đó, tình yêu đẹp lắm. Ðẹp và thôi biết bao những buổi chiều có mưa Xuân lất phất, cùng che chung một chiếc dù.

Tôi không nhớ ai là người đã đặt cái tên Ðèo Ngoạn Mục, nhưng hơn nữa là một thành phố chói chang nắng vàng, lồng lộng gió biển. Thành phố có những cơn mưa rào vội vàng mùa hè dưới ánh mặt trời. Cũng nhỏ. Cũng vài con phố quen. Cũng đi dăm ba phút lại gặp nhau trên bãi cát ấm. Quán ăn lúp xúp dưới tàng cây gòn, những người phu xích lô ghếch xe lề đường, chen vai ngồi cùng nhậu nhẹt cho bỏ một ngày cực nhọc.

Vài tháng ở nơi đó thật không có bao nhiêu kỷ niệm, không có gì đáng gọi là tha thiết ngoại trừ những buổi chiều thả dài trên bãi biển vắng vẻ. Có lẽ vì đã coi thành phố là của riêng, nên người ở đây có vẻ ơ hờ trước cảnh trời biển bao la. Có mặt trên bãi là chủ nhân những quán ăn và du khách từ xa, như tôi chẳng hạn. Từ một vùng cao nguyên thông reo ngút ngàn, tôi làm quen với sóng biển cát vàng và từ ở đó, tôi bắt đầu yêu cái rực rỡ của mặt trời. Mặt trời nơi thành phố không có mùa Ðông. Cho đến bây giờ, mấy chục năm sau, tôi mới biết thêm, ở thành phố đó có một mgười đẹp tên Diễm Phúc, người có nụ cười luôn luôn nở trên môi, có đôi mắt lúc nào cũng long lanh như chứa trong đó một hồ lệ. Thành phố đó có mùa Ðông và mùa Ðông đã đến và ở lại trong đôi mắt Trần Thị Diễm Phúc.

Khi tôi tới nơi, những giọt mưa mùa Ðông tạt vào mặt đau rát như kim chích. Co ro trong cái áo lạnh lông giả của Sears mua ở chợ Cồn, tôi dò dẫm từng bước một trên con phố thưa người. Những nơi tôi qua, hầu như toàn là những thành phố nhỏ, nhưng cái lạnh ở đây mới thực sự cho tôi thấy mùa Ðông, mà từ ngày di cư của năm 54, bây giờ tôi mới tìm lại đuợc. Có lẽ chỉ mình tôi cảm thấy tay chân cóng lại vì lạnh. Người đàn bà vừa đi ngược chiều, gánh một gánh gì đó thơm lừng, chân mang guốc, bà ta không tránh những vũng nước mưa và chỉ một cái áo len mõng đã cũ khoác bên ngoài chiếc áo dài trắng ngả màu.

Bầu trời thẫm đen, nặng nề. Gần như có thể vói tay lên được. Mưa vẫn sợi ngang, sợi dọc, đan lấy nhau dăng dăng trước mặt. Ðể cản chân người xa lạ đang khua động cõi thâm u tịch mịch. Ðể không ai có thể thấy những giọt mưa như nước mắt long lanh trên những cánh lá sen còn sót lại trong hồ. Tôi cứ nhẩn nha đứng bên hồ đưa mắt nhìn khắp nơi. Cây hoa Ðại chắc đã già lắm rồi, thân sù sì, ngoằn ngèo, chùm lá xanh đẫm nước mưa, sạch sẽ, bóng loáng và mầu xanh của lá như vẫn thẫm hơn. Những trận mưa mùa Ðông ở đây thường kéo dài mấy ngày liền. Mưa và lụt cách nhau không bao xa.

Tôi ngồi trên xe, mặt xanh đi vì lạnh và sợ. Bốn bề là nước. Mênh mông là nước. Không một ngọn cỏ nào lú lên. Những mái nhà lá xa xa chỉ còn thấy mái. Xe vẫn lầm lũi nhích từng chút một, không biết đâu là đường, đâu là rãnh. Không còn phương hướng. Lúc đó mà xe sụp lỗ, tôi chỉ còn nước chết. Dù cho biết bơi thì cũng chết vì lạnh. Chẳng rõ là bao nhiêu cây số mới có một mái tranh nhưng mà hình như xa lắm, lâu lắm tôi mới thấy. Mấy chục cây số dò dẫm trong nước, tôi dường như không thở được. Ôi cái xứ sở gì mà.... khổ quá vậy.

Qua khỏi được biển nước, cây cầu hiện ra trước mặt tôi thật tang thương. Cây cầu bằng gỗ ghép lại, qua bao nhiêu mưa gió và sự di chuyển nặng nề đè lên, đã không còn hình dạng một cây cầu. Nó còn đứng vững là nhờ bốn cái chân cầu khẳng khiu như chân người đói. Nhìn cây cầu, tôi mất thở. Còn sợ hơn lúc.... xe lội sông. Xe bò lên thật chậm như để thăm dò nếu gẫy, còn kịp.... nhẩy xuống. Tôi thót người lên để có cảm giác là mình không hề.... đang ngồi trên xe, may ra nó nhẹ đi chăng. Trời lạnh như dao cắt, tôi nghe mồ hôi rịn ra ở lưng và hai bàn tay ướt đẫm.

Ôi, cái đôi chân ham đi của tôi. Cái tật ham đi của tôi quả đã cho tôi những giây phút thở ra thì được, hít vào thì không….. Dưới chân, trại lính nằm có vẻ bình an. Từ cao nhìn xuống thấy rõ giao thông hào, những ụ súng, những bao cát chung quanh. Mầu đất đỏ của trại lính nổi bật giữa mầu xanh bạt nhàn của rừng. Nếu ở một lúc khác, tôi sẽ có mơ ước được sống ở đây bởi cái mầu xanh trùng điệp kia mang một vẻ quyến rũ lạ kỳ, như mầu xanh của biển khơi. Nhưng không, tiếng nói của người trưởng đoàn đã cất lên, rất tàn nhẫn cắt đứt tất cả những ý tưởng chưa kịp thành hình…. Tầu chạm đất là phải nhẩy xuống, phải chạy cho nhanh đấy nhé. Coi chừng tụi nó…. pháo đấy. Nhớ đồ nào của mình thì xách theo, tầu nó trở lại tỉnh, mai mới đón mình. Nào chuẩn bị nhanh chân lên nhé…. Tụi tôi ào xuống như một bầy vịt, tay áo, ta đàn cắm đầu chạy không nghe tiếng súng mà sao tôi thấy nhồn nhột ở lưng.

Chiếc Chinook vừa hiện ra trong tầm mắt, chúng tôi đã lại sẵn sàng chạy. Thật là không còn tìm thấy chút gì vẻ yểu điệu thướt tha của lúc trên sân khấu. May mà chưa đến nỗi xô đẩy nhau. Ngồi cạnh nhau, đứa nào đứa nấy im thin thít, cho đến lúc tầu bốc lên cao bỏ lại trại lính cô quạnh giữa đám bụi đỏ, giữa rừng già. Người lính trẻ theo chuyến bay về tỉnh chỉ cho chúng tôi…. Kia là biên giới Miên đó…. Cách mình xa không anh…. Xa gì đâu, có 6 cây thôi…. Úi, lậy mẹ, có 6 cây số thôi à…. Cũng may, thói quen của chúng tôi là mỗi sáng không phải chường mặt với nguời lạ, anh nào cũng có dặm chút phấn son, má hồng, người lính nọ không thấy được sự sợ hãi của chúng tôi ẩn dưới đó.

Không có tầu về Sàigòn, Vẻ thảm thương bây giờ mới hiện ra. Chết mẹ, bây giờ phải làm sao đây. Ðứa nào cũng cần phải về, bỏ đi mấy ngày rồi. Hát cho lính, đứa nào cũng hát chùa, giờ kẹt lại đây ai ở đó mà đi làm cho, mấy phòng trà ai chạy cho. Mà không hát thì không tiền. Vừa sợ chết xong, đến sợ đói. May thay ông chỉ huy trưởng căn cứ hình như thông cảm được nỗi lo của chúng tôi, cố gắng dàn xếp một chiếc chở chúng tôi về. Tên ông hiền như người, nhưng giờ ông đã xa chơi nơi cõi khác. Từ ngày đó, tôi không có dịp nào gặp lại để cám ơn ông, nhưng tôi vẫn không quên.

Tầu vào không phận Sàigòn. Trời đen như mực và mưa tầm tã. Thân tầu chao qua, chao lại, trồi lên hụp xuống. Giữa bầu trời bao la đầy bão tố, con tầu thật nhỏ bé lạc loài. Ðèn trong lòng tầu chớp tắt, chớp tắt. Bạn tôi bắt đầu nôn mửa thốc tháo. Bao nhiêu đồ ăn trong bao tử cho ra hết. Ðến nước này, sợ cũng bằng thừa. Nhẩy dù xuống à ? Tầu văn nghệ mà, có phải Bắc tiến đâu mà có dù. Giả tỷ có dù đi chăng nữa, có dám nhẩy không? “Kinh nghiệm chiến trường” nhiều hơn, tôi bảo các bạn tôi ngã người xuống, có chổ đủ cứ nằm, bao tử không bị đưa lên dồn xuống, sẽ không còn nôn nữa. Chúng tôi ngã lên người nhau, tay này nắm chặt tay kia. Lúc đó, có ghét nhau như đào đất đổ đi, vẫn cứ quên hết.

Vật lộn mãi rồi tầu cũng đáp được an toàn. Các ông nội Không Quân mặt vẫn tỉnh như ruồi, cười nói tự nhiên như vừa đi nhẩy đầm về. Các ông ném cho chúng tôi cái nhìn thương hại, còn ngụ ý.... cho chừa nhé, cho lần sau khỏi đi nhé.... Tụi tôi muốn cám ơn mà không đứa nào mở miệng được, dắt nhau chạy túa tìm chỗ.... xả, không kịp vào tìm toa-lét. Bụng đã nhẹ nhõm, cầm tay nhau từ biệt, hẹn tối gặp. Quay đi rồi còn vói lại dặn.... Này nhớ ghé chợ mua nhãn nhé.... Rắc rối, tuần sau tha hồ mà ăn, mua ở đây làm gì, vừa đắt lại không ngon.

Sự sợ hãi chỉ còn trong chuyện kể. Buổi sáng, còn sớm lắm. Vừa hết giới nghiêm. Chúng tôi như một đám giặc chòm. Mới bảnh mắt ra mà giọng đứa nào cũng tốt cả. Cười nói, la hét dành lấn chỗ ngồi, cấu chí nhau om sòm. Lòng tầu rộng thênh thang. Cùng đi với chúng tôi là những người lính đã hết phép, trở ra đơn vị. Họ cùng chúng tôi trò chuyện vui vẻ như đã quen nhau từ.... kiếp trước.... Các chị hát cho binh chủng nào vậy.... À, tiểu đoàn đó vừa từ Hạ Lào về, thế hát ở đâu? Tụi này lại xem ké có được không? Tụi tôi đưa mắt ếch ra nhìn. Hát ở đâu? Ai biết?

Tôi vốn vô tâm nên buổi hát không đậm nét lắm. Chỉ nhớ là hôm đó, giữa một cái sân chùa hay đình gì đó. Giữa những người lính trận vừa về từ chiến trường nét mệt mỏi còn hằn trên mặt, chúng tôi đã đứng hát giữa trời và dưới cơn mưa. Dĩ nhiên, nếu được lựa chọn một chỗ khô ráo, ấm áp để hát. Nhưng ở đó, ngày hôm đó, giữa những người ngồi vòng tròn trên sân gạch đó, chúng tôi không thấy một chọn lựa nào. Mọi người cứ ngồi. Chúng tôi cứ hát và trời cứ mưa. Quả thật không có gì để lựa chọn.

Có nhiều điều lớn lao đã xẩy ra, nhưng qua một đêm, tôi quên sạch, quên đến nỗi.... không bao giờ nhớ rằng có chuyện như thế đã xẩy ra. Vậy mà có những việc.... có những thoáng bèo nước gặp nhau, vẫn sống mãi trong lòng tôi. Những màu Ðông. Những cơn mưa. Mọi người có thể khác đi. Nhưng lòng tôi không thể khác. Mọi người có thể không nhớ. Nhưng tôi nhớ. Một con dốc. Một khúc đèo. Những buổi chiều chân không trên bãi cát vàng chan hòa ánh nắng. Những ngày Ðông sướt mướt bên gốc cây hoa Ðại, bên cạnh một hồ sen. Cây cầu ván trên con đường mênh mông nước. Trại lính cô quạnh giữa rừng già biên giới và những cơn mưa. Không thể khác. Không thể quên nhất là mỗi lúc Ðông về, trời bỗng đổ mưa.

Chiều xuống mau trong khu vườn lạnh buốt. Tôi ngại ngùng khoác áo ấm ra ngoài. Mới 5 giờ, đã như rất khuya. Cây cỏ trong mùa Ðông thật tiêu điều nhưng tôi đã trông thấy một nụ hồng. Ngày mai, sáng mai tôi sẽ cắt nụ hoa đó chưng bàn thờ Ðức Mẹ bởi vì có thể sẽ mưa nữa.
Khánh Ly
(Trích Thời Báo số 125 . 23-12-93)
Bên Đời Hiu Quạnh
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23