Chương 14
Tác giả: khánh Ly
Ở vào những năm cuối của Thế Kỷ 20, khi mà con người đã mò lên mặt trăng hỏi thăm chị Hằng, xem chị và chú Cuội sống chung ra sao . Khi mà nước Nga, nước Mỹ, nước Nhật, nước Tầu và mới nhất là Bắc Hàn, muốn tiêu diệt nhau, và cũng là tiêu diệt cả thế giới, chỉ cần …một ngón tay, bất cứ ngón tay nào trong … “ bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa …” và một cái nút tí tẹo . Một cái nhấc tay . Một cái hạ xuống. Xong . Xong hết . Không cần tới 30 giây mà chỉ một giây thôi . Con người được tạo dựng bởi cát bụi, trở lại cát bụi .
Quả thật là chúng ta đang sống không phải là một mà là nhiều cái nút . Khi máy móc làm việc thay cho người, đó cũng là lúc chính con người cũng trở thành một cái máy . Một ngày rất gần chúng ta sẽ tự hỏi …Mình đang ăn hay cái máy nó ăn . Hình ảnh Charlie Chaplin được cái máy đút cho ăn lập tức sống lại trong trí nhớ mù mịt của chúng ta . Tự hỏi là bởi trong lồng ngực chúng ta, trái tim, may mắn thay nó còn đập . Ðập để nhắc rằng chúng ta chưa phải là cái máy .
Cứ thử nhắm mắt và tưởng tượng đến cái lúc chúng ta sống như những người máy hoặc là máy móc sống thay cho chúng ta . Ăn, có máy đút, chân gắn bánh xe di chuyển. Cởi quần áo máy cũng cởi dùm . Tất cả đều là máy với một cái nút nhỏ bé xinh xắn . Thậm chí đến cái tư tưởng của chúng ta cũng không cần phải nói ra bằng lời bằng miệng . Bấm một cái nó hiện lên màn ảnh com-pui-tơ ráo trọi . Thế mình đâu còn là mình nữa. Ðâu còn là con người nữa . Trái tim có còn đập thì cũng chẳng ăn thua gì . Chỉ làm ta chán nản thêm bởi nó cho ta thấy rõ đời sống không còn ý nghĩa nữa . Thời đại máy móc, hiện đại những năm tháng sắp tới sẽ tiêu diệt nốt chút nhân tính còn lại trong chúng ta . Dù có muốn chết cũng ..làm biếng, vả lại cái máy nó sống chứ có phải là mình nữa đâu và cái máy nó không biết chết là gì . Nó bắt mình phải sống như thế để trả nợ cho cái xứ sở này .
Chuyên Khoa Học Giả Tưởng ấy mà . Tuy vậy nó cũng làm cho tôi nổi da gà, nghẹt thở . Phải đi ra ngoài tìm chút không khí bạn bè, nói dóc dăm ba câu chuyện cho cái đầu bớt căng. Hẹn nhau ở Phở Hồng Long, tôi gọi là Phở Nhật Thụy . Ngồi đợi đã đến lúc mỏi mòn mới thấy nhà …làm luật Trầm Tử Thiêng khệnh khạng vác cái bụng lép xẹp như bánh tráng tới, theo sau là một người đàn ông tuổi trung niên. Một người mà tôi rất biết . Rất quý mến của cái thời cả hai chúng tôi đều còn tương đối trẻ . Thời của những bài tình ca đẹp đẽ trong sáng với tiếng đàn thùng đơn giản cất lên giữa những bãi cỏ, sân trường, khuôn viên Ðại Học . Có thể nếu tình cờ gặp nhau giữa phố, tôi không còn nhớ được anh là ai mặc dù trong trí nhớ đã rất mịt mờ của tôi, tên anh vẫn còn rất đậm nét . Có thể tôi sẽ nhíu mày cố lục lọi, để cố tìm hiểu xem cái khuôn mặt …quen quen này là ai ? Tên là gì ? Bởi vì đã hơn 20 năm, giờ gặp lại …Ðây Ngô Mạnh Thu đấy . Tôi đâu có quên anh đâu . Tôi không quên tên anh thì đúng hơn .
Tôi có thể đã rất khổ sở khi gặp lại những người quen cũ . Quen biết từ 2, 30 năm về trước . Ða số là tôi nhớ mặt nhưng nếu cắt cớ hỏi ..Nhớ thật không ? Tên gì nào ? …thì tôi đành xấu hổ mà rằng …cái vụ nhớ tên thì tôi thua …Nhưng cũng có trường hợp ngược lại . Nhớ tên, nhớ rất nhiều, nhưng khi gặp mặt thì tôi cứ ngu ra . Ngu như chưa từng bao giờ …ngu thế . Thực tế, tôi không phải là người mau quên mà phải nói là tôi có một trí nhớ đáng kể . Nhưng hơn 30 năm nay, thuốc ngủ đã làm cho tôi đôi khi ngây ngây, dại dại, lúc nhớ lúc quên . Tình trạng mỗi ngày một tồi tệ thêm, tôi đành tự an ủi rằng …Thôi thì cũng nên quên bớt đi cho dễ sống .
Ngô Mạnh Thu là một tên tuổi lớn của thời Du Ca, hình như còn trước cả Nguyễn Ðức Quang, trước Trịnh Công Sơn, bởi năm 1967 khi tôi được cùng hát với Trịnh Công Sơn tại Quán Văn, đã có Ngô Mạnh Thu rồi . Bởi anh hiền lành, đứng đắn và không …đẹp trai lắm, nên tôi kính anh như một người anh lớn và tất cả những giao thiệp sau đó giữa tôi và anh đều nằm trong sự Tương Kính . Chẳng hiểu anh Ngô Mạnh Thu có “kính” tôi hay không nhưng riêng cá nhân tôi, cho đến bây giờ gặp nhau trên xứ người, tôi vẫn giữ nguyên sự Kính Nể đối với anh như ngày xưa .
Dĩ nhiên là cả hai anh em chúng tôi đều đã già theo năm tháng . Hơn 20 năm mà bảo là ..không có gì thay đổi ..là điều không thật . Ngày xưa, anh em chúng tôi còn quý nhau ở điểm, cả hai chúng tôi đều ..không đẹp . Nhưng hôm nay, tôi thấy anh Thu không quá già như trường hợp của nhiều người khác, mà hình như anh… đẹp hơn thuở thanh niên …Cái này tôi thường gọi là …đẹp lão . Anh chưa già đủ để thành lão nhưng tóc anh đã bạc nhiều . Lạ nữa là anh trắng hơn ngày xưa . Tóm lại ở Ngô Mạnh Thu tôi thấy có nhiều thay đổi duy chỉ có cái khí chất điềm đạm ở anh là còn nguyên . Y chang, không mảy may thay đổi . Cái điều làm cho lớp chúng tôi quý mến anh còn nguyên vẹn, bao nhiêu tang thương, biến đổi . Kể cũng hiếm thấy .
Tôi còn nhớ dù rất lờ mờ, những ngày cùng sinh hoạt ở Hội Quán Cây Tre đường Ðinh Tiên Hoàng, cạnh sân Vận Ðộng . Anh Thu tập cho chúng tôi hát . Một trong những bài hát nổi tiếng của anh thời bấy giờ là bài Lạc Vùng Ăn Năn . Chúng tôi chỉ biết hát, trong khi anh Ngô Mạnh Thu vừa sáng tác vừa hát hay nên dạy cho chúng tôi là điều quá dễ đối với người có vốn Nhạc Lý thuộc loại cao cấp như anh . Dễ nhưng mà khó bởi muốn bửa đầu chúng tôi ra để nhét vào đó một bài hát, không phải là không mất thì giờ . Nói thế không phải là chúng tôi quá ngu nhưng vì hay ỷ lại, làm biếng, và thích đùa vui hơn, nên cầm cương được chúng tôi, quả không có được mấy người .
Thời đó, mỗi khi chúng tôi tập họp nhau lại dù để làm việc, cũng là một dịp để phá làng, phá xóm . Một đứa thì không sao . Dính lại một chùm thì chẳng mấy ai chịu nổi . Ðùa vui . Phá cho vui thôi nhưng cũng đủ làm nhức đầu các ông thầy mà trong đó có anh Ngô Mạnh Thu . Thật sự ra, ngoài những bài hát thu băng, thu dĩa Billy Trung tập cho tôi, số còn lại, của ai sáng tác người đó tập cho ca sĩ hát . Ông Trầm Tử Thiêng . Ông Ngô Thụy Miên . Ông Nguyễn Ðức Quang . Ông Vũ Thành An. Ông Từ Công Phụng và nhiều hơn cả là ông Trịnh Công Sơn . Cứ đến 100 bài thì có đến 99 bài chính ông Sơn tập cho tôi . Chỉ có 2 bài do Hoàng Thi Thao dạy tôi vì lúc đó ông Sơn ở Huế, đó là bài Tình Nhớ và Tình Xa .
Từ 1969 đến 1975 đó là khoảng thời gian cực thịnh của những bài tình ca lãng mạn, trữ tình. Tác giả thương yêu tác phẩm của họ, do đó sự liên lạc với ca sĩ rất thường xuyên và gắn bó mà từ đó, nẩy sinh ra thêm tình thầy trò, anh em kéo dài mãi cho đến sau này . Tiếc là sau năm 75, đến bây giờ và có thể mãi về sau, điều tốt đẹp đó sẽ chẳng còn bao giờ trở lại nữa . Ðời sống văn minh tự do đến độ tàn nhẫn, đã đập dập tan tành tất cả . May ra còn lại cái “trí” . Nhưng nhiều người lại xử dụng nó vào những việc khác, cũng không kém phần tàn nhẫn, bất nhân, dùng nó để lợi cho mình, hại cho người . Người có “Trí” không thiếu, nhưng nếu chỉ có thế vẫn không đủ .
Tôi vẫn thường cảm thấy rất hạnh phúc khi gặp lại những khuôn mặt thân thiết ngày xưa mặc dù sau 20 năm, chẳng phải ai cũng nguyên vẹn cái tình xưa, nghĩa cũ . Tôi đã từng lãnh những cú ..tát trái, tát phải, những cú đấm ngàn cân, những nắm bùn vứt vào mặt tôi ở đằng sau những nụ cười . Nhưng có sao đâu . Thế mới là đời . Thế mới là người . 20 năm đã qua, còn 20 năm sắp tới nữa chứ . Ðâu có phải đến đây là chấm dứt. Ðâu đã phải là ngày của trận Ðại Hồng Thủy . Cứ bình thản trước mọi việc và câu trả lời đúng nhất. Im lặng cũng là một cách sống . Nếu ai không tin, xin cứ tìm nhà làm luật Trầm Tử Thiêng mà hỏi .
Thầy Thiêng cười rạng rỡ . Bên cạnh thầy vừa xuất hiện người Chưởng Môn Phái …huề vốn Lâm Tường Dũ . Ông này nói chuyện rất tếu, rất ngây thơ và dĩ nhiên rất huề vốn khác hẳn lối viết …Share cái này, Share cái kia . Những tô phở được bưng ra, thơm lừng , nghi ngút khói . Tôi ngồi cạnh ông Ngô Mạnh Thu, đối diện với nhà tôi, ngồi cạnh thầy Thiêng. Ðây là phở Công Lý, phở Pasteur, phở ở đường Lý Thái Tổ Saigon và ngày hôm nay cũng có thể là một ngày nào đó của năm 1970 … “Bỗng nhiên gặp lại nơi này . Những khuôn mặt cũ một thời có nhau . Ngày xưa phố cổ ngọt ngào. Ngày nay xứ lạ điệu chào ngẫu nhiên ..TCS”
Thầy Thiêng hỏi ngày 27-11 tôi có thể đến tham dự đêm hội ngộ chào mừng nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu tổ chức tại Ritz không …Ðến được là em đến ngay, cần gì vé mời nhưng thầy phải để em về coi lại cái sổ …bộ đời của em đã . Ngày đó chắc chắn là em về nhưng về tới lúc nào, mấy giờ thì em chưa biết . Hễ về trước 9 giờ đêm là tụi em …bay tới …Tôi nói rất mạnh miệng và rất thật dù biết rằng tuần lễ đó chúng tôi chạy show như những con khùng, chạy sì khói . Chạy cháy thắng. Chạy sôi nước . Về đến nhà là quay cu lơ, thở dốc . Vác được cái mặt đến Ritz có nghĩa là chúng tôi thuộc loại Super, loại Bionic Women . Cũng phải cố thôi .
Ăn xong là chia tay. Thôi nhé, đường ai nấy đi . Việc ai nấy làm. Chia tay không bịn rịn vì sức mấy mà không gặp lại . Phải gặp chứ, gặp tại nhà tôi làm một đêm nhạc Du Ca với nhau như ngày xưa ..cho nhau nghe . Nhà tôi đề nghị . Bún măng vịt đi em. Lần đâu tiên tôi lắc đầu . Cho em khất lại vài ngày nữa . Hôm nay em mệt. Nhà tôi rất khảnh ăn . Khi nào anh đề nghị một món gì đó có nghĩa là anh …rất thích . Thường thì tôi OK ngay . Nhưng chẳng hiểu sao từ mấy tháng nay, tôi cứ đau ốm hoài . Khỏe được vài ngày lại muốn lăn đùng ra . Lờ đờ lửng đửng như cá mắc cạn, đêm cứ trằn trọc hoài không ngủ 3,4 giờ sáng còn đi ra, đi vào ..như ma . Ðọc truyện cho mỏi mắt mà đầu óc cứ sáng như giữa Ngọ . Tôi chẳng muốn làm phiền ông bác sĩ TQLC tốt bụng nữa, vớ được thuốc gì uống đại cho xong . Không khỏi bệnh này cũng khỏi bệnh kia . Rốt cuộc ba hồn chín vía đi mẹ nó mất tiêu, chỉ còn có mệt .
Tôi trùm mềm nằm một đống như người chết chưa chôn. Việc gì cũng đẩy qua cho chồng. Nhà tôi thì dư biết tính con vợ khùng điên, khi muốn làm Trời cản cũng không nổi mà khi đã không muốn, dát vàng nó cũng không thèm nhúc nhích, nên để tôi yên một mình. Bà Nội Cu phone thăm dâu mỗi ngày – con dâu kiểu tôi, không khá được - mấy cô em nhà tôi, cô thì gửi hoa, cô thì mua thuốc bổ, thuốc bịnh, cô thì kêu mỗi ngày, đến độ …tôi bỗng ngượng ..không muốn bịnh thêm nữa . Chính vì vậy mà tôi gượng dậy đi ăn phở Hồng Long, phở Nhật Thụy và mới gặp lại ông Ngô Mạnh Thu để trả nợ cho Thời Báo kẻo mợ Hà Khánh Hội lại giận, không để dành hồng dòn cho thì thật là mất ăn .
Khánh Ly
(Trích Thời Báo số 172)