watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chữ Thời ( Triết Lý An Vi )-Chương XIV - tác giả Kim Định Kim Định

Kim Định

Chương XIV

Tác giả: Kim Định

1. Vị trí vấn đề
Sử mệnh là tìm xem lịch sử có một đường hướng nào, có sứ mạng nào chăng. Đó là vấn đề tuy đã được nghĩ tới rất lâu, nhưng có thể nói chưa bao giờ đặt ra cách khẩn thiết cho bằng đời nay vì nó liên hệ với vấn đề đời sống có ý nghĩa chi chăng. Vì thế nó sẽ là một trong những nét lớn làm nên khuôn mặt của thế-kỷ 20 này. Trước kia vấn đề chỉ được chạm tới mặc nhiên, nhưng chính vì thiếu minh nhiên nên lời đáp thường là một chiều như của Platon: cùng đích loài người là ngắm nhìn các linh-tượng. Đáp như thế mới thoả mãn được có lý-trí… Ngoài ra còn có những giải đáp theo viễn tượng tôn-giáo, chẳng hạn trong Cité de Dieu của S.Augustin thì lời giải đáp chỉ được có phần hồn mới có thiên mà còn thiếu địa. Như thế là còn cần một giải đáp cho con người toàn diện không những, có lý trí hồn thiêng mà còn xác thân và cho hết mọi người trong nhân loại, không phân-biệt tôn-giáo, hoặc màu da, nhưng cho con người xét riêng về phương diện là người. Quan-niệm sử mệnh toàn diện như thế sẽ là công việc của thế-kỷ chúng ta đang sống.
Đây cũng là một vấn đề gắn liền với cơ cấu thời gian, nhưng được khai-triển về phương diện hướng đi của lịch-sử.
Để tránh những lẫn lộn do danh từ, thường đồng thanh mà dị nghĩa, chúng ta khởi đầu bằng xác-định ý-nghĩa mấy danh-từ dùng ở khoá-giảng này:
Ở đây căn cứ vào câu "thiên mệnh chi vị tính" để định nghĩa sử mệnh như là hướng lịch-sử đi theo chiều "tính mệnh" của con người, nó bao hàm cái gì vượt con người bé nhỏ, để tiến tới đợt đại ngã tâm linh, đặng "xuất tính". Nếu được như vậy gọi là sử mệnh. Bao lâu chưa đạt thì là những bước lần mò ở dưới: từ vô sử tới phi sử. Vô sử là lúc con người còn đồng hoá con vật chưa có ý niệm và sau đó sẽ có quan niệm lờ mờ về thời gian thì sẽ có:
Sử truyện tích, sử truyền kỳ. Kế đó tiếp tới thời Sử ký ghi nhận các biến cố trong nước tuy có liên tục nhưng hầu hết còn xoay quanh nhà Vua. Rồi tiến đến
Sử học vừa mở rộng đối tượng như bao gồm mọi phạm vi sinh hoạt kinh tế, thương mại, nghệ thuật, văn hoá, phong tục… vừa có ý hệ-thống-hoá. Cuối cùng đi tới
Sử tính hay sử lý tức là tính chất triết lý như các tác giả Vico, Herder, Auguste Conte… cố tìm ra ý nghĩa của sử, hay là đường hướng của đời sống con người. Tuy nhiên càng bàn càng như vướng mắc trong gian thời. Vì thế mà có khuynh hướng thoát khỏi thời gian có thể gọi là
Phi sử. Phi sử khác vô sử ở chỗ ý thức được thời gian và các sự do ảo hoá của nó nên cố thoát ly khỏi thời khỏi sử.
Sử mệnh là đợt cuối cùng của đợt Hoà thời bao gồm cả những biến cố lẻ tẻ, và cả hướng tiến của con người. Đây là đợt lý tưởng nên rất ít nền triết đạt được, vì nó đòi phải có quan niệm trung thực về Chữ thời, mà đó là điều quá họa hiếm. Vì vậy hiện các nhà sử học đang lần mò trong các loại quan niệm lung tung. Muốn phanh phui thấu chúng ta cần biết qua.
2. Hiện trạng vấn đề
Hiện-trạng của vấn-đề này được đúc kết lại có lẽ hay nhất trong mấy trang sách của Toynbee trong quyển An historian's approch to religion (sẽ viết tắt: Hist) Mở đầu ông nói tới hai quan niệm sử, một là của Judeo-Zoroastre mà ta có thể gọi tắt là Âu-tây; hai là quan niệm Grecoindien sẽ gọi tắt là Hi-Ấn. Hiện nay một trong hai quan niệm chủ chốt đó của Tây Âu đang tranh giành ảnh hưởng: một bên là quan niệm sử Tây Âu gắn liền với thời gian chạy ngang, nên có sự quan-trọng-hoá từng biến-cố lịch-sử nhiều khi tới độ tuyệt-đối-hoá, nghĩa là ngoài nó ra, con người không còn gì khác, không còn biến cố nào khác đáng kể. Quan-niệm này Toynbee cũng gọi là Trí chí có tính cách ngôi vị, tức là vừa có lý trí vừa có ý-muốn gọi tắt lá trí chí theo trí chí này thì "nhịp của vũ trụ đi xuôi tuột, bất khả phục hồi và được điều động do Lý trí và Ý-chí, Trí Chí nào? Thưa là của Tiên-Chúa, nếu triết-học-gia vâng theo mệnh-lệnh tôn-giáo, còn nếu là vô thần thì đó sẽ là Trí và Chí của con người và như vậy con người làm ra lịch-sử…
Với lối nhìn này thời gian được coi trọng, con người được đề cao hơn trước. Tuy nhiên chưa đủ cao tới độ tam tài nên gây ra cá nhân chủ nghĩa và dễ đưa con người vào thái độ "duy ngã độc tôn": coi mình là trung điểm cuả vũ-trụ. (prison-house of self centredness) là cái đã gây nên biết bao tranh chấp nhuộm đỏ hầu hết mọi trang sử của Âu-châu để tranh giành ngôi chức làm rốn trái đất làm dân riêng mà ngày nay đổi tên là "sứ mệnh" giải-phóng nhân-loại hiện đang được người cộng sản giành giựt. Đó là lý-do ngần ngại của các triết-học-gia không dám chấp nhận vì một đường thì đó là quan-niệm truyền-tụng của nền triết lý cổ-điển, nhưng đàng khác họ đã nhận thức ra rằng chính quan niệm trên đã gây ra bao giết-chóc kéo dài cho đến tận nay, và hiện vẫn còn đang diễn ra trong trại giam của các nước cộng-sản đang say sưa với sứ mạng giải phóng nhân loại và làm lại lịch sử.
3. Quan-niện Sử của Hi Ấn
Bên kia là quan-niệm Hi-Ấn, y-cứ trên chu-kỳ lớn của vũ-trụ với cái luật cô-ngôi-vị của trăng sao: "the rythme of the Universe as a cyclic mouvement govérned by an Impersonal Law". (Hist.8). Lối nhìn lịch sử theo thiên văn kiểu này có cái lợi là chữa được bệnh duy-ngã-độc-tôn, nên giàu óc bao dung; tuy nhiên lại có cái bất-tiện là coi như vô giá trị những hiện tượng những mối nhân luân cụ thể nên vẫn mần ngơ trước các bất công xã hội tầy trời chẳng hạn đẳng cấp. Về đàng lịch sử thì gây ra khuynh hướng coi mọi biến-cố lịch sử không đáng kể. Chẳng hạn việc Alexandre Đại-Đế vào chiếm đóng Ấn-Độ mà Ấn-Độ không thèm ghi cả đến tên tuổi của ông! Thậm chí những bậc vĩ nhân trong nước như Phật tổ cũng hầu không có sử. Ta nên nhớ là sau khi Phật tổ qua đời, môn đệ không hề có dám tạc tượng, mà chỉ làm một cái ghế trống, hay một dấu bàn chân… là vâng theo quan niệm này: coi mọi sự trên đời là phù ảo, không đáng bận tâm ghi chép.
Người Hi-lạp cũng theo quan-niệm như Ấn-độ coi trần giới là ảo ảnh (doxa) vì thế tuy họ có sử nhưng không do nền-móng là triết-học coi trọng thời gian, nhưng là thứ lịch sử được coi như nghệ-thuật, văn-chương, lợi khẩu hay hoặc để thoả tính tò-mò giải-trí (curosity… literary art. Hist.9). Người vô tình cho là sử Hi-lạp hay hơn của Viễn-đông, kỳ thực là hay về văn chương hay về hùng-biện, chứ không đủ giá-trị khoa-học và triết-lý và vì thế họ có sản-xuất nhiều tác-phẩm thuộc loại lịch sử, nhưng cũng giống với Ấn-độ không bao giờ lịch sử được đề cao, nhưng chỉ như một loại văn chương mà thôi.
Đó là hai quan-niệm lịch-sử lớn nhất xưa và nay đang chi phối các sử gia ròng. Còn những sử gia có óc triết, hoặc triết-sử-gia thì cảm thấy ái ngại trong việc lựa chọn vì nhìn thấy cái bất lợi của cả đôi bên, nên hầu như đồng thanh nói phải siêu lên để thoát khỏi gọng kìm đó. Nhưng thực ra thì chưa biết phải siêu lên cách nào, thành ra công hiệu còn rất ít: Tuy vậy cũng tốt được phần nào vì nó làm cho quan điểm cũ được bớt cứng rắn và mở rộng thêm chân trời của cái vũ trụ quan vốn lấy mình làm Trung Tâm trái đất.
4. Những lối thoát đang được thí nghiệm
Chính trong sự đi tìm một lối siêu-lên này đã mở ra một mặt trận thứ ba, trong đó đáng chú ý có hai loại quan-niệm sau: một là sử khách quan của những người như Bergson và hai là lối hoà nhạc. Quan niệm Bergson lối biến dựng (Evolution créatrice) coi tiến-trình của vũ-trụ như cái gì hỗn-mang, bừa bãi, may rủi nên không phân ra được tiết-nhịp hay khuôn mặt nào cả như Toynbee bình luận: mouvenent of Universe as a chaotic, disordely fortuitions flus, in which there is no rhythm or pattern of any kind to be discerned. (Hist.13). Toynbee cho những người như Bergson không lặn sâu đủ vào tiềm-thức nên không thấy được khuôn mặt của cuộc diễn tiến Vũ trụ. Và khi trở lại dĩ-vãng không đủ sâu để kiểm soát, thì dĩ vãng cũng vẫn tự tiền-thức dâng lên cách lộn-xộn ấu-trĩ và thô-kệch: "and a mental pattern that is not consciously criticized is likely to be archaic, infantile, and crude (Hist.14). Vì thế thuyết Bergson nay không còn được ai theo nữa. Hiện người ta đang chú ý đến một loại quan-niệm khác gọi là của Âu-châu mới cũng có tên là quan niệm hoà-nhạc vì nó nằm hoà-hợp cái lợi của cả hai quan-niệm Âu-Ấn, nói theo ta là cả hàng ngang lẫn hàng dọc. Toynbee không phê-bình quan-niệm này mà chỉ nhận-định rằng tuy gọi là Âu-Châu nhưng truy căn ra thì nó là của Trung-Hoa nhằm bao gồm cả hai quan niệm trên trong tinh thần bổ-túc: lấy quan-niệm hàng dọc Ấn-độ để cắt ngang quan-niệm tây âu, khiến cho cả hai bổ túc nhau thay vì đẩy nhau.
"One of these two views in History, a structure like that of a Modern Western piece of music thougoh in origin, this view is not Western but is Chinese. In this Chinese view, History is a service of variations on a theme enunciated at the start, and this view cut across both the Judaeo-Zoroastrian view and the Indo-Hellenic, which are complementary to each other besides doing mutually exclusive. Hist.12.
Toynbee không đưa ra một tên tuổi nào đại biểu cho quan-niệm tân Âu này, nhưng chúng tôi không thể không nghĩ đến Teilhard de Chardin với con đường thứ ba của ông được mệnh danh là Tây Lộ: "Voie l'Ouest", mà then chốt là không chạy vòng tròn như kiểu Đông-Phương để chối bỏ cả hiện tượng, cũng không chạy ngang, nhưng là đi lối qui tụ (convergent) theo đường xoáy ốc để tới điểm Oméga thống nhất tất cả lại một mối, đó là con đường chống lại đông phương vì nó là đường huyền niệm tây âu trình bày tinh thần như sự phát huy của một vật chất càng ngày càng tinh hoa phức tạp để đạt thống nhất không bằng việc bãi bỏ phức-thể, nhưng bằng qui-hướng tất cả vào một. Đó không phải là một sự hoà hợp bằng trung gian thụ động nhưng bằng sự căng thẳng. "La route de l'Ouest s'oppose à la route de l'Est, mystique occidental qui tend à présenter l'esprit comme l'épanouissiment sur la matière complexifiée et òu l'unité s' obtient non par suppression mais par convergence du multiple, union de tension et pas de détente. Teilhard de Chardin par Claude Cuénot p.138.
Ý tưởng của Teilhard thật là tốt và đã lôi kéo được một số người chạy theo như Bergson lúc trước. Nhưng liệu rồi Teilhard có thành công chăng? Hay cũng sẽ bị đào thải như Bergson và bao thử thách trước kia? Đó là vấn đề không có ý bàn ở đây: chúng ta chỉ cần ghi nhận hai điểm: trước hết là Teilhard đã gọi hổ lốn là con đường đông-phương mà không chịu phân ra Trung hoa với Ấn độ; hai thực thể khác nhau trọn vẹn. Điều hai mới quan trọng biểu lộ sự đánh tráo của tác giả cho rằng tây âu đã có sự đúc kết (tây lộ) mà sự thực chưa hề có. Con đường mệnh danh là Tây-lộ chỉ hợp cho ước vọng của ông hơn là hợp với lịch-sử Tây-âu. Quả vậy, xuyên qua nền lịch-sử đó, ta dễ nhận thấy tính chất nhị nguyên phơi ra lồ lộ qua hai quan niệm thời gian luôn luôn chống đối nhau, một thời gian đường thẳng của Do Thái, hai là thời gian đường vòng của Hi Lạp; thế mà cho tới tận ngày nay hai yếu-tố đó mặc dầu đã ở bên cạnh nhau lâu đời, nhưng không hề có được đúc kết lại, mà chỉ sống lơ mơ theo những tạm-ước (modus-vivendi), tuỳ lúc thay đổi mỗi bên làm chủ một thời kỳ. Bởi chỉ là tạm ước chứ không có "cuộc linh phối" nên lịch-sử Âu-châu có hai thứ kỳ lạ; một đàng phớt tỉnh lịch-sử không coi lịch-sử ra cái gì hết: nhưng đồng thời lại coi lịch-sử như cái gì tuyệt đối. Vừa thờ sử vừa khinh sử, nên tình trạng đi trái hẳn chủ trương của Teilhard ở chỗ thay vì dung hợp cái hay của hai bên thì ngược lại cái dở của cả hai hầu như lãnh đủ. Dầu sao thì đây cũng là một mâu-thuẫn thường-xuyên mà trước khi tìm ra lý- do chúng ta cần khảo sát lại sự kiện.
5. Từ vô-sử tới duy-sử
Sở dĩ ngày nay Âu-châu nổi tiếng khoa-học trong lịch-sử là vì óc lịch-sử khoa-học được đặt nổi bật do sự phản động chống lại hai ngàn năm không có sử, hay nói đúng hơn có sử, nhưng là một thứ sử truyện-tích (anecdotique) dùng để giảng luân-lý, giảng thuyết-văn loại harangue của Tite-Live hoặc Hérodote, nghĩa là một loại văn-chương ngồi bàn giấy viết ra để làm văn, làm hùng biện (rhétorique) như ta viết lịch sử tiểu thuyết, hay tiểu thuyết có chủ đề; vì thế không bao giờ được dạy trong trường. Chương trình giáo dục không có sử (Xem Cửa Khổng tr.126). Việc đưa sử vào chương-trình học cũng là truyện mới chừng hơn một trăm năm nay và không phải là không gặp những chống đối mạnh. Thế-kỷ 18 nhóm Bách-khoa còn phải mệt công tranh-đấu cho việc này. Họ viết: "không biết vì lý do kỳ cục nào mà người ta không chịu dạy sử trong một trường nào. Ở ngoại-quốc, người ta nghĩ khác chúng ta, không có đại-học hay hàn-lâm nào mà không dạy sử công khai". Trưng theo Introduction aux Sciences humaines. Gusdorf. 181.
Chữ "ngoại-quốc" đây phải hiểu là Âu-châu nhất là hai nước Đức và Anh là nơi đưa sử vào chương-trình sớm hơn giăm chục năm, vì nhờ không bị gông cùm của Descartes. Le cartésianisme refuse à reconnaitre valeur au temps. Introd. 197. Vốn không chịu cho thời gian là có giá trị, nên không coi lịch sử ra gì.
Nói là Descartes, sự thực thì cả Âu-châu đều không có sử, vì quan-niệm thời gian đứng ngoài sự vật, không coi thời gian là chiều-kích của sự vật nên coi vấn đề sử không thể có (c'est qu'elle n'est pas possible parce qu'elle est nitée en valeur et en droit, le temps n'étant pas reconnu comme une dimension de l'être" Intro.195). Cũng vì thế mà cho tới thế kỷ 18, Triết-học và sử-ký là hai khoa hoàn toàn xa lạ, không biết chi nhau. Rõ ràng đó là ảnh hưởng triết- lý ngoài thời-gian hay là thời gian vòng tròn của Platon.
Nhưng có điều lạ là nó vẫn sống bên cạnh quan-niệm thời-gian chạy dài của Do-thái, dẫu rằng quan-niệm này đã được Ki-tô giáo sửa sai. Tại sao? Đây là lý do: dân Do thái là một chi tộc nhỏ sống bên cạnh những nước lớn như Egypte, Assyrie, Roma… nên hay bị uy hiếp. Trình trạng đó đã gây cho họ một tâm trạng luôn luôn căng thẳng của não óc bị thiết quân luật: liên miên trở thành căm phẫn với ngoại bang. Điều đó khiến tư tưởng của họ khuôn theo chiều kích rất nhỏ hẹp của nước họ. Do đó cái gì cũng trở nên nhỏ hẹp. Thời gian là 4 ngàn năm, Vũ trụ xuýt xoát là vùng đất Do-thái (hơn kém bằng vùng Ban-mê-Thuật) và chỉ có cái gì xảy ra trong địa vực ấy mới có giá-trị, ngoại giả đều như không có hay nếu có thì chỉ như đối tượng của thù hằn, oán hận. Họ luôn luôn mong có dịp báo thù, vì vậy mà họ chờ mong đấng-cứu-thế như một vị cứu-tinh dân-tộc với binh hùng tướng mạnh để đập tam quân thù. Đó là một quan niệm hàng ngang thế-tục sẽ bị Kitô giáo phản ứng mạnh mẽ với màu-nhiệm Nhập-thể của Ngôi Lời tức là Thường-Hằng đi vào thời-biến, nên là một đúc-kết hai bờ siêu-nhiên và cống-hiến rất nhiều may mắn cho nền triết-lý Hi-Lạp có thể đúc vũ vào trụ. Nhưng tiếc thay việc "đúc đỉnh" này đã không xảy ra. S. jean viết rằng "ánh sáng đi vào trần-gian mà trần gian không chấp nhận". Nếu nói theo lời ta thì là Trụ đi vào vũ nhưng không được Vũ tiếp nhận nên vũ trụ vẫn rời: Kinh Vĩ không có hoà hợp. Vì thế triết-học vẫn cứ thuộc thế tục ròng (sagesse de ce monde S.Paul) và cho đến đời Trung cồ quyển sách "Dẫn đàng cho những kẻ lầm lạc" (le guide des égarés) của Maimonide (thế kỷ 13) đã bị các nhà chức trách Do Thái ở Montpellier và Paris lên án gắt gao và phải đốt nơi công cộng, mặc dầu Maimonide là một triết-gia danh tiếng của Do Thái và được xưng tụng là Phượng Hoàng Tu-hội (l'aigle de sinagogue). Lý do sách bị đốt là tác giả cả gan trưng dẫn các tư tưởng gia người Hi Lạp.
Xem thế đủ biết sự xa cách của hai nền Văn hoá Do Thái và Hi Lạp đến độ nào. Dante vẫn còn xếp các triết-gia La-Hi như Socrate, Platon, Aristote vào vòng thứ nhất của hoả ngục trong sách Divine Comédie của ông. Chúng ta biết rằng Dante là một đại biểu cho tâm trạng thời Trung cổ, nên sự sắp xếp như thế chiếu giãi một tâm trạng chung thời đó tức là tâm trạng khinh khi triết học; tức cũng là quan niệm hàng ngang Do Thái coi rẻ quan niệm hàng dọc Hi-La. Triết-học bị khinh khi vì đã không được linh-phối với Thiên-thời. Không có linh phối mà chỉ có tạm-ước giữa Thường và Biến, giữa "tôn giáo và triết-học". Triết-học đã không đúc nổi không gian với thời gian nên vẫn kéo dài nhị nguyên.
Công hiệu đó về đàng triết-học sẽ là thiếu nền móng cho tới nay, thiếu hẳn chiều dọc (vertical). Về đàng tôn giáo vốn là một thực thể đứng riêng, nên về bản-chất có thể không hề hấn lắm, nhưng cách gián tiếp thì người tín-hữu sống trong bầu khí văn-hoá La-Hi cũng bị thiệt thòi: là vì triết-học đã được thâu nạp như con sen của thần-học (philosophia ancillae theologiae), vậy nếu con sen què thì nhà của chủ kém đi nhiều hiệu-năng trong việc cải hoá đời sống xã-hội. Mãi tới nay mới nghe nói thần học giấn thân, chứ ban đầu đạo đời xa cách. Chẳng hạn trong những thế-kỷ đầu tiên, chúng ta thấy tuyên dương lối ẩn-tu trên rừng sâu (loại thánh Simong cột, sống trên cột cao từng chục năm) biểu-thị một tâm-trạng xuất-thế, gây nên cho người qua sát ý tưởng sống ngoài lịch-sử… Hoặc như ngày nay biểu-lộ qua sự đứt khúc giữa chủng viện với đời sống (rupture entre le séminaire et la vie trong một số Etudes nào đó quãng 1945-8) hoặc sự rời rạc, thiếu liên hệ giữa các khoa thần-học, giảng-huấn, sách thiêng-liêng… tất cả đều là ảnh hưởng xa xôi do sự không đúc kết nói đến trên kia.
Do đó ảnh hưởng vào thế tục trở nên kém sâu xa, và vấn đề Đạo đi vào Đời chưa được giải quyết ít ra về phương-diện triết-lý nhân-sinh. Nếu có cuộc linh phối giữa tôn-giáo và triết-học thì chắc ảnh hưởng đạo vào đời đã sâu rộng và mạnh mẽ hơn nhiều và triết-học chắc đã sớm nối với lịch-sử và nhờ đó văn hoá Âu-tây chắc không đến nỗi vô hướng vô hồn như nay đẻ ra ba cái nọc độc lớn làm ô-uế nhân loại (kỳ thị, thực dân, cộng sản. Xem Triết-lý giáo dục bài khủng hoảng) làm văn hoá mà sai một li là đi một dặm như thế đó.
6. Từ duy-sử tới sử-tính
Tới nay thì Âu Tây đã truy nhận giá trị của lịch sử, sử học.
Sự nhận thức ra chiều-kích lịch-sử này xuất hiện do ba căn cớ sau:
Một là sự mở rộng không gian vượt biên giới Âu châu mở chân trời rộng ra hơn xưa vô kể. Hai là do sự mở rộng thời-gian do việc tiếp xúc với các nền văn-minh cổ-đại, với tiền-sử, do đó bao nhiêu những mốc mới cũ đều sụp đổ. Ba là hiện-tượng "đà-tiến gia-tốc của lịch sử": accélération de l'histoire. Về điểm này Michelet có viết: "Nhịp đi của thời gian đã đổi hẳn, nó chạy mau gấp đôi một cách kỳ lạ. Chỉ trong một đời người tôi đã chứng kiến đến hai cuộc cách mạng lớn mà trước kia có lẽ phải mất đến hai ngàn năm. Tôi sinh ra ở giữa lòng cuộc cách mạng đất đai (chiếm thuộc địa) và trong những ngày trước khi chết, tôi đã thấy hé dạng hừng đông cuộc cách mạng kỹ-nghệ". (intro.330).
Đó là ba yếu tố giúp cho người Âu tây nhận ra thời-gian-tính. Sự nhận thức này kéo theo sự nhìn-nhận ra sử-tính theo nghĩa là lịch-sử không phải là cái gì đứng bên ngoài con người, nhưng nó ảnh hưởng vào vận mạng con người, và như vậy những việc đã xảy ra và được ghi chép trong lịch sử không phải là những chuyện của dĩ-vãng, đã qua rồi là thôi, không can chi đến con người nữa; nhưng chúng vẫn còn ảnh-hưởng đến tương-lai con người. Do đó sử-ký mang theo sử-tính và không còn là sách đọc giải-trí kiểu truyện-tích nhưng trở thành cái gì cần thiết: và người ta nhận ra rằng vận-mạng con người không phải được điều lý theo cái hiện tại đời đời trên cõi lý-giới bên ngoài xã hội con người, nhưng phải tìm ngay trong bản tính đó đã biểu lộ dần xuyên qua nếp sống của con người theo chiều-hướng từ dĩ-vãng tới tương lai nên phải tìm hiểu trở lại dĩ-vãng cách trung thực để có thể quyết định được tương lai. Bởi vậy cần tìm hiểu cho thấu đáo dĩ-vãng của con người. Đấy là nhận định đã làm nảy sinh ra những khoa-học mới như khảo-đính sử-liệu, ngữ-ngôn-học, khảo-cổ-học, dân-tộc-học… và cũng vì thế mới nhận ra tính cách văn chương, huyền thoại của những sử-gia cổ-điển là không đúng. Vì thế mà có cuộc phản động lại bằng đẩy óc "khách-quan khoa-học" tới chỗ "duy-sử duy-kiện" quá trớn. Nhưng dầu sao thế kỷ 19 có thể gọi được là thế-kỷ của sử (18 của triết, cũng như 20 của người?) và từ đó triết học, siêu-hình-học cũng bắt đầu xuống khỏi vòm trời ý-niệm để đi vào đất của loài người (la métaphysique descend du ciel des idée sur la terre des hommes" Intro.251)
"Cũng như siêu-hình không còn được phép chỉ là sự đối-thoại giữa linh-hồn cô-tịch với một Thiên-chúa siêu-việt. Nhưng chân-lý phải đi qua toàn thể nhân-loại trải dài ra trong hết cả mọi không-gian và thời-gian" Intro.259.
Đối với văn hoá tây âu thì đấy là một bước tiến rất đáng kể, vì nó không chỉ là sự thêm lên những yếu-tố mới, nhưng là một sự hoán-cải ý-thức con người về chính mình nó. Con người không còn bị tiền-định từ ngoài, không một nghi-định ngoại khởi nào có thể bao-quát hết mọi khả năng con người; con người khám phá thấy mình bị ràng buộc vào một cuộc phiêu-lưu tập-thể, mà lời cuối cùng chưa được nói ra. "Từ nay con người khởi đầu công-việc tự mình tạo-dựng ra mình. Từ nay nó có khả-năng đóng góp vào việc xây-dựng đó, một việc sẽ nối tiếp từ thế-hệ nọ sang thế-hệ kia. Từ nay những việc khởi công này (như sửa đổi định-chế, luật-pháp) sẽ thêm lên nhiều và lòng mến Chúa xét như một động-cơ nhường bước cho sự tận-tình phục -vụ nhân-loại hướng theo sự hữu hiệu một cách có suy tính". Nói theo kiểu tôn-giáo thì đức bác-ái có hai chiều kích là mến Chúa và yêu người. Còn mấy thế kỷ nữa thì mới yêu thật, cái đó chưa thể biết. Thường thường người ta hay lấy cuộc cách-mạng Pháp làm như mốc giới đánh ghi bước đầu con người nhận-thức ra mình và như mở-đầu kỷ-nguyên con người trưởng thành, từ nay đã đủ khả-năng cải-thiện số-kiếp mình đều đều với nhịp của sự tiến tới vô cùng. Đó là một niềm hi-vọng mênh mông có cường-độ rất cao làm nảy ra óc tôn thờ khoa-học, triết-học, sử-học một cách tưng-bừng với những ý-niệm về thời-tính và sử-tính …
Chính vì đó mới có những thuyết sử-ký khoa học kiểu duy-sử… thuyết người làm ra lịch-sử và những lời chửi bới thậm tệ những thuyết thiên-mệnh, an bần, lạc đạo v.v…
Đúng chăng?
Chúng ta đã biết trạng huống hiện đại với những lo âu của nó (đọc lại bài khủng-hoảng trong triết-lý giáo dục). Ở đây cần ghi rằng sử-tính chính là tìm cho con người một ý-nghĩa, một chiều-hướng tiến. Ai tìm ra chiều hướng đó. Lúc trước là tôn-giáo. Sau đó đến khoa học. Ban đầu khoa học tưởng có đủ khả năng làm được như thời tôn thờ khoa-học. Đến nay khoa-học thừa nhận đó không phải phạm vi của mình, thế là thật ra còn có triết học. Mà triết học thì không ai chối cãi là nó chưa thoát cảnh thập-nhị sứ-quân. Chúng ta chỉ nhìn sơ qua vài đường hướng lớn còn lưu ảnh hưởng tới nay như của Hegel và Marx thì nhận ra điều đó. Hegel cho rằng khi lý trí con người đã nhận thức ra được đầy đủ và toàn diện về thực thể của mình, thì sẽ nhận ra mình là một Thượng-đế vong thân và đang hình thành khi nào con người nhận-thức được điều đó thì lịch-sử sẽ kết-thúc. Và lúc đó đang đi tới: Vì chim cú của thần Minerve đã xuất hiện, đó là dấu báo hiệu buổi hoàng hôn của lịch-sử nhân-loại… Với câu ấy ông ám-chỉ triết-học của ông (chim cú của Minerve) đã xuất hiện thì lịch sử cũng sắp ngưng! Hay ít ra về lược đồ lý-tưởng đã hoàn thành rồi. Tự hậu cứ thế mà theo y nguyên. Đó là sự tái bản (có sửa chữa ít chút) đường lối nhìn sử chạy dài của Do Thái. Nói theo Việt nho Hegel mới học được có quẻ kí-tế, mà chưa học được tới quẻ vị tế nên chỉ thấy có hàng ngang hoàn toàn duy tâm. Một chủ trương quá duy tâm như thế không thể không gây phản động được, và phản động đó đã được kết tinh trong Karl Marx. Ông này tuyên bố "tư-tưởng không là chi khác hơn là những sự vật chất đã chuyển sang và biểu diễn trong đầu óc con người. Chính đời sống qui-định ý-tưởng, chứ không phải tư-tưởng qui-định đời sống… Thế là từ đấy chỉ cần xem trong tương quan sản-xuất kinh-tế là biết được vấn đề. Thí dụ về người chỉ cần biết anh thuộc thành phần bần cố nông hay tiểu tư sản là biết trọn vẹn về anh… Đấy là lối nhìn khác trái ngược hẳn với Hegel không mong làm thượng đế mà chỉ cầu đủ ăn đủ mặc "các tận sở nhu".
Như thế thì sử tính là cái gì? Sử là sử của con người, nhưng người là chi, là con vật có hai chân hay là con vật đẻ ra để tăng gia sản xuất. Tóm lại có bao nhiêu đầu là có bấy nhiêu ý, rồi bấy nhiêu quan niệm sử-tính, vì sử-tính được qui-định theo bản-tính con người, mà bản tính con người được định-nghĩa lung tung một chiều là thế đó, cho nên vấn-đề sử-tính vẫn còn hoàn toàn bế-tắc.
7. Từ sử-tính đến sử-mệnh
Heidergger nhận xét sở dĩ có sự bế tắc như vậy là tại cho tới nay người ta chưa tìm hiểu thấu triệt về con người. Tất cả triết-gia đều dừng lại đợt lý trí coi con người là vật có khả năng luận- lý theo định-nghĩa Aristote, nhưng luận-lý thì chỉ là một thuộc-tính (propriété) ở vòng ngoài chứ không là một yếu-tố cấu-tạo nội-tính, do đó con người được định-nghĩa theo lối sinh- lý, kinh-tế, lý-luận như trên chỉ là vòng ngoài không đi vào nội-tình căn-cơ mà theo Heidegger gọi đó là tính-thể, thế mà cho tới nay con người được học như là một vật-thể (étant), nghĩa là một hiện-tượng hoàn toàn hàng ngang. Còn chính Hữu-Thể (Être) đã bị quên lãng, đến nỗi cả Thượng-Đế, linh-hồn cũng bị quan-niệm như là vật-thể. Các triết-gia bàn đến nhân-vị con người tràng giang (Husserl, Scheller) mà tuyệt nhiên không biết chi tới thân thế của nhân-vị. Như vậy làm sao hiểu được con người chân thực. Nói theo triết-đông con người chân-thực phải có cả hai yếu-tố: thiên và địa, mà đây đã bỏ mất yếu tố thiên (Heidegger gọi là Tính-Thể) thì đâu còn là người chân thực, mà đã không hiểu được người chân-thực thì làm sao nhìn ra chiều-hướng tiến của nó. Đã không tìm ra chiều-hướng tiến thì làm sao hoạch định nổi sử-mệnh.
Heidegger đem tiếng sử-mệnh vào sử là cốt đặt nổi tính-thể nơi con người bị quan niện thiếu chiều kích siêu-việt. Sử-ký không phải là sử-mệnh, vì sử-ký chỉ lo ghi chép những biến cố đã qua, rờ-rạc thiếu liên hệ nền-móng. Đó là quan niệm sử đi với thời gian theo lối thường nghiệm (histoire diachronique, ou évementielle) tự Socrate tới Bergson… nó chỉ biết có dĩ- vãng mà thôi. Các triết gia có cố gắng đưa các quan niệm mới vào sử để bao gồm cả dĩ vãng, hiện-tại, tương-lai, nhưng chưa đủ gọi được là sử-mệnh, vì chưa đạt quan niệm tính-thể là thời gian. Thời gian là tính thể: cả hai là một, nên chưa đạt sử mệnh với chiều kích tâm linh, còn coi tất cả mới là étant mà chưa thực là Être, "nên vẫn chỉ là một thứ lịch-sử phần-mớ, thiên-tư và thiên-lệch": "De là une histoire partielle, partiale et partisane qui manque totalement d'historicité". Intro.526. Cho nên hễ ý-kiến nào không hợp quan-niệm của mình thì chỉ biết khai trừ mà thôi… Như thế các triết-gia cũng như các triết-sử-gia tất cả còn dừng lại ở đợt nhì của sử tính với thời gian chạy dài. Muốn có sử-mệnh thì phải đạt quan niệm tính thể với thời gian nối kết, bao gồm cả hiện-tại, dĩ-vãng, tương-lai với sự trống rỗng ý-nghĩa tức không nên dùng lý-trí đem ra một ý-nghĩa tiền-chế rồi bắt lịch-sử khuôn theo, nhưng phải siêu vượt hẳn để đạt đến tính thể mới là chốn uyên nguyên của sử-mệnh.
Đọc triết tây ta thấy các tác-giả thành-công về mặt đả phá nhiều hơn là phần xây đắp. Heidegger cũng thế, nhưng có điều đặc biệt là ông cố gắng xây-dựng lại trên nền móng nhất-nguyên tức thoát ra khói đối kháng của đôi bên: không chọn một bỏ một. Cho tới nay các tác- giả chỉ biết đứng trên cùng một bình-diện với đối-phương, chẳng hạn ông duy tâm thì tôi duy-vật, ông nói có tôi nói không… như vậy là còn trong đối kháng của nhị-nguyên. Heidegger cố tránh điểm đó bằng cách không dừng lại trên đối với kháng… Nhưng cố đi vào bình diện mà ông gọi tính thể. Đó có thể là bước thành công quan trọng để gắn Không-Thời lại một, và do đó giải quyết được cả vấn đề sử-mệnh. Vì hễ đúc Thời Không xong mới giải quyết xuôi vấn đề sử-mệnh cũng như các vấn đề khác.
Đây là lần đầu tiên có truyện như thế trong làng triết lý Âu-tây: cho nên Heidegger mang một khuôn mặt đặc biệt phần nào tương đương với Einstein bên khoa-học. Và nếu sau Einstein khoa học không thể suy tư theo lối nhị nguyên một chiều như vậy. Ấy là nhìn vào những phần tử ý-thức mà bàn, chứ còn lũ đàn em còn lếch bếch đàng sau vô kể.
Đó là đại để vài mối liên-hệ giữa Heidegger với vấn đề Thời gian và sử-mệnh. Và đó cũng mới chỉ là vài bước đầu sửa soạn cho các thế hệ đang lên như ông thường nói, chứ chưa phải là đạt Đạo, vì thế chúng ta trở lại với quan niệm Việt nho.
8. Sử-mệnh theo Việt nho
Để dễ nói về quan niệm Việt nho chúng ta hãy trở lại những trang sách của Toynbee đã bỏ dở ở triệt một. Nhân bàn đến quan niệm Trung-Hoa ông có phê phán mấy lời sau:
" Quan-niệm Trung-Hoa giống quan-niệm Hi-Lạp trong cả hai điểm: vừa lặp lại (vòng tròn) vừa không duy-ngã độc-tôn. Thế hệ của tôi ở đây và bây giờ cảm thấy không có giá trị chi hết (1) so với thời cổ-điển mà gương mẫu của họ được coi như dạng-thức tuyệt-vời cho các thế-hệ về sau trong mọi trường hợp. Điều hay nhất ta có thể làm để mình bớt xứng với tiền-nhân là cố rập theo rất đúng khuôn-mẫu ghi trong văn-chương cổ-điển.
" Đàng khác quan-niệm Trung-Hoa cũng giống với quan-niệm Judeo-Zoroastrian theo lối ngôi-vị, nghiã là lịch sử có ý nghĩa. Sự lặp lại những gương mẫu cổ-điển không phải là một hậu-quả máy móc do một Luật-tắc vô-ngôi-vị, nhưng là một động-tác có ý-thưc và suy-tính, tuy được ngẫu hứng bởi sự thán phục người xưa, nhưng được hoàn-thành bằng tinh-thần cố-gắng."
"Những người Viễn Đông nào đã khảo-sát xuyên qua quan-niện của Do-thái và Ấn-Độ và đối chiếu với quan-niệm của họ, chắc sẽ nhận ra chiều-hướng riêng biệt của quan-niệm họ thâu gồm được cả hai cái hay của Ấn-Độ cũng như của Do-Thái nhờ hai đặc tính thâm-sâu và tế-nhị. Quan-niệm này cũng như quan-niệm của Hi-Lạp đã khởi hứng cho những công-trình lớn trong văn-chương, lịch-sử và có lẽ bên dưới lớp áo hời hợt hiếu-kỳ của cộng-sản, thì quan niệm đó tới năm 1956 vẫn ngự trị trong tiềm-thức của gần một phần tư loài người. Nhược-điểm của quan-niệm này ngược với hai quan-niệm Do-thái và Ấn-độ là có cổ hủ, ngông và tĩnh-chỉ." Hist 12.
Phê bình
Nhận xét của tác-giả hợp với quan-niệm hàng ngang của Judeo-Zoroastre. Điều đó là chính cốt và nó là một kiện-chứng vô-tư cho những suy-tư của chúng ta về cơ-cấu thời-gian lưỡng diện của Việt nho và đó là chỗ nhận-xét tài-tình của tác-giả. Vì có lẽ tác-giả là người duy nhất nhìn sâu đến độ đó.
Tuy nhiên tác-giả chưa vượt qua được những ý-nghĩa thông-thường do sự khảo-cứu hời hợt của các học-giả và thường được người ta lắp lại như những chân-lý đã được chứng-minh. Vì thế chúng ta cần bàn sơ qua vài điểm cuối cùng là tĩnh, ngông, cổ.
1) Trước hết tác-giả cho đó là quan-niệm tĩnh-chỉ (Statique). Điều này không đúng. (Xin coi lại bài Triết-lý Đông phương đông ở tập: Những dị biệt … ) và bài Điều chỉnh mấy quan-niệm… trong "triết-lý giáo-dục". Sinh-viên nên đọc để có một ý-niệm xác-thiết. Ví nền văn-hóa của Việt nho: tĩnh mà động, động mà tĩnh: hễ nói một bên là sai, khỏi lý chứng dài dòng, chỉ cần nhấn mạnh đến cảm quan sử của người Trung Hoa cổ đại vượt xa các dân khác thì đủ biết là nó rất rộng. Giáo sư Creel cho rằng không dân nào yêu sử cho bằng người Trung Hoa (anissance p.246). Needham cũng cho là người Tàu trội vượt về óc sử hơn bất cứ dân nào (Need. II 289) v.v… ông cũng nhận xét người Hi-Lạp thua Tàu cả về địa dư (id390).
2) Ngông (epimetheam): Epimethée là anh em với Promethée nghĩa là cùng dòng máu chống đối trời. Xin coi lại quyển: "Nhân bản" triệt độc-lập nhưng không cô-lập… Gigantesque et non titanesque (Titan là tên họ của hai anh em Prométhée và Epimethée) sẽ thấy có lẽ ngông nhưng không phải ngông cuồng kiểu ngang tàng nhưng là ngông kiểu Tề thiên đại thánh trong tinh-thần: "Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh. Trời đất in ta một chữ đồng".
3) Cổ-hủ: Cái đó thì chỉ là lối sống lười lĩnh thường-nghiệm, mà không phải chu-trương triết-lý là chủ-trương " ngày ngày mới": nhật tân kỳ đức ** (quẻ Đại Hữu) với tinh thần Kinh Dịch, với "tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai". Sở dĩ Toynbee đã hạ chữ cổ hủ (archaique) là vì đời ông chưa ý thức hẳn được chiều kích hàng dọc của lịch sử (histoire synchronique) là cái vô cổ vô kim (intemporel, nhưng đi với mọi đời, bởi vì nó nói đến những sơ nguyên tượng (archétypes) chưa mặc lốt trần ai hãy còn "vô bổn phiêu giả" thì làm chi có thể "cổ hủ". Vì thế tác giả cũng đã lầm khi bảo là giống quan-niệm Hi-Lạp vốn là nền triết-lý tĩnh-chỉ cứng đọng, lại được kiện-chứng bằng óc bất-tương-dung của Platon đã ghi lại rành rành trong "Les Lois" để đặt ra luật tắc cho mọi thế hệ phải tuân theo.
Ngược lại ở đây là Cổ-Truyền theo nghĩa Truyền-Thống với cái khuôn-thiêng lý tưởng như chúng ta phải phân tách trong phần hai. Cái tinh thần đó là như thế này: "Thiên-lý tại nhân tâm", vậy anh hãy trở lại với lòng mình để tìm ra mẫu mực. Nhưng vì "nhân tâm duy nguy" dễ trở nên chủ quan vì thế mà đưa ra một số gương mẫu như Nghiêu, Thuấn, Vũ-Văn… để có cái gì cụ-thể giúp cho những bước đầu. Những thánh-hiền đó chỉ nên coi là hướng-đạo, còn cùng-tột-chân-lý vẫn phải là ở mình: như lời tuyên bố sau đây của Vương Dương Minh một đại diện của Việt nho:"Thiên Thánh giai quá ảnh. Lương tri nãi ngô sư" ** "Ngàn thánh đều là cái bóng đã qua, chỉ có lương tri của mình mới là ông thầy chân thực cho mình". Như vậy không thể bảo giống với Hi-Lạp cho mình không có giá-trị gì (no worth).
Đó là điều Toynbee không nhận ra cũng như các học giả khác kể cả người Đông-Phương. Sở dĩ như vậy là vì đã quên lãng đi cái Gương-Mẫu Tối-Sơ, cái linh-tượng của Đại-tượng tiên-thiên kia và vì thế mà phải dành cả phần nhì cho việc mổ xẻ này, để chứng tỏ rằng đó mới là nơi chốn uyên-nguyên của Thời tính cũng như của sử-mệnh, tức là sứ-mạng của một con người cũng như của một dân nước đã được ghi vào thâm-tâm con người. Sử mạng của con người là mỗi ngày phải trở nên người hơn, mỗi "tận kỳ tính" hơn: avoir toujours plus de l'humanité! Mỗi đi sâu vào Thái Thất là bản tính của con người muôn thuở.
Rồi đây các bạn sẽ được dẫn vào ngôi nhà "Thái Thất" đó để nhìn ngắm các cơ-cấu uyên chi phối mọi vấn đề triết-học; trong đó vấn-đề Thời gian giữ vai trò nổi bật, vì thế mở đầu Kinh Thư là Thiên Nghiêu Điển nói về việc sai anh em Hi Hòa đi ngắm thiên-văn để thiết lập lịch pháp. Xưa nay chương này vẫn bị đọc trượt qua mà không ai ngờ rằng Hi có nghĩa là nuôi, là tài bồi săn sóc, còn Hòa là Hòa hợp, Hỗ-tương, vậy cần phải nuôi nấng tài bồi cái nền móng Thái-Hòa bằng cách nối Nhất Thời với Muôn Thuở như trong Thái Thất thì sẽ tìm ra đáp số cho vấn-đề sử-mệnh, có thế thôi! Nhưng vì không nhận ra, nên lịch-sử loài người "chỉ còn là câu chuyện râm ran nhộn nhịp om sòm nhưng không có mạch-lạc chi hết; vì do một thằng điên kể". Người điên thiếu liên-tục, con người duy-sử cũng giống nhà bác-học cận thị nọ căn cứ trên xác rắn đã lột mà cố tìm hiểu về con rắn. Với họ lịch-sử có ba chiều: thời-gian, không- gian và căn-do, thiếu mất chiều thứ tư là Mệnh nên không thể vượt qua những dữ-kiện thường nghiệm để thấy mối quán thông, cái nguồn gốc uyên-thuyên vậy.
Chữ Thời ( Triết Lý An Vi )
Nội dung
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Đoạn kết