Chương 15
Tác giả: khánh Ly
Bên Ðời Hiu Quạnh (94 - 23/12)
Cũng một ngày như ngày hôm nay, nhưng vào Ðông, hình như nó dài hơn, chậm hơn, lê thê hơn và đương nhiên là buồn hơn . Mùa Ðông cuối cùng. Mùa Ðông 1975. Giá mà lúc đó có ai bảo tôi rằng …Mày sắp bị bứt lìa ra khỏi nơi chốn này, mãi mãi và mãi mãi ..Sức mấy mà tôi tin. Làm sao có chuyện đó xẩy ra cho được . Nhiều năm sau đó, tôi vẫn khư khư mãi cái ý nghĩa đó . Chỉ là một cơn mộng . Ðêm sẽ qua và khi ngày đến, tôi vẫn mở cánh cửa nhà tôi, căn phố số 12-14 đường Tự Do .
Tôi sẽ đi xuống nhà từ phòng tôi, bằng cái cầu thang xoáy trôn ốc bằng sắt sơn đen. Ngay đầu cầu thang là nơi mỗi đêm tôi ngồi trong bóng tối nói chuyện điên thoại . Quảng Trị . Hương Ðiền . Sài Gòn. Ở mỗi đầu nỗi nhớ, có một người . Xuống hết cái thang ấy là căn phòng nhỏ tôi thường dùng để ăn cơm. Căn phòng nhỏ lắm mà tôi vẫn cảm thấy nó mênh mông bởi tôi chỉ có một mình bên mâm cơm …Chỉ một lần, gió tây, Ðông phong thổi qua Saigon. Bữa cơm có rau dền luột chấm tương và hai người ngồi đối mặt nhau mà chưa dám nhìn thẳng mắt nhau .
Hình như tất cả bắt đầu vào những ngày Ðông rét mướt bên giòng sông loang trắng ánh trăng. Ðốt hai ngọn nến, Sơn dạo một khúc nhạc và tôi bắt đầu hát . Chai Hennessy cổ đen ..chia đôi nhé ..Tôi đến thành phố đó những ngày mưa gió rét mướt để tìm cho mình một chút ấm. Ngày Ðông, đêm xuống nhanh. Tôi từ giã . Sơn đứng trên lan can nhìn theo chiếc xe xích lô chở tôi giữa đường phố vắng lặng, giữa hai hàng cây Sơn ngắm mỗi ngày . Hai hàng cây thắp nến để anh nhìn thấy ….Mầu nắng bây giờ trong mắt em …Mỗi khi từ giã, Sơn không bao giờ cản, tôi không bao giờ nhìn lại . Như thế, lâu thành thói quen. Lẽ ra tôi không nên về như thế . Lẽ ra tôi nên ở lại nhà Sơn với Thúy, Tâm, Ngân, Diệu và Trinh. Năm cô em gái xinh đẹp, vui tươi như một bầy chim. Phải, lẽ ra tôi nên ở lại nhưng tôi lại đi . Một mình trở về căn phòng trọ bên cạnh bờ sông .
Lữ Quán có vẻ vắng. Ai tới đây giữa ngày Ðông tháng giá . Người receptionist có lẽ đã đi ngủ . Lobby quạnh quẽ một mình tôi ngồi đó . Ðiếu thuốc cuối cùng cầm trên tay . Tôi không châm vì không có lửa . Những điểm sáng chợt nổi rõ dần trong bóng tối, từ từ tiến lại gần tôi . Ánh lửa lóe lên. Hai con mắt lóng lánh ẩn dấu một niềm vui ngời ngợi . Nụ cười thật tươi, thật rạng rỡ phô hàm răng trắng bóng đều tắp như những hạt bắp. Mấy năm rồi không gặp, cả hai cùng ngượng ngập, không biết phải nói gì . Những bàn tay đan vào nhau bối rối . Làm sao dám nắm lấy tay nhau ? Chỉ gặp rất tình cờ như đã tình cờ gặp hai năm trước, chào hỏi nhau bình thường và rất ….lễ độ . Thế thôi . Khuôn mặt đó có nhìn lại mới nhớ rằng mình đã có gặp, có chuyện trò quen biết . Cái tên gọi hình như đã nhạt trong trí nhớ tôi . Gọi nhau bằng gì bây giờ …Ông …Hơi xa lạ quá ….Anh …Hơi thân mật quá …Cấp bậc ..Hơi khách sáo quá ….Sau cùng hai bàn tay cũng nắm lấy tay nhau như hai người bạn. Và anh nói trước . Cũng chỉ là một câu thăm hỏi thường tình, tôi bỗng cảm thấy yên tâm.
Chiếc xe Jeep lùn có ăng-ten, có máy truyền tin thỉnh thoảng lại kêu ồm ồm làm tôi giựt mình. Có phải chiếc xe này chúng tôi đã từng ngồi một lần sau mùa mưa 72 cũng tại thành phố này . Tôi không dám hỏi nhiều bởi không hiểu vì sao tôi bỗng cảm thấy lúng túng, tay chân như thừa thải, chẳng biết để vào đâu ..Anh đưa Mai qua phố kiếm thuốc lá . Mai có thể mua thêm vài tờ báo hay mượn mấy cuốn truyện mà đọc ..Tôi vẫn chỉ im lặng. Cái im lặng bằng lòng. Xe chạy qua cầu . Mưa vẫn rả rích rơi, không lớn lắm nhưng gió từ giòng sông thổi hắt lên, mưa vỡ thành từng mảnh nước li ti bám vào mặt tôi . Xe qua cầu, dẫy phố nhỏ với những ánh đèn điện yếu ớt hiện ra trước mắt. Cả một con phố dài nằm im dưới mưa, tôi chợt hình dung ra cái ấm áp của một đôi vợ chồng trẻ, ấm áp ngồi bên nhau, ấm áp kể cho nhau nghe một câu chuyện gì đó rất vui rồi cùng cười hồn nhiên . Tôi có cái hình ảnh đó trong đầu là bởi vì tôi đang một mình, tôi đang tưởng là hai bỗng thoắt cái, chỉ còn lại có một mình. Xe lại qua cầu trả tôi về Lữ Quán . Anh đưa tôi đến tận cửa phòng, chờ tôi mở cửa, bước hẳn vào trong phòng. Tôi đưa tay cho anh nắm như một lời từ giã . Cánh cửa ngăn đôi . Những bước chân anh đang xa dần và tôi …Mưa không lớn mà nhỏ hột như vậy chắc kéo dài đến ngày mai .
Không một tia nắng nào chiếu xuống thành phố vốn luôn luôn âm u đó . Ðứng bên này sông nhìn qua bên kia, chẳng có gì rõ nét trong làn mưa lạnh căm. Ôi tôi đang buồn, đang khổ, ai khiến xui tôi đưa chân đến cái chốn âm u này . Nếu bảo là tôi chủ đích ra đây thăm Sơn, điều đó rất đúng nhưng sao tôi không tá túc ở nhà anh. Muốn tìm đến một an ủi nơi gia đình Sơn thì cái lý phải như thế . Sơn và gia đình có bao giờ từ chối một chỗ cho tôi dung thân đâu ? Ðây đâu phải là lần đầu tiên tôi đến nơi này . Trong căn gác nhỏ đường Nguyễn Trường Tộ tôi đã nhiều lần tìm đến, sống rất thoải mái hồn nhiên cùng với năm cô em gái của Sơn. Như một người em, một người chị, một người con trong gia đình luôn luôn quây quần che chở lẫn nhau . Ai cũng sẵn sàng mở rộng vòng tay đón tôi .
Thật tình, tôi không dám. Tôi không dám hé môi về bất cứ điều gì bởi tất cả những điều tôi làm, dưới mắt Sơn, đều là những lỗi lầm lớn. Anh không hề nói gì nhưng tôi biết, tôi đã làm anh thất vọng nhiều vì những quyết định sai lầm của mình. Chính tôi, tôi cũng biết là mình sai nhưng lại không thể nào sửa chữa lại những sai lạc của mình. Tôi đã chọn một khúc sông nhiều sóng gió để vượt qua . Nửa đường rồi, sức đã đuối quá rồi, tôi biết là tôi phải bỏ cuộc thôi nhưng bỏ cuộc ngay giữa dòng bởi tôi không đủ sức lội tiếp hay trở lại .
Sơn và gia đình đón tôi rất thản nhiên. Không ai nhắc nhở gì về cái sai lầm không may mắn của tôi. Mặc nhiên coi như không có chuyện gì cả, như lần thăm viếng này là một điều như thế. Sơn vẫn im lặng đàn và tôi vẫn hát những tình khúc mới. Mùa Ðông 1974, Sơn tập cho tôi bài “ Một Cõi Ði Về” trong cái im lặng bình an đó, sét đã nổ trên đầu tôi, vào cái lúc tôi nhìn thấy cặp mắt long lánh trong đêm tối, ánh lên tia vui mừng và nụ cười rất trẻ thơ. Thủy chung Sơn vẫn không nói gì và tôi cũng vẫn im lặng .
Ðấy, cái lênh đênh cơ khổ của tôi nó bắt đầu ở thành phố đó giữa những ngày cuối Ðông. Ôi một cuộc hội ngộ rất tình cờ lại bầy ra một thảm cảnh mà hậu quả tôi không lường trước được . Tuy nhiên, nếu lúc đó tôi biết trước được, có gì bảo đảm là tôi sẽ tránh né . Chắc là không bởi cho tới bây giờ, mùa Ðông này nữa là mùa Ðông thứ 20 của lần gặp lại đó, tôi vẫn nghĩ rằng nếu bây giờ sự việc cũ tái diễn, tôi cũng sẽ lại là tôi của 20 năm về trước . Ngưng làm sao còn tái diễn được nữa khi âm, dương đã đôi ngã . Tôi đã phụ người mất rồi .
Tôi gọi người ấy là Ðông Phong. Ngọn gió Ðông lạnh buốt nhưng lại làm lòng tôi ấm lại . Nếu tôi bảo rằng đó là tình yêu thứ nhất của đời tôi, điều đó cũng đúng bởi chưa bao giờ tôi biết yêu ai như thế . Cho đến lúc gặp Ðông Phong tôi mới biết thế nào là tình yêu . Chúng tôi đến với nhau bằng những oan nghiệt từ cả hai phía . Ðến với nhau rất muộn màng và ngắn ngủi . Một năm tròn, ngồi bên nhau chưa đếm đủ đầu mười đầu ngón tay . Chỉ nghe tiếng nhau, chỉ nhìn thấy nhau trên những lá thư hoen mờ mực tím. Chúng tôi mới đúng là những người ở hai đầu nỗi nhớ . Có lẽ vì thế mà ngay khi nghe bài hát …” Ở hai đầu nỗi nhớ …Nguyễn Văn Tý” tôi đã thích ngay – Tôi mường tượng thấy mình đứng trong mưa Ðông “ …Ðếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ ..”
Tất cả đã nhốn nháo lắm rồi, nhất là ở những nơi hoang vu hẻo lánh, những thành phố nhỏ vùng cao nguyên, nơi mà sự xuất hiện của những người lạ mặt dễ bị nhận diện . Tôi vẫn đi . Từ Sư Ðoàn 5 chúng tôi nói với nhau . Từ Cần Thơ, từ Mỹ Tho, chúng tôi vẫn như có ở bên nhau trong tiếng bom đạn gầm thét, dẫu biết rằng chẳng có thể làm được gì cho nhau . Qua tiếng nói lúc được, lúc mất, chúng tôi vui cùng vui, buồn cùng buồn . Cả hai đều cùng gầy guộc, hư hao trong niềm tin son sắt. Rồi có một lúc nào đó …
Mùa Ðông 1974, tôi trở lại thành phố nhỏ bé đáng yêucó dòng sông Hương thơ mộng chia hai thành phố . Tay ôm hộp bánh sinh nhật đặt mua tại La Pagode, tôi leo lên chiếc máy nay C-130 tới Ðà Nẵng . Rời tàu, len xe Jeep, tôi vượt đèo Hải Vân … “Xe qua đèo, em nhớ cột tóc cẩn thận kẻo gió bay …” Lá thư màu mực tím của Ðông Phong nằm im trong túi áo lạnh, tôi cười một mình khi xe qua đèo . Xe vào đến Huế, trời mù mịt ảm đạm xám ngoẹt và lạnh căm căm. Mưa như trút nước, mưa tối trời, tối đất. Mưa không thấy đường đất là đâu. Xe chạy giữa một vùng nước mênh mông, thấp thoáng xa xa lẫn trong mưa là những mái lá nhô lên trên mặt nước, những chiếc cầu cũ kỹ long hết cả đinh, có thể đổ xụm xuống bất cứ lúc nào cũng chìm dưới mưa, được nhận dạng từ những vòm gỗ, sắt đen ngòm ló lên mặt nước . Xe cứ chầm chậm bò từ từ đến Mỹ Chánh .
Hai người ngồi hai đầu bàn lặng nhìn nhau . Cái bánh sinh nhật còn nguyên vẹn . Toàn thân tôi lạnh ngắt, tôi tưởng mình biến thành người đá mất rồi . Sau cùng, Ðông Phong ủ hai bàn tay tôi bằng hai bàn tay cũng lạnh như đá của anh . Lúc đó, nước mắt tôi mới ứa ra và tôi khóc còn hơn mưa lũ bên ngoài . Ðông Phong giữ chặt hai bàn tay tôi, anh không nói gì nhưng mắt anh buồn vô hạn . Anh thương tôi . Anh thương anh. Anh thương cho hai đứa . Ðông Phong thì cứ nhìn còn tôi thì cứ khóc, không nói được lời nào . Lâu lắm anh mới nói ..Em gầy quá …Tôi nhìn anh . Ôi, làm sao tôi quên được cái nhìn buồn bã xót xa của anh …Anh đâu có hơn gì tôi . Tôi làm khổ anh rồi, tôi đã mang lại cho anh không phải là hạnh phúc mà chỉ là những nỗi đau, những muộn phiền. Tổ quốc . Danh Dự . Trách Nhiệm. Ngần ấy thứ đủ làm anh điêu đứng rồi, giờ thêm tôi, anh cũng phải gầy yếu hư hao thôi .
Nghĩ đến Ðông Phong, nhìn thấy Ðông Phong, tôi thù ghét chiến tranh, tôi nguyền rủa chiến tranh . Tôi không chấp nhận bất cứ lý do gì khiến cho những người yêu thương nhau phải mất nhau, trong đó có tôi . Song tôi chẳng làm được gì và tôi chỉ biết khóc . Thời gian gặp nhau bao giờ cũng ngắn ngủi, cả hai chẳng nói được hết với nhau những gì muốn nói . Một hai tiếng đồng hồ ở phi trường, rồi người lên tàu, người lên xe, mỗi người một hướng kéo dài thêm nỗi niềm. Vài chục phút im lặng bên nhau trong nhà thờ La Vang đổ nát, bên tượng đài Ðức Mẹ Fatima, bên mâm cơm có rau dền luộc, chỉ nhìn mà không ăn, cả hai không thể nuốt trôi được dù chỉ một hột cơm .
Ðêm mừng chúa ra đời ở Hương Ðiền có những ai ? Ai làm gì, nói gì . Chúng tôi không biết . Tôi đứng hát, và chỉ thấy một đôi mắt đang nhìn tôi . Giáng sinh 1974 như thế đó . Chúng tôi chưa kịp nói với nhau một điều gì đã lìa xa , Tức khắc . Kẻ về lại thành phố tiếp nối những ngày tháng vật vờ . Người trở lại chiến trường ngày một khốc liệt . Chiếc bánh sinh nhật được cắt ra sau lời cầu nguyện xin được bình yên trong đêm Thiên Chúa ra đời . Nhưng hình như tất cả mọi người đều buồn trong giây phút thiêng liêng ấy với chút bình an ngắn ngủi được tính bằng giờ .
Chưa kịp mừng nhau chúng tôi đã lại chia tay . Nhưng không thể ngờ được rằng đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau . Mở ra vào những ngày đầu tháng 3-74 . Nở giữa mùa Ðông và tàn trong mùa Ðông . 20 mùa Ðông đã qua không đủ để xóa nhòa ký ức tang thương . Nhà tôi bảo …Em nhớ là phải . Em nhớ cũng đúng . Chẳng phải ai cũng có một ký ức đẹp đẽ như thế đâu …Cả hai đều rất xứng đáng cho nhau, với nhau . Anh muốn dựng lại … “Chuyện tình của em và Ðông Phong bởi anh cũng là người biết yêu cái đẹp dù cái đẹp của em cũng là anh đôi khi …nhức nhối đôi chút …” Và nhà tôi làm thật, anh đưa hình ảnh Ðông Phong vào cuốn video “Một Ðời Ở Lại” . Cuộn vidéo kỷ niệm 50 năm Khánh Ly tuổi đời . 35 năm Khánh Ly trên sân khấu và 20 năm Khánh Ly trôi nổi xứ người .
Tôi để tất cả công việc cho nhà tôi lo, với một valise nhỏ, tôi lên đường đi đến xứ xa . Từ đó, tôi lại có dịp nhìn lại đoạn đường mình đã đi, nơi chốn mình đang ở, những việc mình sắp làm trước khi …từ giã . Trong lòng tôi giờ phút này rực rỡ nhất vẫn là hình ảnh Trịnh Công Sơn, hình ảnh Ðoan và các con nhưng phảng phất đâu đó, tôi vẫn thấy một đôi mắt nào đó lóng lánh và rất hiền, đang nhìn chúng tôi và mỉm cười . Ðôi mắt và nụ cười trẻ thơ của Ðông Phong .
Khánh Ly
( trích Thời Báo số 178. 23-12-1994)